Bình Nguyên Lộc 

NHỮNG ĐỨA CON THƯƠNG CỦA ĐẤT MẸ

Họ gặp nhau trong mùa nghỉ mát năm ngoái, và hôm trước tết, họ bàn tính với nhau là hết mùa nghỉ mát năm nay, họ sẽ làm lễ thành hôn với nhau. Đời bây giờ mà để ra tới những mười hai tháng để tìm hiểu nhau thì quả cặp Tuấn – Lucie Minh dè dặt có một không hai. Chỉ hơi phiền là hôm lễ Phục sinh hai người đi hai ngả: Lucie Minh lên Đà lạt, còn Tuấn thì đi Vũng tàu. Tại mỗi người, ai đều có hứng riêng của nấy, mà không ai có bổn phận phải chiều ý ai trong một việc không đáng kể như vậy. Vả lại, cả hai, không ai trẻ con cả thì không thể vì thế mà họ giận nhau. Nói “chỉ phiền” là vì đó là nguồn gốc của sự đoạn tuyệt của họ về sau nầy.

Hôm ấy Tuấn ra tới Vũng tàu thì đã bốn giờ chiều. Tắm cái đã rồi hẵng hay. Chàng tắm cho đến năm giờ rưỡi, lên giải khát, xong đâu đó mới đi thuê buồng khách sạn. Không còn buồng nào cả. Nhưng anh con trai nầy không lo, cứ ăn cơm tối cái đã “rồi hẵng hay”. “Rồi hẵng hay” là câu châm ngôn cửa miệng của Tuấn, mỗi lần có gì giải quyết không được, chàng dẹp nó lại, làm việc khác hoặc đi chơi, sau khi nói mấy tiếng ấy, nói to lên, hay nói thầm với mình.

Chàng không lo, không phải chàng có thể ngủ trên bãi cát như bao nhiêu người khác. Đó là những người ra đây bằng xe nhà, có thể mang theo những tấm bố lớn để trải ra mà nằm lên đó, chớ chàng thì chàng chỉ có một chiếc va-ly con đựng mu-xoa, một chiếc sà-roong, bàn chải đánh răng, hai chiếc áo tắm, và cái khăn bông. Y phục, chàng chỉ có một bộ trên người may bằng vải không nhầu, như vậy cho nhẹ bưng xách dọc đường. Tuấn không lo vì trong thành phố, ngoài mấy mươi khách sạn mang bảng hiệu và có đóng thuế môn bài, còn mấy mươi biệt thự của tư nhơn, của những ông nhà giàu suy sụp, họ biến thành phòng ngủ lậu ngôi biệt thự của họ, và thế nào chàng cũng sẽ tìm được một buồng, một cách dễ dàng, nhờ bọn trung gian chuyên môn là mấy anh phu xích-lô.

Quả thật thế, ăn cơm rồi, Tuấn thuê ghế dài mà nằm hóng mát cho tới lúc việc tiêu hóa gần xong mới thót lên một chiếc xích-lô đạp, nói lên ý muốn của chàng là anh phu xe “ô-kê” ngay. Mấy anh nầy nhận tiền thưởng phòng ngủ lậu ở đây, nên họ rất thạo tin tức, biết số buồng trống từng giờ, từng phút. Tuy nhiên đó là những kẻ nguy hiểm mà mười lăm phút sau Tuấn mới biết. Anh phu xe nầy đưa chàng tới một nơi rất là bê bối. Đã khuya rồi chàng đành nhận vậy, vả tìm anh phu xe khác, sợ anh ta còn lưu manh hơn anh nầy thì hóa ra chạy ô mồ mắc ô mả.

Cái nhà ngủ lậu nầy ắt hẳn cho hoa hồng nhiều lắm và chắc chắn đã có nhiều người đi nghỉ mát rơi vào cạm bẫy rồi. Đó là một ngôi biệt thự xưa, một trụ cổng xi-măng đổ nát, rất có vẻ hoang tàn, trụ còn đứng vững mang một tấm bảng nhỏ đề chữ “Biệt thự Mỹ Phúc”. Tuấn chợt nhớ đến cái nhà mát của hội “bảo vệ luân lý” mà năm xưa chàng leo thang lầu thì cái thang rung rinh mà cả ngôi nhà cũng rung rinh tuốt. Được cái là “biệt thự Mỹ Phúc” không có lầu nên chàng an dạ rằng cho tới ngày về Sài gòn, giò và tay, cổ chàng sẽ còn nguyên vẹn vì khỏi lo nhà sập như cái nhà mát say rượu đằng kia. Ở đây, buồng người ta lấy trăm rưởi mỗi ngày, kể ra thì rất mắc đối với buồng khách sạn có đủ mọi tiện nghi mà chỉ phải trả có hai trăm rưởi thôi. Nhưng thôi cũng được. Sự im lặng hoàn toàn ở đây an ủi Tuấn dữ lắm. Sân rộng có trồng nhãn, các buồng thì đóng cửa kín mít và không nghe tiếng động, nhà lại chỉ cách bãi biển có hơn trăm thước thôi. Bồi phòng là một phụ nữ lai căng, cha Phi châu, mẹ Việt nam, ăn nói văn hoa như tiểu thuyết ba xu, nhưng Tuấn lại nghe hay hay. Không có gì buồn cười bằng một người nước da đen huyền, tóc quăn quíu một cách tự nhiên, đôi môi dày như hai chiếc bánh trôi nước, đôi hàm răng lại trắng như bột, mà nói “Trong trường hợp có gì làm thầy không được thỏa mãn, xin thầy cứ khiển trách em để em sửa sai”.

Sáng ra, Tuấn dậy rất trưa, sắp sửa đi tắm và ra khỏi buồng chàng thì chàng thấy rất đông quân nhân Huê kỳ từ nhà nầy đi ra. Sự kiện nầy cắt nghĩa ngay vẻ im lìm đêm rồi. Tuấn rất biết phong tục của người da trắng, họ rất lịch sự ở những nhà chung cư, đóng cửa kín mít và nhất là đi đứng, nói năng thật nhẹ, sợ mích lòng láng giềng.

Thình lình Tuấn nghe xây xẩm mặt mày, rồi chàng choáng váng, lảo đảo muốn ngã. Chàng vội vã trở vào phòng mình nằm. Tuấn bị chứng áp huyết thấp từ mấy tháng nay, nên cơn khó nầy không làm chàng hoảng. Chàng sẽ uống thuốc, uống cà phê đen là khỏi ngay. Tuy nhiên, dầu sao cũng phải nằm cái đã, “rồi hẵng hay”.

Lạ quá, ngôi biệt thự lặng lẽ như chùa Bà Đanh từ hồi đầu hôm tới giờ, bỗng nhiên hóa thành một cái chợ, và tiếng phụ nữ nói líu lo ngoài hành lang, gọi nhau, đáp nhau từ buồng này qua buồng khác, khiến Tuấn bực mình quá: đến lúc cần yên tĩnh để nghỉ ngơi thì thiên hạ họp chợ. Chị bồi phòng da đen bưng vào cho chàng một bình trà nóng rồi hỏi:

– Thầy uống cà-phê không, em đi mua cho?

– Đáng lý thì không, tôi sắp sửa đi uống ở ngoài, rồi tắm luôn thể, nhưng giờ, vì một lẽ riêng, tôi lại cần cà-phê đen. Vậy chị mua giùm tôi năm đồng. Đây, lấy mười đồng đây rồi cất luôn tiền lẻ mà ăn bánh.

Tuấn uống thuốc với nước trà nóng, và nằm nghỉ nên năm phút sau thì nghe đỡ. Chị bồi phòng cũng vừa về tới nơi, và ly cà phê đậm nầy sẽ làm cho áp huyết của chàng lên tới mực thường. Chàng khoan khoái ngồi dậy rồi hỏi:

– Ai mà làm ồn như vỡ chợ vậy chị?

– À, mấy cô!

– Mấy cô nào?

– Mấy cô vợ Huê kỳ ấy.

– Có tất cả tới bao nhiêu cô lận?

– Nhà nầy ngăn ra làm mười bốn buồng, mà có tới chín ông Huê kỳ có vợ, mướn tháng.

– Hèn chi! Họ mướn tháng có cao giá lắm không?

– Hai ngàn rưởi.

– Thôi, cám ơn chị, tôi không còn cần gì nữa cả.

Uống hết ly cà-phê, Tuấn ngồi một hơi thì nghe trong người trở lại bình thường. Nhưng chàng lại bực mình hơn. Khi nãy, đi qua các phòng đóng cửa, chàng nghe từ phòng nào cũng vẳng ra tiếng dạy bài học Anh ngữ đọc chậm, của máy thu thanh. Nhưng giờ thì cả chín cái máy thu thanh ấy đều thi đua hét to lên bài ca Vọng cổ trào lộng do nghệ sĩ Văn Hường ca. Tuấn vốn không ưa Vọng cổ vì điệu nhạc ấy buồn thảm quá, mà nhạc buồn lại ca bằng lời giễu cợt thì nó chói tai chàng không biết bao nhiêu. Nhứt là vì các chủ máy thu thanh lại mở hết cường độ, và có lẽ đã mở hết cửa buồng ra, nên nó ồn như chợ Cầu ông lãnh.

Để trốn không khí điên loạn nầy,chàng quyết định đi tắm. Khi Tuấn ra tới đầu hành lang thì một cảnh tượng bắt chàng dừng chơn lại: Chín cô me Huê kỳ đang xúm xít ăn chả giò với lại ăn bánh xèo điểm tâm mà hai chị hàng rong gánh vào nhà lúc nào chàng không hay. Các cô ăn chả giò, cô nào cũng ngốn rau xọp và rau chiết, độn no hai má, y như là loài khỉ, còn các cô ăn bánh xèo thì chảy nước mắt sống với lại le lưỡi vì nước mắm chanh làm riêng để ăn bánh xèo rất cay, cay như cà-ry Ấn độ chứ không phải vừa. Tuấn bật cười, đứng nhìn các me ăn rồi hỏi:

– Có ngon không quí cô?

Không có me nào đẹp cả. Nhưng tất cả đều thạo ma-ky-dê, thạo ăn mặc, nên trông cũng dễ coi. Họ cười đáp :

– Ngon ghê đi. Mời thầy ăn thử.

– Cám ơn quí cô. Nhưng sao quí cô không ăn với các ổng?

– Úy mẹ ơi, ai mà ăn với tụi “nó” cho được. Nó ăn sáng tợn lắm, ăn nhiều nhứt trong các bữa ăn trong ngày, mà chỉ ăn toàn đồ hộp thôi, tụi tui nuốt hổng vô.

– Té ra vợ chồng ăn riêng với nhau?

– Chỉ riêng có bữa sáng nầy và bữa trưa thôi.
– Trưa cũng ăn riêng?

– Ừ, trưa tụi “nó” không về, tụi tôi ăn cơm tháng của chị bồi đen.

Từ nãy giờ, nhiều cô thay phiên nhau mà đáp các câu hỏi của Tuấn, nhưng cô nào cũng gọi chồng bằng “nó” cả.

– Còn buổi tối? Tuấn hỏi.

– Buổi tối thì tụi nầy buộc lòng phải ăn chung với tụi nó, nhưng cũng nuốt không vô, nên tụi nầy nhõng nhẽo đòi đi ăn tiệm ở ngoài. Đồ tây ở các hiệu ăn thì tạm nuốt được.

Tuấn mặc áo tắm. Vì nhà gần bãi nên chàng ăn mặc như vậy để khỏi mất công thay, không đoán trước được rằng phải ghé lại để nói chuyện với phụ nữ. Nếu như ở ngoài bãi thì không có gì đáng nói, nhưng ở đây, ăn mặc như vậy trước những người đàn bà áo quần kín đáo thì vô lễ lắm. Thoạt tiên, chàng rất ngượng, nhưng vì chàng khinh rẻ me Huê kỳ cũng như đã khinh rẻ me Tây trước đây, nên rồi chàng dễ chịu được như thường. Cả chín cô đều vui vẻ và đều thích nói chuyện với chàng, nên chàng lại hỏi:

– Cả ngày quí cô làm gì? Có buồn lắm không?

– Buồn bỏ mẹ! Đánh tứ sắc để giết thì giờ, nhưng đánh hoài cũng phát ngấy lên.

– Như vậy, chắc quí cô mong đợi các ổng từng giây, từng phút?

– Đâu có, bồ! Cái cô tương đối đẹp hơn hết trong bọn đáp như vậy. Lũ nó về, tụi nầy còn khổ hơn.

– Chàng về thì chàng cưng mà lại khổ, bồ nói khó tin quá! Không yêu chàng à?

– Bồ không biết, chớ khổ bỏ mẹ đi. Có lũ nó thì sáng với lại tối phải học Ăng-lê đọc chậm…

– Thì phải học mới tâm tình với nhau được chớ!

– Đâu có cần. Tụi nầy chỉ biết bốn tiếng là đủ sức làm ăn.

– Bốn tiếng nào?

– Tiếng Yết, tiếng Nô, và hai tiếng Đô-la, Ô-kê.

– Đô-la Ô-kê là gì?

– Là lu bù thứ. Chẳng hạn: anh có tiền không? Và chẳng hạn: anh cho em tiền được chớ? Bồ dư biết rằng muốn theo các bài đọc Anh ngữ đọc chậm, phải có căn bản tới mức nào đó, chớ tụi nầy mít đặc, làm sao theo được.

– Hình như là bồ chưa kể hết mọi nỗi khổ?

Họ xưng hô với chàng bằng “bồ”, Tuấn không buồn thay đổi, và ăn nói theo họ để gây tín nhiệm hầu được họ tâm sự nhiều.

– Ừ, chưa hề. Còn cái nạn đóng cửa nữa. Mình quen ở nhà tranh, nhà lá vách vỉ tre đan, trống trơn rất dễ thở, chúng nó giữ mình trong buồng kín mít, mình sẽ chín như trái cây mất. Mà bồ đừng tưởng là lũ chúng nó ghen, sợ bồ thấy dung nhan cá đắm nhạn sa của tụi tui. Không, tại phong tục của lũ nó như vậy. Lũ nó bảo rằng để cho người ta thấy cảnh sống thân mật của mình là vô lễ mà rủi ro thấy cảnh sống thân mật của ai cũng vô lễ nữa. Bồ có nhớ hay không rằng hồi hôm, bồ tới, quên đóng cửa buồng lại, thằng chồng của con Cúc nó phải đi ngang qua buồng của bồ, nhưng không dám đi, phải đánh một vòng thật lớn để tránh cái cửa mở của bồ.

Quả Tuấn nhớ có nghe tiếng giầy đi tới gần cửa buồng chàng rồi dừng lại, do dự vài giây, đoạn thối lui.

– Ừ, tục đó thì tôi biết. Mà đó là nếp tốt của họ, bồ rán mà theo.

– Ai thèm rán mà theo. Cứ mở banh cửa ra có phải dễ chiu hơn không.

– Còn nỗi khổ nào?

– Lu bù, nói sao cho hết. Khổ nhất là nhạc, phải nghe nhạc của lũ đó. Tụi nầy chỉ mê Vọng cổ của đài Sài gòn thôi, còn lũ nó thì vặn bắt nhạc trời đánh của đài nào không rõ, điếc tai, nhức óc quá trời. Lũ nó ngu ngốc lắm. Sắm ra-dô thì sắm thứ lớn, nhưng mở nghe nhạc thì mở thật nhỏ, làm như là sợ láng giềng nghe trộm hết nhạc của lũ nó.
Tuấn bật cười, rồi cười ha hả rất dài. Thì ra bọn nầy trả thù đây: ăn bánh xèo với nước mắm chanh ớt để trả thù thịt đóng hộp, mở bét cửa ra để trả thù tục bế môn,và cho ra-dô hét to bản Vọng cổ để trả thù sự thầm thì của nhạc đài. Một cô, nãy giờ rất ít nói, không đẹp, nhưng có cái gì đặc biệt vô cùng, rất khó tả ra, bây giờ mới mở lời:

– Thầy có xem cái phim gì mà câu chuyện xảy ra ở Ấn độ trong có động đất dữ dội, có nước lụt, có săn cọp hay không?

– Có, đó là phim “Gió Mùa”.

– Trong đó, một kép Huê kỳ hỏi một kép Huê kỳ khác, khi họ nghe một giàn nhạc Ấn độ đại tấu:

– Nhạc gì mà kỳ lạ như vậy?

– Ừ, anh phải nghe suốt năm trăm năm mới thưởng thức được nhạc của họ. Ấy, tụi em cũng vậy, chắc phải nghe suốt năm trăm năm mới thưởng thức được nhạc Huê kỳ.

Cơn cười của Tuấn, vốn tiếp tục với một độ thấp hơn, trong câu chuyện của cô nầy, vụt tắt hẳn. Chàng chợt nhớ tới Lucie Minh rồi giật mình, sợ hãi. Những cô me Huê kỳ mà chàng khinh rẻ, nghĩ ra, gần gũi với chàng không biết bao nhiêu. Chàng tìm một tâm hồn bậu bạn, và dĩ nhiên tâm hồn ấy phải là tâm hồn Việt nam. Những cô me Huê kỳ nầy nguyên trước kia là những cô gái cắt cỏ, những cô thợ cấy, thợ gặt, những cô gánh nước thuê, nên trí và lòng họ hoàn toàn bưng bít với những gì ở ngoài vào, và có ăn ở với những ông Huê kỳ hai mươi năm nữa, chắc họ cũng không chịu được nhạc Jazz. Họ là người Việt nam một trăm phần trăm, trước kia, bây giờ, và mười năm nữa. Lucie thì khác hẳn. Lucie đã bị Âu hóa đậm quá đi rồi. Nàng không ngửi được Vọng cổ mà chỉ mê những điệu Blues, điệu Rock mà thôi.

Ngày xưa, ở Hà nội có một nhà trí thức đi tây học từ thuở lên mười. Ông ấy đỗ đạt rất cao, và thấm nhuần văn hóa Tây phương cho đến đỗi khi nghe ai đọc lên tên chàng Ulysse, ông ta rung động sâu xa và cả một quá khứ Hy lạp, La mã, vụt sống dậy trước mắt ông ta, trong khi đó thì ông ta hoàn toàn dửng dưng khi nghe ai ngâm:

Bến Tầm dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu…”

Văn hóa ảnh hưởng đến con người nhiều quá, nhiều hơn là cuộc sống chung lâu năm chầy tháng nữa. Lucie quả là một con người “Cốt-mô-pô-líc”, không ngạc nhiên trước món ăn ngoại quốc nào, trước loại nhạc Âu Tây nào, trước phép lịch sự quốc tế nào cả, chỉ nhờ nàng đã học nhiều quá. Học nhiều quá rất lợi cho người học, mà có thể cho nước nhà của người học nữa, nhưng y khó lòng mà còn nguyên vẹn là y.

Trước đây Tuấn thích Lucie ghê lắm vì Lucie biết thưởng thức bản “Nhạc buồn” của Chopin y như chàng, chàng quên mất rằng chính vì chàng bị Âu hóa nên chàng rất cần một người bạn đời có tâm hồn Việt nam để bù qua, cấn lại, giữ thế quân bình cho con cái chàng đỡ mất gốc phần nào.

Tuấn nhìn lại cô me Huê kỳ vừa nhắc đến phim “Mousson” với điệu nhạc Ấn độ phải nghe năm trăm năm mới hiểu. Chắc chắn nàng là một cô thợ gặt ở Cần thơ hay Sa đéc gì đó; cách đây mười năm, trôi giạt lên Sài gòn, làm sến năm năm rồi thì giờ làm me Huê kỳ. Mười năm chung đụng với văn minh, nàng chỉ thu nhận được có hai món: tóc phi-dê và đôi giày cao gót. Chỉ vì, chỉ nhờ nàng thiếu học chăng? Làm thế nào mà cô me Huê kỳ nầy cảm được văn minh Đia trung hải, cũng như làm thế nào mà Lucie cảm được tứ đức, tam tòng?

“Một cô giáo làng ở một thôn hẻo lánh tỉnh Vĩnh bình có lẽ hợp với mình hơn là Lucie. Cô giáo ấy không dốt như cô thợ gặt me Huê kỳ nầy, nhưng, y như cô nầy, cô ấy là đứa con thương của đất mẹ, giống hệt mẹ cô, mà đó là người bạn mà mình tìm kiếm”. Kể từ cái giây phút nầy đây, Tuấn hết khinh rẻ các cô me Tây, các cô me Huê kỳ, họ tuy lăng nhăng thế mà họ vẫn cứ còn là người Việt nam một trăm phần trăm, khác hẳn với các cô nữ sinh thơm phức mà lại thấm nhuần văn minh Địa trung hải, mà lại rung động sâu xa khi đọc Illyade và Odyssée.

Chàng mỉm cười hỏi:

– Nếu có ông Huê kỳ nào cưới cô nào trong quí cô để đưa về bên ấy, các cô làm thế nào mà quen được với…

– À không, tụi em chỉ làm vợ tháng các ổng mà thôi rồi về sau thế nào cũng lấy chồng Việt nam chớ, nếu còn có người Việt nam chịu lấy tụi em làm vợ.

Rồi các cô cười xòa, tỏ vẻ không tin rằng có người Việt nam nào chịu lấy họ, nhưng họ vẫn hy vọng và phát lộ lòng hy vọng của họ ra bằng trận cười yêu đời ấy. Trong giây phút Tuấn nghe mình rất muốn hôn một cô, bất kỳ cô nào trong đám me đó. Cái hôn ấy, nhứt định không do tình yêu, cũng không do nhục dục, mà là cái hôn thương mến của một người mẹ hôn con, những đứa con tuy dốt nát mà không vong gia, vong bổn.

Sau mùa nghỉ hè, Tuấn lại đến với Lucie. Lucie ngỡ Tuấn trẻ con, giận nàng vì cái việc anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Nhưng nàng rất ngạc nhiên mà thấy Tuấn vui vẻ với nàng như trước, mỗi lần hai người gặp nhau. Và nàng càng ngạc nhiên hơn nữa, là thế mà Tuấn lại cứ lờ đi, mỗi lần nàng đá động đến hôn lễ. Thật là mâu thuẫn. Tuấn vẫn nể nàng, nịnh nàng, chiều chuộng nàng không kém trước chút nào. Nàng có biết đâu rằng Tuấn xem nàng là một người bạn tâm đầu ý hiệp, một nhơn tình lý tưởng, nhưng không thể là một người vợ đủ khả năng thực hiện ý chí ký thác truyền thống dân tộc lại cho con cái của chàng.

Bình Nguyên Lộc

(Trích từ  Tập Truyện ‘Cuống Rún Chưa Lìa’)

(Nguồn ‘Binhnguyenloc.com“)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

 

Tìm Kiếm