Người Tìm Hiểu

THĂM DÒ THẾ GIỚI TÂM THẦN

Mỗi khi bàn về thế giới Tâm Thần (Psyche), Jung muốn nói đến toàn bộ tâm trí hay tinh thần của con người về cả hai mặt Ý Thức và Vô Thức. Ông nhìn tâm thần như là một tiến trình hơn là một vật thể và nó luôn luôn kiếm tìm sự tăng trưởng và viên mãn. Phải tránh lẫn lộn tâm thần của một cá nhân với Đại Ngã (Self) là mục tiêu, trung điểm của ‘vòng tròn huyền diệu (mandala) mà tâm trí con người luôn luôn kiếm tìm và hướng tới. Phong cách của một người ở đợt Ý Thức sẽ được quân bình bởi Vô Thức của chính người đó bằng các phương tiện như giấc mơ, những hình ảnh tự phát, sự lở lời…vvv…Nếu thông điệp của Vô Thức bị đương sự ‘phớt lờ’, thì sẽ xảy ra chứng thác loạn thần kinh, và ngay cả các chứng bệnh về thể xác.

TIỀM THỨC CÁ NHÂN

Thật ra, quan niệm về ảnh hưởng của Tiềm Thức, Vô Thức trên lối hành xử của chúng ta không phải là điều mới mẻ vì từ lâu người ta đã biết điều này. Nhưng trước Freud, người ta không chú ý lắm, ngay cả ‘phớt lờ’ các tác động của Vô Thức. Công trình của Freud khiến người ta ý thức hơn về vai trò của Vô Thức và cách thức mà nó tác động trên đời sống, sinh hoạt của người lớn cũng như của đứa trẻ tuổi đang lớn. Freud tin rằng tiếp cận với Vô Thức và các ký ức  bị ‘đè nén’ sẽ giúp ích cho việc chữa trị các chứng thác loạn tâm thần.

Freud là một ‘tín đồ thuần thành’ của chủ nghĩa Cơ Giới (mechanist) và ông luôn tỏ ra nghiêm chỉnh trong việc áp dụng phương pháp Khoa Học trong công việc của mình, trong khi Jung không ngừng quan tâm đến khía cạnh tâm thần ‘vượt bình thường’ (paranormal) của trí óc con người. Sự khác biệt này là một trong những yếu tố then chốt gây ra sư rạn nứt trong mối quan hệ giữa Freud và Jung. Giống như Freud, Jung tin rằng Vô Thức có một tầm ảnh hưởng rất lớn , nhưng lối nhìn của Jung về Vô Thức rất khác xa Freud. Theo Jung, ảnh hưởng của Freud trên lối suy tư đương thời biến Vô Thức thành môt ‘đống rác rưởi’ tâm thần. Đối với Jung, nội dung của Vô Thức phong phú hơn vậy nhiều. Nó chứa đựng tất cả mọi khía cạnh của bản tính con người, ‘sáng và tối, xinh đẹp và xấu xí, tốt lành và xấu xa, thâm trầm và ngờ nghệch’. Khám phá lớn của Jung giúp ông khai phá một lối tiếp cận hoàn toàn mới đối với ngành Tâm Lý học với chủ trương rằng ” cũng như nội dung của Ý Thức có thể biến mất trong lòng Vô Thức, thì nội dung mới khác chưa bao giờ được Ý Thức biết đến cũng có thể bắt nguồn từ chính Vô Thức. Nói một cách khác, Vô Thức không phải chỉ là một ‘đống rác rưởi’ tâm thần , mà trái lại nó vô cùng huyền bí và chứa đầy những hạt mầm cho những biến cố và dự kiến trong  tương lai cũng như  đến từ quá khứ… Không những nó có khả năng đón chờ tương lai cũng như trở lại với quá khứ , Vô Thức còn vượt qua các ranh giới của cá nhân để tiến vào thế giới của Vô Thức Cộng Thông (collective unconscious)

Thái độ thù nghịch của Freud đối với các hiện tượng ‘vượt bình thường’ (paranormal) khiến  cho Jung phát cáu, vì theo Jung, đó lả một thái độ hẹp hòi, hạn chế trong việc tìm hiểu về thế giới Tâm Thần. Mục tiêu của Jung là nghiên cứu tìm hiểu các khía cạnh phong phú và lắm vẻ của cả Tiềm Thức cá nhân lẫn  Vô Thức Cộng Thông, mặc dầu ông công nhận đó quả là một công việc to lớn đồ sộ.

Một buổi tối, Jung đến thăm Freud và hỏi ý kiến của Freud về các hiện tượng ‘điềm báo trước’ (precognition) cũng như về ngành Tâm Lý học chuyên về những cái ‘vượt bình thường’ (parapsychology) một cách chung chung. Freud trả lời một cách vắn tắt với thái độ dửng dưng và Jung cảm thấy ông phải cố gắng dằn lòng lại nhằm che dấu sự bực tức của mình. Trong khi thực hiện điều đó, Jung cảm thấy vòng cơ hoành của mình ở bụng trở nên  nóng hổi và theo sau là một tiếng nổ lớn trong tủ sách của Freud nằm ở cạnh đó, khiến cho hai người nhảy nhổm lên. Jung tuyên bố đó là một thí dụ về hiện tượng xúc tác được thể hiện ra bên ngoài. Freud chế giễu ý tưởng đó, nhưng Jung cãi lại và báo trước cho Freud biết là sẽ có một tiếng nổ lớn thứ hai nhằm bảo vệ quan điểm của mình. Điều đó xảy ra tức khắc sau đó khiến cho Jung cảm thấy mãn nguyện còn Freud thì tỏ ra kinh ngạc.

VÔ THỨC CỘNG THÔNG

Mối quan tâm của Jung đối với Vô Thức Công Thông (collective unconscious) bắt nguồn từ công việc mà Jung thực hiện với các bệnh nhân tâm thần  cũng như từ cuộc ‘khủng hoảng tuổi trung niên ‘ của chính mình. Jung khám phá ra rằng tâm trí con người  tạo ra những biểu tượng và hình ảnh được nhìn nhận một cách phổ quát, mà ông đặt tên là ‘Archetype’ (= linh tượng hay sơ nguyên tượng). Vô Thức Cộng Thông xuất hiện dưới 2 khía cạnh chính yếu là :

– Sơ Nguyên Tượng (archetypes)  giúp mặc một hình thái cho sự hiểu biết của chúng ta  về các Ý Tưởng vô thức.

– Bản Năng (instincts)là những thúc đẩy sinh lý bẩm sinh xác định thái độ và hành vi của chúng ta như chẳng hạn  sự thúc đẩy do tình dục, do đói ăn, do tính gây hấn.

Trên đây là hai yếu tố cấu thành thuộc Vô Thức Công Thông vì chúng hiện hữu một cách độc lập đối với tâm trí của một cá nhân  và chứa đựng những khía cạnh bẩm sinh được thừa nhận môt cách  phổ quát.

SƠ NGUYÊN TƯỢNG

Theo Jung, Sơ Nguyên Tượng(archetype) thông thường có tính cách Tôn Giáo trong bản chất và thường đi đôi với một bầu khí Thần Bí tức như có sự hiện diện của Thần Linh. Làm bằng những hình tượng và không hiện hữu dưới dạng thái vật thể trong thế giới vật chất, điều này không có nghĩa là Sơ Nguyên Tượng không có một thực thể riêng biệt tự thân của chúng. Một thí dụ thích hợp về Sơ Nguyên Tượng là Philemon, vị hướng đạo tinh thần của Jung và là một Sơ Nguyên Tượng về nhà Hiền Triết. Các dân tộc khác nhau hình thành những hình ảnh về Sơ Nguyên Tượng khác nhau tùy theo bầu khí Văn hóa mà họ đang sinh sống. Nếu một mặt các hình tượng của Sơ Nguyên Tượng khác nhau thì mặt khác, Sơ Nguyên Tượng tự thân lại giống nhau. Mọi người đều cảm thấy thân thuộc với các hình dáng Sơ Nguyên Tượng có khuynh hướng xuất hiện trong các huyền thoại và truyện thần tiên. như sơ nguyên tượng về người phụ nữ cao niên, về kẻ lừa gạt, người trẻ tuổi, kẻ khờ dại…vvv…

BẢN NĂNG 

Theo Jung, Văn Minh bó buộc chúng ta phải rời xa các Bản Năng cơ bản của mình, nhưng không vì vậy mà tất cả bản năng của chúng ta đều phải  biến đi mất. Vì các bản năng thường bị đè nén, nên chúng có khuynh hướng xuất hiện một cách gián tiếp qua hình thái của một chứng thác loạn thần kinh hay một loại tính khí kỳ quặt của một cá nhân. Chúng cũng có thể  xuất hiện với những hình ảnh trong giấc mơ hoặc qua những lúc lở lời hoặc đảng trí.

Jung muốn vượt qua quan niệm về sự hiện hữu riêng biệt của những bản năng khác nhau như  các bản năng đói, tình dục, gây hấn. Jung cho rằng lối tiếp cận trên quá cụ thể và sẽ có ích hơn nếu chúng ta xem tất cả các bản năng khác nhau như những biểu hiện khác nhau của một năng lượng tâm lý duy nhất. Jung gọi năng lượng này là ‘libido’ mà ông so sánh với năng lượng vật lý nơi đây sức nóng, ánh sáng và điện lực chỉ là những khía cạnh khác nhau của năng lượng vật lý duy nhất. Quan niệm ‘libido’ của Jung khác với Freud vì từ ngữ ‘libido’ được Freud xử dụng để chỉ bản năng tình dục mà thôi.

 Người Tìm Hiểu


CHÚ THÍCH

1) Ruth Berry, “Jung“, Hodder & Stoughton, London, England, 2000, tr.30-33

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm