LỀU CHÕNG (12)
Chương 12
Lúc gần sáng, ngoài sân đương im ả, tự.nhiên nổi gió ào ào, rồi mấy hạt mưa lác đác sa xuống. Cả nhà trọ đều lo thom thỏm tưởng rằng lại như kỳ trước, ông trời độc ác lại chờ đến lúc vào trưởng mà trút xuống, làm tội cái thân học trò.
Nhưng mà không. Gặp tiết tiểu hàn, trời phải chiếu lệ làm phép thế thôi. Cả nhà ăn uống vừa xong, thì mưa vừa tạnh, gió vừa im, bầu trời dần dần sáng sủa, mặt trời dần dần nhô lên đầu tường phía đông.
Ông chủ nhà trọ lần này càng thêm chu tất.
Trong mỗi cái yên cũng như trong mỗi cái tráp, ngoài những đồ dùng ăn một ngày, ông ấy đã nhớ cả trầu cau tươi và thuốc lá cuốn sẵn. Hơn nữa ông ta còn mướn đâu được bốn anh con trai khỏe mạnh nhanh nhảu, đưa xuống nhà ngang nhất định xin với các ông khách trọ để chúng mang dỡ lều chõng.
Cố nhiên cái hảo tâm ấy không thể bị ai từ chối.
Một lũ dài tấp nập kéo nhau ra cổng, sau khi đã dặn ông chủ làm sẵn đồ rượu để tối về nhà cùng uống cho vui.
Vân Hạc bước rảo đằng sau Đốc Cung với một giọng băn khoăn:
– Thằng Mẫn cũng được vào nốt có phải vui không? Vắng nó, cũng thấy như thiếu cái gì ấy vậy.
Đốc Cung vẫn răm rắp cất gót, không quay trở lại:
– Ừ cái lúc mà nó hoạn đắc, hoạn thất, thì ai cũng phải bực mình. Nhưng nghĩ bốn thằng được vào, một mình nó hỏng thì cũng tội nghiệp. Trưa hôm qua, khi nó mếu máo chào chúng mình và vác bộ áo lều xuống thềm, tao vừa ái ngại vừa buồn cười, nhưng phải cố nằm không dám cười.
– Lúc ấy đứa nào vô phúc mà cười một tiếng, không khéo thì cà ra đánh nhau. Thấy nó hỏng thi cũng thương hại thật đấy. Nhưng, bây giờ mới hỏng, cũng là may cho nó lắm rồi. Nó thi cả thấy bốn khoa thì ba khoa bị bay kinh nghĩa, khoa này mới được vào phú. Với sức học của nó, như thế cũng là đủ lắm. Nếu nó được vào kỳ này, không khổ mày thì lại khổ tao hay là khổ các anh tao. Nó vào cùng vi với thằng nào thì khổ thằng ấy… Kỳ đệ nhất tao đã phải làm cho nó hai vế hậu cổ bài kinh lễ, kỳ đệ nhị, anh hai tao lại phải cúng nó một vần phú đấy…
Vân Hạc vừa nói vừa cố đi tới bên cạnh Đốc Cung, ngẩng lên thấy Tiêm Hồng, Đoàn Bằng, đã cách một quãng khá xa, chàng tiếp:
– Thằng cha kia còn dốt hơn nó nhiều lắm, phải không mày?
Một luồng gió bấc ù ù từ phía mặt thổi đến, hai người đều phải rùng mình, Đốc Cung khoác lấy cánh tay Vân Hạc và đi sát vào bên cạnh chàng cho đỡ rét, rồi hỏi:
– Thằng nào?
– Thằng ấy?…
– À, Trần Đức Chinh phải không? Nếu như được thằng Mẫn thì nó cần gì chúng mình. Sức học của nó, chưa chắc đã được bằng lớp trung tập. Tao không hiểu nó định thi làm gì! Chắc nó chỉ cốt cắp quyển vào trường để gỡ cái tiếng “con nhà gia thế” chứ gì? Con nhà gia thế ba mươi mấy tuổi đầu, không thi không cử, thì cũng nhục cho cha mẹ lắm chứ!
– Nhưng tao lo quá, văn sách là kỳ nặng nhất, một mình viết đến hai quyển thì viết làm sao?
– Không sợ! Tao đã bảo rõ nó rồi! tao bảo kỳ này nếu cậu vào nữa thì rất nguy hiểm. Là vì đến kỳ phúc hạch, lính tráng canh phòng riết lắm, không ai có thể làm gà cho ai. Vả lại, những người được vào phúc hạch, mười phần chắc đỗ chín phần, người ta phải để tâm lực lo vào quyển của người ta, không ai chịu đi làm mướn. Nó cũng nghe ra và cho lời tao là phải. Vậy thì đến khi vào trường, mày chỉ cốt viết cái quyển của mày cho kỹ, còn quyển của nó thì giáp qua loa cho nó chép lại, miễn là khỏi có tội thì thôi chứ không cần hay. Nếu làm hay, lỡ ra mà nó được vào phúc hạch tức là mày giết nó đấy.
– Thế thì được! Đi thi chỉ cốt lấy hỏng, thì có khó gì! Nhưng sao mày không cho nó hỏng từ kỳ phú, có phải sướng cho nó không?
Đốc Cung mỉm cười:
– Nào tao có định làm cho nó vào? Mày tính cái lúc mưa rét như thế, quyển của tao, tao cũng viết bậy, viết bạ, huống chi là quyển làm mướn! Thật quả cái quyển của nó tao chỉ viết quấy viết quá, chẳng ra nghĩa lý gì cả. Khi ở trường ra, tao tưởng nếu cả trường chỉ hỏng một người cũng phải đến nó. Và giá bị hỏng ngay kỳ trước, nó cũng mãn nguyện lắm, vì đã là ông nhất trường rồi. Thế mà ai ngờ nó lại được vào, mới khổ cho người ta chứ! Người ta xem bảng thấy tên thì mừng, chứ nó xem bảng thấy tên thì mặt tái mét trống ngực đánh thòm thòm…
Đằng sau có tiếng chân người thình thịch, Đốc Cung vội quay trở lại, thấy có một lũ độ bốn, năm người, chàng liền ngừng lại, chờ cho bọn đó đi vượt lên đằng trước mình, rồi thêm:
– Thật đấy! Tao không nói dối. Lúc nhìn trên bảng thấy có chữ Trần Đức Chinh, nó cuống cả lên, vì không được vào cùng vi với tao, thế rồi nó lật đật chạy đi kiếm tao, nhờ tao thuê người làm bài. Như thế có nhục hay không?
Vân Hạc phì cười:
– Thế kỳ trước mày lấy của nó bao nhiêu?
– Ba chục quan! Còn kỳ đệ nhất nó mượn cái thằng ở bên Bắc Ninh, nghe đâu cũng phải bấy nhiêu.
– Thế sao kỳ này nó lại chịu trả đến bốn chục quan?
– Ồ! Bốn chục quan, chứ tám chục quan nó cũng phải mượn. Viết không nổi quyển, nó không mượn thì làm thế nào? Cáo thổ tả mà ra à? Tao định bóp nó cho mày lấy sáu chục quan, nhưng nghĩ thương hại, cho nên nói có bấy nhiêu.
Vân Hạc chỉ tay ra đằng trước mặt:
– Nhưng mày chưa nói với hai ông kia chứ?
Đốc Cung lắc đầu:
– Mày tưởng tao dại lắm sao! Ai có dại gì mà đem chuyện ấy nói với thằng cha ấy!
– Ừ nếu nói hai ông ấy thì nguy cho tao! Vì các ông ấy không ưa chuyện đó. Giả sừ khoa này tao đỗ, thì còn không sao, vạn nhất khoa này tao hỏng, ấy là các ông ấy sẽ thi nhau mà nhiếc mắng suốt đời..
Câu chuyện còn đương nói dở, ở phía trước mặt đã nghe có tiếng ồn ào.
Đến cửa trường rồi.
Quan trường vẫn chưa ra. Ngoài trường, các cửa còn đóng im ỉm. Hôm nay vắng teo, số người lại chỉ bằng một phần ba kỳ trước. Nếu so với kỳ đệ nhất, có lẽ không được bằng một phần mười. Những ông đầu bạc và những cậu còn để hồng mao, bây giờ không thấy có mấy, phần đông đều là những người trong ngoài bốn mươi. Trời tuy giá rét, nhưng trên nét mặt mỗi người đều như vẽ ra một cái tâm trạng vui sướng. Phải! Đã vào đến kỳ đệ tam, mười phần chắc đỗ bảy rồi, không cử nhân cũng tú tài. Dù có hỏng nữa cũng là một ông nhị trường, đủ cho thiên hạ phục mình học cứng. Đứng trước cái cảnh trạng ấy, dẫu người chín chắn đến đâu cũng không giấu được vẻ tự hào.
Người ta tự hào bằng những câu sáo rất cũ:
– Kỳ trước tao viết bất thành văn lý, thế mà cũng vào, có chết hay không?
– Tao không học hành gì cả, sách vở quên như hũ nút. Lát nữa, không khéo đến nộp quyển trắng mà ra.
Giữa tiếng ầm ầm của đám đông, trong trường giật giọng điểm một hồi trống cái. Cửa trường ngỏ toang. Hai ông chánh phó chủ khảo dõng dạc từ nhà Thập đạo đi ra với cờ, biển, lọng.
Kỳ này còn ít học trò, hai vi tả, hữu, không phải dùng đến, chỉ thi ở hai vi giáp, ất. Vân Hạc vào vi ất, Tiêm Hồng, Đoàn Bằng, và Đốc Cung đều vào vi giáp.
Vì tên mình mãi cuối bảng, phải vào sau, hai chàng dắt nhau đủng đỉnh đi rong. Thình lình nghe đằng sau có tiếng người hỏi:
– Bùi tiên sinh!
Đốc Cung, Vân Hạc cùng quay lại.
Trần Đức Chinh vừa suýt tới nơi với bộ mặt hớt hơ hớt hải và một người lính áo nẹp đeo lều chõng đi theo.
– Tôi tưởng tiên sinh ở cửa vi giáp quanh quẩn tìm mãi bên ấy.
– Chúng tôi cũng đương tìm cậu!
Sau khi đã nói tên Đức Chinh với Vân Hạc và nói tên Vân Hạc với Đức Chinh, Đốc Cung ra bộ trịnh trọng:
– Hai ông cứ việc nói chuyện tự nhiên. Tôi sang bên kia.
Rồi chàng lật đật quay lại cửa vi ất. Vân Hạc đứng lại bên cạnh Đức Chinh:
– Tên cậu ở trên tên tôi phải không?
Đức Chinh chưa hết trống ngực, chàng vừa thở vừa trả lời bằng giọng lễ phép:
– Thưa vâng. Tên tôi ở trên tên ngài độ bốn chục người.
– Hôm nay chắc rằng người ta canh phòng nghiêm ngặt hơn những hôm trước. Vậy cậu vào trước, thì nhớ đóng lều ở chỗ cách nhà Thập đạo thật xa. Nhưng cũng nên đóng vào nơi đông người, đừng đóng lẻ loi ra gần bở rào. Rồi khi tôi vào, tôi sẽ tìm đến chỗ cậu.
Hồi trống nhập khẩu ở nhà Thập đạo đi ra đã điểm mau nhịp rồi nói rứt mạch bằng ba tiếng dõng dạc cuối cùng.
Lọng vàng, lọng xanh trịnh trọng rước ông phó chủ khảo và chiếc biển phụng chỉ lên mặt ghế tréo.
Chồng quyển cạnh quan phó chủ khảo đã chuyển lên tay người lại phòng. Người lính cầm loa và bọn lính thể sát tới tấp ai làm việc nấy…
Bởi vì số người đã thưa, học trò không phải len lỏi chen chọi như các kỳ trước.
Cái loa của người lính áo nẹp đương ậm ọe ở trên ghế tréo, phía sau đám đông bỗng có tiếng trống khẩu đổ hồi.
Những người đứng trong ngơ ngác hỏi nhau và nhất tề quay mặt ra ngoài. Đám người lần lần rẽ sang hai bên như hai đàn vịt. Dưới bốn chiếc lọng xanh chóp bạc, lù lù tiến vào một ông cụ già co ro trong tấm áo gấm tam thể. Với chòm râu điểm bạc phất phơ bay ngoài cái quai lụa bạch của chiếc nón lông, người ta có thể đoán ông ấy vào khoảng hơn sáu mươi tuổi. Và với lũ áo đỏ nẹp xanh lếch thếch xách điếu bưng tráp, cắp mã tấu, tay thước đi theo đằng sau, người ta lại có thể biết ông đó là một vị đại thần.
Đủng đỉnh cất đôi ống quần, nhiễu trắng lượt thượt trên hai chiếc giày kinh, vị đại thần khoan thai đi vào chỗ trước cửa trường.
Chiếc đẳng gô gụ và chiếc ghế bành gô trắc lên nước đã kê sẵn ở phía tay trái. Sau khi cùng quan phó chủ khảo chắp tay cúi đầu một cách cung kính, vị đại thần ấy chễm chệ ngồi vào ghế bành. Những người đi theo nghiêm trang đứng hầu ở phía sau lưng. Khu trời trên ghế khí chật, nó không đủ chỗ cho bốn chiếc lọng cùng giương. Hai chiếc được che vào thẳng đầu viên đại thần. Còn hai chiếc nữa, thì phải che nghiêng hai bên.
(Bị kiểm duyệt bỏ hồi Pháp thuộc.)
Như đã quen lệ, người lính xách điếu, thông điếu, đặt lên mặt đẳng, đặt vào nõ điếu một mồi thuốc lào, giữa khi bạn hắn mở cái lồng ấp, thổi hòn than hồng châm lửa vào một sợi dây ruột gà.
Viên đại thần rung đùi vít chiếc xe trúc dài vút như chiếc cần câu, ngài nhịp nhàng đặt luôn mấy cái cho ngọn lửa ở trên nõ điếu nhô lên thụt xuống, như một ngọn đèn gặp gió, rồi mới hút một hơi dài.
Khói thuốc trong mũi, trong miệng từ từ theo ngọn gió bấc tan vào trong đám không trung giá lạnh, viên đại thần hùng dũng chỉ tay lên chiếc ghế tréo của ông phó chủ khảo và đưa ra một dây những tiếng líu tíu. Tức thì, hai chiếc lọng vàng ở trên cái biển phụng chỉ liền được nâng lên chót vót giữa trời.
Mấy người học trò nhà quê thì thầm hỏi nhau:
– Ông gì mà oai thế nhỉ? Đó là ông tổng đốc của tỉnh Hà Nội.
Tuy không dự vào công việc trong trường, nhưng những công việc ngoài trường, đều do ngài coi sóc, từ một gánh nước ăn của các quan trường trở lên. Hai kỳ trước vì lúc gặp rét, khi bị mưa. ngài không thể tới.
Hôm nay được trời khô ráo, nên ngài đến qua cửa trường để coi học trò vào trường.
Và ngài đã bắt được quả tang cái đôi lọng vàng che cho chiếc biển chỉ phụng chỉ làm việc một cách trái phép. Bởi vì chiếc biển phụng chỉ nguyên là đồ của nhà vua ban cho, nó còn ở trên ông phó chủ khảo, và ông phó chủ khảo chỉ là người vâng theo mệnh lệnh của nó.
Hai chiếc lọng vàng riêng che cho nó, đáng lẽ phải cao hơn đôi lọng xanh che cho ông này mới là hợp phép.
Nhưng hai tên lính ngu si đã để hai chiếc lọng ấy thấp hơn mấy chiếc lọng xanh của ông phó chủ khảo độ hơn một thước. Đấy là một tội có thể bảo là đại bất kính. Vì thế, ngài phải chiếu theo oai quyền cha ông chúa tể một tỉnh mà ra lệnh cho hai người lính kia nâng cao đôi lọng đó lên.
Quan tổng đốc chững chạc đứng dậy từ biệt ông phó chủ khảo để theo bốn chiếc lọng xanh rẽ đám học trò đi ra.
Tiếng loa vẫn ấm óe thét ở bên cạnh ghế tréo.
Hết chừng gần hai trăm người thì đến tên Trần Đức Chính.
Với một tiếng dạ mạnh bạo, chàng và người đeo lều chõng cho chàng xăm xăm tiến đến khu đất của trường.
Cái áo nỉ đỏ nẹp xanh của thằng phòng đó như đã báo cho ông phó chủ khảo biết người chủ hắn là một con nhà quyền quý. Là vì chỉ có những nhà quyền quý mới được có thứ áo ấy, chỉ có con nhà quyền quý khi đi thi mới phải có người đeo lều chõng hầu. Hai sự dị thường đã bắt ông phó chủ khảo đòi lại quyển thi của Trần Đức Chinh ở tay người lại phòng để coi qua mấy dòng cung khai tam đại, cho biết chàng là con cái ông nào. Sau khi bọn lính thể sát đã khám xét qua loa đồ đạc, ông phó chủ khảo liền trả quyển thi của chàng cho người lại phòng để hắn trao lại cho chàng. Rồi ra lệnh bọn lính thể sát bó buộc lều chõng như cũ và đeo giúp chàng vào khỏi cửa trường.
Người lính cầm loa lại tiếp tục gọi các người khác.
Công việc vào trường kỳ này chóng hơn các kỳ trước nhiều lắm. Tên Đào Vân Hạc tuy ở cuối bảng nhưng khi mặt trời lên khỏi ngọn tre thì chàng cũng đã được vào. Đức Chỉnh đóng lều đã xong, anh ta vơ vẩn ở gần cửa trường có ý chờ đón cái người làm thuê cho mình.
Theo chân hắn, Vân Hạc đi vào giữa vi, chàng rất khen hắn khéo tìm được chỗ đóng lều đúng như lời chàng đã dặn lúc nãy, cái chỗ không vắng không đông và lại xa chiếc chòi của quan ngự sử.
(Bị kiểm duyệt bỏ hồi Pháp thuộc. )
Đức Chinh tung tăng cởi bỏ áo lều của Vân Hạc và hăm hở giúp đỡ Vân Hạc tất cả những việc cắm gọng lều, lợp mài lều, kê chõng vào trong lòng lều.
Trống ra đầu bài vừa thúc. Hai người liền cùng sắm sửa giấy bút, hộp mực đi ra nhà bảng.
Chà chà! Coi thấy cái bảng mà sợ? Tử trên đến dưới, từ đầu đến cuối, lỳ tịt những chữ là chữ. Bởi vì kỳ này là văn sách mục, người ta chỉ cốt tìm nhiều câu hỏi ngoắt ngoéo trong các kinh, truyện, tử sử, để coi sức nhớ sách và khiếu làm văn của các học trò mà thôi. Đọc qua một lượt từ chữ “vấn” đến câu “thi vị trần chi, dĩ quan quyết uẩn”, Vân Hạc sẽ bảo Đức Chinh:
– Thôi! Cậu cứ cầm hộp mực cho tôi để tôi chép cho!
– Vậy thế tôi không phải chép hay sao?
Vân Hạc ôn tồn:
– Thì một người chép, rồi về lều chúng ta cùng coi, không cần hai người cùng chép cho mất công!
Đức Chinh nghe ra, hắn liền vui lòng đứng làm cái giá nâng chiếc hộp mực để cho Vân Hạc quệt bút lấy mực.
Mắt nhìn lên bảng, tay phải cầm bút, tay trái cầm một tập giấy kê vào sau vai Đức Chinh, Vân Hạc viết lia lịa một hồi, vừa được một tờ toàn là chữ thảo lòi tói. Chàng đưa tờ ấy cho Đức Chinh cầm, để mình lại viết tờ khác Đức Chinh ngó qua liền nói một cách hoảng hốt:
– Chết chửa ông viết tháu quá thế này, tôi không thể nhận ra chữ gì. Tờ sau trở đi, xin ông viết rõ ràng hơn một chút.
Vân Hạc có ý bực mình, nhưng vẫn ngọt ngào:
– Được! Cậu không lo! Chữ gì không biết, lát nữa, tôi sẽ đọc cho!
Rồi chàng lại tiếp tục ngoáy luôn một mạch. Gần đến ba tờ giấy lệnh gấp mười hai dòng mới hết cái đầu đề. Sau khi đã nhẩm lại lượt nữa xem có chỗ nào thiếu sót hay không, Vân Hạc liền cùng Đức Chinh về lều.
Bấy giờ học trò trong vi, phần nhiều mới giáp được một nửa, có người mới chép được một phần ba đầu bài.
Vừa đi, Vân Hạc vừa băn khoăn trong bụng:
– Khổ quá? Cái thằng cha này lại không thuộc mặt chữ thảo. Một quyển văn sách mà cứ phải viết ngang bằng số ngay cho nó tất cả, thì tốn bao nhiêu thì giờ. Thật là mình đã vô cố đeo đá vào lưng.
Tới lều, chàng giở mấy tờ đầu bài coi lại để nhận những cái mẹo vặt bí hiểm của quan trường đã hỏi ở trong các câu. Cái bài văn sách mới nặng làm sao! Tất cả văn cổ, văn kim có tới ba mươi câu hỏi đối nhau, ấy là không kể cái câu đề cương và những câu hỏi lửng ở cuối các đoạn. Nhưng may quá, bấy nhiêu câu hỏi, chàng không bị quên câu nào. Tức thì chàng lấy giấy viết luôn một đoạn mở đầu độ non một trang đưa cho Đức Chinh và dặn:
– Cậu viết hết ba dòng rưỡi, thì chừa lại đó để đi lấy dấu nhật trung.
Đức Chinh ngơ ngác:
– Ông đưa cho tôi cái giấy đầu bài để tôi chép vào quyển chứ!
Vân Hạc mỉm cười:
– Trường qui đã định, riêng kỳ văn sách thì được miễn tả đề mục, nghĩa là đầu quyển cứ việc viết bài, chứ không phải chép đầu bài…
Đức Chinh ra bộ sành sỏi:
– Có chứ? Tôi làm văn sách đã nhiều. Nhưng tưởng chỉ có văn tập thì mới miễn tả đề mục. Té ra văn thi cũng được thế ư?
Rồi hắn hí hoáy giở quyển ra viết. Bấy giờ Vân Hạc mới nghĩ đến bài của mình. Một lát, Đức Chinh trịnh trọng đưa quyển của hắn sang lều Vân Hạc:
– Nhờ ông, coi giùm xem có chữ nào thừa nét, thiếu nét hay không?
Thoạt nhìn ba chữ “đối sĩ văn” ở đầu dòng thứ nhất, Vân Hạc cau mày liệng quyển sang trả Đức Chinh:
– Quên mất? Tôi không dặn cậu, chữ “sĩ” cậu viết đã hỏng mất rồi!
Đức chinh giật mình đánh thót:
– Sao thế hừ ông? Tôi tưởng chữ “sĩ”, cái ngang dưới ngắn hơn cái ngang trên là phải.
Vân Hạc bật cười:
– Phải rồi? Nếu cái ngang dưới không ngắn hơn cái ngang trên, thì nó sẽ là chữ “thổ”, đâu phải là chữ “sĩ” nữa? Có điều chữ “sĩ” ở đây, chỉ được viết nhỏ bằng nửa chữ khác và phải viết lệch về phía hữu dòng. Bởi vì chữ “sĩ” ở đây, cũng như chữ “thần” trong quyển thi đình, nó là tiếng mình tự xưng mình, có nghĩa là tôi. Sở dĩ trong quyển thi đình, học trò phải xưng bằng “thần” là tại quyển đó viết cho vua xem. Còn quyển thi hương, thì chỉ để các quan trường coi, ít khi phải đệ ngự lãm, cho nên học trò phải xưng là “sĩ”. Dù xưng là “sĩ” hay xưng là “thần” cũng vậy, những chữ ấy đều phải viết bé như chữ xong cước. Nếu viết lớn ra, tức là phạm trường quy đó!
Đức Chinh ngơ ngẩn:
– Vậy thì bao nhiều chữ “sĩ” trong quyển này đều phải viết nhỏ cả chứ?
Vân Hạc nghĩ thầm: “Thật là cái tội!….Có lẽ nó là tiền oan nghiệp chướng, hiện vào để báo oán mình đây chăng”. Rồi chàng rẽ rành cắt nghĩa:
– Không. Các chữ “sĩ” khác không chỉ vào mình, thì đều viết lớn như thường, chỉ chữ “sĩ” nào mình tự xưng mình mới phải viết nhỏ. Nội quyển văn sách, có ba chữ “sĩ” dùng về nghĩa ấy. Một là chữ “sĩ” trong câu “đối sĩ văn” ở ngay đầu bài. Hai là chữ “sĩ” trong câu “sĩ giả hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn trường, quảng kiến như tư, vị tri thị phủ, nguyên chấp sự kỳ trạch dĩ văn” ở đoạn cuối bài. Ba là chữ “sĩ” trong câu “sĩ cẩn đôi” ở chót bài. Mấy chữ “sĩ” ấy đều có nghĩa là tôi cả. Câu thứ nhất là “Thưa tôi nghe”, câu thứ hai là “tôi nay may gặp thời thịnh, theo việc trường văn, thấy đẹp như vậy không biết có phải hay không, xin các quan lựa chọn mà tâu lên cho”, câu thứ ba là “tôi cẩn thận thưa”. Vì thế, chữ “sĩ” đó mới phải viết bé.
Đức Chinh luống cuống:
– Bây giờ tôi trót viết lớn mất rồi, thì làm thế nào?
– Thì phải đi cánh quyển vậy, chứ còn có cách gì nữa?
Đức Chinh lật đật lấy giấy đóng quyển, đề tên và viết mấy dòng cung khai tam đại, rồi hắn sẽ dặn Vân Hạc:
– Nhờ ông trông lều hộ tôi, để tôi đến nhà Thập đạo!
Vân Hạc có ý hơi cáu:
– Được! Cậu cứ đi. Ai dỡ mất lều mà sợ?
Rồi chàng hì hục quay vào nghĩ bài của mình.
Lần này cẩn thận hơn mấy lần trước, nghĩ đến đâu, chàng giáp ra giấy đến đấy, chứ không viết luôn vào quyển. Khi chàng đã giáp được hơn hai tờ, nghĩa là giải hết một câu đề cương và trả lời xong mấy câu hỏi về Nghiêu, Thuần, Võ, Thang, đã cặm cụi viết xong mấy dòng đầu quyển, Đức Chinh cũng chưa về.
Trống nhật trung vừa nổi ở nhà Thập đạo, mặt trời đã lên khá cao, chàng không kịp đợi Đức Chinh, phải bỏ lều đó mà đi lấy dấu.
Ngoài rào của nhà Thập đạo, học trò loáng thoáng có một vài người. Đức Chinh với bộ mặt tái xanh vẫn rau ráu đứng đợi đó, vì người lại phòng chưa trao trả quyển. Vân Hạc vừa trao quyển qua rào cho một người lính áo nẹp, thì cậu công tử ấy lật đật đến bên cạnh chàng, nhờ chàng giục bọn lính kia lấy quyển cho mình.
Vân Hạc mỉm cười chế giễu:
– Cậu còn không giục được họ, nữa tôi…! Thôi không phải giục. Giục cũng không được. Cậu cứ chịu khó đứng đấy, lát nữa, tự nhiên họ khắc đưa ra.
Bên rào vi giáp chợt có tiếng gọi thật lớn:
– Thằng Hạc đã ra đấy à?
Vân Hạc thoáng nghe tên mình, vội ngẩng đầu lên. Bùi Đốc Cung đương đứng chống tay vào bức rào bên kia với một đáng điệu tươi như con rót và tiếp:
– Mày đi lấy dấu nhật trung hay đi cánh quyển?
Vân Hạc trả lời một cách tự đắc:
– Từ ngày đi thi đến giờ, mày thấy tao phải cánh quyển lần nào?
Đốc Cung lại hỏi:
– Đầu bài kỳ này khá nặng đấy nhỉ? Mày nhớ cả hay có bị quên câu nào?
Vân Hạc chưa kịp trả lời, trên chòi bỗng có một hồi trọ trẹ. Hai chàng biết là quan ngự ra oai, ai nấy đều phải ngậm miệng nín thít.
Người lính áo nẹp ở nhà Thập đạo chạy ra cạnh rào với một quyển thi trong tay:
– Ai là Trần Đức Chinh?
Đức Chinh luống cuống trả lời:
– Thưa tôi.
– Sao ông cánh quyển sớm thế? Từ giở đến tối phỏng chừng phải “cánh” độ mấy quyển nữa hử ông?
Vừa nói, người ấy chìa cái quyển lên đầu bức rào và nhìn Đức Chinh bằng hai con mắt châm chọc. Đức Chinh làm thinh không đáp, chàng đón lấy quyển bỏ ống và vui vẻ với Vân Hạc:
– Ông hãy đứng đợi ở đây, tôi xin về trước.
Vân Hạc lễ phép cúi đầu:
– Vâng! Cậu cứ về trước mà viết, để đi lấy dấu nhật trung. Nhưng cậu nên viết cẩn thận một chút, kẻo lại sai lầm, phải đi cánh quyển lần nữa thời mất thì giờ lắm đấy.
Với một tiếng dạ sẽ sàng và rất cung kính, Đức Chinh cung cúc lủi ra. Học trò kéo đến lấy dấu nhật trung mỗi phút mỗi dông. Vân Hạc chở một lúc nữa mới nhận được quyển của người lại phòng đưa ra.
Chàng về đến lều, Đức Chinh vẫn đương ngong ngóng ngồi đợi. Thấy chàng, cậu ta liền cất cái giọng giật giọng:
– Chữ “thiết” có bao nhiêu nét, ông nhỉ?
Vân Hạc bước vội vào lều và ngồi quay mặt trở ra, nhìn thẳng sang lều Đức Chinh:
– Cậu hỏi chữ “thiết” là gì?
– Thưa ông, chữ “thiết là “trộm”. Tôi mới viết đến câu “thiết vị”, vì trong bản giáp, ông viết đá thảo, tôi không nhận ra mấy nét, nên còn chờ để hỏi ông…
– Hai mươi hai nét tất cả. Nếu viết hai mươi mốt nét thì hỏng.
Đức Chinh ra bộ mừng rỡ:
– May quá, chút nữa thì tôi viết chữ “thiết” đơn.
Vân Hạc xua tay lia lịa:
– Ấy chết! Không được viết đơn, chữ gì cũng vậy. Nếu viết đơn sẽ bị đánh là bạch tự.
Rồi hai người cùng quay trở vào, ai nấy cúi xuống mặt quyển, cắm đầu mà viết. Đức Chinh vừa viết vừa nhẩm bản giáp và đếm từng nét, miệng hắn luôn luôn lầm rầm như bọn thầy bói nhẩm quẻ. Lâu lâu hắn viết được nửa dòng thứ tư, lại sẽ tuôn quyển sang lều Vân Hạc để chàng coi hộ. Lần này, trong mấy dòng không bị sai lầm chỗ nào. Vân Hạc sẽ sàng liệng quyển trả hắn, để hắn đi lấy dấu nhật trung và bảo hắn liệng tờ giấy giáp sang lều mình, để mình giáp thêm cho một đoạn nữa.
Bây giờ học trò đã thưa, cho nên công việc xin dấu nhật trung đã nhẹ, không phải chờ đợi lâu quá như mấy kỳ trước. Vân Hạc giáp cho Đức Chinh vừa được hai trang và viết quyển mình được một trang đầu và nữa trang dưới, đã thấy Đức Chinh trở về với một vẻ mặt sung sướng.
– Gần trưa rồi đấy, cậu phải viết mau tay một chút kẻo bài còn nhiều, đến chiều lại phải vội vàng.
Vừa nói Vân Hạc vừa vò tờ giấy giáp tròn như quả ổi và ném sang lều Đức Chinh.
Nhặt lấy “quả ổi giấy” ấy, Đức Chinh vuốt cho thẳng ra và lẩm bẩm đọc hết từ đầu đến cuối. Rồi hắn làm bộ hay chữ và hỏi Vân Hạc:
– Ồ. Thế hai câu hỏi về Hán Văn Đế và Đường Thái Tôn, ông chê đấy ư?
Vân Hạc biết là hắn hỏi lấy mẽ, kỳ thực chẳng hiểu gì cả, nhưng chàng cũng cắt nghĩa thật thà:
– Phải! Phép làm văn sách, cần phải cãi lại đầu bài, đầu bài hỏi ra giọng chê, thì mình phải khen, đầu bài hỏi ra giọng khen, thì mình phải chê. Ấy là nói về tiểu tiết. Còn về đại thể, thì với cổ nhân bao giờ cũng khen, mà với hậu nhân, bao giờ cũng chê. Vì vậy, các cụ đã có câu rằng:
“Đường, Ngu, Tam đại thì khen, “Hán, Đường trở xuống thì lèn cho đaư’. Hán Văn Đế và Đường Thái Tôn đều là hậu nhân, tất nhiên phải lèn cho đau. Nếu không tức là trái mẹo”.
Đức Chinh im lặng gục đầu xuống yên, vừa viết vừa dò từng chữ trong bản giấy giáp.
Gần trưa, hắn viết, gần được ba tờ, Vân Hạc lại quăng sang cho một cục giấy nữa. Cũng như lần trước, hắn giở tờ giấy đọc đi đọc lại mấy lần xem có chữ gì nghi ngờ hay không, rồi lại cặm cụi nắn nót từng nét, y như những cậu học trò mới tập viết tô. Một lúc sau, hắn bỗng lên giọng tự phụ:
– Tôi tưởng trong ruột chữ “đăng” phải là chữ “đậư”. Làm sao ở trên chữ “khẩu”, ông viết, thiếu cái ngang con? Hay là ông lầm?
Vân Hạc đương để tâm trí vào một đoạn văn ngoắt ngoéo thình lình bị câu hỏi ấy đập vào bên tai, làm dây tư tưởng tự nhiên ngừng lại, chàng hơi bực mình:
– Cậu không coi bảng chữ húy người ta yết ở cửa trường từ kỳ đệ nhất hay sao?
Đức Chinh ngay thật trả lời:
– Có? Tôi có coi? Nhưng tôi không thấy nói đến chữ “đăng”?
– Thế thì có họa lúc ấy mắt cậu quáng nắng. Trong dòng ‘kính khuyết nhất bút” ở ngay đầu bảng, chẳng có chữ “đăng” là gì? Nguyên dạng chữ “đăng” vẫn là chữ “đậư’ ở trong, vì nó thuộc hạng húy nhẹ của nhà vua, nên phải kính khuyết nhất bút. Nghĩa là cung kính mà bỏ sót đi một nét. Nếu viết đủ cả cái ngang, tức là phạm húy. Cậu nghe không?
Đức Chinh ra bộ lo sợ:
– Chết chửa? Thế tôi trót viết cả cái ngang con mất rồi, thì làm thế nào, xóa đi có được hay không?
– Không được. Những chữ húy đều là chữ tên nhà vua. Trọng húy chính là tên vua, khỉnh húy thì là tên những bà vua, mẹ vua, hay là tiên tổ lâu đời của vua. Theo phép, bao nhiều chữ húy đều bị cấm đọc, cấm viết, phải coi như chữ bỏ đi. Bởi thế, dù mình viết rồi lại xóa, cũng là có tội. Vì rằng chính mình đã viết chữ ấy kia mà?
Đức Chinh lại cố hỏi thêm câu nữa:
– Hay là xóa cho mù tịt đi vậy?
Vân Hạc phát gắt:
– Càng không được nữa. Bởi vì trường quy đã bắt những chữ dập xóa, chỉ chấm ba cái vào mặt, để cho người ta có thể nhận rõ nguyên hình của nó. Nếu xóa cho mù tịt đi, tức là “đồ bất thành tự” đấy.
Đức Chinh lại ngồi phắt dậy:
– Thế thì tôi làm thế nào bây giờ? Nếu lại cánh quyển lần nữa, thì viết bao giờ cho xong, không khéo sẽ bị ngoại hàm!
Vân Hạc ra bộ thương hại:
– Vậy thì chữ “đăng” ấy ở tờ thứ mấy?
– Thưa ông ở tờ thứ ba.
– Thế thì sợ gì? Xé mẹ cái tờ giấy ấy mà viết tờ khác.
Đức Chinh hí hửng như mơ mới tỉnh:
– Ừ nhỉ! Cái tờ thứ ba không dính đến dấu giáp phùng, xé đi là rảnh. Thế mà trong lúc bối rối, tôi không nghĩ ra, sao mà ruột gan u mê đến vậy?
Rồi hắn khom lưng làm việc như thường. Lâu lâu hắn ngẩng đầu lên và nói chõ sang lều Vân Hạc:
– Câu này sao ông lại viết chữ “dụng”?
Vân Hạc có ý ngạc nhiên:
– Câu nào hứ cậu?
Đức Chinh ra bộ khiêm tốn:
– Cái câu “Dục Nghiêu Thuẫn kỳ quân dân, Y Quẩn thánh chỉ dụng giã” ấy mà. Tôi nhớ ở sách Mạnh, Từ, thày Mạnh bảo ông Y Doãn là “thánh chi nhậm”, không phải là “thánh chi dụng”.
Vân Hạc tức quá không nhịn được, chàng cáu:
– Té ra trong lúc đi học cậu không thèm biết chữ húy. Rồi khi tới trường, cậu lại không buồn ngó đến cái bảng chữ húy. Thế mà cậu cũng cắp quyển, đi thi, tôi khen cho cậu là gan.
Ngừng lại một lát, Vân Hạc vừa giở đá lửa đánh lửa hút thuốc vừa tiếp:
– Bởi vì chữ “nhậm” là chữ trọng húy, cho nên kiêng không được dùng, phải lấy chữ “dụng” thay vào. Không phải là tôi quên sách mà viết bậy cho cậu.
Đức Chinh có ý hơi thẹn, liền nói gỡ thẹn:
– Quái lạ? Tôi có coi ở bảng chữ húy, nhưng tôi chỉ thấy chữ miên, chữ hồng, chữ ưng, chữ huê, chữ hao… tất cả chừng bốn, năm chục chữ, không thấy chữ nhậm ở đâu!
Vân Hạc đương tức, nghe câu ấy chàng lại bật cười, suýt nữa bị sặc hơi thuốc, liền nói bằng giọng chế nhạo:
– Phải! Trong bảng, không có chữ “nhậm” thật đấy Chẳng những một mình chữ “nhậm”, tất cả những chữ trọng húy như chữ chủng, chữ ánh, chữ đởm, chữ thì,… đều không có cả…
Đức Chinh không hiểu là câu giễu cợt vội vàng ngắt lời:
– Vậy thì ông biết chữ “nhậm” là chữ trọng húy?
Vân Hạc thở hết khói thuốc và tiếp:
– Thế cậu coi ở trong bảng, có thấy dưới dòng “trọng húy dĩ hạ” có câu “nhất tự tả tòng nhân, hữu tòng nhâm” không?
– Có. Tôi có thấ.’ Và còn có nhiều chữ “nhất tự” khác như là “nhất tự tả tòng nhật, hữu tòng ương”, “nhất tự tả tòng hòa, hữu tòng trọng” nữa.
– Ồ? Thế, bên tá chữ “nhân” bên hữu chữ ‘nhâm” hợp lài chẳng là chữ “nhậm” thì gì? Vừa rồi tôi đã nói rằng: những chữ phạm húy đều bị cấm không được viết, cấm không được đọc. Đó là lệnh của triều đình, ai cũng phải theo, từ quan chí dân, trừ ra những người làm giặc. Và không phải chỉ cấm ở trong quyển thi mà thôi, bất kỳ chỗ nào, từ cuốn sổ mãi hiện đến các sách vở đều phải kiêng hết.
Cái bảng treo ở cửa trường hôm nọ tuy là bảng yết chữ húy, nhưng nếu viết hẳn các chữ húy ra thì ra quan trường đã phạm húy rồi. Vì thế, những chữ khinh húy, người ta mới viết thiếu đi một nét, và những chữ trọng húy thì họ tách ra từng mảnh. Coi đến chỗ đó, mình phải hiểu ngầm trong bụng. Thí dụ thấy viết bên tả chữ nhật, bên hữu chữ ương, thì biết nó là chữ ánh, thấy viết bên tả chữ hòa bên hữu chữ trọng, thì biết là chữ chủng. Một sự dễ dàng như thế, mà sao cậu cũng không hiểu? Thôi từ giờ đến tối, cậu cứ coi vào bản giáp, hễ thấy tôi viết thế nào, thì chép cho đúng thế ấy. Đừng hỏi nữa, làm mất thì giờ của tôi. Trưa rồi, bài còn nhiều lắm, tôi viết không kịp thì nguy cả đấy.
Đức Chinh bấy giờ mới biết xấu hổ, hắn bèn vâng dạ vài câu cho qua, rồi lại quay đầu vào viết.
Mặt trời đã xế. Cơn gió bấc lúc nãy đã tạnh, bây giờ lại nổi ào ào. Khí trời môi lúc mỗi thêm giá ngắt.
Đức Chinh chép hết mấy tờ giấy giáp. Vân Hạc vẫn chưa viết tiếp cho hắn. Đã hai, ba lần, hắn toan thúc giục, vì sợ Vân Hạc gắt gởi, nên lại rụt rè không dám. Chờ một hồi nữa, không thấy Vân Hạc đả động gì đến, hắn bèn đánh bạo gọi hỏi:
– Ông Đào! thưa ông, những tờ giấy trước, tôi đã viết xong rồi ạ!
Vân Hạc đương mải tìm mấy chữ xúc về Trương Tử Phòng để đối với câu trả lời về Gia Cát Lượng mà chàng đã nghĩ được rồi, nghe tiếng Đức Chinh đòi bài chàng liền gạt đi:
– Cậu hãy thong thả lát nữa. Để tôi còn nghĩ.
Đức Chinh khẽ vâng một tiếng. rồi hắn lấy thịt kho, ruốc bông để ăn kèm với bánh giò, cơm nắm.
Nhai chập nhai chuội một hồi, trong bụng đã thấy lưng lửng, Đức Chinh dốc ngược quả bầu nước chè vào miệng; nốc một thôi dài, và giở gỏi thuốc lá cuộn sẵn, lấy ra một điếu,.. rồi hắn hì hục..đánh lứa vừa châm vừa hút phì phèo’..
Điếu thuốc đã cháy hết già mồt nửa, bài của Vân Hạc vẫn chưa đưa sang. Ruột gan hắn bấy giờ hình như đã nóng hôi hổi. Rình mãi được lúc người lính trên chòi canh ngoảnh mặt sang phía bên kia, hắn liền chạy tọt sang lều Vân Hạc.
Một cái giật mình đánh thót làm cho Vân Hạc ngồi phắt trở dậy:
– Chết nỗi? Ai bảo cậu sang đây làm gì? Lính nó trông thấy thì chết bỏ mẹ cả đôi bây giờ!
Đức Chinh dó dáy sờ vành dây lưng lấy hai nén bạc đặt lên mặt yên của’ Vân Hạc và núc hai tay làm một.
– Thưa ông, hôm qua tôi đã đưa trước ông Cung hai nén còn hai nén nữa nay xin nộp nốt. Vậy ông viết nốt bài cho.
Thì ra hắn tưởng vì hắn chậm tiền, cho nên Vân Hạc phải hãm bài lại. Thấy cái bộ khúm núm của hắn. Vân Hạc lại càng thương hại và càng nực cười. Bản giấy giáp dở đã được gần một tờ rưỡi, chàng viết nốt hơn một dòng nữa cho xong, rồi trao cho hắn và hỏi:
– Cậu có thuộc phép đài ở đoạn văn kim hay không.
– Thưa ông, tôi có nghe qua, nhưng không nhớ kỹ xin ông chỉ bảo thêm cho.
Vân Hạc liền giở tờ giấy luồn phóng kẻ ô ở trong quyển mình, chàng chỉ tay vào mấy dãy ô đầu quyển và dùng cái giọng thầy đồ giảng cho học trò:
– Cậu trông vào đây! Trong ba hàng ở đầu dòng này. hàng trên cùng tột gọi là hàng du cách, dưới hàng du cách gọi là hàng thứ nhất, dưới hàng thứ nhất gọi là hàng thứ hai, dưới hàng thứ hai thì tức là hàng thứ ba. Trong đoạn văn kim, gặp chữ thiên địa, giao miếu thì viết lên hàng du cách, gặp chữ hoàng đế. hoàng thượng hay là thánh thượng, long nhan… nghĩa là những chữ chỉ vào bản thân nhà vua thì phải viết lên hàng thứ nhất. Nếu gặp những chữ chỉ về đức tính hay công việc của nhà vua thì phải viết vào hàng thứ hai. Còn những chữ thuộc về văn bài thì viết từ hàng thứ ba trở xuống. Cậu nhớ lấy nhé.
Đức Chinh ra bộ ngơ ngác:
– Tôi chưa nghe ra. Thế nào là chữ thuộc về đức tính và công việc của nhà vua, ông nói lại cho!
Vân Hạc kéo tờ giấy giáp trong tay Đức Chinh và trải xuống chõng. rồi chỉ tay vào một dòng ở đoạn văn kim:
– Cậu hãy cắt nghĩa cho tôi đoạn này!
Dực Chinh nhìn qua một lượt rồi rụt rè:
– Tôi không hiểu lắm. ông giảng giùm cho.
Vân Hạc liền đọc:
– “Phụng kim ngã hoàng thượng, thông minh tác tắc khải để vi cường, dĩ kiền kiện di tư, phủ thái hanh chi vận “.
– Mấy câu đó, cũng như câu có nghĩa “sĩ” phải viết nhỏ mà tôi đã nói với cậu sáng ngày, đều là câu sáo trong văn sách kim bất kỳ bài nào cũng có. Nghĩa đen của nó thế này này: “Vâng nay, đức hoàng thượng ta sáng suốt làm phép, vui dễ làm gương lấy tư chất cường kiện của quẻ Kiền, vỗ cái vận hanh thông của quẻ Thái…” có phải thế không? Thế thì những chữ thông minh là sáng suốt, khải đề là vui dễ, Kiền kiện là quẻ Kiền mạnh, đều nói về đức tính của đức hoàng thượng, mà chữ dĩ là lấy, chữ phủ là vỗ thì nói về công việc của ngài, chứ gì? Vậy những chữ này đều phải đài lên hàng thứ hai. Còn hai chữ hoàng thượng thì phải đài lên hàng thứ nhất. Các đoạn dưới này, cậu cứ theo đó mà suy ra. Không đáng đài mà đài, đáng đài mà đài không hợp cách chỉ bị đánh hỏng mà thôi, nếu đáng đài mà không đài, thì còn phải tội nữa đấy!
Đức Chinh gấp tờ giấy giáp bỏ túi rồi trịnh trọng mó tay vào hai nén bạc ở mặt chõng và ngẩng lên nhìn Vân Hạc:
– Thưa ông, gọi là thêm một chẩu chay, xin ông nhận cho.
Vân Hạc mỉm cười cảm ơn và giục Đức Chinh phải về lều mà viết cho mau. kẻo nữa chậm quá. Sau khi Đức Chinh rả khỏi, Vân Hạc cầm hai nén bạc giắt vào dải lưng và bụng bảo dạ: “Trông mặt ra phết công tử. ai ngờ nó lại dốt đến thế. ấy vậy mà chưa biết chừng. Nếu nó tốt phúc mà không được vào phúc hạch, có khi sẽ đỗ tú tài cũng nên. Việc đời thật không thể nào mà đoán trước được…” Rồi chàng lại giở quyển mình ra viết.
Bây giờ công việc đã nhẹ. Bao nhiêu câu hỏi về thánh hiền. vua chúa nước Tầu, chàng đã trả lời xong xuôi cả rồi. Lúc này chỉ còn phải viết mấy câu văn kim nữa thôi. Cái lệ văn sách, văn kim tuy là thứ văn hỏi về công việc hiện thời của nước mình, nhưng thực ra nó chỉ là đoạn văn sáo. Cái sáo ấy chàng đã phải tập từ khi còn để hồng mao. bụng chàng đã thuộc như cháo chan cả rồi. Bây giờ chỉ phải theo giọng câu hỏi mà sửa đổi đi vài chữ, không phải khó nhọc chi hết. Coi lại đầu đề và soát bài văn của mình, chàng thấy từ đầu đến cuối, đoạn nào cũng rất đanh thép, nhất là không bị quên sách chỗ nào. Đắc ý. chàng ung dung giở chiếc điếu cày đánh lửa hút thuốc rồi mới viết nốt.
Mặt trời đã lui xuống dưới bức rào. Trên chòi canh. trống thu quyển đã thúc rộn rịp. Vân Hạc vừa kiểm những chữ xóa sót móc chữa vừa gọi với sang lều Đức Chinh:
– Thế nào? Cậu viết đã gần xong chưa?
Đức Chinh vui vẻ trả lời:
– Tôi chỉ còn độ ba dòng nữa. Ông cũng sắp xong rồi chứ?
– Phải! Tôi còn viết nốt mấy chữ đồ, di, câu, cải nữa là xong.
– Vậy thì ông hãy đợi tôi một lát rồi ta cùng ra.
Hai người lại cùng im lặng.
Trống thu quyển mỗi lúc mỗi mau. Tiếng voi ngựa đi tuần ở ngoài bờ rào ‘lại càng rộn rịp hơn trước.
Trời đã nhá nhem sắp tối. Đám học trò phía nhà Thập đạo loáng thoáng có người dỡ lều. Vân Hạc đương thu xếp giấy bút hộp mực bỏ vào trong yên. Chợt thấy Đức Chinh vô tay vào trán một cái đánh bạch:
– Thôi chết bỏ bố tôi rồi!
Vân Hạc giật mình liền hỏi:
– Cái gì thế cậu?
Thì ra vì trong lúc ruột gan bối rối: các đoạn “sĩ giã hạnh phùng thịnh – thế tòng sĩ văn trường, quản kiến nhu tư vị tri thị phủ’ hắn đã viết thừa bốn chữ “tòng sự văn trường” và thiếu bốn chữ “quản kiến như tư.” Sau khi đã nói qua sự lầm lỡ ấy cho Vân Hạc nghe, Đức Chinh lại hỏi:
– Xóa bốn chữ nọ viết bốn chữ kia vào cạnh có được không?
Vân Hạc ngọt ngào trả lời:
– Thôi đành bỏ tờ ấy đi viết tờ khác Vậy. Chữ xoá và chữa nhiều quá như thế bị mắc tội “thiệp tích” kia đấy. Bởi vì người ta ngỡ mình cố làm như vậy. để đánh dấu cái quyển của mình, chứ có ai cho là mình lầm lỡ.
Rồi chàng chạy tọt sang lều Đức Chinh:
– Đâu cậu viết lầm ở chỗ nào. Đưa đây tôi xem.
Vừa nói, Vân Hạc vừa nghển đầu ngó vào quyển của Đức Chinh. May quá, cái tờ bị hỏng ở ngay trên đầu trang. Đến đó, Đức Chinh mới viết có chừng hơn bốn dòng chữ mà thôi. Chàng giục hắn xé tờ ấy, rồi chàng cầm luôn mảnh giấy giáp và sẽ an ủi:
– Để tôi đọc cho cậu viết. Đừng vội. Trống thu quyển mới hết một hồi. Còn sớm chán. Nếu tối thì ta thắp nến! Hãy còn hai hồi trống nữa kia mà sợ gì?
Đức Chinh khi ấy mới khỏi hồi hộp trống ngực. Hắn liền cẩn thận theo miệng Vân Hạc mà viết.
Ngoài trời tối dần dần, rồi tối hẳn. Vân Hạc bảo Đức Chinh hăy lấy đá lửa đánh lửa châm nến. Và chàng vừa cầm nến soi cho Đức Chinh vừa theo bản giáp đọc cho hắn viết. Chàng cũng sợ hắn rối ruột lại viết lầm nữa, nên chàng cứ phải chăm chú nhìn vào quyển hắn, chờ hắn viết xong chữ này chàng mới đọc tiếp chữ kia. Mỗi khi đọc đến chữ gì có nhiều đồng âm thì chàng lại nói luôn câ nghĩa của chữ ấy cho hắn khỏi lẫn.
Hồi trống thứ hai dồn đạp thúc mau. Đức Chinh viết đến chữ “dĩ” trong câu “nguyện trập sự kỳ trạch dĩ văn” và toan đưa bút viết nữa. Vân Hạc vội vàng nắm lấy tay hắn và nói bằng giọng hoảng hốt:
– Ấy chết chữ “văn” này phải đài lên đệ nhị cách kia đấy!
Đức Chinh sửng sốt:
– Ồ lạ thế! Sao chữ “văn” trong câu “đối sỹ văn” ở đầu quyển lại không phải đài? Nó cũng là “nghe” chứ gì?
Vân Hạc thẽ thọt:
– Phải. Hai chữ “văn” cùng là nghe cả. Nhưng chữ “văn” trên nghĩa là mình nghe. nên không phải đài. Còn chữ “văn” này thì là vua nghe, nếu không đài, ấy là bất kính. Người ta đập vào đầu ấy.
Đức Chinh lè lưỡi:
– Sao mà rắc rối quá vậy.
Sau khi đă nắn nót viết một chữ “văn” bông bêng lên hàng thứ hai, hắn lật các tờ trong quyển, đếm hết những chữ xóa, sót, móc, chữa, để viết vào dưới chữ “cộng quyển nội” Hết tội.
Đức Chinh hì hục dỡ lều buộc chõng và đeo lên vai. Vân Hạc thì bỏ cả chõng lẫn lều. chàng chỉ đèo ra có một cái yên và một cái ống đựng quyển.
Ra nhà Thập đạo nộp quyển xong rồi. Vân Hạc vừa đi vừa hú vía! Vì đã vô cố mà rước lấy nợ vào mình.