LỀU CHÕNG (14)

Chương 14

Mặt trời vừa ở ngọn cây nhòm xuống, như muốn cười với nhân gian. Trên đường thỉnh thoảng đã có từng lũ học trò, lẻ tẻ kéo về. Lúc ấy, bọn Vân Hạc mới tới trước cửa trường thi.

Vì không ai ngờ Đốc Cung có thể bị “ra bảng con” cho nên cả bọn xăm xăm tới dưới bảng lớn.

Kỳ này chỉ có một bảng “yết tên” treo ở cạnh cửa giáp. Tuy là kỳ cuối cùng, nhưng số học trò “được vào” cũng còn đến hơn trăm người. Thoạt coi đầu bảng, thấy tên Đoàn Bằng, ai nầy đều vỗ tay reo. Cách vài dòng nữa, đến tên Vân Hạc. Rồi cuối bảng, thì tên Tiêm Hồng. Riêng tên Đốc Cung, tìm đi hâm lại mấy lần không thấy. Bấy giờ Đốc Cung mới càng chột dạ. Cả bọn đều tỏ ra vẻ ái ngại. Đốc Cung nói bằng giọng liều:

– Có lẽ họ cho mình ra bảng con thật chắc!

Đoàn Bằng nhất định không tin:

– Chẳng có lý nào như thế.

Vân Hạc cố trêu Đốc Cung:

– Lý nào cái đó? Hễ viết vô ý một tí, thì được nêu tên bảng con, chứ có khó gì?

Rồi đó, chẳng ai bảo ai, cả bọn đều đi đến cạnh bảng con.

Cái bảng mới xấu làm sao! Nó là một mảnh cót cũ, quét vôi nhơm nhếch như một tấm mái nhà mồ, bề ngang chừng hơn ba gang, bề dọc độ gần ba thước.

Người ta treo nó trong cái nhà bảng lụp xụp, mặt bảng chỉ độ ngang với mặt người.

Nhác trông trên bảng, Vân Hạc liền kêu giật giọng.

– Thôi chết! Có tên anh Cung thật rồi.

Mọi người ngơ ngác nhìn theo. Trong bảng có chừng mười mấy tên người. Người thì phạm húy, người thì “khiếm đài”, người thì viết không đủ quyển… mỗi người môi tội khác nhau. Tên của Đốc Cung liệt ở giữa bảng, dưới có bốn chữ “cổ văn khiếm tỵ” viết nhỏ theo lối chú cước, đối với bốn chữ “Hà Nội, Trúc Lâm”.

Tất cả bốn người sắc mặt đều thấy tái mét. Vân Hạc sẽ hỏi Đốc Cung:

– Chắc là trong quyển của anh có chỗ dùng phải những chữ trùng với tên lăng, tên điện của nhà vua mà anh không biết.

Đoàn Bằng trả lời:

– Không có! Sáng nay tôi đã xem đi xem lại bản giáp của bác ấy rồi. Chẳng có chỗ nào khiếm tỵ.

Vân Hạc vẫn ngó Đốc Cung:

– Nhưng mà bản giáp của anh có đúng như trong quyển thi hay không?

Đốc Cung đáp bằng giọng cả quyết:

– Đúng lắm. Đúng từ những chỗ “đồ di câu cải” trở đi. Có đều trong quyển viết chữ chân phương, bản giáp thì hơi đá thảo một chút.

Tiên Hồng nói xen:

– Nếu vậy, thì bác phải làm ngay giấy khiếu oan, đưa vào trong trường, để xin quan trường xét lại.

Đốc Cung ra vẻ tự phụ:

– Khiếu làm cái gì? Hỏng khoa này lại thi khoa sau, chẳng tội gì mà cày cục?

Đoàn Bằng gạt đi:

– Bác nói tuy vẫn có lý, nhưng học trò đi thi mà phải nêu ra bảng con, cũng là một sự mang tiếng, có khi còn để lụy cho các quan huấn giáo hạt mình nữa chứ! Bởi vậy tôi tưởng bác nên khiếu oan, để rửa cái tai tiếng kia.

– Khiếu oan là phải. Nhưng cũng hãy nên coi lại bản giáp lần nữa cho thật cẩn thận xem rằng có đích là mình bị oan hay không.

Tiêm Hồng khen phải. Lập tức cả bọn kéo về nhà trọ.

Bấy giờ ở các đường phố, học trò đã đương nhao nháo kháo nhau về chuyện Đốc Cung phải ra bảng con.

Mỗi khi gặp người quen biết hỏi thăm, Đốc Cung tưởng mỗi nhời nói của họ là một mũi giáo đâm vào ruột mình. Nhưng chàng cũng chỉ đáp lại bằng một nụ cười, vì không biết trả lời thế nào cho phải.

Tới nhà, Đoàn Bằng giục luôn Đốc Cung lấy ngay bản giáp của chàng đưa cho mình coi. Cả bọn xúm lại trên mảnh giấy, giở suốt từ đầu đến cuối, chẳng thấy “khiếm tỵ” chỗ nào. Sau cùng đến lượt Vân Hạc. Coi một lần trước cũng không thấy gì, nhưng còn hồ nghi, chàng lại coi thêm lần nữa. Khi giở đến tờ thứ tư, Vân Hạc chỉ tay vào một dòng chữ và nói bằng một giọng kình ngạc:

– Còn oan gì nữa, chẳng “khiếm tỵ” thì cái gì đây?

Mọi người đều nhìn theo chỗ Vân Hạc đã chỉ, thì thấy có mấy chữ rằng:

“Tam bách niên xã tắc chi trường, ninh phi lại ư thử tai”.

Lúc ấy ai nấy thất sắc, Đốc Cung vỗ tay xuống phản và nói hai tiếng vắn cộc:

– Con chó!

Rồi chàng lại thuần vẻ mặt và cười:

– Bốn người tìm mãi từ sáng đến giờ mới thấy, thế mà trong lúc chấm văn nhanh như ăn cướp, quan trường cũng bới ra được, thật là thánh quá. Hỏng thì hỏng, tôi cũng bái phục cái tài xoi mói của các ngài ấy.

Thêm Hồng ngắt lời:

– Không phải là các quan trường có ý bới móc. Bởi tại mệnh lệnh nhà vua giao cho như vậy, nếu không làm hết chức vụ, tất nhiên tội sẽ đến thân. Ngày xưa, biết bao nhiêu ông khảo quan chỉ vì chấm văn sơ xuất mà bị phạt bổng, giáng cấp, có ông còn bì cách chức nữa kia!

Đoàn Bằng an ủi Đốc Cung:

– Thôi, bác cũng đừng phàn nàn. Chúng ta còn đương niên thiếu lực cường, tiền trình còn dài, chẳng đỗ khoa này thì đỗ khoa khác. Miễn là bác đừng ngã lòng.

Đốc Cung vẫn ngông:

– Tôi chẳng ngã lòng chút nào. Lương Hiệu nhà Tống tám mươi hai tuổi còn thi và còn đỗ được trạng nguyên, nay tối mới hai mốt tuổi, chưa đỗ cũng chưa là muộn. Chỉ hiềm bản triều không lấy trạng nguyên mà thôi.

Vân Hạc cố ý trêu ghẹo:

– Tôi cũng chắc anh phải đỗ, nếu mà trời cho học lực của anh được bằng người ta.

Đốc Cung cũng trả miếng bàng giọng bông đùa:

– Vậy còn anh nữa? Không biết năm nay học lực của anh đã bằng người ta hay chưa?

Vân Hạc chưa kịp trả lời, ông chủ nhà trọ vừa ở nhà dưới đi lên và nói lễ phép:

– Vì bận sai bảo chúng nó làm mấy món ăn, cho nên từ nãy đến giờ, tôi chưa kịp hỏi chuyện các ngài. Thế nào? Bốn ngài được “vào” cả chứ?

Đốc Cung chỉ vào anh em Vân Hạc và đáp:

– Cả ba ông này đều “vào”, chỉ có một mình tôi hỏng. Đúng như lời ông nói lúc sáng ngày, tôi bị nêu ra bảng con thật!

Ông chủ nhà trọ đường định tìm câu an ủi Đốc Cung, nhưng chưa tìm được, ngoài cổng bỗng có tiếng người là lạ:

– Bùi tiên sinh vẫn còn ở đây đấy chứ?

Đốc Cung lầm bầm với Vân Hạc:

– Thằng nào mà hỏi đến vậy. Chắc nó tưởng mình bị hỏng, đã xách khăn gói cút rồi.

Rồi chàng nói chõ ra cổng:

– Tiên sinh còn đây. Ai muốn hỏi gì thì vào trong này.

Ông chủ nhà trọ lật đật chạy ra đón khách. Có phải ai đâu. Cậu Trần Đức Chinh hôm nọ.

Giữa lúc Đoàn Bằng, Tiêm Hồng cùng ngẩng lên nhòm, Đức Chinh đã ở ngoài sân tiến vào với một dáng điệu bạo dạn, khác hẳn cái bộ rụt rè khúm núm trong lúc hắn đi thuê người làm văn.

Cả bọn cùng đứng dậy chào.

Sau khi Đốc Cung đã lần lượt nói tên người nọ với người kia, Đoàn Bằng mời Đức Chinh cùng ngồi vào chỗ mọi người đương ngồi. Vân Hạc sẽ hỏi Đức Chinh:

– Cậu có được “vào” hay không?

Đức Chinh đáp bằng vẻ mặt sung sướng:

– Không, tôi bị hỏng.

Rồi hắn nhìn sang Đốc Cung:

– Chết chửa? Sao ở bảng con tôi lại thấy có tên ông?

Đốc Cung cười nhạt:

– Viết văn không cẩn thận, thì phải nêu ra bảng con, chứ có lạ gì sự đó?

Đức Chinh nói tiếp:

– Vậy ông phạm phải lỗi gì? Không phải là phạm húy chứ?

– Không. Có phạm húy đâu? Tôi phạm vào tội “khiếm ty”. Vì ở đoạn văn nói về đời Đường của tôi, lỡ viết phải câu “tam bách niên xã tắc chi trường, ninh phi lại ư thừ tai”.

Ông chủ nhà trọ đứng ở bên cạnh, có ý lấy làm kinh ngạc, liền hỏi:

– Thưa ông câu ấy là nghĩa thế nào?

Đốc Cung đáp:

– Nghĩa là “xã tắc nhà Đường lâu dài đến ba trăm năm, há chẳng phải nhờ ở điều đó hay sao?” ông chủ nhà trọ càng lấy làm lạ:

– Như thế thì có can gì mà đến phải nêu bảng con?

Đức Chinh hùa theo:

– Chắc là ông bị cái lỗi gì khác, chứ như câu ấy thì có việc gì?

Đốc Cung chỉ cười không trả lời. Đoàn Bằng rẽ rẽ cắt nghĩa:

– Phải đấy, ông Cung phải nêu bảng con là tại câu đó. Bởi vì theo phép bản triều, học trò đi thi chẳng những phải kiêng khinh húy, trọng húy của nhà vua:

mà đến những chữ tên các cung điện, lăng tẩm trong kinh bây giờ, cũng đều không được dùng đến. Ví như lăng ông Gia Long tên là Thiên thụ, thì khi làm ván không được viết chữ Thiên thụ. Hay như ở trong hoàng cung có điện Cần chánh thì chữ Cần chánh cũng không được dùng làm văn… Nhưng chỉ kiêng ở văn cổ mà thôi.

Đức Chinh cố làm ra bộ thạo việc trường ốc:

– Tôi cũng biết thế, nhưng trong hai câu của Bùi tiên sinh có chữ nào phạm lệ đó đâu?

Đoàn Bằng nói tiếp:

– Có chứ. Chữ “trường” và chữ “ninh”.

Ông chủ nhà trọ vội hỏi:

– Thưa ngài, thế hai chữ ấy cũng phạm húy ư?

Đoàn Báng lắc đầu:

– Không, Trường Ninh là tên cái cung nào đó. Hình như là cung của Hoàng thái hậu vẫn ở thì phải.

Đức Chinh ra vẻ ngơ ngác:

– Quái lạ, trong hai câu của Bùi tiên sinh, làm gì có chữ trường ninh.

Vân Hạc phì cười và nói:

– Vậy thì cậu thử đọc lại xem nào.

Đức Chính lẩm nhẩm lần nữa:

…thử tai? ”

Rồi hắn vỗ đùi đánh đét:

– À! Phải rồi! Có thật! Chữ trường ở cuối câu trên, chữ ninh ở đầu câu dưới.

Và hắn lại hỏi:

– Tôi tưởng về những chữ tên lăng tẩm cung điện nhà vua, chỉ có khi nào hai chữ cùng ở một câu mới là phạm cấm. Mỗi chữ mỗi nơi như thế cũng phải kiêng ư?

Tiêm Hồng nói góp:

– Bởi vì hai chữ tuy ở hai câu, nhưng nó đứng liền nhau thì cũng như ở một câu, cho nên cũng là có tội.

Ông chủ nhà trọ nhanh mồm lè lưỡi và tỏ ra vẻ kinh sợ:

– Trời ơi, rắc rối quá chừng. Cứ như chúng tôi, thì tránh cho hết hàng trăm chữ húy cũng đã khó thay, huống chi lại còn những cái oái oăm ấy nữa. Vậy mà các ngài đều tránh được cả, tôi xin phục là ông thánh.

Đoàn Bằng lài tiếp:

– Có phải chỉ thế thôi đâu? Lại còn cái nạn “khiếm trang” mới đáng sợ chứ.

Đức Chinh cũng như ông chủ nhà trọ, chỉ ngồi ngẩn mặt, hình như có ý chờ nghe. Đoàn Bằng nhòm vào ông chú nhà trọ và hỏi:

– Chắc ông chưa rõ khiếm trang là gì?

Rồi thày liền giảng:

– Khiếm trang nghĩa là thiếu sự kính trọng. Theo đúng lệ đó, thì hết thảy những chữ có nghĩa không hay, như “bạo” là “tợn”, “hôn” là “tối”, “cách” là “đấm”, “sát” là “giết” v.v… không được đặt trên các chữ có nghĩa là vua, như là chữ “hoàng đế”, chữ “quân”, chữ “vương”, chữ “chủ”… vì nếu để chữ “cách” liền với chữ “quân” thì nó sẽ có nghĩa là “đấm vua”, mà để chữ “bạo” liền với chữ “chủ” thì nó phải có nghĩa là “ông vua tàn bạo”. Dù mà mình không chỉ vào vua nào, hay là mình đã chỉ đích vào những hạng vua vô đạo của Tầu ngày xưa, như bọn vua Kiệt, vua Trụ chẳng hạn, cũng là khiếm trang tất cả.

Đến lượt ông chủ nhà trọ:

– Khiếm trang sẽ bị tội gì?

Vân Hạc nhìn vào Đốc Cung rồi cười và đoán:

– Nhẹ hơn “khiếm tỵ” một chút, nghĩa là chỉ bị đánh hỏng, không có hân hạnh được ra bảng con như Bùi tiên sinh nhà tôi.

Tiêm Hồng không bằng lòng sự bông đùa của Vân Hạc, vội vàng nói cho lấp đi.

– Năm xưa, một ông tú tài ở tỉnh Đông, bạn thân của anh cả tôi, cũng xuýt bị tội về cái nạn đó.

Nhũng lại một lát để nhìn Đức Chinh và ông chủ nhà trọ, Tiêm Hồng lại tiếp:

– Khoa ấy – tôi không rõ là khoa nào – ông ấy đã vào đến kỳ thứ ba. Trong bài văn sách của ông ta có câu như vầy: “Xuân sinh thu sái. đế đạo dữ thiên đạo nhi tịnh hành“. Thế mà cũng bị quan trường cho là khiếm trang. Rồi quan ngoại trường ngự sử lại hạch thêm rằng: tú tài đi thi mà còn phạm vào kỵ húy, thì nên phạt cho thật nặng. May nhờ được quan chủ khảo có lượng khoan đại, ngài phải hết sức bênh vực, ông ta mới được khỏi tội. Nhưng mà cũng phải đánh hỏng.

Ông chủ nhà trọ ra bộ ngơ ngẩn:

– Vậy thì, thưa ngài, nghĩa đen câu ấy ra sao?

Tiêm Hồng đáp:

– Có gì đâu? Nghĩa nó chỉ là “Mùa xuân sinh ra, mùa thu thu lại, việc của đời “đế” cũng đi đôi với việc của ông trời”. Có thế thôi.

Đức Chinh vẫn chưa hiểu và hỏi:

– Song mà trong bấy nhiêu chữ người ta ghép những chữ nào có tội khiếm trang.

– Chữ “sái” và chữ “đế”. Chữ “sái” chính nghĩa là thu đáng lẽ cũng không xấu xa, gở độc gì cả. Chỉ vì bản thể của nó nguyên ở chữ “sát” là “giết” mà chuyển âm ra.

“Sái” với “sát” đọc tuy khác nhau, nhưng mặt chữ cũng vẫn là một, cho nên đặt chữ “sái” liền với chữ “đế” tuy rằng mỗi chữ ở mỗi câu, người ta cũng có thể nhập lại làm một đọc nó ra “sát đế”. “Sát đế” nghĩa là “giết vua”, như thế tức là khiếm trang, chứ gì.

Ông chủ nhà trọ đứng dậy, chắp tay vái lia, vái lịa:

– Thôi! Tôi xin lạy cả nón. Phúc tổ nhà tôi, làm sao lúc học dốt quá, đành phải bỏ học đi cày. Nếu như tôi sáng dạ một chút, mà cố theo đuổi để được cắp quyển vào trường với các ngài, thì chắc suốt đời bị tội!

Và ông ấy nói thêm:

– Nghe chuyện các ngài, làm cho tôi càng thêm sợ. Vậy xin phép các ngài, tôi đi giục nó làm cơm kẻo muộn.

Rồi thì ông ta quay mặt đi ra, Đốc Cung hình như đã thấy nóng ruột về cuộc chuyện phiếm, chàng ngoảnh sang phía Đức Chinh và hỏi:

– Cậu đến chơi hay có việc gì cần hỏi chúng tôi?

Đức Chinh mỉm cười như đương có chuyện đắc ý:

– Tôi muốn mời ngài đêm nay đi chơi giải buồn. Bởi vì chúng mình cùng phường “hỏng” với nhau.

Đốc Cung cũng cười:

– Đa tạ cậu có hảo tâm. Nhưng tôi bây giờ ruột gan đương bồn chồn, còn thiết gì đến chơi bời? Vậy xin lỗi cậu để cho khi khác. Chúng ta còn nhiều lúc gặp nhau. Vội gì?

Đức Chinh vẫn kèo nèo:

– Cố nhiên thi hỏng ái cũng phải tức, huống chi chúng mình đã lẽo đẽo vào đến tam trường. Tôi cũng cay đắng trong ruột, có lẽ còn hơn ngài nữa. Vì vậy, tôi muốn mời ngài đi chơi cho khuây.

Đốc Cung nhất định từ chối:

– Thồi cậu miễn cho. Từ sáng đến giờ tôi thấy trong người hơi mệt. Nếu lại thức đêm, tất nhiên sẽ thành ốm nặng…

Đức Chinh nói thêm vài câu tào lao, rồi hắn đứng dậy từ biệt.

Thằng nhỏ vừa bưng rượu đặt vào giữa phản, sau khi nó đã trịnh trọng xin phép mấy ông khách trọ.

Cũng như sáng ngày, ông chủ nhà trọ, lại đến gãi tai mời chào, rồi tự lảng đi nơi khác.

Cả bọn bấy giờ mới thay khăn áo, rồi cùng ngồi vào mâm.

Trong lúc chén thù chén tạc, Đốc Cung tuy cũng có vẻ cảm khái, nhưng vì Vân Hạc thmh thoảng lại chêm một câu bông đùa rất có ý vị, cho nên quang cảnh vẫn vui vẻ như tết.

Mặt trời đã xế. bóng nắng leo lên nửa tường của tòa nhà trước sân, bấy giờ cuộc rượu mới tan.

Mấy tuần trầu nước đã tàn, Đốc Cung cất tập giấy giáp bài vào tráp, rồi chàng ra mắc nhắc lấy khăn áo bỏ xuống chiếu.

Đoàn Bằng vội hỏi:

– Bác ở đây chứ? Đi đâu bây giờ?

Đốc Cung đáp:

– Vâng, tôi ở đây. Có lẽ tôi sẽ ở mãi đến ngày xướng danh. Bởi vì tôi tuy hỏng, nhưng mà các bác “vào” cả, thì cũng còn vui, tôi phải ở lại để mừng các bác. Có điều ngày mai các bác được đi vào trường, tôi ở nhà một mình, chắc là không thể chịu nổi. Vì vậy…

Đến đây, chàng bỗng ngừng lại để đưa ra một nụ cười:

– Vì vậy tôi muốn xin phép các bác, đêm nay xuống thăm Hàng Lờ cho đỡ buồn…

Rồi chàng vội cúi mặt xuống, như muốn giấu kín những giọt nước mắt đương thập thò ở đầu con mắt.

Vân Hạc lại trêu:

– Mày khóc đó Cung?

Đoàn Bằng vội ngăn:

– Sao chú lại cứ bông đùa mãi thế.

Và với vẻ mặt rất cảm động, thày quay lại nhìn Đốc Cung.

– Hôm nay thì tôi không dám can bác. Nhưng đến chiều mai, bác lại về đây, để cho chúng tôi đi với!

Vân Hạc lại hỏi Đốc Cung:

– Thế sao Trần Đức Chinh đến mời, anh không đi luôn với hắn?

Đốc Cung lại cười:

– Đi chơi với thằng tục tử ấy có gì là thú? Vả lại, nghe lời hắn nói, tôi đã sinh ghét. Hỏng thi cũng có năm, bảy thứ người, hắn bì với tôi được à? Thế mà bấy giờ hắn dám nói rằng: “chúng mình cũng là “phường hỏng” với nhau’. Như vậy, anh bảo có tức hay không?

Vân Hạc cũng cười:

– Kể cả cũng đáng tức thật. Nhưng mà anh hơn gì hắn? Anh tam trường, hắn cũng tam trường. Và chưa biết chừng, có khi mai kia hắn sẽ đỗ được tú tài cũng nên.

Tiêm Hồng lắc đầu:

– Khó lòng lắm. Tuy rằng người hỏng tam trường cũng có thể đỗ được tú tài. Nhưng khoa này cả trường Hà Nội chỉ lấy hai bốn cử nhân, theo lệ “nhất cử tam tứ’ thì được bảy hai ông tú tài nữa. Thế là kể cả tú tài, cử nhân, cả trường mới có chín mươi sáu người. Nếu nhà vua có gia ân mà lấy thêm nữa. chẳng qua cũng đến trăm người là cùng. Vậy mà sáng ngày coi ở trên bảng, số vào phúc hạch đã được hơn một trăm rồi. Thế thì khi nào tú tài còn đến phần hắn?

Đốc Cung họa theo:

– Phải! Nếu hắn mà đỗ, thì cũng đáng buồn cho cuộc thi cử.

Vừa nói, Đốc Cung vừa thủng thẳng rửa mặt chải đầu, coi bộ như một người đương có việc gấp. Sau khi đội khăn mặc áo chỉnh tề, chàng lại mỉm cười với bọn Đoàn Bằng, Tiêm Hồng.

– Xin chúc các ngài ngày mai viết cho linh lợi! Tôi đi, chiều mai hoặc sáng ngày kia thì lại về đây.

Anh em Vân Hạc ai cũng có vẻ ái ngại, nhưng không ai dám nói thêm câu gì, vì sợ khêu mối đau lòng cho bạn.

Trời đã chiều cả. Ngoài phố lác đác có tiếng hàng quà đi rao.

Ông chủ nhà trọ tất tả vào giục các ông khách trọ giao hết lều chõng cho mình sắp sửa. Là vì kỳ này học trò đã vắng. Những ai được vào, đều phải đem lều chõng nộp sẵn từ chiều hôm trước, để lính thể sát đóng cho, ngày mai chỉ việc vào đó mà ngồi, không phải lôi thôi gì nữa. Ông chủ nhà trọ đã quen lệ đó, nên mới giục. Tức thì Vân Hạc kiểm điểm các thứ đồ đạc của hai anh và mượn lều chõng của Đốc Cung vì lều chõng của chàng kỳ trước bỏ không đem về đưa nhờ ông chủ nhà trọ bó buộc đâu đấy. Rồi chàng lấy ba mảnh giấy viết tên ba người dán vào mỗi bộ áo lều một mảnh, và giao cả cho thằng nhỏ đưa lên cửa trường. Ở đấy đã có một người lại phòng thu nhận.

Trong thành bắt đầu nổi trống thu không. Tiếng chuông ở các chùa xa văng vẳng đưa lại.

Trời nhá nhem tối. Đoàn Bằng, Tiêm Hồng cùng giục Vân Hạc soát lại ống quyển, hộp mực, giấy bút và các đồ vặt để ngày mai vào trường.

Trở Về

Tìm Kiếm