…..
LỊCH SỬ HÒN NON BỘ
Tác giả: Phan Quỳnh
LỊCH SỬ HÒN NON BỘ
Chơi cây cảnh, chơi đá tảng, chơi non bộ, là môn chơi tao nhã, hấp dẫn, từ ngàn xưa của người Việt, kể cả các dân tộc phương đông và ngày nay thú chơi này đã lan rộng sang các nước phương tây .
Non bộ là núi nhân tạo , dùng đá , vữa hồ , đất , … , tạo cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hang động , ghềnh thác , núi cao biển rộng của cảnh thật hay cảnh tưởng tượng , được bàn tay nghệ nhân khéo léo bầy xếp , gắn tạc , đục đẽo , để dàn trải trong vườn cảnh , hay trong hồ cá , hoặc ngay trong chậu cạn , đồng thời điểm xuyết, trang trí rêu cỏ , cây cối nhỏ bé có dáng vóc cổ thụ , một số hình tượng (như mục đồng , ngư ông , tiều phu , tiên ông , đạo sĩ , … , chùa tháp , đền miếu , cầu đường , ghe thuyền, thác nước đổ , phun sương , phun khói , cù lao , muông thú bằng sành , bằng đất sét v.v. …) hầu diễn tả một sự tích , một câu chuyện làm cho non bộ có nội dung và linh hoạt , gợi hình , gợi cảm cho người thưởng ngoạn .
Có non bộ cao lớn hàng chục , hàng trăm thước tây , ví dụ hòn Ộ Vạn Tuế SơnỢ của vua Lý Thái Tông chế tác năm Mậu Thìn 1028 , và cũng có non bộ bé nhỏ bằng gang tay hay nhỏ hơn
Theo Lê Văn Siêu thì : không thể căn cứ vào lớn nhỏ mà luận về sự quí giá của non bộ . Nhiều khi nhỏ mà toàn thể là một cục long não , hoặc là một hình hết sức đẹp bầy trên án thư của nhà ẩn sĩ , để những khi nhà ẩn sĩ mở sách thánh hiền ra đọc và đốt một đỉnh hương trầm cho khói tỏa lên cây lên núi như những làn mây thì dẫu người trần mắt thịt đến đâu cũng phải thấy ngay m?t vẻ gì là tiên phong đạo cốt.
Người ta lại còn dùng núi đá ấy để làm nghiên mực nữa . Ta hãy tưởng tượng một cái bể nước con con với rêu , cỏ , cây , nhỏ lí tí trên một hòn non nhỏ bằng đá trắng , với những từng đá lăn tăn như dợn sóng , ôm lấy một mảng đá như một cái thung lũng để mài mực , và nhà nho cầm bút chấm vào nghiên mực ấy để viết những vần thơ , thì ta thấy rằng người Việt Nam xưa dẫu chẳng tiên thì cũng đã chẳng còn gì là tục nữa . (1)
I Nghĩa ngữ.
Non bộ là thuật ngữ cổ thuộc gốc Nam Á .
Từ Bộ có nghĩa là dáng vẻ, bắt chước, phỏng theo, nhái theo, kiểu cách, mô phỏng, ra vẻ, v.v…. ví dụ : giả bộ, làm bộ, điệu bộ, bộ dạng…Từ Non có nghĩa là núi .
Cùng một nghĩa chỉ núi với các từ trong ngữ hệ Malayo-Polynesiene và Mon-Khmer thuộc văn minh Nam Á , chúng ta thấy từ Ph-num của người Miên, từ Phơnơm của người Mạ, từ Bơnơn của người Bà-na dọc Trường sơn , từ B-non của người Ê-đê nam Tây nguyên , từ Gu-nong hay phunông của người Mã-lai, , từ Phu của người Thái, từ B-nam của cổ Phù-nam (2), v.v. …
Khi xưa tiếng Hán đang còn đóng khung ở vùng phía bắc sông Hoàng-hà, sông Vị-hà thì nó chưa thể có nhiều những từ nêu lên tên gọi của những sản vật mà chỉ phương nam mới có , do đó có sự vay mượn , ảnh hưởng qua lại . Những danh từ chỉ thực vật như cảm lãm ( trám ) , phù lưu ( trầu ) ba la mật ( mít ) v.v. … chắc chắn là những danh từ vay mượn các ngôn ngữ vùng nhiệt đới . Để chỉ sông , phía Bắc , người Hán gọi là Hà , nhưng từ sông Dương Tử trở về Nam lại gọi là Giang . Theo các nhà Địa danh học giang là một từ vay mượn , thanh phù công ( ) đứng cạnh bộ chấm thuỷ ( )trong chữ giang ( ) rất dễ dàng gợi cho chúng ta nghĩ đến Kion ( Miến ) , Kon ( Katu ) , Karan ( Mơ Nông ) , Krong ( Chăm ) , Không ( Mường ) , Hông ( Khả) , Krông ( Bà Na ) , Khung ( Thái ) , Sôngai ( Mã Lai ) , cũng như nghĩ đến Sông trong tiếng Việt (3) , ( Việt Miên Lào có chung con sông là Mê-kông ).
Có khi chiều ảnh hưởng chỉ đi theo một đường thẳng đơn giản, từ bên này sang bên kia, nhưng cũng nhiều khi mũi tên có thể đi đường vòng từ A sang B , rồi lại từ B quay trở về A. Ví dụ ở tiếng Nam Á có danh từ chỉ một thứ võ khí ta gọi là Ná (So sánh với Na của Mường , của Chức , nả của La-ha [Mường-la] , Hna của Bà Na , của Ê-dê, Mnaá của Sơ Đăng, Sa-Na của Kơ-ho, S-Na của Miên, Snao của Raglai, Na của Mạ, Hnaá của Gia Rai , Sơ-Na của Srê, Sna của Chăm Phan Rang, Phan Rí, Nả của Thái hay Pnả của Mã Lai ), có nhiều cơ sở để có thể khẳng định chính từ tên gọi này được nhập vào vốn từ vựng của người Trung Quốc , sản sinh ra tiếng Hán có cách đọc Hán Việt cổ là Nõ hay Hán Việt hiện nay là Nỗ ( [ ] tổng hợp của thanh phù Nô [ như nô bộc] đứng trên chữ Cung tượng hình [ ]) rồi lại quay trở về Việt Nam được đọc theo Nôm là Nỏ. Nỏ là một phát minh của người phương Nam .
Từ Non bộ hay Bơnơn Bouy là mô phỏng núi , dáng vẻ núi non, nhái theo núi non, hoặc còn gọi là núi giả , sau này được các nho sĩ, sử gia chuyển ngữ sang chữ Hán mà cách đọc Hán Việt là giả sơn . Nhưng thuật ngữ giả sơn lại không được thông dụng ở Trung quốc , kể cả Hoa Nam và Hoa Bắc . Người Trung quốc quen dùng thuật ngữ Bồn tài (p-en tsai – cây trong chậu) Bồn cảnh (p-en ching – cảnh trong chậu) , mãi đến cuối thời Nguyên (1271-1368) , thời Minh (1369-1643) mới xuất hiện danh từ chữ Hán hoàn chỉnh có cách đọc Hán Việt là Sơn Thủy Bồn Cảnh ( shan shui p-en ching – cảnh sơn thuỷ trong chậu ) (4) , để chỉ lối chơi giống hệt như lối chơi non bộ ở Việt Nam .
Người Thái Lan có lối chơi Mai khèn ( cây lùn ) hay Mai dăt ( cây uốn ) , người Nhật có lối chơi Bonsai ( bồn tài – cây trong khay , trong chậu ) , Bonseki (bồn thạch – đá trong khay , trong chậu ) . Theo tác giả Nguyễn Vọng thì : Người Nhật có nghệ thuật đặt đá trên khay để trưng , không có cây cỏ . Giả thử đá ấy có hình dáng một trái núi thu nhỏ ta cũng không nên coi đó là một non bộ (5) .
II Những gợi ý của non bộ.
Non bộ ở Việt Nam có từ bao giờ ?
Chưa thấy có tài liệu nào trả lời dứt khoát câu hỏi này, nhưng rõ ràng cây và đá đã có sự liên hệ mật thiết lâu đời và đóng góp tích cực vào sinh hoạt vật chất và tinh thần của tổ tiên người Việt .
Ngay từ thời đại các vua Hùng dựng nước , ngót năm ngàn năm nay, chúng ta đã được biết hình ảnh mơ hồ của một non bộ : có đá, có cây, có mây nước, có đền miếu, v.v… gói trọn trong một tình tiết cảm động . Đó là truyện Trầu cau ( xem Lĩnh Nam Chích Quái) , một nguồn cảm hứng dồi dào cho các văn nhân nghệ sĩ sau này của các bộ môn thơ , văn , vũ , nhạc , họa , điêu khắc v.v….
Những tín ngưỡng tối cổ .
1/.Trở ngược thời gian về hàng chục ngàn năm trước Công nguyên, sau khi dời bỏ đời sống trong hang động và săn bắn hái lượm để xuống định cư tại đồng bằng sông Hồng , sông Mã , chuyển sang đời sống nông nghiệp lúa nước (lạc điền), người Việt cổ vẫn còn bảo lưu được những đồ trang sức , những dụng cụ và công cụ sản xuất xa xưa bằng đá được đẽo mài , khoan , tiện, chế tác rất xinh xắn , đều đặn , khéo léo như vòng tay , khuyên tai , nhạc khí (đàn đá ) , rìu đá , cuốc đá , mũi tên đá , v.v…. đồng thời họ còn giữ tục thờ đá , tục thờ cây , tín ngưỡng tối cổ của nhân loại mà nay vẫn còn tàn dư ở các nhóm dân tộc tại bán đảo Đông Dương và trải rộng đến các vùng hải đảo miền đông nam châu Á .
Trước 1945, tại một số làng thôn quê Bắc Việt, chúng ta vẫn còn thấy trước cổng mỗi nhà về phía trái dựng một hòn đá . Theo các cụ già xưa kể lại thì hòn đá này được gọi là con chó đá , đặt trước cổng để xua đuổi tà ma , quỉ mị , bảo vệ gia chủ , cho dù hòn đá không có vóc dáng của một con chó . Vua Lê Thánh Tông có bài thơ tả con chó đá này như một tướng quân chức quyền bao trùm một cõi , lòng son sắt thờ chúa , gìn giữ giang sơn .
Đọc Lĩnh Nam Chích Quái , đọc Việt Điện U Linh Tập , hoặc Quảng Châu kí, Giao Châu Ngoại Vực Kí , cho dù các sử liệu cổ xưa này đã bị các nho sĩ , sử gia xưa nhuận sắc , uốn sửa theo lăng kính Khổng giáo , chúng ta ngày nay vẫn nhìn thấy nhiều khe hở nói về tục thờ đá thờ cây xa xưa ở Việt Nam xuyên qua các từ ngữ như Ông Đống ( pù đống trong tiếng Tày), Thạch Khanh , …, truyện tảng đá có vết chân to lớn của người anh hùng làng Dóng thời Hùng vương ở núi Sóc Sơn , Bắc Ninh , hoặc truyện Mộc tinh , hay truyện Đô Lỗ Thạch thần , vị thần bảo trợ cho Thục An Dương Vương tại thành Cổ Loa, truyện Man Nương với phép linh của phiến đá , nằm trong một gốc cổ thụ , tạc thành bốn tượng Vân, Vũ, Lôi, Điện tại chùa Dâu.
Tương tự ở các nhóm dân tộc Nam Á khác cũng có những nghi thức cầu nguyện hay thờ phụng thần cây thần đá . Ví dụ người Chăm Phan Rang , Phan Rí có tục thờ hòn đá tượng chưng cho Kút , thờ Linga, người Sê-đăng nam Tây nguyên có thần thoại thần đá, thần núi xuyên qua truyện Nữ thần Hoa Lan , người Lào có tục thờ Thitsana Hỉn, người Thái có tục Soat-non conhin , người Tagalog vùng đảo Luzon có tục Bato manalangin ( thờ đá) , tục Puno pananampalataya (thờ cây) , người Visaya vùng đảo Palawan có tục Batu gui-ampo (thờ đá) , người Ilocano vùng đảo Mindanao có tục Mula Icararag (6) .
2/.Ngoài tục thờ đá , thờ cây , một gợi ý nữa liên quan đến thú chơi non bộ ở VN là tín ngưỡng về hang động và Thần Tiên Bất Tử .
Trong những năm 1934-1939 trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội đã khai quật một số cổ mộ của cư dân tỉnh Bắc Ninh , Bắc Việt , khoảng các thế kỷ trước và sau Công nguyên . Những mộ táng này được xây bằng gạch , đôi khi bằng đá , gắn nhau bởi một thứ hồ vữa đặc biệt rất dắn chắc để nhái theo hình thể hang động thiên nhiên , có nhiều động , nhiều phòng , mái vòm cong , thông nhau bởi những đường hầm địa đạo . Khảo cổ học đã xếp những mộ táng này vào giai đoạn văn minh Lạch Trường (7) . Văn minh Lạch Trường mà mộ táng trải rộng ở các tỉnh Bắc Việt, bắc Trung Việt và lưa thưa ở một vài nơi phía nam Hoa Nam thuộc Trung Quốc, liên quan đến một tín ngưỡng dân gian người Việt thời thượng cổ : tín ngưỡng về Hang Động, còn gọi là Động Trời hay Động Thiên .
Theo tín ngưỡng này thì trong lòng một hòn núi lớn có những hang động rất linh thiêng mà cái vòm tượng trưng vòm trời, lòng đáy phù hợp với đất , cửa vào những hang ấy là biên giới giữa thế giới vật chất và thế giới siêu hình (8) .
Từ xưa, sống lâu vẫn là mơ ước của con người , họ than thở về sự ngắn ngủi của đời sống trần gian và người Việt xưa nay thường tin tưởng và khao khát về một đời sống trường cửu nơi thế giới bên kia về sau bên bờ biển xa xăm hay siêu việt trên núi cao vút chín từng mây , hang động được coi rất thiêng liêng và là cung điện của các Thần Tiên bất-tử .
Tín ngưỡng hang động với Thần Tiên bất tử có một dấu ấn đậm nét của triết lý phồn thực , đặc trưng của của các dân tộc ở Nam Á trước khi có ảnh hưởng văn hóa Hán Tạng tràn từ phương Bắc xuống. Do đó không lạ gì hòn non bộ thường được đặt vào những nơi thờ nữ thần ở Việt Nam mà Rolf A. Stein hay nói đến. ?
Ta thấy có những tục lệ đã nói lên được một ý thức tập thể về hang động hoặc thần thoại về Thần Tiên . Động Thẩm Lệ ở Yên Bái , Bắc Việt , được coi linh thiêng , hàng năm trai gái đến tụ tập hát giao duyên , khai xuân phát động nguồn sinh lực của tạo vật , thần thoại về Việt Tĩnh , thần thoại Giáng Tiên với hang Từ Thức , thần thoại Hồ Công động , Kim Sơn động , Chấn Linh động , Hương Tích động , v.v. … , ngoài ra còn cả một nhóm thần thoại dòng Đạo Nội lấy Chử Đồng Tử làm Sáng tổ của đạo Thần Tiên bất-tử (9).
Triết sử gia Hồ Thích nhận xét rằng từ khi Trung Quốc bắt đầu khai hóa các dân tộc xung quanh , chủ yếu là các dân tộc phương Nam , thì đồng thời với việc các dân tộc này hấp thụ nền văn hóa phương Bắc , đạo Thần Tiên Bất Tử cùng với các chuyện thần thoại giàu chất trữ tình hấp dẫn của họ cũng được mang vào Trung Nguyên . Trong sách Trung Quốc Triết Học Sử , ông viết :
Các tân dân tộc hấp thụ nền văn hóa Trung-nguyên là điều rõ ràng, thiết-tưởng không cần phải nói thêm. Nhưng cùng một lúc, các chuyện thần thoại giầu tính-chất hấp dẫn của các quốc gia trên được mang vào đất Trung-nguyên.
Chúng ta thử xem các chuyện thần-thoại trong các tác phẩm văn học của Khuất Nguyên (người Sở thuộc Bách Việt) , Tống Ngọc, tất cả đều là những mẫu chuyện mà nền văn học phương Bắc không bao giờ có, …Có lẽ thuyết thần-tiên cũng do đấy mang sáp-nhập vào văn-minh Trung-quốc chăng? (10) Học giả Rolf A. Stein của trường Viễn Đông Bác Cổ đã tổng kết : Từ địa linh và tiên cảnh , thế giới của Thần Tiên bất tử , đến quá trình ma thuật tiền hóa học , và đến sự trầm tư mặc tưởng thần bí, tất cả đều qui về một toàn bộ rất hệ thống mạch lạc những đề tài, hình ảnh, liên tưởng hệt như hệ thống cảnh hòn non bộ.
(From the holy place and paradisiacal site, the land of the Immortals, to alchemical processes and mystical meditation, everything leads to a strongly coherent assemblage of themes, images, associations – a complex identical to that accompanying miniature gardens)(11)
Rolf A. Stein còn cho biết tại các đền miếu chùa chiền và tư gia ở Việt Nam , dù giàu hay nghèo đều chơi non bộ .
(Two preliminary facts about Indochina should be presented right away: nui non bo (miniature rocks covered with dwarf plants and set incotainers of water) are commonly present in both pagodas and private homes, even in those of the poor (not often in Hanoi, but frequently in Hue) ; and the rocks placed in the courts of pagodas, thus forming part of the sacred enclosure, are almost always accompanied by parallel verses in Chinese.)(12)
Một hiện tượng cần được nghiên cứu kỹ hơn để kết luận là trong khi ảnh hưởng văn hóa phương Bắc đã tràn ngập vào đất nước Vạn Xuân và sau này là Đại Cồ Việt , lối chơi non bộ đã rộ phát tại phương Nam nhưng chưa thấy sử sách hay tài liệu nào nói về lối chơi này ở phương Bắc, cho mãi đến thời kỳ các triều đại Nguyên, Minh, Thanh chúng ta mới thấy hiện tượng chơi non bộ Sơn Thủy Bồn Cảnh nở rộ tại Trung quốc.
Phan Quỳnh
(Nguồn : Diễn Đàn Lý Học Đông Phương)