…..

Lữ Giang: Thù Phật Giáo Đến Mù Lương Tri

Trần Đại Linh

…..

ING.286Khi tôi đọc bài “Một Cuộc ‘Đồng Hành’ Thảm Bại!” của ông Lữ Giang được phổ biến gần đây thì tôi đã không còn nghi ngờ gì nữa là ông Lữ Giang vì thù Phật Giáo Việt Nam mà mù cả lương tri, đánh mất phẩm chất cao đẹp của người cầm bút.

Tại sao tôi nói thế? Bởi vì tất cá các bài viết của ông Lữ Giang – còn có tên Tú Gàn, Nguyễn Cần – về Tăng, Ni và Phật Giáo Việt Nam từ trước tới nay đều không một chút thiện cảm, không một thành ý xây dựng, mà chỉ là hoàn toàn với cái tâm thù hận, oán ghét, vu khống, chụp mũ, đặc biệt trong bài viết “Một Cuộc ‘Đồng Hành’ Thảm Bại!” Tôi xin đưa ra một số minh chứng để người đọc thấy rõ điều tôi nói là đúng.

1/ Ông Lữ Giang viết: “Dựa theo phong trào chấn hưng Phật Giáo do Pháp phát động để ru ngủ phong trào chống Pháp,…”

Trích đoạn trên của ông Lữ Giang là một bằng chứng cho thấy lương tri của ông đã bị mù vì thù hận Phật Giáo Việt Nam. Có phải không ông Lữ Giang? Ông căn cứ vào đâu để nói rằng “phong trào chấn hung Phật Giáo do Pháp phát động để ru ngủ phong trào chống Pháp…”?

Đấy là một nhận định gian ác với ý đồ xuyên tạc sự thật lịch sử để buộc tội Phật Giáo cấu kết với Pháp để dập tắt phong trào chống Pháp dành độc lập cho đất nước. Trong khi trên thực tế, phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 bắt nguồn từ sự thành công đầy khích lệ của phong trào chấn hưng Phật Giáo Trung Hoa của Thái Hư Đại Sư, được khuyến khích và tán trợ của các nhà cách mạng canh tân đất nước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, và sự mở cửa của xã hội Việt Nam khi tiếp xúc với văn minh Tây Phương. Nhưng trên hết phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là nhu cầu vực dậy sinh lực của Phật Giáo Việt Nam để làm chỗ dựa cho công cuộc phục hưng nội lực dân tộc và qua đó đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp để giành lại độc lập cho nước nhà. Chính đó là lý do tại sao hầu hết Tăng Ni và cư sĩ Phật Giáo Việt Nam trong tiền bán thế kỷ 20 đã không ngần ngại tham gia vào phong trào Việt Minh đánh Pháp đòi độc lập cho đất nước. Giống như nhiều nhà cách mạng tên tuổi của Việt Nam thời bấy giờ, khi tham gia vào phong trào Việt Minh chống Pháp các tăng sĩ và cư sĩ Phật Giáo không ai nghĩ rằng mình theo cộng sản, mà họ chỉ nghĩ đến việc đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi để giành lại độc lập cho đất nước.

Chụp mũ những ai tham gia vào Việt Minh là cộng sản là tự tố cáo bản chất bán nước, vô trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc, và chà đạp bao nhiêu hy sinh xương máu của những người vì chính nghĩa độc lập dân tộc đổ ra trong đó có tăng ni và cư sĩ Phật Giáo Việt Nam. Tại sao không thấy ông Lữ Giang nhắc đến những nhà chí sĩ chống Pháp hàng đầu tại Việt Nam trong tiền bán thế 20 đa phần là những tăng ni, cư sĩ hoặc những nhà cách mạng có mối quan hệ chặt chẽ với các vị lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam, trong số đó gồm có nhà cách mạng Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, nhà sư Võ Trứ, chí sĩ Trần Cao Vân, nhà cách mạng Lý Đông A, nhà sư Thiện Chiếu, v.v…?

Nói về mối quan hệ giữa Phật Giáo và Việt Minh, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, lúc đó là Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, viết trong Đơn Xin Cứu Xét Nhiều Việc viết tại Quảng Ngãi ngày 25 tháng 6 năm 1992, như sau: “Giáo Hội Phật Giáo cứu quốc Liên khu 5 cũ, được thành lập đồng lúc với các đoàn thể cứu quốc khác, sau ngày khởi nghĩa mùa thu năm 1945, tại các tỉnh: Nam, Ngãi, Bình, Phú. Sau sáu năm làm việc cứu quốc, như các tổ chức nhân dân khác, đến năm 1951, Mặt Trận Liên Việt Liên Khu 5, buộc chúng tôi mở Đại Hội tại Bồng Sơn, Bình Định, để lấy quyết định “chuyển hướng công tác” bằng cách: cắt bỏ 2 chữ Cứu Quốc và giao hết quẩn chúng Phật tử qua các tổ chức nhân dân khác. Phật Giáo chúng tôi bấy giờ, sau Đại Hội trên chỉ còn cái tên là: Hội Phật Giáo Liên Khu 5 không có quần chúng. Mặt Trận Liên Việt cắt đứt hết mọi liên hệ với Phật Giáo chúng tôi. Tôi chống việc làm đó nên bị bắt giam tại Quảng Ngãi từ 1952-1954. Sau Hiệp Định Genève mới được phóng thích, giấy phóng thích không nêu tôi đã phạm tội gì. Và Giáo Hội Phật Giáo Liên Khu 5 cũng bị giải tán, sau khi tôi bị bắt, và cũng không lên án Giáo Hội chúng tôi đã làm gì nên tội!” Lương tri người cầm bút của ông Lữ Giang để đâu, sao không thấy ông nhắc đến những việc như vậy?

2/ Trong bài ông Lữ Giang chụp mũ Thầy Thích Mật Thể là cộng sản là một bằng chứng cho thấy vì thù Phật Giáo mà ông đã làm mù lương tri của mình. Nhân đây tôi xin kể cho quý vị nghe về hành trạng của Thầy Thích Mật Thể. Thầy Thích Mật Thể là người rất thông thái, rất uyên thâm Phật học, giỏi tiếng Trung Hoa, tiếng Pháp. Thầy là tác giả cuốn Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam. Thầy là đệ tử của Cố Hòa Thượng Thích Giác Tiên, Chùa Trúc Lâm, Huế, là một trong những vị đi tiên phong trong phong trào chấn hưng Phật Giáo tại miền trung. Thầy Thích Mật Thể ra bắc năm 1946 và viên tịch tại Bắc Việt. Sau năm 1975, phu nhân của Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám nhân chuyến vào Nam thăm quý Hòa Thượng đã kể lại chuyện về Thầy Thích Mật Thể mà bản thân tôi được may mắn nghe lại từ Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Phúc Hộ như sau. Sau khi chính quyền cộng sản được thiết lập tại miền Bắc, Thầy Thích Mật Thể đã cùng với một số vị bộ trưởng trong chính quyền Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đứng lên chống lại chế độ và bị bắt, bị tù khổ sai chung thân, rồi chết trong tù.

3/ Ông Lữ Giang viết: “Sau đó, chính Hòa Thượng Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Ấn Quang, Hoà Thượng Trí Tịnh, Viện Phó và Thượng Toạ Minh Châu, nguyên Tổng Thư Ký, đem Giáo Hội Ấn Quang sáp nhập thành Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước.” Lại thêm một bằng chứng cho thấy ông Lữ Giang vì thù Phật Giáo mà làm mù lương tri của mình. Ông tự suy diễn, tung hỏa mù vào Phật Giáo để gây hoang mang và nghi ngờ đối với những ai không biết rõ nội tình Phật Giáo và mối quan hệ giữa GHPGVNTN và chính quyền Cộng Sản Việt Nam thời bấy giờ. Trước hết, Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ, lúc bấy giờ là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, chưa bao giờ ra bất cứ văn bản nào chính thức “đem Giáo Hội Ấn Quang sáp nhập thành Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước,” như ông Lữ Giang xuyên tạc. Thứ hai, những vị chức sắc trong GHPGVNTN tham gia vào GHPGVN là với tư cách cá nhân, không phải chủ trương và đường lối của GHPGVNTN. Điều này đã được Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, xác định trong Tâm Thư viết tại Quảng Ngãi, ngày 24 tháng 9 năm 1992, rằng “Còn có một số vị Giáo Phẩm của chúng ta tham gia vào Giáo hội Nhà nước là do được mời với tư cách cá nhân mà thôi.” (Phật Giáo Việt Nam Biến Cố Và Tư Liệu, Văn Phòng Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ, xb 1996, tr. 165)

4/ Ông Lữ Giang viết: “Trong hai ngày 12 và 13/2/1980, do sự lèo lái của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc, đại diện một số tổ chức Phật Giáo Trung, Nam, Bắc đã họp tại Sài Gòn và thành lập Ban Vận động Thống nhất PGViệt Nam. Ban này gồm có hai ban là Ban Chứng Minh và Ban Thường trực Ban Vận động TNPGViệt Nam. Người ta thấy có bốn nhân vận lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội Ấn Quang trong hai ban này là Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh và Thích Minh Châu. Thích Trí Thủ làm Trưởng Ban, Thích Trí Tịnh làm Phó còn Thích Minh Châu làm Chánh Thư Ký.”

Ông Lữ Giang lại vì thù Phật Giáo mà tự làm mù lương tri của mình và cố tình dã tâm xuyên tạc trước sự kiện lịch sử này. Ông Lữ Giang hãy nghe cho kỹ lời Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang kể lại sự kiện này trong Tâm Thư viết tại Quảng Ngãi ngày 24 tháng 9 năm 1992 như sau: “Bất bình trước chủ tâm khuynh loát của Nhà nước, cũng như với ý đồ muốn đồng nhất Phật giáo Việt Nam và Đảng Cộng Sản Việt Nam , Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu liền đứng dậy phát biểu: ‘Hôm nay chúng tôi đến đây là với tư cách cá nhân, vì quý vị mời chúng tôi không phải với chức năng Giáo hội. Nên chúng tôi đến dự không phải là Đại diện Giáo hội và Giáo hội cũng không có ủy cử chúng tôi.’ Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ lúc bấy giờ cũng đứng dậy tán đồng ý kiến ấy.” (nguồn như trên, trang 163-164) Trong cuộc họp hôm đó, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đã bỏ ra về trong buổi sáng và cáo bệnh không tham gia bất cứ cuộc vận động não nữa, theo Tâm Thư của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang.

5/ Ông Lữ Giang viết trong một đoạn khác: “Trường hợp của Thích Trí Tịnh hoàn toàn bí mật. Ông sinh năm 1917 tại làng Mỹ Luông, tỉnh Sa Đéc. Năm 1937 ông thọ giới với Hòa Thượng Hồng Xứng ở chùa Vạn Linh trên núi Cấm. Năm 1940 ông ra Huế học Trường An Nam Phật Học của Thích Trí Độ.”

Ông Lữ Giang lại một lần nữa cho thấy vì thù Phật Giáo mà làm mù lương tri người cầm bút. Chỉ trong một đoạn ngắn nói về Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh vừa viên tịch mà ông đã phạm 2 sai lầm mà một người cầm bút có lương tri, có sỉ diện, biết đắn đo và cẩn trọng với những gì mình viết ra không bao giờ dám làm.

Hai sai lầm đó là: Một, Cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh ra Huế học vào năm 1936, theo tiểu sử đã công bố trên các trang mạng Phật Giáo trong và ngoài nước gần đây, chứ không phải năm 1940 như ông Lữ Giang phịa ra. Hai, Cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh ra Huế học tại trường Chùa Tây Thiên và sau đó là Phật Học Đường Báo Quốc, Huế. Không hề có trường Phật học nào ở Huế với tên là Trường An Nam Phật Học như ông Lữ Giang phịa ra. Ở Huế vào thời điểm đó có Hội An Nam Phật Học mà thôi. Qua sự kiện này cho tôi thấy rằng ông Lữ Giang là người rất cẩu thả, không có kiến thức sơ đẳng về sử học, không có khả năng truy tìm và đối chiếu tài liệu lịch sử, không hề xem trọng người đọc, và luôn luôn nói và viết theo nhận thức chủ quan cục bộ và thiên kiến của ông. Ông Lữ Giang đã đánh mất cả phẩm chất cần có của một người cầm bút cẩn trọng. Cho nên, tôi có thể khẳng định rằng tất cả những gì ông Lữ Giang viết về sự kiện lịch sử Phật Giáo Việt Nam xưa nay đều là những chuyện bày đặt, tung hỏa mù, không thật và không có giá trị.

6/ Ông Lữ Giang lại vì thù Phật Giáo Việt Nam mà tự làm mù lương tri của mình khi chụp mũ Phật Giáo, chư vị Giáo Phẩm của GHPGVNTN là Cộng Sản.

Ông Lữ Giang vì thù Phật Giáo Việt Nam và GHPGVNTN mà bôi đen quá trình lịch sử tranh đấu cho sự phục hoạt GHPGVNTN và cho tự do, dân chủ và nhân quyền của GHPGVNTN trong suốt gần 40 năm qua. Sao không thấy ông Lữ Giang nói đến việc Hòa Thượng Thích Trí Thủ bị bức tử tại bệnh viện Thống Nhất ngày 2 tháng 4 năm 1984? Sao không thấy ông Lữ Giang nói đến việc Hòa Thượng Thích Thiện Minh bị bức tử tại Hàm Tân tháng 10 năm 1978? Sao không thấy ông Lữ Giang nói đến việc Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ bị tù đày trên 10 năm tại Thái Bình và Quảng Ngãi? Sao không thấy ông Lữ Giang nói đến bản án tử hình Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ và Giáo Sư Lê Mạnh Thát vào năm 1988? Sao không thấy ông Lữ Giang nhắc đến Điều 6 trong Tuyên Cáo ngày 20 tháng 11 năm 1993 của Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, rằng, “Do đó, yêu cầu Nhà nước CHXHCNVN thực hiện nền dân chủ pháp trị bằng ba hành động cụ thể: Bỏ điều 4 trên bản Hiến Pháp hiện hành, như hành động cụ thể thứ nhất, để toàn dân được phép tham gia kiến quốc; Bầu lại Quốc hội với sự tự do tham gia ứng cử và bầu cử của toàn dân, trong đó có mọi khuynh hướng chính trị và tôn giáo, như hành động cụ thể thứ hai, để Quốc hội là Quốc hội của dân chúng chứ không phải là Quốc hội của Đảng; Viết lại bản Hiếp pháp phù hợp với nguyện vọng về nhân quyền và dân chúng của toàn dân qua các đại biểu độc lập của họ, và cũng để thích nghi với xu thế tiến bộ của thế giới ngày nay, mà phương châm đang thực hiện khắp năm châu là cọng tác để cọng sinh.”

Ông Lữ Giang đừng quên rằng điều mà Cố Hòa Thượng Thích Huyền Quang đại diện cho GHPGVNTN lên tiếng đòi hỏi chính quyền CSVN thực hiện sửa đổi Điều 4 Hiến Pháp đã làm từ năm 1993 nghĩa là hai mươi năm trước khi Hội Đồng Giáo Mục Việt Nam lên tiếng góp ý sửa đổi Hiến Pháp năm 2013. Ông Lữ Giang cũng đã vì thù Phật Giáo Việt Nam mà làm mù lương tri của ông cho nên đã nhắm mắt bịt tai trước công cuộc vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền của các GHPGVNTN tại hải ngoại trong gần 40 năm qua. Lương tri người cầm bút của ông Lữ Giang để đâu?

7/ Ông Lữ Giang thường buộc tội, vu khống Phật Giáo Việt Nam và GHPGVNTN là làm mất miền Nam về tay Cộng Sản.

Đó là một trong những điều cho thấy vì thù Phật Giáo và GHPGVNTN mà ông Lữ Giang đã tự làm mù lương tri của mình. Chúng tôi xin trích một số sự kiện mà tác giả Lê Xuân Nhuận viết trong “Biến Loạn Miền Trung” để người đọc thấy được tình hình sôi động tại miền Nam trước ngày 30 tháng 4 như thế nào và đồng thời để có cái nhìn công bằng đối với Phật Giáo.

Tác giả Lê Xuân Nhuận cho biết rằng, “Trong thời-gian diễn ra Hội-Nghị Paris (từ 1968 đến 1973), Giáo-Hoàng Phaolô VI đã nhiều lần “nhân đạo” kêu gọi chấm dứt chiến-tranh Việt-Nam. Tháng 12-1969, Giám-Mục Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ-Tịch Hội-Đồng Giám-Mục Việt-Nam, qua Hoa-Kỳ, đã tuyên-bố với báo-chí Mỹ: “Miền Nam [Việt-Nam] đồng-tình với chính-sách ‘Việt-Nam-Hóa Chiến-Tranh’ của Tổng-Thống Nixon.” Tháng 9-1972, Đại-Hội lần 2 của tổ-chức “Kitô-Hữu Quốc-Tế” gồm hơn 20 nước họp tại Quebec (Canada), với đề-tài giải-phóng các dân-tộc Việt―Lào―Campuchia, đã “tố-cáo các cuộc xâm-lăng và ném bom vô-nhân-đạo của Mỹ, khẳng-định quyền tự-quyết, tự-do được sống hòa-bình của nhân-dân Việt-Nam.” Tức là việc Mỹ chuẩn-bị rút lui đã được Kitô-Giáo Việt-Nam, giáo-dân mấy chục nước khác, và nhất là Giáo-Hoàng Phaolô VI tán-đồng, không còn đánh nhau với Cộng-Sản nữa.”

Chưa hết, tác giả Lê Xuân Nhuận viết tiếp, “Ngày 19-9-1973, Tổng-Giám-Mục Sài-Gòn Nguyễn Văn Bình đọc diễn-văn khai-mạc “Năm Thánh”: “Chúng tôi hy vọng rằng những cuộc giết chóc và hận thù sẽ thực-sự chấm dứt trên mảnh đất này và đồng thời có được quan hệ hai chiều giữa Bắc và Nam, trong lúc đất nước tạm thời còn phân chia.”

Nói về Phong Trào Chống Tham Nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh, tác giả Lên Xuân Nhuận viết: “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” do Linh-Mục Trần Hữu Thanh cầm đầu, các LM Đinh Bình Định và Nguyễn Học Hiệu cùng Bác-Sĩ Nguyễn Thị Thanh phụ-lực, qua một bản “Tuyên Ngôn” được sự bảo-trợ của 301 linh-mục khác, kể cả “Tuyên-Úy Công Giáo”, ra mắt tại Giáo-Xứ Tân Việt, Sài-Gòn, từ năm 1973, là một tập-hợp tương-đối lớn, có nhiều tín-đồ nhất, và tại nhiều địa-phương nhất―so với Nhóm các linh-mục cộng-sản nằm vùng và thân-Cộng tại Sài-Gòn. “Phong-Trào” được sự tham-gia của các nhân-vật ngoài Kitô-Giáo, như Thượng-Nghị-Sĩ Hoàng Xuân Tửu và Dân-Biểu Nguyễn Văn Kim cùng nhiều DB thuộc Đảng Đại-Việt của Hà Thúc Ký và phía Dương Văn Minh; DB Đặng Văn Tiếp phía Nguyễn Cao Kỳ; DBNguyễn Văn Cử chống Diệm và phía Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng; DB Vũ Công Minh phía Hòa-Hảo; DB Đỗ Sinh Tứ phía quân-đội; Bác-Sĩ Nguyễn Tuấn Anh; Luật-Sư Đặng Thị Tâm; Nhân-Sĩ Nguyễn Trân; v.v… Sau đó, “Phong-Trào” công-bố các bản “Cáo Trạng” trong các cuộc biểu-tình, xuống đường rầm-rộ dữ-dội và liên-tục của các tín-đồ do các linh-mục lãnh-đạo có khi có hàng chục ngàn người tham-dự tại Huế, Đà-Nẵng, Quy-Nhơn, Nha-Trang, Cam-Ranh, Sài-Gòn, Mỹ-Tho, Cần-Thơ, v.v…”

Tôi thấy trong nhiều bài viết đánh phá Phật Giáo, ông Lữ Giang hay trích Kinh Pháp Cú để mà mắt thiên hạ tưởng ông là người lương thiện và đổ tội cho chư vị Giáo Phẩm Phật Giáo đi sai đường. Nhưng ông Lữ Giang gian mà không ngoan. Bởi vì làm vậy người đọc sẽ càng thấy rõ hơn bản chất độc ác, bất chấp nhân quả, nghiệp báo của ông. Với tôi, ông Lữ Giang đã và đang gánh chịu nghiệp quả rồi khi không còn ai tin vào điều ông viết nữa.

Tôi không vu khống ông đâu, bởi vì chính ông Trần Gia Phụng trong bài “Viết Cho Đúng Sự Thật,” cũng nói ông Lữ Giang là người “phịa sử.”

Trần Đại Linh

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm