Thái Ðông A

LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HOÀ

 A) DẪN NHẬP

Luật quân bình là luật phổ quát nhất, nó hiện diện ở mọi thời và mọi nơi. Nó chi phối mọi biến hoá của vũ trụ dù ở tầng vĩ mô trong thế giới của các thiên thể hay ở tầng vi mô trong thế giới hạ nguyên tử. Nó chi phối mọi hành vi và hoạt động của con người. Ðằng sau mọi hiện tượng, biến cố đều có sự hiện diện của luật quân bình. Vì vậy hiểu được luật quân bình sẽ giúp ta giải quyết được những vấn đề của đời sống con người.

Người Ðông Phương đã sớm nhận ra được luật quân bình và gọi nó với nhiều tên khác nhau; như ở Việt Nam các hiền giả gọi nó là Vuông Tròn, Tiên Rồng (tức Âm Dương), còn Lão tử gọi nó là Ðạo, Khổng tử gọi là Thái Cực, Phật gọi là Chân Như.

Về phương diện này người Tây phương rất chậm chạp và muộn màng. Họ phải mất 25 thế kỷ (kể từ thời Aristotle tới bây giờ) mới kiếm được ra luật quân bình mà họ gọi là thực tại lượng tử. Một trong các thực tại lượng tử được diễn đạt như sau: “Thực tại gồm hai mặt, hai phần: phần tiềm ẩn và phần thể hiện (Reality is twofold, consisting of potentials and actualities).

Ðây chính là cái mà Ðông phương gọi là Âm Dương. Trong Hệ từ của Dịch Truyện có nói: “Nhất Âm nhất Dương chi vị Ðạo” – Một Âm một Dương là Ðạo Trời (hay nói một cách khác là đạo quân bình âm dương).

Ðông Tây đã gặp nhau và đồng thuận về bản chất của sự vật đúng vào lúc nền văn minh vật chất của Tây phương đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong lịch sử loài người, có nguy cơ đem loài người tới bờ vực của sự tự huỷ.

Trong tình huống này chúng tôi xin cùng quý vị khảo sát triết lý Ðại Hoà của người Việt cổ đã được thể hiện rõ nét trong Văn hoá Ðại Việt thế kỷ thứ 13, thời Lý Trần, dưới ánh sáng của khoa học hiện đại và luật quân bình, với niềm hy vọng kiếm ra được điều gì lợi ích cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại.

 B)LUẬT QUÂN BÌNH

I) Định Nghĩa

Trước khi bàn về vấn đề gì chúng ta có thói quen định nghĩa danh từ. Thực ra thì định nghĩa giúp ta hiểu phần nào về vấn đề sắp bàn tới nhưng nhiều khi định nghĩa cũng giới hạn sự tìm hiểu vấn đề và có thể dẫn tới sai lầm – nhất là trong việc định nghĩa luật quân bình. Xin được kể một giai thoại về Socrates, một trong ba đại triết gia Tây phương xây dựng nền văn hoá Tây phương. Ông ít khi ở nhà, ông thường lang thang đi gặp bạn bè để thảo luận triết học. Một hôm ông ra đường gặp một chàng trai tuấn tú thông minh, liền đến làm quen và kéo chàng trai vào quán để chỉ dạy cho chàng trai này cách thức tranh luận. Ông nói, “Trước khi tranh luận về một vấn đề gì thì phải bắt đối phương định nghĩa”. Chàng trai liền lễ phép nói, “Thưa thầy, thầy định nghĩa con người là gì.” Socrates nói, “Con người là một con vật có hai chân biết suy nghĩ.” Chàng trai bỏ ra về và hôm sau tới nhà Socrates đem theo một con gà đã nhổ sạch lông, thả vào sân nhà của Socrates và nói, “Thưa thầy, đây là một con người theo định nghĩa của thầy đấy.” Socrates liền chống chế, “Nó đâu có biết suy nghĩ.” Chàng trai liền thảy cho con gà một nắm hạt lúa mì và gà liền tới đớp hết và chàng trai nói, “Nó không suy nghĩ làm sao nó biết được lúa mì là thực phẩm của nó.” Socrates đành im lặng chịu thua.

Vì vậy chúng tôi sẽ định nghĩa, nhưng xin quý vị hãy chỉ hiểu cái ý hàm chứa trong những câu văn diễn tả nó mà thôi.

Người ta thường hiểu lầm quân bình là đối xứng, cân đối, nhưng cân đối và đối xứng không phải là quân bình mà chỉ là sự thể hiện của sự quân bình. Luật quân bình không nhìn thấy được.

Luật quân bình gồm hai lực bằng nhau tác động ngược chiều và hỗ tương để tạo sự quân bình hay tái tạo sự quân bình.

Mỗi khi có một lực tác động liền có một phản động lực tương đương và ngược chiều để tạọ sự quân bình.

Chỉ có hai trạng thái là quân bình và bất quân bình.

Nếu dùng toán học để diễn tả khi quân bình thì A – B = 0.

Vì quân bình đựơc các hiền giả Ðông phương diễn tả là Thái Cực, Ðạo và Chân Như, đó là trạng thái không còn phân biệt A và B. A là B và B là A hay A = B và như vậy thì A – B = 0.

Ðây là khái niệm căn bản về luật quân bình và cũng là căn bản của hệ nhị phân, hay hệ Âm Dương và cũng là nền tảng của Dịch lý và quyển Kinh Dịch.

Ðể hiểu rõ thêm luật quân bình, xin được nêu ra đây luật thứ ba của sự chuyển động (3rd law of motion) do Newton khám phá. Luật đó nói, “Ðối với một lực tác động luôn luôn có một phản động lực tương đương và ngược chiều”. Nhờ luật này người ta đã chế tạo ra được hoả tiễn và máy bay phản lực, một yếu tố quan trọng của nền văn minh đương đại. Nhưng rất ngạc nhiên mà nhận ra rằng chính Newton cũng không ngờ rằng luật mình kiếm ra là một luật quân bình.

Vì sự phổ quát của luật quân bình và để hiểu rõ hơn luật quân bình, chúng tôi sẽ khảo sát luật quân bình trong thiên nhiên, trong Ðạo học Ðông phương, trong khoa Vật lý và trong nền văn minh đương đại.

II) Luật Quân Bình Trong Thiên Nhiên

Trước khi đi vào những lãnh vực nghiên cứu thiên nhiên cần đến những dụng cụ tối tân như trong ngành vật lý hay sử dụng những phương pháp thiền định quán chiếu như là phương tiện khảo sát sự vật của các hiền giả phương Ðông, chúng tôi xin được nêu ra những biểu hiện của luật quân bình có thể thấy được bằng các giác quan của con người. Có hai loại thể hiện của luật quân bình trong thiên nhiên: thể tĩnh và thể động.

Ở thể tĩnh, luật quân bình thể hiện ra sự đối xứng, thí dụ trên thân thể con người chúng ta thấy cái gì cũng đều có hai như hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, hai tay, hai chân.

Ở thể động, chúng ta thấy gió bão là hiện tượng không khí di chuyển từ chỗ áp suất không khí cao tới nơi có áp suất không khí thấp để quân bình lại. Cũng tương tự như vậy chúng ta thấy luật quân bình cũng là nguyên uỷ của sự thẩm thấu (osmosis).

Trong kinh tế, luật cung cầu là nguyên nhân của sự thay đổi giá cả.

Chúng ta phải luôn luôn có hai nhịp thở: thở ra và thở vô. Nếu chúng ta không thở vô thì sự sống sẽ biến mất…

III) Luật Quân Bình Trong Văn Hoá Và Học Thuật Ðông Phương

Có thể nói là người Ðông phương đã sống hoà nhịp với luật quân bình. Từ ngàn xưa, đạo quân bình được coi như một tiêu chuẩn đạo đức; một người dân quê chất phác cũng có thể nói về luật quân bình rằng “Có đi có lại mới toại lòng nhau.”

Trong khi người Tây phương lại không có ý niệm gì về luật quân bình, mãi gần đây khoa tân vật lý, với những dụng cụ khoa học tối tân nhất, mới tìm ra được luật quân bình.

Tại sao như vậy? Có lẽ tại vì người Ðông phương đã chọn đúng phương pháp khảo sát chân lý. Người Tây phương đi ra khỏi tâm, đem lý trí khảo sát phân tích sự vật, còn người Ðông phương trái lại trở về tâm để khảo sát sự vật, sử dụng phương pháp quán chiếu thiền định cộng với trực giác, đã sớm nhận ra luật quân bình và gọi nó bằng nhiều tên khác nhau. Các hiền giả Việt Nam gọi nó là Vuông tròn, Tiên rồng (tức Âm Dương quân bình), Khổng tử gọi nó là Thái Cực, Lão tử gọi nó là Ðạo, còn Phật gọi nó là Chân Như.  Sở dĩ người Ðông phương chọn con đường đi về với tâm mình để khảo sát sự vật vì tin rằng nhân tâm là nơi hội tụ của âm dương; khi tâm ở trạng thái quân bình âm dương thì tâm trở nên thông tuệ và có thể linh thông được với thiên tâm, vì thiên tâm và nhân tâm chỉ là một thể, hay nói một cách khác “Vạn vật đồng nhất thể.”

Với luật quân bình Âm Dương, người Bách Việt cổ đã xây dựng nên quyển Kinh Dịch. Nội dung chính yếu của Kinh Dịch là bàn về lý quân bình và bất quân bình. Có thể nói là nếu không có Kinh Dịch thì cũng không có văn hoá Ðông Á, vì các kinh sách cổ của Ðông phương (trừ kinh của Phật giáo) đều dựa vào Kinh Dịch, đều lấy lý luận của Kinh Dịch làm căn bản. Tứ thư ngũ kinh, Ðạo Ðức Kinh v.v… đều lấy Kinh Dịch làm kim chỉ nam.

Các cụ ngày xưa thường nói:

“Không học Dịch làm gì rõ được chỗ đầu mối của tạo hoá.

Dịch mà thông thì sự lý trong vạn vật tự thông.

Chưa từng thấy chưa thông Dịch lại thông cả được cái lý của sự vật.”

Luật quân bình hay luật âm dương quân bình đã được vận dụng thành những lý luận làm nền tảng cho Ðạo học và các học thuật của Ðông phương như y học, thiên văn học, phong thuỷ v.v…

Cốt lõi của đạo Khổng là Chánh Tâm. Muốn Chánh Tâm thì phải giữ tâm ở trạng thái quân bình. Khi Mạnh tử hỏi Tử Tư  Chánh Tâm là gì thì Tử Tư trả lời, “Khi vui quá, buồn quá, giận quá thì Tâm không Chánh được.”

Cốt lõi của đạo Lão là Ðạo mà Ðạo theo định nghĩa ghi trong Hệ từ của Dịch Truyện là “Nhất Âm nhất Dương chi vị Ðạo” – Một Âm một Dương là Ðạo Trời, tức là Âm gặp Dương thì có quân bình Âm Dương. Thiệu Khang Tiết nói rõ hơn “Âm gặp Dương thì hết”, tức là tĩnh lặng.

Kinh Bát Nhã của đạo Phật là kinh quan trọng. Kinh này nói “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”; đó là tình trạng Quân Bình nơi đó không có phân biệt được A và B, A và B là một.

Về các học thuật Ðông phương, nguyên lý quân bình âm dương được coi là căn bản cho mọi suy đoán. Như trong Y thuật, quân bình âm dương được coi như  nền tảng cho việc chẩn đoán và chữa bệnh. Khi chẩn bệnh, thấy bệnh nhân thiếu Dương thì thầy thuốc phải cho thuốc có chứa nhiều Dương để đưa cơ thể bệnh nhân về thế quân bình. Nếu bệnh nhân thiếu Âm thì phải cho bệnh nhân uống thuốc chứa nhiều Âm.

Các khoa học khác như phong thuỷ, thiên văn, tử vi, dự đoán học… cũng đều coi luật quân bình âm dương là luật tắc căn bản.

Thật là thiếu sót nếu không nói một sự kiện đặc biệt là chỉ có tộc Lạc Việt, tổ tiên của người Việt bây giờ đã lấy Tiên Rồng tức Âm Dương làm biểu tượng cho dân tộc mình và một sự thật nữa là ngôn ngữ Việt Nam là một ngôn ngữ nhị phân (binary). Linh mục Lê Văn Lý, giảng sư Ðại học Văn Khoa Sàigòn trước 1975, đã nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ của ông tại Pháp, về cấu trúc tiếng Việt và thấy rằng có khoảng 80 phần trăm từ ngữ tiếng Việt là gồm hai chữ ghép theo lối âm dương như ăn ở, làm ăn , đi lại, ngang dọc, bê bối v.v…

 IV) Luật Quân Bình và Khoa Vật Lý

Vật lý là cha đẻ của các ngành khoa học khác như hoá học, thiên văn học, sinh vật học, sinh hoá học, địa chất học v.v… Vì vậy khảo sát luật quân bình trong ngành vật lý rất cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề văn hoá Ðông Tây khác nhau.

Mục đích của khoa vật lý là đi tìm những câu trả lời cho những thắc mắc của con người về thế gíơi vật chất ngoài kia trong thiên nhiên – Ðất đá, sông ngòi, rừng núi kia là gì, cái gì đã tạo nên chúng? Trong những câu hỏi đó có lẽ câu hỏi quan trọng nhất mà ai cũng đồng ý là cái gì đã cấu tạo nên thế giới vật chất mà ta có thể nhìn thấy được và có thể nói Democritus (460 – 370 trước Công nguyên) là một trong những người đưa ra câu trả lời được nhiều người đồng thuận. Câu trả lời đó là: Vật chất được cấu tạo bởi những hạt nhỏ nhất, nhỏ đến nỗi không thể nào chia cắt thêm được nữa, nó là đơn vị nhỏ nhất, là những viên gạch tạo nên căn nhà vũ trụ. Chữ “atom” (nguyên tử) về sau này được dùng để gọi hạt này. “Atom” là tiếng La tinh có nghĩa là không thể phân chia được. Democritus thực sự đã đặt viên đá đầu tiên cho toà nhà vật lý cổ điển.

Sau này người ta coi đó như là mục đích tối hậu của ngành vật lý vì người ta nghĩ rằng nếu kiếm được đơn vị nhỏ nhất tạo nên vũ trụ thì con người có thể thay tạo hoá làm nên vật chất của cải cần thiết cho nhu cầu hạnh phúc của con người.

Bằng phương pháp loại suy, người ta suy đoán nếu căn nhà kia làm bằng trăm ngàn viên gạch thì vũ trụ cũng làm nên bằng tỷ tỷ đơn vị gọi là nguyên tử (atom). Người ta tin chắc như vậy. Ngay cả Albert Einstein là một trong những người khởi xướng ra ngành Tân Vật Lý vẫn tin như vậy cho tới khi ông chết. Nếu người ta không tin như vậy thì cũng không có ngành vật lý.

Ðến đây ta có thể biết tại sao người Tây phương đã chọn con đường đi ra khỏi tâm để tìm chân lý, lấy lý trí tới với sự vật và khảo sát sự vật, sử dụng các phương pháp luận lý gồm diễn dịch pháp và quy nạp pháp để kiếm ra các định luật vật lý và áp dụng nó cho lợi ích của con người.

Muốn sử dụng các phương pháp diễn dịch và quy nạp thì phải đồng thời công nhận nguyên lý triệt tam. Nguyên lý triệt tam nói “A là A, B là B, A không thể là B và ngược lại, A không thể vừa là A lại vừa là B.”

Nhưng nếu chấp nhận nguyên lý triệt tam thì cũng phải phủ định luật quân bình, vì ở tình trạng quân bình như Thái Cực, Ðạo hay Chân Như thì làm gì có sự phân biệt A, B vì lúc đó A và B chỉ làmột, A là B và ngược lại và A vừa là A lại vừa là B.

Ðây cũng là bằng cớ cho thấy người Tây phương không có khái niệm gì về luật quân bình. Nhận thức được điều này rất quan trọng vì nó giải thích những gì đang xảy ra cho nền văn minh vật chất đương đại, sẽ được bàn tới dưới đây.

Tới đầu thế kỷ 20, ngành vật lý có những bước tiến nhảy vọt; ngoài những khám phá về điện Từ Trường của Faraday và Maxwell và thuyết Tương Ðối của Einstein, khám phá quan trọng nhất làm biến đổi toàn bộ tư duy Tây Phương là thuyết Lượng Tử và Vật Lý Hạ Nguyên tử.

Người ta phải từ bỏ hết những điều mà người ta tin chắc ngày xưa. Bây giờ người ta thấy nhân nguyên tử gồm điện tử âm (electron), dương tử (proton) và trung hoà tử (neutron) không phải là phần nhỏ nhất như người ta thường nghĩ. Proton và Neutron được cấu tạo bởi nhiều hạt nhỏ nữa gọi là những hạt Lepton và Hadron. Hadron gồm những hạt Quark. Những hạt này lại không phải là những hạt thực sự mà chỉ là hạt ảo vì chúng có những hành tung bất định lúc thì là hạt, lúc là sóng, vô phương xác định vị trí và tốc độ của chúng. Người ta phải sử dụng thống kê để ước đoán về vận tốc và vị trí của chúng.

Werner Heisenberg đã phải đưa ra một nguyên lý gọi là nguyên lý Bất Ðịnh (principle of uncertainty). Nguyên lý này nói “Các hạt xuất hiện bất định, người ta không thể biết chắc các hạt xuất hiện lúc nào và bao giờ với tốc độ bao nhiêu, chỉ có thể ước đoán bằng toán thống kê mà thôi.”

Einstein nhất định không chấp nhận nguyên lý bất định và nói: “Chẳng lẽ Thượng Ðế chơi trò hên xui may rủi? Phải có điều gì đó mà ta chưa biết đấy thôi.”

Các khoa học gia cùng thời với Einstein cho rằng Einstein sai lầm. Thực ra Einstein chỉ sai lầm là không chấp nhận nguyên lý bất định nhưng có lý khi nói phải có một cái gì đó mà ta chưa biết. Thực vậy cái mà ta chưa biết chính là luật quân bình; ở thế giới hạ nguyên tử cũng như ở thế giới các thiên thể, mọi hiện tượng, mọi biến hoá đều có sự chi phối của luật quân bình. Ðiều này sẽ được bàn tới trong bài này.

Ngoài ra phải nói tới hiện tượng Tây gặp Ðông cũng như sự kiện quan trọng là Tây phương đã mất 25 thế kỷ mới gặp được Ðông phương ở hai lãnh vực quan trọng. Lãnh vực thứ nhất là Tây phương đã tìm ra được luật quân bình mà họ gọi là Thực tại lượng tử (Quantum reality). Một trong những thực tại lượng tử mà họ phát hiện được diễn tả như sau:

“Thực tại gồm hai mặt, hai phần, phần tiềm ẩn và phần thể hiện” (Reality is twofold, consisting of potentials and actualities). Hay có thể nói là sự vật gồm hai phần âm và dương. Và đã có âm dương là đã có sự quân bình.

Lãnh vực thứ hai là tháng Ba năm 1995 đã ghi nhận một sự kiện lịch sử quan trọng trong ngành vật lý là Tây phương đã hoàn tất công tác kiếm ra được một mẫu hình căn bản (standard model) cho cơ cấu nhỏ nhất của vũ trụ; mẫu hình này cũng giống y đúc mẫu hình căn bản của sự vật được diễn ta trong các quẻ dịch của Kinh Dịch.

Người Tây phương không biết tới luật quân bình nhưng lại tin ở sự đối xứng. Họ nhận xét thấy hiện tượng đối xứng luôn luôn xảy ra. Trong thế giới hạ nguyên tử người ta thấy sự xuất hiện từng cặp như hạt “up quark” đi đôi với hạt “down quark” và tin rằng phải có một loại đối xứng không phụ thuộc không gian hình học mà là loại đối xứng mọi chiều kích. Paul Davies gọi nó là đối xứng trừu tượng (abstract symmetry), còn Howard Haber và Gordon Kane thì gọi đó là siêu đối xứng (super symmetry). Vì tin ở sự đối xứng ấy nên họ đã tạo ra một mẫu hình căn bản của cơ cấu nhỏ nhất của vũ trụ và đã lần lượt chứng minh là mẫu hình đó là đúng, mẫu hình đó là mẫu hình cơ cấu nhỏ nhất của vũ trụ.

Hạt ảo cuối cùng là “top quark” đã được phát hiện vào tháng Ba năm 1995, hoàn tất được mục đích của công tác vật lý đã bắt đầu từ 25 thế kỷ trước đây.

Cần phải nói rõ hơn là thế giới hạt ảo trong hạ nguyên tử là một thế giới âm dương; những hạt ảo có điện tích dương (+) luôn luôn cặp với một hạt ảo có điện tích âm (-).

Có ba cặp hạt âm dương như vậy được phát hiện, hạt cuối cùng được phát hiện như trên đã nói là hạt “top quark” (có điện tích +) thuộc cặp “top quark” và “down quark”.

Ba cặp hạt có các điện tích âm dương đối nhau được so sánh với các hào âm dương đối nhau thuộc quẻ Thái trong kinh Dịch như sau:

Mẫu Hình Âm Dương                                     Mẫu Hình Âm Dương

của 3 cặp Quark                                               của quẻ Thái

bottom quark   (-)                                            ___  ___

strange quark   (-)                                            ___  ___

down quark      (-)                                            ___  ___

top quark         (+)                                            _______

charm quark   (+)                                             _______

up quark          (+)                                            _______

(Các điện tích của các “quark” được biểu thị bằng + và -, + là điện tích dương, – là điện tích âm, so sánh với các hào âm dương, __  __ là hào âm, ____ là hào dương)

Quẻ Thái là quẻ thứ 11 trong Thượng kinh – Kinh Dịch có lẽ là một quyển kinh cổ nhất của loài người gồm 64 quẻ, mỗi quẻ được cấu tạo bởi sáu hào âm dương, thí dụ như quẻ Thái như đã dẫn ở trên và quẻ Ký Tế sẽ được trình bày dưới đây.

Kinh Dịch diễn tả sự biến hoá trong trời đất, trong lòng người bằng các hào  và các quẻ âm dương; các hào âm dương được dùng để tượng trưng cho hai khí căn bản trong vũ trụ.Một điều ngạc nhiên và lý thú là người ta cũng tìm thấy sự tương tự như vậy trong thế giới hạ nguyên tử: Sự biến hoá trong thế giới hạ nguyên tử cũng do những hạt ảo âm dương tạo ra và những hạt này cũng là những hạt căn bản trong thế giới vật chất.

 Ba cặp hạt đã nói ở trên hiện diện đầy đủ ở thời kỳ “Big Bang” và trong phòng thí nghiệm máy nghiền gia tốc (smashing accelerator).

Nhưng trong vật chất ngày hôm nay người ta thấy chỉ còn hiện diện một cặp hạt “up quark” (+) và “down quark” (-) mà thôi.

Một điều ngạc nhiên nữa là trong nhân nguyên tử cặp hạt ảo này được sắp xếp theo một mẫu hình giống như quẻ Ký Tế. Proton có 2 “up quark” dương (+) và 1 “down quark” âm (-); Neutron có 1 “up quark” dương (+) và 2 “down quark” âm (-) (như trình bày dưới đây).

Trong Kinh Dịch, sau khi biến hoá 62 lần (hay qua 62 quẻ) mới tới lần thứ 63 thành quẻ Ký Tế; lúc này cũng giống như các cặp “quark” trong nhân nguyên tử (proton và neutron).

Mẫu Hình                                                         Mẫu Hình trong

trong Nhân Nguyên Tử                                    Kinh Dịch

(Proton và Neutron)                                         (Quẻ Ký Tế)

                         down quark     (-)                    ___  ___  (-)

neutron            up quark          (+)                   _______  (+)

                         down quark     (-)                    ___  ___  (-)

proton              up quark          (+)                   _______  (+)

                         down quark     (-)                    ___  ___   (-)

                        up quark          (+)                    _______  (+)

Một điều cần nêu ra để chúng ta suy ngẫm về hai nền văn hoá đó là với những phương cách đơn giản là thiền định, quán chiếu cộng với khả năng trực giác người Ðông phương đã đạt tới chân lý từ bốn, năm ngàn năm trước trong khi người Tây phương phải mất 25 thế kỷ suy nghiệm và với những dụng cụ khoa học đáng giá cả chục tỷ đô la mới tìm ra được.

Ngoài ra phải nói về những hệ quả của những khám phá khoa học vừa nói trên đây, chúng ta thấy rằng những khám phá về thế giới hạ nguyên tử và thực tại lượng tử đem đến việc từ bỏ loại luận lý hình thức tam đoạn luận mà Aristotle đã chế tạo ra làm dụng cụ đi kiếm chân lý, vì trong thế giới lượng tử và hạ nguyên tử A vừa là A lại vừa là B, các  hạt có khi là sóng có khi là hạt,

lúc thì là sóng lúc là hạt

                        Hạt                              Sóng                            Hạt

                                                            Thời gian

                                                            = Sát na

                                                            = 1/ triệu

                                                            giây đồng hồ

lúc thì vừa là sóng vừa là hạt

                                                                        Sóng

                                    Sóng

                                                                        Hạt

(         là sóng, –à được dùng để biểu thị hạt.)

Vì vậy người ta nói tới loại “quantum logic” hay luận lý lượng tử. Trong khoa học ngày nay người ta sử dụng một loại luận lý không một chiều hay luận lý phi tuyến (no-linear), có khi được nói tới một loại luận lý hệ thống hay là loại tư duy hệ thống (system thinking). (Về những vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn trong dịp khác.)

V)  Luật Quân Bình Trong Nền Văn Minh Ðương Ðại

Nền văn minh đương đại đã đạt tới trình độ khoa học kỹ thuật hơn hẳn tất cả các nền văn minh nhân loại trong quá khứ. Nó đã chinh phục toàn thế giới, nó len lỏi vào mọi ngõ ngách, có mặt ở mọi nơi mọi chốn kể cả những nơi rừng sâu nước độc.

Nó vô cùng hấp dẫn vì nó cho người ta hy vọng thoả mãn được những nhu cầu vật chất. Những nước trước kia nghèo đói, kém mở mang nhìn về Tây phương với con mắt thèm khát, cố gắng theo cho kịp được đà tiến hoá của những nước Tây phương tiên tiến.

Ðến bây giờ, sau cả trăm năm Tây hoá với đủ kiểu đủ cách mà vẫn còn những trí thức Tây học Việt Nam đang hô hào Tây hoá hơn nữa và họ còn lớn tiếng bôi nhọ văn hoá dân tộc. Không ai có thể chối cãi được văn minh vật chất đương đại đã đem lại cho con người những tiện nghi vật chất và thực hiện được những giấc mơ đi mây về gió, ngồi ở nhà mà có thể biết được những chuyện xảy ra ở xa muôn ngàn dặm.

Ngành kỹ thuật sinh học có khả năng biến một tế bào ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể con người thành một con người có đủ tim óc như chúng ta mà không cần tới sự thụ thai thông thường.

Con người nắm trong tay quyền năng của Thượng Ðế: Có thể giết hại triệu triệu người trong nháy mắt, có thể tiêu diệt toàn bộ sinh vật trên địa cầu nếu muốn.

Trong khi tuyên bố đại thắng trên mặt trận khoa học kỹ thuật thì loài người phải công nhận những thất bại về nhiều lãnh vực khác.

–           Không đếm xỉa gì tới luật quân bình, chủ nghĩa tiêu thụ thả dàn đã làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm sông hồ, biển cả, không khí, thực phẩm.

–           Các nhà tương lai học tiên đoán các nguồn nhiên liệu sẽ cạn kiệt vào năm 2040, các loại khoáng sản cung cấp cho kỹ nghệ của thế giới cũng sẽ bị cạn kiệt trong 40 hay 50 năm nữa.

–           Chưa bao giờ con người lại lo âu về bệnh tật như bây giờ. Những bệnh tim mạch, “AIDS”, ung thư… càng ngày càng gia tăng do đời sống trong xã hội văn minh thiếu quân bình và đầy ô nhiễm.

–           Nước nào cũng tranh đua kỹ nghệ hoá, khí CO2 thải ra càng ngày càng nhiều làm cho nhiệt độ không khí tăng lên và có nguy cơ làm tan băng tuyết ở Nam, Bắc cực gây nên nạn lụt lội và tới một mức nào đó tạo sự bất quân bình và trái đất có thể đổi trục và nạn hồng thủy sẽ xảy ra và tiêu huỷ hoàn toàn sự sống trên trái đất.

–           Vì kỹ nghệ hoá học tầng Ozone tại Nam cực đã bị chọc thủng làm cho nguy cơ ung thư tại vùng Nam bán cầu gia tăng.

–           Chủ nghĩa tư bản vẫn chủ trương trục lợi hơn là phục vụ cho nên hiện nay vẫn còn hai tỷ người thiếu ăn và 800 triệu người đang đói ăn.

–           Thành quả của khoa học kỹ nghệ chỉ để phục vụ những nước giàu có mà thôi: 70% dân trên thế giới chưa bao giờ nghe thấy tiếng reo của điện thoại.

Nhưng quan trọng hơn hết là loài người chưa biết sống với nhau trong hoà bình. Trong một thế kỷ vừa qua, loài người đã trải qua chiến tranh thế giới I, II, chiến tranh lạnh và bây giờ là chiến tranh khủng bố. Ngoài ra, bà Jessica Williams, một phóng viên của đài BBC, đã cho biết trong một bài phóng sự là có tới 1/3 dân số trên thế giới hiện nay đang tham gia vào một cuộc chiến tranh nào đó.

Loài người hầu như không có cách gì để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Có một điều nghịch lý là trong khi loài người tạo ra một nền văn minh vật chất cao như vậy lại đồng thời lâm vào một cuộc khủng hoảng không có lối thoát. Nguyên uỷ của sự nghịch lý này nằm trong nền văn hoá Tây phương, có cái gì bất ổn trong nền văn hoá này; như trên đã trình bày ở văn hoá Tây phương thiếu vắng ý niệm về quân bình.

Triết gia M. Heidegger đã nói “Văn hoá Tây Âu hỏng từ nền tảng nên truyền bá tới đâu là gieo máu và nước mắt tới đó.”

Thật vậy lịch sử Tây phương là lịch sử của các cuộc xung đột, chiến tranh. Ðế quốc La Mã đã không ngớt đem quân chinh phục Âu châu, đem máu và nước mắt gieo rắc khắp nơi, rồi tới chiến tranh tôn giáo, chiến tranh thuộc địa v.v… Cái “đạo lý” mạnh được yếu thua đó vẫn là những điều được người ta cho là hợp lý trong xã hội chúng ta.

 C) TRIẾT LÝ THÁI HÒA CỦA VIỆT NAM THỜI LÝ TRẤN

Trong hoàn cảnh lịch sử như hiện nay, cần một câu trả lời khẩn cấp cho câu hỏi “Làm thế nào để cứu loài người ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, cuộc khủng hoảng có nguy cơ đem loài người tới bờ vực của sự tự huỷ?”

Các vị thức giả Tây phương hầu như đã đồng thuận với câu trả lời là “Ðể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay loài người phải chuyển đổi tư duy.”

Tư tưởng hướng dẫn hành động nên tư tưởng Tây phương đã hư hỏng rồi như Heidegger đã nhận xét, thì phải thay thế, chuyển đổi nó. Ðã có một phong trào đi về phương Ðông. Khởi xướng ra phong trào này phải nói tới Hội nghị Triết gia Thế giới năm 1949 tại Honolulu; hội nghị đã bầu Khổng Tử là chủ tể cho tư tưởng nhân loại và công nhận sự thất bại của văn hoá Tây phương trong việc mưu cầu hoà bình và hạnh phúc cho con người.

F. Capra, vật lý gia và cũng là tư tưởng gia hàng đầu của Tây phương, đã lãnh đạo phong trào đi về phương Ðông. Ông đã dành trọn thời gian còn lại của đời ông cho việc đi thuyết giảng về sự hư hỏng của tư tưởng Tây phương và cổ vũ cho việc chuyển đổi tư duy từ căn bản qua các sách của ông đã xuất bản. Cùng với ông có nhiều học giả và khoa học gia đang nghiên cứu Ðông phương học, mong làm tốt cho nền văn minh đương đại.

Thực vậy, muốn kiếm phương sách giải quyết các vấn nạn của nền văn minh này thì không còn cách nào ngoài việc đi về phương Ðông. Nhưng Ðông phương học không dễ học vì đã “được” nhiều học giả Tây phương cho là huyền học, là một cái gì khó hiểu. Không thể đem luận lý một chiều ra sử dụng để hiểu các nguyên lý triết lý Ðông phương.

Thật may mắn là các khoa học gia đã kiếm ra được bản chất của sự vật giống như người Ðông phương thường quan niệm. Ðiều này được diễn tả ở trên, trong bài này, “Thực tại gồm hai phần, phần tiềm ẩn và phần thể hiện” (Reality is twofold, consisting of potentials and actualities), tức là sự vật gồm hai phần âm và dương. Ðông và Tây đã gặp nhau, đã đồng ý về bản thể của sự vật; hay nói cách khác là Ðông và Tây cùng chung một vũ trụ quan.

Ðạo học hay triết lý Ðông phương lấy luật quân bình Âm Dương làm căn bản cho mọi lý luận về vũ trụ và nhân sinh. Các hiền giả phân biệt ra chủ và khách, chỉ có hai yếu tố, và nghiên cứu để yếu tố chủ có thể hoà với yếu tố khách, hay nói cách khác là làm sao để Âm Dương hoà hợp, tức là làm sao để quân bình Âm Dương. Vì vậy cái Ðạo của Ðông phương căn bản vẫn là Ðạo Hoà.

Muốn hiểu Ðạo học Ðông phương vì vậy phải hiểu rõ luật quân bình mà Tây phương đã nhận thức ra được qua khoa tân vật lý.

Ðể hiểu luật quân bình Âm Dương không có sách nào giúp ta cách hiệu quả bằng Kinh Dịch vì Kinh Dịch chỉ bàn về Âm Dương quân bình và bất quân bình.

–           Trong Thượng Kinh, sự biến hoá trong trời đất được diễn tả đi từ bất quân bình về quân bình.

Quẻ Thái ( ) diễn tả trạng thái quân bình của muôn vật trong vũ trụ mà từ đó mọi vật sinh sôi nẩy nở, phát triển. Tiến trình này xảy ra trong trời đất được gọi là Ðạo Thái Hoà, là Thiên Ðạo, Ðạo Trời.

– Trong Hạ Kinh, sự biến hoá trong tâm con người từ trạng thái bất quân bình tới trạng thái quân bình, từ trạng thái bất trung bất chánh tới trạng thái trung và chánh. Trạng thái này đựơc diễn tả bằng quẻ Ký Tế  ). Tiến trình đi từ bất quân bình bất trung chánh đi về quân bình và trung chánh tuyệt đối thì gọi là Ðạo Ðại Hoà hay Nhân Ðạo, Ðạo Người.

Vì vậy, xin được coi quẻ Ký Tế là một quẻ quân bình Âm Dương và trung chánh tuyệt đối làm mẫu hình căn bản, nguồn lý luận cho Triết lý Ðại Hoà.

Triết lý Ðại Hoà có thể là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay của loài người. Triết lý này đã được người cổ Việt hiểu rõ và đã được thể hiện rõ nét về lý thuyết cũng như thực hành,về triết lý cũng như trong các thể chế làng xã Việt Nam.

Triết gia Bertrand Russell nói, “Có ba cái xung đột mà loài người không có cách gì khắc phục được, đó là mình xung đột với mình, mình với người và mình với thiên nhiên.”

Hay nói cách khác là có ba cái hoà cần phải đạt được là:

Mình Hoà Với Mình.

Mình Hoà Với Thiên Hạ.

Mình Hoà Với Thiên Nhiên.

Ba cái Hoà này chính là ĐẠI HÒA; Ðại ở đây là Ba vậy.

Đến đây xin được phép giải trình thêm về mẫu hình căn bản của Triết lý Ðại Hoà là quẻ Ký Tế được diễn đạt dưới đây:

                        ____    ____

Thủy                __________

                        ____    ____

                        __________

Hoả                 ____    ____

                        __________

–           Quẻ Hoả là nội quái, tức là chủ, là mình. Quẻ Thuỷ là ngoại quái, là khách.

–           Hào 2, âm, là tâm mình ứng hợp với hào 5 là dương. Hào 2 (-) hợp với hào 5 (+) nên tâm mình được hoà với mình; tâm đã an.

–           Hào 1, dương (chủ), ứng hợp với hào 4, âm (khách), như vậy là mình đã hoà được với người.

–           Hào 3, dương (chủ), ứng hợp với hào 6, âm (khách), là mình hoà được với thiên nhiên.

Ðể đạt tới đạo Ðại Hoà này, con người phải đầu tiên hoà với chính mình trước đã. Nếu không hoà được với mình thì làm sao hoà đựơc với người và thiên nhiên. Ở đời Trần đã thực hiện được cái đại đạo này qua Tam giáo đồng nguyên. Hay nói đúng hơn là hiền giả đời Trần đã mượn tam giáo để thể hiện cái đại đạo của mình, đó là Ðại Hoà đạo.

Thực ra nói tam giáo đồng nguyên là chỉ mới nói tới một phần ba của tam giáo. Phải nói là Tam giáo là một Ðại đao gồm ba phần: đồng nguyên, đồng quy và đồng lưu:

– Tam Giáo Ðồng Nguyên,

 – Tam Giáo Ðồng Quy

– Tam Giáo Ðồng Lưu)

Tam Giáo Ðồng Nguyên vì cùng một gốc nhân bản. Ðiều này đã được triết gia Trần Thái Tôn phát biểu như sau:

“Sách Nho thuyết việc thi hành đức Nhân sao cho khắp; kinh sách của Ðạo gia khuyên yêu mọi vật, tôn trọng sự sống; Phật dạy không giết hại chúng sinh. Chưa sáng tỏ chân lý, người ta lầm tưởng ba giáo lý Phật, Lão, Khổng khác nhau. Khi đã hiểu đến nơi đến chốn rồi thì người ta thấy cả ba giáo lý cùng đi tới một trọng tâm mà thôi.”

(Nho điển thi nhân bố đức, Ðạo Kinh ái vật hiếu sinh, Phật duy giới sát thi từ. Vị minh nhân, vọng phân tam giáo; liễu đắc nhân, đồng ngộ nhất tâm.)

Tam Giáo Ðồng Quy vì cả ba tôn giáo đều quy về một mục đích là an cái tâm. Phật chủ trương Tâm Bình; Khổng chủ trương Chánh Tâm, Lão chủ trương Ðạo, tức quân bình Âm Dương. Cả ba đều nhắm tới việc an cái tâm, bởi lẽ tâm an là điều kiện cần và đủ của hạnh phúc con người.

Tam Giáo Ðồng Lưu vì người dân Ðại Việt có thể một lúc theo cả ba tôn giáo Khổng, Phật, Lão hay ít nhất lúc trẻ theo Khổng, già theo Lão và lúc nào cũng theo Phật.

Bây giờ ta thử đặt vấn đề là tại sao lại không là nhị giáo, tứ giáo mà lại là tam giáo. Trả lời câu hỏi này thì đồng thời cũng trả lời được câu hỏi tại sao lại phải theo Ðại Hoà đạo.

Như đã nói ở trên, ta có ba cái xung đột làm cuộc đời ta khốn khổ là:

Mình xung đột với Mình.

Mình xung đột với Người.

Mình xung đột với Thiên Nhiên.

Phải theo cả ba tôn giáo cùng lúc vì không một tôn giáo nào trong ba tôn giáo đó có thể giải quyết cả ba xung đột kia, hay nói khác đi phải có cả ba tôn giáo ấy thì mới thực hiện trọn vẹn được đạo Ðại Hoà.

1. Hoà Với Mình: Hoà với mình là quan trọng nhất, vì không hoà đựơc với mình thì cũng khó mà hoà được với người. Không có một đạo nào lại có lý thuyết rốt ráo và có những kỹ thuật hữu hiệu bằng Phật giáo trong việc thực hiện việc mình hoà với mình. Nho giáo cũng có lý thuyết là đạt chánh tâm nhưng về phương pháp thực tế để đạt chánh tâm thì mỗi thầy nói một cách. Thầy Chu Hy thì nói muốn chánh tâm thì phải cách vật, muốn cách vật thì phải lấy lý trí tới với sự vật, tìm hiểu cặn kẽ. Thầy Vương Dương Minh phản đối và cho rằng phải trở về tâm mà khảo sát sự vật thì mới cách vật trí tri được và mới đạt chánh tâm.

Trong khi đó, đạo Phật chỉ ra rằng khi muốn định tâm thì Thiền, khi đối phó với tham sân hận thì quán vô thường vô ngã, đó là với người thường. Còn đối với những người học rộng tài cao thì có các kinh: Kinh Bát Nhã, kinh Kim Cương, kinh Thủ Lăng Nghiêm v.v… Chẳng hạn Nguyễn Du đã đọc kinh Kim Cương cả trăm lần.

2. Hoà Với Người: Ðể có thể sống hoà thuận với thiên hạ, không có đạo nào vượt qua được đạo Khổng vì đạo Khổng là đạo có những lý thuyết và nguyên tắc thực hành rất hiệu quả, như các nguyên tắc tam cương ngũ thường. Tam cương đề ra nguyên tắc vua đối với dân, vợ đối với chồng, cha đối với con. Còn Ngũ thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nếu thông suốt được năm điều này thì mình biết cách đối xử hoà nhã với người.

3. Hoà với Thiên Nhiên: Không có đạo nào tôn trọng thiên nhiên bằng đạo Lão. Lão tử cho Ðạo là trên tất cả. Có Ðạo thì khỏi cần Ðức, có Ðức khỏi cần lễ nghĩa.

Ðạo ở đây là đạo quân bình Âm Dương. Khi ở thế quân bình thì mình sáng ra, việc làm của mình không trái với luật quân bình, tức là hợp với Ðạo, Ðức, Nhân, Lễ, Nghĩa.

Nói tóm lại, theo đạo Lão thì phải vô vi là không làm gì trái Ðạo, không làm gì tạo bất quân bình Âm Dương trong thiên nhiên, tức là hoà với thiên nhiên và với mọi người vậy.

Phần lớn tư tưởng của Lão tử lấy Ðạo Quân Bình làm căn bản. Trong chương 77, ông nói: “Ðạo Trời như dương cung dư. Cao thì nén xuống, thấp thì cất lên, bớt chỗ thừa bù chỗ thiếu.”

Trong chương 2, ông nhìn cái xấu cái đẹp như một người thấu đáo luật quân bình: “Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp, nên cái kia là xấu, đều biết lành là lành, nên cái kia là không lành. Vậy cho nên có, không cùng sinh ra nhau. Khó dễ cùng thành ra nhau. Dài ngắn cùng so sánh với nhau. Cao thấp cùng nghiêng úp nhau.”

Ông nhìn những khác biệt mâu thuẫn trong thiên nhiên đều bổ túc cho nhau. Sự hiện diện của xấu để người ta nhận ra cái đẹp, cái tốt; có ngắn thì người ta mới nhận ra được cái dài v.v… Ông cho rằng trong thiên nhiên mọi thứ đã quân bình với nhau cả rồi, không nên can thiệp vào, làm mất sự quân bình đã được thiết lập trong trời đất. Chẳng hạn như cây thải ra dưỡng khí (Oxy) cho sự sống của con người và hút đi thán khí (CO2) để bầu không khí trong lành và tránh nạn không khí bị nóng lên. Nếu can thiệp vào như chặt hết cây cối đi thì ta lấy đâu dưỡng khí mà thở. Nếu cứ thải khí CO2 ra nhiều quá khả năng hấp thụ của cây cối thì không khí sẽ nóng lên v.v…

Ðến đây chúng tôi mới hiểu tại sao một nước bé nhỏ như Ðại Việt lại có thể ba lần đánh thắng một đế quốc hung hãn hùng mạnh nhất địa cầu thời bấy giờ. Ðại Việt thắng quân Mông Cổ với trí tuệ và kỹ thuật của riêng mình chứ không nhờ vả vào ai. Vì Ðại Việt là một nước có một nền văn hoá và văn minh cao nhất hoàn cầu thời bấy giờ do dân tộc Ðại Việt đã hiểu được cái bí mật của thuyết Ðại Hoà, đó là quẻ Ký Tế trong Kinh Dịch: hoà với mình, hoà với người và hoà với thiên nhiên. Nhờ thuyết Ðại Hoà, người dân Ðại Việt thông tuệ, sản sinh ra một nền văn hoá siêu việt, một nền văn minh vượt trội hơn cả các nước lân bang, kể cả đế quốc lớn nhất thời đó.

D) KẾT LUẬN

Những nan đề của nhân loại ngày hôm nay chỉ có thể giải quyết được bằng triết lý Ðại Hoà. Nhân loại, kể cả người Việt Nam chúng ta, đã chia ra làm nhiều thành phần, nhiều khối, nhiều phe mâu thuẫn xung đột với nhau, làm sao để chúng ta có thể sống hoà thuận với nhau? Không còn con đường nào ngoài con đường trở về với cốt lõi của văn hoá, tư tưởng Việt Nam, đó là Ðại Hoà Ðạo, là triết lý Ðại Hoà. Muốn thực hiện một triết lý đại hoà, thì trứớc tiên phải có phương cách hoà với chính mình, rồi sẽ hoà được với người và thiên nhiên. Muốn hoà được với mình thì phải làm một cuộc chuyển đổi tư duy từ căn bản. Muốn chuyển đổi tư duy thì phải hiểu luật quân bình là thiên lý, là đạo trời mà phải tuân thủ, chẳng khác nào không muốn gặp tai nạn thì ta phải tuân thủ luật đi đường khi lái xe vậy.

 Thái Đông A

[Tác Giả] [ Lãnh Vực]

Tìm Kiếm