LÝ DO HAI CHỮ “VIỆT NHO”

Thư Hương

IMG.967Nền triết lý mới của Việt gọi là An Vi, nhưng khi xét về nguồn gốc sử trình thì gọi là Việt Nho .Hai chữ Việt Nho nghe suông sẻ mà sự thực nói lên một cuộc cách mạng hết cỡ: xưa rày liên hệ Tàu Việt vẫn đi theo lối Tàu trước Việt sau, như ta quen nói Hán Việt; trong tương quan đó thì Việt học với Tàu từ chữ viết cho đến guồng máy cai trị, binh bị, học thuật không sót cái chi. Đến nay đột nhiên có người dám đưa ra thuyết Việt Nho đặt ngược lại thứ tự, tôn Việt lên “làm thầy” hạ Tàu xuống làm “trò” có phải điên chăng? Cả một rừng sách vở, cả một ngàn năm đô hộ với cái dĩ vãng như kia sao lại có thể đùa dai như thế được!

Thưa rằng không đùa dai chi cả, mà chỉ là lật lại một trang sử cũ, nhưng đã bị cả Tàu lẫn Việt quên bẵng. Xưa nay ai cũng cho là sử Tàu Việt đều khởi từ đầu, nhưng kỳ thực mới là khởi từ khúc giữa: nước Tàu thì trước Tần Hán một chút, còn Việt có nhiều lắm cũng mới  tới từ hai Bà Trưng, trước nữa mới là một mớ truyền thuyết. Vậy mà chính thời xa xưa đó mới là thời đích thực của văn hóa, chứ từ Tần Hán cũng như Trưng Triệu chỉ là văn minh vòng ngoài. Nói theo triết Việt Nho thì các sử gia tới nay mới biết có hình mà chưa hiểu tượng theo câu Kinh Dịch:

Tại thiên thành tượng

Tại địa thành hình

Biết hình tức là những cái hiện ra hình tích cụ thể như những biến cố có ghi chép, nhưng còn cái tượng, tức là cái ý hướng dẫn đạo, cái dạng thức chỉ huy văn hóa thì chưa ngó tới. Như vậy là mới biết có ngọn mà chưa biết đến gốc, nói theo Việt Nho là mới biết lịch sử mà chưa biết huyền sử, mà huyền sử mới quan trọng cho văn hóa. Vì không biết huyền sử thành ra cho là tất nhiên những cái chẳng có tất nhiên chút nào. Hãy lấy vài thí dụ cụ thể.

Trước hết là Rồng, có phải đó là vật biểu của Tàu từ đầu như vậy chăng? Vì cho là tất nhiên nên xưa nay chẳng ai đặt vấn đề chứ đừng nói đến giải đáp. Nhưng nếu ta đi một đường ngoi ngược về nguồn sẽ thấy: Vật tổ của Tàu trước là con chim cú, rồi hổ (bạch hổ), rồi cá hay gì nữa, mãi tới quãng nào đó đời Hán mới nhận rồng. Trái lại Việt tộc đã nhận Rồng ngay từ đầu nên có câu “mẹ tiên cha rồng” (tiên mẫu long phụ). Tuy nhiên rồng lúc ấy mới là tượng, như rắn xà long hoặc giao long tức một loài cá sấu sau biến dần qua các hình thái như ly, bàn, quỳ, cuối cùng mới ra rồng. Vậy rồng xét như hình ảnh rõ ràng như nay thì là của chung Tàu và Việt, còn giao long xà long mới là tượng: cái tượng mập mờ thấp thoáng thì là của riêng Việt.

Sau đây là một thí dụ khác về chữ viết. Chữ Nho hiện nay gọi là chữ Lệ đã hiện ra hình thể rõ rệt từ đời Tần, nhưng trước đó mới là tượng gọi là chữ con quăng (khoa đẩu) và trước nữa là chữ chân chim (điểu tích) và rất nhiều loại chữ gọi là chữ kỳ dị (kỳ tự) hoặc phép kết thằng: những loại chữ này mới là tượng theo nghĩa khá sát là biểu tượng hay vật tổ của  Bách Việt là tiên rồng (tiên liên hệ với chữ chân chim, rồng liên hệ với chữ con quăng)  những loại chữ này có lâu đời trước thuộc chi tộc này hay chi tộc khác trong toàn khối Bách Việt, còn chữ Lệ mới có về sau như hậu thân của nhiều đợt sửa đổi và thống nhất, mà đợt cuối cùng xảy ra đời Tần với Lý Tư và đã bắt buộc mọi nơi phải theo, cấm các chữ khác của Bách Việt. Có thể vì vậy mà chữ của Việt Nam biến mất, và sau nay lập lại thì không ám đọc rõ, mà phải đọc trại ra nôm. Chữ Nôm là chữ Nam đó.

Thí dụ thứ ba liên hệ tới văn tự là Kinh Dịch. Ai cũng cho là của Tàu, nhưng nếu xét ngọn nguồn thì không phải như vậy, vì Dịch có năm giai đoạn gọi là:

Đạo dịch của Trời Đất

Đạo dịch của Phục Hy

Đạo dịch của ông Đại Vũ

Đạo dịch của Văn Vương

Đạo dịch của Khổng Tử

Vậy Dịch là của Tàu chỉ ở 2 giai đoạn sau gọi được là hình tức đã có chữ nghĩa, nhưng chỉ gọi là hệ từ nghĩa là chữ buộc vào sau. Tức sau khi sách đã có rồi, nhưng mới ở thể tượng nghĩa là ở giai đoạn 2 mới có quẻ với Phục Hy, còn trước nữa ở giai đoạn 1 còn lờ mờ hơn nữa gọi là Đạo dịch của Trời Đất thì mới có những huyền thoại cặp đôi như trời đất, núi sông, tiên rồng, đực cái, ông Cồ bà Cộc, ông Đùng bà Đà, bà Nữ Oa ông Tứ tượng v.v… Đó là những cặp đôi tuy lơ mơ nhưng với Kinh Dịch lại là nền tảng vì làm nên cái tôi gọi là lưỡng hợp tính hay nét song trùng. Vậy nét lưỡng hợp này thấy nhiều nhất ở Đông Nam Á, nên các học giả đều cho là nét đặc trưng của khu vực này mà trong đó Việt Nam là trung tâm, nên nói Kinh Dịch là của Việt theo nghĩa đó. Cũng phải nói như vậy về giai đoạn Phục Hy vì tổ này ở miền Đông là miền thuộc Di Việt. Lưu truyền nói Phục Hy là người Tàu là nói theo sự chiếm đoạt của Hán Nho. Chứ vào thời Phục Hy đã có Tàu đâu mà bảo Phục Hy là người Tàu. Tàu chỉ xuất hiện dù chỉ trong huyền thoại mới từ Hoàng Đế (sau cả họ Hồng Bàng), còn chính thức thì mới từ nhà Hạ lối vài chục thế kỷ trước kỷ nguyên. Khoa khảo cổ mới tìm được dấu tích có đến nhà Thương Ân tức vào lối thế kỷ 15 tr.c.n, còn trước đó toàn cõi nước Tàu đều như nhau, mà văn hóa nổi lại thuộc về Việt tộc, mãi đến thời Xuân Thu thì những chữ Nhung, Địch, Man, Di mới đèo theo nghĩa kỳ thị. Chứ trước kia thì “Bái Nhung bất hạ” nghĩa là Tàu học với Nhung (cũng là Di) không có gì là xấu hổ cả như sách Tả truyện thuật lại.

Thí dụ thứ bốn là mái nhà cong. Ai cũng bảo là của Tàu, nhưng đó là đợt hình mà đợt này mới có từ đời Đường chi đó, còn trước nữa thì mái nhà Tàu thẳng băng, như thấy trong các nhà được khảo cổ khai quật lên. Cả những nhà tuỳ táng gặp trong các mộ người Tàu tìm đựơc ở Lạch Trường, Đông Sơn cũng mái thẳng, đang khi đó thì những nhà ở Đông Sơn đã cong mái từ lâu rồi, như thấy được trong hình trống đồng mà luôn cả những di hình của nhà hóa thạch đào được ở Đông Sơn. Vậy đó quả là tại thiên thành tượng, rồi sau Tàu tô điểm cho thành ra hình như ngày nay.

Trên đây mới là vài ba thí dụ tuy ít nhưng toàn là nền móng. Vì thế đứng về văn hóa không  nên nói Hán Việt mà phải nói Việt Nho để ghi lại thứ tự sinh thành đích thực của văn hóa Viễn Đông. Nói Nho để đặt nổi khía cạnh văn hóa, còn chữ Hán là tên một triều đại đã là Tàu rõ nét, nên chỉ là tên chính trị, không hợp với việc tìm về nguồn gốc văn hóa. Về văn hóa thì Việt có trước Tàu nên nói Việt Nho mới ổn.

Mấy thí dụ trên đây tuy rất nền tảng nhưng có thể nói mới là tiên thiên thuộc lý thuyết, nên sau đây xin thêm mấy thí dụ về lịch sử và khảo cổ và chỉ xin đan cử một thí dụ về Di Việt. Ta biết người Tàu chỉ “rợ” mạn Tây và Bắc bằng “Nhung, Địch”, còn mạn Nam và Đông là “Man, Di” tức là ngành tiến mạnh nhất trong văn hóa mà sau này Tàu theo học, nên sách Xuân Thu Tả truyện có câu “Hoa Hạ diệc tân Di Địch” nghĩa là dân Trung Hoa cũng chính là những dân Di Địch mới. Đó là câu sách thoáng qua, nhưng lại phản ảnh một lưu truyền xa xưa mà ta có thể xác định vào đời Thương Ân lúc xâm chiếm văn hóa Di Việt xảy ra ở vùng Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc miền Dương Tử Giang, An Huy, Giang Tô miền Bắc sông Hoài v.v… mà ấn tích là di chỉ Long Sơn rất nổi tiếng (xem Cradle tr.188 và 313). Việc này xảy ra vào những thế kỷ từ 15-12 tr.c.n. Nhà Thương lúc chiếm Long Sơn mới chỉ là một bộ lạc nổi hơn về binh bị, chứ văn hóa thì thua Di Việt rất xa. Chính nhờ cuộc chiếm Long Sơn mà “nước Tàu” mới nhô lên bật ra khỏi tình trạng bộ lạc (xem The birth of China của H.G.Creel).

Xin nhắc lại Long Sơn là một di chỉ danh tiếng do ông Anderson khai quật được năm 1923 với cái Lịch (nồi có ba chân rỗng) rất thời danh cũng như đồ sứ đen, Long Sơn đã có làng xã, có thờ tổ tiên, cũng như vòng xoáy ốc tả nhậm (ngược chiều kim đồng hồ) cũng rìu có vai với đồ gốm có hoa văn y như văn hóa Đông Sơn… Khi mới khám phá ai cũng cho là của Tàu và từ đó toả ảnh hưởng xuống phía Nam, nhưng dần dần các cuộc khai quật kế tiếp chứng tỏ ngược lại, như được kết đúc vào quyển The Cradle of the East của ông Bỉnh Thế Hà mới xuất bản năm 1975 với câu kết thúc đại khái của sách là nước Tàu làm nên do những ngừơi không phải là Tàu. Vậy thì là ai? Không phải Việt tộc thì ai vào đấy? Việt tộc đã để dấu văn hóa lại mãi từ giai đoạn Hòa Bình ít nhất trứơc đây 8000 năm. Đấy là về phía Đông, còn phía Tây thì phải kể di chỉ danh tiếng Ngưỡng Thiều trong tỉnh Thiểm Tây. Thoạt tìm ra ai cũng cho là của Tàu, nhiều học giả Tây Âu còn cho là có chịu ảnh hưởng của Tây Âu, nhưng đến nay thì dần dần nhận ra là do phía Nam. Nói vậy có nghĩa là trước đây vào lối 6, 7 ngàn năm, Ngưỡng Thiều và Long Sơn chưa phải là của người Tàu, thế mà đó là hai di chỉ then chốt đã đựơc nghiên cứu thấu triệt, thì đủ biết hai chữ Việt Nho có đầy đủ lý chứng không những trong huyền sử mà luôn cả trong khảo cổ. Gạo thí dụ mới có ở Long Sơn trước đây lối 6 ngàn năm và rất hiếm, chỉ hàng quyền quý mới được ăn. Đang khi đó gạo đã có ở Việt ngay từ đợt văn hóa Hòa Bình, ít nhất trước đây lối 8 ngàn năm. Ông Solheim cho rằng gạo đã có ở Hang Thần và Non Nok Tha (cũng thuộc văn hóa Hòa Bình) lâu trước bên Tàu.

Xin kết luận bằng câu chuyện Thánh Dóng đánh đuổi giặc Ân có ghi trong huyền sử nước ta, mà trước đây sử cũ coi như truyện hoang đường, nhưng nếu đọc theo lối huyền sử dưới ánh sáng của khảo cổ thì sẽ thấy nó không phải là hoang đường, vì nhà Thương (cũng gọi là nhà Ân) sau khi đã chiếm Long Sơn còn tiếp tục mở mang bờ cõi thêm mãi xuống vùng Giang Tô, Chiết Giang, Kinh Sở v.v… (xem Cradle tr.344). Trong quyển State Craft (tr 198) học giả Creel có nhận xét là từ đấy Tàu mới khởi đầu khinh thị Di vì hay bị Di đánh bại. Vậy sự đánh bại này phản ảnh truyện Thánh Dóng, phản ảnh luôn cả vụ nhà Ân hộI nhập văn hóa Di Việt. Truyện kể rằng vua nhà Ân bại trận nên ôm ngọc Long Toại mà chết vùi ở đất Việt. Đó là huyền sử không có thật ở cái hình, tức là vua nhà Ân không có chôn ở đất Việt, nhưng có thật ở cái tượng tức là vua nhà Ân đã học được với Việt tộc tính chất lưỡng hợp mà ở đây kêu là ngọc Long Toại. Huyền sử nói là thứ ngọc châu từ thưở trời đất mới khai tịch đã có một cặp trống mái từ đời Hoàng Đế trải đến đời Ân làm của thế bảo, cho tới lúc nhà Ân sang xâm lăng đất Việt bị Thánh Dóng đánh tơi bời bỏ thân và ngọc lại bên đất Việt. Vậy ngọc Long Toại là chi? Thưa chính là đạo Dịch của Trời Đất cũng như đạo Dịch của Phục Hy mà vua nhà Ân học được, nhưng chưa trút hết máu du mục nên còn ham đi chinh phục, thành thử phải chết và ôm ngọc đó trả lại cho chủ cũ có họ Rồng (Long Toại là hạt ngọc có đóng con chấm của chủ là Tiên Rồng nằm trong chữ Long Toại đó. Toại có nghĩa là làm ra lửa, hàm ngụ trong chữ Viêm Việt, nhận Hỏa Đức làm nền). Vì vậy mà huyền sử nói vua Ân chết chôn ở đất Việt, còn Kinh Dịch nhà Ân thì gọi là Dịch Quy tàng tức Dịch ẩn tàng trong đất, liên hệ với ngọc Long Toại bị chôn. Nhưng vì Long Toại bị chôn nên chính chủ là Việt tộc cũng chẳng còn biết đâu mà lần, hóa nên kết bằng một câu rất bí ẩn là “giếng bị bỏ dơ” tức không ai còn biết múc nước cam tuyền từ giếng Việt nữa (Việt tỉnh cương) nghĩa là không ai thấy cái Tượng hay nền móng của Kinh Dịch là nền Minh Triết có nét lưỡng hợp nữa, thành ra phải đi ăn nhờ cái hình hiện của người là 64 quái quẻ dùng vào việc bói toán vậy thôi.

Kết luận, Việt Nho muốn điều chỉnh lại một số điểm thuộc lịch sử của cả Tàu lẫn Việt, do cả người Tàu lẫn người Việt, đồng thời thức tỉnh học giả Việt muốn biết văn hóa dân tộc một cách đích thực thì phải ngoi ngược về quá khứ rất xa xưa, chữ Nho kêu việc đó là tố nguyên. Và đấy là tên sách đã khai mạc thuyết Việt Nho với cái tựa đề mập mờ thấp thoáng “Việt lý tố nguyên” để vẽ lại hình ảnh lung linh về nguồn gốc văn hóa Việt tộc cũng như về nguồn gốc Nho.

 Chính vì thế mà chúng tôi đã đưa ra danh xưng mới, vừa để chỉ rõ cái nguồn gốc đích thực của văn hóa dân tộc, vưà để gột rửa Nho Giáo, một nền nhân bản trung thực nhưng đã bị xuyên tạc đến độ lu mờ, nhờ vậy chúng tôi nghĩ là đã khám phá ra một nền triết lý hợp cảm quan thời đại cả về hình thức lẫn nội dung.

Về hình thức là dùng rất nhiều huyền số, huyền thoại, cũng như nghi lệ thói tục. Đó là nền triết lý đang được thế giới mong cầu đến độ triết gia người Đức, ông Ernest Cassirer đã muốn định nghĩa người là con vật có khả năng biểu tượng (animal symbolicum). Điều này được quảng diễn khá đầy đủ trong quyển Philosophy in a new key (a study in the symbolism of reason, rite and art của Suzanne K.Langer. Harvard University press 1942). Đó là một sự phản đối lại nền triết học cổ điển Tây Âu quá khô khan trừu tượng, nên phải mở một hướng mới cho triết xuyên qua nghệ thuật và biểu tượng. Trong chiều hướng đó Việt Nho sẽ là tay quán quân trong phong phú vì cái rừng huyền thoại mênh mông của cả Việt lẫn Nho, tha hồ khai thác.

Về nội dung, người ta mong cầu một nền triết lý gắn liền với cuộc sống, với tác hành, và hơn nữa một nền triết lý cho thế giới đệ tam, theo nghĩa không Cộng sản cũng không Tư bản, nhưng một nền triết Nhân bản có tính cách phổ biến bao la. Cho tới nay biết bao thử thách đã đựơc hiện thực nhưng có thể nói chung là chỉ đạt được những thành quả vụn mảnh phần mớ, ngoài ra chưa thấy xuất hiện đựơc nền triết nào có tính cách bao quát được như lòng mong cầu kia. Vậy đó là việc mà Việt Nho đã cố gắng đi theo từ hơn hai mươi năm.

Thế giới của con người không có cái gì tuyệt đối và hoàn bị, mà chỉ có những cái tương đối cao thấp khác nhau. Trong cái thang giá trị đó, Việt Nho hẳn phải có một chỗ đứng, cũng như có khả năng đặt tận cùng cho một sự tủi hổ của ngừơi Việt tới nay khi phải tiếp xúc với các nền văn hóa thế giới, là Việt không có một nền triết lý nào cả. Từ nay nó bắt đầu trám lỗ hổng đó và sẽ tiếp tục trám mãi trong các thế hệ nối tiếp.

Kim Định

(Trích: Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc)

 

 

 

 

 

Tìm Kiếm