…..

Lý Tưởng Đại Học Việt Nho

Đông Lan

Đại Học là sách do Đức Khổng Tử truyền lại cho cao đệ là Tăng Tử, sau Trình Hạo và Trình Di khảo duyệt, sưu tập, rồi Châu Hy phân ra thành từng chương truyền tới ngày nay, vốn là một thiên sách nhỏ trong bộ Lễ Ký.


Một lớp học xưa

Sách Đại Học nêu rõ lý tưởng của bậc Đại Học: Khai mở Tri Thức, phục vụ Nhân Sinh, vươn lên Thiện Mỹ. Muốn đạt được lý tưởng trên, người học cần có những phương pháp để hướng đạo chính tinh thần mình. Đó là các thực nghiệm tâm lý qua những bước: Chỉ – Định – Tĩnh – An – Lự – Đắc. Khi trải qua những đợt tâm thức này, đã sáng suốt được đâu là gốc rễ, đâu là ngành ngọn, đâu là khởi đoan, đâu là tận cùng thì người học đạo mới biết một cách vững vàng thế nào là việc phải làm trong trình tự tiến hóa của Đạo, nên sẽ tiếp cận Chân Đạo nhiệm mầu.

Thầy và trò xưa

I – Lý Tưởng

Đại Học Chi Đạo, Tại Minh Đức, Tại Tân Dân, Tại Chỉ Ư Chí Thiện .

Sách Đại Học mở đầu đơn sơ như vậy đó cũng chỉ có bấy nhiêu tinh túy mà người học đạo Việt Nho ( Nho Siêu Việt ) theo đuổi suốt một đời cũng chưa đến được tận cùng. Chúng ta thử tìm xem cái học ấy ra sao.

Đại Học Chi Đạo

Thánh hiền xưa hay dùng từ Đạo. Đi học cũng là một cái Đạo! Bởi vì đạo là con đường, như ngày xưa Đức Phật cũng thường dạy rằng những lời của Ngài cũng như ngón tay chỉ trăng, hãy theo ngón tay ngài để thấy vầng trăng chân lý sáng soi, chứ ngón tay ngài, đường lối của ngài, không phải là chân lý. Ngài muốn nhắc đệ tử hãy nương theo các pháp môn, các phương tiện để rồi sự giác ngộ chân lý chính là sự tỉnh thức của mỗi cá nhân, nó riêng tư, nó mầu nhiệm, nó giá trị nội tại và chân thực. Ta là Phật đã thành. Các con là Phật sẽ thành. Thì cũng tương tự, đạo của Việt Nho cũng chỉ là một con đường. Đại học là cái học cỡ lớn, cho người lớn, có nghĩa là cái học cho người tới tuổi thành nhân, cần tìm hiểu đến nơi đến chốn, đến cùng lý tận tính mọi sự việc. Xác nhận sự lớn lao của Đại Học ở đây, hiền triết Việt Nho muốn nhắc nhở con đường của người học đạo rất lớn, rất bao la, rất quán triệt, trên triệt thượng, dưới triệt hạ. Sự học một nghề nghiệp tinh xảo, sự hiểu biết chuyên môn một khía cạnh nào, với Việt Nho, chưa phải là bác học, quảng trí. Đó mới chỉ là phần hạ trí, phần hiểu biết về những góc cạnh, có giá trị mảnh vụn của chân lý. Ngày xưa, người ta dùng từ “bác sĩ” cho người trí thức học đạo thượng trí, tức là cái học về chân lý của vũ trụ, con người, nhân sinh. Chữ “bác” có nghĩa rộng lớn, cao xa của cái học về chân lý tròn đầy. Cái học ấy có tính chất toàn triệt và thiết thực đến tận cùng của thân tâm người học cũng như sự lan tỏa đến khắp cõi nhân sinh, tri hành hợp làm một, gọi là Đại Học. Hay nói cách khác, Đại Học là sự học để sống làm người có ý thức, có lý tưởng, có phương pháp để đi đến tận thiện và tận mỹ. Và đó cũng là Định Hướng cho Đại Học ngày mai của con đường Nhân Chủ chân chính mà Triết Lý An Vi thử cầu tìm.

Ta hãy tìm xem hiền triết xưa dạy Đạo ra sao? Học đạo ở đâu, thế nào?

Tại Minh Minh Đức

Người học đạo Việt Nho học ngay chính nơi việc làm sáng cái đức sáng của chính mình. Minh Đức là đức có sẵn trong con người. Đó chính là Đức Nhân, là hành Thổ Tâm Linh , nói theo cơ cấu Ngũ Hành. Đó cũng là Đức Hoà nếu nói theo cơ cấu Âm Dương. Đó là chữ Thiên Mệnh, là Tính trong Trung Dung. Con người là một phần tử của cơ thể vũ trụ, mang trong người đầy đủ cái đức Sống và Sáng của trời đất. Con người là Âm Dương Hòa. Con người hàm tàng linh lực hai chiều gieo gặt của bản tính vạn vật. Con người là một làn sóng đời nhỏ bé trong duyên trường mông mênh vô cùng tận của tạo vật. Đó là Minh Đức. Nhưng đức sáng của bản tính con người vẫn còn ẩn tàng như đất có sẵn đức gieo, nhưng còn ai gieo? Con người phải tự lực cánh sinh trên đường tìm về chính mình. Con người phải “minh” cái minh đức của mình. Cũng như con người chính là một tác Nhân nối kết cả hai yếu tố Thiên và Địa của mình . Người Việt gọi là Giao Chỉ – Tương Giao, Nối Kết hai thái cực ( Chỉ) là Chỉ Đất với Chỉ Trời. Đó là ý nghĩa của việc cầu học đạo Việt Nho. Để từ con đường, phương tiện của minh triết, con người làm sáng tỏ được khả năng tiềm ẩn trong mình. Khả thể ấy là tính hai chiều, tính dung hợp, tính quân bình, tính hữu hạn mà vô biên, tính siêu việt, tiến hóa của hai lực nghịch chiều của hiện tượng vật thể và bản thể tâm linh. Rồi người học Đạo sẽ áp dụng cái hiểu biết lớn lao này, cái bác học của mình, để mang ra giúp nhân quần, xã hội. Cho nên, sau khi giác ngộ đạo học về bản thể bao la của trời đất, sau khi đã minh được minh đức của mình rồi, người quân tử Việt Nho học thêm nữa, học đạo làm cho dân được tinh tấn hơn.

Tại Tân Dân

Trong tinh thần Việt Nho, người đi học luôn chú ý tới việc phục vụ đời sống của nhân dân, cho nên chữ Tân ở đây chỉ rằng sự phải làm cho đời sống của nhân dân được tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, đó là mục đích của sự học. Dĩ nhiên, sự tốt đẹp và tiến bộ ở đây cũng nằm trong chiều hướng nâng cao đời sống hai chiều của nhân dân. Là lo tinh tấn đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người trong xã hội để vươn lên mãi mãi trên lý tưởng tận thiện tận mỹ của Đạo. Như thế, sự canh tân ở đây là vươn lên mà không xa lìa chân lý, mỗi lần tiến bộ là lập lại sáng chói và huy hoàng hơn những nét căn cơ của Đạo Thể, Minh Đức tròn đầy. (Bài này chỉ nói tổng quát sứ mạng của Đại Học Việt Nho. Tân Dân qua Kinh Tế, Chính Trị, Văn Hóa, Giáo Dục và những chỉ đạo cụ thể là nội dung Việt Nho của toàn bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh cần sự linh động triển khai để thích nghi với không -thời). Minh Triết hai chiều cứ lan tỏa mãi ra, sự học của người trí thức Việt Nho đâu bao giờ ngừng vì thực hiện Minh Triết cho tất cả mọi người dân đâu phải là việc đơn giản, dễ dàng. Vì thế, thánh hiền thường có câu “Gánh nặng mà đường thì xa” (Nhậm trọng nhi đạo viễn- Thái Bá, Luận Ngữ q.4). Nhưng nếu đã hiểu đạo của thánh hiền rồi, thì người quân tử không nề hà gánh nặng đường xa ấy. Người quân tử luôn vui với đạo trời, suốt ngày làm việc không ngừng nghỉ, nhưng vẫn thấy hăng say trong lòng, vì đã nắm bắt được vô biên, lòng là suối nguồn An Lạc, tâm hồn phơi phới vạn mùa xuân. Nói theo ngũ hành, dù có bàng hành nhi bất lưu, hoạt động vòng ngoài nhưng không trôi theo lưu tục, đã vững vàng ở nơi hành thổ tâm linh, nên người quân tử Việt Nho đã biết an nghỉ ở chốn trọn lành của Tâm Đạo.

Tại Chỉ Ư Chí Thiện

Nơi chốn Trọn Lành của tâm hồn hướng thượng, phụng sự tha nhân với tấm lòng chân thực, bao la như vũ trụ, người trí thức Việt Nho an nghỉ ở đó.

Nhưng chốn Trọn Lành ấy, chữ Thiện của Việt Nho là gì? Chúng ta hãy nghe Thánh hiền giải thích: “Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo, kế chi giả Thiện dã, Thành chi giả, Tính dã“( Kinh Dịch, Hệ Từ 5).

Âm Dương có thể hiểu như là hai thế lực lớn gồm tất cả những gì có tính chất đối nghịch như giống cái và giống đực, tối và sáng, mềm và rắn, tĩnh và động …ở lãnh vực vật thể hay tình cảm và lý trí, ý thức và tiềm thức, hữu hạn với vô biên…ở lãnh vực tinh thần.

Đức Khổng Tử đã giải thích nghiã Thiện của Đạo rất rõ ràng nơi đây. Đơn sơ và giản dị, Đạo là nhịp âm dương của vận hành vũ trụ. Âm Dương là cặp phạm trù mâu thuẫn mà hoà hợp. Đạo không thể cô âm hay độc dương. Đạo là một nguyên lý có tính hai mà một. Đạo là Lưỡng-Nhất-Tính. Thiện là chỉ sự tốt lành viên mãn của vũ trụ nhân sinh trong sự hoà hợp mọi mâu thuẫn của nguyên lý Âm Dương , Lưỡng Nhất nền tảng của vạn vật. Thiện chính là phần tiên thiên chưa hình thành của vạn vật, là bước trong lành ban sơ của tạo vật, là bản thể của Đạo.

Như vậy, nói theo từ ngày nay, lý tưởng của Đại học nhằm phát huy Dân Tộc tính và Nhân Bản tính, giải quyết các vấn nạn của nhân sinh thế đạo, trong chiều hướng cao đẹp của một nền văn hoá hướng thượng và với ánh sáng của văn minh khoa học, kỹ thuật hiện đại .

Việt Nho là một khoa học chân chính. Lý tưởng cao đẹp nào mà không có con người cao đẹp thì trước sau gì cũng chỉ là không tưởng. Cho nên, Việt Nho quan trọng việc tu dưỡng nội tâm của người đi học, và có những phương pháp cụ thể để cảm nghiệm Minh Triết An Vi của đạo lý.

II- Thực Nghiệm Tâm Lý

Chỉ – Định – Tĩnh – An – Lự – Đắc

Sách Đại Học đã sửa soạn cho người cầu học một phương pháp: “Tri Chỉ, nhi hậu hữu Định. Định, nhi hậu năng Tĩnh. Tĩnh, nhi hậu năng An. An nhi hậu năng Lự. Lự, nhi hậu năng Đắc”. Khi đã biết dừng lại nơi bản thể trọn lành của Đạo thì ý thức không xáo trộn vọng động. Có đạt đến sự ổn định tâm trí, trong lòng mới được yên tĩnh để Tâm Tư. Nhờ tâm tư lòng thường tịnh lặng, đó mới là cảnh giới An. Tâm An thì sự suy nghĩ, tìm kiếm phương cách hòa đạo vào đời (Lự) mới được kết quả hiệu nghiệm. Đắc đây là chỉ sự Thành tựu của cả hai thể và dụng của Đạo, Hòa Hợp được cả vòng trong và vòng ngoài của Đạo. Có nghĩa là Tiếp nhận Đạo Trời rồi Thực Hành nơi bản thân và tha nhân vạn vật sao cho được thấm nhuần Lý Đạo ấy, Kinh Dịch gọi tác hành đó là Thành Tính, là tác động mở cánh cửa lưu thông giữa Đạo với Đời (Thành Tính tồn tồn, đạo nghĩa chi môn- Hệ từ thượng). Như vậy, tiến trình tri hành của người trí thức An Vi sẽ đi theo những giai đoạn: Chỉ, Định, Tĩnh, An, Lự, Đắc.

Chỉ, Định, Tĩnh : Là ba bước để cảm nghiệm được An.

Lự là bước sau khi đã giác ngộ An, thì Tâm trí cần suy tư, sắp xếp cho sự hoat động của mình sao cho có được cái diệu dụng của Đạo. Cho nên Lự đây là An Lự. Đắc ở đây chỉ là sự nhấn mạnh đến mức diệu dụng của vòng ngoài của Nội Tâm An Lạc.

Tri chỉ, là biết dừng lại. Biết dừng lại ở đây là dừng lại ở nơi Ý Thức Nhân Chủ toàn diện . Vì, nếu ta dừng lại ở nơi không phải là chỗ để dừng: ở nơi ý niệm, ở nơi vật thể, ở nơi thần linh. . . đó không phải là chỗ của Người Nhân Chủ An Vi. Người Nhân Chủ An Vi dừng lại nơi Chính Danh, Chính Ngôi Vị của mình, của con Người, theo đúng ý nghĩa chân chính, toàn triệt của danh từ.- Người là gì?

Triết Lý An Vi có thể trả lời tóm gọn trong câu định nghĩa về Người của Việt Nho: “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Người là Linh Đức của Thiên Địa. Thiên ở đây là một phạm trù rỗng, ta có thể hiểu bằng nhiều nội dung khác nhau, nhưng tựu trung là những gì thuộc về vô biên, vô hạn. Cũng vậy, địa cũng là một phạm trù phong phú của tính chất hữu hạn, cụ thể. Người là linh đức của Thiên Địa, như là người là linh đức của vô biên và hữu hạn, ngưòi là linh đức của vật thể và tâm linh, người là giao chỉ của Âm Dương, hay theo Huyền Sử Việt, Người là Kết Hợp của Tiên Rồng. Như thế, Người Nhân Chủ An Vi trước tiên cần phải tìm hiểu, cần cù, cầu học. Không mấy ai tự nhiên hiểu biết. Đại Học đã nói, con người ta cái Minh Đức có sẵn trong mình, nhưng cần phải học mới làm Sáng cái Đức Sáng của mình được. Đó là “Minh Minh Đức”. Đó mới là sự học lớn lao, hệ trọng, của người lớn, của tuổi tráng niên, của tuổi trường thành. Sách Đại Học đưa ra mục tiêu của Đại Học là như vậy. Ngày nay chúng ta dùng từ Đại Học khác xưa. Đại Học hôm nay học về chuyên ngành, một cách cao sâu hơn trung học một chút. Nó khác hẳn với Đại Học theo Minh Triết An Vi của Việt Nho. Vậy, Tri Chỉ, biết dừng lại nơi Đạo, là cửa mở vào thế giới của Trí giả An Vi. Biết dừng lại ở chính trung, chính vị là một ý thức về Đạo Trung. Bài Nhân Chủ Trung Dung đã trình bày cùng bạn. Chỉ sơ lược nơi đây là Đạo Quân Bình của Trời Đất, hay là Ý thức về Nhân Chủ cũng vậy. Trời Đất và Người không khác nhau, mà ngược lại, theo Minh Triết An Vi, đồng một thể, cho nên Biết về Tính của Trời Đất, cũng là biết về Tính của Người. Cũng là thức được Tâm. Khi vững vàng Tâm Thức Nhân Chủ, biết chính ngôi vị của mình để dừng lại, trí giả An Vi không dừng ở những nơi không phải của mình. Duy thiên, nô lệ thần thánh là dừng lại ở trời. Duy địa, trọng vật chất, đặt giá trị con người trong tương quan với vật chất, là dừng lại ở đất. Chỉ khi nào nào dừng lại ở ý thức nhân chủ, ở nơi chốn “Kỳ thiên địa chi đức”, ở cái ý thức tam tài “Ta cùng trời đất ba ngôi sánh, Trời-Đất-Ta đây một chữ đồng”, ở cái cảm thức mênh mang của Tiên Rồng kết hợp, đó mới là chính vị, chính trung.

Định, là sau khi biết dừng ở nơi chốn của mình, tâm trí ta mới vững vàng, ổn định. Đời vọng động, thiên địa bất quân, trật tự rối loạn, nhân tâm nghiêng lệch…nhưng lòng ta đã vững như kiềng ba chân. (Chỉ-Định-Tĩnh). Kiềng ba chân chở vòng tròn của chân lý An. Ta cảm lẽ Đạo, lòng ôm chân lý tròn đầy, ổn định nơi vòng tròn chân lý là vòng toàn diện, nên là Đại Định. Tĩnh chỉ là bước tất nhiên sau bước đại định.

Tĩnh là tự nhiên loại trừ được dần những vọng động của những thế lực quá khích, cực đoan. Tĩnh là một trạng thái tâm lý, nó đến từ từ, sau từng kinh nghiệm khác biệt. Tri chỉ chỉ là sự giác ngộ của tri thức, chưa có kinh nghiệm kiểm chứng, thực nghiệm đãi lọc. Ta ý thức nhân chủ, đâu phải là ngay tức khắc mỗi tâm, ý, tình, chí của ta tràn đầy sắc mầu hai chiều của đạo đâu. Ý thức về An là khởi đầu. Nó cần thời gian và không gian để trưởng dưỡng hạt nhân An ở trong lòng. Nó cũng cần môi sinh để phát triển. Nhưng nó đã là một mầm hạt nhân lành. Ý thức An là một mầm hạt. Tu dưỡng cho mầm hạt An ấy là trưởng dưỡng nó lên. Theo ba luật lớn của trời đất: biến dịch, hội tụ và giá sắc( Yêu Mến An Vi, trang 397- 401 ) hạt nhân An cũng phải vâng theo, để rồi sẽ phát triển theo cơ duyên của nó. An Tính đơm kết trong thời không hoa trái muôn sắc hương của nó mà chỉ hành giả An Vi mới thực sự kiểm chứng mực độ trưởng thành của mầm hạt An trong mình. Nhiều khi trong một sự bất ngờ nào đó, tự nhiên ta thấy lòng trầm lắng hẳn xuống, vọng động đời hầu như tiêu tan, sao ta không còn lo cái lo của áo cơm nhiều như xưa nữa, sao ta không còn hờn giận vui buồn những hờn giận buồn vui theo thông lệ thói tục bấy lâu. Nhiều khi ta lại cảm thấy trong lòng có những niềm vui nhẹ nhàng không do các lợi lộc, thành đạt của cuộc đời mang lại, sao lòng vẫn cứ vui những niềm vui không đối tượng nào. Rồi những cảm xúc thành bại hơn thua nó cứ nhẹ dần đi, ta cảm thấy đời sống nhẹ nhàng hơn. Rồi có một lúc lòng như tê dại không còn điều gì ở cõi đời này làm lay động được. Nó đã chết dần và hình như được tái sinh ở một nơi nào khác. Ta có cảm tưởng ta vừa đi đâu xa lắm và vừa mới trở lại. Nhưng lần trở lại này đây, giữa ta với đời đã có một khoảng cách mù sương. Cái gì của đời ta bé nhỏ dường như không còn trọn vẹn gắn chặt vào ta như xưa nữa. Sợi dây liên hệ giữa ta và cái nhỏ bé của đời ta như cứ lơi dần đi. Hình như ta đã có một mối liên hệ nào khác, nó lôi cuốn ta, nó cũng gắn chặt với ta, và thế là ta sống ở hai tâm trạng. Làm như ta đã một phần nào có một cảnh khác của đời. Đâu là thực? Đâu là mộng? Thật sự ta không hiểu nổi. Thảo nào đi mãi vào huyền vi, Trang Châu không biết mình hóa bướm hay bướm hoá Trang Châu. Đó không phải là một bài suy tư triết lý. Đó là một tâm trạng thái Tâm An Bình của một mức độ nào đó của huyền vi. Cho nên có khi ta quên mất ngày không ăn, đêm không ngủ. . . ta quên mất cái vật thể, ta cảm thấy lòng lâng lâng, ăn chẳng cầu no, mặc chẳng cầu đẹp. Lời nói có khi cũng dịu hiền hẳn đi, theo cõi lòng thả lỏng chuyện thế nhân. Tâm sanh ý, tâm sanh tướng. Cho nên qua bước ổn định, trầm tĩnh của tâm thức An, ta sẽ thấy tâm tư thật sự tràn đầy hạnh phúc, thứ Hạnh Phúc của Tấm Lòng Thanh Tịnh.

Do đó, đạo Qui Tâm qua ba bước : Tri Chỉ, Định, Tĩnh của An Vi giúp ta tự nhiên loại bỏ dần những khí lực nặng nề của bản thể vật chất, giúp ta sinh lại trong một Trời Mới và Đất Mới. Tiếp cận thế giới An Lạc nhiệm mầu. Thế giới của thanh khí, khí quá thanh nên nhẹ, nên đôi khi con người nghe được những âm thanh và thấy được những ánh sáng không cùng tần số với trần gian. Nhưng đó không phải là bảo chứng cho sự thủ đắc được điều gì cả. Đó vẫn là trạng thái của vật thể. Đó không phải là cái Chân Ngã mà ta thực sự cầu tìm. Như trong Kinh Kim Cang, Đức Phật cũng tiên liệu sự ngộ nhận này rồi. “Nhược dĩ sắc kiến Ngã, Dĩ Âm Thinh Cầu Ngã, Thị Nhơn Hành Tà Đạo, Bất Năng Kiến Như Lai” (Nếu lấy hình ảnh, sắc mầu gì mà cầu Ta, nếu lấy âm thanh mà cầu Ta, đó là hạng người kém cỏi truyền tà đạo, không bao giờ giác ngộ Như Lai). Cho nên Triết Lý An Vi đưa con người trở lại bước “An Lự” để tỉnh cơn mộng của tâm linh, vì An Vi là Đắc Đạo ngay trong đời hiện thế. Cảm nghiệm An rồi, còn quay trở lại đời lo trăm ngàn công việc bận rộn “Quân Tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược lệ” .Trí giả An Vi có ” thực tế” quá không? Trăm ngàn lần không. Cái tựu thành ở sau bước “An Lự” của An Vi là cái quả vị Bồ Tát mà Đức Thích Ca đã chứng nghiệm và trao truyền. Là Máu Mình Chúa đã đổ ra làm cái giá cứu chuộc. Vâng theo 3 luật: biến dịch, hội tụ, giá sắc. . . hạt mầm An phải trưởng dưỡng nơi chốn trần gian, để thực hiện giải thoát ngay trong đời hiện thế. Đó là Thiên Ý, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Rồng Tiên Hội Ngộ, là Hành Hương về chốn Chân Không Diệu Hữu. Đó là cứu cánh cao quí của sự tu thân bằng những bước thực nghiệm tâm lý kể trên. Hay còn gọi là Qui Tâm của An Vi.

Cho tới nay nhân loại mới chỉ có triết đặt nền thiên hay địa. Triết lý đặt nền trên thiên thì chỉ có phụng sự cho trời, cho thần linh, cho những tin tưởng vào một thế giới không thuộc trần gian này. Triết lý đặt nền trên địa thì chỉ phụng sự cho kỹ thuật, tiền tài, mà chưa phụng sự cho chính con người. Thành ra thiện chí xây dựng cho con người thì có thừa nhưng con người vẫn thiếu tự do và bình đẳng, vẫn xao xuyến bơ vơ, sau khi vật chất dư thừa thì tâm hồn trống rỗng, đời vô vị; khi thiếu thốn vật chất thì tâm địa lao lung, mất cả sinh thú làm người, có khi nhân phẩm cũng không còn. Đó là lý do triết gia Kim Định kêu gọi “Hỡi Người, Hãy đoàn kết lại”. Đó là lời kêu gọi đầu tiên trên mặt đất này. Người ở đây không phân biệt tôn giáo, màu da, giai cấp, tư bản hay vô sản. Người ở đây là Người cao cả hơn hết, không lệ thuộc một giới hạn phân cách nào, chỉ biết đến Người như một phẩm giá của một con người Nhân Chủ: Một tiếng NGUỜI tinh tuyền trọn vẹn không gì ngoại lai pha tạp. Cũng chính vì những tính chất ấy, sự giác ngộ con người Nhân Chủ tinh tuyền mới đủ khả năng mang lại An Lạc cho mỗi một cá thể trên đường thực hiện, phá bỏ những xiềng xích do thiên hay địa làm nô lệ hóa đời người, giúp nhau đoàn kết để giải phóng gọng kềm duy vật hay duy linh đang kềm kẹp, làm bé nhỏ hoá con người.

Khi đặt lại một lần, lý tưởng Đại Học ngày mai:

Làm Sáng Đức Sáng, Làm Tiến Hoá Nhân Dân, Dừng Lại nơi Thiện Mỹ An Vi .

mới thực sự là Đổi Mới Tư Duy. Sự học mới mang cả hai giá trị THÀNH NHÂN và THÀNH CÔNG cho người đi học. Trường học sẽ là nơi trao truyền những giá trị đẹp nhất về văn hoá và văn minh, của Dân Tộc cũng như Nhân Tộc.

Mới Chính Danh ĐẠI HỌC.

Đông Lan

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm