MẤY Ý NIỆM VĂN HÓA ĐÔNG PHƯƠNG CẦN ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH

Thư Hương

1. Trình độ văn hóa khác với bản chất văn hóa

IMG.949Nói đến duy trì những giá trị truyền thống, phát huy văn hóa Á Châu… ta thường gặp thấy  những mối e ngại ngấm ngầm, chẳng hạn văn hóa Á Châu có tính cách tĩnh chỉ, thiếu tiến bộ, nay khôi phục lại có khỏi làm ngăn trở việc tiến gấp rút của nước nhà chăng.

Và dưới con mắt nhiều người, những ai đang cố gắng tài bồi cho nền quốc học, chấn hưng văn hóa Đông Phương, đã không gặp được sự nâng đỡ, lại thường bị coi là lạc hậu. Đó là một tình trạng có hại cho tiền đồ văn học, nhưng ít người nhận ra bởi những sự kiện lớn lao chua xót đập vào mắt, tức là tình trạng các dân tộc Á Châu vì chậm tiến nên bị đè bẹp trước sức mạnh của các nước hùng cường Tây Phương. Điều đó chỉ có ai loạn óc mới dám nghĩ đến chuyện chối cãi. Phương chi sách vở đều đồng thanh một giọng như vậy cả. Ông Tennyson viết “năm mươi năm của Âu Châu còn có giá trị hơn cả một chu kỳ của Cathay”. Mieux vaut cinquante ans d’Europe que tout un cycle de Cathay (thời Trung cổ người Tây Phương gọi nước Tàu là Cathay).

Những câu nói kiểu đó có một phần sự thật, nhưng quá đơn sơ, không đủ bao hàm một tình trạng phức tạp hơn nhiều. Nietzsche có lần đã viết “không gì nói dối bằng sự thành công”. Quả thật văn minh cơ khí là một thành công cực kỳ vĩ đại, nhưng chính vì thế nó cũng đã là một lời nói dối khổng lồ, làm cho ta quên đi rất nhiều chân lý; nó là một môn bài che đậy biết bao lời ngộ nhận mà không mấy học giả tránh khỏi khi phê phán về văn hóa Á Châu; nó khiến nhiều người sống yên hàn với một mớ ý niệm đã lỗi thời mà không nghĩ đến kiểm điểm lại, còn lên mặt ngạo đời. Ở đây chúng tôi thử làm chuyện đó bằng đưa ra một số sự kiện ít được nhắc tới và vì thế loan tin trước là sẽ không đẹp đẽ cho lắm, chúng tôi thấy bất đắc dĩ phải làm thế để mong phần nào lập lại thế quân bình cho sự phê phán xưa nay thường oan uổng quá nhiều cho nền văn hóa Á Châu. (La pensée chinoise. Granet. tr 27 có nhắc tới sự bất công này. Nhiều tác giả cũng nói đến: Creel, Needham, Zenker, Forke…)

Sự oan uổng đó không cần minh oan chút nào nếu đấy chỉ là vấn đề thể diện. Nhưng nhân loại hiện đang trải qua cơn khủng hoảng tinh thần, mà xem ra văn hóa Á Châu có thể giúp vào việc tìm ra ngõ thoát. Do đó sự lên tiếng trở nên cần thiết.

Căn nguyên đầu tiên của sự bất công đó là tại người ta đã quy công cho văn hóa Âu Châu tất cả những sự hào nhoáng của giàu sang “giàu có sinh lễ nghĩa”, những lễ nghĩa đó người ta gán cho văn hóa, nhưng thực ra chính giàu sang tô điểm cho văn hóa.

Điểm này ít được nhận ra bởi nó tinh vi; đàng khác vì giàu sang và văn hóa liên hệ nhau rất mật thiết, “chính giàu sang làm nảy sinh văn hóa”. Đó là luận án của giáo sư Clough đại học đường California nhan đề “Grandeur et décadence des civilisations”. Payot. Điều nhận xét này giúp ta có một ý niệm đúng đắn về tính chất của mỗi nền văn hóa, nên cần được lưu ý. Đây là một thí dụ rất thông thường:

Hai người Việt Nam một thuộc thượng lưu trí thức, một ở bậc nông thôn thất học. Ta thấy ngay một đàng lịch thiệp, ăn nói lý sự, khéo léo, cử chỉ có thể hào hoa phong nhã… một đàng quê kệch, nói năng vụng về thô thiển, cử chỉ co rúi rụt rè… Trong trường hợp này không phải nói ai cũng đồng ý, đó chỉ là chuyện khác trình độ học thức gây ra do giàu nghèo, chứ không phải do tính chất văn hóa, bởi cả hai người cùng ở trong một nền văn hóa Việt Nam. Câu chuyện đơn sơ là thế, nhưng nó sẽ hết đơn sơ khi người giàu kia là Tây còn người nghèo nọ là Đông. Lúc ấy sự phán đoán sẽ không chỉ còn là trình độ học thức mà nó sẽ lấn sang phạm vi tính chất văn hóa Đông Tây không nhiều thì ít, nhất là phạm vi ảnh hưởng giàu sang và văn hóa rất mật thiết. “Miệng nhà sang có gang có thép: Tây giàu bộn nên miệng có cả vàng!” Vì giàu mà số người được học bên Âu Mỹ giàu gấp trăm lần bên ta, văn hóa thêm biết bao cơ hội tiến bước. Việt Nam năm nay (1960) được lối 12000 sinh viên tức trong số 1000 dân thì có 1 sinh viên. Đang khi năm 1948 bên Mỹ đã có 160 sinh viên (theo tài liệu Civilisation de 1960 của Fourastié). Nay chắc còn đông hơn nữa. Nói số tròn: chênh lệch nhau từ 1 đến 200. Về phương diện khác cũng thế, chẳng hạn bên Mỹ có 1200 dàn nhạc đang khi bên ta một dàn cũng còn dở sống dở chết. Sự khác biệt đó sẽ gây lầm tưởng về tính chất văn hóa Đông Tây không sao kể xiết. Một thí dụ: người ngoại quốc ở Sài Gòn thường phàn nàn không thể tìm được cái gì để tiêu khiển khả dĩ ứng đáp được trình độ của họ, đang khi đó ta có những bản nhạc sáng tác rất công phu vẫn nằm chình ình kia, không sao tìm ra được năm ba triệu để đưa ra trước công chúng. Nếu tìm ra được số tiền đó, những du khách đến Việt Nam lúc trở lui sẽ có thể mua thêm ít đĩa hát, để khi trở lại quê nhà thư thả bỏ ra nghe lại những nhạc điệu xa xôi, bấy giờ họ dễ dàng thưởng thức những nét nhạc tinh vi của Việt Nam. Các bộ môn khác cũng thế: quan niệm của họ về văn hóa đối với nước ta sẽ khác hẳn với tâm trạng hiện nay qua những lời phàn nàn nhắc trên…

“Cái khó bó cái nhạc, nó bó hội họa, nó bó triết học, nó bó văn nghệ…” và cái nghèo không cho nảy nở biết bao mầm mống nhân tài. Với người ngoại quốc ta đành nuốt tủi không sao nói lên được, nhưng với người cùng hội cùng thuyền, cũng nên phân tích như thế, biết đâu lại không động tới những người có thể thành Mạnh Thường Quân… Dầu sao cũng là để khỏi thất vọng về tính chất văn hóa của ta: tại nghèo hơn là tại tính chất văn hóa kém.

2. Nếu hỏi: không kém sao lại không tiến bộ để giàu sang được như người thì lỗi ấy tại văn hóa chứ còn tại đâu?

Thưa rằng chưa hẳn như thế, cứ xem như nước Nhật cũng cùng ở trong một đại gia đình văn hóa với Tàu và ta, vậy mà trong ba mươi năm đuổi kịp đà tiến bộ của các nước Âu Châu đi trước hơn một trăm năm. Vậy không phải do văn hóa cho bằng do nhà cầm quyền không thức tỉnh kịp thời. Một nền văn hóa tốt đẹp đến đâu, nếu guồng máy quốc gia bị giao phó vào tay một người vô tài mà lại độc tài, thì đủ làm hư cả vận mệnh một nước một châu, đến khi thức tỉnh thì đã bị trói lại để làm đà tiến cho người. Những cái đó ta gọi là sự may rủi của nước; nói theo kiểu xưa là số mệnh. Chế độ nào cũng có thể xảy ra, Tây cũng như Đông; việc nước văn minh hơn bị thua nước kém văn hóa là chuyện xảy ra thường xuyên trong lịch sử. Mông Cổ không văn minh thắng Tàu, Roma ít văn minh thắng Hy Lạp là tổ văn minh… và nếu xem cổ sử thì hầu như đó là một luật: Sumérie bị Babylon, Babylon bị Assyrie, Assyrie bị Crète, Crète bị Hy Lạp. Nước thắng là man rợ dùng võ lực. Đến khi nước đó trở nên văn minh lại bị đợt man rợ sau… cứ thể để văn minh thêm sinh khí tiến dần. Cho nên ta thua Tây cũng là chuyện không có gì lạ lắm (Civ. III. 329) (1)

(1) Viết tắt, chỉ bộ Histoire de la Civilisation của Will Durant và được ghi rõ số La Mã theo thứ tự bản dịch nhà Payot.

Còn chuyện đói khổ, thì đó là cái nạn chung cho loài người, may ra rồi đây nhờ khoa học sẽ thanh toán nổi chăng; chí như trở về trước thì chẳng nền văn minh nào thoát cả. Đây hãy nói riêng về Âu Châu mà ta thấy phong phú dư dật như nay, trước kia cũng đói khổ như các nơi: giữa khoảng 970 đến 1100 có 60 trận đói đã sát hại người bên Pháp… Không một người nông dân nào bên Anh có thể quên được những trận đói trong các năm 1086 và 1125. Giám mục thành Trèves thế kỷ 12 lấy làm kinh hoàng trước cảnh tượng nông thôn lả đói giết ngựa để ăn thịt (Civ. IX. 272). Ông Fourastié cho biết Âu Châu cũng mới thoát nạn đói từ thế kỷ 19. Tác giả kể chuyện những người trong họ ông hằng ngày đi làm ngoài đồng bao giờ cũng chỉ được một lạng rưởi bánh khô và một củ hành luộc. Chính bố ông là người đầu tiên trong họ được ăn no ngoài những ngày cưới xin đình đám. Tác giả tính đổ đồng thì mức sống năm 1900-1931 cao hơn 10 lần mức sống những năm 1800-1831. (Civilisation de 1960 de Fourastié p.12).

Về cách ăn thì thường ăn bốc, cứ hai người ăn cùng một đĩa, uống cùng một ly. Đồ ăn chưa có cách ướp lạnh nên thường có hơi, do đó người ta ưa dùng đồ gia vị để át mùi. (Civ. XII tr.356).

Đã nghèo khó thì khó thoát được nạn bẩn thỉu. Chỗ ở người nông nô thời trung cổ thật là hôi hám và chật chội; nhà thường bằng tranh có một gian, họa lắm mới được hai gian, đồ ăn thức uống dụng cụ làm bếp để cả trong nhà; dưới đất có một cái ổ bằng lông với rơm rạ, tất cả nhà nằm chung lộn trong đó, kể cả khách… (Civ. XII tr.270). Bên Pháp và Anh người ta ngủ trần truồng trong mọi giai cấp” (Civ. XII p.339). Những đêm đông giá lạnh người ta thường đem các giống vật (bò ngựa) vào nhà để thêm hơi ấm (id tr.274), gần nhà là một đống phân, tất cả vật cũng như người trong trại đều đóng góp vào đó. (Civ. XI tr.271). Bẩn đến nỗi có nhiều câu chuyện kể rằng quỷ Satan phải đuổi người nông nô ra khỏi hỏa ngục, bởi chính quỷ cũng không chịu thấu mùi (Civ. XII tr.276). Trong thế kỷ 14 ở Paris, người ta thường đổ bình đêm tuột xuống phố qua cửa sổ, chỉ báo hiệu bằng một câu vắn “ý tứ nước” (gare! L’eau). Nhà cầu là một món xa xỉ. Người ta thường tự tiện ngay ra ở sân trên chân thang hay ngoài ban công, ở điện Louvre cũng thế. Sau trận dịch tễ năm 1531 có chỉ thị buộc mỗi nhà ở Paris phải có nhà cầu nhưng chỉ thị cũng không được áp dụng luôn.

“Bởi túng ăn và bẩn thỉu là duyên cớ cho những trận dịch tả nhiều hơn mọi kỳ trong lịch sử”. Dịch vàng xảy ra năm 550 và 664 giết hại đến 2/3 dân số Islande. Bên Anh cũng bị những trận như vậy ở thế kỷ 6, 7. Pháp Đức bị dịch đốt ruột gọi là mal des ardents những năm 994, 1043, 1130. Còn nhiều bệnh khác như bệnh tóc (plica polonica) người ta hay quy căn cho đủ thứ, nhưng hầu chắc là tại dân ở chen chúc trong những thành tường xây bít kín, điều kiện vệ sinh sạch sẽ hết sức thậm tệ (lamentable), số trẻ con chết không có thống kê nhưng chắc phải đến 50% (Civ. XII tr.549).

Xem như thế không nên quá nặng lời trách các tiên hiền của ta là không lo cho dân no đủ. Nếu so sánh kỹ ra thấy tiên hiền Đông Phương còn thực tế gấp mấy lần các triết gia Hy Lạp chẳng hạn. Ngay từ bài cảo luận đầu tiên về triết học Đông Phương, tức thiên Hồng Phạm trong kinh Thư đã lộ rõ dấu lo lắng đến vấn đề dân sinh. Trong 8 điểm nhà cầm quyền phải chú trọng thì “nhất viết thực (ăn) nhị viết hóa (Couvreur dịch là les commodités de la vie)… bát viết sư (quân dịch, để cuối cùng). Mối lo âu này sẽ thấy xuất hiện nơi Khổng Tử “thứ, phú, giáo” phú đi trước giáo và cách rành rẽ nơi Mạnh Tử… Nhưng lúc ấy mức tiến hóa nhân loại chưa đi tới giai đoạn khoa học kỹ thuật, nên loài người chưa đủ sức chống nạn đói. Tôi nói tiên hiền thực tế hơn triết gia Hy Lạp, vì bên đó có chế độ nô lệ nên coi khinh miệt việc chân tay. Ngoài khoa hình học thành công, còn thì toàn là triết học kiểu văn nghệ bên ngoài đời sống. Mãi tới thời Archimède mới khám phá chút ít, nhưng cũng là học suy lý. Máy trục và bắn đá ông làm ra, nhưng không có ghi lại, ông cũng như tất cả trí thức thời đó vẫn coi việc tìm lợi ích thiết thực và cơ khí là đê tiện bẩn thỉu (ignoble et sordide). (Civ. VI p.229)

3. Căn cứ thứ ba người ta cho rằng chỉ Âu Châu mới có khoa học, còn các nền văn hóa khác không có.

Nếu có một vài sáng chế thì cũng chỉ là thường nghiệm (empirique) chứ không có khoa học như văn hóa Âu Châu. Câu nói này rất dễ được chấp nhận. Khoa học hiện có đó rồi, nó là sự nghiệp vĩ đại của Châu Âu, nên sự giải nghĩa có sai thù để tăng cường uy tín và vinh hiển cho Âu Châu, thì ai cũng đổng lòng chấp nhận, khỏi cần tranh luận. Có nhiều hoạt động khác hứng thú ơn ích hơn là việc cãi cọ nhỏ nhen nọ. Nhưng ta không thể chấp nhận thái độ nhường nhịn và tặng khen một khi giải nghĩa đó “phong thánh” luôn cho những yếu tố tai hại của văn hóa Tây Âu như cổ động đa dục, tuyên dương óc độc chiếm, khuyến khích buông lung… bởi chính đó là những nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng ngày nay. Vì thế mà chúng tôi thấy cần đặt lại vấn đề và không ngần ngại phản đối những tư tưởng gia mà chúng tôi ưa chuộng về phương diện khác. Chẳng hạn triết gia Jaspers trong quyển Sens et l’Origine de l’histoire (tr 82) có đưa ra 9 lý do để phóng đoán tại sao khoa học lại phát triển bên Âu, đại để như sau:

1) Vị trí địa dư tạo nhiều sự tiếp xúc giữa các văn hóa khác nhau.

2) Tự do chính trị

3) Lý trí vô biên

4) Ý thức về tự do nội khởi.

5) Người Âu lấy thế giới khách quan làm dữ kiện đầu tiên.

6) Nhưng không dồn quan niệm về vũ trụ vào một công thức có tính cách giáo điều cứng

nhắc (!)

7) Óc độc hữu, nhân đó có sự căng thẳng.

8) Luôn luôn đi tới cùng cực, đi tới mẹo trừ.

9) Bởi vậy có những nhân vật độc đáo. Và họ không thể muốn con người toàn diện.

Trong 9 lý do trên chỉ có lý 1 và 3 là có thể chấp nhận phần nào; lý 2, 4 sai thực tế phiền tạp… ngoại giả là không chắc mà còn có thể gây hại như: lấy một sự bất lực (đi tới con người toàn diện) để như khuyến khích những sự đi quá trớn. Tất cả những điều này tôi nêu lên mà không quảng diễn ở đây vì dài quá sẽ làm nơi khác (xem Nhân Chủ). Chúng tôi chỉ ghi nhận một điều là ở dưới trang 96, tác giả có viết “vào quãng năm 700 nếu một du khách từ hành tinh khác đáp xuống trái đất thì có lẽ họ sẽ cho Tràng An- kinh đô Tàu lúc đó- là trung tâm tinh thần của thế giới chúng ta, Constantinople là sự sống sót của một dĩ vãng đáng để ý; còn phần bắc Âu Châu là miền mường rợ. Quãng năm 1400 đời sống cả ba nơi Âu Châu, Ấn Độ, Trung Hoa tới mức độ như nhau. Nhưng sự đóng góp của thế kỷ 15, tức việc khám phá ra thế giới mà Âu Châu sắp in con dấu của nó lên trên, đặt ra… một sự cắt đứt (rupture). Sự tuyệt giao, sự cắt đứt này là một câu đố mới. Vì cho tới đó đã không có sự tiến triển rõ rệt và đều đặn… Và cho tới thế kỷ 19 thì xảy đến sự cắt đứt hẳn với dĩ vãng thuộc lịch sử và một tương lai hãy còn chưa thể thấu suốt được. Một lần nữa ta lại hỏi yếu tố không thể gọi tên ra đó là gì? (trg 97).

Nói không thể gọi tên, vì thật là phiền tạp và bí nhiệm nên những sự thử gọi tên chỉ là đoản phóng hết sức đạc chừng. Bí nhiệm vì có những điều khó biết tại sao khoa học được phát sinh bên Cận Đông (Hy Lạp chỉ tiếp tục một đoạn thường lệ) và được Cận Đông dẫn tới chỗ nảy nở lại bị Mông Cổ đến tàn phá. Tại sao Âu Châu tự nhiên lại thoát ách Mông Cổ (tự nhiên vì Âu Châu không có làm gì và khó có thể chống đối nổi Mông Cổ). Những câu đó khó lòng ai giải đáp, nên ta cho là khuyết nghi, hoặc thuộc Thiên mệnh. Và như vậy bao sự giải nghĩa chỉ nên coi là những ý kiến bấp bênh còn đang đi tìm một lời đáp, chưa nên coi là sự thật. Thực ra nếu khoa học đã phát nguyên bên Ấn Độ hay nhất là bên Ả Rập thì sự giảng nghĩa nguyên do còn có lý gấp ba lần là ít. Đây là những lý do: 1) Yếu tố khoa học của Hy Lạp được vun tưới và nảy nở bên Ả Rập hơn bên Âu Châu. 2) Những phát minh nhiều nơi được tiếp nhận trước hơn, thí dụ hệ thống toán số của Ấn Độ, phép in, giấy, thuốc súng, kim chỉ nam của Tàu. 3) Và nhất là bầu khí tự do phóng khoáng hơn bên Âu Châu nhiều lắm. Cho nên vào những thế kỷ VII- XII, văn minh Ả Rập đã tiến xa hơn Âu Châu rất nhiều và chính nhờ những dịp tiếp xúc trong các lần thập giá binh hay dịp khác mà Âu Châu du nhập được của Ả Rập nhiều kỹ thuật chẳng hạn khoa thiên văn (Civ. XII, 589), phép tinh luyện kính “Venise”, phép làm kính để thấy vật xa coi gần và cả kính đeo (ông Will Durant nói có lẽ nguồn gốc do người Tàu “ai tai”, Civ. XII. 539), nghề làm kim khí, máy kéo nước chạy bằng gió (Civ. X. 418), các thứ đồ ăn, đồ uống, thuốc, khí giới, quan niệm mỹ thuật, kỹ thuật, buôn bán, phương pháp vượt bể và nhiều khi cả danh từ một trật như orange, sucre, sirop, élixir, azur, bazar, tarif, douane, magasin, barque, câble, algèbre, zéro, chiffre, alambic, zénith, almanach… người ta tính ra lối 1000 chữ do tiếng Ả Rập và hơn 100 sách Ả Rập dịch ra La Tinh (Civ. X. 434). Các thứ vải: gấm, lụa và luôn cả nghề nuôi tằm kỹ nghệ lọc đường, phép lát đá đường do vua Fréderic II thâu nhập. (Civ. XII. 55). Các nhà khoa học Musulman hầu hết lúc đó đã nhận ra là trái đất có hình tròn. Ngay năm 1081 Sandi đã làm bầu trái đất bằng đồng và những công trình nghiên cứu của Ishaq al-Bitruji đã mở đường cho Copernic (Civ. X 419) sau này… Cho nên nếu Musulman không bị tàn sát và phá huỷ đến tận nền móng về văn hóa, kinh tế, nhân sự, thì rất có thể khoa học đã xuất hiện trên mặt đất trước ít thế kỷ bên đất Á-Phi.

Nhưng trời hình như có ý dành danh dự này cho một giống ngừơi mới xuất hiện sau bên Âu Châu. Con đường thiên mệnh trong việc chạy đuốc văn minh coi như được quy định rõ rệt. Mông Cổ đã tàn sát Musulman một cách ghê sợ: thành Mery bị tiêu diệt với 1.300.000 dân. Thành Ravy với 3.000 chùa (mosquée) bị bình địa. Bagdad với những thư viện mênh mông và bao kho tàng tích luỹ cũng tiêu sách với 800.000 dân. Không khi nào thấy trong lịch sử một nền văn minh bị tàn sát tận gốc như vậy. Cầu cống đê điều bị phá vỡ hoặc đúc lại… Chính vì đó chứ không phải tại khí hậu thay đổi đã cướp mất quyền chỉ huy thế giới của Tây Á từ 5 thế kỷ (700-1200) mà từng trăm thành rực rỡ của những xứ Perse, Syrie, Mésopotamie, Caucase,…..bị đẩy vào thảm trạng đói khổ cùng cực và ứ đọng trong thời mới (Civ X. 433). Cũng may đuốc khoa học đã kịp trao sang Âu Châu và sống hoi hóp trong ba bốn thế kỷ cho đến thời Phục Hưng. Trong khi chờ đợi “suốt qua thời Trung Cổ bên Âu Châu khoa học và triết học được triển khai trong bầu không khí thần thoại, truyền thuyết, phép lạ, điềm báo, ma quỷ, sự lạ, pháp môn, chiêm tinh, bói toán, đồng cốt (Civ XII. 524).

Và không phải mỗi phát minh được đón nhận dễ dàng tức khắc. Chẳng hạn hệ thống số Arabe… rất nhiều người công nhận là “phương pháp thần diệu của 9 con số Ấn Độ” (Méthode merveilleuse des neuf chiffres Indiens) thế mà năm 1029 người ta còn vận động để có luật cấm dùng, mãi tới thế kỷ 16 mới thay hẳn được số Roma (Civ XII. 532). Khi mấy thương thuyền bắt đầu dùng kim chỉ nam bị nhiều người nghi ngờ là họ làm phù phép, và không thiếu người từ chối bước chân lên những tàu bắt đầu trang bị bằng kim chỉ nam… (Civ XII. 540)

Còn biết bao nhiêu thành kiến làm cho bầu không khí bên Âu Châu khó thở; mãi cho tới đầu thế kỷ này mà Einstein còn phải phàn nàn: “phân tán một nguyên tử còn dễ hơn phân tán một thành kiến” thì đủ biết tại sao khoa học Hy Lạp bị nằm chết khô bên Âu…

4. Căn nguyên thứ bốn

Người ta quên đi hay không biết rằng việc phát minh khoa học là một sự kiện hết sức mới và đầy những chuyện bất ngờ… Việc tìm thì kể là khởi lên từ thế kỷ 16, 17; nhưng tìm kiếm một cách thật có phương pháp thì cũng mới từ ít chục năm nay. Người ta thường lấy niên hiệu xuất bản sách “Bàn về những sự chuyển vận của các thiên thể” của Copernic tức là 1643 làm ngưỡng cửa cho thời mới. Lấy Newton (1642-1727) làm mốc giới thời đại khoa học và Einstein là mốc những bước tiến vượt bực, tức là chung quanh hoàn cầu đại chiến thứ nhất. Bởi từ quãng đầu thế kỷ này mới có những sự tìm tòi thật khoa học còn trước kia hầu hết vẫn là mò mẫm kiểu rút kinh nghiệm (empirique); xem như một việc phát minh điện lực, linh hồn cho mọi cơ khí, thì đủ rõ. Mãi cho đến năm 1870 hầu hết người ta còn cho việc tìm tòi điện chỉ là trò chơi trong phòng thí nghiệm (amusette de laboratoire) chưa ai tin được điện sẽ có được những công hiệu vĩ đại như nay. Sự tình cờ sơ xuất đã là dịp cho nhiều khám phá quan trọng. Nhiều người còn nhớ con ếch của ông Galvani rung chân khi vô tình ông chạm vào ban công sau một ngày mệt mỏi thí nghiệm vô ích. Từ trường được khám phá do cái kim bỏ vung vãi trên bàn thí nghiệm của ông Oersted. Sức chuyển động máy sinh điện được ông Fontaine nhận thấy do một cử chỉ lầm lẫn của người thợ. Tác giả phải nói (felix culpa: heureuse faute p.92) ông Edison là người phát minh ra bóng điện năm 1897 và bao nhiêu phát minh khác, một phát minh lớn nhất tới nay, lại là một người bán báo, vốn liếng tri thức chỉ là một kỳ tam cá nguyệt ở trường và hai năm trong phòng thí nghiệm cá nhân “đặt dưới hầm rượu của gia đình”.

Máy phát điện, một bước tiến rất quan trọng, được phát minh do ông Gramme một bác thợ lăng nhăng “bricoleur ou ouvrier en escalier” (Pierre Dexaux, Histoire de l’électricité, trg 65,74 và 92). Bởi vậy ông J.Folliet không ngần ngại hạ chữ tình cờ mà xảy ra hiện tượng cơ khí làm xáo trộn hết mọi cơ cấu văn minh.

Tính chất bất ngờ này ít được chú trọng đến, nhưng thực sự thì trước đây hai ba trăm năm không ai ngờ là khoa học sẽ làm đảo lộn bộ mặt trái đất như nay. Nếu quả thật có ngờ và văn minh Tây Phương luôn luôn tiến thì tại sao văn hóa Hy Lạp, La Mã, Âu Châu đã xuất hiện trên 20 thế kỷ mà tình trạng Âu Châu đâu vẫn nằm đó và cho đến thời Phục Hưng Tàu vẫn trội hơn Âu Châu cả về đàng kỹ thuật. Điểm này được các học giả như Zenker, Needham… đều công nhận (xem La pensée Chinoise, Granet, p.584). Sự tiến triển của Âu Châu còn rất mới mẻ, đầu thế kỷ này người Pháp dưới tỉnh còn rủ nhau lên Paris coi xe không ngựa kéo, không người đun cũng chạy đuợc. Năm 1896 toàn Mỹ quốc mới có 4 cái xe hơi. Đầu năm 1908 ông Ford mới cho ra xe kiểu T. Vậy là trước thế kỷ 17 Âu Á cũng tĩnh chỉ như nhau, và nay khác nhau thì không phải Đông Tây cho bằng nói mới cũ. Tân thời đối với trung cổ. Còn trước đó Á Âu như nhau. Keyserling viết “giữa thời cổ Hy Lạp và những thời rực rỡ của văn hóa Á Châu, giữa nước Pháp thế kỷ 16 và nước Tàu thời Tống thí dụ, xét về dữ kiện thời sự thì chỉ có một sự khác biệt về hiện tượng chứ không về bản chất (une différence de phénomène et non pas d’essence) tức không phải bản chất văn hóa Âu Tây luôn luôn tiến bộ, còn bản chất Á Châu là ù lì. Cả bên Âu nữa, lý tưởng tĩnh chỉ đã thống trị mãi cho tới thời mới kể cả Hy Lạp cổ đại cũng như trong Ý Đại Lợi thời Phục Hưng, vì trong những xứ này, đời sống có náo động tới đâu đi nữa, bao giờ cũng hướng theo những giá trị mà thời gian không thay đổi gì hết. Ngày nay khi chúng ta, người Âu Châu thời mới, xem Á Châu như bản tính đối chọi nhau, thật ra không phải Đông khác biệt Tây cho bằng thời mới khác với thời trung cổ và thời cổ đại… Nói khác đi, chúng ta đối chọi lý tưởng của hoàn bị với lý tưởng tiến bộ” (xưa tìm hoàn bị nay cần tiến bộ) (Journal tr.317).

Trong quyển Science and Civilisation, ông Needham có viết: “Bất kỳ ai nếu chịu đọc tới hết quyển sách này, chắc sẽ bị sửng sốt trước số kỹ thuật rất nhiều và khác nhau mà Âu Châu mượn của Tàu, song thường họ không biết đến nơi phát nguyên trong 14 thế kỷ đầu”. Ông Francis Bacon (1626) có viết: “Rất nên quan sát về sức mạnh và năng lực cùng những hậu quả của các điều phát minh. Rõ rệt nhất không đâu bằng ba món đồ mà tiền nhân ta chưa biết đến, và cũng mới xuất hiện, tuy nguồn gốc nó vẫn còn ẩn khuất nhưng rất hiển hiện, đó là máy in, thuốc súng, và kim chỉ nam. Bởi vì ba phát minh đó đã biến đổi cả mặt đất và tình trạng sự thể trên khắp trái đất: cái thứ nhất trong văn chương, cái thứ hai trong binh pháp,cái thứ ba trong nghề hàng hải. Những phát minh đó đã kéo theo vô số sự thay đổi đến nỗi không một đế quốc nào, hay một tôn giáo nào, một ngôi sao nào đã gây được một ảnh hưởng và quyền năng lớn hơn vào trong nhân sự.” (t I, tr 19)

5. Không phải thời nào Âu Châu cũng dẫn đầu về văn hóa.

Ông Dampier có viết: “Chính trong những thời kỳ đen tối nhất bên Âu Châu, sự học hỏi của các miền Á Châu lại bắt đầu tiến triển rực rỡ và lan tràn sang Ả Rập. Môn phái của xứ sở Perse và Ả Rập ban đầu đã dựa trên các bản dịch sách Hy Lạp, nhưng về sau họ đã thêm vào nhiều đóng góp đặc sắc trong khoa học tự nhiên.” Thời ấy những sách hình học của Euclide, thiên văn của Ptolémée cũng được dịch sang Ả Rập. (Histoire de la Science p.85)

Triết gia nổi tiếng người Hồi giáo là Avicenne (980-1037) kiêm y sĩ có viết quyển Canon tức bản tóm tắt y khoa là một trong những công trình văn hóa Ả Rập, sau này trở nên sách chuyên khoa về y học trong các đại học Âu Châu, mãi tới năm 1650 cũng còn dùng trong các trường Louvain và Montpellier. Thời ấy tiếng Ả Rập đã được công nhận là ngôn ngữ cổ điển về khoa học và hễ cái gì viết bằng tiếng Ả Rập cũng có uy tín như lúc người ta dành cho tiếng Hy Lạp. (Dampier tr.112. Histoire de la Science. Payot).

Cao đẳng Âu Châu thời đó chia làm hai khóa: tam và tứ. Khóa tam sơ đẳng gồm có ba môn học là ngữ, luật, khoa lợi khẩu (rhétorique) và danh lý (dialectique) tức là đề tài chuyên về danh từ và cú pháp. Khoa tứ cao hơn gồm có: nhạc, toán, hình học, thiên văn, tức bốn khoa mà người ta tin là chuyên chủ về sự vật. Nhạc gồm lý thuyết bán huyền niệm về các số, hình học chỉ là một chuỗi những câu của Euclide không có chứng minh, còn toán và thiên văn được trọng dụng bởi là phương thế quy định ngày lễ Phục sinh. Tất cả bấy nhiêu khoa được coi là chuẩn bị sinh viên đi lên thần học. Sự phân phối chương trình như trên được duy trì suốt thời Trung cổ. (Dampier tr.116).

Những giống dân nói tiếng Ả Rập và những người Do Thái cư trú bên đó thời ấy mới chú trọng thực sự tới khoa học và chính nhờ sự tiếp xúc với các miền Hồi giáo mà Âu Châu Trung cổ mới bỏ được những tập quán tư tưởng cũ để đi dần sang lối suy luận lý trí. (tr. 121, Dampier)Xem chương trình học vấn của Âu Châu Trung cổ ta thấy liền đâu có tiến luôn luôn, đâu có khoa học cơ khí, chẳng qua ăn tự lại của Hy Lạp một phần mà chẳng biết tài bồi thêm. Về phần đóng góp của Hy Lạp không chối là quan trọng nhưng đâu có phải duy nhất như người ta thường viết. Người ta đã quên hay không biết đến phần đóng góp quan trọng của Ả Rập, toán học của Ấn, thiên văn của Babylon. Hy Lạp thành công duy có ở hình học. Và chính nhờ sự tiếp xúc với các dân khác Hy Lạp mới tiến trong khoa học, sự kiện này xuất hiện bên Alexandrie (Egypte) vào lúc mãn chầu thời oanh liệt tức thế kỷ thứ 3 lúc văn học nghệ thuật Hy Lạp đang xuống dốc. Bởi không nhận định điều đó nên trước đây người ta không giải nghĩa được hiện tượng ngoại lệ trên (tức là tại sao khoa học không tiến trong hoàng kim thời đại của Hy Lạp. Civ.VI, 231).

Bởi chưa biết đến những đóng góp của các nền văn minh khác, như nay mấy sử gia lớn đã bắt đầu tìm ra, nên người ta quá tâng bốc Hy Lạp lên, nhưng xét kỹ lại thấy việc đóng góp của Hy Lạp cũng là thường lệ. Trong quyển Technique, ông Ellul đã chứng minh Hy Lạp đóng góp được có một cái đinh ốc. Ông còn nói tại sao có khoa học là vấn đề mầu nhiệm. (tr.41) Y học của Hypocrate còn kém hơn khi tiếp nhận của Egypte. Thiên văn bị cấm. Hội họa chưa sâu sắc bằng tranh Tàu, tượng chưa chín chắn bằng tượng của Egypte. Toán học chưa biết đến đại số…

Cả về đàng văn minh tế nhị như phép cai trị cũng còn thua Perse. Xem một việc Alexandre đại đế bị chinh phục là một sự trả thù của Đông Phương. Aristote dạy ông rằng ngoại bang là rợ mọi, nay ông nhận thấy người Perse tế nhị hơn người Hy Lạp, nên ông đổi thái độ: nhận lối cai trị cư xử như Perse trước sự thất vọng của các người tuỳ tòng. Nhưng sau, cả những người trí thức cũng chịu ảnh hưởng Perse, đến cả triết học sau này cũng bị Đông Phương chinh phục. Triết Stoicien là một bằng chứng, và tất cả sẽ đầu hàng các tôn giáo Đông Phương. (xem Civ. VI tr. 117 và161).

Về phía nước Tàu giáo sư Creel đại học đường Chicago có viết như sau:

“Nhiều người biết ít về nước Tàu và cả những người biết nhiều cũng thường có khuynh hướng tin rằng nước Tàu bất di bất dịch, không có tiến bộ chút nào từ đời nhà Hán. Đó là một cảm tưởng hoàn toàn không đúng, nhưng lại rất phổ biến vì hai lý do. Trước hết vào thời kỳ từ thế kỷ VI trước Tây lịch đến thế kỷ II sau Tây lịch được người ngoại quốc khảo cứu hơn tất cả lịch sử nước Tàu. Thật ra đó là một thời đại quan trọng được chứng kiến nền văn hóa Trung Quốc thành hình, nên chính người Tàu cũng khảo cứu và hiện còn đương khảo cứu tường tận, điều đó giúp người ta dễ hiểu thời ấy hơn. Lý do thứ hai khiến người ngoại quốc chối sự tiến bộ của Trung Hoa trong hai ngàn năm nay là tại họ đã lãng bỏ một ít nhân tố không làm vinh dự mấy cho người Âu. Thí dụ họ thích quên đi rằng nước Tàu đã trở nên trưởng thành vào quãng thế kỷ thứ II trước Tây lịch và không bao giờ trở lại thời ấu trĩ nữa (chính ông Creel gạch dưới). Nó đã không bao giờ phải trùng tu lại văn hóa tự nền móng như Âu Châu đã phải làm. Cơ sở chính trị và văn hóa của nó đã hiến cho nó khả năng đồng hóa được các dân man ri tràn vào Trung Quốc, và vẫn giữ được bản sắc như trước. Nó đã không bị những đảo lộn và sự man rợ của một thời Mérovée như Âu Châu chẳng hạn.

“Người ta có thể nói nước Tàu cũng có thời rợ mọi của nó ở đầu nhà Chu và có thời phong kiến vào quãng trung Chu hơn một ngàn năm trước khi những hiện tượng này xuất hiện bên Âu. Lại còn trình độ văn hóa và trình độ các nhà nho trong giới thượng lưu cao hơn rất nhiều sánh với trình độ của phái quý tộc Âu Châu Trung cổ và cả lâu sau. Và khi nước Tàu đã trải qua những giai đoạn này thì không trở lại bao giờ nữa. Tuy nó có biết những thời loạn lạc phân tranh, nhưng nếu người ta nhớ lại rằng nước Tàu cũng lớn rộng bằng Châu Âu thì phải công nhận là nó được bình an và thống nhất hơn nhiều.” (Naissance de la Chine 354).

Tác giả đã quả quyết thế vì đời Trung cổ Âu Châu không thiếu loạn lạc. Người ta tính ra bên Nga từ năm 1054 đến năm 1224 nghĩa là chưa đầy hai thế kỷ có tất cả 83 trận nội chiến, 46 lần bị ngoại xâm, 16 lần nước Nga đi đánh các nước lân cận, 293 ông hoàng tranh ngôi trong 64 tiểu bang. (Will Durant, Histoire de la Civ. L’âge de la Foi, t.III p.100) “Vua chúa lúc nào cũng có quyền xông vào đất lân cận để ăn hàng…” Trong thế kỷ 12 hầu như chẳng sáng nào lại không có đánh nhau trong cái miền là nước Pháp ngày nay, Berthold de Ratisbonne phàn nàn vì “rất ít vua chúa sống hết tuổi trời, hay được chết cái chết tự nhiên”.

“Sau một trận trong các trận giặc ấy, nhiều nông gia phải kéo cày lấy, nhiều người hết lúa gạo, chết đói… Giáo hội đã hết sức can thiệp để giảm ngày đánh nhau bằng thể chế thần hưu (treuga Dei: trêve-dieu…). Người ta hay đánh nhau đến nỗi sau đặt ra lệ bắt tay khi gặp nhau để tỏ lòng yêu hòa bình, và để chứng rằng họ không có chuẩn bị rút gươmg ra đấu.” (W. Durant, L’âge de la Foi, t.II, p.200).

6. Không phải lúc nào Âu Châu cũng cường thịnh giàu sang

Lối thế kỷ 11-13, Âu Châu đã dẫn thập tự binh sang đánh Ả Rập, lần đông nhất cũng chỉ tới 5 vạn quân mà một trong những lý do thất bại là tại không tổ chức nổi việc tiếp tế (Civ XII. 40). Trong khi đó quân Mông Cổ từng 30 đến 50 vạn đi lại trên đường hiểm trở và xa gấp ba bốn lần. Điều đó cho ta thấy rõ cuộc thăng trầm giữa các nền văn minh. Giáo sư Barkhausen viết: “Lịch sử hoàn cầu có thể coi như một cuộc tranh hùng giữa hai giống da vàng và da trắng. Từ đầu cho tới hết thời Trung cổ thì người da vàng nắm quyền bá chủ. Lịch sử Âu Châu lúc đó chỉ đáng coi là một biến cố nhỏ dưới lục tỉnh so với biến cố quan trọng và sự hoạt động mãnh liệt ở Châu Á. Thành Cát Tư Hãn lập đế quốc tóm thâu 4/5 nhân loại người ta biết được lúc đó, truyền dõi được hai thế kỷ (cai trị Nga 240 năm) vượt xa những Alexandre, César, Napoléon. Nguyên một tướng Soubalai rong ngựa bốn lần từ Budapest đến Cao Ly, thắng được 65 trận lớn, chinh phục được 52 nước trên hoàn cầu và chỉ vì tình cờ ngẫu nhiên mà Âu Châu thoát ách đô hộ.

“Nhưng bước sang thời mới, nhờ sự tiến triển trong kỹ thuật vượt biển và súng đạn mà Âu Châu chiếm được hầu hết đất đai trên hoàn cầu, dành phần thắng quyết định về cho mình” (Empire jaune de Gengis Khan, Payot 1942, p.31 và 206).

Về đường cai trị ta có thể đọc những bức thư đầy thán phục bỡ ngỡ của các thừa sai khi tới Á Đông. Họ ca tụng hết lời lối cai trị bên Viễn Đông, họ tả những cảnh huy hoàng, đọc lên tưởng rất nhiều điểm giống với quan điểm Trung Quốc là vì họ đã theo lối tổ chức của Tàu. (Naissance de la Chine, Creel p.338)

7. Trong cái hùng cường phồn thịnh của Âu Châu, phần đóng góp các châu khác không phải là nhỏ

Xem như trên, trước kia Âu Á ngang nhau, lên xuống tuỳ vận nước, vậy cái gì đã làm chuyển cán cân đảo lộn tình trạng cũ, thiết nghĩ đó là thuốc súng và địa bàn.

Trên đường Cathay để tìm đồ gia vị (Canada có phố mang tên là Cathay để nhắc tích đó), Christophe Colomb đã tình cờ tìm ra thế giới “mới”, nhờ súng đạn mạnh người da trắng đã tiêu diệt hầu hết bản thổ và chiếm đất đai rồi sau đó họ cũng dùng cùng một chính sách ấy đối với dân bản xứ Úc Châu, tiêu diệt quá nửa dân số Phi Châu, chiếm Ấn Độ, xâm lăng Tàu… Dân Pháp chiếm được thuộc địa rộng hơn mẫu quốc 20 lần, Hòa Lan 60 lần, Bỉ 80 lần, Anh 140 lần. Nước Nga xâm lăng Á Châu ăn về đông bắc cho tới cửa bể Vladivostov. Tóm lại 85% số tài nguyên trên thế giới lọt vào tay non một phần ba nhân loại da trắng, còn 15% chia cho 2/3 kia. Nói cụ thể khi người Mỹ có 1.880đ, thì Lào có 60đ, Việt Nam có 65đ. (Regard sur histoire de demain. Tibor Mende p.14, du Seuil 1954). Nhờ tài nguyên bát ngát,họ có cơ phát triển kinh tế mạnh mẽ vô cùng, không còn một lực lượng nào cản trở được bước tiến mỗi ngày mỗi mau thêm. Nhân đó mà họ tin tưởng vào sự “tiến tới vô cùng” và đặt vào tương lai một lòng tin vô bờ bến. Ta có thể lấy dân số làm một bằng chứng. Trong khoảng 150 năm tự vua Louis XII (1643) cho tới trận chiến Trafalgar (1805), người Âu từ non 100 triệu ban đầu chỉ thêm có 60 triệu. Thế mà trong 100 năm từ lần thí nghiệm đầu tiên chiếc thuyền chạy bằng hơi nước trên sông Rhin do ông Fulton cho tới lần bay đầu tiên của hai anh em Wright trong năm 1903, dân Âu đã tăng lên gấp ba lần, nghĩa là hơn 400 triệu. (Regard p.15)

Đồng thời số sản xuất gia tăng. Ta có thể lấy sự sản xuất làm ống hàn thử biểu. Từ năm 1785-1935 nghĩa là trong vòng 150 năm số sắt thêm gần 400 lần. (L’av. Promethée p.14). Nhờ giàu sang mức sống dân chúng được nâng cao lên tới mức độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại: năm 1800 mỗi người Pháp một năm được từ 2 đến 3 kí thịt, thì từ năm 1944 mỗi ngưỡi đã được 37 kí. Nhân đấy họ có phương tiện dồi dào để phát huy năng lực văn hóa đến chỗ cùng cực và mở rộng ra cho toàn dân được hưởng bằng đặt ra chế độ học đường bó buộc. Khoa học tiến triển từ đó, nhờ đó…

Đang lúc các nền văn minh khác suy đồi, hầu như bại vong thì văn hóa Thái Tây đi lên rực rỡ huy hoàng trong ánh sáng khoa học với những phát minh tân kỳ. Những người đi họp hội chợ Paris 1910 chúc mừng nhau: phúc cho những nước có thuộc địa (Avènement de Promethée, J.Folliet p.190). Tác giả quên thêm: vô phúc cho các thuộc địa, ở đây nhiều nền văn hóa rực rỡ xưa kia đi vào tàn rụi, bị coi là mường rợ cần được đuốc văn minh đến soi cho biết ý nghĩa công bình, huynh đệ, tự do. Nghe du dương như một bài ca mê ly, nhưng lại đệm bằng những tiếng súng cướp đoạt nổ vang lừng, đến lúc tỉnh ra thì tài sản tan tành, mất cả tự do mà “văn minh Đông Á trời cũng thu sạch”.

8. Trình độ văn minh trung thực: lòng nhân đạo

Mới rồi một tờ nhật báo nọ đề cập vấn đề văn hóa và văn minh, ký giả lúng túng với câu định nghĩa rồi đem ra những thí dụ chứng rằng văn hóa Đông Phương kém như bên Tàu có tục “nịch tử” (dìm chết thai nhi), việc đàn ông đánh vợ, giết vợ mà luật pháp không can thiệp. Đành rằng đó là một vết nhơ, nhưng trong các văn hóa khác thiếu gì, mà còn tệ hơn nữa. Bên Tàu mới là chuyện làm liều còn nhẹ hơn là khi pháp luật đặt thành thể chế như Hy Lạp. Bên Sparte (tức xứ Hy Lạp) trọng luật ưu sinh nên những đứa con ra đời yếu hay xấu phải đưa lên núi Taygète giẩy xuống cho chết (Civ. IV. 114). Nói đâu ngày xưa, ngày nay người ta hay đánh truỵ thai; đánh truỵ thai có khác gì với nịch tử. Riêng một nước Pháp người ta cho là mỗi năm có tới 600.000 vụ phá thai, người khác nghĩ có thể tới con số 1 triệu.

Tục giết hài nhi bên Hy Lạp hay La Mã có cả. Bên Hy Lạp các triêt gia còn cổ động là khác. Người ta giết hài nhi rất thường nhất là trẻ nữ; có một văn kiện cho biết trong số 118 con trai mà chỉ có 28 con gái (Civ VI, p.145). Bên Roma cũng thế. Sau này dẫu bị lên án như một tội ác, việc giết hài nhi vẫn cùng với đói ngheo thêm trầm trọng (Civ. IX. 274). Còn chuyện đánh vợ pháp luật không can thiệp đâu có bằng pháp luật cho phép giết vợ kia kìa: “luật dân Saxon thí dụ kết án người vợ bất trung phải cắt ít ra cái mũi và hai tai, và cho người đàn ông được quyền giết vợ ngoại tình” (Civ VII, p.320). Luật Roma cũng cho người cha giết con (patria potestas) và chồng giết vợ (manus) (Civ VIII, p.284) và không phải không có người dùng quyền đó, chỉ kể một người được bao sử gia ca tụng tức là Hoàng Đế Constanstin vô cớ (người ta không đoán lý do được) đã giết con là Crispus, giết vợ là bà Fausta (Civ IX tr.271). Giết vợ giết con bên Viễn Đông không bao giờ thấy luật pháp cho phép, nên Dawson (trong quyển The basic teaching of Confucius p.156) cho rằng khó tìm đâu được lòng hiếu thảo quân bình như vậy. Một số tác giả hay dùng những thành ngữ sévérité orientale khi nói đến luật hình và phong tục. Thật ra nếu xét kỹ đã vị tất bên nào hơn bên nào. Từ nhục hình, mặc: thích chữ, nghị: cắt mũi, phị: cắt chân, cung: hoạn (không có móc mắt). Và ngay trong kinh Thư đã nói đến việc vua Thuấn đổi sang những hình phạt nhẹ hơn là: đày, mang gông, đánh đòn, tịch thu tài sản và chuộc bằng tiền (Cordier, histoire p.85). Và trừ có mặc, còn ba hình dưới từ đời Tuỳ đã bãi. Bên Âu ta thấy mãi cho đến thế kỷ 18 “cắt xẻo là chuyện thường”: cắt chân, tay, mũi, tai, móc mắt. Vua Guillaume le conquérant để ngăn tội ác truyền không được giết hay treo cổ phạm nhân, nhưng móc mắt, cắt chân, cắt tay, cắt hạ bộ và cho sống để đền tội ác. Ở tòa án Sainte Geneviève bảy người đàn bà bị chôn sống vì tội ăn trộm. Tội lộng ngôn chửi thề thì phải dùi lưỡi bằng thanh sắt nung đỏ. (Civ XI o.287). Một hình luật Đức nói “nếu người nào bóc vỏ cây liễu giữ đê điều thì người ta phải mổ bụng nó, lôi ruột ra lấy mà quấn chung quanh cây đã bị hại”. Năm 1454 còn khoản hình luật ở thành Westphalie: một người xê dịch mốc đất trái phép bị chôn sống để thò lên cái đầu, rồi đất được cấy bằng bò và người chưa hề cày bao giờ. (Civ. XI p.254).

Người ta thường dùng lối xử gọi là thần xử (ordalie). Hai bên đánh nhau ai được là thắng cuộc. Đây là một thí dụ: “Kỵ mã Guy bị kỵ mã Herman tố cáo tội sát nhân, Guy chối Herman thách tài phán quyết đấu. Hai bên đánh nhau từng giờ. Trước trên ngựa, sau dưới đất, sau cùng vất cả gươm để vật nhau tới lúc Herman móc được cả hai hòn của đối phương, sau đó Guy thở hắt ra: en arrache les testicules, sur quoi Guy expira.” (Civ. XI, p.285)

Lúc trước đọc Keyserling khen bên Tàu ít tội sát nhân hơn bên Đức, tôi rất dè dặt với lối so sánh của tác giả, sợ rằng tác giả quá lời khen chăng. Đến sau tôi thấy tài liệu về việc này quá nhiều, những công hàm bên Anh thế kỷ 13 chỉ một số tội sát nhân ngày nay ta phải cho là quá xấu xa, thường thường gấp đôi số chết về tai nạn, mà phạm nhân ít khi bị bắt (Civ. XII, p.327). “Ngày chủ nhật lại nhiều tội dâm đãng, phóng túng, giết người, trộm cướp hơn cả trong tuần.” (Coulton-de “Médieval Village” p.254). Việc sát nhân xảy ra cả trong giới sinh viên. “Năm 1269 ông thị trưởng Paris lên án những sinh viên ngày đêm đánh bị thương hay giết cách khủng khiếp nhiều người, bắt cóc đàn bà, người nữ đồng trinh, phá cửa đột nhập nhà người ta, và thường xuyên phạm những tội ăn trộm và tội ác mới” (Civ. XII p.454). Nói chung tính tình người Âu lúc đó còn rất hung hãn đến nỗi người Ả Rập rất bỡ ngỡ về sự dữ tợn của Thập tự binh. (Civ II, p.295)

Chớ tưởng đó là chuyện thời xưa, hãy nhớ lại “giờ thứ hai mươi lăm” hay “les hommes contre l’humain” của G.Marcel. J.Folliet viết “năm 1943 bên Pháp máu người rẻ hơn giá rượu vang”. Một tác giả nào đó viết “chỉ cần gãi vào da người văn minh là tìm ngay thấy con thú thuộc thời đệ tứ kỳ” và biết bao man rợ khốc liệt đang diễn ra cùng khắp trên hoàn cầu, bên Algérie mà tác giả quyển Contre la torture (ed. du Sueil 1957) Pierre Henri Simon nhắc tới trong sách đó trang 68-70. Tác giả kể lại cảm tưởng rụng rời khi phản đối những dã man quân viễn chinh thi hành bên Đông Dương với một vị lãnh đạo tinh thần, được nghe lời đáp bình thản “bắt người đàn bà, lấy đanh đóng qua tay cho tới lúc thú… anh tính không làm thế sao được?” Đây mới là kể trong sách, chưa bằng những điều tai nghe mắt thấy trong 8 năm chiếm đóng Đông Dương. Đấy là một số nhỏ dữ kiện trong cái đống hồ sơ cao ngất, đưa ra một ít để hòng điều chỉnh quan niệm sai lạc về lịch sử.

9. Quan niệm lịch sử sai lạc

Theo thói quen xưa dân nào cũng cho mình là văn minh còn ngoài ra là rợ mọi (Toynbee gọi tính lấy mình làm trung tâm này là self-centeredness native). Văn minh Âu cũng không thoát khỏi cái bệnh chung đó, và họ cho các dân khác là rợ mọi. Đối với những văn minh khác như La Hy hay gần ta hơn là Trung Hoa đã có những thực tế phũ phàng mở mắt cho ta thấy đó chỉ là quan niệm ếch ngồi đáy giếng. Nhưng với văn minh Âu Châu nhờ có khoa học tiến bộ mạnh mẽ nên sự tưởng lầm kia ngày thêm bền vững. Quan niệm lấy Âu Châu làm trung tâm lấy Hy Lạp làm rốn thế giới (bên Hy Lạp có cửa núi phun khói, người Hy Lạp gọi là rốn trái đất Omphalos và lập đền thờ Thổ thần ở đấy) hiểu theo một nghĩa hết sức hẹp hòi: khai trừ các dân ngoài Châu Âu. Khi chia trái đất họ lấy Âu Châu làm khởi điểm và về lịch sử thì lịch sử Âu Châu làm lịch sử nhân loại, ngoại giả các nên văn minh khác như Egypte thì cho là mào đầu còn Trung Hoa và Ấn Độ, Musulman thuộc về các thổ dân (ethnographie). Cái cứ điểm sai lầm đó rồi đây bị những sử gia và triết gia như Tibor Mende, Toynbee, Jaspers lôi ra ánh sáng, nhưng cho tới thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 nó được coi như một chân lý không thể chối cãi. Âu Châu tự gán cho mình sứ mệnh đem đuốc văn mình truyền bá cho hoàn cầu. Tuy với một thiểu số có óc con buôn ranh mãnh, câu đó chỉ là khẩu hiệu đẹp đẽ bên ngoài che đậy một lòng tham vô tận, nhưng với đa số, đó là một tin tưởng thành thật. Ta thấy nó phản chiếu cả vào những sách trang nghiêm nhất như luân lý, triết học, đạo đức của tôn giáo…

Có những tác giả nhân danh sứ mệnh truyền bá văn minh đem ra nhiều lý lẽ để biện hộ những hành vi xâm lăng và bóc lột. Kèm theo với những sự say sưa chiếm đoạt là lòng tin thờ khoa học; cứ mỗi ngày lại mỗi sản xuất ra những phát minh kỳ lạ chiếm được lòng tin tưởng của mọi người, khoa học trở nên một bà chúa ghen tương độc hữu không một giá trị nào được đếm xỉa đến, nhất là những giá trị tinh thần của văn minh Á Châu. Âu Châu càng lên cao bao nhiêu thì các châu khác càng xuống bấy nhiêu, khiến cho quan niệm lịch sử sai lầm trong thời cổ sơ được tiếp tục duy trì kèm theo với những thái độ khinh miệt các nền văn hóa ngoài Âu Châu. Trong khi các châu khác cố theo học văn minh cơ khí của Âu Châu nhiễm phải tâm trạng đó đâm ra kỳ thị chủng tộc mình và coi rẻ văn minh tiên tổ mà họ không biết tới, chỉ theo thế tục mà phù thịnh khinh suy… Đó chỉ là thường tình, nhưng ẩn chứa biết bao bất công. Chẳng hạn khi khoa học khởi xuất hiện, thì yếu tố đầu tiên có ảnh hưởng lớn nhất là thuốc súng lại không phải do Châu Âu. Ai cũng biết là do Trung Hoa khám phá ra, những người Âu Tây nhờ biết dùng chất đó làm súng đạn, nên có phương tiện cực mạnh đi tàn sát bóc lột các dân để trở nên giàu thịnh, mà giàu thịnh là yếu tố quyết liệt nhất cho văn hóa và khoa học tiến mạnh. Những sáng tác, nhạc, văn nghệ, hội họa của Âu Châu phát triển từ đó nghĩa là từ lúc có giàu sang do thuốc súng và thuộc địa.

Nhân đó chưa nên kết luận ngay rằng, trong các lĩnh vực khác thuộc văn hóa như minh triết, luân lý… Âu Châu cũng đã tiến theo kịp đà khoa học. Vì thế đừng vội tin tiên thiên rằng cái gì Tây cũng tất nhiên vượt hơn. Phải chia ra từng bộ môn mà so sánh, và cần so sánh xuyên qua lịch sử, đừng hạn cuộc vào một vài thế kỷ sau. Nhân loại từ lúc có lịch sử tới nay cũng đã tới 40 hay 50 thế kỷ. Khoa học mới chưa có đầy ba thế kỷ. Khi xét đoán một nền văn minh đừng lấy một đoạn nhỏ làm bản vị để đánh giá tất cả phải xem dọc dài, căn cứ vào vài thế kỷ sau mà nói Tàu im lìm thì “không gì sai lầm hơn bằng”. Không một miền nào bị đảo lộn trong chính phủ đến như thế. Trong phạm vi chính trị nó đã thử đủ mọi thể chế từ xã hội chủ nghĩa cho đến chuyên chế độc tài. Nó đã biết hết mọi triết thuyết, “thể lệ và phong tục đã biến đổi sâu xa”. Đó là lời của một học giả rất thông thạo về sử Trung Hoa đã viết bốn quyển lớn kết luận như trên. (Histoire Générale de la Chine t.1, 40, Henri Cordier).

Tuy nhiên đó mới là phạm vi chính trị. Nếu xét đến các phạm vi khác ta cũng thấy sự tiến triển đổi thay. Văn chương chẳng hạn thì phú thịnh ở đời Hán. Thơ thịnh đời Đường. Từ thịnh đời Tống, Truyện thịnh đời Nguyên. Họa cũng tự nhân hình biến sang sơn thủy dẫn đến Thảo trùng và Tĩnh vật với trăm ngàn môn phái. Triết cũng phải viết cả từng quyển lớn mới kể ra hết các thời đại.

Thậm chí cả đến khoa học kỹ thuật cũng tiến mạnh. Trong quyển La technique ou l’enjeu du siècle (Armand, 1954), ông Jacques Ellul không ngần ngại quả quyết “kỹ thuật bản gốc xuất từ Đông Phương” = “la technique est essentiellement orientale” (tr.25), và ông đả kích cho là dị đoan liều những câu nói “Đông Phương thụ động, theo định mệnh, khinh đời sống và hành động, còn Âu Châu hoạt động, chinh phục thiên nhiên…” (tr. 30). Phần lớn quyển sách đều đưa ra những sự kiện trái ngược hẳn lại niềm tin tưởng thông thường đó. Ông Joseph Needham đang trước tác bộ “khoa học và văn minh bên Trung Hoa” (Science and civilisation in China, Cambridge University Press), hiện đã ra được ba quyển lớn. Tác giả chứng minh tỉ mỉ sự tiến triển và nổi vượt của Á Châu về khoa học cơ khí trước thời Phục Hưng. “Con sông có khúc con người có lúc”, đừng thấy giậu đổ bìm leo mà giẫm thêm. Nên lánh nhai lại mấy tư tưởng lấy trong các sách cũ rích đã được bộ thuộc địa ban phép lành. Người Tây Phương trung thực không muốn thế nhưng ước mong cho người Á Đông nhận thức lại giá trị Truyền Thống để cùng với họ xây nền văn hóa mới. Muốn được vậy việc trứơc tiên nhất phải làm là đưa mắt nhìn khắp bốn phương trời, và khi so sánh phải so thời phát triển của nền văn minh này với thời phát triển của nền văn minh kia. Suy với thời suy, lý tưởng với lý tưởng, đừng đánh tráo trộn như một số lớn tác giả mà giáo sự Herbert đã nhận xét: “đem những nguyên lý thường lấy trong phúc âm thư hay trong những tác giả lớn về luân lý so với đời sống thực tại của các nhóm người trong văn minh khác, đem thượng lưu của Âu Châu sánh với đại chúng hay với cặn bã các dân khác… cần phải so sánh lý tưởng với lý tưởng, thượng lưu với thượng lưu, cặn bã với cặn bã…” (Spiritualité Hindoue p.12, J.Herbert). Nếu không chịu giữ cái luật thông thường đó thì quả thật các văn minh khác không đáng chú ý chút nào.

Người mình thường hay đọc lịch sử Âu Châu được viết trong tinh thần thế kỷ 19 đầu 20, nghĩa là hai thế kỷ Âu Châu quá hách dịch, thành ra biết bao sự kiện lớn lao khác bị xếp vào góc tối, ngày nay đã có một số thức giả đang cố sửa lại quan niệm chênh lệch này. Spengler đã lên án lối quan niệm hẹp hòi đó, ông viết: “cổ đại, trung đại, thời mới. Đó là lược đồ nghèo túng không thể tưởng tượng nổi (schéma d’une indigence incroyable). Đó là một sự vô nghĩa nó đã làm cớ không cho ta nhận thức đúng đắn được những mối tương quan giữa các nền văn hóa cao đẳng của nhân loại… Những người hậu lai sau này không thể tin được một lược đồ giản lược vào những nét thẳng tắp với những tỷ lệ vô lý (proportions insensées) càng ngày càng không thể đứng vững với những khám phá mới. (Déclin de l’Occident, t.1, tr29). Cái lược đồ đó gò bó bản chất và hạn chế sân khấu lịch sử lại theo phong thổ Âu Châu được dùng làm trung điểm bất động… chung quanh đó phải xoay quanh từng bao ngàn năm lịch sử lớn lao và những nền văn hóa vĩ đại đặt ra xa trong một địa vị hết sức khinh thường. Chính vì thế mà ta mắc phải chứng ảo tưởng (illusion d’optique) trở thành tập quán làm ta tin rằng ở xa bên Tàu, bên Egypt lịch sử bao ngàn năm cô đọng vào có vài giai đoạn, trái lại trong miền ta, từ Luther và nhất là từ Napoléon những chu kỳ thập niên được thổi phồng mãi lên như những bóng ma (id, tr.29). Nếu với Tây Âu tác giả phải hạ những chữ điên rồ (proportions insensées) thì với người Á Châu không giũ bỏ những ý niệm đó phải gán chữ gì đây?

Những tư tưởng gia lớn đang cố gắng tìm đặt lại trung tâm lịch sử như K.Jaspers đề nghị lấy thời Trục làm mốc. Toynbee trong quyển sử mới xuất bản “Le monde et l’occident” (Desclée) đã nói rõ tại sao lại không đề là “l’occident et le monde”, như có lẽ ông đã làm trước đây, là muốn độc giả lưu ý đến hai ý tưởng. Trước nhất vì Âu Châu ngay ở lúc cực điểm hùng cường cũng không phải là lịch sử duy nhất trên sân khấu thế giới. Vậy mà từ năm trăm năm nay, thế giới và Tây Phương chạm trán nhau thì chính thế giới chứ không phải Tây Phương đã biết được một kinh nghiệm có ý nghĩa nhất. Bởi không phải Tây Phương đã chịu thế giới tấn công mà chính thế giới bị Tây Phương tấn công dữ tợn, bởi đó trong sách này thế giới đã được nhận chỗ ngồi đầu tiên” (tr.72). Ông Will Durant đã mở đầu bộ sử văn minh của ông bằng một quyển lớn về Á Châu, có nói rõ lý do như sau: “bắt đầu từ Á Châu, vì đó là sân khấu của những nền văn minh kỳ cựu nhất người ta biết được, mà cũng vì chính những văn minh ấy làm nền móng cho văn minh La-Hy mà ông Henry tưởng lầm là nguồn duy nhất cho tinh thần thời mới. Chúng ta sẽ phải bỡ ngỡ khi biết những điều chúng ta học được với người Egypt, với Đông Phương trong việc phát minh sáng chế, cũng như trong phạm vi khoa học, văn chương, triết lý tôn giáo. Bước vào thế kỷ 20, việc lớn hơn hết sẽ là sự va chạm giữa hai nền văn hóa Đông Tây mà còn cố duy trì cái nhìn hẹp hòi của những sử gia cổ điển khởi đầu từ Hy Lạp, còn Đông Phương dành ra được vài dòng thì đấy không những là sự sai lầm có tính cách hàn lâm, nhưng còn là một quan điểm thiên lệch mà hậu quả về việc thông cảm có thể sẽ rất tai hại” (Civ I. 11). (Chúng tôi hay trưng tác giả này vì cái nhìn quân bình đó, không kể những điểm khác của tác giả như không bao giờ để cho mớ tài liệu kềnh cơi của “nhà thông thái bác học” lấn át cái nhìn của nhà triết lý và nhân văn. Vì thế đọc ông, đọc giả có cảm tưởng nhẹ nhàng như đọc chuyện.)

Nhà kinh tế học trứ danh Tibor Mende trong một tác phẩm xuất bản năm 1954 nhan đề là “Nhìn về lịch sử ngày mai” có thêm phụ đề “Những trọng điểm mới của thế giới” đã mở đầu bằng những dòng sau đây: “Họ vẽ bản đồ ra trong óc họ. Nhưng nếu họ không chịu theo dõi những biến chuyển nữa là tức khắc họ hết thuộc thời đại. Thói quen, tuyên truyền là sự lười lĩnh của trí khôn đều góp phần nào vào việc duy trì ảo tưởng rằng những bản đồ này cứ còn mãi thế truyền đời. Những ảo tưởng lỗi thời cứ nằm lỳ mãi lại trong trí não nhiều người đã “gây nên thảm họa trong lịch sử”.

Chính vì sợ một thảm họa cho nền quốc học nước nhà nên buộc lòng chúng tôi phải thí mạng viết bài này để làm tròn trách nhiệm nặng nề. Hé cho trí thức ngày nay của nước ta một phần nhỏ sự thật hầu đẩy lui sự cố tình bảo vệ những quan điểm lịch sử lấy ba thế kỷ cơ khí Âu Châu làm trụ với cái thiên kiến cho rằng Âu Châu bản tính là tiến mạnh, văn hóa Á Châu bản tính ù lì. Một thành kiến làm tê liệt óc thẩm định các giá trị thuộc văn hóa lẽ ra phải được vận hành trong tâm trạng thư thái tự do và khoa học, vắng lặng mọi thiên kiến. Chưa phá nổi được cái núi thành kiến do 80 năm nô lệ gây ra thì chưa thể nói đến chuyện phục hồi và phát triển nền quốc học Việt Nam được.

Kim Định

(Trích: “Triết Lý Giáo Dục”)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm