MINH TRIẾT DẪN ĐẠO CHÍNH TRỊ
Lê Việt Thường
Trong một bài viết trước đây, chúng tôi có phát biểu như sau:
“Lý do là Văn Hóa nếu đạt đến trình độ Minh Triết thì phải có khả năng hướng dẫn Tư Tưởng và Hành Động chi phối tất cả sinh hoạt CHÍNH TRỊ, xã hội, kinh tế v.v. của một Dân Tộc, ngay cả của Nhân Loại nữa”.
Trước khi tiếp tục, có lẽ chúng ta nên đánh một “vòng chân trời” để xem “thiên hạ” hiểu từ ngữ “Văn Hóa” như thế nào ?
- A) VĂN HÓA LÀ GÌ ?
Có người hiểu “Văn Hóa theo bốn nghĩa, hai nghĩa hẹp và hai nghĩa rộng.
Nghĩa hẹp thứ nhất, Văn Hóa chỉ kiến thức hay học vấn.
Theo nghĩa hẹp thứ hai, Văn Hóa dùng để chỉ văn chương và nghệ thuật, trong đó có đủ các bộ môn ca, nhạc, vũ, hội họa, điêu khắc, kiến thức, kịch trường, điện ảnh.
Nghĩa thứ ba là nghĩa rộng, Văn Hóa chỉ phần sinh hoạt của loài người trong lãnh vực tinh thần. Đó là những học thuyết, những triết thuyết đưa dẫn suy tư của con người lên một bình diện cao hơn đời sống vật chất hàng ngày.
Ở nghĩa thứ tư, nghĩa rộng nhất, Văn Hóa bao gồm cả Văn Minh vì Văn Hóa chính là sự tiến bộ của con người cả phương diện tinh thần lẫn vật chất hầu làm cho đời sống con người được hạnh phúc hơn. Hay nói cách khác là tiến gần tới chân, thiện, mỹ, lợi và thú hơn……
Trong Kinh Dịch có câu:
Quan nhân văn HÓA thành thiên hạ”
Có nghĩa: nhìn hiện tượng trên trời để xét lại sự biến đổi của thời tiết. Nhìn hiện tượng của người ta trong xã hội để sửa đổi thiên hạ”.(1)
Rồi tác giả kết luận :
“VĂN là nét vẽ, thể hiện vẻ đẹp bề ngoài. HÓA là biến đổi cho tốt đẹp hơn” (2)
Qua phần trình bày ở trên, tác giả đoạn văn nêu trên chứng tỏ nỗ lực nhằm bao quát các khía cạnh khác nhau của vai trò Văn Hóa trong đời sống con người. Tuy nhiên, qua định nghĩa của từ VĂN, vì tác giả chỉ dừng lại ở “vẻ đẹp bên ngoài” mà thôi, nên có lẽ vì vậy mà đối với tác giả cũng như đối với nhiều người khác, “Văn Hóa” thường bị “đồng hoá” với văn chương, văn nghệ, nghệ thuật v.v.
Trái lại, bằng một phương pháp có phần tương tự phương pháp Ngôn Ngữ học của Triết Gia Heidegger, từ những ý nghĩa đã bị “sa đọa”, Cố Triết Gia Kim Định đã lần cho ra ý nghĩa Uyên Nguyên, Căn Để của từ “Văn Hóa”. Và giống như chữ “Nghệ” viết theo bộ đơn, chữ VĂN theo Nguyên Nghĩa, cũng nói rõ lên được hai nét ĐẤT và TRỜI Giao Hội với nhau để làm nên Đạo Làm NGƯỜI vì “Nhân giả kỳ Thiên Địa chi Đức…..”(= Người chính là Đức của Trời Đất) Và đó có lẽ cũng là Ý Nghĩa của hai từ MINH TRIẾT và ĐẠO HỌC.
Lý do là Minh Triết hay TRIẾT Viết Hoa là cái BIẾT có tính cách Căn Để, Cùng Cực bao gồm cả Lý Trí lẫn Tiềm Thức, Siêu Thức nơi cõi Tâm Linh của con người Đại Ngã toàn diện.
Hiểu như thế thì Minh Triết và Đạo Học là một. Vì với chữ “Đạo” kép bởi bộ “Xước” là “đi” và “Thủ” là “đầu”, Đạo Học là đường đi về Bản Gốc của mình, là con đường “phục quy kỳ căn”, trở lại Căn Cơ nguồn ngọn của con người muôn thuở. (3)
Tóm lại, Văn Hóa, Minh Triết hay Đạo Học theo nguyên nghĩa là Đạo TRỜI, Đạo ĐẤT, Đạo NGƯỜI còn gọi là TAM TÀI bao gồm cả Vũ Trụ, Càn Khôn cùng với Con Người trong đó, vậy nên KHÔNG có gì có thể nằm ở ngoài được, kể cả các sinh hoạt CHÍNH TRỊ. Do đó, một trong những định nghĩa của An Vi và Việt Nho về MINH TRIẾT là “ Nghệ Thuật tối cao trong việc sắp xếp chuyện Nhà và chuyện Nước cũng như tổ chức cuộc sống sao cho mọi người được Hạnh Phúc”,(4) mà nội dung lẽ dĩ nhiên liên quan đến lãnh vực Chính Trị, nhưng là loại chính trị cao cấp kiểu “Chính dã Chính dã” chứ không phải loại chính trị thường nhật như thường được hiểu ngày nay!
- B) NHẤN MẠNH VĂN HÓA HƠN CHÍNH TRI CHỨ KHÔNG PHẢI “VĂN HÓA PHI CHÍNH TRỊ”
Ngoài ra, Văn Hóa, Minh Triết hay Đạo Học khi áp dụng vào Vương Nho có tên là TRUNG DUNG, vào Việt Nho thì gọi là AN VI.
Có câu sách giải thích “Trung Dung” như sau: “Chấp kỳ lưỡng đoan nhi dụng kỳ trung ư dân” [= cầm hai đầu mối và áp dụng giải pháp “trung độ” (= “ở giữa” ) vào việc cai trị quần chúng”].
Mạnh Tử giúp soi sáng thêm ý nghĩa của Trung Dung như sau: “ Tóm tắt một cuộc tranh luận giữa các trường phái, Mạnh Tử nói: một bên có những kẻ ca ngợi thuyết “tất cả vì mình”(Dương Tử) : “dẫu nhổ một mảy lông trên mình mà lợi ích cho cả thiên hạ, ông ấy cũng không chịu làm”; bên kia là những người thi hành chủ nghĩa kiêm ái” (Mặc Tử): “dẫu mòn nát tấm thân từ đỉnh đầu cho đến gót chân, mà có lợi ích cho thiên hạ, ông ấy cũng vui lòng hy sinh”…Lại có những người thứ ba (Tử Mạc) “bảo thủ chủ nghĩa chấp trung” ở giữa những lập trường trái nghịch nhau trên kia…….”.
Mạnh Tử một mặt khen chủ trương “chấp trung” của Tử Mạc là “gần với đạo lý”, nhưng mặt khác, lại chê Tử Mạc ở điểm “chấp trung mà chẳng biết quyền biến”, “cứ khư khư câu nệ một bề vậy thôi”. Và Mạnh Tử kết luận : “Ta sở dĩ chán kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố ý giữ ý kiến thiên lệch làm hại đạo lý. Kẻ cử động theo một bề thì làm hỏng cả trăm bề”.(5)
Câu hỏi được được đặt ra ở đây là tại sao Mạnh Tử phê bình không những các chủ trương có tính “Chấp Nhất” như thuyết Vị Kỷ của Dương Chu hay Kiêm Ái của Mặc Tử (có lẽ vì tính quá khích, cực đoan của chúng), mà ngay cả chủ trương “Chấp Trung” của Tử Mạc ?!
Nhận xét đầu tiên là chủ trương “Chấp Trung” của Tử Mạc có vẻ gần giống quan niệm “Juste Milieu” của Aristotle có thể hiểu là điểm “trung độ đúng mực” ở giữa hai tính trái ngược như giữa sự “bất cập” và “thái quá”…..vv. Mà chúng ta còn biết rằng về vũ trụ luận, Aristotle chủ trương “Tứ Tố” là một loại Quân Bình TĨNH (2-2). Vậy nên quan niệm “Juste Milieu” về đạo đức học của Aristotle cũng có tính cách Tĩnh Chỉ giống như quan niệm “Tứ Tố” của ông về vũ trụ luận vậy !
Mà Khoa Học ngày nay cho thấy là môi trường sinh sống của vũ trụ vạn vật con người có tính chất Quân Bình ĐỘNG ĐÍCH (3-2) như chủ trương “Tham Thiên Lưỡng Địa” của thuyết Ngũ Hành. Vậy nên trong một thế giới ĐỘNG, để giữ được Đạo Trung Dung hay thế Quân Bình Động Đích, đôi khi hành giả phải ‘nghiêng về một bên” như NHẤN MẠNH trên cực Dương (3) hơn cực Âm (2), hoặc ngược lại. Những “đầu óc” DUY LÝ Một Chiều không hiểu được như vậy, do đó khi đọc bài viết trước đây, thấy chúng tôi NHẤN MẠNH đến Văn Hóa (3) hơn Chính Trị (2) thì lại “la làng” lên là “ Văn Hóa Phi Chính Trị” ! Trước khi giải thích thêm lý do khiến chúng tôi hành động như trên và để cho dễ hiểu hơn, chúng ta thử lấy một thí dụ tương tự trong Kinh Dịch.
Chúng ta biết triết lý của Kinh Dịch là Âm Dương hai chiều, cũng như Kinh Dịch chủ trương Thực Tại làm bằng hai tầng: vòng TRONG và vòng NGOÀI.
Vòng Ngoài là thế giới HIỆN TƯỢNG bị chi phối bởi luật “Thành-Thịnh- Suy-Hủy”. Còn vòng Trong là thế giới NỘI TÂM được điều hướng bởi các nguyên lý “Nguyên-Hanh-Lợi-Trinh” với “Nguyên” là điểm khởi phát, “Hanh” là chặng phát huy hanh thông, “Lợi” là chặng tựu thành và “Trinh” là kéo dài thành quả. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Kinh Dịch ở quẻ KIỀN chẳng hạn, chỉ bàn đến các trạng thái tiến hóa của TÂM THỨC với các nguyên lý “Nguyên-Hanh-Lợi-Trinh”, mà không đề cập gì đến thế giới Hiện Tượng ?
Có lẽ do lý do dễ hiểu như sau: thế giới Hiện Tượng với luật “Thành-Thịnh- Suy-Hủy” bày ra trước mắt mọi người: đại đa số ai cũng có thể thấy và hiểu được. Do đó, các vị Hiền Triết xưa khi viết Kinh Dịch ở quẻ KIỀN tuy vẫn giả thiết có một thế giới Hiện Tượng song hành, nhưng lại NHẤN MẠNH hơn đến thế giới Tâm Linh với các nguyên lý “Nguyên-Hanh-Lợi-Trinh” vì điều này tối cần thiết cho việc Tu Thân và Xử Thế của hành giả.
Một cách tương tự, không phải chúng tôi không biết là có một thế giới CHÍNH TRỊ hiện diện khắp nơi trên “Internet” ngày nay với các đề mục mà đa số độc giả đều có thể đọc và hiểu được cũng như có nhiều người phụ trách quảng bá trong lãnh vực này. Giống như mọi người, chúng tôi cũng theo dõi tin tức và đọc các bài bình luận về Chính Trị. Tuy nhiên, tương tự các vị tác giả Kinh Dịch đã được đề cập ở trên, chúng tôi ý thức và cảm thấy rằng có lẽ mình sẽ làm đúng vai trò viết lách của mình hơn bằng cách NHẤN MẠNH trên Văn Hóa hơn Chính Trị (vì đã có nhiều người viết về Chính Trị rồi) chứ KHÔNG phải làm “Văn Hóa Phi Chính Trị” như những “đầu óc” DUY LÝ Một Chiều vì HIỂU SAI nên tưởng lầm như vậy!
Thật vậy, trong một thế giới Động Đích, hành giả có khi phải Nhấn Mạnh trên một Cực này, khi khác trên một Cực khác, vậy mà vẫn ‘Trung Dung”, tức vẫn ĐỒNG THỜI bao gồm Đối Cực (Âm hay Dương còn tùy nơi, tùy lúc). Như trường hợp chúng tôi mới xem bề ngoài có vẻ Nhấn Mạnh đến VĂN HÓA nhưng vẫn giữ được Đạo “Trung Dung” nghĩa là Đồng Thời vẫn bao gồm khía cạnh CHÍNH TRỊ trong đó. Giáo Sư Francois Jullien giải thích điểm này như sau:
“ Tôi có thể là người đam mê nhất, mà có thể là người thản nhiên nhất; có thể lao hết mình vào cuộc chơi, mà cũng có thể trở về chốn đơn độc; có thể hôm nay chuyên tâm vào công việc mà ngày mai mải mê lạc thú – tôi sẽ lần lượt sống cả hai kiểu cho đến TẬN CÙNG, kiểu này càng hay thì kiểu kia càng tốt, và KHÔNG QUÁ LẠM về bất cứ một phía nào…… Bởi vì, cần phải hiểu từ đâu mà có cái “Trung Dung”: KHÔNG phải dừng lại ở nửa chừng, mà là có thể chuyển MỘT CÁCH BẰNG NHAU từ cái này sang cái kia, có thể như thế này CŨNG CÓ THỂ như thế kia, mà không sa lầy vào bất cứ bên nào, chính điều đó tạo ra “Khả Năng” TRUNG DUNG”.(6)
Tức là Trung Dung không có nghĩa là “nửa vời”, “lưng chừng”, “không nóng không lạnh”….(7) hoặc Trung Dung hay An Vi KHÔNG phải là sự “Cộng Lại” một cách “tạp pí lù” như phương pháp ‘Tổng Cộng” thường làm : một chút khuynh hướng này với chút ít đường lối kia, “ít chút” quyền lợi này với chút ít quyền lợi nọ v.v…
Chưa kể VĂN HÓA nếu đạt đến được trình độ MINH TRIẾT sẽ đề cập đến Triết Lý về CHÍNH TRỊ nhằm Dẫn Đạo Chính Trị đi đúng hướng phục vụ nhân quần kèm với các mục tiêu Tự Do và No Ấm cho mọi người, như Khổng Tử đã làm đối với Viễn Đông trước kia, mà ảnh hưởng vẫn còn đối với Nhân Loại hôm nay. Cũng như VĂN HÓA chân chính sẽ bàn đến Triết Lý trong các lãnh vực khác nữa nhằm giúp con người đi đúng đường và đạt được Hạnh Phúc là tất cả Cứu Cánh của đời người vậy !
Tóm lại, như đã nói ở trên, VĂN HÓA Viết Hoa, tức là đã đạt đến trình độ MINH TRIẾT, đi theo lối TỔNG HỢP nhằm vươn lên một bình diện Cao Hơn (chứ không theo lối Tổng Cộng) nên có khả năng Giàn Hòa cũng như DẪN ĐẠO Tư Tưởng và Hành Động chi phối tất cả sinh hoạt CHÍNH TRỊ, xã hội, kinh tế…..v.v. của một Dân Tộc, ngay cả của Nhân Loại nữa.”
Chứ VĂN HÓA chân chính Viết Hoa KHÔNG chạy “Theo Đuôi” các giá trị “Thời Thượng” để “hoan hô” hay “đả đảo”, hoặc “suy tôn” lãnh tụ như các đảng phái chính trị được ! Làm như thế tức đi theo lối “Tổng Cộng” mà phương pháp này vì Thiếu khả năng vươn lên một trình độ Cao Hơn như đường lối Tổng Hợp do đó KHÔNG “chơi” nổi vai trò GIÀN HÒA các Đối Cực được.
- CHÚ THÍCH
(1)Mặc Giao, “Một Cái Nhìn Khác Về Văn Hóa Việt Nam”, Tin Vui, HK, 2004, tr. 13-15
(2)Idem
(3)Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục”, Ca Dao, VN, SG, 1975
(4)Kim Định, “Sứ Điệp Trống Đồng”, An Việt San José, USA, 1999 tr. 385
(5)Francois Jullien, “Un Sage Est Sans Idée Ou L’Autre De La Philosophie”, Du Seuil, 1998
Nguyên Ngọc (dịch) “Minh Triết Phương Đông Và Triết Học Phương Tây Hay Thể Trạng Khác Của Triết Học”, nxb Đà Nẵng, 2003, VN, tr. 60-61
(6)Idem, tr. 58
(7)Idem, tr. 16