MINH TRIẾT VIỆT
trong Huyền Sử Phù Đổng Thiên Vương
Đông Lan
Đời Hùng Vương thứ ba, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ. Ân Vương lấy sự thiếu lễ triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta.
Hùng Vương nghe được mới triệu quần thần hỏi về kế hoạch đánh hay giữ. Có nhà phương sĩ dâng lời nói rằng:
– Không gì bằng cầu Long Quân để nhờ ơn phù.
Hùng Vương nghe theo mới lập đàn trai giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương cầu tế ba ngày thì trời cảm sấm mưa, thoát thấy một ông già cao hơn sáu thước mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ, ngồi ở ngã ba mà cười nói ca múa; người ta trông thấy ngỡ là phi thường mới tâu với vua. Vua thân hành ra bái yết, rước vào trong đàn; ông già không ăn uống, không nói năng gì cả.
Hùng Vương đến trước hỏi rằng:
– Nay binh nhà Ân sắp sang đánh, hơn thua ra sao, nếu có kiến thức gì xin bầy cáo cho: Ông già giây lát mở thẻ ra bói, thưa với vua rằng:
– Sau ba năm giặc mới qua đánh. Vua lại hỏi kế hoạch để đánh giặc, ông già đáp rằng:
– Nếu có giặc đến thì phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấp, hễ được người ấy thì dẹp được giặc ngay.
Nói đoạn bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân. Vừa đúng ba năm, binh biến báo cấp có quân Ân sang, Hùng Vương y theo lời nói của lão nhân, sai sứ đi khắp thiên hạ để tìm người dẹp giặc. Sứ giả đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh, trong làng có một ông nhà giầu đã hơn sáu mươi tuổi mới sinh được người con trai ba tuổi không biết nói, chỉ nằm ngửa không ngồi dậy được. Bà mẹ nghe sứ giả đến, nói bỡn với con rằng:
-Sinh được thằng này thì chỉ biết ăn uống chớ không biết đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình mà đền ơn bú mớm. Đứa trẻ nghe mẹ, thình lình nói lên rằng:
– Mẹ hãy gọi sứ giả vào đây, con hỏi thử xem là việc gì.
Bà mẹ cả kinh, mừng rỡ bảo với xóm làng:
– Con tôi đã biết nói. Xóm giềng cũng lấy làm lạ mời rước sứ giả về nhà.
Sứ giả hỏi rằng: – Mày là đứa trẻ mới biết nói mà bảo kêu ta đến làm gì?
Đứa trẻ mới ngồi dậy bảo sứ giả rằng:
– Ngài lập tức về tâu với vua đúc cho ta con ngựa sắt cao mười tám thước, một gươm sắt bẩy thước, một cái nón sắt, trẻ này cỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc cho, giặc sẽ phải tan tành, nhà vua việc gì mà lo.
Sứ giả về trình cáo với vua. Vua mừng bảo rằng:
-Thế thì ta không lo gì vậy.
Quân thần đều tâu:
– Một người đánh giặc làm sao phá nổi?
Vua nói: – Đó là Long Quân giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là lời nói không, các ngươi không nên ngờ.
Rồi sai người tìm sắt cho được năm mươi cân luyện thành ngựa sắt, gươm sắt và non sắt;
Sứ giả đem tất cả đến; bà mẹ thấy thế cả kinh, sợ họa đến mình, lo sợ hỏi con Đứa trẻ cả cười nói rằng:
– Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn, con đi đánh giặc, mẹ đừng sợ.
Rồi đứa bé lớn lên rất mau, áo cơm hàng ngày bà mẹ cung cấp không đủ, hàng xóm nấu thêm cơm, làm thịt trâu, rượu, bánh, trái, thế mà đứa bé vẫn ăn không no bụng; vải lụa gấm vóc mặc chẳng kín hình, đều phải lấy thêm hoa cây hoa lau mà che nữa.
Đến khi quân nhà Ân kéo đến Trâu Sơn, đứa bé mới duỗi chân đứng dậy, mình cao mười hai trượng, nghểnh mũi mà nhảy, nhảy mũi hơn muời tiếng rồi tuốt gươm nói lớn lên rằng:
-Ta là Thiên Tướng đây!
Bèn đội nón nhảy lên ngựa, ngựa phi như bay, múa gươm xông đến trước, quan quân theo sau đến sát lũy giặc, dàn trận dưới núi Trâu Sơn. Quân Ân cả sợ, trở giáo chạy lui, Ân Vương chết ở Trâu Sơn, còn dư đảng thì sụp lạy và hô rằng:
– Thiên Tướng, chúng tôi hết thẩy xin đầu hàng.
Đứa trẻ đi đến núi Sóc Sơn mới cởi áo mặc rồi cỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu dấu chân trên đá dưới chân núi mà thôi.
Hùng Vương nhớ đến công lao, không biết lấy gì đền báo mới tôn làm Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ở vườn làng nhà ấy, cho ruộng một trăm khoảnh để làm lễ hưởng tế xuân thu.
Đời nhà Ân hai mươi bảy vua, trải qua sáu trăm bốn mươi năm, không dám đem binh sang đánh nữa.
Man Di bốn phương nghe được như vậy đều thần phục, về phụ với Vương. Sau đó Lý Thái Tổ phong làm Xung Thần Vương, lập miếu tại làng Phù Đổng (nay huyện Tiên Du) bên chùa Kiến Phúc, tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu đều có tế lễ vậy.
( Trích trong “ Lĩnh Nam Trích Quái” )
MINH TRIẾT VIỆT trong Huyền Sử Phù Đổng
Hình ảnh những anh hùng cứu nước là những nét son nổi bật trong lịch sử dân tộc. Nhưng huyền sử Phù Đổng Thiên Vương đặt nền tảng trên tinh thần vô công, vô danh lại là một nét son nổi bật hơn về Tâm Đạo. Hình ảnh người chiến sĩ làng Phù Đổng cho ta thấy cái đẹp của tấm lòng vô cầu. Quên công danh là một đức lớn của bậc chân nhân, con người phải có trình độ tu tâm sâu sắc mới xóa bỏ được cái ham mê công danh. Đạo Lý Tiên Rồng đã hun đúc được tinh thần tự chủ vững mạnh, đặt giá trị ở nơi ý nghĩa cao đẹp của việc xả thân, xả kỷ. Bài học Huyền Sử Phù Đổng Thiên Vương là bài học của bậc chí thiện. Bậc chí thiện không chỉ quên thân mình hy sinh cho người, không chỉ chiến thắng người về võ lực. Bậc chí thiện lành còn là cái tâm xả bỏ, người chí thiện quên cả công mình. Nói cách khác, người hữu vi chú trọng đến tất cả những gì có lợi cho bản thân họ và các giá trị của cuộc sống vật thể để sống chết cho nó. Ngược lại, người vô vi thấy đời phù du, nên không muốn tích cực xây dựng gì ở cõi tạm bợ này. Do đó đứng trước cảnh nước mất nhà tan, người hữu vi cũng có thể tham dự việc đánh giặc, nhưng nhất định sẽ đòi phần thưởng cho công khó. Người vô vi thì có thưởng công cách mấy cũng không làm. Thế nhưng, Phù Đổng Thiên Vương đã đánh giặc cứu nước, và giặc tan rồi, bỏ tất cả mà đi…
Nghĩa cử ấy là AN VI.
An Vi là vẫn làm việc đời với tất cả ý thức, bổn phận và tình thương, nhưng làm xong rồi không nhớ đến công của mình nữa. Người An Vi hành động với Tấm Lòng Hư Vô. Nên gọi là tâm vô cầu, tâm vô nhiễm. Lý tưởng An Vi trong Huyền Sử Phù Đổng Thiên Vương là tấm gương sáng soi chân đạo Tiên Rồng ở một bình diện khác. Tiên Rồng là Sắc Sắc Không Không. Thế thiên hành đạo là đi vào cõi Sắc. Xả bỏ công danh là tham dự cảnh giới Không. Phù Đổng Thiên Vương là biểu tượng của con người liễu ngộ đạo lý sắc không, là mẫu mực sáng chói của Nhân cách con người trong ý thức hai chiều Hữu Vô, là Nghĩa Hành của bậc Thiện Trí Thức An Vi.
Đông Lan