MỘT THOÁNG CUNG CHIÊM ĐỆ NHẤT MINH TRIẾT TRẦN NHÂN TÔNG
Nguyễn Đình Chú
…..
Sách “Tự điển bách khoa Nho – Phật – Đạo” của Lão Tử – Thịnh Lê (chủ biên) đã giới thiệu khái niệm minh triết trong thành ngữ “minh triết bảo thân” (minh triết giữ mình) rằng: “Thái độ xử thế của Nho gia. Minh triết: hiểu biết gọi là minh triết (Thượng Thư – Duyệt mệnh thượng) tức người hiểu biết sâu sắc về sự lý. “Ký minh thả triết, dĩ bảo kỳ thân” (Thi – Đại Nhã – Chưng dân) ý nói người thông hiểu sự lý thì biết đến chỗ yên ổn, tránh chỗ nguy hiểm, giỏi về việc bảo tồn thân mình. Khổng Tử: “Thiên hạ có đạo thì ra giúp đời, vô đạo thì đi ở ẩn” (Thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn) (Luận ngữ – Thái Bá) cũng với ý “minh triết bảo thân”. Sau trở thành thành ngữ, ý nói giữ gìn đạo trung dung, việc không liên quan đến mình thì gác bỏ để bảo toàn tính mệnh và lợi ích của mình”(1).
Riêng về chữ “triết”, sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán” của Lý Lạc Nghị cũng định nghĩa: Triết: nghĩa gốc là “minh trí”, mở rộng thành “người tài trí”. Thượng thư: phải là bậc triết (hiền tài) mới đánh giá người ta”(2).
Mặc dù đã có những lời giới thuyết về khái niệm “minh triết”, “triết” như thế, tôi vẫn muốn nói đến “minh triết” với một nội hàm ít nhiều khác, bởi lẽ minh triết đành là sự hiểu biết và từ đó dẫn đến cách xử sự giữa cuộc đời nhưng phải là sự hiểu biết ở độ tinh túy nhất, cao diệu nhất. Minh triết là trí khôn nhưng không phải trí khôn thông thường, trí khôn của mọi người, mà phải là trí khôn trên tầm mọi người, thậm chí là trên mọi thời đại. Vì ở đây triết đi liền với minh: minh triết, chứ không chỉ là triết. Ngay đến hai chữ “bảo thân” trong mệnh đề “minh triết bảo thân”thì cũng cần một chút hiểu khác về nội dung của nó. Bảo thân là giữ mình để tránh nguy hiểm. Nhưng bảo thân còn có thể hiểu là giữ mình, là tu thân, là đưa mình tới độ cao khiết.
Rồi nữa, “minh triết” đã được chuyển dịch sang tiếng Pháp là “la sagesse” mà “Pháp Việt tự điển” của Đào Duy Anh đã dịch là “trí, tính khôn ngoan, minh mẫn, trí tuệ, trí năng…”. Nhưng tôi vẫn muốn nghĩ rằng khái niệm “minh triết” và khái niệm “sagesse” vẫn có mức độ tinh túy, cao diệu khác nhau ít nhiều vì “minh triết” là sản phẩm của văn hóa phương Đông cổ đại vốn có độ thăng hoa về tinh thần nổi trội hơn “sagesse” là sản phẩm của văn hóa phương Tây. Hiện nay, ở phương Tây có khuynh hướng tìm đến phương Đông cổ đại chẳng phải là vì thế sao?
***
Từ những điều được nói trên đây có thể là rất chủ quan, tôi xin được coi Trần Nhân Tông là đệ nhất minh triết của Việt Nam ở thời trung đại, bởi thấy ở thời trung đại này, không một nhân vật vĩ đại nào có được mấy điểm sau đây:
1- Có đủ “tam bất hủ” (ba giá trị không bị mai một: lập đức, lập công, lập ngôn). Đây là một bảng giá nhân cách được nêu ở sách Tả truyện của Trung Hoa và đã được Phan Bội Châu lý giải trong luận văn “Vấn đề giáo dục công dụng và giá trị của văn chương”(3) như sau:
“Tả truyện có mấy câu nói rằng: “Thái thượng lập đức, kỳ thứ lập công, hựu kỳ thứ lập ngôn”. Dịch nghĩa: người ở đời cao thứ nhất là một hạng người lập nên đạo đức; lại thứ hai nữa là hạng người lập nên công nghiệp lớn; lại thứ xuống nữa thì hạng người lập ngôn. Ba hạng người ấy, rặt là những người có ích cho loài người; phải nhận cho là có giá trị.
Lập đức là một hạng người gây dựng nên một nền đạo đức. Tỷ như: Đức Phật Thích Ca, Đức Thánh Giêxu, mỗi người có lập thành một khuôn đạo đức, mà giữa bản thân các Ngài ấy, vẫn cũng đáng làm một cái gương đạo đức cho trong đời. Đức Thích Ca thì cốt cái chủ nghĩa Phật với chúng sinh bằng một lớp “Phật sinh bình đẳng”. Đức Giêxu thì cốt cái chủ nghĩa yêu người như yêu mình “ái nhân như kỷ”, thật rõ ràng là một hạng người lập đức mà ở trong loài người, không ai siêu việt hơn được nữa. Còn thứ nữa là hạng người lập công. Lập công như thế nào? Đụng gặp ở trong đời ấy, có đại tai đại nạn mà nhờ người ấy cứu vớt xong; có đại lợi đại phúc mà vì người ấy gây dựng nên. Tức như nước Tàu, nhờ có vua Hạng Vũ mà trị được họa hồng thủy, nước Tây nhờ có ông Kha Luân Bố mà phát hiện được Mỹ châu; nước ta nhờ có vua Quang Trung mà đuổi được giặc Mãn Thanh. Những người ấy chính là hạng người lập công, so với người lập đức, vẫn không in nhau, cũng là hạng người có công lớn với đời và người ta, cũng nhận cho là có giá trị nặng lắm. Còn thứ xuống nữa là hạng người này: Kể về phần đức, chỉ là đức thông thường, kể về phần công, không có công gì trác việt, nhưng mà tấm lòng đau đời xót tục, đôi tay chữa cháy vớt chìm, chẳng khác gì lập đức lập công đâu. Nhưng hoặc vì thời thế gay go, hoặc vì chủ nghĩa trái tục, hoặc vì năng lực còn kém, hoặc vì địa vị còn thua mà không thể làm được những việc như các người trên kia nói, vạn bất đắc dĩ, mới phải mượn ba tấc lưỡi làm bộ máy xoay đời, cậy một ngòi lông làm khuôn lò nấu tục, mà các nhà lập ngôn mới nảy ra Khổng Tử vì sao có lục kinh? Mạnh Kha vì sao có thất thiên”(4).
Đối chiếu với những lý lẽ trên đây về “tam bất hủ”, tôi thấy trong lịch sử Việt Nam trung đại, không ai đáng được coi là đệ nhất minh triết bằng vua Trần Nhân Tông. Trong cuộc đời của Ngài, ba thứ “lập” đó vừa đan xen nhau vừa có trước có sau, và lập đức là nền tảng. Nhưng ở đây, xin theo trình tự mà quan niệm “tam bất hủ” đã nêu lên để nói một đôi điều.
– Trước hết là lập đức, thì đúng là Trần Nhân Tông chưa có thành quả ngang tầm Đức Phật Thích Ca, Đức Thánh Giêxu, nhưng trong giới hạn của lịch sử Việt Nam thì rõ ràng Ngài xứng đáng là người lập đức. Đó chính là tư tưởng Phật giáo có nguồn gốc Ấn Độ được du nhập vào Việt Nam ta từ đầu Công nguyên, được thời đại Lý – Trần về sau đưa lên vị trí quốc giáo và đã từng một thời góp phần làm nên sự sống vàng son cho đất nước Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm mà Đại thánh Trần Nhân Tông là vị tổ thứ nhất (đệ nhất Tổ) do đã dân tộc hóa được phần nào Phật giáo ngoại lai theo tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” và nhập thế dưới hình thức xuất thế. Quả thật, đây là kho báu nhân văn cao đẹp nhất trong lịch sử tư tưởng Việt Nam ở thời trung đại và vẫn có giá trị lớn lao với thời hiện đại, kể cả tương lai. Người Việt Nam có đại nhãn đại thức hôm nay hẳn là phải cầu nguyện cho kho báu tâm linh này được phục hưng, trỗi dậy hoằng dương hơn nữa trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế đang rất sôi động, rất rộn ràng chưa từng có trên đất nước thân yêu, mà trong đó cái được cũng nhiều nhưng cái mất cũng lắm, một khi mà chủ nghĩa thực dụng tầm thường, chủ nghĩa “Macmitit”(chủ nghĩa cái niêu), kể cả chủ nghĩa vô thần một cách dại dột đang là sự thật gây nhiều bức xúc. Những tiến bộ trong chính sách tôn giáo của nhà nước, trong đó có phần coi trọng Phật giáo là điều rất đáng mừng cho đất nước. Cứ nhìn vào cảnh tượng các thiện nam tín nữ, cả già lẫn trẻ, khách thập phương ngày ngày trẩy hội Yên Tử, chùa Hương… đông vui hơn; cứ nhìn vào việc tái thiết Tây Thiên Trúc Lâm thiền viện tại Vĩnh Phúc; việc xây dựng khu tâm linh Phật giáo Bái Đính ở Ninh Bình… cùng với việc khôi phục lại nhiều chùa chiền ở nhiều nơi trên cả nước… ai mà không ấm lòng, ít ra cũng thấy mảnh đất mà chân mình đi giữa cuộc đời này chưa đến nỗi hẫng hụt. Và xin đừng quên điều này: chính người lập đức là Đại Thánh Trần triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự cổ Phật Trần Nhân Tông đang hiện diện với đất nước hôm nay và chắc chắn là cả mai sau.
– Về tư cách người lập công Trần Nhân Tông thì đã quá rõ. Ngài là vị vua trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1287-1288) thắng lợi mà sử sách bao đời nay đã tôn vinh. Vấn đề là cần hình dung cho hết tầm vóc vĩ đại của công lao này bằng cách nhìn rõ hơn nữa tương quan lực lượng giữa ta và địch, cùng điều kiện đơn thương độc mã của dân tộc ta thuở ấy vốn đất chưa rộng, dân chưa đông, thế mà tiếp theo chiến thắng lần thứ nhất (1258) đã thêm hai lần chiến thắng đế quốc Nguyên – Mông khổng lồ nhất của thế giới trong thời trung đại. Lập công như thế, trong thời trung đại, hỏi ai bằng?
– Rồi nữa là việc lập ngôn của Trần Nhân Tông thì các sách văn học sử, các hợp tuyển thơ văn xưa nay cũng đã cho biết phong phú là thế nào. Chỉ tiếc là phần còn lại so với những gì đã có chẳng đáng là bao. Tuy vậy cũng đủ cho hậu thế hình dung phần nào tầm vóc tư tưởng, nhân cách, tâm hồn và tài năng của nhà văn hóa, nhà thơ Trần Nhân Tông.
2- Có hai điều nữa hoặc là nổi trội, hoặc là hiếm có trên cương vị một bậc minh quân. Lịch sử trung đại Việt Nam cũng không hiếm những bậc minh quân. Và đã là minh quân thì tất nhiên ai cũng có những nét đẹp trong nhân cách, trong sự nghiệp, trong cuộc đời. Nhưng quả thật chưa thấy có vị minh quân nào có được một điều nổi trội và một điều hiếm thấy lạ như vị minh quân Trần Nhân Tông.
a) Điều nổi trội là khả năng gây dựng khối đoàn kết trong nội bộ vương triều và quan trọng hơn là với cả cộng đồng dân tộc. Điều này, sử sách cũng đã nói nhiều, tôi chỉ xin nói lại một hành động của Thượng hoàng Trần Thánh Tông nhưng cũng có phần của vua Trần Nhân Tông đã làm ngay sau khi chiến thắng giặc Nguyên – Mông, được sử gia Ngô Sĩ Liên chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau:
“Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt để yên lòng những kẻ phản trắc”.
Phải nói đây là một cách hành xử vượt hẳn lên trên sự thông thường. Thông thường là sau chiến thắng thì phải trừng trị những kẻ phản trắc. Nhưng đây lại không. Không, để kẻ phản trắc an tâm quay về với chính nghĩa, với dân tộc. Không, để tránh sự trả thù nhau trong nội bộ người dân. Quan trọng hơn là củng cố khối đoàn kết dân tộc để phát triển đất nước. Có dịp xem xét một cách hệ thống các tình huống đối xử với những kẻ phản trắc trong lịch sử sau những lần chiến thắng ngoại xâm, càng thấy cách cư xử của Nhị thánh: Trần Thánh Tông và con là Trần Nhân Tông mới thấy cao siêu làm sao. Tiếc là đời sau, đã không biết học đời xưa, đã gây nên những tổn thất đáng tiếc. Đời Trần, sau chiến thắng Nguyên – Mông, cả dân tộc đoàn kết trọn vẹn đến mấy vương triều sau mới có chuyện lục đục, chính là nhờ có Nhị Thánh minh quân đó. Chứ đến triều Lê sơ, ngay sau chiến thắng giặc Minh thì đã có chuyện mấy vị đại công thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Sát bị sát hại, dù đây mới chỉ là sự rạn nứt trong nội bộ vương triều chứ chưa phải là ở phạm vi dân tộc như về sau. Chuyện vừa nhắc lại là thêm một chứng cứ để nghĩ về vai trò của Phật giáo đời Trần, một tôn giáo có tình thương bao la hơn bất cứ tôn giáo nào, mà với ai đó, có thể cho là không tưởng, là thủ tiêu đấu tranh, nhưng nghĩ cho kỹ, chính đó mới là điều diệu kỳ, cần nhất cho sự sống nhân gian mà Nhị Thánh đã thể hiện.
b) Điều hiếm lạ là đã làm vua mà lại không chịu để mình rơi vào bi kịch của người cầm quyền. Với người cầm quyền, có bi kịch dù ít dù nhiều vốn là quy luật khắc nghiệt, khách quan trong sự sống. Cứ nhìn nhận một cách lạnh lùng vào lịch sử nhân loại, cổ kim, đông tây, có đúng thế không? Nhưng với vua Trần Nhân Tông thì xem ra có khác. Được vua cha truyền ngôi thì làm vua là để xây dựng vương triều, để lãnh đạo đất nước chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, làm thêm việc này việc khác ích quốc lợi dân, nhưng rồi “tri chỉ” (biết dừng), chuyển sang làm Thái Thượng hoàng, đóng vai trò quân sư, nhưng rồi lại “tri chỉ”, từ giã hẳn cung điện, ngai vàng, lên Yên Tử, sống với mây trời gió lộng, với thiên nhiên cây cỏ, giữa núi đồi lớp lớp, khổ luyện để thành Đệ nhất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm mà hình thức thì có vẻ như lánh đời nhưng bản chất lại là một phương thức xây dựng cuộc sống lấy tâm linh, lấy tình thương mênh mông bao la chúng sinh, kể cả muôn loài làm nền tảng. Hãy từ triết học mà nghĩ cho thật đến nơi đến chốn về sự sống con người vốn thiên hình vạn trạng trên trái đất này để ngộ ra chân lý đó. Ít ra cũng thấy ở đây, trong trường hợp vị đại đế đã thành Đại thánh Trần Nhân Tông, cách cư xử đó cũng tránh cho mình cái bi kịch trần gian mà tạo hóa đã bắt những người cầm quyền từ cổ chí kim trên trái đất này hoặc ít hoặc nhiều đã phải nhận lấy dù trong số đó đã không ít là vĩ nhân, đại vĩ nhân.
Bạn đọc kính mến!
Một thoáng – mới là một thoáng thôi, cung chiêm Đức Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự cổ Phật Trần Nhân Tông, tôi đã nghĩ vậy, đã mệnh danh Ngài là đệ nhất minh triết của Việt Nam (hẳn cứ nói trong phạm vi thời trung đại đã) – không biết có được không. Xin quý vị vui lòng chỉ bảo thêm. Xin cảm ơn trước.
Yên Hòa Thư Trai
GS NGND Nguyễn Đình Chú
————-
(Nhân dịp kỷ niệm 700 năm qua đời của Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông)
(1) Do nhóm Trương Đình Nguyên biên dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2001.
(2) Do nhóm Jim Water, Nguyễn Văn Đồng, Phùng Phương Nhi biên dịch, NXB Thế Giới, Hà Nội, 1998 (tái bản).
(3) Xem: Phan Bội Châu toàn tập – Tập VII, Chương Châu biên soạn, NXB Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
(4) Lục Kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, Bảy Thiên: Sách Mạnh Tử gồm bảy thiên. Mạnh Kha là tên của Mạnh Tử.