Mùa Xuân và Hoa Lan

Nguyễn Duy
IMG.107“Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn…

…..
Nghe bài hát Hoa Xuân nhẹ nhàng trong tiếng hát của cố danh ca Hà Thanh thật làm lòng tôi quá đỗi nhẹ nhàng như hòa vào khí trời mùa xuân ấm áp. Ngồi và chợt ngẫm nghĩ…

Một Xuân mới lại đến, vẫn như mọi lúc tôi có một sở thích khá đặc biệt là thường dùng một chiếc loa mini nhỏ gọn cùng chiếc laptop và rồi mở những bài hát có sẵn hay một đĩa nhạc nào đó để rồi vừa chăm sóc lan vừa nghe nhạc. Đây là một cách thư giãn đầy hiệu quả trong những lúc rãnh rỗi với cuộc sống luôn hối hả hiện nay.

Hơn thế nữa chính là đã bao giờ bạn nghĩ cây cối biết cảm thụ âm nhạc hay không? Hãy tin là có và dành chút thời gian tìm hiểu để biết được những điều bất ngờ độc đáo quanh chúng ta. Hãy thử dành một chút thời gian bên những cây lan cho chúng một chút yêu thương, quan tâm hợp lý, chắc chắn sẽ thấy được kết quả.

Trồng lan như một thú vui và khi ngắm những cây lan ra hoa đó là thành quả. Nghĩ lại, hoa lan đến với tôi cũng đầy bất ngờ và có lẽ nên gọi là cái duyên, là cả một chặng đường. Đôi khi tự cảm thấy trong tôi luôn có một tình yêu dành cho thiên nhiên rất lớn chẳng biết đến từ đâu…

IMG.108Nói đến sở thích nuôi trồng hoa lan của tôi có lẽ phải nói đến một sở thích khác có được từ những ngày đầu khi vừa vào trường cấp ba (high school) tại Sài Gòn chính là… Nuôi cá. Những chú cá nuôi làm cảnh đầu tiên của tôi có lẽ rất quen thuộc đó là cá vàng (Goldfish) và rồi từ những con cá tròn trịa kia như đã kéo tôi qua một trang khác trong cuộc sống, khác hẳn với các bạn bè cùng lứa, cùng cái thú chơi cá cảnh mỗi lúc một lớn mạnh hơn. Sau cá vàng lại là những con cá khác theo thị hiếu lúc bấy giờ tại Việt Nam như cá La Hán (Flowerhorn cichlid), tiếp đến là những giống cá khó nuôi hơn hơn như cá dĩa (Discus fish), cá rồng (Arowana)…Và rồi có lẽ may mắn đến khi từ những con cá nuôi chơi kia lại xuất hiện những cặp cá bố mẹ.

Cứ thế những bầy cá con ra đời và nguồn vốn cho thú vui này cũng dần được thu hồi và thế rồi từ những cái vô tình đến những việc hữu tình tôi đến với hoa lan. Với cái túi tiền học sinh lúc bấy giờ thì nói vui một chút có lẽ phải cảm ơn những chú cá kia đã giúp tôi có tiền “đóng học phí” cho một thú chơi mới. Thế là mọi thứ lại dần chuyển qua một hướng khác thanh đạm,tao nhã và nhẹ nhàng hơn.

Thế mới nói hoa lan đến như một cái duyên nào đó thật đặc biệt. Sau một vài năm trồng lan tại Việt Nam thì lại qua Mỹ và cứ nghĩ rằng sẽ tạm gác qua một bên để lo cho cuộc sống mới cùng với gia đình.

IMG.109Thế nhưng vào một dịp tình cờ khi thấy những cây Kiếm Lan (Cymbidium) sau những ngày tết góp vui cho các gia đình Á Châu thì khi hoa đã tàn nhụy đã phai lại bị bỏ ra một góc trước cửa.

Như thương cảm cho những nàng tiên của tạo hóa và cũng có lẽ với lòng của một người trồng lan cũng không nỡ khi thấy những cây lan bị vất đi như thế và buộc lòng đến hỏi và xin cây về nuôi trồng. Từ những cây lan đầu tiên ấy trên đất Hoa Kỳ đã đưa đường dắt lối cho tôi về lại chốn cũ với thú vui lành mạnh này. Hơn thế nữa là lại phải học hỏi thêm rất nhiều vì dù là trồng lan nhưng cách trồng ở Mỹ và Việt Nam cũng có những sự khác biệt nhất định. Có lẽ không phụ lòng người, những cây lan kia lại hồi sức và cho ra những cành hoa tươi tắn khi Xuân lại về.Cũng vì thế vườn lan của tôi tại nơi mới dần dần nhiều thêm. Với tôi và có lẽ cũng cùng một cảm giác với tất cả những ai yêu quý loài hoa vương giả này thì hoa lan như có một ma lực nào đó cuốn hút mãnh liệt những người yêu cái đẹp.

IMG.110Tuy nhiên muốn học hỏi cũng phải có nguồn thông tin, và với tôi trang hoalanvietnam.org như một người bạn, một người thầy. Càng ngưỡng mộ hơn với những người có công tạo nên và duy trì trang web như bác Bùi Xuân Đáng, chú Nguyễn Xương và nhiều hơn nữa. Sự thật mà nói trang web như một cuốn từ điển cho những ai cần đến nguồn tư vấn trong thú chơi này dù là ít hay nhiều.

Ngay từ những ngày tại Việt Nam tôi cũng đã rất thích và luôn tự tìm tòi học hỏi trên đấy rồi đưa ra cách áp dụng cho mình. Đến khi qua Mỹ và lại bắt đầu trồng lan tôi cũng đã nhiều lần muốn thử gia nhập hội vào những ngày họp định kỳ. Thế nhưng thật sự trong lòng cũng có chút e ngại, vì thấy sao mọi người trồng lan giỏi quá, lại toàn những bụi lan thật đẹp. Các cô chú bác lớn tuổi khá nhiều cũng khiến tôi lo lo không biết rằng mình trẻ quá vào hội có kỳ hay không?

Các cuộc họp diễn ra thân tình vui vẻ, các cô, chú, bác, anh, chị đều thân thiết mỗi người một tay, góp công cùng xây dựng hội cũng như thoải mái chia sẻ kinh nghiệm trồng lan mà không chút nào gọi là “giấu nghề” với những người đến sau như tôi. Cũng vì thế mọi thắc mắc được giải tỏa và có lẽ với cái máu tuổi trẻ nên cũng muốn trợ giúp mọi người phần nào.

Qua vài lần trao đổi với bác Đáng trước khi chính thức vào hội, dù chưa là hội viên thế nhưng vẫn được bác tin tưởng giao cho việc quản lý trang nhà của Hội Hoa Lan Việt Nam trên Facebook.

IMG.111Càng sinh hoạt với hội lại càng thêm nhiều niềm vui. Và có lẽ do nhỏ tuổi hơn cả nên cũng được mọi người quý hơn chăng?

Qua nhà bác Đáng chơi và ngắm những cây lan bác trồng dù rằng không còn được nhiều như trước thế những cũng không ít những cây lan đẹp nhất là các loại lan Việt Nam. Trân quý hơn nữa là tình yêu bác dành cho hoa lan, thật nhiều và đầy quý trọng.

Với các cây lan khó tính, đôi khi chăm không tốt bác sẵn sàng chia sẻ hoặc giao đi cho chủ mới để cây lan có thể phát triển tốt tại một chỗ tốt hơn. Như cây Calanthe kawakamii nay được đổi tên là Calanthe sieboldii có hoa màu vàng tươi được bác đưa để chăm sóc thử, thì nay cũng ra được một chùm hoa sau Tết. Thế nhưng tôi chỉ để lại một bông nhằm dưỡng sức cho cây. Có lẽ không chỉ mình tôi mà sẽ có rất nhiều người yêu lan ở nhiều lứa tuổi muốn gửi lời cảm ơn đến bác, là đầu tàu, với biết bao công sức bỏ ra khó mà kể hết.

Và rồi sau một hồi những suy nghĩ hiện lên trong đầu khi ngồi ngắm những cành hoa lan đang đón Xuân mới. Lên mạng và dạo trên Facebook để xem các hình ảnh đến từ rất nhiều nơi thì bất chợt tìm vào được album hình ảnh của cô Phạm Hảo trên Facebook, bình luận và được hồi đáp.

Sau vài câu trò chuyện, bất chợt cô hỏi “… Quên cô cần hỏi là Duy đã có cây Trúc Mành nào chưa?” Và rồi sau câu trả lời lại thì một lúc sau nhận được trả lời từ cô với ý sẽ tặng cho một cây Trúc Mành.

IMG.112Quả thật là đầy bất ngờ và đúng như cô nói, sau một tuần thì nhận được điện thoại bác Đáng gọi qua nhận cây Trúc Mành cô Hảo gửi tặng bác vừa nhận được. Thật sự trong lòng hiện lên một niềm vui khó diễn tả khi vừa mới đó trong ngày tân niên được bác Đáng đưa cho một cây Vanda denisoniana (Mỹ Dung Dạ Hương) cũng do cô Hảo gửi tặng mà chưa nói với cô lời cảm ơn nào, thật là thiếu sót.

Trúc Mành hay còn gọi là lan Hoàng Thảo Trúc Mành với tên khoa học là Dendrobium falconeri, đây là một giống lan Việt rất đẹp nhưng nổi tiếng khó trồng tuy nhiên lại được cô Phạm Hảo thuần dưỡng một cách tài tình và đây cũng là cây lan được cô yêu quý hết mực.

 Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy tình yêu của cô dành cho hoa lan lớn thế nào. Không biết nên nói gì hơn nữa nhưng cũng xin gửi đến cô lời cảm ơn chân thành và sẽ cố gắng chăm sóc những cây lan quý thật tốt.

Để đáp lại thinh tình của cô Pham Hảo, tôi xin tặng lại cô tấm ảnh cây Den. pendulum tôi vừa đoạt giải trong ngày kỷ niệm 10 năm thành lập hội vừa qua.

Cũng xin mượn vài hình ảnh cây Trúc Mành của cô Phạm Hảo để chúng ta đuợc biết rõ vẻ đẹp cây lan cô đã chia sẻ với mọi người ra sao.

Nếu quý vị chưa biết rõ về cây lan này, xin hãy đọc bài “Trồng Lan Trúc Mành, Dendrobrium falconeri” do cô Phạm Hảo viết đã đăng trên trang hoalanvietnam.org. vào năm 2009.

IMG.113

Những món quà được các tiền bối trong hội tặng cho dù là lớn hay nhỏ, nhiều hay ít đều mang những tình cảm thật quý giá và cũng thật khó để kể hết chỉ trong một bài viết nên xin để dành lại cho một bài viết khác.

Vài dòng viết ra trên đây xin được chia sẻ với mọi người và nếu có gì không hay, cần nhắc nhở, xin vui lòng chỉ bảo. Chúc các bác, các cô, chú, anh chị cũng như các bạn yêu lan một mùa Xuân hoa nở đầy vườn.

Anaheim 3/2014
Nguyễn Duy

[Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm