NĂM 2014 QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI CỦA TRUNG QUỐC
Fareed Zakaria
Trung quốc đang phải đối phó với những vấn đề to lớn như Tham Nhũng, Nợ Nần, Ô Nhiễm. Liệu các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể giải quyết nổi những khó khăn này hay không?
…..
Ở TRUNG HOA, NGƯỜI TA GỌI NĂM 2014 LÀ NĂM NGỌ, hay NĂM CON NGỰA. Nhưng đối với thế giới, có lẽ năm này sẽ là năm quyết định cho Trung quốc. Nước Trung Hoa đang phải đối phó với một khúc quanh lịch sử quan trọng: Hoặc là họ sẽ phục hồi toàn bộ hệ thống kinh tế, giải quyết tận gốc rễ những vấn đề về môi sinh và xã hội, để giúp đất nước phát triển, ổn định trong mười năm sắp tới. Nếu gỉải quyết được, Trung Quốc sẽ trở thành nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Nếu không, năm 2014 sẽ là năm mà những thành công kỳ diệu từ bâý lâu nay của Trung Hoa sẽ gặp những ngăn trở nghiêm trọng, và đưa đến hậu qủa tai hại khủng khiếp.
Người ta từng đưa ra những dự đoán như vậy từ nhiều năm trước. Nhưng Trung quốc vẫn thắng lướt được nhiều cơn khủng hoảng, phong ba. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã khéo léo điều chỉnh chính sách của họ trong nhiều giai đoạn khác nhau, và đạt được nhịp độ phát triển đáng khâm phục. Trung quốc từng xây dựng nền kinh tế của họ từ con số không, lập ra hệ thống hạ tầng cơ sở có chất lượng hàng đầu thế giới, và thực hiện kế hoạch đô thị hoá thành công, đem hàng triệu nông dân từ thôn quê ra thành thị làm công nhân.
Nhưng kỳ này, hoàn cảnh thay đổi, khác xưa rất nhiều. Trung quốc từng gây ra những mất thăng bằng về kinh tế trong nhiều năm. Những bất cân đối đó đến nay không còn chịu đựng được nữa. Vấn đề cơ bản là trong nhiều năm qua, nền kinh tế Trung quốc được tiếp sức bằng tín dụng rẻ, và những khoản chi tiêu đầu tư của chính phủ. Đây là vấn đề vẫn thường xảy ra ở các nước đang phát triển. Ngay từ khi chưa xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, chính các quan chức lãnh đạo của Trung Hoa, như Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cũng phải công nhận nền kinh tế Trung Hoa lâm vào tình trạng “mất ổn định, bất cân đối, và không thể chiu đựng lâu được nữa.”. Chính phủ cần phải ngưng đừng bỏ thêm tiền cho những dự án xây dựng xây hạ tầng cơ sở, cho những công ty quốc doanh, và cho khu vực xây cất nhà cửa. Nhưng quyết định này rất khó áp dụng, bởi vì sự phát triển kinh tế lệ thuộc nhiều vào tín dụng dễ dãi, và khoản tiền do chính phủ bao cấp. Ngoài ra, những người thủ lợi đồng tiền dễ dãi này lại chính là những công ty quốc doanh, hay cán bộ lãnh đạo đảng có quyền lực ở điạ phương.
SAU ĐÓ XẢY RA CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÁNH, và nền kinh tế toàn cầu bị chậm lại. Nhưng đối với Bắc Kinh, tình trạng phát triển kinh tế chậm lại là điều không thể chấp nhận được. Sự chính danh của Đảng Cộng Sản không phải xuất phát từ ý thức hệ, mà từ khả năng lãnh đạo của Đảng. Do đó, Đảng Cộng Sản Trung quốc quyết định đi theo học thuyết phát triển của kinh tế gia John Maynard Keynes trong việc đối phó với khủng hoảng. Họ sử dụng khoảng 10% Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) để thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển. Chính sách này đem lại kết quả tốt. Trong ít năm gần đây, tỉ lệ phát triển trung bình của Trung quốc vẫn duy trì ở mức trên 9%.
Nhưng họ phải cái giá rất đắt cho nỗ lực duy trì mức phát triển cao. Theo một bài nghiên cứu của chuyên gia kinh tế trong tổ hợp tài chánh Morgan Stanley, ông Ruchir Sharma, đăng trên Wall Street Journal tổng số nợ trong khu vực công cũng như tư của Trung quốc lên đến 200% Tổng Sản Lượng Quốc Gia. Đây là một mức nợ quá cao so với một nước đang phát triển. Các công ty doanh nghiệp, cũng như chính phủ điạ phương mắc nợ rất nhiều. Họ đi vay nhiều qúa để tạo nên sự phát triển kinh tế. Nếu không có sự thay đổi trong chính sách kinh tế nhằm tách rời những khu vực lớn của nền kinh tế ra khỏi sự lệ thuộc vào tín dụng dễ dãi, phát triển kinh tế mạnh sẽ làm cho nền kinh tế cả nước bị nổ tung, và mô thức phát triển áp dụng từ bấy lâu nay sẽ không còn thích ứng được nữa.
Bắc Kinh còn phải đối phó với những khó khăn nghiêm trọng khác. Người dân Trung Hoa khắp nơi trong nước đều nhận thấy đất nước của họ bị ô nhiễm nặng, không khí và nước uống bị dơ bẩn ở mức đáng sợ. Họ bắt đầu lên tiếng than phiền công khai, và tỏ ra bực tức. Họ cũng bắt đầu nổi giận với tệ trạng tham nhũng ngày càng phổ biến. Tệ nan tham nhũng ở Trung Hoa được che dấu kín vì chính quyền kiểm soát chặt chẽ ngành truyền thông, nhưng Đảng Cộng Sản biết rất rõ về tệ nạn tham nhũng, và họ hứa sẽ cải tổ hộ thống thưởng phạt công minh trong đảng, để đảng viên bớt tham nhũng, chú trọng nhiều vào việc cứu chữa những hư hại về môi sinh, không phải chỉ biết lo phát triển kinh tế một cách vô trách nhiệm.
Khi thực hiện những thay đổi kể trên, đảng Cộng Sản Trung quốc sẽ gặp những chống đối, và phản ứng tiêu cực về chính trị trong nội bộ đảng Cộng Sản, cũng như thành phần xã hội có nhiều quyền lực. Chủ tịch Tập Cận Bình đang tung ra chiến dịch bài trừ tham nhũng. Nhưng nhiều người ở Trung quốc cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Tập chỉ chọn đánh một vài đối tượng mà họ muốn hạ bệ mà thôi. Chủ tịch Tập cũng đang muốn củng cố quyền lực của Đảng bằng cách triệt khẩu những bài chỉ trích đăng trên truyền thông, hay ở các trường đại học. Ngay cả những doanh nhân trong khu vực tư lên tiếng chỉ trích Đảng cũng bị đập ngay lập tức. Ông Tập Cận Bình vừa cho thành lập hội đồng an ninh quốc gia, tập trung vào việc duy trì an ninh trong nước. Đây là dâú hiệu cho thấy ông đặt ưu tiên an ninh lên hàng đầu, và đó chính là những khó khăn lớn nhất ông sẽ phải đối phó trong tương lai.
TÔI KHÔNG DÁM ĐÁNH CƯỢC TRUNG QUỐC sẽ thắng trong ván bài sắp tới hay không. Giới lãnh đạo Trung quốc đã từng chứng tỏ cho thấy họ khả năng chọn những quyết định khó khăn, và thừa khôn ngoan trong việc điều hành chính sách. Ông Tập Cận Bình thâu tóm được rất nhiều quyền hành trong tay, và cho thấy ông là người sẽ dùng tất cả quyền hạn có trong tay để tên tuổi mình đi vào lịch sử Trung Hoa như một nhà cải cách tài ba, đưa Trung quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh hơn.
Nếu giới lãnh đạoTrung quốc có thể thực hiện sự chuyển mình một cách tốt đẹp, đất nước này sẽ hùng mạnh hơn, ổn định hơn, và trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu họ không làm được sự chuyển tiếp hoàn hảo, Trung quốc sẽ phải đối phó với tình trạng suy sụp, và sự sụp đổ đó sẽ trầm trọng hơn các nước nhỏ khác như Nam Hàn và Đài Loan. Hai nước này đã tiến đến tình trạng ngưng phát tiển kinh tế mạnh, và an lòng với mức độ phát triển bình thường. Trong nhiều trường hợp suy xụp về kinh tế lại kéo theo những vụ phản đối, biểu tình ở khắp nơi, mở đường cho những đòi hỏi phải cải tổ hệ thống chính trị.
Duy trì mô hình phát triển của Trung quốc đã là chuyện khó rồi. Nhưng để làm được việc này, cộng thêm những thử thách về chính trị liên hệ đến phát triển, sẽ là bài trắc nghiệm hết sức cam go, dù cho giới lãnh đạo là những nhân vật tài ba ngoại hạng.
Fareed Zakaria
(TIME ngày 13/1/2014)
Nguyễn Minh Tâm dịch