NASA phát hiện 9 hành tinh có thể tồn tại sự sống

Trong cuộc họp báo vừa diễn ra lúc rạng sáng ngày 11/5 (theo giờ Việt Nam), ngoài khám phá gây chấn động về việc tìm thấy oxy trên sao Hỏa, NASA cũng chính thức tuyên bố đã phát hiện 1.284 hành tinh mới ngoài hệ Mặt trời và 9 trong số này được coi là có thể tồn tại sự sống.

IMG.036

Hình mô phỏng một phần khám phá hành tinh có chọn lọc của kính viễn vọng không gian Kepler. Ảnh: NASA

Tất cả các hành tinh mới đã được kính viễn vọng không gian Kepler của NASA phát hiện trong sứ mệnh nghiên cứu gần 150.000 ngôi sao trong một vùng bầu trời nhất định trong giai đoạn từ 2009 – 2013. Theo các chuyên gia, 1.248 là số lượng hành tinh mới được công bố cao kỷ lục từ trước tới nay và gần như gấp đôi số lượng hành tinh ngoài hệ Mặt trời đã được xác thực trước đây trong vũ trụ.

Để rút ra kết luận trên, các nhà khoa học thuộc Sứ mệnh kính viễn vọng không gian Kepler đã sử dụng một kỹ thuật mới, cho phép họ đánh giá khả năng các dấu hiệu thu được thực sự là của các hành tinh, thay vì của các thiên thể khác.

“Khám phá làm chúng tôi dấy lên hy vọng rằng, ở nơi nào đó ngoài kia, quanh một ngôi sao rất giống như Mặt trời của chúng ta, chúng ta rốt cuộc có thể tìm thấy một Trái đất nữa”, Ellen Stofan, khoa học gia trưởng tại tổng hành dinh của NASA, cho biết.

Khi Kepler tìm kiếm các hành tinh ngoài hệ Mặt trời, nó xem xét ánh sáng phát ra từ các ngôi sao xa xôi. Bất kỳ dấu hiệu nào của thứ ánh sáng đó mờ đi đôi chút trước khi tiếp cận kính thiên văn đều có thể là một hành tinh đang di chuyển qua phía trước mặt trời của nó. Song, các nhà nghiên cứu cũng không loại trừ khả năng các hành tinh không phải là dạng thiên thể duy nhất có thể làm mờ ánh sáng của một ngôi sao, vì một hệ thống sao kép bao gồm cả một sao lùn màu nâu hoặc ngôi sao có khối lượng nhỏ cũng có thể làm được điều đó.

Nhằm xác thực những gì đang diễn ra, trong quá khứ các nhà khoa học phải tiến hành theo dõi tiếp về mỗi ứng viên hành tinh một lần nhờ sử dụng các kính thiên văn đặt trên mặt đất. Đây là một công việc mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Đó là lí do tại sao trước đây, họ từng chỉ xác thực 984 hành tinh ngoài hệ Mặt trời, bất chấp 7 năm xúc tiến sứ mệnh Kepler.

IMG.037

Tuy nhiên, kỹ thuật xác thực mới đã đánh giá được khả năng các ứng viên hành tinh là hành tinh thực sự một cách đồng loạt, không đòi hỏi thêm bất kỳ sự theo dõi nào khác. Kỹ thuật này được thực hiện thông qua việc tính toán 2 thứ: đầu tiên là hình dạng tín hiệu quá cảnh của một ứng viên hành tinh giống hành tinh thực sự đến mức nào và hai là các thiên thể không phải hành tinh nhưng phát tín hiệu “giả” tương tự phổ biến đến mức nào trong vũ trụ.

Việc kết hợp các thông tin này mang tới cho các nhà khoa học một kết quả về độ tin cậy từ 0 đến 1 cho mỗi ứng viên hành tinh. Các ứng viên có độ tin cậy lớn hơn 99% hiện có thể được gọi là “hành tinh được xác thực”, mà không cần phải thực hiện bất kỳ quan sát theo dõi nào nữa.

Timothy Morton thuộc Đại học Princeton, người phát triển kỹ thuật mới, sau đó còn kiểm tra chéo các kết quả thu được bằng phương pháp mới với dữ liệu từ các theo dõi trên mặt đất trong quá khứ và phát hiện rằng, các phỏng đoán của ông trùng khớp gần như hoàn hảo với những gì các kính thiên văn quan sát đuợc.

Tất nhiên, mục đích của tất cả các phát hiện về hành tinh đều nhằm trả lời cho câu hỏi lớn muôn thuở rằng “Liệu chúng ta có cô độc trong vũ trụ?”. Để tìm ra điều này, các nhà khoa học thuộc sứ mệnh Kepler đã có thể sử dụng tín hiệu quá cảnh của các hành tinh để tính toán kích cỡ cũng như khoảng cách giữa chúng với ngôi sao của mình nhằm xác định liệu các hành tinh đó có thể dung dưỡng sự sống hay không.

Dựa vào các tiêu chí đó, tuyên bố mới của NASA đã đề cập tới 9 hành tinh được coi là có thể cư trú được. Chúng được cho là sở hữu kích thước gần gấp đôi Trái đất và tọa lạc trong “vùng Goldilocks” (“vùng sự sống” hay “vành đai xanh”) của ngôi sao của chúng, đồng nghĩa với việc chúng không ở quá gần hoặc quá xa ngôi sao của mình và có khả năng chứa nước ở dạng lỏng.

Tuyên bố không hàm ý khẳng định tất cả các hành tinh nói trên đều đang dung dưỡng sự sống. Nhưng nếu không có khả năng nghiên cứu chúng một cách chi tiết hơn, đây là cách tốt nhất chúng ta đánh giá được tính phù hợp cho sự sống như chúng ta biết của một hành tinh.

Mục tiêu cuối cùng của giới nghiên cứu là có thể phát hiện ánh sáng phát ra từ một trong những hành tinh tiềm tàng khả năng cư trú được này, để chúng ta có thể phân tích các khí trong bầu khí quyển của nó – những dấu hiệu sẽ cho chúng ta biết rõ hơn về việc liệu sự sống có từng tồn tại ở đó hay có thể hình thành trong tương lai hay không.

Điều đáng buồn là, Kepler gần như đang ở cuối sứ mệnh săn tìm hành tinh của nó. Kính thiên văn này sẽ tiếp tục quan sát các hiện tượng thiên văn kỳ lạ trong tương lai trước mắt, nhưng được dự đoán sẽ cạn kiệt nhiên liệu trong khoảng 2 năm tới, vào mùa hè ở Bắc bán cầu năm 2018.

Trọng trách hiện đang được trao cho vệ tinh khảo sát các hành tinh ngoài hệ Mặt trời quá cảnh TESS và kính viễn vọng không gian James Webb. Khi kết hợp hoạt động, cả hai hệ thống này sẽ có thể rà soát thậm chí còn nhiều ngôi sao hơn nữa trong bầu trời đêm và được kỳ vọng sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin hơn nữa về các hành tinh ngoài hệ Mặt trời đang di chuyển theo quỹ đạo quanh chúng.

Tuấn Anh (Theo Scienealert, Washington Post)

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm