Trần Mạnh Hảo
NGẮM TRĂNG TẬP THỂ
Chỉ còn ít ngày nữa, chúng tôi đã phải tạm biệt rừng chiến khu về xuôi, tiếp quản thành phố theo hiệp định Giơ-ne-vơ. Chúng tôi không còn phải đối phó với bom pháo nữa, vì hòa bình đã được lập lại. Tờ báo Chiến Thắng của chúng tôi vẫn ở lán trại trong rừng. Chúng tôi đã phát được khoảng sân rộng, thoáng đãng ánh mặt trời để làm sân sinh hoạt, thể thao văn nghệ hay họp mít-tinh, sáng sáng điểm danh chào cờ. Đang tuần trăng sáng, sắp tới rằm trung thu năm Ngọ 1954. Do đó, ngay từ thượng tuần, anh em đơn vị chúng tôi sau khi học tập kiểm điểm xong, thường tập trung vài ba người từng nhóm uống trà, đàn hát hoặc ngắm trăng. Một lần, tối mười ba âm lịch, ăn cơm chiều xong, Tràng Giang bảo tôi:
– Trăng đẹp thế này mà sinh hoạt xong, có nhiều anh em chuồn vào giường ngủ mất. Có lẽ anh em đó buồn gì chăng, chứ hòa bình thắng lợi rồi đến trăng sao còn phấn khởi, đua nhau tỏa sáng. Mai kia về thành phố điện sáng, lấy trăng đâu mà ngắm chứ.
Tôi ngây thơ hỏi nhà chính trị tài ba:
– Sao dưới phố không có trăng hả anh?
– Ôi, điện nó lắp mất hết trăng còn đâu mà ngắm. Với lại, cuộc sống hòa bình với bao nhiêu nhu cầu, đòi hỏi, con người ta còn thời gian đâu để nghĩ đến trăng với sao. Nhân có thủ phó cơ quan đứng gần đó, Tràng Giang mời lại nói luôn:
– Các đồng chí ạ, con người ta vốn dĩ hay quên lắm, khi sướng là quên ngày khổ, khi vinh hiển không nhớ thuở cơ hàn, lúc no đủ đâu nhớ ngày đói khát. Nếu không làm tốt công tác chính trị, chỉ cần bước chân ra tới cửa rừng là anh em ta quên béng mất chiến khu, quên kháng chiến. Tôi và anh Sao Chổi đã bàn với cấp ủy, tối mai ta tổ chức cho anh em ngắm trăng tập thể. Chớ để vầng trăng đẹp đẽ như thế này hóa thành cá thể, thành tư hữu mất.
Tối mười bốn âm lịch, sau khi anh em họp thảo luận chính trị rồi kiểm thảo thường nhật xong, đang tính về lán ngủ thì nghe tiếng kẻng dài tập họp. Tờ báo lúc đó phát triển khá, biên chế hơn ba chục con người. Tất cả ùa ra tập hợp dưới ánh trăng, trên sân vận động của cơ quan, xếp làm bốn hàng ngay ngắn, riêng Tràng Giang và Sao Chổi là hai người phụ trách tờ báo không phải xếp hàng, mà đứng ngoài điều khiển. Tràng Giang cho anh em ngồi xuống, đoạn nói:
– Thưa các đồng chí, chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta phải bùi ngùi tạm biệt chiến khu để về tiếp quản thành phố ở vùng xuôi. Chia tay với rừng, chân chúng ta đi mà lòng ở lại. Về xuôi, chúng ta gởi lại đây hương hồn bao nhiêu đồng chí đồng bào đã lấy máu xương mình làm nên chiến thắng. Tôi nghĩ rằng, những hồn tử sĩ ấy đã hóa thành ánh trăng tuyệt vời chói sáng trên đầu chúng ta kia, soi cho ta nhìn rõ tâm hồn mình, để mỗi cảm nghĩ, mỗi việc làm chúng ta đều thấm đẫm hơi thở của tinh thần giai cấp. Để khi về xuôi rồi, chúng ta còn mãi giữ lại một ấn tượng sâu đậm cuối cùng của chiến khu Việt Bắc, không phút giây xao nhãng quên đi tám năm kháng chiến trường kỳ gian khồ, chi ủy và ban biên tập tờ báo quyết định mời các đồng chí ra sân cùng xếp hàng ngắm trăng tập thể trong ba tối kể từ tối nay. Thời gian ngắm là một tiếng rưỡi đồng hồ. Đến ngày mười bảy âm lịch, nếu không có gì thay đổi, chúng ta sẽ chuyển căn cứ về vùng phụ cận Việt Trì. Mấy tối nay, ban lãnh đạo thấy các đồng chí cũng có ra sân ngắm trăng nhưng chia thành từng tốp, thậm chí có người ngồi ngắm trăng một mình có vẻ cô độc và tiểu tư sản quá. Chỉ có giai cấp bóc lột, bọn thực dân phong kiến mới thu mình vào vỏ ốc cá nhân ngay cả khi vui chơi, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Còn chúng ta là những người theo chủ nghĩa xã hội. Mà chủ nghĩa tập thể của chúng ta thì không có vầng trăng tư hữu. Với chúng ta, dù trăng sao hoa lá cũng phải có tổ chức, có kỷ luật. Cho nên dù là chuyện vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí của chúng ta cũng phải cần có lãnh đạo. Thôi bây giờ tôi xin nhường lời cho đồng chí chính trị viên tuyệt vời của chúng ta đêm nay là vầng trăng nói chuyện với các đồng chí. Các đồng chí hãy cố gắng mang theo vầng trăng tập thể này làm hành trang đi suốt đời mình. Nào xin mời các đồng chí ngồi xuống, im lặng, chúng ta cùng ngắm trăng. Giờ ngắm trăng bắt đầu, ngắm.
Tất cả hơn ba mươi con người ngồi bó gối, xếp theo hàng, im lặng cùng hướng mặt lên vầng trăng đêm mười bốn đang tỏa sáng xuống núi rừng Việt Bắc. Bài nói của Tràng Giang đã chấm dứt nhưng vẫn còn âm vang trong lòng tôi. Tôi thầm phục anh và ban lãnh đạo tờ báo đã nghĩ ra một công tác chính trị tuyệt vời như thế này. Biến cả ông trăng thành ra đồng chí chính trị viên. Tôi ngồi ở cuối hàng, mặc dù phải chú ý tới nhiệm vụ chính là ngắm trăng, nhưng cũng vẫn liếc mắt nhìn thấy hết những người khác. Tất cả mấy chục con người đều ngồi một dáng ngoẹo đầu, hất mặt lên mặt trăng y hệt như Tràng Giang đang ngồi như tượng đá, bên trên hàng quân làm mẫu mực cho việc ngắm trăng. Tôi trộm nghĩ một cách lếu láo, giá có muỗi hay ruồi vàng đất đau nhói đi chăng nữa, chắc chắn Tràng Giang vẫn quyết cắn chặt môi, nghiến răng chịu đựng không thèm gãi hay xua đuổi, vì anh đã bị ông trăng thôi miên rồi. Đêm rừng yên lặng một cách hoang dã. Tôi nghe có tiếng sương rơi từ phía những tàn lá góc sân. Vầng trăng mười tư còn hơi meo méo, gác trên phía đông trời, đối diện với bốn hàng người trên sân cỏ.
Dưới ánh trăng mờ ảo, nhưng con người trước mặt tôi như vừa bị hóa thạch, như từ thời tiền sử trôi dạt về đây. Ai biết từng người trong bọn họ nghĩ gì, mắt ngắm mà lòng chưa chắc đã có trăng. Nhưng mỗi con người chúng tôi chỉ là một hạt bụi trong cái thế giới mênh mông có lãnh đạo, có tổ chức này. Ngay cả vầng trăng kia cũng không thoát được số phận bị lãnh đạo ấy. Tôi cũng có mặt trăng riêng của mình. Mặt trăng ấy chính là gương mặt Oanh. May mắn thay cho mỗi cá nhân chúng ta, vì chúng ta còn biết tư tưởng. Cái cõi ấy cũng vô tận như bầu trời đầy trăng này. Đã bao đời nay, bao nhiêu vĩ nhân, bao nhiêu bậc thánh thần hoặc lãnh tụ đã có tham vọng chinh phục cái cõi không thể chinh phục được là tư duy con người. Nhưng tất cả những vị siêu nhân kia dường như đã bất lực, dù có dùng sức mạnh tàn khốc để đe dọa, để làm con người sợ hãi cũng không sao xiềng xích được tư tưởng con người vào gót chân mình. Sự hoạt động của đại não mà người ta tạm gọi là tư tưởng chính là nguồn cội của tự do. Tôi mặc kệ vầng trăng tập thể và sự thiêng liêng của Tràng Giang, Oanh đang hiện ra trước mặt tôi với tất cả vẻ u buồn của nàng, vì tình yêu kia đã bị cuộc kiểm thảo chân thành một cách lếu láo của tôi vừa qua bôi nhọ. Và trước mặt tôi, ánh trăng mờ dần đi để cuối cùng trên bầu trời còn lại một mặt trăng đen. Đêm hôm sau, từ tám giờ tối, tiếng kẻng báo hiệu ngắm trăng vang lên giòn giã. Chúng tôi lại ra sân xếp hàng ngắm trăng tập thể. Trăng trung thu sáng rỡ như một đám cháy lớn góc rừng. Cảnh anh em trong đơn vị ngồi như những mô đất, hệt tối hôm qua, nhưng sao vẫn không thật, như là mình mắc bệnh mộng du. Trước khi vào ngắm trăng, Tràng Giang phê bình một số người hôm qua ngủ gật:
– Tối hôm qua, khi cả tập thể đang say sưa ngắm trăng một cách thiêng liêng thì một vài đồng chí lại ngồi bó gối ngủ gật. Đến nỗi tôi ngồi đằng trước mà vẫn nghe tiếng ngáy khò khò như Trương Phi ấy. Những đồng chí nào ngủ gật khi ngắm trăng tối qua yêu cầu ngày mai tự giác làm bản kiểm điểm. Tôi xin thay mặt ban lãnh đạo tờ báo biểu dương tinh thần ngắm trăng của đồng chí Hùng Thắng, mặc dù bị sốt đến liệt giường, vẫn đòi ra sân bằng được để cùng toàn đơn vị ngắm trăng. Đến nỗi, như các đồng chí thấy, đồng chí Hùng Thắng phải ngồi dựa lưng vào đồng chí chúng ta, để ngắm bằng được trăng rằm đêm nay. Tôi xin các đồng chí vỗ tay tán thưởng tinh thần của đồng chí Thắng. Nào, tất cả chúng ta cùng ngắm trăng, ngắm.
Không khí lại rơi vào chết lặng. Tôi chìm vào tiếng lá rừng trở giắc xạc xào. Gió than vãn gì trong cây không rõ, làm ánh trăng sáng đến rợn người. Tôi cảm thấy bị lóa mắt, khẽ cúi xuống, nhưng lại sợ tình nghi là phần tử ngủ gật, bèn vội ngẩng đầu lên. Mặt trăng dù đang có cả một tập thể đông đúc lặng ngắm, nhưng sao vẫn đơn độc, như một trái tim bị tình phụ giữa trời. Sáng nay, tôi vừa nhận được thư Oanh. Nàng thông báo bằng một giọng buồn đau chua chát, rằng đã nghe người đơn vị tôi nói tôi vừa bị kỷ luật ghi lý lịch vì tội hủ hóa. Oanh nói cô đau khổ vả nhục nhã lắm, nếu đó là sự thực. Nàng nói đang xác minh sự việc, nếu chuyện này không chỉ là tin đồn thì chúng ta phải chia tay nhau thôi. Tôi hoang mang quá, lơ mơ mất người yêu như chơi. Tôi quyết định sáng mai sẽ viết thư kể hết nguồn cơn cho Oanh. Rằng lòng chân thành quá đỗi đã dẫn tôi đến sự thể bi hài khi kiểm thảo ra sao. Ôi, cuộc sống, lẽ nào người lại đẩy tôi vào hoàn cảnh trớ trêu này? Tôi còn lòng dạ nào mà ngắm với chả nghía trăng với sao.
Hùng Thắng ngồi dựa vào hai người, ngắm trăng cùng anh em, nhưng lên cơn sốt cao quá, ngã vật ra đành phải khiêng vào nhà. Sau sự cố này, không khí lại trở về im lặng. Trong không khí ngắm trăng tập thể nghiêm trang tới mức tôn giáo, thì không hiểu kẻ phá hoại, tên phá bĩnh nào ẩn núp như sâu bọ trong hàng ngũ, kẻ liên minh với giai cấp bóc lột như tiếng gọi thời đó, bỗng bất ngờ phóng ra một cái trung tiện kêu ngang pháo lép. Như một cơn thọc lét tập thể, ngay sau khi tiếng rắm mất lịch sự đầy chất đế quốc phong kiến kia, mọi người bỗng phá ra cười sằng sặc. Tiếng cười nổi lên như trận bão, làm mọi người ôm bụng nghiêng ngã như vừa bị đốn sóng xoài. Hình như mặt trăng cũng cười lên hềnh hệch, cười đến méo cả miệng chị Hằng, méo cả miệng thằng Cuội. Tôi cười đến chảy nước mắt nước rãi. Như một cơn hoang tưởng tập thể, nhờ sự giận dữ gào thét lập lại trật tự của Tràng Giang và Sao Chổi, đến gần hai phút tiếng cười bản năng vô ý thức mới dứt. Cuộc ngắm trăng đang cơm lành canh ngọt, sắp tới lúc kết thúc, liền bị giải tán, tìm cho ra tên phản động đã phát tiếng rắm phá hoại vừa rồi.
Suốt cả tiếng đồng hồ sau, không ai nhận là tác giả của tiếng bom láo lếu phạm thượng ấy. Cuối cùng, Tràng Giang phải cho giải tán, kêu gọi lương tâm và trách nhiệm, cố khui ra kẻ phá thối kia. Suốt ngày hôm sau, chúng tôi phải làm bản kiểm điểm vì tiếng cười vô ý thức, vô tổ chức kỷ luật bùng ra tập thể trong một không khí cực kỳ trang nghiêm. Dầu có làm gì đi nữa, cuối cùng ban lãnh đạo tờ báo cũng không tìm ra tên đế quốc ném bom đêm rằm ấy. Ban lãnh đạo quyết định đêm mười sáu âm lịch, anh em chúng tôi phải ngắm trăng đền hôm trước, thay vì ngồi dưới sương tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi được vinh dự ngắm trăng tới ba tiếng. Nhưng oái oăm thay, đến bảy giờ tối thì trời lại giáng xuống một cơn mưa dài và dai dẳng đến quá nửa đêm, thành ra chúng tôi được thoát nạn ngắm trăng. Tràng Giang buồn và căm lão trời lắm. Không biết trong giấc mơ đêm, anh ta có leo lên trời bắt Ngọc Hoàng Thượng Đế làm bản kiểm thảo hay không ?
Trần Mạnh Hảo
(Trích trong Tiểu Thuyết “LY THÂN”)
(Nguồn ‘vnthuquan.net‘)