Ngôn ngữ con người bắt nguồn từ khỉ ?
Ảnh : Max Pixel
Các nhà khoa học Pháp vừa lật ngược một tín điều tồn tại từ rất lâu trong giới nghiên cứu về ngôn ngữ, cho rằng sở dĩ loài người biết nói một phần là nhờ « thanh quản tụt xuống vị trí thấp », trong quá trình tiến hóa. Thực nghiệm cho thấy, khỉ đầu chó vẫn có khả năng phát ra các âm thanh gần giống tiếng người, cho dù thanh quản nằm ở cao. Dù còn xa mới sánh được với khả năng bắt chước tiếng người của vẹt, rất có thể, chính « ngôn ngữ » của loài linh trưởng này giống với thứ tiếng nói của tổ tiên xa xôi của loài người. Nếu khỉ mà biết nói, nhiều đệ tử của nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky chắc phải giật mình xem lại sách thầy….Tạp chí Thế Giới Đó Đây của RFI xin giới thiệu.
Các nhà khoa học của Trung Tâm Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS), ở Rousset-sur-Arc, gần Aix-en-Provence, đã tiến hành một nghiên cứu tỉ mỉ với 15 cá thể khỉ đầu chó Guinée. Các nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PLOS One, ngày 11/01//2017, chỉ ra là các con khỉ đầu chó làm được nhiều thứ hơn là chỉ phát ra những tiếng kêu, giống như nhiều loài linh trưởng khác. Khỉ đầu chó biết phát rõ ràng « năm đoạn âm thanh giống như năm nguyên âm », tương đương với các nguyên âm trong ngôn ngữ con người : a, è, i, o và u ».
Các nguyên âm là những thành tố cơ bản của hệ thống ngữ âm. Phát ra được các nguyên âm, điều đó cũng có nghĩa là rất có thể làm chủ được tiếng nói.
Theo nhà tâm lý học Joel Fagot, đồng tác giả của nghiên cứu, « đây là lần đầu tiên người ta đã cho thấy hiện tượng như vậy ở một loài linh trưởng không thuộc giống người ». Trong vòng 30, 40 năm nay, một phần lớn giới khoa học vẫn tin rằng, khỉ cũng giống như trẻ sơ sinh hay người Neandertal, không thể nói được, vì « thanh quản nằm ở quá cao ».
Ngôn ngữ con người có thể là sản phẩm của 25 triệu năm tiến hóa
Phát hiện nói trên mang lại một nguồn ánh sáng mới, góp phần soi tỏ nguồn gốc của sự xuất hiện ngôn ngữ ở con người, rất có thể đã có từ lâu trước khi loài người xuất hiện. Trái hẳn với quan điểm phổ biến hiện nay, cho rằng ngôn ngữ xuất hiện cùng với giống người hiện đại (Homo sapiens), ra đời « mới » chừng 200.000 năm. Mà một lý thuyết gia nổi tiếng đại diện cho quan điểm này là nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky.
Theo CNRS, nghiên cứu nói trên cho thấy hệ thống phát âm của con người có thể là sản phẩm của một quá trình tiến hóa hết sức lâu dài, bắt nguồn từ cách nay khoảng 25 triệu năm, từ thời của loài khỉ Cựu Thế Giới (tên khoa học là Cercopithecidae), tổ tiên chung của con người và nhiều loài linh trưởng khác.
Nhà tập tính học động vật Pháp Albin Malleson, người đã nhiều năm tìm hiểu về khả năng giao tiếp của động vật, nêu một ví dụ cụ thể về các quy tắc giao tiếp bằng âm thanh ở loài linh trưởng Mone de Campbell, được nhiều nghiên cứu khẳng định là dựa trên một thứ « ngữ pháp nguyên thủy » phức tạp bậc nhất trong số các loài vượn được biết hiện nay.
« Ví dụ đối với loài linh trưởng Mone de Campbell (Cercopithecus campbelli), tiếng kêu ‘‘Krack’’ có nghĩa là con báo, ‘‘Hok’’ có nghĩa là chim ưng. Bên cạnh đó, nếu hai tiếng kêu này đi kèm với hậu tố ‘‘u’’, điều có nghĩa là có nguy hiểm. ‘‘Krack-u’’, là có nguy hiểm ở phía dưới ; ‘‘Hok-u’’, là có nguy hiểm ở trên cao. Các tiếng kêu báo động có thể kết hợp với nhau thành các trường đoạn, theo một số quy tắc nhất định. » (quý thính độc giả Pháp ngữ có thể theo dõi thêm cuộc nói chuyện của nhà nghiên cứu Albin Malleson với RFI trong tạp chí “De l’animal à l’homme: existe-t-il réellement des frontières?).
Bộ máy phát âm đã có, chỉ chờ…
Song song với các nghiên cứu về hệ thống phát âm, về giao tiếp ở loài khỉ trong trạng thái tự nhiên, các nhà khoa học Pháp cũng tiến hành nhiều thực nghiệm dạy tiếng người cho khỉ, dạy đặt câu, dạy chính tả… Năm 2012, ê kíp của nhà tâm lý Joel Fagot, sau 50.000 lần trắc nghiệm, khẳng định khỉ đầu chó có thể đặt được câu đúng theo ngữ pháp tiếng Pháp, có nghĩa là biết đặt chủ ngữ ở trước, vị ngữ phía sau, hay biết ghép hai câu đơn thành một câu phức. 50.000 lần trắc nghiệm tuy lớn, nhưng có lẽ chẳng đáng là bao so với các mầy mò trắc nghiệm trên thực tế qua hàng triệu năm tiến hóa của giống loài.
Trong một nghiên cứu khác, cũng về khả năng nói được của khỉ, được công bố hồi tháng 12/2016 (công bố trên Science), các nhà khoa học đại học Princeton, Hoa Kỳ, đã mô phỏng hệ thống phát âm của khỉ Macaca, chi linh trưởng phổ biến nhất sau con người. Mô hình tin học hóa cho thấy, dù giọng nói rất lạ, tiếng khỉ không khác xa tiếng người. Sau đây mời quý vị nghe một câu tiếng Anh, qua bộ máy phát âm của khỉ Macaca :
Cơ sở sinh học cho tiếng nói ở khỉ đã có, vấn đề chỉ còn là ở chỗ bộ não có cho phép chúng nói được không mà thôi !…(1)
RFI