……

Ngũ Đức Tâm An

…..

 Phương Pháp Ngũ Đức theo cơ cấu Ngũ Hành của Việt Nho trên đường Qui Tâm
                                                                                                    Đông Lan

…..

Trên đây, ta đã bàn về Phép Nghỉ Toàn Diện, Phép Thể Dục Vô Vi, Phép Thiền Chỉ Quán. . . Tất cả những trợ duyên cho trí giả An Vi trên đường tu thân bằng cách quay về lòng mình để cảm nghiệm Chân Tâm, Bản Tính, đó gọi là Qui Tâm.

     Triết Lý An Vi còn áp dụng triết lý Ngũ Hành trong việc định trí, thiền tịnh để giác ngộ Tâm An. Đó là Ngũ Đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Đức Nhân là Thái Thất của Tâm An, nơi hànn Thổ
Đức Nghĩa là Đường Đi của Tâm An, nơi hành Mộc
Đức Lễ là Phong Thái của Tâm An nơi hành Kim
Đức Trí là Ánh Sáng của Tâm An, Nơi hành Hỏa
Đức Tín là Bạn Đạo của Tâm An nơi hành Thủy

     Trí giả An Vi rèn luyện 5 đức tính theo Ngũ Hành. Triết Lý của Ngũ Hành là dù bất cứ hành nào: kim, mộc, thủy, hỏa cũng đều phải tẩm nhuận sinh khí nơi Thổ trung cung. Năm đức tính của trí giả An Vi là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là Ngũ Đức để xử kỷ, tiếp nhân, để thực hành hiểu biết của mình, để sống với hiểu biết của mình, hay là để thực hiện minh triết, để sống làm Người Nhân Chủ An Vi.

     Đức Nhân là trung cung của Ngũ Đức theo Ngũ Hành. Muốn tu đưc: nghĩa, lễ, trí, tín hiệu nghiệm và chân thực, cần phải vững vàng nơi đức Nhân thì 4 đức kia mới có cơ sở tiếp dưỡng nguồn Minh Triết để làm nền tảng quy chiếu, để dù có đi xa cách mấy cũng không lạc vào chỗ không phải của Người.

     Nhân là căn Nhà Lớn của người. Đức Nhân là nơi dung hợp, là nguồn gốc của mọi sinh hoạt của 4 đức khác. Vì nếu không quy chiếu vào Nhân, thì nghĩa, lễ, trí, tín để phục vụ điều gì? Khi đặt Nhân vào chính Trung cung hành Thổ, Nhân được Trung, được Chính nơi Tâm rồi thì từ đó các đức khác mới có chỗ mà an trú, lưu thông, linh nghiệm. Hay nói cách khác, Nhân là Thái Thất của Tâm An.

     Lễ là mối tương quan, giao tiếp giữa mình với mình và giữa mình với người. Lễ do đó là Cung với mình, mà Kính với người. Lão Tử nói “Lễ chỉ cái vỏ của lòng trung tín, là đầu mối của nghiêng lệch” là ý nói đến Lễ nghi, phù phiếm bên ngoài mà không từ Đức Nhân ở bên trong thì chỉ là gian dối, là khởi đầu của sự rối loạn. Đức Khổng Tử cũng nói “Lễ đâu chỉ là ngọc lụa” ý như cái lễ đối với nhau đâu phải là ở việc chăm lo cho những xã giao vật chất, biếu xén bên ngoài. Lễ phải xuất phát từ đáy lòng tương quan, cảm thông với nhau. Lễ phải xuất phát từ Nhân thì mới là cái Lễ chân chính. Khổng Tử cũng nói “Người không có Nhân thì Lễ mà làm gì?” cùng là ý như Lão Tử cảnh giác về cái trau chuốt bề ngoài của thế nhân đến với nhau mà thiếu tình yêu thương, sự cảm thông chân thực. Mà theo Ngũ hành, có An nơi Thổ Tâm Linh thì mới thực sự biết cách yêu người. Do đó, Lễ chân chính là Phong Thái của Tâm An.

     Trí cũng thế. Trí là sự hiểu biết. Thế nhưng hiểu biết về điều gì? Hiểu biết như thế nào? Đó mới là điều quan trọng. Cái hiểu biết về các sự vật bên ngoài như kiến thức về thế giới tự nhiên, khách quan không liên quan chi tới con người , đó là kiến thức chỉ giúp cho trí tò mò, giải quyết được những thắc mắc, cải thiện được cuộc sống vật chất. Thứ kiến thức không có lòng Nhân là con dao hai lưỡi, nó có thể phục vụ và tiêu diệt con người, kiểu khoa học hiện nay. Hoặc thứ hiểu biết tuy hướng đến con người, tuy đề cao nhân bản, nhưng lại chưa đạt tới hiểu biết về cơ cấu con người toàn diện, thì cũng chỉ là loại kiến thức hụt hẫng, giới hạn nên chỉ sản sinh ra được những thể chế vong bản, phi nhân, vẫn tròng lên cổ con người cái ách nô lệ, như cái trí của duy linh và duy vật. Cho nên, đức Trí cần được tương giao, kiểm nghiệm qua đức Nhân để làm nền tảng xây dựng cho sự hiểu biết chân thực về người, để con người được truy nhận giá trí xứng đáng, con người được làm chủ nhân của đời mình. Với Ý Thức Nhân Chủ, Đức Trí mới được tẩm nhuận chất Nhân, để là ánh sáng soi đời âm u tăm tối. Chỉ có Lửa Thiêng Nhân Chủ An Vi mới là ngọn đuốc thần Trí Tuệ xứng đáng cho mọi chúng ta dâng hiến đời mình, như Prométhée dẫu có bị khổ hình nơi đỉnh Caucase cũng an lòng. Do đó, Trí Tuệ An Vi là Ánh Sáng của Tâm An.

     Nghĩa là con đường đi một đời của Trí giả An Vi. Bước nan hành khổ hạnh của người trí thức An Vi nhờ đã hội thông với Minh Triết nên dầu đi trên những con đường gian khổ, hiểm nghèo, hay đi trên đại lộ thênh thang, cũng là Vương Đạo của Nội Tâm An Lạc. Nhờ đã yên nghỉ nơi hành Thổ Tâm Linh, Đức Nghĩa của Trí giả An Vi chỉ là sự Thích Nghi, Tuỳ Thời để biến cải ngoại cảnh cho hợp Đạo. Nghĩa là bước đi ra hoạt động vòng ngoài, của minh thức giác ngộ Tâm An. Nghĩa Hành của người trí thức An Vi ở cả hai: Văn Lễ với mình, là tu thân cho cá nhân mình qua sự thực hành các phương pháp Qui Tâm, và Văn Lễ với người, là cư xử sao cho hợp đạo nghĩa và giữ vững đức thời trung. Văn Lễ là Nghĩa Hành của con người Nhân Chủ An Vi. Tính chất của Hành Nghĩa ở đây là tính chất của hành mộc trong Ngũ Hành: Uốn khúc để rồi chính trực.

     Thật thế, xã hội là tập hợp của những cá nhân. Mỗi cá nhân tập thành khác nhau từ căn cơ, nên Người Nhân Chủ An Vi phải ý thức chữ Thời Trung mà mang đạo vào đời. Hoạt động vòng ngoài là cần phải biết hòa với từng dị biệt, nghiêng lệch của thế nhân và hoàn cảnh, để rồi tìm cách đẽo gọt, uốn nắn, thuận theo, mà giữ cái Tâm ngay của Đạo. Cho nên thánh hiền tóm gọn một chữ vào Đức Nghĩa là “Nghi”. “Nghĩa là thích nghi”. Trí giả An Vi cũng sẽ lấy sự thích nghi mà thực hiện Đại Nghĩa trong đức Nhân bao la của đất trời. Cho nên, Nghĩa là Đường Đi của Tâm An.

     Tín là sự thành thật, thành thật với mình, và thành thật với người. Tín là Bạn Đạo của Tâm An, vì người có tín thật với mình và với người, trước sau rồi cũng có sự cảm mến của tha nhân, sẽ có tính tham giao, sẽ có người cộng tác, sẽ có cơ hội thực hiện đạo nghĩa. Nhất là Đức Tín lại có thông giao với Đức Nhân, lý tưởng Nhân Chủ nơi con người thành tín, khiến bạn người thành tín sẽ trở thành bạn đạo, đạo người thành tín sẽ trở thành đạo của mọi người. Sự lan toả của đức thành tín thấm vào tận lòng người như nước thấm vào lòng đất. Sâu sắc, thâm trầm hiệu nghiệm thay Đức Tín của người cầu học An Vi!

Tóm lại, thực hành Ngũ Đức, Con Người Nhân Chủ An Vi có phương pháp để Qui Tâm, thực hành Đạo Lý ngay trong đời mình. Cần mẫn thực hành, có khi cho đến hết đời cũng chưa thấy xong, vì Đạo thì đâu thể một phút xa lìa, đạo mà xa lìa được thì đâu còn là biết Đạo. Tuy suốt đời bận rộn tu theo Ngũ Đức, nhưng Người Nhân Chủ An Vi không chán nản, ngược lại càng thực hành Đạo, càng không xa lìa đạo, Trí giả An Vi lại càng cảm thấy đời sống ý nghĩa hơn, phong phú hơn, giầu sức sống hơn. Tâm An như cánh hoa, lan tỏa những hương thơm, ánh sáng và sắc mầu của Đạo. Niềm Tịnh Lạc của Người Nhân Chủ An Vi là lúc chiêm ngưỡng Đóa Hoa Tâm, Đóa Hoa An trong sát-na giải thoát ngay nơi đời hiện thế. Đời đã đi đến nẻo Thiên Đường Bình An có thật, nơi Tâm Thức con Người Nhân Chủ An Vi.

Đông Lan 

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm