…..

Doãn Quốc Sỹ
Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến
Phần I
Chương 6
NHỮNG CỤM HOA VÀNG

Nếu Khiết gặp Kha trước ngày về làng, chưa chắc cuộc gặp gỡ đã đưa đến kết quả hợp tác nồng nàn như vậy. Từ sau buổi về làng, rồi nhận hợp tác với Khiết, Kha hằng nghĩ tới những đợt gió thơm hương lúa vừa thanh thoát vừa bồi hồi của cánh đồng quê nhà.
Hình như có cái gì bất thường lởn vởn trong không khí, sắp đổ ụp xuống đầu những người quốc gia. Quân đội Pháp-Việt thất trận liên tiếp, ôi còn sự hiện diện của đoàn quân viễn chinh thực dân kia thì dù thắng dù bại chỉ là kéo dài sự băng huyết của cơ thể quốc gia. Ngó về phía ngả nào cũng chỉ thấy những khuôn mặt và những tâm trạng ươn hèn, tiêu cực. Thường ngày trong lúc cắm cúi viết, Kha nghĩ “Sống là cố gắng thường xuyên để tái lập một thế quân bình luôn luôn đổ vỡ”. Phải chăng Kha đành chấp nhận ý nghĩ cho đời là đau khổ không ngừng, và tìm ý nghĩ của cuộc đời chính là tìm ý nghĩa của đau khổ. Ý nghĩ này giúp Kha thêm can đảm, thêm kiên nhẫn và lạ thay thêm tin tưởng.
Tuy mới quen nhau mà Kha quý Khiết ngang với Hiển cũng chỉ vì có một hôm Khiết nói với chàng ở tòa báo: “Chính những thất vọng đắng cay mà tôi trải qua đã giúp tôi đi sâu vào bản thể sự sống”.
Kha làm việc miên man hầu như không biết mệt là gì. Dạy học xong chàng đi thẳng ra thư viện; tối đến sau bữa ăn, chàng ngồi vào bàn viết. Hiện tại có thể hủy diệt cả một quá khứ tốt đẹp, ngược lại hiện tại cũng có thể xây dựng cả một tương lai đáng tin cẩn. Hiện tại thì ai mà chẳng có?
Làm việc! Chỉ có làm việc mới quên được những cảnh tàn phá của quê hương, quên được những nỗi lo âu mà Kha thông cảm được với tất cả mọi người, thân cũng như sơ. Không chỉ riêng ở quê mình mà ở tất cả làng quê trên đất nước. Chàng mải miết làm việc như một họa sĩ mải miết với bức sơn mài bỗng thấy cái khổ, cái lo âu của mình lung linh hiện thành ánh sáng màu sắc. đau khổ! Đau khổ! Sống ở đời tránh sao khỏi đối diện với đau khổ, nhưng đau khổ có thể thi vị hóa qua từng trạng thái tâm hồn.
Đã đến lúc chúng ta có thể kiểm điểm để hiểu sâu hơn về tính tình Kha. Tới tuổi ấy – tam thập nhi lập – với những kinh nghiệm sống, tính tình Kha hẳn như một trái cây vừa chín tới dưới ánh nắng. Kể từ ngày đổi lên dạy trên Tuyên-Quang, cuối niên học nào ông giáo Lãm cũng xin phép dời khỏi trường về quê nghỉ suốt hai tháng rưỡi hè. Chân ướt chân ráo về tới làng, ông đi thăm bà con khắp lượt để trình diện, trong khi bà giáo sắm lễ ra đình và ra chùa để tạ ơn Trời Phật Thần Thánh đã phù hộ độ trì cho ông giáo suốt niên học qua. Gần bắt đầu niên học mới, bà giáo cũng lại sắm lễ ra đình và ra chùa để cầu Trời Phật Thần Thánh cho chồng ra đi được bình yên. Sau khi khấn vái bà gián tiếp tìm hiểu ý kiến Trời Phật Thần Thánh bằng cách gieo âm dương. Cũng có khi các ngài ưng che chở chon gay, nhưng cũng có khi các ngài cười (hai đồng trinh sấp cả) bà lại vật nài khấn vái cho tới khi được ngài ưng, (một đồng sấp, một đồng ngửa) mới thôi. Ngoài ra vào dịp mười ngày nghỉ tết Nguyên Đán, ông giáo cũng có về quê, nhưng vào dịp này sự lễ bái của bà giáo lẫn vào sự lễ bái của những ngày đầu xuân nên không đáng kể.
Ông bà giáo hiếm hoi, hữu sinh vô dưỡng đến ba lần liền. ông giáo đổi lên Tuyên-Quang được hai năm thì bà giáo sinh ra Kha (mà ông Toán nhất định gọi là thằng Tuyên con giáo Lãm).
Nuôi Kha được một năm bà giáo nảy ý định buôn bán thêm để đỡ đần chút ít vào đồng lương của ông giáo, bà đi lại như thoi dệt trên con đường Hà-Nội Tuyên-Quang, chẳng bao lâu số lãi bà kiếm hàng tháng không phải là số tiền kếm thêm nhỏ nhoi mà là số tiền lớn, có tháng gấp ba lương ông, vì vậy bà mới mua thêm hai khu vườn hoang ngay bên hàng xóm rồi làm nhà làm cửa thành dinh cơ nhà ngói cây mít như ngày nay. Bà lại đứng lên cưới vợ cho em chồng (ông Hạo).
“Tội nghiệp – bà vẫn nghĩ thầm – thuở sinh thời cha mẹ thì chú Hạo còn nhỏ, chỉ anh cả Lãm được đi học, khi cha mẹ kề nhau khuất núi trong cùng một năm thì nhà cửa sa sút, anh cả phải phá ngang xin vào học trường sư phạm để thi ra làm giáo viên tiểu học hàng tháng có chút lương còm. Chú Hạo thất học, gia cơ cha mẹ để lại phần chú là miếng đất nửa sào cùng xóm nhưng ở sát rìa đồng, bây giờ Trời thương Phật độ cho mình buôn bán được, phải gây dựng gia đình cho đứa em thiệt thòi đó chứ”.
Ông Hạo thấy anh chị thương và săn sóc mình như vậy thì cảm động lắm. Sau này bà giáo mất, Kha còn ở “ngoài ấy” ông đã bán nhà của mình ở rìa đồng mà về trong nom dinh cơ cho cháu.
Trở lại chuyện Kha thuở mới sinh. Tuy Kha không phải là con trưởng (nếu kể mấy đốt trước bỏ đi) nhưng Kha vẫn là con đầu cháu sm được bà ngoại cùng các ông chú bà bác nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Năm Kha lên hai và bà giáo bắt đầu buôn bán xuôi ngược trên con đường Hà-Nội Tuyên-Quang, Kha được mang về trong quê để bà ngoại nuôi. Từ đấy cụ giữ rịt lấy cháu. “Cho nó lên Tuyên Quang làm gì – cụ nói – nhỡ sốt rét ngã nước, xấu cháu bà đi”. Ông bà giáo đều cho lời cụ nói là phải, Kha theo tiểu học ở trường làng, rồi trung học ở trường Bưởi Hà Nội. Thoạt Kha ghi tên ký túc xá một nửa nghĩa là Kha chỉ ở lại trường ăn bữa trưa, sáng đi tối về bằng xe đạp trên con đường từ làng đến trường dài chừng tám cây số. Mỗi vụ hè vào dịp tết Nguyên Đán hai cha con gặp nhau. Vào dịp nghỉ lễ nhiều ngày, Kha theo bà giáo lên Tuyên thăm ông giáo như một du khách đi đổi không khí.
Nhớ lại năm lên sáu, năm mới học vỡ lòng, vụ hè năm đó về quê, ông giáo mua thưởng cho Kha một chiếc harmonica nhỏ xíu tám nốt (vừa đúng một âm giai). Buổi chiều Kha theo ông giáo ra đồng đứng hóng mát trên gò cao. Đã bắt đầu có tiếng chuông thu không. Mặt trời chạm đỉnh Ba-Vì rồi như viên ngọc đỏ bị một con sư tử thần thoại há miệng nuốt chửng. Vô tình Kha thổi một nốt trầm, âm thanh như rung động thành gió, thể hiện thành những gơn rùng mình trên ruộng mạ. Vũ trụ tựa hồ rung lên cùng một nhịp với âm thanh buồn buồn đó. Tuy vậy Kha không hề chú ý đến học nhạc, và cho đến ngày kháng chiến, cũng chưa hề sáng tác một bài thơ, một bài văn nhỏ. Không những thế nếu kiểm điểm kỹ lại thì năm thứ nhất trung học, bài luận quốc văn thi đệ nhị cá nguyệt của Kha chỉ được có một điểm (bét lớp), vì tả một người câu cá trên thuyền, cậu bé Kha đã dùng một câu thơ cổ mà cậu bất ngờ nhớ được (câu thơ đó của ai, đọc được ở đâu, vào hồi nào, nhớ có đúng không, chính cậu cũng lờ-mờ không rõ hẳn)
Bất quá môn đinh tam ngũ bộ
Quán tận giang san thiên vạn trùng

(không ra khỏi sân nhà ba hay năm bước mà xem được sông núi, đến ngàn vạn trùng). Thiết tưởng câu thơ cổ trên không có gì là lạc đề, sở dĩ ông giáo “trù” cậu, có lẽ vì ông quan niệm rằng còn “oắt con” mà dám nêu câu thơ cổ bằng chữ Hán chính ông chưa hề đọc tới như vậy, là phạm thượng chăng?
Giàu cảm xúc Kha lại may mắn được thêm ưu điểm có tài ngâm thơ. Giọng chàng trong, rất tự nhiên và khéo uốn nắn cho khi trầm khi bổng để thích hợp với lời thơ khi buồn khi vui khi hoang mang thao thức….
Kha say mê từ nhỏ câu ca dao:
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Anh còn thương cảm vô cùng hình ảnh người lính thú “Ba năm trấn thủ lưu đồn”. Sinh trưởng ở một gia đình sung túc, được nuông chiều từ nhỏ nhưng Kha sm có khuynh hướng quý trọng người nghèo. Kể từ năm Kha bắt đầu lên trung học (năm mười lăm) chàng hay đến ngủ nhà một người bạn rất nghèo cùng làng tên là Thận. Thận hơn Kha chừng ba hay bốn tuổi, đỗ xong bằng sơ học ấu lược phải phá ngang làm thợ sắp chữ tại Viễn Đông Ấn-Quán (I.D.E.O). Cha Thận đã già và là một nhà nho lỡ thời, tính tình rất hiền. Mặc dù có dư luận riễu ông là “nho, y, lý số sở ngô khoai” nhưng mọi người trong làng đều mến và thương ông. Những lúc gia đình này túng thiếu, Kha giúp. Từ ngày bà chị Thận đi lấy chồng ở làng bên, Kha thường hay đến ngủ với Thận (gia đình Thận khi đó còn vẻn-vẹn hai cha con, mẹ Thận mất từ sớm). đêm đông đôi bạn nằm ổ rơm, đắp chăn khố tải, vì chăn hẹp đôi bạn phải nằm úp thìa, mỗi lần dở mình hô đùa như thể tập quân sự “Chuẩn bị dở mình …một ..hai”. Nhiều Chủ nhật Kha mang sách vở lại đàng Thận vừa học vừa chơi, rồi cùng làm cơm ăn. Hai đứa đi ra ao đình gần đấy câu cá, rồi kiếm một ít cành khô về làm củi (cành nhãn, cành bưởi, cành mít…)
Câu được cá rô to, có thể nướng lên, lọc lấy nạc, cho vào cối dã rồi nấu với canh cải. Cũng có thể ướp cá với nghệ, nấu với dọc sơn hà. Cũng có thể nấu canh rưa với ca trê:

Chồng chê thì mặc chồng che
Rưa khú nấu với cá trê càng bùi. 

Cha Thận mất, Kha càng năng lui tới với Thận để Thận bớt cô độc. Những ngày sống với bạn nghèo như vậy, Kha thấy có cái thú tần tiện và khám phá được những nếp rung cảm rất nên thơ của cảnh lá lành đùm lá rách. Cụ ngoại và bà giáo là những người đàn bà phúc hậu thuở nhỏ đã trải qua nhiều cảnh hàn vi nên thấy Kha như vậy thì bằng lòng.
Sau này khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ được ngót một tháng thì quân Pháp tự nội thành mở rộng mặt trận đánh tỏa ra bốn cửa ô, phi cơ nhào lộn, rú máy từ trên cáo sà xuống thấp, đạn liên thanh rít trong không khí, đạn mortier, trái phá vang rền và rít rất đều vào các làng lân cận mà địch nghi có bộ đội ta đóng. Làng Định Quyết bị tàn phá nhiều nhất chính vào dịp này. Chiếc nhà ngói năm gian của ông bà cả Bê vừa cất xong, nóc bằng gỗ sến, sà bằng gỗ trai, cột bằng gỗ lim, dui, mè bằng gỗ trò chỉ, bị một đạn trái phá rớt vào trúng giữa nổ tung, cột lim gẫy nhà xiêu xuống, may người không ai việc gì, cả dãy nhà lá giữa làng bị bom lửa thiêu trụi. Buổi chiều Thận ra ngồi ở bãi cỏ rìa đồng xóm Quán – bãi để thả diều – bất ngờ bị đạn mortier tự trong thành câu ra nổ gần đấy. Thận chết. Dân làng tiếp tục tản cư, người ở lai thì chúi xó trong nhà, xác Thận bị bỏ quên trên bãi cỏ. Thời gian này, Kha chiến đấu bên các bạn tự vệ thành khác ngoài Hà-Nội, tại khu Bờ Sông. Một tháng sau, tình hình tạm yên, làng Định Quyết nằm trong vòng đai kiểm soát của quân đội thực dân, chị Thận ở làng bên – làng chồng – về tìm xác em thì chỉ còn là một cảnh bi đát xương đầu lâu, xương hai bàn chân, hai bàn tay lộ thiên trắng hếu, các xương khác thấp thoáng lẫn dưới lớp quần áo cũ đã mục nát. Cỏ khoảng đó được tẩm xác người rữa nát nên xanh om. Khi đã cùng đoàn tự vệ thành rút lui khỏi Hà-Nội, Kha tìm được đến nơi mẹ tản cư, nghe kể lại cái chết của Thận, ôn lại cảnh đời của người bạn nghèo, mồ côi mẹ từ nhỏ, chị đi lấy chồng xa, rồi cha mất, Kha thấy Thận hiện thân cho một số phận hẩm-hiu mà cả cuộc đời là hình ảnh lạnh-lẽo của mưa gió rầm- rề không một tia nắng vàng soi sáng và sưởi ấm.
Bên nếp sống giản dị với bạn nghèo là một khía cạnh khác phức tạp hơn và hầu như mâu thuẫn với nếp sống trên. Kha dậy thì rất sớm và mười sáu tuổi đã biết đam mê ái tình.
Kha đã yêu cô Dịu con gái ông bá Hỷ và hay giả vờ đến chơi với một ông cậu họ còn trẻ ở ngay bên hàng xóm với ông Bá để được nhìn cô Dịu thỉnh thoảng đi lại ở bên kia chiếc tường hoa xây thấp.
Kha đã yêu cô Đăng con bà ký Thám, hoa khôi xóm Chợ và đỗ bằng cơ thủy sau Kha hai năm. Bà giáo chơi họ với bà ký nên đầu tháng Kha thường khéo-léo tìm cách để mẹ ủy cho mình nhiệm vụ đến đàng bà Ký đóng họ.
Là1ng có ông tham Mỹ, kỹ sư về lục lộ, gia đình ông đã từng theo ông đi lang bạt hầu khắp các tỉnh lớn Bắc kỳ. được đổi về Hà-Nội, ông ở luôn ngoài đó, thỉnh thoảng mới về thăm làng. Vào một dịp tháng hai làng vào đám, ông đưa cả vợ con về đình lễ thành hoàng, ngày đó Kha mới biết ông có một cô con gái đẹp một vẻ đẹp thật quý phái.
Trời hừng nắng nàng mặc tuyền đồ lụa trắng khiến sáng đi của nàng càng thướt tha, nàng bước vào đình khuôn mặt ửng hồng như cô dâu bước vào phòng tân hôn. Nàng trạc trên hai mươi tuổi, hơn Kha ít ra bốn tuổi, thế mà Kha say mê đến như tương tư nàng một dạo. Kha hỏi thăm biết ông tham Mỹ thuê nhà ở phố Lò Đúc. Một chiều thứ bảy Kha đã từ trường Bưởi đạp xuống Lò Đúc tìm thấy nhà mà không gặp nàng. Chiều thứ Bảy sau Kha thoáng thấy bóng nàng mặc áo cánh trắng quần trắng, sit dáng đi yêu kiều quý phái. Bẵng đi hai tuần Kha được tin tự lấy chồng, cưới chạy tang. Kha buồn và thương nàng vì ngày vui nhất đời con gái mà nhuốm màu tang như vậy thì tránh sao những trắc trở về sau.

(Sau này khi đã di cư vào Saigon, một hôm Kha cùng Tân đi dưới hai hàng cây sao cao vút. Tân nói “Thú nhất ở Saigon là những đại lộ đều có những hàng sao cao vút như thế này, đó cậu Hà-Nội đường phố nào có hai hàng cây tương tự?” Kha đáp ngay “Đường Lò Đúc phía Chợ Hôm”. Hình ảnh phố Lò Đúc đã bám sâu vào trí nhớ Kha chính vì mối tình câm kia của chàng với cô con gái lớn của ông tham Mỹ ngụ ở đó).
Những mối tình đơn phương và thoáng qua như vậy còn nhiều lắm, nhưng thật sự mối tình đầu phải kể là cuộc gặp gỡ giữa chàng và Vân.
Ngày đó gia đình bà Phán đã về định cư ở làng Định Quyết bên hàng xóm nhà Kha được hơn hai năm, hai gia đình đã thân nhau, Kha vừa đỗ tú tài một. Hai mươi chín tết bà giáo ở Tuyên-Quang về báo tin cho cụ ngoại cùng các anh em thân thuộc hay năm nay ông giáo không về được vì hơi bị mệt, ông ở lại Tuyên-Quang ăn tết tại nhà một bạn đồng nghiệp.


II 

Ai cũng bảo Vân học trường đầm – Felix Faure – nên phóng khoáng vô tư, sự thật có gần Vân mới hiểu tình cảm của nàng nhiều khi trầm xuống và khá sâu sắc. Mỗi lần nghe gió heo may thổi, Vân thường nhìn theo lá rụng rồi nói với Kha “Gió thu buồn lạ!” Kể từ ngày gia đình ông Phán chọn nơi định cư là làng Định Quyết, tuy bà Phán vẫn tiền cửa hàng ở phố Hàng Vải Thâm và thường chỉ chủ nhật, ngày lễ và vụ hè mới cho con cái về đây, nhưng năm nào ông bà Phán cũng kéo cả gia đình về làng ăn tết chỉ có Hãng ở lại Hà-Nội trông cửa hàng (dạo đó Hãng mới ở Pháp về). 
Chiều ba mươi tết. Kha sang nhà Vân và đứng bên nàng ngoài hiên. Vân lắng nghe cây vườn xào-xạc rồi lại nói “Tiếng gió nghe buồn lạ!”.
Kha nhận thấy hình như trong khi Vân nói vậy nàng để hồn mất hút trong tiếng gió. Cùng với nhận xét nhanh chóng đó Kha muốn cúi xuống hôn nàng. Có lẽ Vân đã kịp nhận ra điều gì khả nghi ở Kha, nàng quay vào nhà với lũ em. Cầu cứu đám đông để khỏi bị yếu thế trước đàn ông, đó là phương pháp đối phó thường tình của phụ nữ.
Kha nghĩ thầm “Vân tinh ý thực” như vậy có nghĩa là nếu Vân còn nán lại một chút nữa, Kha dám ôm ghì lấy nàng và hôn đến khiến nàng ngạt thở. Kha bước theo Vân vào nhà cả hai đưa vội khóe mắt nhìn nhau, ngượng-ngùng như đã phạm tội. Kha lên tiếng để phá tan giây phút nặng nề.
– Mấy giờ rồi Vân nhỉ?
Vân chưa kịp trả lời thì lũ em con bà dì nghe tiếng bà Phán về ngoài cổng đã vừa reo la vừa chạy ùa ra ngoài, đứa bé nhất chạy sau cùng cuống-quýt, vừa kéo xếch quần lên vừa méo xệch miệng khóc nhưng không nước mắt.
Bà Phán ở nhà thương thăm Thi về. đã mấy hôm nay Thi nghỉ học vào nằm bệnh viện Lanessan điều trị bệnh phổi.
Tạng Thi vẫn yếu từ nhỏ. Ngày gia đình mới về làng Định Quyết, vào một trưa hè có bóng mây, Thi tha thẩn ra vườn. Cơn bão ập đến bất ngờ, một cành muỗm khô lớn rớt xuống, nàng bị những cành con gạt ngã ngửa, may mà khúc cong vồng hợp với khoảng ngực, Thi không bị thương, nhưng kể từ sau tai nạn ấy sức khỏe Thi càng mong-manh, gần đây bắt đầu húng hắng ho, bà Phán vội đưa nàng đến nhà thương khám phổi, phổi đã bị nhám. Tuy mới ở thời kỳ thứ nhất nhưng bà Phán cũng ưng theo bác sĩ để Thi nằm hẳn trong nhà thương cho đến ngày khỏi hẳn. Ngày nào cũng vậy ít ra là một lần, bà đến nhà thương thăm con.
Lũ trẻ đã ra hết, còn lại Kha và Vân trong nhà. Vân chợt ngước mắt nhìn lên giận dữ và nói:
– Anh phải hứa với Vân là không bao giờ được có ý định xấu.
Kha làm bộ ngạc nhiên:
– Ô hay, ý định xấu nào thế? Ít ra trong thực thế anh cũng không hề một lần nào làm Vân phật ý…
Tuy ánh mắt Vân dịu hơn nhưng giọng còn bất mãn, nàng ngắt lời Kha:
– Vâng, vâng em biết, anh chưa lần nào làm em phật ý, nhưng nếu sểnh em chậm chân, chưa biết thái độ anh sẽ đi xa đến đâu, em biết, em biết!
Kha đáp:
– Ừ giả sử điều đó có thật thì lỗi ở anh sao? Ai bảo em đẹp hử, ai bảo đẹp?
Nhìn bộ ngực Vân phập phồng, Kha tưởng như nghe thấy hơi thở nhẹ của nàng.
Bà Phán và lũ trẻ nhỏ đã bắt đầu bước lên thềm vào nhà, Kha nói vội một câu rất bang quơ:
– Dầu sao cũng cám ơn Vân đã giúp chúng ta thanh toán được tình cảm của nhau.
Nghe Kha nói vậy chắc Vân tưởng Kha cám ơn nàng đã sớm ngăn chàng đừng phạm lỗi, nhưng với Kha câu nói đó lại hàm ý cám ơn Vân đã cho Kha được dịp ướm trước bằng câu “Ừ, giả sử điều đó có thật thì lỗi ở anh sao?” Nghĩa là điều đó sẽ thành sự thật và lỗi không ở Kha, lỗi ở Vân đẹp.
Bà Phán đã vào. Kha cúi chào. Vân hỏi mẹ về tin tức em. Lũ trẻ nhỏ đứa nào cũng có quà “bích quy” cầm tay. Cận, đứa nhỏ nhất, lên bảy tuổi không còn cuống quýt méo xệch miệng khóc nữa. Cậu vừa đưa bánh lên miệng, vừa nói với Kha:
– Bây giờ anh Kha kể chuyện cổ tích cho chúng em nghe đi (Kha vẫn có thói quen kể những chuyện cổ nước Nam cho chúng nghe). Lũ trẻ cùng reo:
– A phải đấy, anh Kha kể chuyện cổ tích đi, hay lắm.
Vân đỡ làn hoa quả nặng ở tay mẹ rồi đặt lên mặt buffet sát với chiếc bình thủy tinh rộng miệng trong có thả con cá sin-sít nhỏ.
Tiến chạy vội lại:
– Ấy, khéo chị làm đổ bình thủy chết cá của em!
Vân nguýt Tiến:
– Chẳng cần tao phải làm đổ, con cá cũng sẽ chết. Mày có thấy không,. Hai con thì sáng nay đã chết một rồi!
Tiến ngần người chạy lại hỏi Kha:
– Làm sao thế anh nhỉ, em chịu khó thay nước luôn, nước mưa trong vắt anh ạ. Rồi Tiến bưng bình nước thả cá lại cho Kha xem:

Kha nói để Vân nghe:
– Con cá đâu có phải chỉ sống vì nước. Trong con cá nhỏ bụng lép kẹp, bơi trong bình nước trong vắt, có thương không này.
Trước khi xuống bếp để chỉ bảo người nhà cách thức sửa soạn các đồ nấu ngày mai, bà Phán ân cần dặn Kha:
– Mai cháu nhớ sang xông nhà sớm cho bác nhé.
Tiến đã để bình thủy tinh thả cá lên chỗ cũ trên mặt buffet. Cậu đã ăn hết phần bánh “bích quy”, dùng cả hai tay níu Kha ngồi xuống ghế:
– Anh ngồi xuống đây, kể chuyện cổ tích cho em nghe đi.
Kha đưa mắt nhìn về phía Vân và gặp đôi mắt nàng đặt về phía Kha tự bao giờ. Khi đó Vân đã ngồi vào góc đi văng tay lơ đãng cầm một tờ tuần báo.
– Ừ, nào anh kể chuyện cổ tích! – Kha nói với lũ trẻ, cả bình nước và khiến con cá nhỏ kia cũng phải giật mình.
Tức thì tiếng chúng hoan hô tưởng chừng làm xao động cả bình nước và khiến con cá nhỏ kia cũng phải giật mình.
Bất chấp khoa học, bất chấp kiến thức lũ trẻ, bất chấp bố cục tình tiết câu chuyện, bất chấp cả mọi ý nghĩ phê bình của Vân, Kha bắt đầu kể chuyện:

Ngày xưa có một người lính thú
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa. 

Đi ngược dòng sông vài ngày rồi lên bộ lẽo-đẽo vượt suối, rồi lại xuống thuyền ngược dòng sông, rồi lại lên bộ, cứ như thế ròng rã một tháng trường mới tới nơi đồn trú. Đó là miền biên giới có thác chảy ào ào suốt ngày đêm, có núi chập chùng cao ngắt chắn mất đường về. Dọc theo ngọn nguồn con sông chảy xiết là những khu rừng già âm u nhiều rắn độc, nhiều thú dữ.
Đau đớn thay cho người lính thú, anh phải ở đây ba năm. Ba năm dài những lo âu, thương nhớ. Bất trắc có thể xảy đến hàng ngày khiến anh bỏ thây nơi rừng núi hùng vĩ nhưng hiểm độc này. Anh mà ngã xuống chỉ một chiếc lá nhỏ cũng đủ phủ thây anh vì thân anh sẽ rữa nát trước chiếc lá để rồi mất tích vào đám bùn đen ẩm thấp dưới rừng. đêm đến anh ngủ, những hình ảnh khủng khiếp đó ùa đến cùng tiếng thác nước để uy hiếp linh hồn anh. Ba năm …ba năm dài…

Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai.
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa không thể ai bạn cùng?
Nước trong xanh con cá vẫy vùng… 

Phải một hôm kia anh vào rừng chém tre đẵn gỗ, anh lạc đến một khoảng tròn rộng và sâu những đá là đá. Lớn có từng mảng, nhỏ thành từng hòn, nhỏ nữa là cát sỏi. Nước ở đây thật là trong và có một con cá. Thoáng thấy anh, con cá vùng quẫy như muốn tìm nơi ẩn trốn. Người lính thú nào có biết điều đó, anh ao ước được tự do như con cá kia và buột lời ngâm:

“Nước trong xanh con cá vẫy vùng”
Kỳ lạ chưa, con cá đó biết nói. Nó hỏi anh:
“Anh cho là tôi sung sướng lắm sao?” 

Người lính thú đáp:

“Sung sướng lắm chứ! Cảnh thì tĩnh, nước thì trong, một mình anh thảnh-thơi, vùng vẫy.” 

Con cá làm như cất tiếng cười mỉa-mai rồi giải thích:
“Đây trước là con suối. Một hôm mưa nguồn lớn, đá trên núi đổ xuống ngổn ngang, con suối đổi dòng để lại một khúc chết ở đây. Thoạt tiên nước đục, tôi còn khuây khỏa đôi chút, vì mình có thể bơi lội tung tăng mà vẫn no mồi, chẳng phải để ý đến ai, và cũng chẳng ai biết có mình mà để ý. Tai hại thay nước lắng dần. Qua đi một tuần trăng nước trong suốt như gương, tôi thấy mình trơ-trẽn quá. Anh ơi rủi bị tù trong một vũng nước đã là một điều đáng buồn, lại bị tù lộ-liễu trong một vũng nước trong suốt như gương này thực là buồn vừa nhục.”

Nước trong vắt không có mồi, anh có đói không?”
“Tôi có thể ăn rêu bám ở những hòn đá quanh đây”

 Người lính thú lấy cơm nắm ra giơ lên rồi nói:

“Tôi bửa cơm ra và ném xuống một ít cho anh nhé” 

Giọng cá bình thản một cách buồn rầu:
“Cám ơn anh, giá nước đục anh làm như vậy thì hay, nhưng nước trong như thế này, anh ném xuống để thấy tôi bơi lên đớp lấy, chao ôi còn cảnh nào tủi hổ cho bằng !”
Người lính thú ngẫm-nghĩ, sực nhớ điều gì, anh nói:
“Thế tôi mang anh sang dòng sông gần đây vậy nhé!”
Cá đáp:
“Cám ơn anh, cám ơn anh! nhưng cảnh tôi phải lên nằm trên lòng bàn tay anh để rồi anh mang ra sông thả xuống còn đáng sỉ nhục gấp ngàn gấp vạn lần cảnh bị tù thế này. Tôi tuy bị tù ở đây những vẫn nghe thao-thức tiếng sông qua mạch đất. Sẽ có ngày mưa nguồn làm tràn bờ giếng này, làm rềnh khúc sông kia, lúc đó tôi sẽ nương theo triền nước mà tìm ra sông. Như thế mới đẹp! như thế mới đẹp!”
Có tiếng mõ thu quân. Người lính thú chào cá, bịn-rịn ra về. Từ đấy mỗi khi chém tre, đẵn gỗ hoặc đi kiếm măng trúc, măng mai qua đấy, anh cũng giữ ý chẳng muốn đến bên bờ khúc suối chết để khỏi gây xáo động cho con cá bị tù. Thảng hoặc gặp cơn mưa nguồn khá lớn, anh chạy vội tới đó ném vội xuống khối nước đục ngầu một ít cơm rời rồi ra về trong lòng không vui vì anh vẫn thắc-mắc chẳng hiểu cá còn ở dưới đó để nhận những hột cơm của người tri kỷ này, hay đã trườn mình tìm ra sông rồi.
Lũ trẻ trố mắt nhìn Kha im lặng. Chúng biết Kha đã kể dứt câu chuyện.
Đưa mắt nhìn Vân, Kha thấy nàng cúi đầu im lặng, riềm mi chớp chớp.

Kha đứng dậy ra về. Chàng tin rằng mình đã ra về rất đúng lúc.
Sớm mồng một hôm sau Kha y hẹn sang xông nhà bà Phán từ sớm. Tiến chạy đến báo cáo ngay với Kha:
– Có mỗi một con cá, nó lại chết nốt mất rồi anh ạ.
Bà Phán quát:
– Mới sớm đầu năm mà đã nói chết với chóc gì, ranh con!
Kha chúc ông bà Phán mấy câu khách sáo “sống lâu ,giàu bền”. ông bà Phán cũng chúc Kha cuối niên học thi đỗ nốt tú tài phần hai. Cả hai ông bà cùng tránh không chúc Kha lấy vợ, có lẽ vì có Vân đứng đấy. Qua đi dăm phút ngượng ngập, Kha thoát khỏi phòng khách ra sân chơi với lũ trẻ. Vân cũng tiến ra theo, nàng đã trang điểm, đẹp kín đáo nhưng quyến rũ.
Cả ngày hôm đó Kha thì-thọt sang thăm Vân luôn nhưng cũng có lần không gặp vì Vân theo mẹ ra Hà-Nội từ trưa để lễ tết một vài nhà trong họ rồi vào nhà thương thăm Thi đến tối mới về.
Cả ngày mùng một năm đó nắng vàng trong như hổ phách. Gió thổi vào hồn Kha phơi-phới và Kha như nhập vào cánh bướm chập chờn đến đậu lên những hoa cải vàng ngoài vườn. Những hoa cải vàng cao ngất, lắt-lay bình dị, đó là hình ảnh muộn-màng của mùa đông qua còn sót lại. Cây cải thì lớn vồng, có những lá già lỗ-chỗ, hoa cải vàng tuy cười với nắng vàng đầu xuân nhưng dám chắc trong lòng vẫn chưa quên mùa rét mướt những mưa phùn gió bấc vừa qua. Nắng trong quá làm Kha thấy niềm vui như trở thành mong-manh mộng ảo. Kha thấy thiếu, thấy khao-khát một cái gì mà vẫn chưa tìm ra.
Buổi tối khi Kha sang nhà Vân, ông Phán đã ngồi vào bàn tổ tôm với bốn ông bạn khác, bà Phán đi ngủ sớm vì cả ngày bà đi lễ mệt, bà bắt mấy đứa nhỏ đi ngủ theo, chỉ còng hai đứa lớn đương ngồi đối diện ở góc nhà đánh tam cúc ăn tẹt mũi. Kha lảng ra hiên và vui mừng thấy Vân theo ra. Hai người chào nhau bằng nụ cười im lặng. Kha di vào góc khuất, tì tay lên cột gạch nhìn xuống khoảng vườn ngập trong bóng tối. Vân tiến tới. Kha biết nàng đã bằng lòng, tuy nhiên Kha chưa dám có thái độ quá âu yếm. Cả hai đứng gần sát bên nhau, nói những chuyện bang quơ se sẽ. Gió thay chiều tự lúc nào, mây đen ùa tới. Gió thổi mạnh hơn rồi mưa khá nặng hột. Chưa bao giờ có một trận mưa đầu xuân lạ như vậy. Lúc đó Kha mới thấy rằng điều mình khao-khát từ trưa đến giờ chính là cảnh mưa gió bất ngờ này. Và cũng bất ngờ chàng quàng tay ôm Vân rồi ép nàng vào ngực mình. Vân không chống cự hay có chống cự nhưng yếu ớt.
Kha nói như say điên nhưng giọng thì lại dẽ-dàng:
– Mùa xuân không thể chỉ có nắng vàng. Nắng vàng trong quá làm tình chúng ta mong-manh, mùa xuân phải có gió, có mưa nữa Vân ạ. Tuổi trẻ của chúng ta không thể trong suốt như thánh nhân, chúng ta sẽ chết trong sự trong suốt đó như hai con cá đã chết.
Rồi Kha hôn Vân, và cả hai như bị cuốn theo vào một cơn lốc của đam mê, vượt ra khỏi mùaxuân gió mưa nhỏ bé, vào một bão tố vô cùng lớn của vũ trụ, trong đó cuốn theo những vì sao. Và những vì sao trong khi bị hút xuống lòng bão tố như vậy trong chẳng khác gì những hạt ngọc, hạt kim cương rơi vãi của những nạn nhân nào đó.
Rồi Kha cũng phải buông Vân ra cho nàng thở, và cho chính Kha thở nữa. Và Vân đã nhắc lại một câu như để riễu Kha làm Kha giật mình, công nhận nàng là người đàn bà thông minh:
– Dầu sao cũng cám ơn anh đã giúp chúng ta thanh toán được tình cảm của nhau.


III 

Sau đêm xuân trác tuyệt, đôi bên trao nhau cái hôn đầu tiên khuấy động bão tố tâm hồn, Vân xấu hổ như bị thất thân và hết sức lánh mặt Kha. Biết ý, Kha cũng không dám tìm nàng. Ngày mùng chín sau khi làm lễ hạ cây nêu, bà giáo lên Tuyên-Quang. Rằm tháng giêng bà đánh điện gọi Kha lên. 
Ngày hai mươi chín Tết khi bà từ Tuyên về quê, ông giáo ở lại chỉ mệt xoàng. Bà xem bói biết sang năm ông giáo có sao Thái Bạch chiếu. Thái Bạch sạch sành sanh! Thế nào dchg bị hao tài tốn của! ngày mùng một tết bà đã lên chùa làm lễ giải sao và có hình nhân thế mạng, không ngờ ngày mùng chín lên tới nơi, bà thấy bệnh tình chồng nặng lên rất nhiều, ông bị liệt một bên chân, rồi ngày rằm – ngày bà đánh điện về gọi Kha – ông bị liệt nửa người, ngày hai mươi tháng giêng ông từ trần. Bà giáo phải thuê riêng một chiếc xe familial rồi hai mẹ con đưa quan tài, từ Tuyên về làng. Tính ra từ ngày được đổi lên Tuyên đến ngày từ trần ông giáo dạy học nơi đây vừa được hai mươi năm.
Mẹ góa con côi, bà giáo thương con, ưng cho Kha thuê chung một căn nhà cùng với bốn người bạn khác ở phố Bờ Sông.
Kha đã gặp Vân, đôi bên hết ngượng nhưng giờ đây Kha có đại tang. Kha cắm cúi học thi nốt phần hai, hết tang Kha sẽ xin mẹ hỏi Vân cho. Có một đêm rằm thứ bảy Kha sang bên ông bà Phán, xem hoa quỳnh nở, ngồi cùng với các bạn giai của Hãng, các bạn gái của Vân.
Mùng chín tháng ba Nhật đảo chính, Pháp mất chủ quyền. Kế đó là nạn đói lịch sử. Nạn đói làm chết hai triệu người này có làm hốc hác nhiều khuôn mặt làng Định Quyết, có làm sa ngã đôi ba người làng Định Quyết, có đánh quỵ không quá số mười người dân làng Định Quyết. Nguyên do dân làng này công chức có, nhà nông có, đàn bà đều buôn bán đảm vì vậy mọi người có đủ điều kiện để nâng đỡ nhau trong cơn khốn khó. Mười chín tháng tám tổng khởi nghĩa cướp chính quyền. Sau ngày cách mạng, Kha dự cuộc biểu tình bãi khóa kỳ thi tú tài toàn phần khóa một. Toàn thể học sinh nêu lên câu hỏi khẩn cấp: nước nhà đương trong tình trạng khẩn trương như thế này thì thi với cử mà làm gì? Chính Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ họ Vũ phải đích thân tới khuyên nhủ và giải thích, an hem mới chịu vào phòng thi. Kha đỗ nốt phần hai và ghi tên học PCB, dự định sẽ theo ngành Thuốc sau này. Nhưng không khí cách mạng cuốn theo Kha như dòng nước lũ cuốn theo một cành rong nhỏ nhoi, Kha gia nhập đoàn thanh niên cứu quốc khu phố Bờ Sông. Kha ưng hoạt động ở Hà-Nội vì khuôn mặt cách mạng tại thủ đô bao giờ cũng tưng-bừng và duyên dáng hơn bất cứ nơi nào. Khi quân đội Pháp được vào đóng tại Hà-Nội để ngay sau đó dở trò khiêu-khích, Kha gia nhập tự vệ khu phố. Chàng hoàn toàn bỏ học. Không khí tưng bừng của năm đầu cách mạng làm Kha quên Vân. Là con dân – hơn nữa là thanh niên – của một dân tộc vừa thoát ách nô lệ mà tinh thần quốc gia đôi khi đi đến cực đoan, mà trí tưởng tượng thì quá phồn thịnh, việc Kha gia nhập đoàn thể để hợp quần thành sức mạnh, rồi cùngdân tộc nuôi mộng vá trời lấp biển, quên người tình bé nhỏ cũng là lẽ dĩ nhiên. Sự thực Kha không hẳn hoàn toàn quên Vân, nhưng Kha thấy mối tình của Vân giờ đây chỉ là phụ, chỉ là một đường viền nhỏ trang sức cho một bối cảnh mênh- mông, hùng vĩ và vô cùng phong-phú là cách mạng. đôi khi Kha có gặp Vân hoặc ở ngoài phố, hoặc ở làng, Kha có nhớ lại đêm xuân trác tuyệt ôm hôn nàng say đắm, nhưng rồi Kha mỉm cười với kỷ niệm như nụ cười của người khổng lồ đương cầm viên ngọc nhỏ soi lên ánh mặt trời. Có lẽ biết sự nhỏ bé của thân phận mình bên chàng trai thời cách mạng, Vân nhiều khi cố ý gặp Kha và kéo dài phút gặp gỡ tay đôi. Điều này càng khiến Kha thầm kiêu hãnh. Nếu có dịp hôn Vân lần nữa chắc chắn Vân không còn ngượng đến mấy tuần sau như lần trước. Nhưng biết rằng cái hôn lần thứ hai còn giữ được hương vị say đắm như lần đầu? kha quên ngay câu hỏi đó vì chàng còn phải tập kịch để kịp lên sân khấu Nhà Hát Lớn thành phố vào dịp kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày 19 tháng 8. Kha ở ban kịch thanh niên cứu quốc, vở kịch nhan đề “người tráng sĩ núi Lam” gồm hai màn. Kha thủ vai Lê-Lợi.

Màn đầu vừa hạ xuống, Kha đứng bên trong hậu trường hé màn nhung nhìn ra nhận thấy có Vân ngồi xem ở hàng ghế thứ ba cùng với mấy người bạn gái của nàng. Đó là mấy người bạn học nghèo và khá thân cũ trong số có Quỳnh-Hương. (Vân rủ mấy cô bạn này đi cho có vẻ tự nhiên, nàng mua vé fauteuil d’orchestre nói thác khao các bạn vào dịp sinh nhật, sự thực sinh nhật của nàng vào tháng mười sắp tới).
Thốt nhiên Kha ôn lại xem màn đầu mình đóng có gì vấp-váp không, chàng vui mừng thấy là mọi lời đối đáp đều đã rất trôi chảy. Tiếng vỗ tay đã chẳng vang dậy là gì? (Trong đó lẽ cố nhiên có cả tiếng vỗ tay của Vân). Màn thứ hai kéo lên..
Cuối màn này là cảnh Lê-Lợi mài gươm dưới trăng. Dáng Kha – (Lê Lợi) – mài gươm đẹp và hào hùng. Chàng ngừng mài gươm lắc đầu ngao-ngán đứng dậy vuốt vạt áo lam rồi ngẩng nhìn trăng cảm khái (và cũng kín đáo liếc xuống hàng ghế có Vân nữa). Chàng để cho tâm hồn trữ tình của mình thật phơi phới như nắng và mưa gió đầu xuân (chàng nhớ lại đêm xuân nào chàng hôn Vân) để sửa soạn ngâm lên mấy câu “Hổ trường”, thơ Nguyễn Bá Trác. Chàng hít mạnh cho hơi đầy phổi rồi buông xuôi giọng như buông xuôi con thuyền trên giòng thác lũ của cảm khái, giọng sang-sảng và ai hoài:

Trượng phu không hay xé gan bẻ cật
Phủ cương cường… 

Cả rạp rùng mình. Từ người soạn kịch qua diễn viên là Kha đến toàn thể khán giả lúc bấy giờ không một ai thắc mắc về chuyện tại sao Lê-Lợi vào đầu thế kỷ thứ mười lăm đương mưu toan diệt Minh cứu nước mà lại ngâm bài thơ của báo Nam Phong đầu thế kỷ thứ hai mươi. (Nghệ thuật khi đạt tới mức rung cảm thật thì không còn phân biệt không gian và thời gian chăng?) Nền phông rừng núi càng trở nên âm u, mảnh trăng lưỡi liềm như có phát ánh sáng thật, sân khấu bỗng kết tinh thành đời sống, giọng Kha như cũng long-lanh bàng bạc nhập vào ánh trăng rồi tỏa xuống khán giả:

Học chửa thành
Thân chẳng lập
Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc
Trăm năm thân thể…bóng tà dương.
Vỗ gương mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường… 

Cả rạp im phăng-phắc, nhưng riêng Kha, chàng như nghe tiếng trái tim của Vân cùng hòa với nhịp trái tim rất mực trữ tình của chàng lúc đó. Kha muốn có phép tang hình nhảy qua ban nhạc bên dưới, đến hàng ghế thứ ba kéo Vân đi (Vâng cũng tàng hình luôn) và chàng hôn Vân và nhất định cả hai sẽ cùng lại bị cuốn vào cơn lốc đam mê vô cùng rộng lớn của vũ trụ…Sao mà lúc đó Kha yêu Vân! Chàng mang-máng cảm thấy như có hối hận vì đã quá xa vời Vân từ ngày đầu cách mạng.
Lúc tan kịch Kha vội-vã đi từ cửa sau ra phía trước cổng trường Nhà Hát Lớn mong được gặp Vân, nhưng cổng trường rộng như biển hồ rồi làn sóng người đổ về năm đại lộ như năm dòng sông làm sao mà tìm được Vân? Sự thành công của Kha trong vở kịch bỗng đượm màu ngao-ngán vì lạc mất người yêu.
Nhưng rồi từ ngày sau, Kha cũng không gặp được VâTn mặc dù chàng vẫn nhớ Vân lắm. Thời cuộc tram trọng quá mau lẹ, quân Pháp khiêu khích khắp nơi, tại mọi khu phố tự vệ thành đào gâp hầm chiến đấu. Rồi đến vụ giết người, cướp của, hiếp dâm của quân đội Pháp ở Hàng Bún, tâm tình mọi người dân Việt căng thẳng ra mọi chiều như bị cực hình tứ mã phanh thây, căm hờn bốc lên ngột ngạt không khí, hòa bình cố gắng duy trì chỉ còn treo trên sợi tóc…HÌnh ảnh mẹ mà chàng kính mến, hình ảnh Vân mà chàng yêu thương, bỗng chìm lẫn vào không khí u uất đó chỉ còn thấp-thoáng khi ẩn khi hiện như những đường nét của bức sơn mài sơ khởi. Rồi Kha được tin Vân theo gia đình đi lánh nạn trên đồn điền Phú-Thọ.
Có một đêm kia sau phiên gác Kha trở về nằm lăn ra giường ngủ, quá mỏi mệt quên cả thay áo quần. Kha mơ thấy mình đi thơ thẩn trên một cánh đồng hai bên đường có những cụm hoa vàng. Đó là thứ hoa cúc dường như.ai có đầy rẫy ở quê chàng. Gọi là hoa cúc vì chúng chỉ lớn bằng cúc áo. Cánh đồng bỗng ngập nước biến thành cánh đồng chiêm mênh mông.
Dưới ánh nắng vàng trong, nhìn cánh đồng ngập nước long-lanh đó, Kha nghĩ ngay đến khuôn mặt của Vân, người con gái vừa tới tuổi xuân của đời. Chợt trời mưa…Có tiếng gọi, Kha quay lại nhận ra Vân đứng trong một căn lều gianh đương vẫy chàng. Kha bước vào, bên trong có thắp đèn, bên ngoài như tối hẳn. đôi mắt Vân nhìn chàng vừa như trễ nải buồn rầu, vừa như có sức khêu gợi một cái gì thật mãnh liệt ở tiềm thức.
Trong bầu không khí im lặng, ánh đèn tỏa ra dìu dịu. Kha bâng khuâng không hiểu đó là ánh sáng đèn hay ánh sáng vì sao bản mệnh của Vân. Kha vòng tay ôm lấy Vân và cúi xuống với một bề ngoài lặng-lẽ để mở ra trong đáy lòng cả một làn sóng đam mê hùng vĩ làm đảo lộn tâm hồn…
Và chàng sực tỉnh dậy. Nhưng cụm hoa vàng như còn thấp-thoáng trước mắt, mùi tóc, mùi phấn hương của Vân (ký ức tự đêm xuân trác tuyệt) tưởng chừng còn phảng phất đâu đây. Kha có cảm tình với bất cứ loại hoa nào kể từ giấc mơ đó.
Chiều hôm sau tới phiên gác, Kha cầm súng đứng bên bờ hầm chiến đấu và chàng thanh niên khờ-khạo về chiến tranh, lãng mạn về tình yêu ấy vui mừng xiết bao khi nhận thấy sát với hàng giây thép gai phía trước, dẻo theo mép đường Bờ Sông, có vô số những cục đất đỏ lăn lóc (đất tự những ụ chiến đấu lăn xuống) nhưng không một cụm hoa vàng bị đè bẹp. 


Hết Chương 6. Xem tiếp Chương 7


Tìm Kiếm