…..Doãn Quốc Sỹ
Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến
Phần II
Chương 11
MỘT SỰ CHUYỂN HƯỚNG


Chỉ vì một cơn sốt rét?
Thì bao giờ sau cơn sốt rét người ta chẳng cảm thấy cả cơ thể và – nguy hiểm hơn nữa – cả tâm hồn bị tàn phá tan hoang, đúng như hình ảnh hồng huyết cầu bị vỡ nát trong cơn sốt theo lời tả của bác sĩ.
Những tù binh Pháp, Đức, Hung, Hòa Lan, Bỉ… to lớn như hộ pháp mà chỉ ba cơn sốt rét không kịp có thuốc là ra đi vĩnh viễn. Cơ thể quân dân Việt kháng chiến dẻo dai hơn chịu được sốt rét kinh niên, nhưng tâm hồn thì không, sau trăm cơn sốt y như cả nghìn, minh cảm thấy một sự chán chường, một sự trống rỗng ghê gớm; còn tin còn yêu cái gì ư, chỉ là dựa vào kẻ khác mà tin mà yêu đấy.
Đến nhà Đạo được hai hôm thì bất thần Chủy lên cơn sốt rét – cơn sốt rét nào mà chẳng bất thần – biết bao lần trước đây trên bước đường công tác, Chủy đương khỏe mạnh bỗng rùng mình một cái nhẹ, rất nhẹ, nhưng thôi thế là có chạy đàng giời cũng không thoát, cơn sốt đã khởi sự, rồi cứ thế tuần tự và chắc chắn dâng lên như triều, không một sức mạnh vật chất hay tinh thần nào cản nổi.
Nhưng lần này Chủy lên cơn sốt ở miền quốc gia, sau hơn một tháng giời bị bắt xa vợ, xa con, xa bầu không khí có đảng tính! Rồi đương lúc lên cơn sốt thì lại gặp Khóa tới nhắc lại chuyện cha mình xưa, rồi lại kể chuyện đã từng mơ thấy lên thiên đường, xuống địa ngục … Trong khi đó vợ chồng Đạo săn sóc Chủy thật chu đáo và thật tình, rồi nếp sống gia đình của vợ chồng Đạo với lũ con của họ … còn phải kể đến giấc mộng trước ngày lên cơn sốt rét, mà nếu kể giấc mộng này thì phải ôn thêm một giấc mộng khác nữa, và không thể bỏ qua mối đam mê mãnh liệt của Chủy đối với người vợ trẻ đẹp: Vân! Nhưng dù sao thì nguyên nhân chính vẫn là cơn sốt rét kia, nó làm tâm hồn Chủy tan hoang rã rời đúng lúc dừng bước trong vùng quốc gia. Trận sốt đó chính là trận bom mở đường cho quân thù đổ bộ. Có thể là những triền phóc rất “người” của con người vẫn bám lấy Chủy, lẩn trong tiềm thức, nhưng ờ miền của Đảng, còn các đồng chí xung quanh chống đỡ và giữ vững bầu không khí đảng tính cho mình khỏi lạc lõng, khỏi bơ vơ, khỏi “sa ngã”, đằng này thì …
Âu đó cũng là tác dụng phong phú của cái miền tiểu tư sản tự do cá nhân này – (lời dè bỉu của Chủy) – của cái miền mà Kha trước đây mệnh danh là … khu rừng già.
Vân và Tân và cả vợ chồng Đạo nữa vô tình đâu có biết điều đó.
Từ trại tập trung lộ thiên ngoài tiền tuyến chiến dịch Citron, toán tù binh, trong số có Chủy, trên đường về camp Hải Dương, được lệnh tạm ngừng lại trước khi vào tỉnh. Chủy ngồi phệt xuống đám cỏ dầy bên lề đường cúi gầm mặt xuống đăm chiêu đấy mà không suy nghĩ gì cả vì chưa biết hoàn cảnh sẽ đưa đẩy ra sao để mà tìm cách đối phó. Bỗng có tiếng ai gọi:
– Có phải chú Chủy đó hay không?
Thoáng nhìn người gọi mình Chủy nhận ra ngay là Đạo người cùng làng (Lại Vũ) con cụ huyện Từ, Chủy vội đáp:
– Vâng, chào anh!
– Chết chưa, sao chú bị bắt thế này?
– Tôi bị bắt trong chiến dịch vừa qua bên bờ sông Luộc.
– Chú tản cư ở đấy à?
Chủy đoán là Đạo có tản cư nhưng vào thành sớm nên không biết gì về thành tích hành động của mình dưới bí danh Mạnh. Đạo hỏi luôn vì thấy tên đội Sénégalais canh toán tù binh đã ngửa cổ uống xong hộp bia, quẳng chiếc hộp ra xa và sắp ra lệnh cho tù binh đi vào tỉnh:
– Chú bị bắt có tang vật gì không?
Chủy đáp ngay:
– Không anh ạ.
– Nếu vậy chú liệu khai cho khéo, tất nhiên được thả sớm, tôi hiện làm bí thư cho ông tỉnh trưởng, nhà số 3 phố Hoàng Hoa Thám, chú được ra nên qua đằng tôi, anh em nói chuyện, về phần tôi ngoài này, tôi cũng cố xem có thể giúp chú được gì không.
Tên đội Sénégalais đã vỗ tay ra lệnh cho tù binh đứng dậy xếp thành hàng hai … Đạo từ biệt Chủy.
Đạo là con trai duy nhất của bà huyện Ba và cũng là cậu ấm bình dân nhất trong số những cậu ấm cô chiêu con cụ huyện Từ. Có lẽ vì là con bà Ba nên chất quan cách loãng đi, số anh chị em một cha ba mẹ lại quá đông nên sự chăm nom săn sóc nặng tính chất nề nếp hợp lý mà rất thiếu về tình cảm thắm thiết. Nề nếp ấy giữ cho Đạo được ăn học theo đúng con giòng cháu giống; sự thiếu tình cảm kia đã khiến Đạo tìm lối thoát theo thiên tính ưa bông lơn để chàng dễ gần với đám người bình dân. Chủy nhớ là Đạo vẫn hay mặc quần áo nay bằng vải phin trắng nõn hay bằng lụa tơ tầm vàng ngà, rất quý phái, nhưng lại ngồi xổm bên bác đánh vó hay ngồi giữa đám nông phu trong quán nước để tán chuyện gẫu. Lúc Đạo thoạt gia nhập ai nấy thường e dè, nhưng chỉ qua đi vài câu bông lơn có duyên của Đạo là tiếng cười hòa đồng ngay và bức thành giai cấp tự nó xụp đổ. Tiếng vẫn theo học ở Hà Nội nhưng Đạo vẫn gần gũi với quê hương là thế. Cho đến ngày trưởng thành – ngày cưới vợ – Đạo được cha tậu cho một dinh cư riênq ngay sát bên căn nhà tranh nghèo của mẹ con Chủy. Đạo hơn Chủy độ năm sáu tuổi, bà đồ Thinh có giải thích cho Chủy hay là bà huyện Ba với ông đồ có liên hệ xa xôi chị em con già con dì. Đạo vẫn thân mật gọi Chủy là “chú Chùy” và lẽ cố nhiên nhiều khi đùa cợt với Chủy, nhưng Chủy rất ác cảm với vợ Đạo. Đạo hai mươi nhăm tuổi mới lấy vợ – ở nhà quê như vậy là muộn lắm – vợ Đạo cũng là con quan. Chủy thấy cử chỉ, lời ăn tiếng nói của vợ Đạo rất cao kỳ, tiếng gọi con sen kéo dài đài các: “Seeen!”, giọng mắng sang sảng “Mày ngu lắm seeen!”, giọng sai bảo cũng sang sảng: “Nghe tao đây seeen!” Chủy nghe mà lộn ruột. Thoạt nhà Chủy với nhà Đạo chỉ cách nhau có hàng rào dâm bụt, vợ chồng Đạo về ở được một năm thì cho xây tường dầy hai mươi phân, cao hơn đầu người. Thế càng hay, Chủy khỏi phải nhìn thấp thoáng bóng đài các của người đàn bà con quan kia, và tiếng nói sang sảng của người đó cách ngỡ tường dầy cũng đỡ làm Chủy muốn nổi xung. Mỗi khi thoáng gặp vợ Đạo từ xa lại, Chủy tránh sang ngõ khác ngay, Gớm mặt! Thực ra vợ Đạo chưa hề một lần thất lỗi với mẹ con Chủy; đôi khi có điều gì nói với bà đồ Thinh, người đàn bà con quan ấy giữ đúng lễ vai dưới, thưa gửi trịnh trọng, nhưng Chùy vẫn thấy … “thế nào ấy”; thái độ lễ phép kiểu cách ấy vẫn như là một loại xa xỉ phẩm mà kẻ giàu sang bố thí cho kẻ nghèo hèn. Chính vì thế Chủy càng ghét vợ Đạo thậm tệ và luôn luôn tự nhủ thầm: “Con mẹ mới kiểu cách giả dối làm sao!”
Có lẽ tại Chủy nặng tự ty mặc cảm quá!
Khi có phong trào hoạt động Việt Minh bí mật thì vợ chồng Đạo lại ra Hà Nội ở, nhà gửi một người nghèo trong họ. Những ngày đầu kháng chiến, Chủy có nghe nói vợ chồng Đạo tản cư ít ngày về phía cổng Thần, Chợ Đại (Liên Khu III) rồi trở về Thành ngay.
Bị nhốt ở camp Hải Dương khoảng mười ngày thì Chủy bị gọi lên hỏi cung với một trận đòn phủ đầu tối tăm mặt mũi: “Mày có phải cán bộ Việt Minh? Mày có phải Việt Minh quan trọng?” Chủy chịu được đòn, khai rằng mình là thường dân tản cư đến miền đó, rằng mình vẫn định dến Hải Dương thăm người bà con làm bí thư cho ông tỉnh trưởng hiện ngụ tại số 3 phố Hoàng Hoa Thám, rằng nếu được gặp người bà con áy mình sẽ xin giấy tờtrở về quê cũ …
Lời khai khôn ngoan của một cựu chủ tịch huyện, đương kim tỉnh ủy viên, có thừa mánh lới, kèm theo bộ mặt nông dân với đôi mắt biết kịp thời dịu tia nhìn cho đượm phần chất phác, đã khiến Chủy chỉ bị ba trận độn đầu rồi được tha. Để phòng nhì cùng công an chỉ điểm quốc gia thật yên chí về sự ngay tình của mình, Chủy hỏi thăm đường tìm đến nhà số 3 Hoàng Hoa Thám. Dự định tới thăm Đạo, Chủy còn thâm ý muốn dò la cho rõ tình hình địch và bù nhìn về nếp sinh hoạt thường nhật, vệ quân sự cũng như về tổ chức hành chánh để tiện bề lãnh đạo sau này khi trở về vùng kháng chiến, trở về với bí danh Mạnh, tỉnh ủy viên Hải Dương.

Đầu tuy đã chải khi ra khỏi trại giam nhưng vì lâu ngày chưa húi nên tóc sau gáy và hai bên thái dương khá dài làm Chủy thấy bận bịu; sự bận bịu đó khơi dậy sự bận bịu trong thâm tâm Chủy hằng có với vợ Đạo từ xưa. Vô tình Chủy giơ tay lên vuốt lại mái tóc từ đĩnh đầu xuống gáy, nghĩ thầm: “Con mẹ đó trông thấy mình ăn mặc như thế này, đầu tóc như thế này, nó khinh phải biết! Cái giống tiểu tư sản quan liêu thoái hóa đó sớm muộn cũng phải tiêu diệt chúng cho bằng hết!”
Ai xôi vò chè đưừng! Tiếng rao lanh lảnh của cô bán xôi chè đường tiến lại, Chủy né mình tránh. Mùi nước dùng ngào ngạt cũng vừa ấp tới phà ấm mặt, Chủy đưa mắt nhìn vào hàng phở ngay bên, khách đương đông, tíu tít kẻ ngồi người đứng, kẻ ngẩng nhìn chờ đợi, người cúi ăn mải mê, tiếng nói xen tiếng cười … Qua hiệu phở đến một cửa hàng tạp hóa khá lớn, sát tường phía trong cùng, những chai rượu vang, rhum, champagne đủ các nhãn hiệu xếp thành hàng dài trên kệ cao nhất, mấy kệ dưới là những đồ hộp, những lọ kẹo, đường, bánh ngọt, cà phê … hai tủ kính phía ngoài nhan nhản những thứ hàng xa xỉ. Ngoài kia giá có được cắt cái móng tay chẳng hạn, đã là quý, mà ở đây biết bao những hàng quý gấp ngàn lần bầy la liệt, thừa mứa. Tiếp đến mấy gian liền những cửa hiệu sản xuắt bánh đậu, bánh khảo nổi tiếng khắp Bắc Việt, mùi vani quyện với mùi đường mùi bột thơm phức.
Một lần nữa Chủy giơ tay vuốt mớ tóc dài rối lầm bầm: “Chúng nó phè phỡn trong bơ sữa thế này không hèn sao được?”
(Chỗ này Chủy lại quên béng mất tư tưởng mấu chốt của người cộng sản: vật chất quyết định)
Chủy đã rẽ sang tay trái: phố Hoàng Hoa Thám!

II 

Chủy ngừng lại trước cửa nhà số 3, đúng rồi nhà Đạo. Tiếng Đạo từ trong vẳng 
ra:
– Bu mày ơi sao chỗ này khai khai thế này?
– Con ông nó đái chứ còn ai vào đây nữa.
Giọng trả lời sang sảng đó là giọng vợ Đạo, Chủy còn nhận ra.
– Thằng mặt dài trí thức đái hay thằng mặt tròn nông dân đái?
– Thằng mặt tròn nông dân đái! Chỗ ấy trước chả có một kẽ nẻ xi măng, ông ấy lấy que bới lên thành một cái hố nhỏ rồi lúc nào mót là ra đấy vạch quần đái vào.
– Hừ! Đúng là thằng hồn nhiên! À nó đây rồi, tại sao mày đái ra sân cảnh của cậu, khai bỏ mẹ!
Tiếng thằng bé nhắc lại lời bố:
– Khai bỏ mẹ!
Chủy bám chuông, Đạo ở trong nhà ra reo:
– Ồ kìa chú Chủy, chú đã được tha? May quá.
– Vâng, tôi được tha sáng nay, nhưng chờ họ đánh máy xong giấy tờ cũng gần trưa.
– Thì tôi cũng vừa tan sở về đây, vừa kịp thay áo. Mình ơi, có chú Chủy.
Vợ Đạo đã ra, Chủy cúi chào, vợ Đạo đáp lễ rất niềm nở, Chủy không ngờ bầu không khí sớm dễ thở đến thế.
– Chào chị.
– Chào chú. Trời, bao nhiêu năm trời mới gặp chú, chú vẫn thế.
Đạo giải thích lại cho vợ nghe trường hợp Chủy bị bắt. Vợ Đạo gật đầu:
– Thôi bây giờ chú được tha là may. Làng Lại Vũ nhà ở đúng vào khoảng tề hai mang chú ạ, thành ra chúng tôi cũng chẳng dám về. Nhất là nhà tôi lại…
Đạo tiếp ngay:
– Tôi lại là bí thư của ông tỉnh trưởng! về làng rủi gặp các bố ngoài ấy, nhất định bị cõng đi. Phong kiến phản động mà.
Chủy giữ nụ cười xã giao buổi đầu gặp mặt.
– Bác ạ – Bác ạ – Bác ạ – Bác ạ !
Đạo cười:
– À hà, chúng nó ra trình diện cả. Chúng bay phải chào là “chú ạ” nhé.
Vợ Đạo giải thích:
– Ấy chúng nó cứ thấy ai đến chơi với cậu chúng nó thì là bất kỳ già trẻ đều được chào “bác ạ” rồi sau đó mới chỉnh lý sau.
Đạo chỉ từng đứa theo thứ tự từ trên xuống dưới nói với Chủy:
– Con này tên Thúy, lười một cây tôi gọi là con Lười. Con này là Liễu đáo để một cây, tôi gọi là con Đáo Để. Thằng này ông trưởng của tôi, tên Quang mặt dài trông rất trí thức, chỉ phải cái tội mồ hôi chua mùi nước dừa để ôi. Thằng cuối cùng mặt tròn má bánh đúc rất hồn nhiên, tên Minh tôi gọi là thằng Hồn Nhiên. Thôi a lê, chúng mày đi vào! Chú Chủy tắm nhé, rồi chúng mình ăn cơm nói chuyện là vừa.
Chủy thấy lây cái vui của Đạo vừa xoa đầu đứa nhỏ nhất vừa nói:
– Vâng xin phép anh chị tôi vào tắm.
Đạo mở tủ lấy bộ pyjama mang vào buồng tắm:
– Chú cao lớn hơn tôi một chút, mặc có hơi chật nhưng không sao. Quần áo của chú tắm xong cứ để đấy, chiều nào con sen nhà tôi cũng nấu, giặt một đống quần áo đấy.
– Vâng cám ơn anh, anh cử để mặc tôi.
Và Chủy đóng cửa buồng tắm lại.
Vừa rồi Chủy hơi thụ động trước vợ chồng Đạo, giờ đây một mình trong buồng tắm Chủy vừa kỳ cọ, dội nước, vừa ôn lại những hình ảnh. Đạo vẫn hóm hỉnh, dễ dãi như xưa. Vợ Đạo đã là người đàn bà đứng tuổi bốn con, khuôn mặt với nước da trắng mịn ngày xưa nay đã nhiều vết rám tàn nhang, đôi mắt một mí với cái nhìn thuần thục đượm chút mệt mỏi, người béo bệu, nhưng cử chỉ, dáng đi đứng còn kiểu cách, nhất là giọng nói, vẫn giọng sang sảng. Tự nhiên Chủy lại muốn nổi xung: “Không có cuộc cách mạng tháng tám, con mẹ đó còn hách dịch!” Để dẹp mặc cảm, Chủy so sánh vợ Đạo với Vân. Vợ Đạo thuở trẻ nhất cũng chưa thể ăn đứt được Vân, mà Vân đã là vợ của Chủy! Chùy đã từng thẳng tay đàn áp lũ tiểu tư sản đối lập Đảng, nhưng với Vân bao giờ Chùy cũng thẳng thắn tự nhủ thầm là mình quả đã tốt số lắm. Nếu không có cuộc cách mạng tháng tám rồi cuộc kháng chiến do Đảng lãnh đạo làm sao Chùy có uy thế cưới Vân làm vợ? Đêm tân hôn tại đồn điền Lợi Ký, Chủy – bí danh Mạnh, chủ tịch huyện Thanh Ba – rất e dè khi tiến đến gần Vân. Qua đêm, hôm sau mỗi lần thấy Chủy đi qua, Vân cúi đầu. Bây giờ nhớ lại dáng cúi đầu đó, Chủy còn thấy kiêu hãnh. Đàn bà như thế cả mà! Việc gì phải quá quan trọng hóa nhan sắc của họ. Áy tiếng là nghĩ thế để hạ uy thế Vân, mà sao mỗi lần gần Vân, Chủy vẫn thấy mình là kẻ đã say trước khi uống và càng uống càng thêm khát.

Ít khi Chủy chịu xa Vân quá hai tuần. Nếu có sự đoàn thể thuyên chuyển công tác, Chủy thu xếp cho Vân theo đi liền tới địa phương mới. Một điểm nữa: Chủy hết sức khéo léo tránh việc phải đưa Vân vào đoàn thể. Có lần nhìn đám mây trôi nổi không mục đích trên trời xanh, Chủy cảm thấy mình đã làm phải, Vân cần được tự do ngoài những ràng buộc của tổ chức đoàn thế mới đẹp. Sau này Chủy đặt tên đứa con đầu lòng là Du, “Vân Du” tên hai mẹ con kết hợp lại là hình ảnh mây bay tự do trên nền trời xanh. Tất cả những ý nghĩ đó đều hoạt động ngầm trong tiềm thức, Chủy chỉ là cây nam châm bị hút theo chiều vô hình. Trong bóng đêm dù Vân luôn thụ động – ít khi Vân lộ vẻ cộng hưởng – nhưng người Vân là cả một pho tượng tuyệt mỹ, được ôm cái tuyệt mỹ mà rung động thì cần gì phải kiểm soát xem có sự cộng hưởng hay không.
Chỗ này chúng ta cần biết thêm: Ban ngày thường khi Chủy kín đáo ngắm Vân âu yếm, có lần Chùy bắt gặp Vân nhìn ra xa long lanh đôi mắt và ửng hồng đôi má. Buổi chiều kia Chủy được dự tiệc liên hoan đón một cấp tướng mới ở Liên Khu Tư ra. Toàn các đảng viên cao cấp. Chủy tham dự để được các đàn anh giới thiệu là “một cánh tay điển hình của Đảng đã biết diệt trừ tận gốc mọi mầm mống phản động”. Nghe giới thiệu như vậy viên trung tướng Liên Khu Tư chỉ khẽ nhếch mép cười, đưa mắt nhìn Chủy một giây, gật đầu một cái rồi tiếp tục vui đùa với các bằng hữu khác đã từng là đồng chí với ông từ thuở ở bên Tàu. Chủy không hề mếch lòng, biết phận lắm. Trước khi gặp, Chủy đã biết tiểu sử viên tướng đảng viên cao cấp này, một viên tưởng có tài, từng tham dự đắc lực cuộc vạn lý trường chinh bên Mao Trạch Đông, tính tình nghệ sĩ, giá ở người khác thì đã bị kết tội là tiểu tư sản thoái hóa rồi. ở Liên Khu Tư ông tổ chức hẳn một giây liên lạc nối liền Liên Khu Tư với nội thành để cung cấp đều những sơn hào hải vị cùng rượu và thuốc lá hảo hạng cho ông hằng ngày. Anh em đồng chí còn gán cho ông danh hiệu “Nguyễn Công Trứ của thế kỷ hai mươi”, vì ông cũng tới địa phương nào là có vợ ở địa phương đó, đều là hoa khôi của từng vùng. Người vợ ông mới lấy ở Liên Khu Tư là một tiểu thư con quan, trẻ, đẹp và có học thức, chỉ đáng tuổi con ông.
(Cô có người bạn gái lên Việt Bắc học Luật, cô vẫn thư từ đều với cô bạn này, thư từ viết theo kiểu nhật ký rất … tiểu tư sản, khi thì là mấy dòng cảm nghĩ, khi là một bài thơ, khi là một bản nhỏ mới sáng tác … Điều này Kha biết vì dạo đó – như chúng ta đã biết – Kha cũng học Luật).
Trong bữa tiệc liên hoan Chủy ngồi tít phía cuối bàn, luôn luôn ngắm kỹ viên tướng, lòng thán phục vô cùng (nếu ông không phải đảng viên, lại ngang cấp với Chủy tất có thể bị Chủy thủ tiêu). Khuôn mặt ông xương xương lưỡng quyền nhô cao, hai bên quai hàm bạnh, cằm nhọn, rau cạo nhẵn nhưng trông cũng biết là cứng và ráp. Ồng nói rất có duyên, câu trước là chuyện đảng đấy, câu sau có thể đã là chuyện trai gái. Mọi người im lặng theo rõi từng lời khi ông đang nói dở, rồi cười theo ông khi câu chuyện chấm dứt. Người ta đồn ông có thể diễn thuyết bốn năm tiếng đồng hồ liền khống cần môt mảnh giấy nhỏ ghi trước dàn bài, có lẽ đúng, vì Chủy thấy càng sâu vào tiệc ông nói càng thao thao, nhất là trong tiệc này chắc các đồng chí đều hiểu tính ông nên cũng đủ sơn hào hải vị, rượu hảo hạng và xì gà, y hệt bữa tiệc của một đế quốc tư bản. Chủy còn nhớ mãi một câu ông ta nói: “Diệt tiểu tư sản thì ta cứ diệt, nhưng gái tiểu tư sản thì ta không nên chê chút nào, “bồồng” lắm!
Tiệc tan, Chủy chếnh choáng trở về. Gió rừng đêm lành lạnh lùa vào tận chân tóc và lúc đó Chủy mới dám so sánh thầm Chủy lấy Vân cũng giống như ông tướng kia lấy cô con quan, Chủy còn hơn vị đồng chí đó là tuổi không quá chênh lệch với Vân. Về tới nhà đã tới mười hai giờ khuya, Vân còn thức. Chủy đi rửa mặt nước lạnh, đánh răng thay bộ quần áo cánh nâu mới giặt lòng phơi phới tưởng như khi bước vào phòng chính Chủy quyến rũ Vân đêm đó. Sự thực Vân nằm thao thức nhớ đến Kha, nhớ đến ngày Kha bất chợt về đồn điền; nàng đã là vợ Chùy được nửa tháng, nhớ đến buổi sáng hôm sau Kha ra đi và nàng xách lẵng tất tả lên đồi chè, nói là chè tươi nhà uống đã gần hết cần phải đi hái thêm, sự thực nàng lên đồi ngồi phệt dưới một gốc chẫu ôm mặt khóc nức nở … Chủy về … Vân nằm lắng nghe tiếng nước giội … rồi tiếng guốc Chủy kéo lệt sệt vào buồng (Chủy vẫn còn say), tiếng guốc đó sao mà giống tiếng guốc của Kha. Hồi còn ở Định Quyết, Vân vẫn chê Kha là “vua lười”, nhất là khi Kha đã quen thân với Hãng, mỗi chủ nhật về làng, hai người đi bên nhau, Kha dựa vào Hãng xiêu đổ cả người, tiếng guốc lê quèn quẹt, Vân trông mà phát phì cười. Chủy đã chui vào chăn nằm bên Vân, Chùy đem vào trong chăn hơi sương lạnh bên ngoài làm cảm giác Vân nhớ Kha càng thêm phần tê dại. Chủy nghiêng người ôm Vân, bất giác Vân quàng tay ôm lại. Vân ghét hơi thuốc lá nhưng lần này mùi xì gà làm nàng dễ chịu, nàng nhớ đến một lần Hãng bóc gói Philip mời Kha một điếu. Kha rất ít khi hút, thoạt mân mê điếu thuốc rồi đưa lên mũi ngửi khen thơm như sữa. Hãng quẹt que diêm thứ hai tiếp lửa cho và khi hút Kha thở khói nhìn lên trời dáng điệu thưởng thức cũng thành thạo chẳng kém gì Hãng, đó lại là một điều nữa làm Vân muốn phì cười, vừa khi đó Kha nhìn về phía Vân, nàng bèn mím môi rồi đánh trống lảng hỏi Kha một chữ khó, Kha tiến lại cúi nhìn cuốn truyện chữ Pháp đọc cả câu rồi mới tìm nghĩa cho đúng, lần đó mùl thuốc lá làm Vân thấy dễ chịu. Chủy đã ghì chặt nàng nói những gì bên tai, nàng nào có nghe rõ nhưng nàng cũng ghì lại say mê. Vân ôm Chủy theo hình ảnh Kha, đó là lần đầu tiên Chủy thấy Vân có thái độ cộng hưởng. Nàng có mang rồi sinh ra Du.

III

Cậu ơi no quá à! 
Đạo bế bổng thằng bé út lên vừa hôn liên tiếp ầm ĩ lên hai má nó vừa nói:
– Ừ sắp ăn cơm đây thằng hồn nhiên của cậu ạ.
Vợ Đạo gắt chồng:
– Hôn gì mà như xúc thịt con!
Đạo cười nói với Chủy khi đó vừa trong buồng tắm ra:
– Cái thằng hồn nhiên này biết rất nhiều ngữ vựng rồi, những toàn nói ngược. Đấy rồi chú xem, vừa rồi nó nói “no quá” ấy là nó kêu “đói quá” đấy.
Chủy cười lớn cố xua đuổi hình ảnh Vân đầy ắp trong trí từ lúc Chủy đem Vân ra so sánh với vợ Đạo trong buồng tắm. Chủy giơ hai tay ra nói với bé Minh cũng trạc tuổi Du:
– Cháu Hồn Nhiên ra đây chú bế đi ăn cơm nào.
Bé Minh theo ngay, Chủy bỗng thấy sung sướng như được bế bé Du. Vợ Đạo nói:
– Về phía con trai thằng này thiệp liệp hơn thằng Quang nhiều. Bạn của cậu nó tới nhà tự ý nó ra là quen.
Mọi người ra bàn ăn, Bé Minh ngồi giữa Đạo và Chủy. Đạo xoa đầu thằng Quang, cũng ngồi sát một bên và nói đùa:
– Con tuy mồ hôi chua nhưng là trưởng nam con ạ, về sau này các chị mà lôi thôi, nó đóng cửa nhà thờ.
Liễu cong cớn:
– Nó đóng cửa nhà thờ con “oánh”!
Thúy đã mười hai nên tinh khôn nhớ lại lời người lớn thường nói, nó vung tay làm điệu không cần:
– Nó đóng cửa nhà thờ thì chúng con cúng ngoài giời, con đâu cha mẹ đấy.
Vợ Đạo đã xới cơm cho cả nhà, thốt lên:
– Ôi chao, chúng nó về sau này Tây Tàu, đã chắc gì chúng nghĩ đến giỗ với tết!
Đạo quay hỏi Chủy:
– À, giỗ ông bà nhà vào tháng nào chú nhỉ?
Cũng may Chủy nhớ ra ngay:
– Dạ giỗ thầy tôi vào mười hai tháng chín, giổ mẹ tôi vào mùng ba tháng hai.
Kể ra Chủy có thể lúng túng khi bất chợt bị hỏi về ngày giỗ cha mẹ. Suốt thời hoạt động bí mật rồi thời đầu kháng chiến, Chủy đâu có thời giờ rỗi để nhớ đến ngày giỗ. Kịp khi cưới Vân ít bữa sau tới ngày giỗ mẹ. Chủy sực nhớ và bảo Vân làm giỗ. Ông bà Phán hỏi thêm về ngày giỗ ông Đồ. Từ năm sau Vân tự nhớ hai ngày giỗ lớn đó, cận ngày công tác thì Vân nhắc Chủy nhớ về, xa ngày công tác khi Chủy về đã xong ngày giỗ thì Vân nhắc lại. Thái độ đó của Vân ảnh hưởng đến tâm hồn sắt đá của Chủy đương thời thẳng tay tàn sát các đảng viên quốc gia đối lập.
Trong bữa ăn vợ Đạo hỏi Chủy về vợ con. Hình ảnh Vân vừa lãng quên lại ùa vào tràn đầy trong trí. Chùy đáp:
– Cám ơn chị, chúng tôi được một cháu giai bằng cỡ cháu Minh đây.
Đạo hỏi:
– Sao chú thím muộn thế?
Chủy lúng túng không biết trả lời ra sao chỉ biết “dạ” một tiếng. Lý do: nuôi con ở vùng hằng ng0y lo chạy bom đạn là một điều cực nhọc vô cùng, dù Chủy là đảng viên cốt cán được nhiều đặc ân. Thương Vân, Chủy đã nhờ các đàn em công tác nội thành mua hộ một số đồ cao su dự trữ để tránh cho Vân khỏi sinh nở nữa.
Con sen bưng lên một đĩa lớn, bé Minh bỗng thét lớn:
– Mợ ơi nó cắp con!
Vợ Đạo đón lấy đĩa cua bể lột tẩm bột trứng tự tay con sen, đặt xuống bàn rồi vừa cười vừa nói:
– Cua mợ đã rán chín cắp con sao được?
Rồi giải thích với Chủy:
– Tuần trước tôi chả mua cua bể thả vào chậu nước vo gạo, cháu tới thò tay nghịch, bị nó cắp cho chảy máu.
Vợ chồng Đạo chuyển sang chuyện hồi tản cư ở cống Thần, Chợ Đại, nơi vui nhất mọi miền kháng chiến.
Thúy hỏi mẹ:
– Ngày đó cậu cũng kháng chiến ư hở mợ.
Vợ Đạo “ừ” đáp lời con và bỗng nhiên chuyển sang lời tâm sự:

– Mợ có linh tính lạ lắm kia. Mỗi lần cậu đi làm việc tại cơ quan thường lâu lâu mới về, nhiều hôm linh tính báo cho mợ hay là cậu sắp về, mợ ra ngoài vườn thơ thẩn nhìn con đường đất đỏ phía trước, quả nhiên cậu con về thật, từ xa đi lại, thoáng nhìn mợ nhận ra ngay.
Liễu hỏi:
– Linh tính là gì hở mợ?
Vợ Đạo còn đang lúng túng chưa biết trả lời ra sao, Quang đã hỏi:
– Ngày đó con có đi với Cậu không hở mợ?
Đạo bật cười đặt bát xuống xoa đầu nó:
– Ngày đó mày còn ở nước nam nứ nào!
Vợ Đạo nói với Chủy:
– Thật ra ngày đó tôi mới có mang cháu Quang này, rồi vào Thành thì đẻ cháu.
Câu chuyện trong mâm cơm cứ dìu dịu như vậy cho đến khi dùng đồ tráng miệng.
Con sen đã dọn xong căn buồng dành cho Chủy.
Căn nhà gia đình Đạo ở khá sâu: gian ngoài cùng bày biện làm phòng khách; buồng kế tiếp – buồng vợ chồng Đạo dành riêng cho Chủy – có kê chiếc giường nhỏ, chiếc bàn viết và một chiếc ghế dựa; vào trong, qua cái sân hẹp có bể trữ nước mưa, tới căn phòng vợ chồng Đạo với chiếc giường xinh cho đứa nhỏ, bên trên là căn gác xép vừa làm phòng học, vừa làm phòng ngủ cho ba đứa lớn, trong cùng là bếp và giường cho con sen mới chừng mười lăm tuổi.
Đạo thân mật bảo Chủy:
– Chú nghỉ trưa một chút cho lại sức. Buồng này dành riêng cho anh em bà con hay khách khứa đấy. Chú ở đây với chúng tôi ít nhất một tuần đi, nghỉ ngơi cho thật khỏe rồi hãy tính chuyện ra ngoài ấy với thím và cháu.
Chủy bỗng chớp mắt, vừa lúc bé Minh vào, Chủy bế bé lên và nói:
– Tôi nhớ cháu lắm, tôi phải ra ngoài ấy sớm anh ạ.
– Điều đó tôi không dám giữ chú, nhưng chú nên ở đây vài ngày cho thật lại sức.
Đạo giơ tay đón bé Minh, bế qua sân nhỏ sang phòng mình. Chủy chui vào màn nằm ruỗi thẳng cẳng, mùi chăn, mùi áo gối mới giặt thơm phức làm Chủy thấy tâm thần sảng khoai hẳn.
Tiếng Đạo bên phòng vọng sang cùng với tiếng cười khanh khách từng đợt chấm câu của bé Minh:
– A cái thằng tròn của cậu – (bây giờ lại là thằng tròn) – cái đầu tròn này, cái trán tròn này, hai con mẳt tròn này, hai cái tai tròn này, hai cái má tròn này, cái mũi tròn này, cái mồm tròn này, cái cầm tròn này, cái cổ tròn này, hai cái tay tròn này, cái bụng tròn này, con . ể. chim tròn này …
Tiếng vợ Đạo gắt:
– Con nó vừa ăn no để nó nghỉ, ông!
Chủy vươn vai một lần nữa nhìn lên đỉnh màn cười bâng quơ, rồi nhắm mắt lại nghĩ đến Vân và Du .
Thằng Du càng lớn càng bụ bẫm, nước da bánh mật khỏe mạnh giống bố, đôi mắt to và đen của mẹ. Chủy yêu vợ thương con nhưng có thừa khôn ngoan giấu kín thứ tình cảm đó để đoàn thể không thể coi đó là một nhược điểm mà phê bình. Thì trước khi cưới Vân đoàn thể chẳng đã ưng và cho phép? Từ sau ngày cưới Vân, Chủy có làm điều gì sơ xuất khiến đoàn thể phải phê bình đâu? Trái lại Chủy càng tỏ ra đắc lực trong công tác luôn luôn thẳng lời “chỉnh” đồng chí nào còn nặng óc tiểu tư sản, luôn luôn dòi thẳng tay trừng trị những tên phản động tại các tòa án nhân dân mà Chủy có mặt trong đoàn bồi thẩmđể ngầm điều khiển cho đến ngày viên thẩm phán tuyên án. Còn Du, việc Chủy yêu nó thật nhẹ nhõm vì đâu đã phải bận tâm uốn nắn tư tưởng cho nó, và yêu đứa trẻ còn nhỏ dại như thế đâu có phạm đến gương mẫu làm giảm uy tín cán bộ?

Ý nghĩ Chủy nghiêng rất nhanh về Vân, phút chốc hình ảnh Vân lại đầy ắp, độc chiếm. “Thôi mai mình phải ra ngoài đó ngay!” – Chủy tự nhủ thầm thế. Cho đến ngày Vân đã là mẹ, thái độ Vân theo sự nhận xét của Chủy, vẫn là thái độ ngập ngừng giữa e dè và dâng hiến, Vân như ôm trong lòng một dĩ vãng nào – (Chủy làm sao biết được điều đó) – sinh lực nàng vẫn tràn đầy, thân thể nàng vẫn đậm đà tuyệt mỹ. Một đêm trên bước đường công tác, đã hai tuần Chủy chưa gặp Vân, chợt nhìn một vì sao đổi ngôi phóng mình mất hút vào sâu vũ trụ, Chủy liên tưởng những giây phút ân ái với Vân và thấy rằng mình trong những phút đó cũng là một thứ sao đổi ngôi với những tư tưởng rồ dại mà thành sự thực. Còn về sức lực, trừ những cơn sốt rét bất ngờ hai ba tháng một lần làm rã rời cơ thể và tinh thần hai, ba ngày liền, Chủy vẫn thuộc loại sức lực vạm vỡ, lại thêm công tác lưu động dưới nắng gió phơi phới, sức lực đó càng dẻo dai thêm. Kể từ ngày bị bắt ở bờ sông Lụộc, bị giam giữ ở trại ở trại lộ thiên, về camp Hải Dương chịu máy trận đòn phủ đầu rồi được tha, Chủy xa Vân đã trên một tháng rồi. Mấy trận đòn của phòng nhì Pháp không làm cho Chủy yếu đi, trái lại có tác động kích thích giây thần kinh, khiến Chủy càng khao khát khoái cảm nhục thể.

IV

Buổi chiều vợ chồng Đạo xin lỗi không ở nhà ăn cơm cùng Chủy được vì phải đi dự tiệc tiếp tân tại tòa tình trưởng. 
Trước khi đi Đạo giao hẹn các con phải ngoan với “chú Chủy”. Vợ Đạo quắc mắt bảo bé Quang:
– Nhất là thằng Quang này hay hoẵng lắm, chốc nữa về chú Chủy mách là chết đòn nghe không.
Quang thỏ thẻ:
– Mợ phải nói “Quang con của mợ”, mợ không được nói “thằng Quang”.
Cả nhà bật cười. Chợt Đạo hỏi:
– Chết chưa cái bật lửa của tôi sao mất nắp thế này?
Vợ Đạo đáp:
– Ấy ban sáng “Quang con của mợ” nghịch đấy, chắc lại mang ra hè phố chơi rồi để rơi mất nắp chứ có gì lạ đâu.
Đạo nghe chừng đã quen những loại bực mình nho nhỏ như vậy, chỉ lắc đầu:
– Chết thật nhà lắm con, đồ dùng cái gì cũng “thiên tiên bất túc”.
Liễu nói liến láu:
– Cái thằng Quang là cái gì cũng nghịch kia, sáng nay thằng Quang nó đứng đái, nó đố thằng Minh tóm được rồi thằng Minh tóm nước đái, rồi chị Thúy phải rửa tay cho.
Cả hai vợ chồng Đạo cùng thốt:
– Trời ơi!
Liễu nói tiếp:
– Sáng nay lúc cậu đi làm nó nằng nặc xin mợ tiền, rồi ra đầu phố mua bánh rán, rồi ăn không hết vứt ra giường, rồi mợ ăn thừa, mợ bảo tao đã ăn thừa bánh sữa lại ăn thừa bánh rán, bụng tao như cái thùng rác của chúng mày …
Đạo ngắt lời con:
– Thôi thôi, con bà nàng đáo để, mày, tao thì cứ khâu nửa cái miệng, chỉ cho nói nửa miệng!
Chủy phì cười vì cách mắng con khôi hài của Đạo. Đạo làm ra vẻ hầm hầm trịnh trọng, khiến Liễu im thin thít, kỳ thực Đạo rất khoái thỉnh thoảng được mắng đứa nhỏ như vậy, vừa là một cách biểu lộ tình thương con, vừa để giải trí.
Vợ chồng Đạo đi, căn nhà vắng hẳn, Chủy trở về với trạng thái tâm hồn của tỉnh ủy viên muốn đi quan sát tình hình sinh hoạt vùng địch. Chủy hỏi:
– Có cháu nào đi chơi với chú không?
Cả Quang và Minh đều giơ tay nói:
– Cháu! Cháu!
Chủy giắt Quang, Minh cùng ra phố làm bình phong ngụy trang. Trời đã ngả về chiều, máy phóng thanh tại mấy tiệm lớn tỏa ra một điệu nhạc buồn miền Trung, nhịp nhạc như nhịp chèo hò khoan, có tiếng đàn tranh lẫn với tiếng phách. Qua mấy phố buôn bán, thấy cái gì hay hay Quang, Minh cũng đòi mua mà Chủy thì không có đồng nào trong túi, Chủy dắt chúng rẽ vào một đường vắng, qua một trại lính. Một dãy G.M.C đậu theo dọc dài, xe nào cũng chật ních lính. Chắc họ sắp đi chiến dịch. Những người đàn bà ôm con từ trong trại lính ra tiễn chồng lên đường. Viên chỉ huy chưa có vợ nên đợi giờ khởi hành có phần thanh thản; những người lính có vợ con đứng đấy thì cố làm ra vẻ vui cười để yên lòng người ở lại. Đoàn xe chuyển bánh, những người vợ vẫy, có người cầm tay con vẫy, bầu không khí se lòng đó làm cho Chủy hả hê. Xe đã đi khỏi, mùi xăng tan dần trong không khí buổi chiều, con bò vàng buộc ờ gốc dừa gần đấy rống lên một tiếng ngơ ngác. Những người đàn bà đã dắt trẻ em vào trại ôm trong lòng mối sầu lo riêng tư. Không khí trở nên vẳng lặng yên tĩnh một cảnh thê lương, không một tiếng kêu, không một tiếng than, nhưng tựa như có tiếng nói thầm của tuyệt vọng đâu đây. Chủy thấy mát ruột và dắt Quang, Minh theo đường về.
Chú ơi đi chậm quá à!
Nghe Minh nói Chủy sực nhớ trong phút hào hứng đã đi quá nhanh với hai đứa trẻ, bèn khoan bước lại nói:
– Bây giờ ba chú cháu mình về ăn cơm, mai chú mang tiền đi các cháu muốn mua gì chú cũng mua cho, nghe.
Cơm nước đã xong, Chủy chơi với bé Minh ngoài phòng khách đèn bật sáng trưng. Nói chuyện chán rồi bé Minh vào nhà trong chơi với anh chị, bé dừng lại trước chiếc gương lớn rồi sừng sộ với bóng trong gương: “A mày nhìn tao hả, mày trợn mắt hả, muốn đánh nhau với tao hả?”

Chủy nghiêng đầu cười, nghĩ thầm: “Đúng là thằng hồn nhiên!”
Chợt có tiếng ai ngoài cửa:
– Ống bà Tư có nhà không? (Đạo là con trai thứ tư cụ huyện Từ.)
– Rước cụ vào chơi – Chủy nói – hai bác cháu đi dự tiệc vắng ạ.
Bà cụ đầu tóc bạc phơ, nhưng dáng còn khỏe mạnh bước vào. Cụ hỏi:
– Ồng là người nhà ông Tư?
– Thưa cụ vâng ạ.
– Quý hóa quá, ông bà Tư đây có phúc (cụ ngồi xuống) nhà tôi thật vô phúc ông ạ… (cu lắc đầu chép miệng)…
Chủy nghĩ thầm: “ô hay, cái miền này người ta thật dễ tâm sự!”
– … Cơm chồng thì ngọt, cơm con thì đắng! Tôi nuôi nó từ ngày nó còn đỏ hỏn, tôi lo cưới xin cho nó hết bạc vạn, nó nghe vợ đi ở riêng, vợ chồng hú hí, chẳng thăm hỏi gì đến mẹ! Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng! Lương nó tháng tháng lĩnh năm sáu ngàn, hai vợ chồng một đứa con, biếu mẹ được năm trăm đồng, thế mà con vợ nó kêu ra kêu vào lương tháng nào hết tháng ấy, ông tính tôi nuôi chồng nó từ thuở còn đỏ hỏn bây giờ tôi không có quyền tháng tháng nhận của chồng nó năm trăm bạc biếu hay sao? Tôi trông cửa hàng cũng thừa đủ ăn, nhưng ông tính tôi cứ nhận chứ.
Chủy mỉm cười kín đáo, nhưng cũng đáp:
– Dạ, cụ nhận là phải.
– Nhà tôi vô phúc, cả dòng họ nhà tôi vô phúc, tôi có con cháu họ vừa lấy chồng được một tháng thì thằng chồng “rinh” một con gái nhảy về. Con cháu hiền quá kia ông ạ, bằng lòng nhận con đĩ làm chị làm em cho vui, con đĩ được đằng chân lân đằng đầu, bảy bắn vợ cả ra khỏi nhà, lúc đẻ tôi phải trông nom, giờ đây một mẹ một con nuôi nhau lần hồi, tháng tháng tôi vẫn phải chu cấp cho, tôi vừa bắt đi học nghề may cắt đồ trẻ em để mà sau này lấy kế sinh nhai, tôi chết đi trông cậy vào ai? Đấy ông xem tình đời có khốn nạn không kia chứ, ấy là lấy chồng có cưới có xin, có giá thú hẳn hoi mà thế đấy. Mà nhà tôi là nhà có giáo dục chứ không đâu. Hồi còn mồ ma cụ cố chúng tôi, trời ơi, toàn đợi đến tối đóng cửa lại rồi cụ mới hỏi tội con cháu. Nhà nho chả thâm mà! Đứa nào biết mình trót có lỗi gì là nơm nớp lo suốt ngày hôm đó, tối đến nghe cụ chợt gọi tên mình, sợ vãi đái. Cụ bắt đứa có lỗi nằm xuống, tất cả những đứa khác khoanh tay đứng xung quanh nghe và xem. Cụ hạch tội trước, rồi quất cho ba roi sau, chỉ ba roi thôi, không nhiều, nhưng ông ơi, đòn cụ cố bốc mộ còn thâm xương …
Cụ thở dài đánh phào, suy nghĩ một giây rồi đứng dậy cáo từ ra về. Chủy không dám nói đưa đà câu nào, sợ cụ lại tâm sự thêm một tràng nữa. Ra khỏi cửa cụ còn ngoái lại nhắc:
– Ông bà Tư đây thật là nhà có phúc! À ông này, một trăm rưởi một lạng vây bây giờ đấy, còn yến thì chịu không mua đâu được!
Chủy chỉ dám khẽ đáp:
– Dạ vâng!
Lũ trẻ lớn đã lên gác xép. Bé Minh đã được con sen bế lên giường, lúc Chủy vào thì thằng bé đã ngủ, miệng hé, một chút răng trước cửa hiện ra trắng nhởn, hai tay giang hai bên, một chân co một chân duỗi thò mấy ngón qua khe thành giường, háng giạng, chiếc si líp xinh xộc xệch để hở chim.
“Chắc giờ này Du cũng ngủ rồi” – Chủy nghĩ vậy rồi cúi xuống khép môi cho bé vì Chủy bỗng nhớ rằng hồi nhỏ khi chợt ngủ mơ màng mẹ vẫn khép môi cho như thế, sợ gió độc. Trở ra phòng mình nằm, hình ảnh Vân, Du có trở lại ám ảnh nhưng vì quá mệt, đầu óc rừng rực, Chủy thiếp đi … chìm rất sâu trong giấc ngủ không mộng;..
Tiếng lách cách ngoài cửa làm Chủy sực dậy. Vợ chồng Đạo, có mang theo chìa khóa riêng đã mở cửa vào. Đầu dịu, đôi mắt mở tỉnh táo, Chủy biết mình đã ngủ được một giấc khá dài. Vợ chồng Đạo rón rén đi qua. Chủy lặng thinh vờ ngủ say. Vợ chồng Đạo thay đồ lên giường ngủ còn rúc rích nói chuyện. Chủy nhổm dậy ra áp tai bên khung cửa sổ, hy vọng nhận được vài tin về tình hình chính quyền bù nhìn tại tỉnh này. Nhưng không, họ chỉ vừa nhắc lại mấy lời phê binh bữa tiệc, rồi sau một tiếng thở dài vợ Đạo nói:
– Tội nghiệp cho con sen!
– Sao tội nghiệp? – Đạo hỏi.
– Lẽ ra tuỗi đó phải ở gần mẹ mới đúng.
Vợ Đạo thuật lại sáng nay nó thấy tháng lần đầu tiên, loay hoay không biết làm thế nào, vợ Đạo phải chỉ dẫn mọi cách.
– Thế ngày xưa – Đạo hỏi – em thấy tháng đầu tiên thì sao?
– Em là con thứ nên không còn lạ gì, lại có mẹ bên cạnh.
Câu chuyện một lần nữa chuyển hướng bất ngờ, vẫn do người vợ dẫn dắt.
– Ông còn nhờ cái dạo ông tằng tịu với con Nga?
Giọng Đạo đau khổ muốn gạt đi:
– Ôi dào … cứ đùa!
– Đùa cái gì, miệng ông xoen xoét ra … Còn con Nga con gái gì mà thối thây!
Đạo cười xòa:
– Khốn nhưng con Nga nó hao hao giống bà, dạo đó tôi cũng có trót dại một tí nhưng quả là nó hao hao giống bà, thành thử tôi định ngoại tinh một cách … chung tình.
– Thôi đi ông, nói chó nó cũng không nghe được! “Còn định …” đứt đuôi đi rồi còn kêu là “còn định…”
Chủy lắc đầu thất vọng trở về giường nằm. Tiếng xì xào của vợ chồng Đạo tiếp tục một lát nữa mới êm hẳn.
Câu chuyện “thấy tháng” có khuấy động trong tiềm thức Chủy một kỷ niệm nào … Chủy nghĩ đến Vân … đôi mắt lơ mơ … Có tiếng gà gáy nửa đêm vọng từ xa, rất xa … Chủy nhắm mắt lại .. Câu chuyện “ngoại tình một cách chung tình” chắc có ảnh hưởng đến giấc mơ của Chủy.

Chủy mơ thấy mình đi công tác với một nữ cán bộ người cùng quê (Bắc Ninh). Nàng có nước da đen giòn, nhất định là không đẹp bằng Vân nhưng giá chiếm hữu được cũng hay. Hai người ngồi trên một bánh xe ô tô, bánh xe tự lăn trên đường công tác. Bánh xe bỗng đảo nghiêng đưa hai người vào một đường hẻm, lên dốc có bậc rồi lăn kềnh sau một khúc quành, trước mặt là một sườn đồi – đồi Bắc Ninh – thoai thoải, đằng sau là hàng rào nứa một căn nhà tranh không bóng người, trên đỉnh dốc là cổng vào một căn nhà gạch cũng không bóng người, đường vắng tanh một cách khiêu khích. Chủy ôm người nữ cán bộ mắt đảo nhìn xung quanh ý sợ có người bất chợt tới, hình như người nữ cán bộ nói “Có đi qua người ta cũng không cười đâu”. Chủy cúi xuống kề má lên mái tóc rậm của nàng, cảm thấy từng cọng tóc cứng đâm lên đồng thời mùi mồ hôi thoảng tới – Chủy nhớ lắm, trong mơ mà cảm thấy mùi hôi đó – mùi hôi kích thích lạ, gần hưởng thụ ái ân thì sực tỉnh.
Chủy mở mắt nhìn trừng trừng lên đình màn như nhìn vào giác mơ, thoạt đầu óc trì trệ nhưng rồi sáng sủa dần, Chủy nhớ ra rằng bối cảnh sườn đồi gần hàng rào nứa một căn nhà tranh, và trên đỉnh dốc, chiếc cổng vào một căn nhà gạch chính là bối cảnh một đồi sắn Phú Thọ, nơi chỉ đã ân ái ngấu nghiến một nữ cán bộ cấp dưới vào một chiều nhòa nhòa, nữ cán bộ đó rất có thể đã là vợ Chủy nếu sau đó Chủy không gặp Vân. Chùy lắc đầu trên gối xua đuổi những hình ảnh đó, nghiêng đầu nhìn ra phía cửa sổ, một khoảng trời vuông đục lờ lờ cắt ngang với nóc nhà hàng xóm, tiếng gà gáy báo sáng vọng lại từ xa. Giấc mơ vừa qua làm Chủy nhớ lại giấc mợ bốn năm hôm trước đây hồi còn trong camp Hải Dương, -(thành thử cố tâm trốn giấc mơ này thì lại rơi vào giấc mộng nọ).
Ngày đó Chủy mơ thấy một cảnh đẻ ngược. Viên bác sĩ nói với người mẹ: “Thưa bà cô ấy đẻ ngược.” Người mẹ vẫn bình tĩnh giặt giũ quần áo, coi như việc đó không nguy hiểm. Nhớ rằng xưa mình có người vợ đẻ ngược chết, Chủy nhìn về phía người bác sĩ và đặc biệt chú ý người đàn bà đẻ ngược thì có thấy một bàn chân xinh nhô ra. Người bác sỉ cố xoa nắn bụng cho người đàn bà đỡ đau, thoắt thôi chiếc chân nhỏ của đứa trẻ có ống quần chấm gót – đứa nhỏ trong bụng mẹ đã mặc quần!
– người sản phụ vẫn cố rặn đẻ mà đứa trẻ xem chừng không chịu ra. Chủy cùng nhiều người xung quanh quan sát những điều đó một cách bình thản không coi đó là một cái gì ghê rợn và nguy hiểm. Tất cả những hình ảnh đó tan biến đi … Chủy đi tảo mộ mẹ khi bốc mộ người vợ đầu thì thấy khoảng giữa hai xương hông có cái đầu lâu xinh. Lần này Chủy rùng mình tỉnh dậy …
Sáng hôm sau Chủy hỏi người bạn tù binh ngồi bên cạnh:
– Người mẹ đẻ ngược chết, đứa trẻ còn trong bụng, thì ngày bốc mộ chắc có xương đứa trẻ ở khoảng đó, anh nhỉ.
Người kia cười:
– Làm gì ra! Xương đứa trẻ sơ sinh nhão nhoét, tiêu hết ngay mà!
Chủy lại nhắm nghiền mắt lắc lắc đầu. Phải dời khỏi ngay miền này! Chủy là một cán bộ cốt cán tư tưởng dứt khoát, tinh thần cảnh giác khá sâu xa, Chủy muốn rời khỏi miền này ngay không phải vì sợ mình sẽ trở chiều tâng bốc ca ngợi “miền thối nát nô lệ cho tình cảm cá nhân” này, nhưng vì thấy mình như cái cây bỗng loãng đất phía dưới và trở thành lủng liểng? Gốc cây nào phải bám chắc vào khoảng đất náy không thể sống lủng liểng được! Tại sao miền này kỷ niệm cũ dễ đua nhau xuát hiện lắm thệ?
Chiếc đồng hồ trầm cầm ngoài phòng khách, sau khi dạo đủ câu nhạc, thong thả buông năm tiếng. Có tiếng vợ Đạo dậy, không bật đèn sợ ánh sáng hắt sang phòng Chủy, chỉ bật đèn bếp và đánh thức khẽ con sen. Chủy từ từ ngồi dậy nhìn qua cửa sổ ánh sáng vàng yếu từ nhà bếp chui qua hai khung cửa lối đi in thành một vệt chéo lên khoảng góc sân. Đạo đã dậy. Tiếng ngọn đèn cồn réo lên đều đều và ấm cúng trong bầu không khí mát lạnh ban mai làm nền cho câu chuyện rì rầm của họ, Chủy thấp thoáng nghe được vài mảnh, học đương ôn vài chuyện đã qua, những chuyện làm ăn đứng đắn. Thốt nhiên Chủy nhớ rằng đó là thói quen của chẳng riêng gì những ngươi quê làng Lại Vũ mà là thói quen của hầu hết dân quê miền xuôi. Phải, ngoài những ngày làm mùa hay vào vụ gặt, người dân miền xuôi vẫn giữ thói quen dậy sớm, họ đi ra đồng hưởng cái thú sau “cái thú làm Quận Công, họ ngồi bài tiết giữa khoảng gió đồng buổi sớm mát rời rợi và thơm nhẹ mùi mạ, chất bài tiết rơi tõm xuống ruộng nước, rồi dưới ánh nắng gay gắt từ mười giờ trở đi, chất đó sẽ trương ra, tản đi lắng xuống bổ cho mạ (thỉnh thoảng một trận mưa đổ xuống rửa sạch cho những bờ bãi trở lại nõn nà thơm mát). Sau khi ở đồng trở về họ tạt vào nhà nhau uống chén trà sớm, ôn lại chuyện làm ăn trong vụ mùa vừa qua, ôn lại một vài thiên tai lớn trong dĩ vãng, phê bình một vài nhân vật trong làng; nếu là bậc cha chú tạt vào thăm con cháu thì thường là kiểm điểm lại mọi công việc làm ăn, đồng áng, kèm theo những nhận xét và những lời khuyên răn. Chủy nhớ lại, nhớ hết và nhớ rõ như người bất chợt mở đọc trang sách cũ.
Vợ chồng Đạo đang nói chuyện về đứa con gái lớn. Vợ Đạo than phiền tính nó lười, ngồi đâu bỏ đấy, chính mẹ phải đi dọn dẹp. Đạo chậc lưỡi:
– Ấy thế mà số nó về sau sướng đấy. Bu nó có thấy không, thi tiểu học nó đỗ ngay, thi vào đệ thất năm ngoái cũng đỗ ngay, suốt năm học lơ là nhưng được cái thông minh nên vẫn thừa điểm lên lớp.
Vợ Đạo muốn cáu:
– Thôi đi ông, bố như thế thì dạy thế nào được con.
Đạo cố tình trêu vợ:
– Đứa nào sau này có phúc mới lấy được con gái thằng này, mà gọi là chứ phải hầu nó mỏi, mắng nó ư, nó về với bố với mẹ nó làm gì nó tốt?
– Con gái ông thế có chó nó đến rước đi, ghếch chân lên thành giường nó cũng để gối lót ở dưới. Lộn ruột!
– Thôi đi, bà có ra trường đón nó mới thấy chẳng đứa nào ăn đứt con mình.
– Cứt ai vừa mũi người ấy!
– Nó xinh như vậy, học hành nhẹ nhàng như vậy, đáng lẽ bà phải thấy … mát rời rợi mới phải.
Chủy vội bậm miệng để khỏi bật tiếng cười. Đạo quả còn giữ được truyền thống cùa những người miền quê, đặc biệt những người quê làng Lại Vũ, là luôn luôn xen vào lời luận thuyết những châm ngôn tục ngữ để chứng minh, nếu tục thì nói nửa úp nửa mở. Chủy lạ gì câu đó, trước đây hồi còn nhỏ chẳng ngày nào là bà đồ không mắng Chủy bằng câu “Cha tiên nhân nhà mày, đẻ con khôn mát … rời rợi. đẻ con dại thảm hại cái …”
Chủy đã đứng dậy xỏ chân vào guốc cố tình khua động thành tiếng lớn.
– Chú Chủy đã dậy đấy à? – Đạo hỏi.
– Vâng.
Vợ Đạo nói:
– Để hai anh em vào nhà trong rửa mặt, tôi mang ấm đồng nước sôi này ra phòng khách pha nước. Hôm nay chủ nhật mà, thong thả!
Vừa thoát cảnh tù tội ở trại giam ra, đã hơn một tháng giời qua tạm xa mọi hoạt động của Đảng, không có chuyện Đảng để đối phó, không có việc Đảng để bố trí, dầu sao Chủy cũng muốn tận hưởng giây phút nghỉ ngơi này trước khi đi.
– Ngồi uống trà sớm thế này – Chủy nói với Đạo – làm tôi nhở lại thuở bé lắm hôm vừa sực dậy còn mắt nhắm mắt mở trời sáng sớm lạnh căm căm, tôi đã nghe thầy tôi đương ngồi nói chuyện với ông chú bà bậc bên chiếc hỏa lò có ấm đồng nước bắt đầu sôi réo. Các cụ hay ôn lại những biến cố…

– Phải, chú nói đúng, các cụ ôn lại năm nào vỡ đường (vỡ đê sông Hồng), nào những năm có giặc Cờ Đen, năm nào cháy hai phần làng, ô, chú chắc có được nghe thuật lại vụ hỏa hoạn năm đỏ? Dĩ nhiên chú chưa đẻ, tôi mới lên hai gì đó.
Lòng thấy thanh bình, Chủy có nhớ đôi chút chuyện hỏa hoạn này vì bà đồ thuở sinh thời thường nhắc tới luôn. Chùy đáp:
– Về sau này mỗi lần ông già bà cả nhắc lại vẫn thường bảo là từ sau vụ hỏa hoạn đò làng ta làm ăn phát đạt hẳn, có sát rồi mới phát!
Đạo vừa nhấp xong ngụm trà:
– Ây ông cụ tôi vốn sành địa lý nói rằng người để hướng đình làng mình là học trò cụ đốc họ Hoàng. Người học trò biết rằng cắm hướng đình đó mình sẽ chết, đặt trên đầu con hoàng xà mà, tát nó quật lại, vì vậy phần kim đặt hướng xong ông lên ngựa đi liền, nhưng không chạỵ kịp, được nửa đường thì hộc máu chết. Thôi thế cũng là cách đền ơn thầy. Đình cất được năm xảy tới vụ hỏa hoạn.
Vợ Đạo theo dõi câu chuyện hỏi:
– Chắc chuyện có thật?
Đạo cười lờn:
– Thì cũng thần thoại hóa đi, nhưng tình thầy trò xưa chu đáo như thế thật đó.
Chủy vui vẻ tiếp theo:
– Tôi lại còn nhờ các cụ nói khúc lạch ngay đầu làng uốn theo hình miệng rồng, giữa có một gò nhỏ bên trên có cây si cổ thụ, bên dưới cỏ mọc rậm rì, đó là thế đất: rồng ngậm ngọc!
– Phải, phải – Đạo tiếp – các cụ nói vì có cảnh trí miệng rồng ngậm ngọc như vậy nên người làng Lại Vũ hễ đi ra ngoài là làm nên vì nói ai cũng nghe. Hơ hơ, mà đúng, con giai làng Lại Vũ đi đâu nói con gái nghe cũng được cả.
Vợ Đạo nguýt:
– Người gì mà chẳng bao giờ nói chuyện tử tế được lâu, câu trước câu sau là dở trò lục sở!
– Hơ hơ, thì đã sao?
– Người vô duyên mà lại cứ tưởng là mình có duyên.
– Hơ hơ!
Vợ Đạo vùng vằng đi vào, vì nhà trong đã có tiếng lũ trẻ lục đục dậy. Đạo trở lại nói chuyện đứng đắn với Chủy:
– À này, chú còn nhớ ông đô Cán ngày xưa bên làng Liên Phú?
– Dạ tôi nhớ mang máng, ông có họ xa với mẹ tôi.
– Chú không nhớ rõ là phải, dạo đó chú còn nhỏ quá. Ông đô Cán vừa là bạn đồng song vừa là bạn khảo sát tử vi với ông đồ nhà. Chính tôi cũng có biết anh Khóa đâu, mới ba tháng trước anh đến đây nhận thầu việc xây trường trung học, giao thiệp với tôi tại tòa tỉnh trưởng, thấy tôi là người làng Lại Vũ bèn hỏi đến ông đồ nhà. Anh ta nhớ hết bởi hồi còn sinh thời hai vị thì lần nào ông đô Cán đến đằng ông nhà đều có mang Khóa đi theo.
– Con ông đô Cán là Khóa?
– Vâng.
– Trạc tuổi anh?
– Trên một chút. Khoảng mười giờ mai cu cậu sẽ đến đây?
– Để làm gì thế anh?
– Để dự lễ khánh thành ngôi trường, có nhiều quan khách Hà Nội tới và có tiệc trà. Lẽ ra lễ khánh thành tổ chức từ hai tuần trước, nhưng đúng vào lúc ngôi trường xây gần xong thì Khóa bị sốt định kỳ… ông tỉnh trưởng bảo chờ, ông quý Khóa lắm. Ngôi trường Khóa trông nom cho xây cất đã đẹp lại bền và rẻ.
Suy nghĩ giây lâu Chùy nói:
– Con nhà thầu biết đâu là bền và rẻ?!
– Nhưng Khóa làm chu đáo được như thế đấy chú à, tôi cũng thật thơm lây vỉ đã hú họa giới thiệu Khóa với ông tỉnh trưởng, hiện Khóa đảm nhận việc xây thêm một trường mẫu giáo bên trường tiểu học cũ. Tôi được biết thêm, đây là lần đầu tiên Khóa vào nghề thầu, trước đó anh chàng làm hội viên hội đồng thành phố Hà Nội, mới từ chức…
Chủy muốn bĩu môi vì chức đó hẳn chỉ để làm bù nhìn cho thực dân. Bỗng nhiên Chủy thấy ghét lây cả Đạo. Chủy muồn nguyền rủa cả “lũ tiểu tư sản thành thị tôi tớ cho thực dân”, chúng hưởng lợi trong khi con minh ngoài vùng kháng chiến chỉ có chiêc ống bơ rỉ làm đồ chơi.
– Chú Chủy cầm cái này này.
Chủy giật mình ngẩng đầu. Đạo đưa Chủy tờ giấy một trăm màu gạch, tiếp:
– Chú cầm tạm, ngộ có cần tiêu vặt gì chăng.
Thốt nhiên Chủy giơ tay lên sờ mái tóc. Đạo cười:
– Đúng đấy như húi đầu chẳng hạn.
Chủy nhận tiền và cám ơn. Chủy nhớ chiều qua còn hứa với Quang, Minh là hôm nay sẽ đưa chúng đi phố lần nữa. Chủy vui vẻ nói với Đạo:
– Bây giờ tôi phải đi húi đầu cái đã, tóc dài quá anh ạ.
– Chú lấy sơ mi và quần của tôi …
Chủy gạt đi:
– Thôi anh cứ để tôi bận bộ quần áo của tôi đã giặt hôm qua.
Chủy vào nhà thay bộ ka ki đã cũ. Đạo dặn:
– Chú cứ đi thẳng dến cuối phố này có hiệu thợ cạo đấy.
– Vâng!

V

Húi đầu vừa xong thì trời mưa như đổ cóng nước. Chủy lấy tiền thối rồi ra cửa đứng nhìn trời đất chìm ngập trong màn nước trắng xóa, dãy nhà ngay bên kia đường cũng chỉ thấy lờ mờ. Có tiếng lọc cọc, một xe bánh tây bán rong xuất hiện từ góc ngã tư sát đấy, chiếc xe được đẩy mạnh hơn để tiến nhanh vào trú dưới ô văng khá rộng của hiệu thợ cạo. Đó là một người trạc ngoại tứ tuần tóc đã hoa râm, da đen xạm. Người đó vuốt mặt nước mưa, đôi mắt ngỡ ngàng, nụ cười hiền, lắc đầu nói với Chủy: 
– Mưa bất ngờ và to quá, có quãng đường ngắn từ chợ vào đây mà chạy không kịp.
Chủy gật đầu:
– Phải, ông hãy trú tạm đây, đợi ngớt hãy đi.
Chủy vừa nhận thấy đầu một thằng bé con thò ra, nó nằm giữa khoảng sàn xe và phần tủ bánh bên trên. Nó cũng cỡ tuổi bé Minh, hai mắt mỡ thao láo, tay cầm chiếc bánh dẻo thủng thẳng đưa lên miệng ăn. Chủy cười:
– Chà, chú bé nằm trông ấm cúng nhỉ.
Người bố cũng cười:
– Ẫy cháu nó theo mẹ ra chợ mua thức ăn bất chợt mưa, tôi cho chui vào đấy nằm, mẹ cháu đội mưa về trước.
Hạt mưa đã nhẹ, màn mưa đã loãng, người hàng bánh cúi chào Chủy rồi đẩy xe đi.
– Ông nán lại thêm chút nữa có được không – Chủy nói.
Ông ta cười:
– Thôi ạ, nhà tôi cũng ở cuối ngã này thôi.
Chiếc xe đã được ẩn ra đường, mưa tuy nhẹ nhưng còn mau hạt, người bố cúi xuống nhìn con, thằng bé cũng vừa cho lên miệng nốt miếng bánh dở vừa ngước nhìn bố, cả hai bố con cùng cười cả hai cùng sung sướng. Lát sau mưa chỉ còn lất phất, Chủy dời hiệu hớt tóc men theo vỉa hè về …
Tiếng bé Minh khóc, tiếng vợ Đạo nói vỡ ra từng mảnh – vừa khóc vừa nói – làm Chủy giật mình dừng lại trước cửa:
– Có khổ con tôi không giời ơi, bông đâu, lọ thuốc đỏ đâu? Con Thúy mày trông em thế đấy, mày đã hả lòng hả dạ chưa, giời ơi con tôi, máu chảy nhiều quá.
Tiếng Đạo:
– Bông, băng đây, thuốc đây! Con Liễu, thằng Mặt Ngựa – (Quang) – lui!
Nghe trọn câu nói “máu chảy nhiều quá”, Chủy cũng vội nhào vào.
Bé Minh đương khóc thổn thức ở khoảng sân nhỏ, giữa trán có vệt một giòng máu chảy xuống, vợ Đạo ngồi bên đương lấy bông chấm.
– Cháu Minh sao hở chị?
– Chú tính con Thúy có đoảng không? Thằng này thì hay chạy, giời mưa cái sân này thì trơn, tôi đã căn dặn con Thúy là trông em, đừng để em ra sân, nó ngồi bắt chân chữ ngũ đọc truyện, quả nhiên thằng bé chạy ra, gặp chỗ trơn ngã đập đầu như trời giáng vào bờ tường, chú tính thế có đoảng không cơ chứ, lười chảy thây chảy xác không nhờ được việc gì.
Đạo nghiến răng vớ lấy chiếc áo pijama gần đáy nắm gọn lại cho thành hình chiếc dùi cui xông lại. Đạo lúc đó không còn một chút gì là Đạo ưa khôi hài thường ngày.
Thúy xám mặt rúm người lại. Đạo thẳng cánh quật hai cái liên tiếp lên đầu con bé và nói: “Lười này! lười này!”
Thúy khóc thét lên một tiếng. Bé Minh thấy chị bị đòn khóc thì thôi khóc, tia máu ở giữa trán đã được thấm khô, bôi thuốc đỏ, bôi pommade, rịt bông và dán bông dính.
Vợ Đạo nói:
– Này mồm cũng chảy máu, khéo chả rập môi. Con lè bánh tây ra!
Minh lè miếng bánh mì thấm đỏ máu.
Đạo đã mang ly nước lọc lại:
– Cô cho con nó xúc miệng.
Vợ Đạo đỡ lấy ly nước, ghé vào miệng bé Minh nói:
– Con xúc miệng đi.
Bé Minh hơi ngửa cổ cho nước vào miệng rồi xúc xúc rất kỹ.
– Con nhổ ra! – vợ Đạo nói.
Thay vì nhổ ra thằng bé nuốt ực. Đạo lắc đầu thất vọng:
– Ấy chết sao lại nuốt?
Thúy nằm khóc thút thít trên giường bố mẹ. Đạo cúi xuống bế bé Minh ra phòng khách. Vợ Đạo và Chủy cùng theo ra. Vợ Đạo nói:
– Thằng này bần cùng lắm mới khóc, hôm nọ ngã rập môi, nó tự quệt máu xuống ngực áo, lúc tôi trông thấy máu đã khô, tội nghiệp hôm nay là nó đau lắm đấy.
Đạo thở dài một cái. Tiếng Thúy vẫn thút thít khóc từ trong vọng ra, Đạo nghiêng tai nghe ngóng mặt thoáng vẻ lo lắng. Vợ Đạo mở tủ lấy chiếc áo khác thay cho bé Minh rồi vào bếp.
Chủy giơ tay nói với bé Minh:
– Nào ra chú bế một tí nào, cháu lành da khỏi ngay mà.
Minh theo.
Vợ Đạo ở trong ra vẻ hốt hoảng nhưng nói khẽ:
– Con Thúy nó cũng gan lắm ít khóc dai thế này, anh đánh nó làm sao thế?
Đạo cố dấu vẻ lo lắng nói:
– Thì đánh bằng cái ái pyjama mà.
Rồi Đạo làm vẻ hầm hầm đi xuống. Vợ Đạo nói với:
– Thôi đừng đánh nó nữa đấy.
Tiếng Đạo:
– Mày có câm đi không Thúy! Mày ăn vạ ai?
Tiếng Thúy im nhưng khi Đạo trở ra tới phòng khách tiếng thút thít lại vọng lại. Lần này Đạo không giấu được vẻ lo lắng vì thoáng nghĩ lúc quật mạnh cái áo xuống thì một đường viền đập vào con ngươi làm đau mắt Thúy. Vợ Đạo đã vào hỏi Thúy giọng còn cố giữ cho sẵng:
– Làm sao, cậu mày đánh làm sao?
Tiếng con bé vừa thổn thức vừa lúng túng đập những gì cả Đạo lẫn Chủy lắng nghe mà không rõ. Đạo nghiêng mặt hướng về tiếng bước chân ra của vợ.
– Nó bảo sao? – Đạo hỏi.
– Khuy áo quật lên đầu, nó rức đầu.
Đạo thở phào nhẹ nhõm. Vợ Đạo gắt khẽ:
– Đã bảo đánh thì cứ đít mà đánh, đánh lên đầu thế rồi nhỡ chạm phải giây thần kinh óc, con nó thành ngớ ngẩn thì đẻ con lành thành con có tật!
Đạo nói lớn cốt cho Thúy nghe thấy:- Bảo nó câm đi không tôi xuống cho mấy cái quật nữa!
Trời bên ngoài lại đổ mưa. Chủy bế bé Minh ra đứng giữa cửa xem mưa.
Mưa mau, rất mau. Những hạt rơi tới tấp như mỗi giây một nặng trĩu thêm, những đợt mây khói xám lại lướt tỏa rất nhẹ trên vòm trời tháp. Cây me sát với căn gác nhà đối diện, cành chỉ hơi run rẩy nhưng cây phượng vĩ gần đấy vì ở đúng khoảng không có tường nhà che nên tất cả cành mềm chĩu về một phía, toàn thân muốn gập lại như một ngựời đau quặn bụng.
“Nên về gấp bên kia, không thể ở nán đây lâu được nữa! – Chủy vừa run run cánh tay bế bé Minh vừa nghĩ thầm thế – Cái miền này thật lạ lùng, hèn không ra hèn, anh hùng không ra anh hùng, mắc míu giây rợ tình cảm!”
Gần đến bửa ăn trưa bầu không khí đã lắng dịu, nhưng Đạo còn giữ mặt nghiêm chưa pha trò với các con như mọi khi. Trước khi cùng ra ngồi bàn ăn, Đạo nói với Chủy:
– Nhiều khi thương con thật đấy nhưng vẫn phải đánh, đúng là mình vừa đánh vừa thương, cho nên cái giáo dục gia đình toàn vẹn phải cả cha lẫn mẹ. Chỉ có mẹ không chúng sẽ hư biết mấy; chỉ có cha không, cũng tội nghiệp cho chúng.
Câu nói vô tình của Đạo làm Chủy thấy thấm thìa, khuôn mặt trầm ngâm hẳn khi Chủy tới ngồi gần Đạo, giữa có bé Minh trên trán vẫn còn miếng bông xinh máu thấm khô màu tím đen. Ngoài kia cũng có một lần Chủy đánh Du, lần đó Du quấy khóc ngằn ngặt, đã mấy lần Chủy quát bắt im, Du vẫn khóc, Chủy vùng tới phát đít, phát thật mạnh, phát liền liền, mỗi lần phát xuống bản năng phá hoại trong Chủy như lửa gặp gió cất tiếng cười ha hả, đồng thời – đúng như lời Đạo vừa nói – Chủy càng thương con vô cùng. Ấy tuy mỗi lần phát con, nội tâm bị xâu xé là vậy mà rồi cả sự xâu xé đó cũng biến thành cái đà như chiếc xe đã lăn thì lăn cho hết dốc, và Chủy đã mắm môi trợn mắt phát Du liền liền cho đến khi Vân chạy lại giằng được Du ra.
“Phải xa lánh cái miền này! Mai là mình phải xa lánh cái miền này!” – Chủy nghĩ vậy khi bưng bát cơm lên. Ăn cơm xong, Chủy vào ngủ trưa, cố tình chôn vùi mọi liên tưởng.
Tiếng vợ Đạo cười khanh khách làm Chủy sực tỉnh khỏi giấc ngủ trưa:
– Này anh trông thằng Quang khuôn mặt giống ông nội quá kla, nhất là hôm qua lúc em tắm cho xong, chải lật tóc nó lên, trời ơi, đúng là ông nội.
Tiếng Đạo:
– Mà nó đòi cái gì thì nó cũng làm như ông nội người ta, trưa nào tôi nằm ngủ mà nó đứng đầu giường đòi mua kem thì giá mình có sắp “hai năm mươi” thì cũng phải dậy mua kem cho ông ấy ăn xong đã rồi mới “hai năm mươi” được.
Tiếng vợ Đạo gắt:
– Chỉ nói dại!
Chủy vùng dậy vừa vục nước rửa mặt vừa góp chuyện vợ chồng Đạo về lũ trẻ. Sau cùng ngỏ lời cám ơn vợ chồng Đạo, báo sớm mai xin từ biệt. Buổi chiều Chủy dắt Quang, Minh đi chơi phố mua đồ chơi cho hai đứa và mua thêm một số gói riêng dự định sẽ mang ra ngoài kia cho Du. Lần này cuộc đi chơi hoàn toàn có tính chất “hưởng thụ”, Chủy để mặc cho đầu óc lười lĩnh lông bông. Chủy bỗng dừng lại trước một căn nhà sụp sụp, người bán bánh tây buổi sáng đang lau tủ kính. Người đó cũng nhận ra Chủy ngay.
– Buổi chiều ông nghỉ? – Chủy hỏi.
– Tôi cũng mới về. Tối tôi lại đi nữa.
Người vợ ở trong nhà ra tay bế đứa con- thằng bé ban sáng! Chủy cúi chào, mở gói đưa cho thằng bé một đồ chơi nhỏ. Cả hai vợ chồng cùng cám ơn, Chủy thân mật hỏi:
– Ông bà được mấy cháu?
– Ngựời vợ đỡ lời chồng trả lời mà như không trả lời:
– Thằng anh đầu lòng của thằng này chết đuối ông ạ. Tôi vừa chợp giấc ngủ trưa sực dậy gọi con không thấy, ra đến bờ chuông thấy đôi guốc xinh cùa nó, tội rụng rời cả người, thấy cháu nó nổi lờ đờ trên mặt nước tôi biết là muộn quá mất rồi. Hối cũng không sao kịp nữa, không trông con cẩn thận thế có khác gì mình giết nó? Tội nghiệp thằng bé chết thê chết thảm!
Người chồng chớp chớp mắt, rồi để che dấu cảm động, ông chỉ cái ghế dài gần ấáy nói với Chủy:
– Ồng cho các cháu ngồi đây một tí cho đỡ mỏi. ồng là người nhà ông phán Đạo?
– Ống biết các cháu đây? – Chủy hỏi.
– Vâng, ở tỉnh nhỏ mà, quen thì không quen nhưng biết.
Câu chuyện người vợ kể đứa con chết đuối cũng làm Chủy muốn rụng rời. Có thể Chủy nghĩ đến Du. Chủy ngồi xuống ghế thân thể nặng nề lạ. Quang, Minh ngồi theo. Người chồng tiếp tục lau tủ kính đựng bánh, người vợ tiếp tục nói:
– Tôi chả muốn sinh cháu này làm gì ông ạ, chẳng phải là mình không thương con nhưng sống ở đời thật khổ, lo ăn, lo mặc … mình đói, mình rét không sao, sinh chúng nó ra để chúng nó đói rét sao đành! Ngày nào tản cư ngoài hậu phương, có lần chạy giặc tôi gồng gánh một bên thằng này, một bên nồi canh và cơm, canh đổ chao chát suốt dọc đường, đến làng xa tầm súng giặc còn được chút canh cặn chan cơm nguội cho con ăn cũng yên lòng. Người chồng gạt lời vợ:
– Thôi mình vào thổi cơm đi.
Bà chào Chủy, ôm con vào, lời than còn tiếp, nửa như nói với con, nửa như tự nói với mình:
– Rồi còn tương lai của nó nữa ra sao? Đời khổ lắm con ơi, cực lắm con ơi, mẹ chẳng muốn sinh con ra làm gì.
Thay người chồng có vẻ ngượng ngập, Chủy đứng dậy kiếu từ. Có tiếng trẻ khóc oa oa tự căn nhà lụp xụp khác bên cạnh. Tiếng trẻ khóc oa oa này nhắc nhở một kỷ nhiệm nào đó trong tiềm thức nhưng Chủy cương quyết không suy nghĩ gì thêm. Chủy còn giắt Quang, Minh đii lang thang một khúc nữa vì Chủy cũng không muốn về nhà nghe Đạo pha trò trêu vợ trêu con. Chùy cũng không muốn dừng lại đâu nữa vì hình như cái miền này hễ dừng lại đâu là gặp tâm sự đấy. Chủy mong cho chóng đến sáng mai… Chủy muốn gặp Vân, Du quá rối. Nếp sống của dân chúng vùng địch thì ở đâu cũng thế này thôi, còn tình hình quân đội địch đã có quân báo là cơ quan riêng biệt phụ trách… Chủy không còn háo hức “điều tra địch tình” nữa. Nên xa gấp miền này! Chủy như một tay bơi giỏi nhưng lại sa vào bãi lầy. Không thể bơi ở bãi lầy!
Tội nghiệp, Chủy đang cố sức đẩy lui một cảm giác gì chợt tới, cảm giác vô hình mà nặng như tường đá nghiêng sắp xập xuống đè bẹp mình. Có thể chăng đó là cảm giác của kẻ chợt thấy rằng đảng tính không phải là tất cả, cánh con bọ hung xòe ra làm sao che rợp được núi, rừng, sông biển? Chao ôi, những chuyện vẩn vơ con sen thấy tháng, vợ chồng cười đùa, dòng máu trên vừng trán thơ ngây, giận hờn nàng dâu, lo âu cho trẻ… tất cả mới chỉ ià hồi quang rất nhỏ bé nhưng đã rộng lớn biết bao của nhân tính, của thiên tính, của một cái gì vĩnh viễn tồn tại, rộng lớn quá, ngợp!

VI

Chủy rùng mình một cái nhẹ mở mắt cùng tiếng gà gáy xa xa. Khung cửa sổ đục lờ lờ y như bữa qua lúc sực dậy nghe vợ chồng Đạo ôn chuyện cũ, nhưng lần này đúng khoảng giữa mái nhà hàng xóm và phần trên khung cửa sổ, biêng biếc ngôi sao mai. Chủy nhận ra rằng ánh sáng của ngôi sao mai thật là kỳ dị bao giờ cũng lấp lánh đầy vẻ tin yêu như vậy.
Chủy gờn gợn rùng mình một lần nữa, thôi chết rồi, sốt rét!
Lúc sáng rõ khi biết Chủy bắt đầu lên cơn sốt rét, vợ Đạo vội bảo con sen đặt nồi cháo hành và nói với Chùy:
– Sốt rét chỉ ăn cháo hành là chóng lại sức, chú ạ.
Đạo đã ra tiệm thuốc tây gần chợ mua về một lọ hai chục viên quinacrine vàng, rồi gọi Thúy mang cốc và ấm bình tích nước đặt lên bàn sát đấy. Chủy lấy ra hai viên quinacrine, Đạo rót nước vào cốc cho Chủy chiêu.
– Bây giờ chú cứ nằm nghỉ đi – Đạo nói – để tôi đắp chăn cho chú.
– Phiền anh chị quá – Chủy nói.
Đạo ngắt lời:
– Có gì mà phiền, chú thật vớ vẩn! Thằng Quang, thằng Minh ra nhà ngoài chơi để chú nằm nghỉ, cấm chúng mày vào đây.
Chủy đã rét lắm rồi. Chăn chùm kín đầu, một tay cặp vào nách, bàn tay kia cặp giữa hai đùi, lạnh từ chốn vô cực nào tỏa ra từng đợt làm rùng mình cơ thể, toàn thân co quắp lại tưởng có thể chui gọn vào một tổ sâu hèn mọn. Tuy nhiên Chủy vẫn theo rõi tiếng Đạo quát mắng đứa nào ngoài phòng khách:
– Mợ cho cái gì thì ăn cái ấy, không yêu sách! Tao bốn con rồi, mày không phải là con cẩu tự!
Ngừng một tí, Chủy còn nghe Đạo tiếp:
– Trẻ con mà chiều lắm rồi đến nhà ai nó dám đòi bát hương nhà người ta xuống để chơi.
Cơn rét cứ đạt dần đạt dần đến cực độ, cơn nóng bắt đầu nhoi lên. Chủy biết là cơn nóng cũng sẽ vươn dần đến cực độ, có thể mê sảng, bế mạc một… chu kỳ. Và sau đó cơ thể và tâm hồn rời rã rã rời …
Có tiếng ồn ào ngoài phòng khách, tiếng vợ chồng Đạo xen với tiếng lạ, rồi tiếng giầy đi vào phòng Chủy, màn vén lên, một người cao lớn cúi xuống: Khóa.
– Ồ! anh lên cơn nóng rồi ư – Khóa nói – thầy tôi xưa với ông nhà ông là đôi bạn thân lắm, các cụ toàn bàn về chuyện tử vi.
Chủy cười tiếp chuyện:
– Vâng, dạo đó anh đã lớn anh được theo ông nhà đến đằng tôi, anh Đạo có nói chuyện anh thầu xây trường ở đấy.
Khóa kéo chiếc ghế lại ngồi, tiếp tục chuyện cũ:- Tôi còn nhớ bức trướng thầy tôi phúng ông nhà có bốn chữ “Kỳ Đạo Do Tồn”, thầy tôi giảng đi giảng lại cho tôi hay là bốn chữ mượn của Từ Cán đời Lục Triều, ý muốn ca ngợi sự nghiên cứu tử vi của các ngài cũng là một thứ đạo của thánh nhân, người chết đi nhưng đạo còn mãi mãi với hậu thế.
Khóa cầm lọ quinacrine giơ lên cao nhìn rồi đặt xuống:
– Anh uống quinacrine rồi nên uống thêm flavoquine, thoạt hằng tuần, rồi hằng tháng, có thể dứt bệnh được đấy, chính tôi đã hai năm nay không thấy lên cơn lại. Để lát nữa tôi qua hiệu thuốc ở đây hỏi xem có thứ đỏ không. Trước đây bệnh sốt rét như chiếm độc quyền cơ thể tôi, khi diệt được sốt rét thì vừa rồi tôi bị sốt định kỳ. sốt định kỳ cũng nóng âm ỉ như sốt rét này. Tôi mơ được dẫn lên xem Thiên Đường rồi lại được xuống xem Địa Ngục. Lạ lắm, những việc xảy ra bây giờ tôi ôn lại trong trí còn cảm thấy y như thật.
– Anh nói đúng lúc sốt âm ỉ mình mơ gì đều thấy như thật.
– Lúc tội bị sốt mê man, nhắm mắt lại, thấy một bà sự trẻ lắm, đẹp hiền hậụ, bà đưa tôi đến Hồ Tây trước đền Quan Thánh, bà trải một tấm lụa trắng trên mặt hồ, tôi đứng lên tám lụa và đi khắp các từng trời với bà. Lần đầu tiên bà cho lụa bay đến một bãi biển tiên giới, bãi cát trắng toát, biển nước xanh rờn rờn…
Cơn sốt đương dâng lên bầng bầng trong Chủy, giọng Khóa nói chuyện như ve vuốt như cởi mở và Chủy bỗng theo rõi câu chuyện một cách thích thú.
-… Cả bầu trời sáng ngời – Khóa vẫn tiếp – nhiều màu sắc lắm. Bà sư – tôi có thể ngờ là Phật Bà Quan Âm- bảo tôi: “ở đây không lo đói đâu con ạ”. Rồi bà quệt một ngón tay xuống đất đặt lên miệng cho tôi nếm. “Con thấy sao?” Tôi đáp “Ngọt lắm ạ!” Lần thứ hai bà đưa tôi lên một tầng giời khác, ở đây tôi thấy một tiên ông râu tóc bạc phơ mặc áo vàng ngồi trên kỷ đá, tay chống cây gậy trúc, một vị khác mặc áo nâu nằm trên cái sập cao ngay cạnh tôi. Tôi bèn nói với vị áo nâu: “Thưa cụ con ở trần gian đau ốm muốn xin ở lại đây, ở trần gian con cũng đã có đứa con trai nối rõi rồi.” Ông cụ đáp: “Công việc con ở trần gian chưa xong, chưa về được!”
Tiếng radio ở phòng khách vang vang. Khóa cười nói với Chủy:
– Có nhiều cái bất ngờ thật là kỳ dị, tôi đương nói chuyện thiên giới, nhạc radio lại phụ họa bài “Thiên Thai”.
Chủy cùng Khóa lắng nghe. Bài ca được trình bày khá công phu, cả dàn nhạc rào rạt như khu rừng đào rộng lớn, có tiếng sáo thiên thai, giọng nam thoạt kể lể, nhiều giọng nữ chợt vút cao ngậm ngùi tiễn biệt Lưu Thần Nguyễn Triệu, sau cùng giọng nam trầm trầm lẫn với tiếng sáo nức nở.
Khóa tiếp:
– Lần thứ ba tôi nói với bà sư: “Xin bà cho con đi xem địa ngục.” Bà đưa tôi đến trước một vùng biển nước đặc sóng sánh như dầu ta. Tôi hỏi: “Thưa bà đâu là địa ngục?” Bà bảo:” Chờ một tí con sẽ thấy nhiều cái lạ”. Bỗng dầu như sôi lên sùng sục, một cái guồng lớn lắm từ đáy biển nhô lên, tôi nhìn thấy những người khuôn mặt hốc hác, họ cố chui đầu ra khỏi kẽ guồng, thở như sống lại, nhưng guồng đã lại từ từ chìm xuống biển dầu… Sau đó tôi khỏi bệnh. Có điều tôi lấy làm lạ là ba lần được bà sư đưa đi đều khởi hành từ Hồ Tây, trước chùa Quan Thánh và đều đứng trên tấm lụa trắng to hơn chiếc chiếu một chút. Khỏi bệnh tôi tìm đọc mấy cuốn sách khảo cứu về khoa học huyền bí. Hình như Ấn Độ giáo cũng chủ trương là có nhiều plans, plan physique là hạ giới chúng mình đây, plan astral có nhiều màu sắc, rồi còn plan mental Mình biết dịch là gì? Tinh giới? Thiên giới?
Lúc đã vui câu chuyện, Khóa vẫn hay đồng hóa người nghe với mình, làm như Chuỷ cũng đương đọc những cuốn sách đó. Khóa tiếp:
– Tôi dự định học hết một loạt sách đó rồi sẽ nghiên cứu đến sấm Trạng Trình và số tử vi. Rõ hoài, giá giờ đây thầy tôi và ông nhà còn sống có phải tôi hỏi trước được nhiều điều hay.
Đạo đã vào buồng thay quần áo chỉnh tề, ra nói với Chủy:
– Chú ở nhà nhé, chúng tôi đi dự lễ khánh thành trường, trưa lại về. Đi chứ anh Khóa?
– Vâng, các anh đi – Chủy nói và hơi nghiêng đầu đáp lễ Khóa.
Cơn nóng đã bắt đầu tới cực độ, mồ hôi vã ra như tắm. Chủy nghển cổ với ấm bình tích trên bàn, tu ừng ực. Đầu váng mắt hoa, ý nghĩ chập chờn, Chủy bỗng giật thót người vì vừa nghe tiếng trẻ con “e…e” bên hàng xóm. Tiếng trẻ khóc đó sao mà giống … giống hôm thằng Kim bị giết. Thì ra Chủy vẫn không sao quên được tiếng đứa trẻ khóc hôm “thằng Kim” bị giết. Thảo nào chiều qua khi nghe tiếng trẻ khóc bên cạnh nhà người bán bánh tây, Chủy đã dừng lại một giây.
Thời còn chỉ huy một đoàn quân Quốc Dân Đảng đóng ở Lao Kay, Kim đã giết một cán bộ đồng chí của Chủy. Ưu thế ngả dần sang mặt trận Việt Minh, toán quân của Kim ở Lao-Kay bị tiêu diệt, Kim chạy thoát sang với Phục Quốc Quân, chỉ huy một cánh quân khác án ngữ dọc theo sông Kỳ Cùng. Khi đoàn thể Chủy hoàn toàn làm chủ tình thế trên toàn quốc, Chủy cương quyết dò tim tông tích Kim bằng được. Hắn biến dạng đâu mất. Hắn sợ bị trả thù, hắn sợ phải trả món nợ máu. Một năm sau hắn mới lò dò về quê, hắn định lẩn về thăm vợ con, hắn không biết rằng vợ con hắn còn là cái mồi để dụ hắn vào “ổ phục kích” do Chủy kiên gan bố trí. Mỉa mai thay, Kim về thì vợ đã chết được một ngày, đến đầu hẻm Kim gặp một đám tang đi ra, đám tang vợ mà không biết vì Kim luôn luôn hồi hộp vừa cúi mặt xuống mà đi vừa kín đáo liếc ngang liếc dọc để xem mình có bị theo dõi. Kim chui vào nhà như con chuột khốn nạn chui vào bẫy. Chủy và ba đồng chí đàn em cũng rải cẳng theo gót Kim ập lẹ vào … Đúng như chương trình đã bàn định: người vào sau cùng vừa đóng ập hai cánh cửa ngoài lại thì Chủy chồm tới như hổ đó vồ mồi, hai bàn tay lực lưỡng xiết chặt lấy cái cổ gầy, Kim ngã bật ngửa không kịp kêu một tiếng, và cũng cả thân hình vạm vỡ của Chùy nổi gân lên với bắp thịt tay, tập trung cả sức nặng dồn xuống hai đầu gối mà khoáy sâu xuống nữa … Có tiếng rắắắc … phải chăng một mảnh sụn nào đó gẫy rập? Có tiếng trẻ con bật khóc “e..e..” đâu đây, Chủy rún hai đầu gối theo nhịp tiếng khóc “e..e..” của đứa trẻ. Không phải tiếng khóc của thằng con duy nhất của Kim – thằng bé đã được người nhà bế đi theo sau áo quan mẹ nó- đó là tiếng khóc của đứa con nhà hàng xóm. “E..e..” – “Được lắm, con nhà hàng xóm nó khóc thay cho con mày!” – Chủy nghĩ theo nhịp nhún của hai đầu gối. Khi buông ra đứng lên, Chủy nhìn xác Kim rũ dưới chân như một con chim non mới ra ràng chết rũ trong một trận cuồng phong và rớt từ trên tổ xuống. Ngờ đâu tiếng trẻ khóc “e..e..” ngày ấy lại chui tọt vào tiềm thức Chủy, bám sâu, mọc rễ ở đấy đợi đến ngày nay nhoi lên ý thức
.
Cơn nóng đã tới cao độ. Đã mấy lần Chủy nhỏm lên với lấy tích nước ngửa cổ tu ừng ực.
Chuyện con sen thấy tháng cũng đụng vào một kỷ niệm trong tiềm thức. Tình Chủy đam mê Vân luôn luôn như cơn sốt nóng, càng uống càng thấy nước ngon nước ngọt và càng thấy khát. Một buổi chiều công tác lưu động kia, Chuy cổ thu xếp về với Vân, rủi gặp kỳ Vân không thể chiều Chủy được. Chủy lại ra đi, tuần sau mới về. Chủy vẫn nằm một giường riêng, Vân, Du một giường. Thường thường khi mọi người đã ngủ yên, Chủy lằng lặng tuột ra khỏi giường để đến cấu lên cánh tay Vân một cái, rồi trở về giường mình, Vân sẽ theo sang. Lần đó Chủy cho là Vân biết ý sẽ tự sang. Chủy thao thức chờ, đêm khuya dần… Trong cơn sốt miên man tại nhà Đạo, Chùy sống y hệt lại kỷ niệm giận hờn đêm đó. Càng chờ càng bằn bặt, Chủy thấy nghẹn ngào rồi hục hặc, giận Vân biết chừng nào, hai chân muốn đạp tung thành giường, hai tay muốn bóp cổ… bóp cổ Vân cho chết như Kim đã chết… Cơn mưa nửa đêm đổ xuống, tiếng mưa rào rào khá mạnh, mỗi cơn gió ùa tới, tưởng như thấy cảnh mưa rạt trên mái nhà, Chủy thèm Vân, thèm Vân lúc đó Vân sang với Chủy dù có được thăng đến cấp ủy viện trung ương cũng không hạnh phúc bằng … Vân không sang… Mi tưởng ta cần mi sao… mi đợi ta phải chạy sang giường mi làm hiệu sao… ta không cần… ta không cần… thiếu gì những cán bộ cấp dưới hoặc nữ quần chúng khác… đồi sắn Phú Thọ… đồi chẩu Phú Thọ… đồi sơn Phú Thọ … chỗ nào mà chẳng vắng vẻ, ta muốn thỏa tình chỗ nào mà chẳng được… mi làm cao… mi làm cao… ta đâu có cần… ta đâu có nô lệ cho mi. Du khóc, Vân dậy, Du khóc ngằn ngặt, phải rồi Du sốt, Vân dậy pha nước đường cho Du, Du uống rồi lại khóc … Tiếng Vân ru… tiếng Du khóc…mãi…mãi… rồi Chủy thiếp ngủ lúc nào …tai còn mơ hồ nương theo giọt gianh rỏ xuống lách chách… Chủy sực tỉnh vào lúc gần sáng, chỉ còn gió, gió lộng tưng cơn lùa qua các khe cửa, lạnh lùng thấm qua lần chăn mỏng, thấm qua lần quần áo…Chủy thấy thân hình nhẹ bỗng, xương thịt như tiêu đi đâu mất hết, chỉ còn lại một chút ý thức điều khiển một khối đam mê nhẹ bỗng nhưng nóng rực … Khối đam mê đó chập chờn… cô độc… bay vật vờ cầu bơ cầu bấc theo gió… và rồi lách vào màn sương lạnh cao, dầy và rộng bất tận.

Sau cơn sốt tát nhiên đến cơn chán, tinh thần rã rời. Vợ Đạo mang cháo hành vào, Chủy chiều ý ăn cho xong rồi nằm xuống. Đạo mang vào lọ thuốc flavoquine nói là Khóa phải về Hài Nội ngay gửi lại biếu Chủy để khi đã dứt cơn thì mỗi tuần nên uống chặn một viên, như vậy có thể tiệt nọc. Đã hai giờ chiều. Các kỷ niệm mấy hôm trước đây Chủy gạt đi, hoặc chỉ để ý thức lướt qua, nay chúng ùa lại như nước lũ vỡ bờ. Chủy chết đuối trong đỏ, chẳng còn hơi sức đâu mà chống đỡ, hoàn cảnh bên ngoài ở cái vùng này thì còn cái gì giúp mình chống đỡ?
Sớm hôm sau Chủy cương quyết ra đi.
Vợ Đạo nói:
– Chú vội đi làm gì, ở đây thêm vài hôm cho dứt cơn đã.
– Dứt cơn rồi chị ạ – Chùy đáp – lần nào tôi cũng chỉ bị lên một cơn rồi uống thuốc chặn là khỏi. Lần này mỗi ngày tôi sẽ tiếp tục uống ba viên quinacrine, rồi uổng flavoquine của anh Khóa…
Đạo hỏi:
– Chú cần lấy thêm tiền …
Chủy gạt đi:
– Trăm bạc anh đưa tôi hôm kia tiêu còn khối đây, thừa đủ để lấy một tấm vé xe.
– Chú đi về lối nào? – vợ Đạo hỏi.
– Về lối Ninh Giang chị ạ.
– Vâng, thôi chúng tôi không dám ép nữa – Đạo nói – chúc chú ra ngoài đó gặp thím và cháu vui vẻ.
Ba đứa lớn đến chào Chủy rồi cắp sách đi học. Trước khi đi, Chùy ôm bé Minh và hôn lên trán nó rất lâu.
Đến bến xe gần vườn hoa, Chủy mua tấm vé ô tô về Ninh Giang – (lộ trinh của Chủy y hệt lộ trình của Hãng xưa). Trên xe Chủy nhận ra có ông hàng bánh tây ôm đứa con trong lòng, thằng bé cầm trong tay thứ đồ chơi Chủy cho chiều hôm nào, đôi bên cùng lộ vẻ vui mừng chào nhau. Xe tới cầu cát, Chùy xuống, ông hàng bánh tây cũng ôm con xuống theo; Chủy theo đường mòn phăng phăng đi xuống, thấy ông ta cũng ôm con xuống đồng. Chủy dừng lại hỏi:
– Ông cũng định mang cháu ra ngoài kia?
Ông hàng nhìni về phía trước nói:
– Chẳng nói dấu gì ông quê tôi ở làng Phả thuộc vùng ngoài ấy, hằng năm ngày giỗ mẹ tôi vẫn về, những người làm việc đều là anh em trong họ ngoài làng cả nên họ thông cảm. Tôi mang cháu theo thế này để nhỡ giữa đường có gặp anh em bảo chính tuần tiễu thì cũng hiểu tôi là thường dân.
– Làng Phả tôi biết- Chủy nói- ông định đi đường nào về đấy?
– Tôi theo đường đất nay ngược lên làng Huyen, từ làng Huyền qua làng Cơ, ở đấy qua cái lạch nhỏ nữa là sang địa phận đồng làng tôi.
Chủy lắc đầu:
– Ồng đi quanh thế xa quá, hãy theo tôi vượt thẳng đây qua làng trước mặt, qua một cánh đồng chiêm rồi cũng tới con lạch đồng làng Phả.
– Nhưng đường đó ở giữa hai đồn Bảo Chính và lính đi tuần luôn.
– Thì ông đã bế cháu thế này, ngay tình rồi cần gì? Ruộng chiêm mùa này làm gì ra nước mà ông ngại?
Ông hàng bánh tây vui lòng theo Chủy. Sự thực Chủy tuy có hảo ý mách đường gần cho ông hàng nhưng cũng có ý muốn lợi dụng đứa trẻ mang theo để nhỡ gặp lính tuần tiễu thì dễ ăn dễ nói. Họ đi sâu dần vào vùng đai trắng ngăn cách hai miền.
Quả nhiên ruộng chiêm vào mùa khô dễ đi, đôi chỗ ruộng có ẩm ướt, nhưng bùn nước chỉ ngập đến mắt cá là cùng. Bước lên khoảng đồng khô ráo, Chủy chỉ về phía trước nói:
– Chỉ hết quãng đồng này nữa là tới con lạch!
Chợt một hình đen ngòm vụt nhô khỏi ngọn đa phía làng xa. Chủy nhận ngay ra chiếc B26.
Vào dạo này không sáng nào là các B26 không phân chia nhau đi kiểm soát các trục giao thông cùng các đường vùng đai trắng. Chúng bay rất thấp để dễ bề bất chợt xuất hiện và xả súng bắn liền nếu gặp bóng người.
Chiếc phi cơ hung thần xuất hiện bất ngờ đó lại đương bất ngờ lao vút tới đúng hướng hai người đương đi. Chủy quay phắt lại. Người bố ôm con đứng co rúm như cua gặp ếch bên khoảng huyệt mới bốc mộ sâu hoắm. Chủy nhanh tay đẩy mạnh. Hai cha con ngã lăn chiêng xuống. Nhún cẳng định lao theo. Quá muộn rồi! Mấy đường lạnh xuyên qua cơ thể vật Chủy ngã xấp. Hai cha con dưới huyệt thấy đất tứ bề bắn tung, rồi tiếng nổ ran kinh hoàng cùng bóng chiếc phi cơ sát nhân đen ngòm lướt qua, lướt nhanh như muốn biến thành đường vải liệm không gian, tiếng động cơ hung dữ, chát chúa, rung chuyển, đảo lộn cả một vùng không khí rộng lớn.
Khi nghe ông hàng bánh tây thuật lại đoạn này, Vân thút thít khóc, cúi đầu chấm nước mắt rồi ngửng lên nói:
– Ông làm ơn đưa tôi đến chỗ huyệt ông đã chôn nhà tôi.
Ông hàng lắc đầu ngao ngán:
– Thưa bà, xin thề có Trời Phật chứng giám, tôi không dám tiếc công, chính nhờ ông nhà mà cha con tôi thoát chết, nhưng quãng đồng lạ đó tôi chỉ đi có một lần, sau lúc bị phi cơ sà bắn, tôi bàng hoàng đến mê mẩn cả người, thằng con tôi ngồi khóc trên bờ ruộng, tôi chôn ông nhà, rồi bế con loanh quanh men theo khoảng đường thấp mà đi. Giờ đây tôi không sao nhận ra khoảng đó nữa, lại đương mùa mưa, cả khoảng đồng chiêm đó giờ đây như biển hồ, không tài nào tìm ra được đâu bà ạ.
Nói dứt ông cúi đầu hai bàn tay chắp lại, những ngón tay lồng xoắn với nhau, trong khi bắp thịt hai bên má rựt rựt, vẻ ân hận chân thành.
Vân một lần nữa nâng khăn tay thấm nước mắt, Tân đứng bên cắn môi im lặng, hai vợ chồng Đạo cùng thở dài chưa biết nên nói gì.

Hết Chương 11. Xem tiếp Chương 12

 

 

 

Tìm Kiếm