Người thật trong truyện của Ðỗ Tốn
Viên Linh
Nhà văn Ðỗ Tốn (1921-1973). (Hình: Diễn Ðàn Sách Xưa Việt Nam)
–Ai là Nhất Linh, Ðỗ Ðình Ðạo, Trương Bảo Sơn, … trong nhóm 9 đảng viên VNQDÐ ở Quảng Châu qua truyện ngắn Ả Hẩu?
Thập niên ’40, thành viên các đảng phái quốc gia bị Pháp lùng bắt nhiều người phải rút dần khỏi Hà Nội, khi qua biên giới Trung Hoa đành ở lại đó sống cuộc đời lưu vong (như trường hợp Nguyễn Tường Bách), và trong có Ðỗ Tốn, tác giả tập truyện Hoa Vông Vang thời tiền chiến, và truyện ngắn Ả Hẩu viết tại miền Nam trước khi qua đời tại Sài Gòn. Ông tên thật Ðỗ Ðình Tốn, sinh năm 1921, anh họ nhà cách mạng từng là quân ủy trung ương của Việt Nam Quốc Dân Ðảng Ðỗ Ðình Ðạo – mà cái chết bởi một viên đạn bí ẩn đã gây sôi nổi dư luận Hà Nội trước 1954.
Trung Hoa lúc ấy bị ảnh ưởng cuộc chiếm đóng của Nhật, nạn đói lan tràn, đám cách mạng Việt Nam xa nước sống trong cùng khổ, vẫn cố vùng vẫy. “…hồi đó ở Quảng Châu vấn đề tiền là một vấn đề rất nguy nan cho chúng tôi: thời ấy vào năm 1941, thế giới đương lâm vào cuộc đại chiến, mà các anh em ở trong nước thì đương bị nhà đương cuộc Pháp khủng bố thành ra đường tiếp tế đã trở nên tắc nghẽn, cũng vì thế chúng tôi phải tiết kiệm, chỉ ăn cơm với rau hoặc xì dầu hoặc muối vừng thôi. Chẳng thế mà ‘người ở’ trước không thèm ăn như chúng tôi, mà trái lại ‘bà ấy’ mua thức ăn, ăn riêng.” (Ả Hẩu, Ðỗ Tốn). “…thành phố Quảng Châu đương bị quân Nhật chiếm đóng và nạn đói thì đương hoành hành dữ. Ra tới đường phố là thấy nhan nhản những bộ xương bọc da thất thểu xiêu vẹo lang thang. Ngày nào cũng có hàng trăm con người chết vì đói! Tôi đã từng trông thấy trên vỉa hè, trong khi ấy thì dân chúng vẫn qua lại như thường: họ đã quen mục kích những cảnh tượng đó quá rồi; tôi đã từng thấy những tấm thân xương, giơ tay cướp một chiếc bánh đút vội vào miệng trong khi những cái đấm đá liên hồi đổ xuống tấm thân tàn cho tới lúc nó nằm cong queo và chết lịm, bánh phòi ra mép; tôi đã thấy những kẻ quá đói nên không buồn xin ai nữa (vì xin đã nhiều mà không được) nay sức đã kiệt, mắt đã hết thần, họ ngồi xuống vỉa hè đợi chết… Thành phố Quảng Châu thời ấy có thể gọi là một cảnh địa ngục trần gian. Quân Nhật thì chỉ chiếm đóng được một vùng độ ba bốn chục cây số chung quanh thành phố.” (như trên)
Thời gian ở Tàu có lúc họ nương nhờ vào một nhân vật có vẻ huyền thoại tên là Sài Ðiền, được mô tả là đại tá Nhật, đeo gươm dài lệt xệt, ra vào ban chỉ huy Hiến Binh Nhật hàng ngày, và họ dựa vào ông ta để lấy tin tức thời sự – Thế Chiến Thứ Hai đang diễn ra – và còn hy vọng ông ta đưa vào học trường Quân Sự Nhật, như Ðỗ Tốn kể ra. Còn là một thanh niên 20 tuổi, ngây thơ như thế là chuyện thường, nhưng trong bọn 9 người mưu đồ cứu nước này có một lãnh tụ tác giả không nói rõ tên, và một hai người lớn tuổi hơn, sau đó nghi ngờ vị đại tá này là gián điệp của Nhật, nên một hôm quyết định giết ông ta. Cuộc hạ sát diễn ra đẫm máu, bằng dao “con chó” và cuối cùng bằng chính thanh gươm của Sài Ðiền. Máu me loang lổ khắp tường nhà và quần áo của đám thanh niên. Trong khi họ bị cả cảnh sát Tàu lẫn Hiến Binh Nhật bắt giam, thì lạ lùng thay, đám quân Nhật lại rất ngưỡng mộ cuộc tàn sát của họ, họ được thả: nghĩa là Sài Ðiền không phải đại tá Nhật như họ tưởng! Chỉ là một gián điệp khéo ngụy trang theo dõi đám thanh niên cách mạng.
Ðỗ Tốn không viết rõ hơn, nhưng người tinh ý phải thấy: mấy nhà làm cách mạng Việt Nam ở đây bị lừa dễ dàng quá. Truyện ngắn Ả Hẩu nằm trong bóng tối ba phần tư thế kỷ qua, mà ai ngờ trong đó phơi bày rất nhiều chuyện về một thời kỳ tranh đấu của thanh niên Việt, nhất là những người lưu vong và miền biên giới Hoa-Việt, với rừng núi thâm u, những toán thổ dân rành mọi chuyện, kể cả thổ phỉ, đón đường đòi tiền mãi lộ. Bản thân người viết bài này có thân nhân, một ông bác, một ông chú, trong đám thanh niên Việt ở bên kia biên giới, một người gọi Chú Kim, không bao giờ có ngày về, một người gọi Bác Sủng, Nguyễn Quốc Sủng, nguyên Xứ Ủy Bắc Kỳ thời gian các ông Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký là Xứ Ủy Nam Bộ và Trung Kỳ, sau này là thụ ủy Liên Danh Phan Bá Cầm tranh cử vào Thượng Viện Việt Nam Cộng Hòa. Bác có lần kể chuyện khi đói người ta phải ăn hạt bo bo lấy trộm trong chuồng ngựa – “làm gì có cơm mà ăn!”
Theo truyện Ả Hẩu, nhóm họ có 9 người, khoảng ba người trên dưới 20 tuổi, túng thiếu lại đang bị các phe lùng bắt, phải làm nhiều nghề trong khi vẫn phải đóng góp tài chính để thuê một phụ nữ địa phương lo chuyện giặt giũ, cơm nước cho cả nhóm, người này gọi là Ả Hẩu. Chính Ả Hẩu sau này đã cứu họ, làm người tìm đường đưa họ tránh quân Nhật, và tìm vào miền đất còn do quân Tưởng Giới Thạch kiểm soát. Họ ở Quảng Châu vì bị thế kẹt, vì hầu hết các nhà cách mạng Việt Nam “ở khu do Tưởng Giới Thạch kiểm soát: đó là các miền Quảng Tây, Vân Nam” do đó họ luôn luôn tìm cách bỏ Quảng Châu.
“Muốn rời đất Quảng Châu này thì phải vượt qua độ 40 cây số do quân Nhật kiểm soát, qua phòng tuyến của họ – nhưng điều cần trước hết vẫn là phải làm sao thoát khỏi tay Sài Ðiền đã.”
“Cuối cùng số lớn anh em trong bọn chúng tôi đi đến quyết định là phải giết hắn đi dù có phải đổi mạng. Cần phải hành động như vậy, một là để mở một đường thoát cho một số anh em đi nơi khác hoạt động, hai là để các anh em còn ở trong nước khỏi bị lừa thêm mãi, có hại lớn về sau.”
“Trong một buổi họp, anh X…, người cầm đầu bọn chúng tôi lên tiếng hỏi: ‘Ai tình nguyện giết?’…Tôi không rõ thời gian nhanh chậm ra sao nữa nhưng tôi nhớ có hai cánh tay giơ lên, tôi nhận ra Danh và Tiết. Danh mới 21 tuổi đầu, và Tiết mới 18.”
“Anh X… người cầm đầu bọn chúng tôi” là ai? Cuộc giết Sài Ðiền dự kiến là sẽ cực kỳ gay cấn, vì hắn giỏi võ và đeo thanh kiếm dài. Danh và Tiết là hai tay hành động. Tiết cầm dao con chó đột ngột nhảy lên đâm Sài Ðiền trúng vào mặt hắn, máu chảy ròng ròng, trong khi hắn tay không. Lễ nhảy vào tiếp tay bằng cách vớ một chiếc ghế đập vào đầu người Nhật làm hắn ngã xuống. Tiết nhanh trí vào phòng Sài Ðiền lấy được thanh gươm của hắn, trở ra dùng thanh gươm ấy kết liễu cuộc tàn sát.”
“Liền đó Danh trốn qua phía Tưởng Giới Thạch, Tiết tình nguyện đứng lại chịu để người ta bắt, còn tôi (Ðỗ Tốn) và Lễ thì đi gọi cảnh sát Tầu địa phương.” Như thế trong nhóm 9 người, 5 người bề trên không nhúng tay vào. Hiến Binh Nhật tới bắt bọn họ (bọn 4 người thôi); nhưng sau thả họ ra sau khi nói: “Người Việt Nam xung đột với người Việt Nam, đó là chuyện nội bộ của các anh, người Nhật không muốn dính tới.” Họ được trả tự do. Tất cả đều sửng sốt. Hóa ra Sài Ðiền không phải đại tá Nhật thực thụ!
Tác giả không giải thích gì về chuyện này và tiếp tục kể chuyện lưu vong ở Quảng Châu:
“Trong những tháng tiếp theo đó chúng tôi chia nhau phận sự, kẻ đi dậy học để có thêm tiền, người vẽ tranh bán, ‘người đi thổi kèn’ cho một ban nhạc tại một tiệm khiêu vũ, người thì đi dò đường tìm lối để sẽ tẩu thoát… Song từ bữa hạ sát Sài Ðiền tới nay cứ mỗi khi tôi và Lễ dậy sớm để đi dò đường thì y như bị ngay Ả Hẩu ranh mãnh hỏi:
– Nị làm chi mà trở dậy sớm thế? Lại định đi giết người phải không?
Thì ra Ả Hẩu còn nhớ là bữa hạ sát Sài Ðiền chúng tôi đã trở dậy sớm hơn mọi bữa khác.”
Trong đoạn văn trên, nhiều độc giả sẽ đoán “người đi thổi kèn” chắc là Nhất Linh, vì tấm hình nhà văn cầm đầu nhóm Tự Lực Văn Ðoàn thổi hắc tiêu hay thổi trom-pet đã được đăng đi đăng lại trên báo chí sau này. Anh Ðỗ Ðình Tuân giáo sư Ðại Học SouthCoast, con trai nhà cách mạng Ðỗ Ðình Ðạo một hôm (khoảng 4 tháng trước khi tôi viết bài này, 2016) do tôi hỏi chuyện, nói không phải. Anh không giải thích nhưng tôi đoán “người thổi kèn cho một ban nhạc địa phương trong một tiệm khiêu vũ” phải là người biết ký âm pháp. Mà ông Ðỗ Ðình Ðạo nhìn bản nhạc là hát được ngay – như anh Tuân cho tôi biết, ông giỏi ký âm pháp, thổi trom-pet rất hay. Tôi quen biết mấy người con của gia đình Ðỗ Ðình, từ anh Giao chồng ca sĩ Mai Hân tới cô Mai, Ðỗ Ðình Tuân từng nổi tiếng hát hay trên đài phát thanh Hà Nội trước 54, với ca khúc Thu Vàng của Cung Tiến, Ðỗ Ðình Phương với cây đàn guitare. Vậy Nhất Linh là “người vẽ tranh bán,” vì ông có học vẽ trường Mỹ Thuật, tuy chỉ học qua. Cũng nhân trò chuyện với bạn mà tôi biết trong nhóm 9 người lưu vong ở Quảng Châu có những ai. “Người đi dậy học” chắc là dịch giả Trương Bảo Sơn, chồng nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh trước kia. Cảm ơn tác giả Ðỗ Tốn của truyện ngắn Ả Hẩu, viết một truyện này đủ thành một nhà văn có đóng góp tác phẩm vào văn học đất nước, không cần tới cuốn Hoa Vông Vang.
Nhà văn Ðỗ Tốn viết truyện Ả Hẩu như một hồi ký, cả chục năm sau khi trải qua. Ông gia nhập quân đội miền Nam, truyện đăng lên báo khi tác giả là một trung úy, sau lên thiếu tá phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến đường Hồng Thập Tự, các báo ông cộng tác là Chỉ Ðạo do Nguyễn Mạnh Côn chủ biên, và Tân Phong do Trương Bảo Sơn chủ biên, hai vị chủ biên này đều từng là các nhà hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ. Ðỗ Tốn mất ngày 22 tháng 10, 1973 tại Sài Gòn.
(VL, 10.2016)
(Thu Vân chuyển bài)