NHÂN QUYỀN TRONG LUẬT HỒNG ĐỨC:NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC

Hoàng Xuân Hào


 

Dẫn nhập

Năm 2008 được xem là năm kỷ niệm 60 năm kể từ ngày (10/12/1948) tổ chức Liên Hiệp Quốc công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền .Nhân dịp này, Cái Đình đăng lại bài Nhân Quyền Trong Luật Hồng Đức: Niềm Tự Hào Dân Tộc của ông Hoàng Xuân Hào, Tiến Sĩ Luật Khoa, Giáo Sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Thượng Nghị Sĩ thời Đệ Nhị Cộng Hòa, thuyết trình trong ngày giỗ Đức Lê Thái Tổ do Lê Tộc Hội Hải Ngoại tổ chức tại San Diego, California, ngày 21/09/1997.

Luật Hồng Đức là tên gọi phổ biến trong dân gian, nguyên bản bằng chữ Hán, có tên là Quốc Triều Hình Luật, là bộ luật hình (gồm có 722 diều luật) chính thống và quan trọng nhất của triều Lê (1428 – 1788). Có ba bản Quốc Triều Hình Luật in ván khắc mang các ký hiệu A.341, A.1995, A.2754. Bản mang ký hiệu A.341 được coi là bản có giá trị nhất vì là bản in ván khắc hoàn chỉnh hơn cả. Quốc Triều Hình Luật được dịch ra quốc ngữ lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1956 cho nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu của trường đại học Luật khoa Sài Gòn do Lưỡng Thần Cao Nãi Quang phiên âm, dịch nghĩa, Nguyễn Sĩ Giác nhuận sắc và Vũ Văn Mẫu viết lời tựa. Trong giai đoạn đất nước đang bị chia đôi, các bản gốc của bộ luật này được lưu trữ tại Hà Nội, các dịch giả phải dựa vào bản chụp của trường Viễn Đông Bác Cổ cho công tác dịch thuật. Tại Hà Nội, Quốc Triều Hình Luật cũng chưa được dịch trọn vẹn, người đọc chỉ được biết thông qua bản dịch trong sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, phần Hình Luật Chí do Phan Huy Chú công bố, Viện Sử Học xuất bản năm 1961 nhưng còn thiếu 143 điều luật trong số 722 điều luật.

Một trong các ngụy luận của chế độ độc tài Việt Nam hay Trung Quốc khi cho rằng nhân quyền không phải là tiêu chuẩn và giá trị phổ quát của nhân loại mà chỉ là các tiêu chuẩn và giá trị của văn hóa Tây phương áp đặt lên giá trị văn hóa của các quốc gia này cũng như sự can thiệp vào vấn đề nhân quyền được xem như sự can thiệp vào nội bộ của một quốc gia độc lập có chủ quyền. Bài thuyết trình của ông Hoàng Xuân Hào cho thấy vì sao nhân quyền trong luật Hồng Đức ‘đã đánh tan ngộ nhận của trí thức Tây phương và ngụy thuyết của các nhà độc tài Á Châu cho rằng Á Châu không có truyền thống nhân quyền’ và vì sao ‘Luật Hồng Đức thật xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trên cả hai bình diện quốc tế và quốc gia’ theo nhận xét của thuyết trình viên.

Là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng như đã từng ký kết tôn trọng các Công Ước Nhân Quyền Quốc Tế, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền trầm trọng trong suốt nhiều năm qua: đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống, bắt giam những người tranh đấu đòi hỏi tự do dân chủ, biến cố dân oan, biến cố Thái Hà,… Theo bản thăm dò của Tổ Chức Tư Vấn Rủi Ro Kinh Tế và Chính Trị (PERC), Việt Nam đã đứng kế cuối trong bảng xếp hạng các thể chế tư pháp thuộc khu vực Á Châu. Vào ngày 04-12 vừa qua Liên Hiệp Âu Châu đã nhấn mạnh với Việt Nam là quyền chính trị và quyền dân sự quan trọng như nhau và không nên bị tách rời nhau. Liên Hiệp Âu Châu tin tưởng mạnh mẽ rằng việc không tôn trọng các quyền trên sẽ gây phương hại trầm trọng đến sự phát triển tại Việt Nam. Liên Hiệp Âu Châu cũng chia sẻ những lo ngại của quốc tế về bản án tù 2 năm dành cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến (do việc ông phanh phui vấn đề tham nhũng trong nước). Ngoài ra trong bản tuyên bố đưa ra trước hội nghị tư vấn, Hoa Kỳ cho rằng thành tích kinh tế và uy tín của Việt Nam trước quốc tế đã bị phương hại do những hạn chế áp đặt lên các quyền tự do cá nhân của người dân. Vào ngày 22-10-2008 Nghị Viện Âu Châu cũng đã đưa ra nghị quyết ‘lên án những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Việt Nam đối với tự do ngôn luận và tự do hội họp’ đồng thời kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu phải bảo đảm rằng Việt Nam ‘chấm dứt những vi phạm có hệ thống về dân chủ và chủ quyền con người’ trước khi Hiệp Định Hợp Tác và Đối Tác giữa Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam được ký kết. ‘Đây không phải là một năm tuyệt vời cho nhân quyền ở Việt Nam và chúng tôi lo ngại điều này’, trưởng phái đoàn Liên Hiệp Âu Châu ở Việt Nam, Sean Doyle, đã phát biểu từ Hà Nội trong thời gian qua.

Tóm lại, nhân quyền không chỉ là vấn đề quan trọng thiết yếu trong sinh hoạt chính trị, xã hội của con người mà còn là vấn đề ở tầm mức văn hóa qua các thời đại, là ước vọng muôn đời của con người ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Xâm phạm nhân quyền để phục vụ mục tiêu hạn hẹp nhằm củng cố quyền lực và quyền lợi của đảng cộng sản, chế độ độc tài cộng sản Việt Nam ngoài việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng còn chọn một phương thức hành động có tính cách vong thân văn hóa, chối bỏ các giá trị tinh hoa của dân tộc, đồng thời ngăn trở sự phát triển của nhân dân Việt Nam vươn lên hòa hợp vào các cộng đồng tiến bộ trên thế giới. Cũng cần nói thêm, Luật Hồng Đức hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm Hà Nội. Bộ luật này cũng đã được một số các nhà chuyên môn trong nước hiệu đính, dịch ra quốc ngữ và đã được nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia tái bản ít nhất là hai lần.

Cái Đình

*

Năm 1483 vua Lê Thánh Tông cùng với một số quan đại thần biên soạn bộ THIÊN NAM DƯ HẠ gồm 100 quyển viết về việc chính là Hình Luật. Bộ luật được đặt tên là QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT và thường được gọi là LUẬT HỒNG ĐỨC, gồm 722 điều khoản liên hệ tới nhiều lãnh vực luật pháp (1).

504 năm sau, lần đầu tiên thế giới được giới thiệu một cách chính xác sự đóng góp của nó trong lãnh vực Dân Luật vào truyền thống luật pháp Đông Á nhờ cuốn LÊ Code: Law in Traditional Vietnam, do ba giáo sư Tạ văn Tài, Nguyễn Ngọc Huy và Trần văn Liêm biên soạn và được Ohio University Press xuất bản năm 1987 (2).

Nhưng điều làm cho người Việt hãnh diện là tác phẩm kế tiếp của giáo sư Tạ văn Tài, The Vietnamese Tradition of Human Rights do University of California Berkeley xuất bản năm 1988, đã đánh tan ngộ nhận của trí thức Tây phương (3) và ngụy thuyết của các nhà độc tài Á Châu (4) cho rằng Á Châu không có truyền thống nhân quyền.

Thật vậy, trước năm 1988, nhiều học giả Tây phương cho rằng nhân quyền ghi trong hiến pháp của các nước trong bốn thập kỷ vừa qua và luật pháp nhân quyền quốc tế đều bắt nguồn từ truyền thống Âu Mỹ, với Luật Dân Quyền Anh Quốc 1689, Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp Quốc 1789 và Luật Dân Quyền Hoa Kỳ 1791.

Trái lại, sự phân tích đối chiếu các điều khoản của Luật Hồng Đức với những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc đã khiến các học giả Tây Phương ngạc nhiên và thán phục tinh thần tôn trọng nhân quyền của Luật Hồng Đức đã có trước Tây phương. Học giả Mỹ Robert Foster nhận định rằng công trình sưu tầm của giáo sư Tạ Văn Tài đã nhắc nhở giới học giả Âu Mỹ rằng những tiêu chuẩn về nhân quyền không phải là sáng tác độc quyền của thế giới Tây phương (5).

Như vậy Luật Hồng Đức thật xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trên cả hai bình diện quốc tế và quốc gia. Trên bình diện quốc tế, phân tích đối chiếu các điều khoản của Luật Hồng Đức với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế được quy định trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (điều 1 và điều 56), bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và 7 công ước quốc tế về nhân quyền (6), ta thấy những quy định của Luật Hồng Đức rất gần gũi với những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ngày nay trong cả bốn lãnh vực: quyền toàn vẹn thân thể; quyền bình đẳng; các quyền dân sự và chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Trên bình diện quốc gia, những quy định của Luật Hồng Đức về các quyền bình đẳng và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa là nét son nổi bật nhất vì hai lý do. Về mặt nhân bản và nhân đạo, những quy định ấy tiến bộ hơn và bỏ xa luật pháp của các nước Đông Á và Tây phương ít ra là bốn thế kỷ. Về mặt độc lập quốc gia, những qui định ấy chứng tỏ Đại Việt có bản sắc dân tộc độc đáo riêng, chứ không phải là cái bóng văn hóa và luật pháp của Trung Hoa.

Hai lý do ấy thôi thúc tôi chỉ trình bày trong buổi hầu chuyện quí vị hôm nay các quyền bình đẳng và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong Luật Hồng Đức đối chiếu với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế để chúng ta cùng nhau phủi bụi thời gian hơn 500 năm trên nét son nhân quyền Luật Hồng Đức và vinh danh Luật Hồng Đức như bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Luật Nhân Quyền đầu tiên của Việt Nam, vinh danh vua Lê Thánh Tông là thánh tổ nền Luật Học Việt Nam, là chiến sĩ tiên phong của phong trào nhân quyền quốc tế. Từ đó chúng ta cùng nhau suy gẫm rút ra những bài học thiết thực. Như vậy bài nói chuyện gồm hai phần:

I- Quyền bình đẳng;

II- Những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

*

Phần I: Quyền bình đẳng

Quyền bình đẳng trong Luật Hồng Đức tương đương với những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và gồm có bình quyền dân sự giữa vợ và chồng, và bình đẳng chủng tộc.

I- Bình quyền dân sự giữa vợ và chồng:

Luật Hồng Đức đã hơn hẳn và bỏ xa mọi nền luật pháp khác trên thế giới ít ra là bốn thế kỷ ở chỗ nó đã quy định bình quyền dân sự giữa vợ và chồng về cả hai mặt nhân thân và tài sản.

1,- Về nhân thân , Luật Hồng Đức định rằng nếu người chồng chểnh mảng hay bỏ bê vợ mình vì si mê một người đàn bà khác thì bị trừng phạt nếu vợ y cáo giác trước cửa quan. Thậm chí người vợ có thể kiện xin ly dị nếu sự chểnh mảng của chồng vì bất cứ lý do gì kéo dài tới 5 tháng hay 1 năm nếu có con.

Người vợ chỉ không kiện được nếu người chồng xa nhà vì thừa hành công vụ. Những lý do ly dị này không có trong luật Trung Hoa, luật Gia Long và các nước Đông Á khác. Luật Hồng Đức còn tiến bộ hơn luật Tây phương ít ra là bốn thế kỷ ở chỗ đã dành cho phụ nữ quyền tham gia công vụ (làm quan) và dự liệu rằng ‘nữ quan’ được ưu đãi trong thủ tục thiết triều.

2,- Về tài sản : Khác hẳn luật Trung Hoa và luật Gia Long, Luật Hồng Đức cho con gái hưởng thừa kế ngang hàng với con trai. Quan trọng hơn nữa, Luật Hồng Đức cho vợ chồng hoàn toàn bình đẳng về hôn sản bằng cách quy định rằng khi một người phối ngẫu chết thì người phối ngẫu còn sống bất luận là vợ hay chồng có quyền thu hồi đầy đủ quyền sở hữu về toàn bộ bất động sản phát xuất từ gia đình bố mẹ mình, về phân nửa bất động sản do hai vợ chồng tạo mãi trong thời kỳ giá thú và về phân nửa động sản còn lại sau khi đã trả lãi những món nợ. Ngoài ra người vợ còn có quyền ứng dụng thu lợi trên phần di sản của chồng đã qua đời. Lúc hai người còn sống, vợ và chồng đều bình quyền trong việc quản trị tài sản. Vì vậy trong mọi giấy tờ chuyển nhượng thường có câu: ‘mỗ … cùng với vợ mỗ …’ và phía dưới là phần chữ ký hay điểm chỉ của cà hai vợ chồng.

Vì có quyền tư hữu tài sản ngang hàng với chồng, nên người đàn bà dưới thời Hậu Lê giữ vai trò kinh tế quan trọng trong xã hội. Luật Hồng Đức tiến bộ hơn luật Âu châu và Hoa Kỳ ít ra là trên 400 năm. Tại Mỹ, mãi tới năm 1890 nhiều tiểu bang mới sửa đổi và một số tiểu bang vẫn còn áp dụng học lý Femme Couverte của Thông luật, theo đó người vợ là vật sở hữu của chồng và không có quyền pháp lý đối với lợi tức do chính bà ta kiếm ra cũng như đối với con cái và tài sản của bà ta trừ khi hai vợ chồng ký hôn khế trước đặt tài sản của họ dưới chế độ giám hộ (trust) (7). Vì bình quyền dân sự giữa vợ và chồng là truyền thống dân tộc Việt Nam nên đã được người Việt thế kỷ 19 và 20 tuân thủ. Các bộ luật gia đình và bộ dân luật của Việt Nam Cộng Hòa đều giữ truyền thống này (8).

II.- Quyền bình đẳng chủng tộc:

Luật Hồng Đức đã quy định tương xứng với điều 5 Công Ước Quốc Tế về việc loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc bằng ba biện pháp:

1.- Tại tòa án, sắc dân thiểu số được xét xử theo tục lệ của họ nếu vụ kiện chỉ liên hệ tới những người trong cùng một sắc tộc. Luật quốc gia chỉ được áp dụng nếu các bên đi kiện thuộc những sắc tộc khác nhau. Quy tắc giải quyết phân tranh pháp luật này quả là hiện đại vì nó đã dành cho mọi sắc tộc thiểu số sự bảo vệ đồng đều trước pháp luật. Sắc dân thiểu số còn được đảm bảo mọi thủ tục hình sự và được cung cấp thông dịch viên trước tòa.

2.- Luật Hồng Đức còn cho phép sắc tộc thiểu số được quyền tự trị hành chánh bằng cách đặt ra các châu (ngang cấp huyện của người Kinh) do chính người sắc tộc giữ chức Tri châu (ngang cấp Tri huyện của người Kinh) cai trị và các phụ đạo cai trị các thôn là những Tù trưởng cha truyền con nối.

3.- Luật Hồng Đức cũng đảm bảo các quyền kinh tế và văn hóa của các sắc tộc bằng cách cho họ tự do canh tác không hạn chế diện tích các vùng đất hoang (điều 348), trừng phạt quân và quan triều đình nào sách nhiễu hay cướp bóc người sắc tộc (điều 72). Quan hay quân phạm pháp còn phải bồi thường cho nạn nhân.

Việc quy định hai loại quyền bình đẳng nêu trên chứng tỏ hồi thế kỷ 15 nước ta về mặt luật pháp đã văn minh hơn Tây phương vì mãi đến thế kỷ 18 ở Âu Châu và thế kỷ 20 ở Mỹ địa vị pháp lý của người đàn bà vẫn còn thấp trong cả gia đình lẫn ngoài xã hội. Cao trào phụ nữ (Feminism) chỉ thực sự lên cao tại Mỹ vào thập niên 1960 và thu thành quả tích cực vào thập niên 1990 (9). Mãi đến năm 1965, với đạo luật Quyền Bầu Cử, tất cả mọi người da đen tại Mỹ mới được bình đẳng đầy đủ về mặt chính trị (10). Trước đó năm thế kỷ Luật Hồng Đức đã dành cho sắc tộc thiểu số quyền bình đẳng rồi. Luật Hồng Đức còn đi xa nhiều hơn nữa trong các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Phần II: Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Vua Lê Thánh Tông đã lập được thành tích ngoạn mục hơn cả các nước dân chủ ngày nay về việc đảm bảo các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân. Thật vậy, hiện nay các nước hội viên Liên Hiệp Quốc không bị bó buộc phải thực thi những quyền ấy ở một mức độ định trước vì việc thực hiện bị giới hạn bởi mức khả dụng của tài nguyên quốc gia. Ngược lại, vua Lê Thánh Tông không những đã đặt việc thực thi các quyền này thành mục tiêu hàng đầu mà còn coi những quyền ấy là thực sự mà nhà nước có nghĩa vụ phải đảm bảo cho những người thụ hưởng luật định bằng cách trừng phạt quan chức nào không thi hành.

I.- Các quyền kinh tế:

Luật Hồng Đức đảm bảo cho người dân bốn thứ quyền kinh tế ghi nơi điều 25 bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc.

1.- Quyền an sinh xã hội (social security): Luật Hồng Đức buộc nhà nước cung cấp lương thực, nơi ở và thuốc men cho người bệnh tật, nghèo khó hay tật nguyền, cô nhi, quả phụ không nơi nương tựa. Luật trừng phạt quan chức không thi hành nghĩa vụ này.

2.- Quyền được săn sóc sức khỏe (medical care): Luật Hồng Đức quy định ba biện pháp đảm bảo quyền này:

a) Quân sĩ bệnh được săn sóc y tế; viên chỉ huy không thi hành điều này sẽ bị trừng phạt.

b) Nhà nước cung cấp dịch vụ y tế cho dân đinh đi sưu dịch và tội nhân bị giam cầm. c) Quan chức địa phương có bổn phận phải cung cấp thuốc và săn sóc những người cô đơn không nơi nương tựa bị đau yếu.

3.- Quyền không bị bỏ đói (freedom from hunger): Vua Lê Thánh Tông đã làm những việc mà 500 năm sau Liên Hiệp Quốc mới đề ra để đảm bảo quyền người dân không bị bỏ đói: cải thiện phương pháp sản xuất và phân phối thực phẩm. Ngài đảm bảo cho dân không bị bỏ đói bằng các công trình thủy lợi. khuyến nông, khẩn hoang, mở đồn điền và đảm bảo sự công bằng trong việc quân cấp công điền. Luật Hồng Đức còn khuyến khích phát triển quyền tư hữu ruộng đất bằng cách công nhận về pháp lý quyền này cho những người đã chiếm cứ lâu năm những đất hoang hóa và chưa ghi sổ bộ.

Vua Lê Thánh Tông còn cứu đói bằng cách đặt cho nhà nước bổn phận phân phối thực phẩm cùng với những biện pháp khác để cứu trợ những người bị mất mùa do thiên tai hay loạn lạc, miễn thuế nông nghiệp, bắt điền chủ giảm tô theo tỷ lệ thất thu của tá điền, ổn định giá thóc bằng cách bán thóc nhà nước với giá hạ cho những người đói (gọi là bình chuẩn thương, xã thương) và lập kho thóc cứu trợ (gọi là nghĩa thương).

4.- Quyền tư hữu : Luật Hồng Đức đảm bảo quyền tư hữu tương xứng với điều 17 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền quy định: ‘Không có ai có thể bị tước đoạt quyền tư hữu một cách độc đoán’ bằng ba biện pháp chính:

a) Luật pháp nhìn nhận và đảm bảo quyền thủ đắcvà thừa kế tài sản; việc quốc hữu hóa tư sản phải được bồi thường thỏa đáng.

b) Quan chức xâm phạm tư sản bị trừng phạt tới tội lưu đày hay tội tử. Độc đáo hơn luật Tàu và các nước Đông Á khác, chỉ có luật Hồng Đức bắt buộc quan chức phạm tội không những phải trả lại tài sản cho nạn nhân mà còn phải bồi thường thiệt hại có tính cách trừng phạt (punitive damages) nữa.

c) Quan chức nào ra lệnh tịch thu trái phép tài sản tư nhân sẽ bị nghiêm trị. Quan trọng hơn nữa, một phần tối thiểu tài sản cần thiết cho sự sinh sống không thể bị tịch thu. Điều này tương đương với nguyên tắc ‘phần tài sản bảo lưu bất khả tịch thu’ (non-confiscable reserve portion of property) của luật pháp hiện đại. Ngoài ra, luật Hồng Đức cũng dự liệu ngoại lệ cho phép tịch thu tài sản của tội nhân bị tội lưu hay tử và không thể sử dụng tài sản của mình được nữa.

II.- Các quyền xã hội và văn hóa:

Theo tiêu chuẩn nhân quyền Liên Hiệp Quốc các quyền này gồm hai loại: quyền gia đình và quyền tự do giáo dục đều được Luật Hồng Đức đảm bảo.

1.- Quyền gia đình : Luật Hồng Đức đảm bảo ba quyền chính:

a) Quyền thuận tình kết hôn và lập một gia đình: Luật Hồng Đức đảm bảo quyền thuận tình kết hôn bằng cách trừng trị việc cưỡng bách hôn nhân. Quan chức dùng quyền thế kết hôn với phụ nữ trong quản hạt cai trị sẽ bị trừng phạt và giá thú trở nên vô hiệu. Quả phụ thủ tiết thờ chồng không thể bị thân nhân ngoài cha mẹ ép buộc tái giá. Những vụ ép buộc cưới gả chỉ là biệt lệ do hệ quả của luân lý Khổng Giáo. Sự cấm đoán hôn nhân chỉ áp dụng cho trường hợp loạn luân, xâm phạm trật tự xã hội và an ninh quốc gia.

Phát huy truyền thống dân tộc coi gia đình là đơn vị căn bản của xã hội, Luật Hồng Đức đảm bảo quyền lập một gia đình và đề cao sự đoàn kết gia đình đến độ cho phép những người trong gia đình che dấu lẫn cho nhau khi phạm pháp. Đạo hiếu là nghĩa vụ luật định với chế tài hình sự: bổn phận làm con phải phụng dưỡng cha mẹ lúc sống, thờ cúng sau khi chết và có con nối dõi tông đường. Thậm chí kẻ phạm tội lưu hay tử nếu là con một có thể ở nhà phụng dưỡng cha mẹ.

b) Quyền bình đẳng dân sự giữa vợ chồng trong thời kỳ giá thú và khi giá thú giải tiêu đã phân tích ở đoạn trên.

c) Quyền bà mẹ và trẻ em được săn sóc và bảo hộ đặc biệt bằng những biện pháp sau đây: Thứ nhất, việc trừng phạt nữ phạm nhân đang mang thai được đình hoãn cho tới 100 ngày sau khi sinh đẻ. Thứ nhì, việc bảo hộ trẻ em được đảm bảo bằng cách trừng phạt tội hiếp dâm trẻ vị thành niên, tội không trình nhà chức trách trẻ lạc mà lại đem dấu và bán nó đi và tội thân nhân đem bán tài sản của trẻ vị thành niên.

2.- Quyền tự do giáo dục : Luật Hồng Đức quy định gần tương đương với những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế về ba loại đảm bảo quyền tự do giáo dục:

a) Quyền hưởng cơ hội đồng đều về giáo dục: Trừ vài biệt lệ, mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính, nguồn gốc hay địa vị đều được tự do theo đuổi học vấn và đi thi để rồi được tuyển dụng làm quan. Một mạng lưới giáo dục công lập miễn phí được thiết lập từ trung ương tới địa phương. Ở cấp quốc gia có Quốc Tử Giám hay Quốc Học Viện (national college) liên kết với Văn Miếu và Hàn Lâm Viện tại kinh đô. Trường công lập ở cấp tỉnh do quan Đốc học, ở cấp thành do quan Giáo thụ và ở cấp huyện do quan Huấn đạo điều khiển.

b) Quyền tự do mở trường dạy học: Tư nhân có quyền tự do mở trường dạy học. Một mạng lưới tư thục được thiết lập từ thành thị tới thôn quê bởi các thầy đồ vốn là nhà nho hỏng thi, hay quan lại bị bãi chức hay về hưu. Trường tư được tự do cạnh tranh với trường công và độc lập với chính quyền về mọi mặt.

c) Quyền tự do chọn trường học và chọn thầy dạy học được đảm bảo một cách rộng rãi vì phụ huynh có thể mời thầy về nhà dạy con mình đi thi đến học vị tiến sĩ.

d) Tuy nhiên, quyền tự do giáo dục cũng bị hạn chế xét theo tiêu chuẩn nhân quyền ngày nay ở vài điểm. Hai loại người không được tiến thân theo đường khoa bảng mặc dầu quyền đi học của họ vẫn được tôn trọng: con ca và kịch sĩ mà người xưa gọi là phường tuồng con hát và con của kẻ phạm trọng tội không được đi thi. Ngoài ra, nguyên tắc ‘tính trung lập ý thức hệ và thế tục’ của nền giáo dục công lập trong chế độ dân chủ ngày nay không được Luật Hồng Đức nhìn nhận vì Khổng Giáo là ý thức hệ chính thức.

Kết luận

Các quyền bình đẳng và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa vừa phân tích tuy chỉ là hai trong bốn lãnh vực nhân quyền do Luật Hồng Đức quy định cũng đủ cho ta lý do tự hào với thế giới về truyền thống nhân quyền Việt Nam mà vua Lê Thánh Tông đã kế thừa và phát huy cao độ. Chúng ta tự hào vì các quyền bình đẳng giữa vợ chồng và giữa các chủng tộc là tinh thần dân chủ mà nhân loại đã cố công thực hiện hàng ngàn năm nay nhưng tới nay vẫn chưa hoàn thành. Chúng ta tự hào vì các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong Luật Hồng Đức thể hiện lý tưởng công bằng xã hội và quốc gia an lạc mà các nước dân chủ gắng công theo đuổi ròng rã hơn ba thế kỷ nay nhưng cho tới nay vẫn chưa thành tựu. Chúng ta tự hào vì một số nhân quyền chỉ tìm thấy trong Luật Hồng Đức chứ không hề có trong luật Trung Hoa và các nước Đông Á khác hay các nước Tây phương. Chúng ta tự hào vì luật Hồng Đức chứng minh cho thế giới rằng quốc gia Đại Việt thế kỷ 15 có nền văn minh và văn hóa cao.

Niềm tự hào chính đáng ấy thúc dục chúng ta vinh danh Luật Hồng Đức là Tuyên Ngôn Nhân Quyền và luật Nhân Quyền đầu tiên của Việt Nam, tôn vinh vua Lê Thánh Tông là Thánh Tổ của nền Luật Học Việt Nam và chiến sĩ tiên phong của phong trào nhân quyền thế giới. Do đó chúng ta có thể đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam đề nghị Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 515 năm ngày ban hành Tuyên Ngôn Nhân Quyền Việt Nam đầu tiên là Luật Hồng Đức vào năm 1998.

Việc tôn vinh ấy chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta rút ra từ tư tưởng nhân quyền tiến bộ của Luật Hồng Đức và tầm vóc vĩ đại của vua Lê Thánh Tông được bốn bài học lớn:

Bài học 1 về tinh thần thượng tôn luật pháp của vua Lê Thánh Tông. Mặc dầu ngài vừa là nhà lập pháp tối cao, nhà hành pháp tối cao và Chánh Án Tối Cao Pháp Viện, ngài đã hành xử những quyền ấy trong niềm say mê công lý và tuyệt đối tôn trọng luật lệ do chính ngài làm ra. Mê say công lý, ngài đã phá án Thị Lộ và phục hồi danh dự cho đại công thần Nguyễn Trãi. Tuyệt đối thượng tôn luật pháp, ngài thường nhắc nhở quần thần: ‘Pháp luật là phép tắc chung của nhà nước, ta và các ngươi phải cùng nhau tuân theo'(11). Tinh thần thượng tôn luật pháp đó là truyền thống do tiên đế Lê Thái Tổ truyền lại qua câu giáo huấn: ‘Từ thuở xa xưa, muốn cai quản quốc gia phải có luật pháp. Không có luật pháp thì nhà nước sẽ loạn’.(12)

Bài học 2 về xây dựng nền móng tinh thần cho dân tộc và tài trị quốc. Ngài làm Luật Hồng Đức dựa trên nền móng tinh thần do chính ngài thiết chế gồm có bốn cột trụ: tinh hoa Khổng Giáo với cốt lõi nhân bản và tâm linh, tư tưởng Việt Nho do sĩ phu Đại Việt sáng tạo (13), đức từ bi vô úy của Phật Giáo và truyền thống dân tộc quý trọng phụ nữ và lòng thương dân như con ruột của người lãnh đạo. Trên nền móng tinh thần ấy, ngài đã áp dụng một sách lược trị quốc kết hợp nhuần nhuyễn pháp trị, nhân trị và kỹ trị (technocracy) qua giới sĩ phu.

Bài học 3 về những yếu tố thành công của người lãnh đạo quốc gia. Trị quốc theo Luật Hồng Đức, ngài đã mở ra cho dân tộc một thời kỳ rực rỡ về mọi mặt: pháp luật, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao và quân sự. Ngài thành công vì ngài hiểu rộng, nhìn xa, thực tâm yêu nước thương dân, tuyệt đối thượng tôn luật pháp, nỗ lực đào tạo và trọng dụng nhân tài, và giới sĩ phu đã cộng tác chặt chẽ với ngài.

Bài học 4 và sau chót là đấu tranh cho nhân quyền. Lịch sử nhân quyền Việt Nam từ thời Luật Hồng Đức đến nay dạy chúng ta hai điều. Thứ nhất, việc đấu tranh cho nhân quyền là công tác lâu dài với những bước thăng trầm đòi hỏi quyết tâm, dũng cảm, kiên trì và tình thương. Thứ hai, việc đấu tranh cho nhân quyền của dân ta dù ở bất cứ chế độ nào cũng phải dựa vào bằng cớ cụ thể và hai luận cứ vô tư và xác đáng nhất: lên án những vi phạm luật pháp và những chà đạp truyền thống nhân quyền của dân tộc ta khiến kẻ vi phạm hết đường chối cãi.

Trong chiều hướng ấy, Luật Hồng Đức là niềm tự hào dân tộc, là cẩm nang của chiến sĩ nhân quyền Việt Nam và là tiếng chuông ngân vang muôn đời cảnh tỉnh những kẻ xâm phạm quyền con người.

Hoàng Xuân Hào

______________

Chú thích:

(1) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Tập II, trang 488, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993. Cũng xem Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, quyển I, trang 261, Trung Tâm Học Liệu Sàigòn 1971.

(2) Luật Hồng Đức lần đầu tiên được giới thiệu một cách chính xác bởi vì trước năm 1987 đã có một bản dịch và chú giải duy nhất bằng Pháp ngữ của De Loustal với tựa đề Justice Dans l’Ancien Annam, Traduction et Commentaire du Code des Lê do trường Viễn Đông Bác Cổ xuất bản tại Hà Nội vào năm 1908, nhưng sách này có một số sai lầm. Xem ViệtNam’s Code of Lê Dynasty, Tạ Văn Tài, reprinted from The American Journal of Comparative Law vol. XXX/summer 1982, No. 3 Massachusetts, Harvard Law School, 1982.

(3) Xem:
A) Duchacek, Ivo. Rights and Liberties in the World Today, Santa Barbara, 1973.
B) Henkins, Louis. ‘Constitutional Rights and Human Rights’, Harvard Civil Rights – Civil Liberties Law Review, Vol. 13, No. 3, p. 596, Summer 1978.

(4) Xem:
A) Zakaria, Farled. ‘Culture is Destiny: A Conversation with Lee Kuan Yew’, Foreign Affairs, vol. 73 No. 2 (109-126), March/April 1994.
B) Trần Quang Cơ ‘Rights and Values’, Far Eastern Economic Revìew, August 4, 1994, p. 17.

Cũng xem quan điểm phản bác:
1) Kim Dac Jung ‘A Reponse to Lee Kuan Yew: Is Culture Destiny. The Myth of Asia’s Anti-Democratic Values’, Foreign Affairs, vol. 73, No. 6 (189-194), November/December 1994.
2) Lâm Lễ Trinh viết ba bài: a) ‘Đọc và nghĩ về Culture Is Destiny của Lý Quang Diệu trong Foreign Affairs. Dân Chủ Mới Là Định Mệnh’. b) ‘Culture and Democratization’ và c) ‘Việt Culture Adrift’.
3) Vương Hữu Bột, ‘Nhận Định: Ông Trần Quang Cơ viết những luận cứ sai lầm’, Thế Kỷ 21 tháng 10, 1994, trang 10-13.

4) Đoàn Viết Hoạt, ‘Nhân Quyền Nhìn Từ Quan Điểm Nhân Bản và Xã Hội’, viết lén trong nhà tù nhân ‘Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 1993′ và gởi ‘chui’ ra ngoài.

5) Los Angeles Times, Thursday, June 8, 1993, Special World Report on Humain Rights, ‘Declaration of Bangkok’, p. H4.

(5) Ít ra đã có 9 giáo sư đại học Canada và Mỹ và 2 tạp chí Việt Nam ca ngợi truyền thống nhân quyền Việt Nam qua sự phân tích của giáo sư Tạ Văn Tài:
1) L.C. Green thuộc University of Alberta, Canada. Xem Pacific Affairs (…1990), Book Reviews, p. 412.
2) Alexander Woodside, Professor or History, University of British Columbia.
3) Dr. John Whithmore, University of Michigan.
4) Oliver Oldman, Teamed Hand Professor of Law, Director, East Asian Legal Studies, Harvard Law School.
5) Robert Scalapino, Director, Institute of East Asian Studies, University of California, Berkeley.
6) Florence Trefethen, Executive Director, Council of East Asian Studies Publications, Harvard University.
7) Tang Thanh Trai Le, Professor, Notre Dame Law School.
8) Robert Foster, Book Review, Harvard Human Rights Journal vol. 3, p. 270 (June 1990).
9) John A. Martin, Research and Evaluation Division, City of Boulder Colorado.
10) Tạp chí Thế Kỷ 21, tháng 9/1990, trang 6.
11) Tạp chí Văn Học, tháng …/1990, trang 40.

(6) Bảy công ước về nhân quyền:
1) International Covernant on Civil and Political Rights,
2) International Covernant on Economic, Social and Culture Rights,
3) Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide,
4) International Convention on the Elimination of All Forms of Radical Discrimination,
5) International Convention on the Elimination of Discrimination Against Women,
6) Convention on the Rights of the Child và
7) International Convention of the Suppresion and Punishment of the Crimes of Apartheid.

(7) Lois W. Banner, Women in Modern America: A Brief History, p. 9, San Diego, Harcourt Brace Jovanovich Inc.1984.

(8) Tạ Văn Tài, sách đã dẫn, trang 553. Cũng xem Ginsburgs, ‘The Role of Law in the Emancipation of Women in the Democratic Republic of Vietnam’, 23 Amer. J. Comp. L. 613 (1975).

(9) Patricia Aburdene & John Naisbitt, ‘Megatrends for Women’, pp. xv-xxiv, New York, Villard Books, 1992.

(10) J. Owens Smith, Mitchell F. Rice and Woodrow Jones Jr., ‘Blacks and American Government: Politics, Policy and Social Change’, p. 59, second edition, Iowa, Kendall/Hunt Publishing Company, 1991.

(11) Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương, sách đã dẫn, trang 174.

(12) Nguyễn Thanh Giang, ‘Nhân Quyền Khát Vọng Ngàn Đời’, tạp chí Khai Thác Thị Trường, 27th Issue, July/August/September 1977, trang 25, Toronto, Canada, Viet Business Publications 1977.

(13) Kim Định, Cửa Khổng Nho Giáo Nguyên Thủy và Triết Lý An Vi, Lousiana, USA, nhà xuất bản Lĩnh Nam, 1997.


Cái Đình – 2008 .

[Tác Giả ] [Lãnh Vực  ]

Tìm Kiếm