NHẬT BẢN, VIỆT NAM, PHILIPPINES TÌM THẤY TIẾNG NÓI CHUNG TRONG TRANH CHẤP BIỂN VỚI TRUNG CỘNG

…..

Liên quan đến tranh chấp biển của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, Bắc Kinh cần phải nhớ rằng họ đang phải đối phó trên cả hai mặt trận. Sẽ không tránh khỏi việc các lực lượng phản đối tham vọng biển của Trung Quốc tìm thấy tiếng nói chung. Để tránh xung đột thì cần đến ngoại giao chứ không phải súng ống. Vì dù sao đi nữa, “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn”.

IMG.999

Bài viết của Robert Attwell – một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Stellenbosch.

Trung Quốc hiện đang dính líu vào hai tranh chấp biển chính. Đầu tiên là tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông, tuy nhiên, chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang trở thành một vấn đề đặc biệt gây tranh cãi. Trong một vài tháng gần đây tranh chấp này đã làm xấu đi mối quan hệ của Trung Quốc với một vài quốc gia ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam và Phillipines.

Trong cả hai tranh chấp, Trung Quốc đã khẳng định những yêu sách của họ có gốc rễ lịch sử. Chủ tịch Trung Quốc Ôn Gia Bảo gần đây đã miêu tả chuỗi đảo Hoàng Sa là “lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại”. Hơn nữa, những nhà bình luận Trung Quốc đã công kích cơ sở lịch sử về quyền sở hữu của Nhật Bản đối với chuỗi đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Nhật Bản đã quản lý các đảo không có người ở từ năm 1895, sau khi một nhóm khảo sát tuyên bố họ tìm được lãnh thổ vô chủ –  không thuộc bất cứ ai – và do đó được quyền yêu sách. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng các đảo là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ đời nhà Thanh và chúng nên được trả lại cho Trung Quốc cùng với tất cả các vùng lãnh thổ khác Nhật Bản bị mất sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II như một phần của thỏa thuận đầu hàng.

Trong hai năm qua, thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc với Nhật Bản, Việt Nam và Phillippines trong các tranh chấp biển đã thúc đẩy ba nước cùng nhau chống lại các lợi ích biển của Trung Quốc, mặc dù về lịch sử, giữa những nước này có lẽ cũng không có nhiều thù hằn. Do đó, chính sách của Trung Quốc, ít nhất là về an ninh và chủ quyền biển, đang tỏ ra phản tác dụng trong khu vực khi Trung Quốc đang khiến các quốc gia khác đang tập hợp chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Việc khám phá ra nguồn năng lượng khổng lồ gần như chưa được khai thác, chủ yếu ở dạng khí đốt tự nhiên trong cả hai khu vực tranh chấp, là nguyên nhân quan trọng khiến căng thẳng leo thang. Vì lẽ đó, những tranh chấp biển trở nên gắn kết chiến lược với ưu tiên an ninh năng lượng của các bên liên quan. Thêm vào đó, những khu vực tranh chấp là các ngư trường giàu có và chứa đựng các tuyến thương mại đường biển bận rộn nhất, bổ sung thêm các động cơ kinh tế vào lò lửa tranh chấp này.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh nhu cầu tăng cường quân sự và chi phí quốc phòng để củng cố vị thế toàn cầu đang tăng lên của Trung Quốc. Tuyên bố này được tiếp nối bằng ngày càng nhiều, trong con mắt của các bên tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, các hoạt động quân sự khiêu khích trong cả hai khu vực tranh chấp, trong đó bao gồm diễn tập “bắn đạn thật”, tuần tra vũ trang của hải quân và lực lượng không quân và thậm chí “ngắm bắn” (mục tiêu để phá hủy bằng tên lửa) vào các mục tiêu quân sự của Nhật Bản. Những hoạt động này được kết hợp với việc mua sắm thiết bị quân sự tinh vi, như các phương tiện không người lái Arial (UAVs) và các loại tàu chiến hiện đại hơn, được sử dụng ngày càng nhiều trong các chuyến tuần tra tầm xa.

Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đang thổi bùng những căng thẳng trong dân chúng. Kể từ khi Nhật Bản mua chuỗi đảo Senkaku/ Điếu Ngư vào năm ngoái, một làn sóng các cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã diễn ra trên khắp Trung Quốc. Những hoạt động này nay nhìn chung được thay thế bằng các bài xã luận cứng rắn trên các tờ báo Trung Quốc bởi các quan chức quân sự hiếu chiến và các học giả, nhóm cực đoan hơn còn lập luận rằng Trung Quốc nên yêu sách cả quần đảo Okinawa của Nhật Bản dựa trên cơ sở rằng nó đã từng thuộc Vương quốc Ryukyu, từng cống nạp cho triều đại nhà Thanh Trung Quốc trước khi Đế quốc Nhật Bản sáp nhập nó vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, nếu lịch sử quân sự có thể dạy chúng ta điều gì, đó là việc biên giới và lãnh thổ thường xuyên đổi chủ – vì thế không rõ liệu các nhà phê bình trên đã từng xem xét ý nghĩa thực sự của yêu sách lãnh thổ dựa trên lịch sử chưa, bởi hãy tưởng tượng xem sự hỗn loạn có thể diễn ra như thế nào nếu yêu sách lãnh thổ dựa trên “lịch sử” được áp dụng ở Châu Phi !

Việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và tăng chi tiêu quốc phòng, yêu sách lãnh thổ cứng rắn và những lời lẽ cay độc của dân chúng đã gây ra mối quan ngại không nhỏ cho các nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Thật không may cho Bắc Kinh, hệ quả tất yếu của việc thúc đẩy những tuyên bố này là các bên tranh chấp đã tìm thấy một tiếng nói chung trong việc phản đối các tham vọng biển của Trung Quốc. Trên thực tế, xét về khía cạnh an ninh biển, chi tiêu quân sự, phản trực giác, đã khiến cho Trung Quốc kém an toàn hơn.

Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đi đến Hà Nội và Manila để gặp gỡ với các đối tác tại Việt Nam và Philippines. Lần đầu tiên trong mười một năm, Hạ viện Nhật Bản đã bỏ phiếu để tăng ngân sách quốc phòng và Thủ tướng Abe đang lên kế hoạch để sử dụng số tiền này. Ví dụ như, trong tháng 5, Nhật Bản và Việt Nam đã tổ chức cuộc đối thoại song phương đầu tiên dành hoàn toàn cho vấn đề an ninh biển. Kết quả của cuộc họp này là một cuốn sách trắng xác định cụ thể sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh khu vực và vạch ra cam kết Hà Nội và Tokyo để ứng phó với mối đe dọa này. Nhật Bản đã hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam các tàu hiện đại hơn để tuần tra các khu vực Biển Đông mà Việt Nam yêu sách. Các cuộc họp tương tự giữa các nhà ngoại giao cấp cao từ Manila và Tokyo cũng đạt được những kết quả gần như thế, với lời hứa hẹn hợp tác chiến lược về các vấn đề biển và Nhật Bản nhắc lại một khoản vay tàu tuần tra cho Philippines.

Liên quan đến tranh chấp biển của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, Bắc Kinh cần phải nhớ rằng họ đang phải đối phó trên cả hai mặt trận. Sẽ không tránh khỏi việc các lực lượng phản đối tham vọng biển của Trung Quốc tìm thấy tiếng nói chung. Để tránh xung đột thì cần đến ngoại giao chứ không phải súng ống. Vì dù sao đi nữa, “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn.”

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm