Nhớ Bài Chòi, Nhớ Cải Lương.

 

Triệu Dân

…..

IMG.071Dân ca và ca nhạc cổ truyền nước ta vốn phong phú và đa dạng. Ca kịch cải lương được yêu thích khắp mọi miền đất nước, nhất là tại miền Nam. Bài chòi và hát bộ rất phổ biến tại các tỉnh miền Trung những thập niên xưa. Những câu hát quan họ, hát chèo, hát ca trù miền Bắc. Ðiệu hát Vè xứ Quảng. Những câu hò chan chứa tình tự quê hương làm xao xuyến lòng người. Và đây cũng chỉ là vài thể loại chính của Dân ca và ca nhạc cổ truyền (DC&CNCT). Chỉ riêng dân ca Huế, chúng ta đã có Nam Bình, Nam ai, Chầu văn, Phú Lục, Tứ đại, hò Mái Nhỉ, lý Hoài nam, lý Giao duyên, lý Năm canh, lý Chuồn chuồn ..v..v. Tùy nơi chốn sinh trưởng, bạn có thể được tiếp cận và yêu thích một vài thể loại nào đó. Riêng tôi, lớn lên từ một làng quê vùng duyên hải Khánh Hòa miền Trung, tuổi thơ và niên thiếu vào những thập niên 50/60 đã được tiếp xúc nhiều nhất và rất yêu thích nhất các thể loại bài chòi, cải lương và hát bộ. Năm tháng lưu lạc trên xứ người, có lẽ bạn cũng như tôi đã có những phút giây bồi hồi tưởng nhớ lại những quãng đường đã qua, những kỷ niệm buồn vui khi còn ở quê nhà. Hôm nay, xin mời bạn hãy cùng tôi lần dở lại những trang ký ức về những sinh hoạt DC&CNCT, và cùng trao đổi những cảm nghĩ về các sinh hoạt ấy, từ góc nhìn của một người thưởng ngoạn yêu thích văn học nghệ thuật hơn là nhà phân tích, phê bình.

Năm qua, chúng tôi có dịp xem lại tuồng cải lương Sầu Vương Ý Nhạc của soạn giả Viễn Châu. Vở hát được dựng lại gần đây, diễn viên là những con chim đầu đàn của nền cổ nhạc Việt Nam trong những thập niên qua: Diệp Lang, Lệ Thủy, Minh Vương, và hai nghệ sĩ rất được mến chuộng của thế hệ trẻ hôm nay: Kim Tử Long và Thanh Ngân. Nội dung vở hát được lồng trong bối cảnh sinh hoạt của một đoàn cải lương nghèo, cỡ nhỏ. Ðoàn lưu diễn tận các thôn làng xa xôi hẻo lánh, di chuyển trên những chiếc ghe bầu khắp vùng sông rạch miền nam. Thuyền không những là phương tiện di chuyễn mà còn là mái nhà che nắng che mưa cho anh em nghệ sĩ qua năm tháng. Mồi khi dừng chân trình diễn, anh em trong đoàn thường trú ngụ dưới mái đình làng trống trải gíó sương, hoặc cũng có khi được khán giả ái mộ mời về nhà cho tá túc. Dẫu biết bên cạnh cuộc sống đời thường, người nghệ sĩ còn có những niềm vui nghệ thuật với ánh đèn sân khấu, với lời ca tiếng nhạc và trong mối giao cảm với khán thính giả, nhưng cuộc sống vất vả xuôi ngược, phiêu bồng vô định của anh em nghệ sĩ khiến người xem không khỏi chạnh lòng. Thương cho những cảnh đời sao quá long đong!

Sinh hoạt của các đoàn cải lương trên sông ngòi miền nam được nghệ sĩ Bạch Tuyết xác nhận qua bài phỏng vấn gần đây trên báo VN Epress. Chị đã chân tình kể lại cuộc đời mình, những năm tháng phiêu bạc bồng bềnh trên sông nước mãi cho đến ngày gặp được ý trung nhân, Tam Lang, anh chàng cầu thủ bóng đá lừng danh một thời: “Ngày trước, gánh hát cải lương thường lênh đênh trên những chiếc ghe biểu diễn khắp vùng sông nước nên tôi luôn cầu trời ban cho mình một tấm chồng trên bờ. Tôi đã toại nguyện và gặp Pham Huỳnh Tam Lang …Tôi gặp anh năm 1967, khi đoàn Dạ Lý Hương của mình biểu diễn phục vụ đội bóng đá VN trước ngày tranh giải Merdeca Ðông Nam Á “. Và từ đó họ yêu thương nhau, thành vợ thành chồng. Nhac sĩ Phạm Duy cũng bắt đầu cuộc đời nghệ sĩ của mình như một anh chàng hát rong. Những năm đầu của thập niên 40, khi ông còn là một ca sĩ hơn là nhạc sĩ, đã theo đoàn cải lương Ðức Huy, lưu diễn suốt từ Bắc vào Nam, mang tiếng hát cung đàn, những rung cảm nghệ thuật đến cho mọi người, mọi miền.

Ở miền Trung, ca kịch cải lương vẫn là thể loại thịnh hành nhất của DC &CNCT, tuy không cùng mức độ như ở nam phần, như giáo sư Trần Văn Chi đã tinh tế nhận xét: “Cải lương đối miền Nam thì nó là cuộc sống, đối với miền Trung thì nó là “chất ma túy”, và đối với miền Bắc và Hà Nội thì được đón nhận như là cái “mốt”, như cô gái răng trắng, như cô Loan trong Ðoạn Tuyệt với chàng Dũng và Ðộ của Nhất Linh thời thập niên 30″ (1). Cũng theo GS Chi, trong biên khảo “Cải lương về miền Trung”, cải lương “bùng nổ” ở Nam Kỳ (1920), ba năm sau “khăn gói” ra Hà Nội, và khoảng một thập niên sau lan rộng khắp miền Trung; khởi đầu từ Huế, đến xứ Quảng, rồi vô Nha Trang. Vì miền Trung không có nhiều sông rạch, nên đoàn vận chuyển và nương nấu trên những chiếc xe tải (đoàn lớn có cả xe ca) và chỉ dừng chân trên các thị trấn, khách mến mộ úa về xem từ các thôn làng lân cận. Những năm cuối thập niên 50, tôi thường được mẹ dần đi xem hát trên phố quận bằng thuyền máy, mất đến một tiếng đi, tiếng về. Ðêm im ắng trên biển mênh mông bàng bạc ánh trăng, đoàn thuyền con chở đầy ấp khán giả mộ điệu, nao nức đi xem hát. Tiếng nói cười rộn rã huyên náo một góc trời. Không khí vui như ngày hội! Nhưng họa hoằn lắm thì mới được đi xem hát trên phố, vì thỉnh thoảng đoàn mới về quận một lần và dạo ấy cuộc sống còn vất vả lắm. Những đêm tối thứ sáu, nhất là những đêm sáng trăng, mẹ tôi và mấy bà bạn trầu trong xóm thường quay quần trên chiếc chiếu hoa chỗ sân gạch truớc hiên nhà, quanh chiếc radio Phillip bốn băng duy nhất trong xóm say sưa nghe tuồng hát cải lương. Khoảng đầu thập niên 60, nhà tôi lại tậu được chiếc mấy hát đĩa, hồi ấy còn hiếm lắm, xịn lắm. Ðĩa hát cở lớn, màu đen huyền, có cái cổ cong cong vừa để giử kim, vừa phát âm. Buồn cười nhất là khi đĩa bị vấp, cà lăm, cà lăm, mà khổ nổi lại rơi đúng vào lúc đang xuống vọng cổ, ngay trước chữ cuối cùng! Ðã vậy, phải quay, quay cái tay cầm lên dây thiều mỗi lần thay đĩa, vì máy không dùng pin. Lắm khi đang hát mùi mần, bổng giọng chậm lại, nhão ra, xìu xuống vì hết dây thiều. Bởi vậy, dạo ấy thiên hạ mới có câu “hát như hết dây thiều”!

Những gánh hát lớn như đoàn Hoa Sen, Thanh Minh, Thủ Ðô, Kim chung, Kim Chưởng, Việt Hùng Minh Chí, Dạ lý Hương chỉ về trình diễn trên tỉnh. Hồi đó, tôi chỉ được xem đoàn hát lớn có một lần, đã lâu lắm nên không còn nhớ tên đoàn. Ðêm ấy, Út Trà Ôn thủ vai Tôn Tẩn, Hùng Cường diễn vai Bàng Quyên trong vở tuồng Tôn Tẩn Giả Ðiên. Cậu bé nhà quê như tôi bị choáng ngợp bởi tên tuổi của các nghệ sĩ, sân khấu dàn dựng qui mô với những màn sấm chớp, đu bay ngoạn mục. Ðào kép mùi nổi danh hồi ấy còn có đôi vợ chồng Thành Ðược Út Bạch Lan, Thanh Nga, Hữu Phước, Ngọc Giàu, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Thanh Hương. Về sau có Thanh Hải, Ngọc Hương, Thanh Sang, Thanh Tuấn,Thanh Thanh Hoa, Minh Cảnh, Tấn Tài, Phượng Liên. Các nghệ sĩ Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Phụng, Minh Vương, vợ chồng Hương Lan Chí Tâm, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm thuộc lớp nghệ sĩ trẽ của những năm trước 75, khi sinh hoạt cải lương còn phong phú và sinh động. Cũng như Bạch Tuyết, Ngọc Hương có giọng hát trầm ấm, man mác buồn. Khoảng giữa thập niên 60, khi hãng đĩa Việt Nam ra đời với những chiếc đĩa hát xinh xắn màu vàng 33/45 tua, đĩa vọng cổ “Hán Ðế biệt Chiêu Quân” là một trong những bài vọng cổ tôi thích nhất. Nghệ sĩ Thanh Hải và Ngọc Hương đã hát rất mùi buổi chia ly buồn não nùng giữa Hán Ðế và nàng Chiêu Quân. Là một vị quân vương uy trấn lừng lầy thiên hạ, nhưng Hán vương cũng không sao giữ được người mình yêu, để rồi phải ngậm ngùi gạt lệ tiễn biệt Chiêu Quân về triều cống cho lân bang hòng giữ vững cơ đồ đang lúc ngửa nghiêng.

Hữu Phước khi còn trẽ là kép mùi có giọng hát rất truyền cảm và lôi cuốn, lúc đã có tuổi cũng rất được yêu thích khi thể hiện vai người chú nghèo mà thương chị, thương cháu, cương nghị bộc trực, thường can gián hay chỏi lại bà chị sang giàu, lối phách. Diệp Lang về sau này cũng diễn rất tới vai nguời cậu cương trực này, nhưng cũng không kém phần xuất sắc khi đóng các vai gian manh, điểu trá. Nhớ về vọng cổ, mà không nhắc đến ngón đàn tuyệt vời của Văn Vĩ và biệt tài diễn xuất của cố nghệ sĩ lão thành Ba Vân là một thiếu xót lớn. Còn kép độc nổi tiếng thời ấy có Hoàng Giang, người cao lớn có hàm râu mép dày, đậm như con sâu rọm và giọng nói cao the thé. Các danh hề phải kể đến hề Minh, Văn Hường, và về sau có Bảo Quốc, Văn Chung. Lối hát rất đặt biệt của Văn Hường với chữ ‘Ự” đệm vào trước chữ sau cùng của câu xuống giọng cổ và những bài vọng cổ tếu rất được ưa chuộng thời bấy giờ, mà nội dung thường là những mẩu chuyện vui đời thường, như bài “Tư Ếch đi Sài Gòn” tả cảnh chú Tư từ quê lên đô thành ngơ ngác con nai vàng, chuyện anh chồng sợ vợ bị bà xã đì cho tả tơi, hay chuyện ông nọ vợ một, vợ hai nên phải nằm…chuồng heo một mình.

Những người yêu thích vọng cổ cải lương năm xưa ít ai không biết đến soạn giả Hà Triều Hoa Phượng. Những tuồng hát của ông đã làm say mê hằng triệu, triệu khán thính giả trong nhiều thập niên qua, như vỡ hát Khi hoa anh đào nở, Ðợi anh mùa lá rụng. Những hổ tướng khác của nền cải lương của những thập niên xưa phải kể là soạn giả Viễn Châu, Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Kiên Giang, Hà Huy Hà, Hoàng Khâm (2). Những người yêu thích cải lương vào những thập niên 50/60 có lẽ vẫn còn nhớ những tuồng hát rất phổ biến thời ấy như Mắt em là bể oan cừu, Thuyền ra cửa biển, Người đẹp Bạch hoa thôn, Tấm lòng của Biển, Ðời cô Lựu, Ông cò quận 9, Nửa đời hương phấn…Ðến đầu thập của niên 70, các tuồng cải lương tình cảm xã hội trở nên rất được thịnh hành, mà hai diễn viên được yêu chuộng nhất lúc bấy giờ là Bạch Tuyết và Dũng Thanh Lâm. Và trong số các tuồng xưa, Người đẹp Bạch hoa thôn hẳn là vở hát được yêu thích và phổ biến lắm, vì khi ấy tôi chỉ là cậu bé con, đến nay đã hơn bốn mươi năm qua vẫn còn giữ lại nhiều ấn tượng.Vở hát viết về chàng trai chân chất miền thôn dã và nàng thôn nữ dịu hiền yêu thương nhau tha thiết, hẹn sẽ kết tóc xe tơ. Thế rồi bỗng một hôm, có vị hoàng tử ghé ngang qua thưởng ngoạn vườn hoa trắng xinh đẹp của Bạch hoa thôn. Vị hoàng tử từ ấy say mê đắm đuối nàng thôn nữ kiều diễm (Thanh Nga) và cho vời nàng về cung. Chàng trai (Hửu Phước) tan nát cõi lòng, rưng rức buông lời thở than ai oán (hát theo thể nói lối):

Nàng là người đẹp vườn hoa trắng.

Tôi chỉ là thằng ngóc bán than.

Nàng mượn tôi làm chồng mới cưới.

Ðể rồi yêu đắm đuối ông hoàng.

Không phải chỉ riêng vọng cổ cải lương, mà bài chòi và hát bộ cũng đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong tâm thức tôi, dù thời gian tiếp cận với những sinh hoạt ấy có ngắn ngủi hơn. Có lẽ vì khi đoàn hát về thôn làng trình diễn thì tôi còn là một cậu bé con, mà tâm hồn trẻ con thì như tờ giấy trắng; những ký ức, những kỷ niệm tuổi thơ thường vần sâu lắng với thời gian. Cũng như các đoàn hát cải lương tại miền nam, gánh hát rong bài chòi “ông Quí” đến với thôn xóm chúng tôi mỗi năm một đôi lần. Qua năm tháng, họ đã trở thành người thân quen trong thôn xóm. Mỗi khi nghe tin đoàn về, dân làng hớn hở vui mừng như thể sắp được gặp lại những người bạn cũ từ phương xa trở về. Những người bạn nghệ sĩ đã mang đến cho họ những giây phút vui tươi sảng khoái, bù lại những tháng ngày nhọc nhằn vất vả, thiếu vắng các sinh hoạt giải trí của đời sống miền thôn dã.

Không biết gánh bài chòi ông Quí đã đến với thôn làng từ những năm nào, nhưng từ lúc tôi biết yêu thích âm nhạc, thì đã có sự hiện diện của đoàn ông. Mồi chiều, lúc chạng vạng tối, tiếng trống từ đoàn hát vọng về, dồn dập từng hồi khiến bọn trẻ con chúng tôi bồn chồn náo nức. Cơm nước xong, vội vã phóng nhanh tới sân banh nơi đoàn hát đang chuẩn bị trình diễn. Chồ đoàn trình diễn là một khoảng sân rộng, khán giả đứng quay quanh từng lớp một, mà lũ nhóc con chúng tôi bao giờ cũng đến sớm nhất, chiếm vòng thượng hạng trong cùng. Một chiếc màng chắn ngang để tạo cảnh sân khấu và hậu trường. Ðoàn chỉ có sáu đào kép, tính cả hai đứa bé gái, con vợ chồng chị Tốt, em gái ông bầu Quí. Còn nhạc cụ thì vỏn vẹn có đôi trống con, một cây đàn cò, chiếc đàn Kìm và đôi song lan gõ nhịp. Chỉ từng ấy đào kép, chừng ấy nhạc khí, ấy thế mà những đêm trình diễn của đoàn đã rất cuốn hút, làm say mê bà con trong xóm qua các tuồng tích xưa rất quen thuộc với sân khấu cổ truyền như Thạch sanh Lý Thông, Phạm Công cúc Hoa, Tiết Ðinh San cầu Phàn lê Quê, Lưu kim Ðính Cao Quân Bảo…Trong vở Thạch sanh Lý Thông, người xem càng cảm phục Thạch Sanh, con người đôn hậu dũng cảm mà phải hứng chịu bao nổi hàm oan, những đọa đầy khổ ải, thì càng ghét đắng ghét cay Lý Thông, thứ người bất nghĩa bất nhân, lọc lừa xảo trá đã bày ra trăm phương ngàn kế để đoạt công và hảm hại người em kết nghĩa (Thạch Sanh). Khán giả lại mủi lòng xót thương cho hai trẽ Nghi Xuân, Tấn Lực trong vở Phạm Công Cúc Hoa. Sớm mồ côi mẹ, cha thì biền biệt ngoài biền ải, bị kế mẩu đánh đập hành hạ không thương tiếc rồi đuổi xua, hai đứa trẻ cút côi phải sống lang thang vất vưởng đầu đường xó chợ. Ðến đoạn hai anh em lần tìm đến mộ phần của mẹ (Cúc Hoa) khóc than và cầu nguyện hương hồn mẹ hiển linh về phù hộ cho hai con được bình an trên bước đường rong ruổi tìm cha, thì người xem đã không còn cầm được nước mắt. Ðêm khuya thanh vắng, tiếng đàn cò réo rắt ão não hoà quyện với khúc hát bài chòi cất lên nức nỡ bi ai, nghe buồn thấu ruột, thấu gan!

Sinh hoạt văn nghệ nói chung, dân ca và ca nhạc cổ truyên nói riêng sau năm 1975 cũng nổi trôi theo vận nước long đong. Trong cái không khí ngột ngạt bao trùm của những năm tháng đổi dời ấy, các sinh hoạt văn nghệ miền nam trước đây hầu như ngưng đọng. Mãi đến thời kỳ “đổi mới” thì chúng ta mới chứng kiến sự hồi sinh và khởi sắc của DC&CNCT. Tuy không theo sát các sinh hoạt DC&CNCT bên nhà, nhưng cứ nhìn vào số lượng băng và đỉa cải lương du nhập từ trong nước, chúng ta có thể hình dung được sinh hoạt vọng cổ cải lương đã được sinh động trở lại từ những năm đầu thập của niên 90. Những nghệ sĩ nổi danh trước đây đã trở lại với sân khấu cải lương như Diệp Lang, Bạch Tuyết, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thuỷ, Thanh Sang, Hồng Nga, Thanh Tuấn, Hoài Thanh, Thanh Thanh Hoa. Nhưng nét chung, sâu khấu cải lương những năm gần đây được chiếm ngự bởi lớp nghệ sĩ trẽ mà nổi bật nhất là Vũ linh, Kim tử Long, Vũ Luân, Chí Linh, Phương Hồng Thuỷ, Ngọc Huyền, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm. Các nghệ sĩ cải lương thế hệ mới sau 1975 không những có khả năng diễn xuất rất xuất sắc, không thua kém lớp nghệ sĩ đàn anh của những năm xưa, mà còn được đào tạo bài bản hơn (3).

Ở hải ngoại, sinh hoạt văn nghệ cũng bắt đầu sinh động và phong phú từ những năm cuối thập niên 80, khi đời sống của bà con đã bắt đầu ổn định sau những năm tháng tất bật thích nghi với cuộc sống xa lạ đầy bỡ ngỡ trên đất khách quê người. Nhưng sinh hoạt của DC&CNCT nói riêng thì vần còn rất khiêm tốn. Sân khấu Paris By Night đã tiên phong trong nổ lực đưa các tiết mục vọng cổ cải lương vào chương trình. Tiết mục vọng cổ đậm đà bản sắc quê hương xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình Paris By Night được lồng trong một hoạt cảnh rất sinh động, một góc phố thân quen nơi quê nhà đã gây xúc động nơi người xem, kể lại một câu chuyện thật thương tâm xảy ra hồi biến cố Mậu thân, và được trình bày bởi giọng ca ngọt ngào của đôi nghệ sĩ tài danh Hương Lan và Chí tâm. Từ đó, chúng ta thấy sự xuất hiện rải rác các tiết mục vọng cổ, hoặc các trích đoạn tuồng cải lương như Ông cò quận 9, Tiếng hạt trong trăng trong các chương trình video lớn, trình diễn bởi các nghệ sĩ tên tuổi năm xưa như Hương Lan, Chí tâm, Thành Ðược, Phượng liên, hoặc các nghệ sĩ tài tử gần đây: Phượng Mai, Mạnh Quỳnh, Anh Dũng, Phi Nhung.

Sinh hoạt của những thể loại cổ xưa hơn như bài chòi, hát bộ còn khiêm nhường hơn, rất vắng bóng trên các chuơng trình ở hải ngoại. “Trách Thân” là bài hát theo thể loại bài chòi duy nhất mà chúng tôi được xem trên sân khấu hải ngoại, do Hoài Linh trình bày. Sự thành công của bài hát ấy đã dần đến một loạt những bài hát có âm hưởng dân ca miền trung nhưng không phải là bài chòi, cũng do Hoài Linh trình bày, nhưng đã không mấy thành công. Từ trong nước, khoảng đầu thập niên 90, bài hát Trách Thân cũng đã rất được phổ biến tại vùng Khánh Hòa miền Trung, sau khi một cậu học sinh trình diễn bài hát này đã đọat giải nhất trong một cuộc thi toàn tỉnh. Bài hát ấy cũng gợi nhớ hình ảnh một ngày đầu Thu năm 79, nơi sân trước ngôi nhà đơn sơ đến tội nghiệp của chúng tôi vùng ngoại thành Nha Trang, bạn tôi người gốc Tuy Hòa đang đắm mình trong khúc bài chòi, cũng là bài Trách Thân, với cây đàn guitar trên tay thay đôi song lang giữ nhịp. Lời ca chân chất mà sao thật cảm động, nói lên cái tình đời đen bạc, đến như người bạn gối chăn những năm muối mặn gừng cay cũng chạy theo xa hoa phù phiếm, bỏ lại sau lưng một mối chân tình, những chờ đợi héo hon, tủi buồn và nước mắt. Chúng tôi xin được trích lại nơi đây một đoạn của bài hát để giới thiệu cùng bạn đọc:

Thân, trách thân, thân sao chớ lận đận

Mình, trách mình số phận chớ sao hẩm hiu

Chớ bởi thân tui, tui cực khổ, tui eo nghèo

Nên vợ tui nó mới không ở nữa

Mà nó theo nẩu rồi …

…Chớ hồi nào em bắc ốc, rồi anh hái rau,

Ơ bây giờ em để lại mối sầu cho qua.

Hồi nào, trái chuối chín cũng cắn làm ba,

Chớ trái cam tươi cũng cắn làm bốn,

Nửa trái cà cũng cắn làm năm.

Chớ bây giờ, em lấy nẩu, chớ em ăn nằm

Em bỏ qua, chớ qua hiu quạnh vì năm canh qua một mình.

Anh bây giờ, khoé mắt sầu cứ rung rinh

Có giọt lệ sầu, gịot lệ thảm, như nước trong mình nó tuôn ra.

Anh bây giờ, như con cuốc nó kêu tu qua

Chớ nó lẻ đôi, nó lẻ bạn. Quơ chú cha mà buồn!

* * *

Dân ca và ca nhạc cổ truyền là di sản văn hóa vô giá mà ông cha ta đã dày công gầy dựng, vun xới cần phải được nâng niu và gìn giữ. Thế nhưng những người yêu thích Văn học nghệ thuật không thể không quan ngại đến sự tồn vong của các sinh hoạt DC & CNCT khi chứng kiến sự hờ hững của giới thưởng ngoạn hôm nay đối với các sinh hoạt này. Dường như đám đông đang chạy theo cái “mốt”, theo thời thượng đuổi bắt những cái “tân”, cái “ngoại”, cái mác “trí thức” khiến họ rất ngại ngần tiếp cận với những gì liên hệ đến truyền thống cổ xưa mà theo họ là biểu hiện của sự lạc hậu, thấp kém, là thứ hàng nội địa xoàng xĩnh (lô can). Chúng tôi được biết không ít người Việt sinh ra và lớn lên từ trong nước, nhưng chưa bao giờ nghe nhạc việt khi còn ở quê nhà. Ðến chị hàng xóm cũ của tôi, xưa mê cải lương như điếu đổ, chiếc khăn tay của chị đã không biết bao lần đẩm ướt vì những tuồng hát cải lương, vậy mà bây giờ chị cũng giẫy nẩy lên thanh minh “không có gì coi, nên chị xem cải lương cho đỡ buồn”. Những cái nhìn lệch lạc đầy khinh mạn của những người tự cho mình là “trí thức” đối với nền văn nghệ truyền thống. Trong tháng 11 vừa qua, UNESCO một cơ quan phụ trách về văn hóa của Liên hợp quốc đã thừa nhận nhạc cung đình Huế (Nhã nhạc) là một trong số 28 kiệt tác di sản văn hóa của nhân loại, thì gần đây trên báo Văn số tháng Tám năm 2003, ông Nguyễn Hữu Liêm đã khai tử nền ca nhạc truyền thống Việt Nam như sau: “Từ ngày nhà Nguyễn thẩm nhập cái âm nhạc mất nước của dân tộc Chàm bằng những lời ca Huế… thì chỉ trong một thời gian ngắn là cả hệ thống chính trị Việt Nam bị suy đồi từ tri thức cho đến ý chí, từ tình cảm cho đến nghệ thuật. Chuyện mất nước là kết quả đương nhiên…Từ Kiều qua nhạc Chàm, qua nhạc Huế, qua vọng cổ, qua nhạc Belero đã làm cho miền Nam ngồi xuống vĩa hè, che mặt và lau nước mắt.” Ðã có nhiều người phân tích và đánh giá bài viết ấy, thiết nghĩ chúng ta không phải luận bàn thêm về những nhận xét và kết luận rất hồ đồ của ông Liêm.

Thật ra, cũng như các loại hình văn học khác, những tác phẩm của Dân ca và ca nhạc truyền thống cũng có nhiều dạng thức và trình độ khác nhau. Những tác phẩm lòe lẹt, rồng tết, rẻ tiền mà ta thường nôm na gọi là “sến”. Những tác phẩm mang tính đại chúng, ca từ dung dị và mộc mạc dễ thâm nhập và lưu truyền trong dân gian. Và những tác phẩm có tính văn hoá cao, ngôn ngữ được chắc lọc thanh thoát, truyền tải nội dung thâm thúy. Trình độ văn hoá của tác phẩm, theo thiển ý, không tùy thuộc vào loại hình thể hiện mà ở trình độ của người sáng tác.

Hình như bản thân người nghệ sĩ cũng cảm nhận được cái định kiến của xã hội đã dành cho họ. Có một dạo khoảng những năm giữa thập niên 90, một số nghệ sĩ cải lương trong nước đua nhau chuyển qua hát tân nhạc trong chương trình Video Mưa Bụi, một chương trình tân nhạc mang tính đại chúng. Và trong một buổi phóng vấn cũng trên chương trình này, Vũ linh là cải lương chi bảo lúc bấy giờ, đã tâm sự rằng: lẽ ra anh đã là một ca sĩ tân nhạc chứ không phải nghệ sĩ cải lương. Trong bài phỏng trên VN Express tháng giêng năm 2002, nghệ sĩ Hương Lan đã kể lại: “Năm mười tuổi (1966) mình chuyển sang hát tân nhạc cho đến nay”. Thật ra, Hương Lan vần tiếp tục gắn bó với sân khấu cải lương nhiều năm sau đó đấy chứ, nếu như tôi nhớ không lầm. Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong một buổi tâm tình dài hơi với ký giả Trọng Kim, báo Ngày Nay (4) nhân chuyến thăm Houston năm 2002, cũng đã bộc lộ tâm tư thầm kín của mình: “tôi rất ham học, với lại đi hát mà không có kiến thức thì người ta chê cười”. Và Bạch Tuyết đã làm được điều ấy, vượt lên trên dự đoán của mọi người. Chị đã theo học ngành đạo diễn tại Bulgarie và sau đó hoàn tất bằng tiến sĩ nghệ thuật Hoàng Gia Anh năm 1995. Người nghệ sĩ rất say mê với nghệ thuật cải lương, Bạch Tuyết, đã “cảm thấy nghệ thuật cải lương hình như có một cội nguồn linh thiêng đâu đó” nên rất tha thiết nghiên cứu, tìm hiểu cội nguồn của nó. Theo chị, cải lương “thực ra nó là một dòng âm nhạc bắt nguồn từ ca chèo thời dựng nước cho tới tuồng thời kỳ mở nước. Nó là một đứa bé được phát triễn trên tình tự dân tộc”.

Thứ tư ngày 28 tháng ba năm 1917, tại nhà hội Khuyến học Sài Gòn đã diễn ra một cuộc thảo luân sôi nổi về việc chấn chỉnh và cải cách nền ca nhạc truyền thống (5). Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn lúc bấy giờ, khi ảnh hưởng của văn học Tây phương và thực dân Pháp đang chế ngự mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật nước ta, thì họ là những người thiết tha và tự tin vào giá trị văn học truyền thống của dân tộc, đã mạnh dạn đứng lên cổ vũ cho sự hình thành của nghệ thuật cải lương. Ngày 20 tháng 11 năm 2003, soạn giả và đạo diễn cải lương Hoa Hạ, thế hệ trẻ hôm nay, đã trả lời cuộc phóng báo VNExpress “10 năm trời, tôi lăn lộn kiếm sống bên ngoài, dành dụm mỗi năm hàng trăm triệu đồng để đồ vào sân khấu. Tôi bỏ ra 90 triệu ra làm vở Ðời sương gió, chấp nhận chịu lồ trong giai đoạn cải lương gặp khó khăn nhất. Khi dựng Lôi vũ, tôi cũng bán luôn chiếc Honda duy nhất …”. Chúng ta có những con người rất tâm huyết và thiết tha với nền văn học nước nhà như ông Lương Khắc Ninh của hội khuyến học Sài Gòn năm xưa, đã góp phần biến ước mơ hình thành nền cải lương mong manh xa vời ấy thành hiện thực. Những nghệ sĩ tài danh luôn say sưa với sân khấu cải lương và khao khát học hỏi tìm về cội nguồn của thể loại ca nhạc truyền thống như nghệ sĩ Bạch Tuyết. Những người đã sống hết mình cho nghệ thuật và sân khấu cổ truyền như soạn giả Hoa Hạ. Và chúng ta có những người con nước Việt, dù ở nơi đâu, cũng ấp ủ trong lòng một tình yêu sâu đậm với quê hương, cội nguồn dân tộc, thì chúng ta có thể vững tin rằng: dân ca và ca nhạc cổ truyền sẽ hồi sinh, sẽ mãi là niềm tự hào của dân tộc, và sẽ luôn giữ một vị trí trang trọng trong nền văn học nước nhà .

Triệu Dân

Mùa Thu, năm 2003

Chú thích:

(1) Trần Văn Chi – Biên khảo cải lương “Cải lương về miền Trung”.

(2) Thủy Tiên – Văn Học Nghệ Thuật

(3) Theo nhận xét của nhệ sĩ Bạch Tuyết trong bài phỏng vấn với báo Ngày Nay 15/11/2002.

(4) Ngày nay số 321 – 15/11/2002.

(5) Sơn Nam – Cá tính Miền Nam.

(Nguồn:honque.net)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm