Bình Nguyên Lộc

NHƠN SINH QUAN BAO TỬ

Có lẽ chàng đói bụng, mong xe quá, ngỡ nó tới trễ, chớ xe lửa Mỹ luôn luôn đúng giờ, không như xe Biên Hòa.
Chiều hôm qua, khi cậu Sáu giao cho chàng sứ mạng này, chàng hiểu ngay đó là một việc tối qưan trọng, mặc dầu cậu Sáu không nói gì rõ rệt cả.
Sợ hỏng công việc tối qnan trọng nầy, chàng đành lùi bữa cà-phê thật sớm theo thói quen của chàng lại, xong công việc sẽ hay.
Chàng đã hỏi cậu Sáu:
– Thưa cậu, cháu giao chìa khóa cho cậu được chưa ?
– Đáng lý gì cháu phải giao cho cậu khi cháu dậm vá sơn phết và trang trí xong. Nhưng cậu cậy cháu giữ luôn cho đến sáng mai, để giao cho người tới ở đó.
– Cháu biết tìm họ tại đâu mà giao.
– Ậy, cháu cứ làm y theo lời cậu dặn đây. Chuyến xe lửa Mỹ Tho thứ nhứt trong ngày, lên tới Saigon đúng bảy giờ sáng. Cháu đón họ tại ga …
– Té ra họ là người ở tỉnh lên ?
– Ừ. Đó là hai mẹ con. Bà mẹ trạc bốn mươi, đứa con gái mười tám. Họ xách hai chiếc va ly và một trái sầu riêng. Cháu đến trước mặt họ, hỏi: “Bán sầu riêng hay không ?” và họ sẽ đáp: “Cho không ông đây”. Thế là cháu mời họ lên tắc xi đưa họ vào đó, mở cửa cho họ vào rồi giao luôn chìa khóa cho họ.
Thấy đứa cháu hơi ngạc nhiên, người cậu thêm:
– Ổng giao phó việc đó cho cậu, nhưng mai nầy cậu lại cần có mặt ở nơi khác, nên mới nhờ cháu. Cậu đặt hết tín nhiệm vào cháu, cũng như ổng đã đặt cả lòng tin cậy vào cậu, vậy cháu ráng giúp cậu cho suông sẻ, kẻo cậu mang tiếng.
– Ông nào, thưa câu ?
– Cháu đừng hỏi lôi thôi, cứ thi hành đúng chỉ thị của cậu.
Cậu Sáu chuyên chạy áp phe, nhứt là áp phe chính trị, sống bám vào nhiều chánh khách, bắt buộc phải kín đáo, dè dặt, Tường rất biết điều đó nên thôi, không tò mò nữa.
Tuần rồi, cậu Sáu của chàng sang căn phố đó ở ngõ hẻm Phạm ngũ Lão và đưa chàng tới để sửa chữa, mua sắm đồ đạc và trang trí. Cậu nói:
– Cậu đã tốn hơn nửa tháng mới tìm được căn nhà lý tưởng nầy, nghĩa là trước nhà là tường, không có nhà đối diện dòm ngó vào đây. Xong công việc, cậu lời được hai mươi ngàn, còn cháu, cháu cũng kiếm được mười bảy ngàn.
Chàng mới ra nghề thầu khoán nhỏ, nhưng xui xẻo là Tây ùn ùn kéo nhau về Pháp, công việc bỗng nhiên ít đi. Ngỡ phải giải nghệ thì vớ được món thầu nầy.
Cậu Sáu bận lắm, giao cho chàng năm mươi ngàn để sắm bàn ghế, tủ giường. Biết không phải của cậu, chàng ăn xén số tiền ấy và kiếm cũng được năm sáu ngàn. Cộng với mười bẩy ngàn công thầu sửa chữa, trên hai vạn bạc ấy giúp chàng qua được cơn hấp hối của một giai đoạn hết sức khó khăn.
Đứng một hơi, buồn quá, Tường thò tay vào túi rút tấm ngân phiếu ra xem. Đó là ngân phiếu mười bảy ngàn trả công thầu mà cậu Sáu đã trao cho chàng chiều hôm qua và chàng định lát nữa sẽ cầm xuống ngân hàng lãnh tiền.
Ngân phiếu đề „Au porteur“, và trái chủ là ông X, một nhân vật tăm tiếng. “Té ra cậu Sáu lo việc này cho ông X., Tường lẩm bẩm. À, mà ông X. nghe đâu là người Bà Rịa, sao lại sang nhà cho người Mỹ Tho? Bà con mà kẻ chơn trời, người lại góc bể.”
Cái sứ mạng đón người này, Tường đã thấy là hay hay ngay từ chiều hôm qua. Nó giống như là chuyện trinh thám, chuyện gián điệp hay chuyện phiến loạn, cách mạng gì ấy: trước nhà ga, kẻ đến và người đón không hề biết nhau lần nào, mà chỉ nhận nhau bằng một ám hiệu, và kiểm soát lại ám hiệu ấy bằng một khẩu hiệu mà mỗi bên phải nói ra phân nửa câu, hoặc một đối thoại. Thế rồi họ dẫn nhau đi, đến một nơi vô cùng bí mật mà nhiều hiểm nguy đang chờ đợi họ. Rồi thì bắt đầu một cuộc phiêu lưu vô cùng rùngrợn, ly kỳ. Nhứt là rất éo le gay cẩn vì trong cuộc phiêu lưu nầy, có một em gái đẹp.
Cái tuổi hăm lăm hăm sáu của Tường bỗng dựng đứng lên một cốt chuyện rất là hấp đẫn mà trong đó chàng thủ vai chánh, một vai chánh anh hùng, nghĩa hiệp, đầy tiết khí, đánh tan cả mọi âm mưu của một bọn lưu manh giỏi tổ chức.
Chàng sụp hầm sau một trận thư hùng, hạ tất cả bao nhiêu tay dao búa, và chính người đẹp mà chàng can thiệp để cứu nguy, chính cô ấy đã cứu lại chàng thoát khỏi cái hầm bí mật đó.
Quyển tiểu thuyết ly kỳ, rùn rợn, gay cấn, éo le, xã hội, ái tình, trinh thám, bí mật, chấm dứt bằng một cái hôn xi-nê-ma và Tường bật cười sau hình ảnh cuối cùng trên màn bạc tưởng tượng của chàng, vì chàng vừa trở về thực tại.
Thực tại có lẽ giản dị không biết bao nhiêu. Ông X. có lẽ dọn nhà cho ông và vợ con của ông ở, và hai phụ nữ mà chàng đón có lẽ là bà bếp mới và con của bà ta, đi theo lên đây để tập sự làm con sen, chỉ có thế thôi.
Cậu Sáu dầu sao cũng là một tay áp phe có tiếng thì lẽ nào cậu lại nhận cái phận sự đi đón tôi tớ người khác cho dẫu là tôi tớ của ông bự. Vì thế mà cậu mới đẩy cái công việc không mấy vinh diệu nầy lại cho chàng, để tránh tủi nhục nếu rủi ro gặp bạn hữu lúc cậu đang làm phận sự.
Cất tấm ngân phiếu trở vào túi, Tường xem lại đồng hồ tay: 7 giờ kém năm. Độ nửa tiếng đồng hồ nữa, chàng sẽ xong phận sự, đi ăn một bụng, và thích nhứt là đi lãnh tiền. Trả công thợ, trả tiền vật liệu rồi, còn cũng được hơn bảy ngàn … mà kìa, gì nghe văng vẳng như còi đằng xa ?
Phải, chính là còi xe lửa Mỹ. Hôm nay họ dùng đầu máy chụm lửa chớ không phải đầu máy chạy dầu nên tiếng còi to lắm và đã nghe được lúc nó còn ở mãi đằng xa, đâu đằng nhà hộ sanh Từ Dũ.
Xe đã tới. Một bà mẹ, một cô con gái ! Nhưng sao mà những cặp má con nhiều quá như thế nầy, Tường đã đếm được bốn cặp rồi, trong đó hai cặp có xách va ly, chỉ thiếu trái sầu riêng thôi.
Cặp mẹ con thứ năm. Cũng không phải. Một cô gái xách hai tay hai trái sầu riêng, nhưng lại không có mẹ, không va ly.
“Dữ hôn !” Tường kêu thầm lên khi thoáng thấy từ đằng xa dáng hai phụ nữ gồm đủ mọi dấu hiệu cần thiết mà cậu Sáu đã tả.
Nhưng họ không cỏ vẻ gì là người đi ở cả. Cô gái xinh đẹp lạ kỳ, tướng đi không quê một chút nào và ăn mặc thạo lắm. Khi họ ra gần tới hàng rào đầu ga, Tường đứng ngoài nhận kỹ lại thì những gì chàng thấy đàng xa, lúc nhìn gần vẫn đúng.
Đây là một thiếu nữ mà ai thấy cũng không thể thờ ơ được, vì chẳng những nàng đẹp, nàng lại có biệt sắc gì riêng, không thể nói rõ ra, nó phân biệt hẳn nàng với bao nhiêu gái đẹp khác, một thứ hoa khôi trội hẳn tất cả mỹ nữ dự thi, cô nào cũng đẹp mới dám có tham vọng được giải, nhưng chỉ có một cô là nổi bật lên thôi.
Bà mẹ có vẻ một tay khá giả suy sụp. Cứ bằng vào bề ngoài, có thể đoán được bà ta đã nhiều lăn lóc hồi thuở bà ta còn xuân xanh.
Tường không tiến lại cửa vì hành khách tuôn ra nơi đó rất đông, nói chuyện tại chỗ ấy bất tiện lắm.
Hai mẹ con bước xnống công trường lót đá và đưa mắt tìm kẻ có phận sự đón họ. Bọn bắt mối xe bu quanh họ và Tưởng phải vẹt bọn ấy ra. Chàng hỏi cái câu khiến chúng ngỡ chàng toan tán tỉnh cô gái, nên chúng cười rộ lên:
– Bán sầu riêng hay không ?
– Cho không ông đây.
Bà mẹ trả lời như vậy và chàng xây lưng đi ngay và hai mẹ con lặng lẽ bước theo chàng. Ra khỏi vòng vây của bọn bắt mối xe, bà mẹ hách dịch nói :
– Nè chú, chú xách hai chiếc va ly nầy coi !
Đích xác là không phải người đi ở. Người đi ở có thể vẫn có cái giọng hách dịch đó, vì trước kia họ có thể là chủ nhân, thứ chủ nhân suy sụp vì thời cuộc, nhưng họ không hề dám sai khiến một thanh niên mà họ ngỡ là người nhà của ông X. Đồng nghiệp mà !
Tường rất bị mích lòng. Nhưng không hiểu sao, chàng lại vâng lời và không đính chánh ngộ nhận của bà mẹ song tàn nầy. Có lẽ giọng truyền lịnh của bà ta oai quá mà chàng thì yếu đuối tinh thần nên không thể chống lại.
Bỗng một ý nghĩ trồng chàng giữa công trường trước nhà ga: cô gái nầy là một nạn nhân của thói sa đọa của những tay trọc phú và đây là một bà mẹ rất cần tiền, đem con mà dưng cho tay trọc phú ấy sau một cuộc thương lượng ngả giá và có lẽ bà ta đã lấy phân nửa tiền rồi cũng nên.
Phải, ông X. là tay hảo ngọt có tiếng, chàng đã quên mất chi tiết có, và lão ta có biệt thự chớ nào thèm dọn một căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm cho vợ con như thế nầy đâu.
Tất cả mọi chi tiết đều qui tựu để chứng tỏ lời ước đoán của chàng là hữu lý: con sen nầy đẹp quá sức tưởng tượng và rất có tướng nữ sinh, giọng kẻ cả của cái bà rất có thể là mẹ vợ nhảy dù, trẻ hơn chú rể lối bảy tám tuổi, cuộc đón rước bí mật do trung gian đảm nhiệm để đánh lạc hướng bà vợ lớn, nếu bà ta có sanh nghi mà theo dõi, nhà được trang trí cho một người độc thân, hoặc một cặp vợ chồng trẻ, tức là chỉ vỏn vẹn có một cái giường, ông X. gần năm mươi và nghe đâu đã có cháu ngoại thì không lẽ sống như con trai, hoặc như thanh niên mới cưới vợ.
Ý nghĩ trên đây vừa loé ra thì Tường không còn bình tĩnh nữa. Chàng phát run lên vì công phẫn, giận cái thói phong kiến của tay nhà giàu kia mà con gái bị hắn xem như là một đôi giày hay một chiếc xe, thích thì bỏ ra mua, hưởng xong lại vứt đi để mua thứ khác.
Ngày nay, phân tách kỹ lại lòng mình. Tường thú nhận với chàng rằng thật ra chàng không phẫn nộ cho lắm vì cái thói phong kiến ấy. Khi người ta khá lớn tuổi, người ta mới có can đảm thú nhận những hành động, những ý nghĩ xấu xa, của mình.
Chàng đã ghen với ông X. ngay từ lúc thấy mặt cô gái. Thiếu nữ đã gây tiếng sét nơi chàng và thình lình chàng yêu một cách đột ngột một cô gái mà chàng chưa hề được trao lời.
Chàng yêu ghê lắm và khi nhớ lại rằng đêm nay bà mẹ tàn nhẫn kia sẽ giao cái trứng mỏng manh ấy lại cho con ác, chàng muốn nhảy đến bóp cổ con mẹ oai rạch nầy lắm.
Đặt hai chiếc va ly trên xe tắc xi, chàng thừ người ra rất lâu mà nhìn hai mẹ con lên ngồi trên băng sau, cô gái ngây thơ ấy đang bị một niềm u uẩn làm héo sầu nét liễu, khiến cho càng nhìn gượng mặt ấy, chàng càng nghe quặn đau trong lòng.
Trời ơi ! Đêm nay ! Đêm nay ván sẽ đóng thuyền và sẽ xong một đời nữ sinh trong trắng.
Những câu chuyện hảo ngọt của lão X. từ thuở giờ chàng nghe thì cười ầm lên, chẳng hạn như câu chuyện hồng tiểu táo mà người ta chuyền miệng nhau chỉ cốt để cười chơi thôi chớ không nghe họ lên án lão ta bao giờ. Giờ, cái thói hưởng con nít của lão trọc phú ấy làm cho chàng buồn nôn chớ không chọc chời chàng được như trước. Chàng nghe lợm giọng khi tưởng tượng đến cái cảnh lão già đầu bạc hoa râm ấy ôm thiếu nữ trong tay mà nỉ non những lời ân tình không ngượng miệng.
Đồng hồ tắc-xi chỉ nhảy lên tới bốn đồng là họ đã đến nơi vì đường Phạm-Ngũ-Lão chạy dài theo hông nhà ga.
Tường trả tiền xe, vội bước ra sau xách hai chiếc va ly để dưới chơn của hai mẹ con, và mời họ xuống ! Chàng đẩy một cổng nhỏ, đưa họ vào một sân con bày mấy chậu cây cảnh, đoạn đặt va ly lên thềm, chàng thò tay vào túi lấy chìa khóa để mở cửa.
Bà mẹ dõng dạc vào truớc, oai như chủ nhà, cô con gái do dự giây lát rồi khép nép xách trái sầu riêng bước theo sau. Tường đi hậu tập với hai chiếc va ly ở hai tay, và lại đặt va ly xuống gạch nơi buồng khách.
Bà cụ tay chống nạnh, tay xỉa thuốc sống, đứng nhìn qua căn buồng nầy một lượt rồi chê:
– Bàn ghế sơ sài quá.
Bà ta là một phụ nữ cao niên ở tỉnh nên quan niệm vẻ đẹp của khoa trang trí một cách nhà quê. Theo bà thì ắt hẳn phải có tủ cẩn, lư đồng, bàn ghế bằng gõ, cẩm lai, mới là đẹp, là xứng đáng. Bà có biết đâu rằng lối trang trí tân thời còn tốn tiền gấp ba bốn lần những tủ cẩn, những bàn gõ lăng nhăng.
Chê xong buồng ngoài, bà ta bước vào trong. Cô con gái như kẻ không hồn, đứng bơ vơ ở một xó phòng xem như một địa ngục cái nhà xinh đẹp mà kể từ giây phút nầy, cô ta là bà chủ thật sự vì nghe đâu ông X. để cho cô ta đứng tên.
Bà mẹ vợ nhảy dù của ông chánh khách thân Pháp gọi:
– Ấy ơi !
Ý chừng bà ta đoán chàng là đầy tớ của ông X. nên mới kêu như vậy. Tường làm thinh, bước vào trong. Bà tạ hỏi:
– Trong nầy đồ đạc chỉ có bấy nhiêu đây thôi sao ?
– Thưa bà, theo tân thời, đồ đạc càng ít, càng đẹp.
– Đồ xoàng xỉnh quá. Ông ấy có tiếng giàu có mà không dám sắm giường Hồng Kông, sắm tủ cẩm lai.
– Thưa bà, giường Hồng Kông xưa rồi, giờ có ai dùng nữa đâu. Giường tủ bằng gỗ bằng lăng trắng nầy mắc tiền lắm đó, thưa bà.
– Xí, mét chằng, mét ưởng, như giường tủ bằng cây mít.
Bà ta lại ra sau. Nhà bếp đã đủ đồ dùng, gạc-măng-dê, nồi son nhôm, nhưng vắng hoe và lạnh tanh. Bà ta chưng hửng hỏi:
– Không có mướn đầy tớ sao ? Rồi con nhỏ nó lấy ai mà sai khiến ?
– Cái đó thì tôi không biết.
– Chừng nào ổng lại đây ?
– Cái đó tôi còn không biết hơn.
– Không biết, không biết. Rồi con nhỏ nó mới làm sao đây. Tôi có ở đây được đâu. Có giấy hay không ?
Tường biết bà ta muốn đi ngoài. Mừng rỡ hết sức, chàng vội rút xấp giấy đánh máy còn trinh ở túi quần ra đưa cho bà rồi hối hả trở ra buồng khách.
Thiếu nữ vẫn còn đứng nơi xó buồng, tay mân mê tà áo, trái sầu riêng nằm trên gạch, dưới chơn cô ta, và ắt hẳn cô ta cũng đang sầu riêng. Trái sầu riêng dùng làm ám hiệu, có lẽ do chính cô ta nghĩ ra để gián tiếp nói lên nỗi niềm thầm kín của cô ta.
Tường nghẹn ngào vì xúc động và sợ hãi. Chàng nuốt nước miếng đến mấy mươi lần mới đánh bạo nói:
– Thưa cô, tôi cần nói mau kẻo má cô trở lên thì không xong. Tôi không phải người nhà của ông X.. Tôi chỉ là thầu khoán, sửa căn nhà nầy xong ông ấy nhờ giao lại cô.
Tôi biết hết rồi. Nhưng cô không nên nhận cái tình cảnh đau đớn nầy. Cô phải quyết định mau lẹ, phải can đảm chống lại số kiếp mà người ta, vì tham lợi, định đoạt cho cô. Cần mau lẹ, vì vài tiếng đồng hồ nữa, con quỉ dâm dục ấy đến đây là đã trễ quá rồi.
Cô à tôi… th…ư..ơng cộ… và sẵn sàng giúp đỡ cô.
Thiếu nữ khóc mù và tấm tức tấm tưởi hỏi:
– Bây giờ làm sao anh ?
– Cô phải quyết định mau lẹ. Má cô lên kia ! Tôi phải đi ngay.
Chàng nghe cánh cửa cầu tiêu mở ra cùng một lượt với nước tẩy uế đang tuông mạnh xuống ào ào.
Cô gái hoảng hốt van lơn:
– Trời ơi, anh, cứu giùm em anh ơi, không thôi em chết mất.
– Tôi phải đi, kẻo má cô…
Chàng thoát lẹ ra cửa và nghe cô gái kêu vói theo một tiếng tuyệt vọng:
– Anh !
Nghe kêu, Tường càng hoảng hơn vì bà mẹ có thể hỏi duyên cớ kêu gọi, cô còn có thể khai sự thật, và bà ta rượt theo thì nguy. Chàng đâm đầu chạy một mạch ra khỏi ngõ hẻm rồi nhảy lẹ lên một chiếc xe tắc-xi mà chàng bắt lại.
Xe chạy khỏi đó rất xa, Tường mới hoàn hồn. “Thì ra, chàng nghĩ, mình chỉ là anh hùng rơm thôi. Câu chuyện trinh thám mà mình đã vẽ vời ra, rất có thể trinh thám được mà trong đó mình sẽ là tay nghĩa hiệp thật thụ, cứu nguy cho thiếu nữ mà mình bị sét ái tình. Nhưng mình lại hèn nhát không đám hành động. Truyện võ hiệp luôn luôn có được trên đời nầy, chỉ con người thời nay là không dám làm một tay hiệp liệt thôi.”
Tưởng hối hận hết sức, nhưng nghĩ kỹ lại, thật không biết phải trổ tài anh hùng bằng cách nào. Không thể phi ngựa đến cướp cô gái, rồi dông vào rừng. Cũng khó lòng nhảy lên nóc nhà, giở ngói dòm xuống, hễ thấy con hạm dở trò khả ố là phóng kiếm hạ sát ngay.
Tìm nhà chức trách để tố cáo vụ buôn người nầy, họ sẽ cười cho mà ê mặt, vì không có bằng cớ nào cả. Một đứa con gái có mẹ bảo vệ là vững vàng an ninh lắm rồi, họa là tầm khùng mới lo cho số phận của cô ta.
Tường đau xót khôn cùng mà thấy mình bất lực trước nỗi nguy của một mỹ nhân cần được cứu nguy tức khắc và tiếng kêu thất thanh của cô gái cứ như còn nghe văng vẳng đâu đây.
Đêm ấy Tường đã khóc thật tình. Đó là những giọt lệ chơn thành của một người con trai mà tấm lòng chưa bị đời làm hoen ố, ê chề, còn tin, còn yêu, còn trọng công lý, trọng lẽ phải và điều thiện.
Nửa đêm chàng giựt mình tỉnh giấc, hình dung cái cảnh mưa Sở mây Tần trong căn nhà ở ngõ hẻm Phạm Ngũ Lão, hình dung thiếu nữ đang mùi mẫn khóc than cho tấm thân trinh bạch của nàng chỉ một phút thôi mà đã không còn gì nữa, rồi chính chàng cũng mùi mẫn khóc như người nữ sinh ở tỉnh kia vừa trôi giạt lên Saigon là đã bị sóng dập gió dồi rồi.
Hai hôm sau, nguôi ngoai được phần nào. Tường đi chạy công việc trở lại và ghé qua thăm người cậu đã vô tình bắt chàng làm nhơn chứng một cảnh não lòng.
Cậu Sáu hôm nay sao lạ ! Cậu nhìn chàng mãi làm như chàng là một con quái vật đâu từ trên hỏa tinh rơi xuống. Cậu xét nét, cậu thăm dò rất lâu và rốt cuộc nói:
– Tường nè, độ nầy cháu cũng còn ở trong Bàn Cờ chớ ?
– Dạ còn.
– Vẫn ở một mình chớ ?
– Dạ.
Cậu nhìn thẳng vào mắt chàng một hồi rồi phá lên cười:
– Cháu còn ngây thơ lắm, chưa biết giả dối. Cậu tin cháu bằng lời nên không cần kiểm soát. Nhưng cũng cần hỏi cho cặn kẽ. Hiện nay, có cô gái nào không trong đời cháu ?
– Không cậu à. Nếu có, đã sao đâu mà cháu phải giấu.
– Cái đó cũng tùy. Có thứ gái không sao, có thứ gái rất “có sao”. Nhưng thật không có trong nhà và cũng không đang gởi đâu đó chớ?
– Dạ cháu xin thề.
– Thôi thề thốt làm gì. Vả chuyện cũng đã rồi.
– Chuyện gì a, thưa cậu ?
– Cái con bé hôm nọ mà cháu đưa về căn nhà đằng Phạm ngũ Lão …
Tường giựt mình nhảy nhổm lên.
– Dạ, cô ấy thế nào a, thưa cậu ?
– Nó đã đi rồi !
– Trời !
Đó không phải là một tiếng kêu than. Chàng đã buột miệng hét to lên nỗi mừng rỡ của chàng, quên giữ gìn cho ngươi khác khỏi biết niềm riêng của chàng.
Cậu Sáu cười ha hả mà rằng:
– Cháu đã mừng, tức là cháu thích thấy con bé ấy ra đi. Người ta nghi cho cháu, không phải nghi oan lắm đâu.
– Ai nghi cho cháu, mà nghi cái gì thưa cậu ?
– Người ta nghi cháu dụ dỗ nó.
– Đâu có.
– Ừ, cậu tin cháu không có dắt nó đi. Nhưng chắc chắn là cháu có ý muốn đó phải không ? Cháu vừa mừng như trúng số đó mà. Nó đẹp lắm à ?
– Dạ, cô ấy đẹp ghê hồn.
Cậu Sáu lại cưới như Đổng Trác:
– Không đẹp mà ông ấy đã dám xuất đến hai trăm ngàn để mua nó…
– Trời ơi, ở thời nguyên tử mà còn cái chuyện của thời Gia Tỉnh triều Minh ?
– Người ta mua bán dưới danh hiệu tốt đẹp là gả cưới kia chớ. Má nó lấy năm mươi ngàn rồi đem nó mà nạp cho ông X., thế là trôi cái vụ mua bán trắng trợn ấy. À ổng mua nó năm mươi ngàn, sang nhà một trăm, sắm đồ đạc hết năm chục ngàn nữa. Cháu không nói, cậu cũng biết là nó đẹp ghê hồn. Rồi sao nữa ?
– Rồi không có sao hết. Cháu không có làm gì hết.
– Chắc cháu đã dại dột để lộ thâm tâm của cháu ra nên người ta mới nghi cho cháu chớ !
– Nhưng cô ấy đi lúc nào và đi đâu vậy cậu ?
– Nó đi một tiếng đồng hồ trước khi ổng đến, tức là ba tiếng đồng hồ sau khi cháu đưa hai mẹ con lại đó để giao nhà. Số là hồi mười giờ rưỡi, bà mẹ băn khoăn về bữa cơm trưa. Cô con gái đề nghi với mẹ để nó đi chợ Thái Bình mua thịt quay bánh hỏi về ăn, thế rồi nó đi luôn. Một tiếng đồng hồ sau, chú rể lại nhận vợ và mẹ vợ, chàng rể ngồi đợi một tiếng đồng hồ nữa cũng chẳng thấy tăm dạng cô dâu đâu cả.
– Hay là cô ấy đi lạc ?
– Không, theo lời bà mẹ thì con của bà ta thạo Saigon, vì đã lên xuống nhiều lần. Tuy nhiên, ông X. cũng vẫn báo động các bót. Ông ta quen biết nhiều, họ tận tâm tìm kiếm giùm ông ta, nhưng vẫn không ra manh mối.
– Rồi làm sao nữa cậu ?
– Rồi ông X. nổi tam bành lên, chửi bà mẹ vợ tan nát ông bà ông vải hết chớ sao ! Bà ấy đã lấy trước hăm lăm ngàn rồi, và căn nhà ấy chôn đến một trăm năm mươi ngàn trong đó, bỏ cho ai đây. Không dễ gì mà mua được một đứa con gái đẹp khác ngay lập tức để sử dụng tổ uyên ương ấy.
Ông ta bắt đền con mẻ, hăm dọa đi thưa con mẻ về tội lường gạt ông ta. Nhưng con mẻ cũng chẳng vừa, đã dám bán con, tức là cũng đã có nanh có vuốt. Con mẻ nói, nếu ổng đi thưa, con mẻ thì con mẻ sẽ khai tạch hoạch ra cho nhựt trình đăng tùm lùm lên.
Hụt ăn số tiền hăm lăm ngàn còn lại, con mẻ cũng tức lắm và khai cháu là thủ phạm, yêu cầu ổng tìm bắt cháu. Con mẻ quả quyết rằng cháu đã dụ dỗ con bé, con mẻ bắt gặp nó khóc, lúc cháu ra cửa, và nghe nó kêu cháu để cầu cứu. Có hay không nè ?
Tường tái mặt, mồ hôi toát dầm dề, chàng ngộp thở một hơi mới hô hấp đều đặn trở lại và mới đáp được.
– Dạ quả có thế, nhưng cháu thề là cháu đi luôn, không hề hay biết gì nữa cả. Xin cậu tha lỗi, cháu công phẫn quá.
Cậu Sáu cười lăn chiên một hồi rồi nói:
– Cháu thật ngây thơ. Có nhiều vụ mua bán còn động trời hơn nữa.
– Thưa cậu, như vậy thì nguy cho cháu lắm.
– Không sao. Ông ấy sợ bị đăng nhựt trình, không dám thưa gởi ai cả, kể cả người bị tình nghi thứ nhì là cháu. Vả lại, Tây vừa rút hết, ổng hết chỗ dựa, không dám làm trời làm đất nữa bằng cách cho thủ hạ hù cháu, ổng cũng ngán cậu lắm.
– Rồi sao nữa, thưa cậu ?
– Rồi thì con mẹ ấy chịu phép trở về Mỹ Tho tay không, và ông lại nhờ cậu bán giùm đồ đạc. tìm người lấy cắn phố ấy. Căn nhà vá sửa đó lại giúp cậu kiếm thêm được hai chục ngàn nữa.
– Cậu không nghe tin tức gì về cô ấy chớ ?
– Không. Thì chỉ cỏ hai giả thuyết. Một là mẹ con nó toa rập với nhau để gạt ông X. lấy tiền ứng trước, tức phân nửa giá bán, mà không giao hàng. Hai là con mẻ thật tình, nhưng con bé lại không chịu; nếu như thế, hiện nó đang lưu lạc ở đâu đó và chắc đã rơi vào tay một thang điếm nào rồi, còn khổ hơn là làm bé ông X. nhiều lắm. Ở với ông X. tuy đáng cha nó, nhưng dầu sao cũng có nhiều tiền. Các tay điếm, chúng hưởng xong cái trinh bạch rồi, lại đem mà bán rẻ cho các mụ tú bà. Cháu đã sáng mắt chưa. Cháu khờ khạo lắm và vô tình cháu đã xui dại một đứa con gái ngây thơ. Cậu chắc câu chuyện đang xảy ra như vậy vì bà ấy – cứ theo lời ông X. – xem ra thành thật, chớ không gian trá trong vụ nầy.
Tình cảnh hiện tại của cô gái mà cậu Sáu vừa phác họa sơ ra, theo tưởng tượng của cậu, làm cho Tường nghe đau nhói nơi tim. Chàng kêu “Trời” một tiếng và lần nầy, đó là tiếng kêu than cho:
….thân gái dậm trường.
Phần e đường sá, phần thương dải dầu.


Chàng đã dại dột mà ngỡ dễ thoát lắm, và cứ hễ ra khỏi căn nhà Phạm ngũ Lão là được an toàn tấm thân.
Thiếu nữ chắc chắn là không thế nào dám trở về nhà mẹ, còn linh đinh giữa chốn phồn ba đầy dẫy cạm bẫy nầy thì hăm bốn tiếng đồng hồ sau đó là nàng đã rơi vào vực thẳm rồi. Trời ơi !
Người con trai nầy lại khóc đêm ấy, thương không biết bao nhiêu cho kiếp đa truân của hạng người không có cách tự vệ.
Nhưng rồi chàng phải tranh sống và chính chàng, một người con trai khỏe mạnh, lanh lợi cũng bị sóng đời vùi, gió đời dập.
Càng thêm tuổi, càng giàu kinh nghiệm ra và bộ mặt thật ghê rợn của nhân thế càng năm càng chường ra trước con mắt kinh ngạc của một kẻ vừa sống vừa khám phá cuộc đời.
Bao nhiêu hoài bão thuở thanh xuân, bao nhiêu thiện chí, bao nhiêu phẫn uất trước những bất công, tóm lại, tất cả những phấn khởi trong trắng và tốt lành của con người, rơi rụng lần lần dọc theo con đường sinh kế.
Thỉnh thoảng, những lúc vui buồn nào đó, nhớ lại người thiếu nữ mắc nạn mà chàng đã yêu chớp nhoáng và đã đau khổ vì cảnh khổ mà nàng có thể gặp, chàng chỉ còn hơi ngậm ngùi sơ sơ vậy thôi, thấy rằng xã hội vẫn tiến tới như thường, mặc dầu có một kẻ bị chà đạp dọc đường.
Hôm ấy, từ một trường công tác ở sân bay Tân Sơn Nhứt do chàng thầu, chàng theo đường Trương-minh-Giảng mà về Saigon.
Tới cổng số sáu, chàng phải giảm tốc độ xe rồi thắng xe hẳn lại vì đường bị nghẽn. Một chị đàn bà đội một cái thúng từ trong con đường mòn chạy dọc theo thiết lộ, vừa đi ra vừa rao: “Ai vịt lộn hôn ?”
Ngồi buồn, chàng nhìn đủ thứ người và vật chung quanh chàng, trong có có cả chị bán trứng vịt lộn. Lạ, chàng ngờ ngợ như là đã quen ở đâu rồi với cái gương mặt của chị bán bưng nầy. Chị ta cũng nhìn sửng chàng khi chợt thấy người đờn ông sang trọng trên chiếc xe hơi đẹp đang ngó chi ta gần rớt con mắt.
Chị bán trứng vịt lộn cũng bị trận nghẽn đường ấy chận lại và phải đứng nơi gốc cổng xe lửa mà chờ. Tường kêu gọi trí nhớ rất lâu, nhưng chịu là không chất vấn nó được.
– Trứng vịt lộn ! Chàng gọi to, để mua bậy một trứng và mong giọng nói của chị ta nhắc nhở cái gì chăng.
Chị ấy bước lại bên hông xe và thình lình cả hai đều nhận ra nhau một lượt.
– À chị.,. à cô…
– À anh… à thưa ông…
– Có phải cô là…
– Dạ, thưa ông, chính em là…
“Trời, sao nàng lại già và xấu quá thế nầy ! Tường nghĩ thầm. Chỉ mới có tám năm qua thôi, mà cả một nhan sắc kiều diễm bị tàn lụn đến thế nầy à !”
– Sau đó, chị… cô đi đâu ? Tường đột ngột hỏi như vậy làm như là họ đã kể lể lại đoạn đầu rồi.
Nhưng cô gái cũng hiểu được ngay và nói:
– Em đi lang bang cho tới chiều, để kiếm anh, à quên, kiếm ông.
– Trời, tôi nào có dè.
– Nếu tìm được ông, đời em đã khác rồi. Em dại dột quá, ngỡ Saigon cũng dễ tìm người quen như dưới xứ Trung Lương của em.
– Rồi sao nữa ? Tường hồi hộp hỏi và nóng nghe câu trả lời. Chuyện đã qua rồi non mười năm, mà chàng cứ lo sợ cho cô gái rơi vào tay các anh điếm như cậu chàng đã đoán.
– Rồi tối lại em gặp một bà già, mà về sau nầy, biết đời, em mới thấy bà ấy là người tốt. Bà cho em tá túc nơi nhà bà gần một tháng trời.
– Rồi sao nữa ?
– Rồi em lấy chồng, lấy một anh thợ hớt tóc trong xóm.
Tường thở ra, nhẹ nhõm. Té ra cô gái không rơi vào tay kẻ dữ và chàng khỏi mang hận nghìn đời.
– Giờ cô đã mấy con rồi ?
– Dạ bốn.
Khá hay không ? Anh ấy làm công hay làm chủ tiệm.
– Em chỉ ở, với anh ấy được có tám tháng là ảnh bỏ em. Chồng em bây giờ là thợ hàn dạo.
– Bốn con với anh nầy ?
– Dạ.
– Coi bộ không khá à ?
– Nghèo lắm ông ơi, chạy ăn muốn bứt hơi. Những khi trẻ nó đau ốm, chúng em không có việc, em khổ quá nên nghĩ rằng nếu ngày xưa, không nghe lời ông, có lẽ hơn. Cái ông già ấy, chắc cũng bỏ em một năm sau đó, nhưng em đã có vốn rồi, một căn phố đáng giá hằng trăm ngàn tiền nước, với lại tiền em dành dụm lúc ở với ông. Đi ra, cũng còn sạch sẽ, son trẻ, lấy chồng khá khá được, chớ có đâu mà lụn bại như thế nầy.
Lần nầy, Tường đau xót một cách vĩnh viễn chớ không nguôi được như ngày xưa.
– Té ra chị . . . cô ăn năn ?
– Có lẽ. Gìn vàng giữ ngọc cho ai chớ ? Em tự hỏi như vậy nhiều lần. Đánh đổi chữ trinh để lấy ngàn vàng, và đánh đổi cái thơm tho để lấy sự đói rách nầy, thật em không còn biết cuộc đổi chác nào hơn cuộc đổi chác nào.
– Nhưng cuộc đời ít ra, phải còn vươn một ít thơm tho nào chớ !
– Ông nói như vậy vì ông ngồi xe hơi và đưọc ăn no. Em, em sẽ về một căn nhà lá giữa vũng bùn mà lũ con theo nhóc sẽ kêu đói.
Lần nầy, chàng đau xót một cách vĩnh viễn, không bao giờ nguôi nữa cả. Thì ra cái ăn quan trọng đền thế à, nó làm cho người lương thiện đến phải hối hận đã sạch sẽ và thơm tho.
Chị bán trứng vịt lộn buồn rầu nói:
– Nếu ngày ấy em tìm được ông, đời em đã khác, em đã vừa sạch thơm, lại vừa biết trọng, biết quí cái sạch thơm. Giờ thì em đã ghê tởm những thứ ấy rồi. Hận quá, cũng không hãnh diện được vì cái sạch của mình thì còn thiết gì nữa ông ơi !
Tường cả giận sang số thật mạnh, đạp ga cho vọt xe tới, chàng hét to cho chị trứng vịt lộn nghe:
– Tôi cũng hối hận lắm, hối hận đã đau khổ xằng. Chỉ có người biết quí cái thơm mới xứng đáng được thơm và được người ta cứu cho.

 Bình Nguyên Lộc

 (Nguồn: Binhnguyenloc.com)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm