NHỮNG BƯỚC LANG THANG (18)
Vắng bóng bia đá thì hỏi bia miệng
ặc dầu không “vọng cổ”, không “hoài cổ” chắc bạn cũng thấy rằng cái gì xưa là nên thơ. Một quyển sách thuở bé hay gợi nhớ nhiều kỷ niệm êm đềm, một thếp đèn xưa thường tiết ra mùi thơ sầu của thế hệ vừa tàn.
Nếu bạn thành thật, không sợ bị xem là thoái bộ thì bạn nhận như vậy.
Rồi bạn tìm những phiến đá, những chùa đổ trong đất Sàigòn để hỏi thăm coi các thứ ấy có kể lể chuyện xưa tích cũ nào chăng.
Than ôi, đá và chùa Sàigòn còn mới ràng ràng, chỉ vừa phủ một lớp rêu mỏng mà thôi.
Tuy nhiên, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ mặc dầu bia đá ngậm câm.
– Bia miệng ơi, mi có biết Sàigòn cũ của chúng ta chăng?
– Thưa có, tôi biết nhiều lắm.
– Kể lại nghe nào!
– Này nghe:
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
Ngày xưa, trên bờ sống Bến Nghé, chắc có một cây da, tàn lá sum sê. Trong bóng mát cây da ấy, nhiều bộ hành đục nắng để chờ đợi một chuyến đò ngang.
Cô lái đò ắt hẳn là đẹp lắm, và nhứt là đứng đắn lắm, nên cả vạn trai Sàigòn mới thách đố nhau cái kỳ công oái oăm ấy.
Cô lái ơi, nay cô đã thành bà lão nào hay đã được vùi nông một nấm?
Người Sàigòn nhìn chiếc đò máy tại bến Thủ Thiêm, nghe tiếng động cơ nổ điếc tai, làm sao khỏi ngậm ngùi nhớ lại một cánh buồm xa, một lưng ong gái Sở đang đẩy nhẹ mái chèo?
– Còn gì nữa bia miệng ơi?
– Này nghe:
Bao giờ cầu quay nọ hết quay,
Thì qua với bậu mới đứt dây can thường.
Trơi ơi là thương! Yêu nhau không có non có biển để chỉ mà thề, nên đành lấy chiếc cầu sắt kiên cố nối liền đường Võ Duy Nguy (G. Guynemer) và đường Trịnh Minh Thế (J. Eudel) để khắc lời nguyền!
Chàng và nàng ơi! Chiếc cầu ấy quả ngày nay đã thôi quay rồi. Nếu bắt chẹt nhau từ lời nói thì Chàng đã mắc lời thề, đã phụ Nàng rồi đó. Nhưng sự thật thì mặc dầu đôi bạn đã ra tro, tình xưa của đôi bạn luôn luôn bền vững. Chúng tôi yêu các bạn nên tiếp thay cho bạn và tiếp tục thề nguyền. Các bạn có dè đâu chiếc cầu sắt có vẻ thiên niên ấy lại thôi quay! Nhưng chắc chắn là các bạn đã dè rằng các bạn yêu nhau mãi mãi cho đến lúc xuống mồ.
– Hết rồi phải không bia miệng?
– Làm sao hết được. Đây này:
Ba Hình nay đã đổi dời.
Bớ này bạn ơi, bấy lâu gắn chặt, rã rời là đây.
Bức tượng đồng tượng hình ba võ nhơn Pháp dưới thời chinh phục ngày xưa đặt ở bến Bạch Đằng. Nhưng sau lại dời lên dinh “Chánh soái” tức là dinh Độc Lập bây giờ.
Chính sau cái dời lần thứ nhứt đó mà Chàng và nàng đã rã rời nhau.
Ba Hình bằng đồng nặng thế mà còn dời, huống chi là Chàng với Nàng và ngày nay Ba Hình đã dời đi nữa rồi, nên biết bao Chàng và Nàng khác đã rã rời keo sơn.
Sàigòn thay đổi như chong chóng. Trong cái sự quay cuồng ấy, lòng con người cũng ngược xuôi túi bụi vì họ thấy không cần thủy chung như ở nhà quê nữa. Ơ đây thuyền dời, mà bến cũng dời tuốt.
– Bia miệng ơi, sao Sàigòn lại hết nên thơ và đâm ra phản bội, nên thơ trở lại coi đi nào.
– Có đủ mặt mới hay. Này Sàigòn điếm đàng đây:
Gái đàng mới xem tường không mới
Trai Bến Thành xem lại chẳng thành
Ngày ngày qua lại em, anh,
Có xu có lúi mới thành ngời nhân.
Thì ra uy thế của đồng tiền cũng đã khá rõ rệt ngày xưa kia rồi.
Truyền thống xu, lúi, ấy được Sàigòn ngày nay thừa tự và nâng lên đến độ tuyệt vời.
– Thôi bia miệng ạ, xấu che tốt khoe mà, vạch áo cho người xem lưng làm chi.
– Hãy khoan! Nghe thêm một giọng chướng tai của Sàigòn nữa cái đã:
Bạc lê [1] vẽ sứa, em giận đứa măng-tơ [2]!
Thằng gì mà nghi ngại bá vơ,
Sài thành em dạo cảnh nó nghi ngờ em bán duyên.
Đó là lời của một me Tây Sàigòn. Cũng nên thơ đó chớ, nhưng mà đó là thơ Tây lai nên nghe ngòng ngọng cái vang bóng một thời Ba Đá, Ba Lô.
Thỉnh thoảng bia miệng tôi xin pha trò để đổi không khí, chớ nên thơ hoài thì buồn chết.
Nhưng bạn muốn nên thơ thì đây:
Chợ cũ nay đã tan tành,
Sàigòn em ở lại, Bắc thành anh dời chơn.
Chợ Sàigòn từ sau lưng kho bạc dời ra trước bồn-binh là kéo theo sụp đổ của cả chục gia đình buôn bán nho nhỏ. Có lẽ vì đồng tiền từng sập mới chăng? Hay là tranh thương không lại Ba Tàu?
Chàng từ Bắc vào, quyết giành với Trung Hoa nhưng Trung hoa lấn dữ quá, phải đành “Bắc thành dời chơn” vậy.
Nên nhớ ngày xưa người Nam ta ít buôn bán lắm. Chỉ có đồng bào miền Bắc là tranh với cắc-chú thôi.
Câu hát nực mùi kinh tế này chứng tỏ một thời miền Nam bị khách lũng đoạn trong cuộc làm ăn.
– Đã bớt dị hợm me Tây rồi đó, nhưng quả chưa nên thơ. Bia miệng à!
– Vâng. Vui thêm một câu nữa đã:
Mười giờ tàu lại Bến Thành
Xúp lê vội thổi, bộ hành xôn xao.
– Tàu sao lại vào chợ Bến Thành được hở Bia miệng?
– Đã bảo chợ Cũ ngày xưa nằm sau kho bạc mà. Có một con Kinh từ dưới sông lên tới chợ.
Cảnh buôn bán đã khá sầm uất rồi: Nên chi Bia miệng chỉ nên thơ được vài câu nữa thôi, rồi đành phải ngậm miệng đến ngày tận thế vì Sàigòn bắt đầu náo nhiệt rồi, Bia miệng không hò hát nữa được.
Ngày sau Bia miệng chỉ ca vọng cổ, hoặc âm nhạc cải cách thôi. Thời ca dao đã chết rồi.
Trước khi hấp hối Bia miệng xin cho thật là thẩm thía để từ giả cõi đời:
Rạp hát bóng chào rào chộn rộn,
Sở đồ hình ngồi đứng chỉnh tề.
Thăm em một chút anh về,
Chơi khuya lính bắt khó bề phân bua.
Lại yêu nhau! Nhưng cuộc tình duyên dưới gốc me này bị cảnh sát bố gắt, chàng vội về, kẻo khó mà phân bua về cái la cà của mình.
Thượng thơ bán giấy,
Thủ Ngử treo cờ,
Nào ai núp bụi núp bờ.
Mủ di đánh đạo
Bây giờ bỏ em.
Thượng thơ là phủ Thống đốc Nam kỳ ngày xưa. Bán giấy là bán tín chỉ. Nhà học giả Thuần Phong cho rằng Mủ di là Musique. Nhưng thật ra Bia miệng không hiểu rõ câu hát mà Bia miệng nghê-nga mỗi ngày này. Dầu sao nghe ra, sao mà ngậm năng nuốt cay thế này.
Đàng Ô Ma hai đứa ta nói chuyện.
Lúc giã từ còn quyến nhau hoài,
Về nhà anh cậy môi mai,
Mẹ cha em khó hỏi hoài không xong.
Đàng Ô Ma có lẽ là cuối đường Hồng Thập Tự. Eo ôi! Cũng như bất kỳ ở đâu, thời nào, Chàng và Nàng cũng phải chịu cảnh éo le vì cha mẹ cho đến cả trong cái xó tứ chiếng hỗn độn này mà phong tục được khen là tương đối dễ dãi hơn ở đâu cả.
Tình duyên! Ôi tình duyên Sàigòn bà lăng nhăng lắm. Đây là nơi anh hùng hội, nơi tứ chiếng quốc tế mà. Cho nên:
Chợ Bến Thành mới,
Kẻ lui người tới,
Xem tứ diện rất xinh,
Thấy em tốt dạng tốt hình,
Chẳng hay em có chốn dươn [3] tình hay chưa?
– Hỏi em về việc dươn tình,
Em đà có chốn, gởi mình cho Thanh [4]
– Căn dươn đâu mà thấu đến bên Tàu,
Họa chăng em thấy chú tửng [5] giàu em ham.
Và đây:
Bước lên xe kiếng đi viếng mả chồng,
Cỏ non chưa mọc, trong lòng thọ thai.
Xe kiếng là loại xe bốn bánh, do hai ngựa kéo, khá xinh vì mui gỗ có cửa kiếng bốn bề như xe ô-tô loại Limousine.
Xe đó rất thạnh hành hồi đầu thế kỷ này, ở Sàigòn.
Và người đàn bà Sàigòn ở đầu thế kỷ này đã xem nhẹ “tiết hạnh khả phong” rồi đó. Đời sống đô thị dĩ nhiên đưa đến tâm trạng ấy, không đổ thừa cho chiến tranh được vì thuở ấy làm gì có chiến tranh, phim khiêu dâm, tác phẩm hiện sinh?
Mà ca dao không nói láo bao giờ hết.
– Cho một câu thật nên thơ đi, Bia Miệng ơi!
– Vâng đây là câu chót, nên thơ như một buổi chiều, và ngậm ngùi như một nỗi nhớ xa xôi:
Cây da Chợ Đũi
Nay đà trụi lũi
Trốc gốc mất tàn.
Tình xưa còn đó.
Ngỡ ngàng phồn hoa.
Tình đây, không riêng gì tình yêu, mà là tình mến thương cảnh vật Sàigòn cũ.
Tình xưa ấy vẫn còn nguyên vẹn nơi lòng Bia miệng nhưng cảnh phồn hoa mới hiện ra đã làm cho Bia miệng ngỡ ngàng lạc hướng.
Thôi, vĩnh biệt nhé! Loài người ham vọng cổ lắm rồi, Bia miệng tôi không hát theo xưa nữa. Chỉ van xin.
Mai sau dù có thế nào,
Đốt lò hương ấy, đọc ca dao này.
để mà nhớ lại Sàigòn cũ của chúng ta. [6]
Chú thích:
[1] Parler: nói
[2] Menter: nói láo
[3] Duyên.
[4] Người Tàu đời Mãn Thanh.
[5] Người Tàu còn trẻ.
[6] Tất cả những câu ca dao trong bài đều trích ở quyển “Thổ ngơi Đồng Nai” của Bình Nguyên Lộc.
HẾT