NHỮNG BƯỚC LANG THANG (6)

Khóc bạn chim

ường Phạm Ngũ Lão, 9 giờ sáng. Quãng đường từ tiệm nhảy Kim Sơn vô đến ngã ba Nguyễn Thái Học vắng hoe như đường trong làng.

Vỉa hè cũng hiếm bóng người. Nên chi những bộ hành đi trên đó bị để ý liền. Huống chi anh con trai này lại ngồi chớ không đi. Mà hắn ngồi một nơi rất chướng.

Lề đường bên kia, một hàng cây dé ngựa che bóng mát trên cỏ xanh trông quyến rũ lắm. Xanh và mát mời mọc kẻ dang nắng dọc đường.

Thế mà hắn lại ngồi trên lề cỏ bên này, nắng chang chang, ngay tấm vách sau của trường Tôn Thọ Tường.

Hắn ngó mông ra đường như đang sầu tình. Ai theo dõi quan sát hắn thì hắn thỉnh thoảng liếc nhìn ngọn cây bên kia đường một cái.

Thỉnh thoảng mới ngó sơ qua cái gì đó thì chẳng lạ. Nhưng hắn lại lấm la lấm lét như sợ ai bắt gặp cái nhìn trộm của hắn, nên người ta sanh nghi ngay.

Bên kia đường, hết vỉa hè là tường cao, sau tường là Sở Hỏa xa, khu chứa vật liệu…

Hắn là tay dọ đường của một tổ chức trộm hay chăng? Hắn nghiên cứu cách leo tường nhờ các ngọn cây sát đó chăng?

Quan sát viên không chịu tiếp bước, khiến hắn bực mình lắm. Nhưng rồi hắn nhẫn nại chịu số phận.

Bỗng hắn vụt đứng lên như có lò so bật rồi hắn nhảy ba cái là tới lề đường bên kia.

Quan sát viên kinh ngạc hết sức mà thấy hắn nắm đầu một sợi dây gai to bằng ngón tay út, lòng thòng từ trên ngọn cây xuống tới đất. Sợi dây gai này treo ở đó từ bao giờ rồi, không ai để ý cả.

Hắn nắm đầu dây mà không kéo xuống, lại đẩy lên, cái mới kỳ, mà kỳ hơn nữa là sợi dây cứ lên như thường, như là có ai ở trên nắm rút.

Ngước lên thì hiểu cả.

Sợi dây ấy chạy trơn trong một cái róc rách. Đầu trên treo một chiếc lồng chim. Đầu dưới có mắc một viên đá đủ nặng để trì dây xuống cho lồng chim ở yên trên cao.

Lồng từ từ được hạ thấp. Từ hông lồng chim đâm chỉa ra sáu que tre có trét nhựa. Sáu con chim dính chơn vào đó, kêu lên những tiếng kinh sợ nó vặn lòng ta lại. Ba con chim trong lồng thì một con dường như kêu lên:

– Vào đây, vào đây chơi các anh! Có lẽ đó là chú chim mồi.

Con thứ nhì mắng lại:

– Đã bảo! Ta đã nói là phải coi chừng, đừng có xáp lại mà!

Con thứ ba chán nản quá nên làm thinh. Hai con sau có lẽ mới bị bắt trước đó độ nửa tiếng đồng hồ.

Chim màu lá mạ non, to bằng ngón chơn cái, quanh mắt có những vòng đen trông dữ tợn như mắt tướng nịnh trong hát bội.

Sáu chú sa lầy đều được giải phóng… khỏi nhựa để rồi… nhốt chung vào lồng với lũ chim trước.

– Anh bắt một ngày được độ bao nhiêu anh?

– Vài mươi con.

Chu choa! Thế là phi tộc bị hao hớt non vạn trong một năm còn gì.

– Thịt nó có ngon hay không?

– Không ăn được. Tôi bán cho tiệm chim dưới Chợ Cũ.

À, kẻ tò mò bấy giờ mới bật ngữa ra mà nhớ lại rằng tiệm chim Chợ Cũ đã quả quyết rằng loại chim khoen ấy đem từ Nam Dương quần đảo sang đây, tốn kém rất nhiều nên phải bán mắc.

Hỡi những người bạn âm thầm, trưa trưa, chiều chiều đã đánh nhạc rừng xanh để an ủi kẻ nhớ xứ quê ơi! Sao lại dại dột đến làm chi cái nơi tội lỗi này mà người còn không dung người thay trong cuộc tranh sống, huống hồ gì là dung chim.

Ông A. Daudet kể rằng thành phố Tarascon đã bị loài chim ghi tên vào sổ đen của chúng. Mỗi khi chúng bay gần tới đó là chúng kêu nhau mà rằng: “Ê, thành Tarascon kia ta!” rồi áp nhau rẽ qua ngã khác.

Sàigòn cũng phải được tránh như thế các bạn chim ạ!

Không tin, các bạn cứ hỏi lũ chim sẻ thì biết…

Góc phố Nguyễn Khắc Nhu và góc phố Cô Bắc. Ở đây có một cái bể cạn chứa rác rất to. Sau bể cạn, miếng đất hoang vu bên trong là vườn chuối.

Vậy đây là nơi tập trung lý tưởng của chim sẻ. Ngày nào cũng có một bọn ba người đem lưới đến phủ trên mặt rác.

Cứ độ nửa tiếng đồng hồ là họ núp đâu đó, giựt dây một lần.

Mỗi lần lưới khép hai cánh lại là hàng mấy mươi con chim sẻ phải vòng lao lý.

Châu ôi! Tối tối, trên các tửu lâu, những con chim sẻ trần lông nhảy tưng bừng trong những chảo mỡ sôi để cho các bạn nhai cho beo béo dòn dòn là những con vật khi sáng đang yêu đời, vui sống và yêu đương ở vào góc phố Sàigòn vậy.

Đây là một cuộc tàn sát khổng lồ vì họ bắt hằng ngày hằng trăm hằng ngàn con chim sẻ một cách dễ dàng.

Có người nói: “Đáng kiếp cho lũ chim sẻ chúng ngu quá. Cái gì mà hàng trăm con vừa sa lưới nửa tiếng đồng hồ trước thì nửa tiếng đồng hồ sau hàng trăm con khác nhảy vào nạp mạng!”.

Nhưng không phải là chúng ngu bạn à! Đó là hình ảnh cuộc đời, hình ảnh thảm thương và kinh khủng nhất của cuộc vật lộn tranh sống.

Lắm khi thấy cái chết trước mắt, ta vẫn phải lăn xả vào để tìm cái ăn. Ăn cho no rồi chết cũng mát ruột. Không ăn cũng chết kia mà!

Bác tài xế trong “Lương bổng sợ hãi” lại không ngán phải nát thân khi rủi ro chất dữ mà bác ta chở trên xe phát nổ à?

Anh công nhân quét dọn trong bệnh viện chữa những chứng bệnh truyền nhiễm lại không sợ hãi vi trùng à?

Chim sẻ không cảm tử đáp xuống các đống rác, không lẽ lại đáp xuống những hàng vải quanh chợ Bến Thành?

Chim ơi, nên về rừng, về thôn quê, địa hạt riêng của các bạn. Ơ đây là đất của loài người. Họ tranh sống quyết liệt quá không sao tránh đụng chạm tới các bạn được, mặc dầu họ không thù hằn gì các bạn.

Ở đây bạn hót chẳng ai buồn nghe, người ta chỉ thích nghe tiếng thịt của các bạn xèo xèo trong chảo mỡ thôi.

1957

Trở  Về

Tìm Kiếm