…..
NHỮNG MỐC ĐIỂM TRONG HÀNH TRÌNH TRIẾT HỌC
CỦA GIÁO SƯ KIM ĐỊNH
Lm: Trần Công Nghị
Để hiểu rõ hơn về con người linh mục và là triết gia Kim Định, một người được coi là đã cống hiến cả cuộc đời đi tìm một nền triết thuyết siêu việt của Việt Nam, khởi đầu đi từ quan niệm “Cửa Khổng” rồi tới “Việt Nho” “An Vi” và sau cùng là “Thái Bình Minh Triết”, tôi xin lược trình về những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của vị thầy khả kính này.
Tôi có dịp may mắn là trong những năm cuối đời của LM Kim Định, tôi được sống bên cạnh ngài một thời gian, và đã nhiều nhiều lần bàn luận và được ngài soi sáng về nhân sinh quan, luận thuyết và triết thuyết của ngài. Nét nổi bật nhất trong những năm cuối đời, LM Kim Định càng khẳng định rõ nét hơn về luận chứng triết thuyết “nhị trùng”, nét đặc trưng thái hòa của thuyết An-Vi, không những là đặc tính của giống Tiên Rồng.
Trong thời gian ở với tôi, tôi mới nhận ra ngài là một học giả rất thông đạt về nhiều lãnh vực, và rất chăm đọc sách. Tôi càng lạ lùng hơn nữa khi thấy những vấn đề chuyên môn không nhất thiết thuộc khoa triết học, nhưng LM Kim Định cũng say sưa đọc và lại còn thông suốt tường tận. Tỉ dụ như hai môn có liên quan đến chuyên khoa của tôi là khoa xã hội học tôn giáo (sociology of religions), và nhân chủng học (anthropology), ngài cũng thấu tường với những lý luận sắc bén. Thêm vào đó ngài còn tra cứu những sách vở liên quan tới khoa cổ học (archeology).
Qua những nghiên cứu này Triết gia Kim Định không những đã tổng quát hóa hệ thống triết lý của mình mà còn có tham vọng nhìn thống suốt hơn về hệ thống này. Giờ đây nó không chỉ còn là Việt Nho (vượt trên ảnh hưởng của Tầu) mà còn lan sang tới nguồn gốc từ các nền văn hóa Nam Mỹ, và tỏa rộng tới nguồn gốc chung của các hải đảo Thái Bình Dương. Thế nên 3 cuốn sách cuối cùng trong đời của Ngài mới có tên là “Thái Bình Minh Triết I, II, III”, mà chính ngài đã trao cho tôi để xuất bản.
Thái Bình không chỉ hạn hẹp trong ý nghĩa An Vi mà còn mang ý nghĩa Triết Thuyết Nhị Trùng Việt Nho siêu việt ngay trên cả các văn hóa cổ đại và có mẫu số chung ở Thái Bình Dương.
Tác giả Kim-Định qua những luận chứng về cuối đời cũng cho thấy rằng triết thuyết siêu việt của Việt Nam xứng đáng là Thái Nho chi đạo cho “Đạo Trường Chung Đông Á” nữa.
Ước vọng lớn lao nhất của Kim Định là muốn liên kết với các tôn giáo Việt Nam tại hải ngoại hầu cứu quốc và thiết lập di bảo “Kinh Việt” (1) sau khi đã cảm thấy thất vọng vì những phong trào chính trị không đủ sức và thế giả để qui tụ quần chúng trong việc phục hưng đất nước Việt Nam.
Trong thời gian sống tại Garden Grove, LM Kim Định đã từng có nhiều lần trao đổi nỗi niềm thao thức này với các vị lãnh đạo các tôn giáo, tuy nhiên sự liên kết này cũng không tạo được khí thế vì các đoàn thể và giáo hội các tôn giáo khi đó còn đang có những vướng mắc cục bộ trong việc đoàn kết và hoàn cảnh cũng không mấy thuận tiện.
Dầu vậy giáo sư Kim Định đã dùng những tháng năm cuối đời luôn khuyến khích mọi người nên đoàn kết và lo cho dân nước. Đây không chỉ là một bổn phận công dân mà còn là một sứ mạng cao quí của các tôn giáo, ngay với cả người Công giáo.
Để thấy qua được những bước quan trọng đánh dấu sự chuyển bước từ từ trong lý thuyết Việt Nho, chúng ta hãy thử đi qua lại những mốc điễm trong cuộc đời của triết gia Kim Định như sau:
Năm 1945, ngài viết tác phẩm đầu tay nhan đề “Duy vật duy thực”, sở dĩ tôi biết được về quyển sách này là chính ngài đã nói cho tôi biết. Về nội dung quyển sách này, LM Kim Định đã tóm tắt như sau: cuốn sách nhằm phê bình chủ nghĩa cộng sản và chủ thuyết Karl Marx. Cũng vì đây là thời điểm Cộng Sản Việt Nam đang thúc đẩy quần chúng miền Bắc ủng hộ cho Đảng Cộng Sản, nên sách này đã một thời làm rung động hàng ngũ chính trị bộ cộng sản. Bị theo dõi gắt gao, nên bắt buộc Đức Giám Mục của ngài phải sai ngài bỏ nước ra đi và sang du học tại Pháp.
Chính trong thời gian “lưu đầy” tại Paris, đang khi học tại học viện Institut Catholique de Paris, có giờ và sẵn có phương tiện là thư viện quốc gia Paris, văn khố sử liệu về Việt Nam tại Missions Etrangères de Paris, lại thêm theo học tại Học viện Cao Học Hán văn tại Paris mà linh mục Lương Kim Định đã tìm ra được “kho tàng chôn dấu” của nguồn gốc Việt tộc. Ngài đã từng tâm sự với tôi: “muốn thấy và biết được cho suốt, thì phải đi về triết, nghĩa là phân tích đến cùng cực, thì nhận ra ngay là mọi cái sẽ đơn giản,. Triết Tây chỉ thấy hoăc có hoăc không, ngay cả phía Á châu như Ấn độ cũng vậy, chỉ là hư ảo hoặc hiện thực. Việt Nam ta chẳng những thấy mà còn hơn thế vẫn sống trong cái có và không, ẩn số đó, cái chìa khóa mở ra trong các câu truyện nhân gian và qua huyền thoại, qua di tích Trống Đồng, có và không là cặp bài trùng, âm dương hòa hợp”.
Khi về nước và bắt đầu dạy học, trong những năm đầu của thập niên 1960, không sinh viên Đại học nào thời kì đó mà lại không nghe tới cái tên là lạ “Cửa Khổng” và “Chữ Thời”. Hai cuốn sách này là một hiến chương mới để cho một thế hệ mới tìm lại nguồn và hãnh diện về nguồn gốc của mình. Lúc đầu nghe tiếng súng lệnh Kim Định phê bình bắn thẳng vào Khổng học, cho là lạc hậu và còn trệch đường Nguyên Nho, ai cũng lạ lẫm và ngột ngạt, hỏi Kim Định là ai? Nhưng rồi dần dà quen đi. Phát súng thứ hai là “Nhân Bản” và “Nguồn gốc Văn hóa Việt Nam” Kim Định đã tạo được lòng tin tưởng, một cách nào đó, ngài cho rằng “văn hóa của Bách Việt, trong đó Việt tộc và cơ cấu Việt Nho, (phát nguồn trước Hán Nho) mới là chính nguồn, có khi còn vượt trội và đi trước cả văn hóa Tầu”. Có điều “không thành văn mà thôi, nhưng vẫn tiềm tàng qua ý thức hệ và qua nét đặc trưng chôn sâu trong các “Loa Thành đồ thuyết” và cơ bản để hiểu triết thuyết này là “Việt Lý tố nguyên” và nhất thiết nên tự hào là chúng ta có “Kinh hùng khải triết”, “Hùng Việt Sử Ca” và “Sứ Điệp Trống Đồng”.
Trong thời gian trên ghế đại học, linh mục Kim-Định luôn luôn nhắc nhở cho thế hệ trẻ về nguồn gốc linh thiêng của Việt tộc, không những ngài chỉ trước tác, nghiên cứu triết thuyết Việt Nho, văn hóa Việt Nam, mà còn cố gắng muốn cải tổ nền giáo dục Việt nam. Những cuốn sách như “Nhân Chủ” “Vấn đề Quốc Học”, “Vũ Trụ Nhân Linh” và “Triết Lý Giáo Dục” là những cố gắng không ngừng để nhắm hướng cho một nền giáo dục nhân bản, linh thiêng, căn bản cho Việt nam mà không trật đường của tổ tiên.
Biến cố 1975, đã đưa ngài sang Hoa Kì, trong 10 năm đầu sống tại nhà bà con ở San Jose, California. Thời gian này, linh mục Kim Định thu thập và cố gắng cho in lại một số những tác phẩm đã xuất bản trước tại Việt Nam, cho nhu cầu của những học trò cũ và những người ái mộ. Trong khi đó, ngài liên lạc một số các đệ tử cũ và phát động các nhóm An-Vi, với mục đích phổ biến triết thuyết Thái Nho và tụ hội những người có chí hướng để tạo cơ hội sống theo tinh thần của An-Vi. Đồng thời, linh mục không ngừng học hỏi và đọc sách thêm. Sự tiếp xúc thêm với một nền văn minh tư bản và sức sống trẻ trung cường tráng của thế giới Hoa Kì đã cho ngài thấy được “sức mạnh của tư bản” là phi thường. Tuy nhiên, tư bản cho con người tự do, cho động lực vươn lên, cho cơm áo và hạnh phúc, mà vẫn không giải quyết vấn đề gốc rễ. Văn minh tư bản của Mỹ được ngài ví như các “cheer-leader” mà thôi. Nó trẻ, nó đẹp, nó mạnh, có sức hút lôi cuốn và đạt được mục tiêu là làm cho người vui tươi. Nhưng chỉ là “ngoài da”, có bộ diện mà chưa thấm vào trong tim, hay có một chủ điểm nào làm trụ căn bản có thể xây dựng tương lai lâu bền.
Cuối năm 1984, ngài về sống mấy tháng với tôi tại trụ sở của Văn Phòng Nghiên Cứu Xã Hội ở Garden Grove, do Văn Phòng Mục Vụ Di Dân của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kì tài trợ trong một chương trình ngắn hạn một năm để nghiên cứu về các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kì, do chính tôi đảm trách. Trong thời gian này, linh mục Kim Định đã gặp rất nhiều các thân hữu, các nhóm, các học trò cũ và phát động hẳn chương trình lối sống An-Vi. Đây cũng là thời gian linh mục Kim Định bắt đầu làm quen với máy điện toán và bắt đầu viết lại những suy tư và nghiên cứu của mình. Từ năm 1984 tới 1989 Ngài đã viết 4 tập sách, và đã trao cho tôi phó bản điện toán mà hiện tôi còn đang giữ. Bốn bộ sách mới đó là “Thái Bình Minh Triết”, tập I, tập II, và tập III. Và “Cẩm nang An-Vi” (Hiện tại tôi đã đưa lên internet những tác phẩm mới nhất của Cha Kim-Định, muốn đọc xim bấm địa chỉ như sau:http://vietcatholic.net/kimdinh
Từ năm 1987 tới 1992, linh mục Kim Định về hưu dưỡng tại trụ sở hưu dưỡng của linh mục Vũ Đình Trác ở Garden Grove. Thời gian này sống gần thủ đô của người Việt tị nạn, nên các nhóm văn hóa, tôn giáo và chính trị cũng tới để mời ngài tham gia vào công cuộc phục hưng đất nước. Thấy rằng việc phục quốc là bổn phận công dân cho nên linh mục Kim Định đã đứng ra hô hào sự đoàn kết tôn giáo và các đảng phái chính trị. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh vội vã, vì thiếu nhân lực, thiếu điều kiện, lại thêm một số người làm chính trị thời cơ nhảy vô, cho nên chiều hướng chính trị đưa đến việc phục quốc không mang được khí thế xứng đáng với ước mong và tiềm năng của ngài; nên ngay sau khi khởi xướng việc phục quốc đã bất thành. Sau đó chỉ còn lại một số những người tha thiết với triết thuyết của ngài là kiên trì trong sứ mạng rao truyền sứ điệp An-vi và phong trào Việt Linh.
Đối với các lực lượng tôn giáo, với lá thư “Nói với Liên đoàn Công Giáo”, thư gửi các Tôn giáo ” Tôn giáo với việc phục Việt” và lá thư “Ngỏ lời cùng đồng bào lương giáo về vấn đề cứu quốc”, cũng như bài viết “Cứu quốc”, là những tha thiết cuối cùng, hay là những di huấn về sự đoàn kết thống nhất không những để cứu quốc mà còn là lưu truyền tinh thần hồn thiêng của tổ tiên trong Minh Triết Trống Đồng và phác họa một đường hướng văn hóa trong “Gậy Thần và Đạo Thất”, lí thuyết tổng hợp cho một nền văn hóa siêu việt của người Việt. Tiếng vọng cuối cùng được nhìn theo một chiều hướng bao quát rộng lớn của “Đạo trường chung cho Đông Nam Á châu” mà ngài đã phát biểu vào năm 1987 tại Hội nghị Quốc tế về Khổng Học với Thế giới ngày nay (International Symposium on Confucianism and the Modern World) tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan, quy tụ 400 học giả khắp thế giới.
Từ 1992-1997, vì tuổi già sức yếu, bán thân bất toại, nên ngài đã về hưu dưỡng tại Dòng Đồng Công, Carthage, Missouri, USA. Và ngày 23-3-1997 đã tạ thế tại đây.
Về triết thuyết của triết gia Kim-Định, chúng ta có thể tạm chia ra làm 4 giai đoạn như sau:
1. Thời kì khai sinh và tạo dựng Việt Nho (1958-1975):
Năm 1958, giáo sư Kim Định bắt đầu dạy triết Đông tại Đại học viện Lê Bảo Tịnh, Gia Định. Năm 1960 bắt đầu dạy triết Đông tại Đại học Văn khoa Sàigòn, đồng thời cho ra mắt những cuốn sách giới thiệu về Việt Nho. Linh mục Vũ Đình Trác viết như sau:
“Nhờ công phu mở đường trở về triết Đông của giáo sư Bửu Dưỡng và Nguyễn Văn Thích cũng như tâm huyết của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, chương trình triết học Đông Phương được khai giảng tại Đại học Văn Khoa Sàigòn năm 1958. Sẵn đường trở về Đông phương, giáo sư Lương Kim Định tiện đường, đơn thương độc mã, ông lên một nước táo bạo, mở đường đi vào Triết lâm Việt Nam. Trong suốt 16 năm trời, tại giảng đường Đại học Văn Khoa Sàigòn, giáo sư đã ảnh hưởng sâu rộng cho cả một thế hệ thanh niên và sinh viên. Mặc dầu bao chống đối, ông đã im lặng xây dựng một hệ thống Việt Nho khá trung thực và hấp dẫn. Không ai có thể chối cãi công phu xây dựng và ảnh hưởng sâu rộng của ông trong lãnh vực văn hóa dân tộc. Từ Đại học Văn khoa Sàigòn, ông mở rộng mặt trận tới các Đại học khác: Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Thành Nhân và An Giang. Chính trong giai đoạn này ông đã sáng lập chủ thuyết AN VI và VIỆT NHO.”
2. Giai đoạn tạm cư tại San Jose (1975-1984)
Trong khoảng thời gian này giáo sư Kim-Định thu thập lại những tài liệu cũ và cho tái bản tại Hoa Kì một số sách đã viết trước tại Việt Nam, đồng thời cũng cho xuất bản thêm một số những sách mới như : “Hùng Việt sử ca”, “Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc”, “Hoa Kỳ và thế chiến lược toàn cầu” (The United States and the global strategy), và “Cẩm nang An Vi”.
Nhờ có thời giờ đọc sách và tra cứu thêm, cho nên chúng ta cũng thấy cái nhìn của giáo sư Kim Định mở thêm một bước mới trong tiến trình triết thuyết Việt Nho, sâu cạnh hơn, sắc nét hơn, bao trùm hơn. Từ chỗ ưu việt của Việt Nho lên đến hàng Thái Nho. Triết thuyết của Trống đồng Việt tộc và Hùng Việt sử cương không những chỉ là đầu giây mối nhợ cho ta hiểu về văn hóa của mình và Tầu mà còn cho thấy Nho việt mới xứng đáng là Thái Nho, nguồn gốc sinh ra văn hóa miền Đông Nam Á.
3. Giai đoạn tiến tới Thái bình Minh Triết (1984-1992)
Khi tra cứu về cổ học, văn hóa, nhân chủng học và xã hội của miền Đông Nam Á và Thái Bình Dương, linh mục Kim Định cũng thấy rằng, nguồn gốc Tiên Rồng Việt Nam, cũng có những nét đăc trưng tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương và ngay cả Nam Mỹ châu với những tục vẽ mình, thờ thần chim của văn hóa Atecs, tuy nhiên khi so sánh về tính cách phát hiện ở mức văn hóa và triết thuyết thì Việt nam vẫn trổi vượt hơn nhiều, xứng đáng dẫn đầu trong “Đạo trường chung cho người Đông Á”. Giáo sư Kim Định viết như sau:
“Thế là ta biết được nguồn gốc tiên rồng của Lạc Việt là sự thăng hoa của lễ điểm đạo trải ra nhiều đợt biến chuyển, mà vật tổ chứng nhận là Thao Thiết, là ma kà rồng có trang sức lông chim, bên Mỹ châu nơi Toltec và Astec là Thiên vũ xà ( Quetzalcoatle= bird serpent.) Người da đỏ vào Mỹ trước đây quãng từ 12-31 thề kỷ trước Tây lịch, thế mà đã có yếu tố để thành hình thiên vũ xà thì ta biết gốc tiên rồng cố đã lâu đời đền chừng nào. Căn cứ vào Thao Thiết mà trước nay quen qui cho tộc Thương thì rõ ràng là văn hoá Thái Bình Dương đã có mặt ở trên miền bắc đó.” Trích thái Bình Minh Triết tập I, chương 6.
Khi so sánh văn hóa Thái Bình Dương, văn hóa Toltec và Atecs với Việt Nam, giáo sư Kim-Định nhận định như sau:
“Quan sát văn hoá Thái Bình Dương ta thấy sự bạo hành trong lễ Điểm Đạo chỉ là ngọai lệ, còn nói chung thì đều đi lối âm nhu theo đường nhân chủ và đã thăng hoa ra lễ thành đinh nơi Lạc Việt, tức là lúc ngươì trai trẻ chấm hết tuổi Xuân xanh để bước vào thời Đinh tráng. Trong lễ không hề có đánh đập mà chỉ có các cuộc thi: thi trèo cây, thi chạy, thi vừa chạy vừa nấu cơm vv Đến lễ gia quan thì đã thăng hoa cùng cực; chỉ còn có những lời cha nói với con cách hòn tàn an vi nhân chủ như: “Cư thiên hạ chi quảng cư. Lập thiên hạ chi chính đạo. Phú quí bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy võ bất năng khuất” Tuyệt nhiên không một lời hưá hẹn hay đe loi nào. Nhân chủ đến vậy là cùng cực. Trong nghĩa tương đối ta có thể gọi đây là thời vàng son của con người. Ngoài xã hội không có chế độ nô lệ, không có vô sản. Trong gia đình có lể nghi trao lại quyền tự chủ cho con cái đến tuổi trưởng thành” – Thái Bình Minh Triết tập I, chương 6. Số 28.
4. Giai đoạn kêu gọi lập một Nước Việt Nam linh thiêng và thiết lập Kinh Việt (1984-1992)
Với những cố gắng tổ chức các nhóm An-Vi, phong trào Việt Linh, và các sự liên kết các tôn giáo Việt Nam tại hải ngoại hầu cứu quốc và thiết lập di bảo “Kinh Việt”, giáo sư Kim định đã dùng những tháng năm cuối khuyến mọi người nên đoàn kết và lo cho dân nước. Đây không chỉ là một bổn phận công dân mà còn là một sứ mạng cao quí của tôn giáo, ngay với cả người Công giáo, linh mục Kim Định viết:
“Do mối ưu tư giống với của LĐCGVN là đối vơi quê hương đất nước đang trải qua tai họa vô tiền khóang hậu như nay thì tôi phải làm gì cho ổn với lương tâm người công giáo Việt nam. Cầu nguyện chăng? Nhất định rồi nhưng như thế mới may ra xong vai Thiên Chúa. Còn vai tổ quốc thì sao? Tôi không hề bao giờ nghĩ đến ruồng bỏ làm người Việt nam. Vậy thì quê hương Việt nam tôi đang sắp tiêu trầm, thì chắc chắn tôi không được ngồi nhìn dửng dưng coi như chẳng có truyện chi xảy ra cả. Tôi phải đi tìm người đồng tâm đồng chí để cùng nhau đặt kế hoạch làm cho quê hương một cái gì.” Bức thư “Nói với Liên đoàn Công giáo VN”, 1988
Linh mục Kim Định đề ra:
“Bóng dáng của đòan người Việt lưu vong là thế, một thực thể lộn xộn phức tạp, một hiện tượng lúc nhúc những cá thể, với một mối tình tuyền dã vi vu về quê hương đất nước nhưng thiếu thống nhất, nên thiếu năng lực. Nay nếu ta muốn nó trở nên một thực thể của hồn thiêng sông núi có đầy đủ sức mạnh thì cần phải lôi nó lên mặt ý thức và ghim nó vào vài tụ điểm hơn kém như sau: một là học về triết Việt. Hai là thiết lập quĩ Mẹ để thay cho quê Mẹ hiện giờ ta phải tạm lià xa.” – Nói với Liên Đoàn Công giáo VN., số 3.
Đối với các Tôn Giáo bạn, linh mục ngỏ lời:
“Với hoàn cảnh đồng bào ta nay: lưu vong và mất nước thì chưa cần phải tích cực chia rẽ cũng đã có thể trở nên tai họa cho dân nước rồi, nếu cứ tiếp tục dồn hết sinh lực vào việc xây dựng riêng cho tôn giáo mình. Với 14 năm qua thì điều đó còn tạm được, vì cần thiết phải có nơi phượng thờ tối thiểu. Đàng khác cũng cần có giờ cho các đảng phái, đoàn hội thử sức. Nhưng đến nay thì những điều đó đã xong, mà nếu còn cứ tiếp tục như trước, để việc nước chẳng còn mấy người lo thì đó sẽ là một tai họa khủng khiếp cho dân tộc: vì hi vọng thoát khỏi họa diệt vong còn rất mong manh. Khi còn ở trong nước thì việc lo riêng như thế không sao hết, bởi việc nước đã có chính quyền và quốc hội lo, còn dân chúng thì đã có lo bằng nộp thuế và đi quân dịch rồi, nên ai nấy có lo cho tôn giáo riêng mình thì không thiệt gì cho dân nước…
Vì vậy dám mong các tôn giáo hãy đặc biệt chú ý đến việc xây đắp quê hương dân tộc. Xin hãy coi đó như một sứ mạng thiêng liêng. Xưa nước còn thì chính phủ phải lo. Nay nước đã mất thì đên lượt các vị lãnh đạo tinh thần hãy tạm thời đảm trách.” Thư gửi các tôn giáo Bạn, năm 1989.
Linh mục Kim Định ngậm ngùi nghĩ tới tiền đồ dân tộc:
“Nhất là đối với tôi thì có còn nước mới còn đạo (chữ đạo ở đây có nhiều nghĩa: tôn giáo, tự do tôn giáo và nhất là Đạo làm người của tiên tổ), và nước sẽ mất ngày nào người Vịệt đem đầu tư hầu hết tâm hồn ra ngọai lai, còn để lại cho quê nước quá ít, không đủ sức giữ thăng bằng thì tất nhiên nước phải sụp đổ. Đột nhiên một buổi sáng kia cách đây trên ba mươi năm, tôi cảm nhận điều này cách thấm thía, nó làm cho tôi đổi hướng họat động và ngày 30/4/75 khi tai họa sụp xuống thì từ đấy một suối bất tận nước mắt cứ tuôn trào ra như từ muôn con tim thổn thức của tiên tổ, không cho tôi giảng gỉai gì được nữa. Cứ đang nói là nước mắt tuôn trào, tôi rất xấu hổ mà không làm cách chi cằm lại được.”
Mục đích của Việt Linh – một nước Việt Nam linh thiêng:
“Đấy là lý do Việt linh ra đời nhằm đòan tụ người Việt lại thành một khối. Mẫu số chung là Đạo ông Bà, nói cho rộng là Gia tiên Quốc tổ. Khi kiến tạo được Đạo Thất nào thì đều phải lập bàn thờ Gia tiên quốc tổ trong nhà. Đó là điểm tụ cụ thể của hào khí anh linh, của hồn thiêng sông núi, đã được thu thập và hệ thống hóa thành Bộ Sách Dân Tộc gồm đủ 25 sách để trám vào bộ sách tổ tiên đã bị thất lạc tên là: “Tam phần. Ngũ điển. Bát sách. Cửu khâu”. Khóm Tam Phần sẽ bắt đầu ra từ cuối năm nay và cao điểm sẽ là mùa hè 199O tại London, do An Việt Bắc Âu tổ chức (có thể đại hội tòan cầu bên đó chăng). Gọi là cao điểm vì sẽ dùng dịp này giới thiệu triết Việt với thế giới. Ban dịch thuật đang làm việc ráo riết để kịp thời. Tên sách là “Thái Bình Minh Triết I, II, III”. Gọi thế cho hợp nguồn gốc nước ta phát nguyên từ biển cả: quốc tổ là Tiên Rồng . Tiên biểu thị bằng chim biển là hải âu (Âu Cơ tổ mẫu). Còn rồng là Lạc Long Quân ở dưới thủy phủ. Vì quốc tổ phát xuất từ nước, nên tiền nhân gọi quê hương bằng những tên Nước: non nước, sông núi, giang sơn…Tóm lại là Nước Việt Nam nắm giữ mọi điển chương lớn của Thái Bình Minh Triết.” Cẩm Nang An-Vi, 1989
Nhận định về địa vị của giáo sư Kim Định trên trường Việt Nho Việt Triết – linh mục Vũ đình Trác viết như sau:
“Nhờ công khai thác và biên khảo, sáng tác của giáo sư, những bậc thức giả khắp nơi đã suy tôn ông là Triết gia Việt Nam.
Anh hưởng Việt Triết và Việt Nho của ông đã gây ý thức cho người Việt khắp nơi nhìn lại thực tại văn hóa của mình. Các đồ đệ của ông đã đáp ứng nguyện vọng của Thầy để khai thác và phổ biến Việt Lý của Thầy qua tổ chức AN VI. Các nhóm An Vi được thành lập khắp nơi: San Jose, Orange, Houston, Louisiana, Washington, D.C., Philadelphia, Seattle, và tại Canada, Uc Châu, Anh, Pháp, Đức v.v…An Vi đã như một luồng gió dân tộc bùng lên khắp nơi có người Việt định cư.
Các nhóm này coi Triết gia Kim Định như bậc Đại Sư, mà họ tôn làm Tổ: TỔ SƯ AN VI. Ảnh hưởng của Triết gia không những thế, mà còn lan rộng tới các học giả, triết gia ngoại quốc: Âu Mỹ và khối Viễn Đông.
Năm 1987 Hội nghị Quốc tế về Khổng Học với Thế giới ngày nay (International Symposium on Confucianism and the Modern World) tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan, quy tụ 400 học giả khắp thế giới. Triết gia Kim Định cùng với Lm Vũ Đình Trác* được mời tham dự hội nghị với tư cách “đại biểu Nho Lâm Việt Nam tại Hoa Kỳ”. Nơi đây, GS Kim Định đã thuyết trình đề tài “Đạo trường Chung cho Đông Nam Á Châu” (A Tao-Field for East Asia). Bài tham luận do Giáo sư Trần Văn Đoàn trình bày. Đề tài này đã gây tiếng vang lớn trong giới Nho Lâm Á Châu”.
Sau đó ông còn tham dự Hội nghị Triết học (The World Congress of Philosophy) tại Brighton, Anh Quốc năm 1988. Hội nghị Triết học Á Châu và Bắc Phi (The XXXIII International Conference on Asian and North African Studies) tại Toronto, Canada năm 1990. Ong vẫn nói với các đồ đệ: Thầy phải đi để nói cho thế giới biết con người, tư duy và đạo sống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Đại học Georgetown, Washington D.C., viết về GS Kim Định trong báo Ngày Nay số 121:
“Trong nỗ lực đi tìm một con đường Việt tộc, nhân chủ, tự do, thì chúng ta phải kể ở hàng đầu công trình đồ sộ của Linh mục Kim Định. Ở đâu ông cũng thế, không phải sang Mỹ ông mới tìm “về nguồn”. Việc làm của ông trong một tình cảnh mất mát vô biên, chẳng qua cũng chỉ là nối tiếp công việc của ông đã bắt đầu khi còn ở trong nước, khi còn ở Miền Nam tự do. Từ năm 1962 tới nay, ông đã hoàn tất được 23 cuốn triết học, tương đương với 7000 trang một mảng tư tưởng mà không dễ mấy triết gia có thể so sánh được. Sự độc đáo ở nơi ông cũng đã là một truyện quá rõ – dầu ta có đồng ý với ông hay không, thì ta cũng không thể phủ nhận được tính cách độc đáo của tư tưởng ông.
Ngày nay tham vọng cuối cùng của Linh mục Kim Định là sẽ dựng xong một bộ kinh (hiểu theo nghĩa “bible”) cho dân tộc ta. Để thực hiện tham vọng này, ông đã cho in lại hoặc đang in năm cuốn thuộc bộ “Ngũ Kinh Khải Triết”, đó là: Hùng Việt sử ca, Kinh Hùng khải triết, Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc, Sứ điệp Trống Đồng, Văn Lang vũ bộ (số lớn do nhà in H.T.Kelton xuất bản). Nếu ai hỏi tôi rằng có nên đọc hay không, thì tôi xin thưa ngay: dứt khoát là có. Tại sao – Tại vì nếu ta không nhất thiết đồng ý với hết cả ý kiến của ông, ta cũng sẽ được làm thân với một trong những bộ óc triết lý lớn nhất nếu không của nhân loại thì cũng của Việt Nam. Tôi nói điều này trong sự cân nhắc, cũng không khác gì câu tôi sẽ trả lời cho người nào hỏi: có nên đọc Platon hay Aristote không? Đã nhất thiết gì ta đồng ý với Platon trong tác phẩm La République, nhưng ai không đọc tác phẩm đó, thì chắc chắn mất đi một mảng hiểu biết rộng lớn về triết học Tây Phương. Cũng như vậy, ai không đọc Kim Định cũng không sao, ông sẽ từ tốn mà “an vi”, để chờ một ngày kia người nọ sẽ tỉnh mộng mà trông thấy hết cả cái mất mát của mình”
Để kết luận cho bài viết này, tôi xin tóm kết bằng chính những lời của linh mục Kim định viết trong bài dẫn nhập cho Ba Tập Thái bình Minh Triết (sẽ được xuất bản nay mai), mà tôi hân hạnh được linh mục trao cho phó bản điện toán ngài đã đánh máy, như sau:
“Nhưng còn một điều có lẽ cần hơn hết cho thời đại đang bị khủng hoảng văn hóa như ta, đó là hệ thống cơ cấu uyên nguyên của nền văn hóa đó, hay nói khác là cái cốt tuỷ nền Minh Triết của tiên tổ loài người chúng ta ra sao. Cái gì đã làm cho các ngài lưu lại được cho con cháu một kỷ niệm về hoàng kim thời đại. Hãy cứ gỉa sử có thực đi thì cái gì làm nên hoàng kim nọ. Đó là điều các triết gia đông tây kim cổ đã rán sức mà vẫn chưa tìm ra. Vậy mà điều ấy có rồi đó đã được tiên tổ ghi lai bằng những dấu hiệu với những đồ biểu thực chói chang, chỉ cần đọc ra được. Chúng tôi sẽ thử làm điều đó trong ba quyển Thái Bình Minh Triết I, II, III. Trừ quyển III diễn bằng nghệ thuật là nói thẳng về Thái Bình, còn hai quyển trước tuy nói về Thái Bình nhưng nói xuyên qua Việt nho, bởi vì đó là ngành đã được biết tơí nhiều, và vì về đàng Minh Triết thì đại đồng tiểu dị, nên học một ngành đã biết đến nhiều thì có nhiều cơ may có được tiêu điểm tìm ra các ngành khác “ab uno disce omnes”, nên tuy nói về Việt nho mà thực tế thì phần lớn là nói về những yếu tố Thái Bình dương trong Việt nho, nên kể là một công hai việc: vừa nói về Thái nho vừa chứng minh Thái nho được hiện thực trong Việt nho.”
Viết tại Burbank, California ngày 28-3-1997, để tưởng niệm Triết gia Kim-Định
——
(1) Chú thích về cuốn “Kinh Việt”: Ước mong của LM Kim Định là muốn hoàn thành một bộ “Kinh Việt”, trong đó muốn qui tụ nhiều học giả và nhiều nhà nghiên cứu lại với nhau để viết và đóng góp tất cả di sản văn hóa và truyền thống của Việt Nam để làm di sản cho con cháu sau này. Cuốn Kinh Việt này dự tính sẽ gồm 25 tập, có thể nói là Kinh Thánh của Việt Nam, giống như Kinh Thánh của người Do Thái là kim chỉ nam cho đời sống của người Do Thái vậy. Ước vọng nóng bỏng này đã được Kim Định miệt mài làm việc trong gần 10 năm cuối đời. Và như tôi biết là tất cả dàn bài và những tài liệu này ngài đã đánh máy vào trong chiếc computer của Ngài. Thế nhưng tiếc thay, sau khi ngài chết đi, chiếc computer đó đã được di chuyển một cách vội vã, nên 3 tháng sau khi ngài chết, tôi có đến gặp người trong gia đình của ngài để muốn khám phá về những tài liệu này, nhưng tiếc thay, ổ đĩa cừng đã bị hỏng, nên không lấy được tài liệu nào cả! Thật là một tiếc xót lớn lao!!! (Chú thích này được thêm vào ngày 28/3/2005)
Tác giả Lm. Trần Công Nghị
( nguồn: dunglac.org )