Lê Việt Thường

NHỮNG NGỘ NHẬN  LÂU ĐỜI VỀ NHO GIÁO 

 PHẦN HAI

III) TRẬN TUYẾN “VIỆT NHO – HÁN NHO”

A) LỊCH SỬ TỔNG QUÁT

Sau nhà Tần là:

NHÀ HÁN gồm Tiền Hán (-206 : + 9), Vương Mãn (9-24) và Hậu Hán (25-220)

Nhà Hán cũng phát xuất từ Tứ Di, miền Giang Tô. Khi mới lên ngôi còn tế Ly Vưu và xưng mình là Hán Man. Chữ “Hán” (có lẽ bắt nguồn từ “Tên” con sông Hán) chỉ là hình dung từ còn có nghĩa “cao sang, vinh hiển”, chứ không là tên dòng họ, y như chữ “Hạ” và “Hoa” đều thế. Vì Tàu chỉ từ Tứ Di phát xuất chứ không có dòng tộc riêng nên không có tên riêng…..Điều này đã trở thành hiển nhiên khi xem mấy vị Thủy Tổ như Phục Hy, Nữ Oa đều xuất phát từ Di (miền Châu Từ, sông Hoài) (38)

Điểm đặc sắc của AN VI ở đây là Cố Triết Gia đã phân biệt được sự khác biệt giữa Việt Nho và Hán Nho, nên giải quyết được vấn đề từng làm nhức đầu nhiều nhà nghiên cứu liên quan đến những Mâu Thuẫn được tìm thấy trong Nho Giáo.

Thật vậy, bên cạnh những giá trị “Vượt Thời Không” phát xuất từ một nền Nhân Bản Tâm Linh tinh tuyền nhất nhằm giải phóng con người ra khỏi những thế lực “u tối” đàn áp nó do sự ngu dốt gây ra vì lối suy nghĩ Một Chiều bắt nguồn từ tình trạng mê tín dị đoan hay đầu óc ý thức hệ, hoặc bên cạnh những giá trị đáng được trân quý phát xuất từ một nền Đạo Lý Tu Thân dựa trên Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín hoặc từ một nền Vương Đạo với các nguyên tắc “Cử Hiền, “Giáo Chi”, “Phú Chi”, “Lễ Trị” và “Chữ Tín” mà theo giới học giả quốc tế rất giống với tinh thần Dân Chủ ngày nay, do đó đã có ảnh hưởng quyết định ở thế kỷ XVIII trên các người Cha Tinh Thần của nền Dân Chủ Tây Phương như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Franklin, Jefferson……., thì đôi khi lại đi kèm với những yếu tố không được nhân bản lắm !

Phát kiến chính yếu của Cố Triết Gia ở đây là luận cứ cho rằng những giá trị thực sự Nhân Bản có giá trị “Vượt Thời Không” trong Nho Giáo bắt nguồn từ nền văn minh NÔNG NGHIỆP Nguyên Thủy do Việt Tộc sáng lập ra tại Viễn Đông. Còn những yếu tố “không được nhân bản lắm” có nguồn gốc DU MỤC Ngoại Lai, đặc biệt đến từ phía Tây Bắc, miền Lưỡng Hà, do người Tàu du nhập về sau.

Hán Nho ở đây có hai nghĩa:

_ nghĩa hẹp là loại Nho Giáo được thành hình với nhà Hán và phát triển từ thời nhà Hán

_ nghĩa rộng là loại Nho Giáo đã bị tiêm nhiễm những yếu tố Du Mục ngoại lai từ tận thời nhà Chu. Chỉ có điều là tính chất Du Mục được hiện rõ lên từ đời nhà Chu sẽ được phát triển tột cùng ở nhà Tần, rồi truyền qua nhà Hán để in dấu rõ rệt trên nền văn hóa nước Tàu.

Các yếu tố Du Mục đã được nhà Chu du nhập từ ngoài đã được đề cập ở trên là:

_ Luật Hình
_ Hoạn Quan
_ Quân đội chuyên nghiệp
_ Quan niệm về Thiên Mệnh và về nước Tàu như trung tâm của thiên hạ.
_ Sự chuyển từ tư sản Làng Xã qua tư sản Phong Kiến…..vvv…..

Đến thời Vũ Đế thì nhà Hán bắt đầu sử dụng Nho Giáo với Đổng Trọng Thư như công cụ củng cố quyền lực. Hán Vũ Đế sai Lưu Hâm sửa kinh sách cũ của cổ nhân , gọi là bí thư trong thư viện Thạch Cừ của triều đình. Các nhà Thái Học ở kinh đô đều phải dùng ngụy kinh ở thư viện Thạch Cừ. Sau này các triều đại của Tàu tiếp tục con đường của nhà Hán, cứ pha chế thêm các yếu tố của họ vào Nho, đó là tính chất DU MỤC phía Tây Bắc.(39) Và đó cũng là đầu mối của những điều Mâu Thuẫn trong Nho Giáo.

Ngoài ra lại có một số điểm được thêm thắt về sau như:

Câu “Trung thần bất sự nhị quân” (=tôi trung không thờ hai chúa). Nhiều người gán bừa cho Nho Giáo chủ trương trên. Nhưng có thực đúng như vậy hay không ? Nếu chịu tra cứu đàng hoàng thì họ sẽ nhận thấy là câu trên không “ăn nhằm” gì đến Nho Giáo và Khổng Tử cả!

Thật vậy, “Khổng Tử không để mình bị nô lệ với nhất, nhị, tam, tứ quân gì cả mà mục tiêu của Ngài là thi hành Đạo Lý. Đạo có cần “nhị quân” thì cứ “nhị quân”, như chính Ngài đã bỏ vua nước Lỗ để đi tìm “nhị quân”. Và Ngài đã ca ngợi Quản Trọng đã biết “Sự Nhị Quân” đặng có cơ hội phụng sự dân nước (LN XIV.17) (40)

Câu kế tiếp thường được trích dẫn là “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” (= vua bảo tôi chết mà tôi không chết là bất trung). Câu này của Thái Tử Phòng Tô, con Tần Thủy Hoàng, trả lời Mông Điềm khi vị Tướng này can Phòng Tô đừng chết ngay vì nghi là Sắc Lệnh do đám Triệu Cao, cận thần của Tần Thủy Hoàng giả mạo để bức tử Phòng Tô. Cho nên câu trên cũng không “ăn nhằm” gì với Nho Giáo cả!

Trái lại, tinh thần trung thực của Nho Giáo được biểu lộ chẳng hạn qua câu sau đây của Tuân Tử : “Tòng Đạo bất tòng quân, nhân chi đại hạnh giả” (= theo Đạo mà không theo vua, đó là đại hạnh của con người).
Hoặc câu “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (= vua phải lấy lễ để đối đãi với tôi thì tôi mới lấy trung mà thờ vua).
Như vậy, tương quan Vua-Tôi theo quan niệm Nho Giáo có tính cách Hai Chiều đối đãi đàng hoàng, chứ không phải kiểu Trung Quân mù quáng một chiều như họ lầm tưởng.

Bằng chứng là Mạnh Tử còn đi xa hơn nữa khi tuyên bố : “Nếu vua coi thần như cỏ rác thì thần coi vua như trộm đạo (khấu trù)”(41)

Ngoài ra, vì là con của Tần Thủy Hoàng nên cũng chính Thái Tử Phòng Tô còn thêm vào câu sau: “Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (= cha bảo con chết, mà con không chết là bất hiếu), mà người ta lầm tưởng là của Nho Giáo, và thường được xem là thí dụ điển hình về loại Hiếu Để có tính chất Mù Quáng một chiều.

Câu chuyện sau đây trích từ “Khổng Tử Gia Ngữ”, Tam Thư, phần IX : “Một hôm Ai Công nước Lỗ hỏi Khổng Tử, con theo mệnh cha có phải là hiếu không ? tôi theo mệnh vua có phải là trung không ?
Hỏi ba lần mà Khổng Tử không thưa. Khi ra ngoài, Khổng Tử đem câu chuyện đó nói lại học trò là Tử Cống để hỏi ý thế nào ?

 Tử Cống trả lời, con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung thì đúng như vậy thưa Thầy.

Khổng Tử nói người không biết gì hết. Hiếu hay Trung còn tùy cha và vua không làm điều lầm lỗi. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Hiếu đúng mới gọi là HIẾU, Trung đúng mới gọi là TRUNG”.(42)

Tóm lại nếu xem Nho toàn bích thì không có vụ “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” hoặc “Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” như thường bị “gán ép” !

Phần trình bày ở trên cho thấy vì Việt Tộc cư ngụ tại vùng đất mà ngày nay gọi là nước Tàu trước người Tàu, nên đã đặt Nền Móng đầu tiên cho Nho Giáo. Mặt khác, vì Việt Tộc cũng thành lập nền văn minh Nông Nghiệp đầu tiên của Nhân Loại tại Đông Nam Á, nên nguồn gốc và nội dung của Nho Giáo Nguyên Thủy cũng có tính cách chính yếu là Nông Nghiệp.

Mặt khác, vì vai trò của PHỤ NỮ rất quan trọng trong xã hội NÔNG NGHIỆP (như việc Gieo Gặt, trọng điểm của xã hội Nông Nghiệp hầu chắc là do phụ nữ sáng kiến ra), nên các xã hội nông nghiệp cổ sơ thường theo chế độ Mẫu Hệ, thờ Nữ Thần, cũng như dành cho Phụ Nữ vai trò quan trọng được thấy chẳng hạn qua tập tục tính theo Họ Mẹ và tục Cưới Rể như một vài sắc dân Ra Đê trên Ban Mê Thuột vẫn còn giữ .

Nhưng đến nhà HÁN, như đã nói ở trên, thì bề ngoài có vẻ tôn Nho nhưng trong thực tế lại lập tháp Thạch Cừ nhằm xuyên tạc Nho Giáo như chẳng hạn giải nghĩa Nho theo lối ma thuật có lợi cho chính quyền chuyên chế, hạ giá đạo Hiếu để đề cao “trung quân” hay thay thế TAM CƯƠNG Đạt Đức: Trí-Nhân-Dũng bằng TAM TÒNG của Đổng Trọng Thư.

Nho Vương Triều cùng với số phận của người Phụ Nữ còn tiếp tục Sa Đọa với các triều đại Minh, Tống, Thanh.

Vậy nên, muốn hiểu đúng Tinh Hoa của Nho Giáo, phải trở về với Vương Nho hay xa hơn nữa là VIỆT NHO, đặc biệt trong môi sinh tinh thần của LÀNG XÃ VN.

Nhiều Học Giả Ngoại Quốc như M. Durand trích P. Lastéguy tác giả “La Femme Annamite” đều nhận thấy vai trò Quan Trọng của người Phụ Nữ Việt trong đời sống gia đình. “Lấy chồng, người vợ có quyền Tay Hòm, Tay Khóa, nghĩa là quyết định về tài sản và tài chánh của gia đình. Jules Ferry, một viên quan cai trị Đông Dương thời Pháp thuộc đã không tiếc lời ca tụng vẻ đẹp gia đình trong xã hội Việt Nam, nhờ người vợ đóng vai trò Nội Tướng, “Chủ Nhân Ông” thực sự của gia đình”. (43)

Nhưng địa vị đặc biệt Cao Quý của Phụ Nữ VIỆT khi so sánh với thân phận rất Hẩm Hiu của tuyệt đại đa số người phụ nữ Cùng Thời ở trong các nền văn hóa khác, được đặt nổi một cách đặc biệt trong bộ “Quốc Triều Hình Luật” còn được gọi là Luật Hồng Đức ra đời cách đây khoảng 5 thế kỷ. Nhưng vì giới Tây Học không chịu cập nhật vốn kiến thức của mình nên phần đông không hay biết gì về nội dung của Bộ Luật rất quan trọng này .

Khi so sánh Luật Hồng Đức với Luật Tây Phương cùng thời, trên phương diện Tài Sản, trong khi Luật Hồng Đức cho vợ chồng hoàn toàn BÌNH ĐẲNG VỀ HÔN SẢN thì tại Mỹ, mãi tới năm 1890, nhiều tiểu bang mới sửa đổi và một số tiểu bang vẫn còn áp dụng học lý “Femme Couverte” của Thông Luật, theo đó NGƯỜI VỢ LÀ VẬT SỞ HỮU CỦA CHỒNG và không có quyền pháp lý đối với lợi tức do chính bà kiếm ra cũng như đối với con cái và tài sản của bà , trừ khi hai vợ chồng ký hôn khế trước đặt tài sản của họ dưới chế độ giám hộ (trust).

Và một cách Tổng Quát, trong khi người phụ nữ VIỆT ở thế kỷ 15 có quyền tư hữu ngang hàng với chồng và giữ vai trò quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, thì mãi tới thế kỷ 18 ở Âu Châu và thế kỷ 20 ở Mỹ, địa vị của người đàn bà TÂY PHƯƠNG còn thấp trong cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Cao trào Phụ Nữ (Feminism) chỉ thực sự lên cao tại Mỹ vào thập niên 1960 và thu thành quả tích cực vào những năm 1990.(44)

Tóm lại, như đã thấy ở trên, trong xã hội Truyền Thống VIỆT, có lẽ nhờ nguồn gốc Nông Nghiệp mà Phụ Nữ Việt có địa vị rất cao khi so với các nền văn hóa khác cùng thời. Tình trạng tốt đẹp trên không chỉ phản ảnh trong các Tập Tục “bất thành văn” mà còn trong cả Luật Pháp “thành văn” mà chứng tích là bộ Luật Hồng Đức.

Nhưng với sự chuyển tiếp từ giai đoạn Mẫu Hệ qua Phụ Hệ và sự bành trướng của Hán Nho, thì Đàn Bà bị lép vế dần và làm nên một điểm đen cho Hán Nho. Nhưng dầu sao Việt Lý hãy còn giữ được ảnh hưởng nên không bao giờ đàn bà bị hạ thấp đến độ Cơ Cấu như bên Hy Lạp thời xưa, nơi đàn bà bị coi như Nô Lệ tức không được kể là công dân, hoặc coi như không có linh hồn.

Hoặc như bên Ấn Độ vợ là “của” chồng đến độ khi chồng chết thì vợ phải lên giàn hỏa chết theo chồng.(45)

Khi Học Giả Frank nhận xét luật pháp Tàu có Nữ Tính (tức Nhân Bản) là tại so với luật pháp Tây Phương đầy Nam Tính, chứ so với văn hóa Việt thì Tàu lại nhiều Nam Tính. Phần Nữ Tính chỉ là ảnh hưởng do Việt Tộc.

Vì lý do trên xưa rầy người ta chỉ nhìn thấy Hán Nho, chẳng mấy ai nhìn ra Nguyên Nho cũng là Việt Nho. Nhưng chính nền văn hóa nguyên thủy này mới đem lại cho Viễn Đông những nét đặc trưng căn bản giàu tính cách Nhân Chủ. Có thể nói Hán Nho mạnh ở triều đình, ở giới bác học, ở thị dân, còn Việt Nho mạnh ở thôn dân, ở làng xã. Điều đó chứng tỏ như đã nói trên, phương Nam vẫn giữ được nhiều tinh thần Nhu Hòa, Tả Nhậm, khiến Khổng Tử luôn luôn hướng lòng về phương Nam cho là nơi Quân Tử phải y cứ (TD 10).(46)

Tóm lại, suốt dòng lịch sử Viễn Đông có sự đụng độ liên tục giữa hai nền Văn Hóa: Nông Nghiệp đại diện bởi Việt Nho và Du Mục đại diện bởi Hán Nho. Tình trạng và cơ may của hai phe thay đổi theo dòng thời gian và mặc nhiều hình thái khác nhau, nhưng trên đại cương Việt Nho hay Vương Nho có lẽ tương đối chủ động từ thời Xuân Thu trở về trước, trái lại từ Xuân Thu trở về sau, phe Đế Nho hay Bá Nho mà từ thời nhà Hán còn gọi là Hán Nho, có vẻ thắng thế.

Thực ra trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, có 6 nước mạnh là Tề, Tấn, Ngô, Việt, Sở, Tần. Cả 6 đã có lần nắm gần trọn nước Tàu. Nhưng rồi Tề Hoàn Công thì ngăn Sở, Tấn Văn Công thì liên kết với Tần để đánh Sở giúp cho Tần lớn mạnh…..Ngô đã có lúc lớn mạnh có thể chinh phục trọn nước Tàu, nhưng Phù Sai không biết giữ điều độ…….nên bị Việt diệt năm 372. Và lúc ấy Việt trở nên mạnh nhất : các nước Tống, Trịnh, Lỗ, Vệ, Trần, Sái…..đều phải cầm thẻ ngà đến triều yết Việt Câu Tiển….Nhưng rồi Việt bị Sở diệt và sức mạnh chuyển qua Sở. Nhưng Sở không gặp may nên cuối cùng bị Tần diệt và thống nhất nước Tàu, do đó đổ khuôn cho Nho Giáo được nhà Hán thừa hưởng nên truyền tận đến đầu thế kỷ 20, nên gọi là HÁN NHO.

Thế mà lẽ ra phải là VIỆT NHO vì tất cả chỉ có 4 dịp may để Nho Giáo có thể đổ khuôn thì Viêm Việt nắm 3 (Ngô, Việt, Sở cùng chủng Nam Man. Tấn, Tề không có may bằng nên không kể).Thế mà cuối cùng lại là Tần. Và đó là một trong những cái may rủi đầy mỉa mai của lịch sử.(47)

B) LỊCH SỬ TRIẾT HỌC

Trận tuyến Việt Nho-Hán Nho xảy ra suốt dòng lịch sử của miền Viễn Đông được trình bày một cách Tổng Quát ở phần trên, sẽ được tiếp tục ở phần dưới bằng việc nhấn mạnh lần này đến làn ranh giữa các nhà Tư Tưởng, Hiền Triết, Triết Gia….đại diện cho cả hai phía Việt Nho và Hán Nho.

Ở đời Hán có Đổng Trọng Thư. Ông cũng là một trường hợp phức tạp với nhiều Mâu Thuẫn. Về mặt lý thuyết, đôi khi ông phát biểu những câu có “dáng dấp” Minh Triết như :“ Cấn bản, tường thủy, kính tiểu, thận vi” (= cẩn thận về cái gốc, biết rõ về đầu mối, kính nể những việc nhỏ mọn, thận trọng cái tế vi). Nói như vậy chứng tỏ ông đã có tinh thần Việt Nho, vì biết chú ý đến cái gốc, cái tế vi. Thế nhưng đến khi hiện thực thì ông lại ghé sang Tai Dị, thành ra cái học của ông giống cái học tin nhảm của Mặc Địch. (48)

Nhất là ông để nhà Hán lợi dụng hầu củng cố quyền lực bằng nhiều phương cách trong đó có việc đặt cái “ách” Tam Tòng lên giới Phụ Nữ, mà hệ quả là người nào trong giới Tây học ngày nay mon men tìm cách chỉ trích Nho Giáo đều sử dụng như luận cứ mà không hay biết (hay “giả vờ” không hay biết) đó chỉ là một trường hợp Sa Đọa vì bị thế lực chính trị là nhà Hán lợi dụng , họ cũng “làm bộ” như Nho Giáo không có điều gì khác “hay ho” hơn cái “ách” Tam Tòng của Đổng Trọng Thư vừa nêu trên ???!!!

Ngoài ra, vì nguyên Nho Giáo là một nền Minh Triết hay Triết Lý HAI CHIỀU kích nên khi áp dụng vào khía cạnh Xã Hội chẳng hạn, “trật tự” Nho Giáo không chỉ có một chiều kích “Quân, Sư, Phụ” đi từ trên xuống dưới của TÀU như có người nhấn mạnh, mà còn một chiều kích khác đi từ dưới lên trên “Vợ Chồng, Cha Con, Vua Tôi” của VIỆT nữa !

Xin trở lại vấn đề : các triết gia Trung Hoa sau thời Hán phần nhiều xuất hiện trên phần đất Cổ Việt như Chiết Giang (quê của Vương Dương Minh), Vương Sung và hầu hết các môn đệ của Lục Cửu Uyên đều xuất thân Giang Tây, Chu Đôn Di ở Hồ Nam. Phía Bắc chỉ thấy có Vương Thông (Sơn Tây), còn ngoài ra tuy gọi là Bắc, nhưng là miền Bắc của Cổ Việt như Chu Hy tỉnh An Huy, Trình Y Xuyên và Trương Tái ở Hà Nam.

Chính ra thì nơi xuất thân không quan trọng, nhưng trong trường hợp Trung Hoa tự đời nhà Hán thì ai sinh ra phía Bắc thường đi với Hán Nho như Chu Hy, còn phía Nam đi với Việt Nho như Vương Dương Minh.(49)

Sau nhà Hán là Tam Quốc và Tùy Đường, không có gì quan trọng về mặt Tư Tưởng. Mãi đến đời Tống thì Triết mới hồi sinh lại với hai ngành: Lý Học và Tâm Học. Lý Học do Chu Hy người tỉnh An Huy, còn Tâm Học do Lục Cửu Uyên quê ở Giang Tây và Vương Dương Minh quê ở Chiết Giang, cả hai xứng đáng là đại biểu cho Việt Nho, vì biết vươn lên đến chỗ Vi Tế căn bản. Nhưng cả hai đều không thành công, vì chỉ phát triển có phần Nội Thánh mà thiếu phần Ngoại Vương, nên bị Lý Học của Chu Hy lấn áp.

Lý Học quá thiên về Thượng Lễ, câu nệ vào những tiểu tiết vụn vặt, trái với óc quảng đại, yêu đời, độ lượng của Việt Nho, nhưng vì được triều đình ủng hộ nên nắm quyền dẫn đạo Văn Hóa…..

Lục Cửu Uyên đại diện cho cái học của phương Nam, xem nhẹ cái học nghĩa lý, bác học mà đặt nặng cái học tôn Đức Tính. Ông cho rằng học giả bất đồng về Tính bởi vì ham nói về Tính chứ không thấy rõ cái Tính…..Ông nói cái Thực bị mất không bao giờ bằng lúc cái Danh đã tôn, cái Đạo hỏng không bao giờ bằng khi cái Thuyết đã tường (=“ Thực vong mạc thậm ư danh chi tôn. Đạo tệ mạc thậm ư thuyết chi tường” TTK b 186)……

Ông nói tiếp : “Tri có thực thì nói lý mới là thực lý, nói sự mới là thực sự, nói đức mới là thực đức”. Đấy cũng là đặc điểm của Việt Nho, một cái học vụ Thực, vì là cái học Nhân Sinh. Bởi vì con người là “thiên địa chi giao”, nối trời đất lại nơi mình, nên dù có nói trời hay đất cũng vẫn bắt nguồn tự nơi mình”…..

Về tương quan Tâm-Vật, “ Lục Cửu Uyên phá vỡ màn ngăn cách trong câu nói thời danh của ông “ ngô tâm tiện thị vũ trụ, vũ trụ tiện thị ngô tâm”. Với câu nói đó, ông cố nối Tâm với Vũ Trụ, mong con Người lại trở nên mối giao thoa của Trời Đất, và nhờ đó đạt được cái đạo “ Vô nhập nhi bất tự đắc yên”…..

Tiếp nối Lục Cửu Uyên là Vương Dương Minh. Cái Linh Giác của Lục Cửu Uyên được họ Vương gọi là Lương Tri. Cũng có lúc gọi là Chiêu Minh Linh Giác. Ông nói: “Tâm chi bản thể tức thiên lý dã, thiên lý chi chiêu minh linh giác, sở vị lương tri dã”(TTK b 261). Ông cho rằng tìm Lý ở Vật là lầm, phải tìm trong Tính, nhấn mạnh đến Tự Tu, Tự Trị, nghĩa là Trung Đạo giữa Hữu với Vô.

Vương Dương Minh nói “Ai chìm đắm ở chỗ Vô thì có chỗ dùng cái tâm lưu đãng mà không có chỗ về. Ai ứ trệ ở chỗ Hữu thì dùng cái tâm ở chỗ vô dụng, thành ra nhọc mà không công” (TTK b246). Ông chú ý tới “Trí Tri” hơn “Cách Vật”. Với ông Vật là Việc. Hễ Ý phát ra tức có việc; việc mà Ý ở đó gọi là Vật. Cách là Chính vậy….. “Trí Tri tại Cách Vật” tức “Trí Trí tại Cách Việc”. Tức là biết thấu triệt là làm thấu triệt, mà làm thấu triệt là để trọn ý, tình, chí vào việc.Vì vậy mà nói việc mà ý ở đó gọi là vật. Ý đây là “Ý Thành”. Đây là đầu mối cho thuyết “Tri Hành Hợp Nhất”…..

Đúng hơn phải nói là một Đạo, vì với Đạo “nói là làm” (=”ngôn cố hành, hành có ngôn”). Mà điều ấy rất thật với Vương Dương Minh, một Triết Gia có đời sống vận hành trên Hoạt Trường nhiều hơn và vượt xa trên Học Trường…..

Vương Dương Minh có thể được coi đại diện cho Việt Nho vì nhiều lẽ : một là xuất xứ từ đất Việt (Cối Kê), hai là đã biểu lộ một nền Triết Lý thiết cận đầy Hoạt Lực, ba là đã bị dìm về đủ mọi phương diện.(50)

Bước ra Thời Mới, vế phía TÀU, có Hồ Thích và Phùng Hữu Lan.

“Hồ Thích thì đi theo lối triết học Danh Lý, thất bại thấy rõ, vì đẩy Đông Phương ra, còn chủ thuyết của ông thì căn cứ trên những yếu tố đã lỗi thời của thuyết Duy Hiệu Nghiệm (pragmatism).

Phùng Hữu Lan theo lối Danh Lý Siêu Hình, nên tiến xa hơn họ Hồ rất nhiều. Ông đã phân biệt được ba bình diện: Ích Dụng, Đạo Đức, Siêu Việt…..và lần đầu tiên đã giúp cho Âu Tây nhìn được nhiều yếu tố tinh tế của Đông Phương”.

Tuy nhiên, “cả hai họ Hồ và Phùng CHƯA đạt đến trình độ “Tổ Thuật” để đưa ra được một Tổng Hợp MỚI (có lẽ) vì thời gian chưa đủ chín mùi cho một Tổng Hợp” chăng ?! Họ Hồ đã thất bại vì lý do nói trên. Họ Phùng tuy đã biết đối chiếu Nho Giáo với triết học Tây Âu, Cổ Điển và Thời Mới, nhưng ông chưa biết đến Hiện Sinh và Hiện Tượng Luận. Vì nếu thấu hiểu được Triết Học MỚI của Âu Châu thì sẽ dễ nhìn ra được những giá trị Tâm Linh Á Châu”.

Ngoài ra, còn “phải biết về những khoa KHÁC nữa như Tâm Phân và nhất là Uyên Tâm, khoa này sẽ giúp khám phá những khía cạnh Uyên Thâm không ngờ được của Đông Phương Cổ Đại”(51)

Về phía VIỆT, phải đợi đến đầu thập niên 1960, đáp ứng với lời kêu gọi của Hội Nghị Thế Giới về Triết Học đầu tiên được tổ chức tại Honolulu vào năm 1949, Cố Triết Gia Kim Định đã thực hiện một Tổng Hợp Đông Tây về phương diện Triết Học dựa trên những Nguyên Lý của nền Siêu Hình KINH DỊCH đồng thời thâu tóm TINH HOA các bộ môn Khoa Học, Triết Học Hiện Đại. Thành quả là một Công Trình Văn Hóa đồ sộ bao gồm khoảng 42 tập sách mà 32 Tác Phẩm Triết Học đã ra đời xoay quanh hai Chủ Đề Chính Yếu là AN VI và VIỆT NHO.


• KẾT LUẬN


Nếu sau khi đọc xong phần trình bày ở trên mà có người vẫn tin là Nho Giáo CHỈ là của Riêng người Tàu, thì chúng tôi xin được đưa ra hai nhận xét cuối cùng như sau:

1) Nếu bảo Nho Giáo là của Tàu , thế tại sao mấy triều đại chính của Tàu lại phá Nho mạnh nhất: nhà Chu tận diệt sách của nhà Thương, nhà Tần đốt sách chôn Nho, nhà Hán xuyên tạc Kinh Văn. Và sau này tuy đã nhận Nho , nhưng vẫn còn lưu lại hai yếu tố phát xuất tự Tây Bắc là Hoạn Quan (Iran) và Pháp Hình để kiểm soát Nho Sĩ.

2) Tại sao nước Việt Nam ( trên thực tế là các Làng) mãi tự xa xưa luôn luôn lẫn trốn văn minh Tàu như nhận xét tinh tế của ông Paul Mus, thế mà những Hằng Số của Nho lại nằm sâu trong lòng dân Việt Nam, còn sâu hơn cả bên Tàu Và qua bao lần chống Tàu mà không hề chống Nho, kể cả những thời có tinh thần độc lập nhất như nhà Lê.(52)


Để tóm tắt, những Thành Kiến, Ngộ Nhận có từ lâu đời về Nho Giáo và Văn Hóa Viễn Đông có lẽ bắt nguồn từ sự kiện là các công cuộc Nghiên Cứu được thực hiện trước đây thường bị Giới Hạn cả về mặt Không Gian lẫn Thời Gian.

Về Thời Gian, là giới hạn của lịch sử 2.000 năm từ thời Tần Hán bên Tàu hay từ thời Trưng Triệu bên Việt, kéo theo giới hạn về Không Gian là một nước Việt Nam nhỏ bé mà lãnh thổ chỉ bắt đầu từ Lạng Sơn, Móng Cáy phát triển theo dòng thời gian về phía Nam, hiện tại đến mũi Cà Mau, trước một nước Tàu to lớn thống nhất như nay.

Đó là lý do khiến các nhà nghiên cứu trước đây quên đi thực tế của một “nước” Tàu nhỏ bé với tỷ xích Bộ Lạc khi bắt đầu Lịch Sử với nhà Thương 15 thế kỷ trước thời Tần Hán với vài ba nhóm định cư ở phía Tây Bắc sông Hoàng Hà.Và phần còn lại của vùng đất ngày nay gọi là nước Tàu, thời đó còn nằm trong sự kiểm soát của cư dân Viêm Việt.

Nếu trở về xa hơn nữa phía trước là lịch sử khoảng 5.000 năm khi bắt đầu có Chữ Viết thì vì có chữ viết nên các nhà nghiên cứu thường căn cứ trên VĂN BẢN. Nhưng với Văn Bản, điều bất tiện chính yếu là càng ngày người ta càng khám phá ra hiện tượng sau đây là kẻ thắng trận thường có khuynh hướng “cạo sử” lịch sử để có lợi cho họ, cho phe nhóm họ. Và như đã đề cập ở trên, người Tàu đã dùng cách thức này để thoán đoạt biết bao Phát Minh của Việt Tộc.

May mà gần đây nhờ các tiến bộ của Khoa Học như trong khoa Khảo Cổ với kỹ thuật “định tuổi” bằng Carbone 14, trong Di Truyền học với kỹ thuật “Gen DNA”, trong Ngôn Ngữ học với phương pháp ngôn ngữ Mới, thì lần lần người ta giải quyết được vấn đề do Giới Hạn đặt ra cả về mặt Thời Gian lẫn Không Gian.

Bước đầu, được nới rộng địa bàn nghiên cứu lịch sử Viễn Đông lên tới 10.000 năm tương đương với thời kỳ Tân Thạch của lịch sử Nhân Loại . Ngay các Học Giả Trung Quốc cách đây 12 năm, trong tờ “Beijing Review”, một trong những “tiếng nói” chính thức của nhà cầm quyền THCS, trong số ngày 23-29/03/98, ở phần “Culture and Science” (tr.31), trước những bằng chứng không thể chối cãi được của Khoa Học ngày nay, đã phải đi đến việc phủ nhận quan điểm Lịch Sử 5.000 năm của Sử Gia Tư Mã Thiên để thay thế bằng chủ trương của giới Học Giả Quốc Tế về Lịch Sử 10.000 năm lập quốc Trung Hoa với sự đóng góp Nền Tảng của các bộ tộc BÁCH VIỆT trong một xã hội mà họ gọi là Đa Văn Hóa được thành hình vào thời kỳ này.

Thật vậy, vào thời kỳ đó, KHÔNG phải người Tàu “dạy văn minh” cho người Việt, mà theo giới Học Giả Quốc Tế thì NGƯỢC LẠI như chủ trương của Sử Gia kiêm Lý Thuyết gia Khoa Học lừng danh J.Needham chẳng hạn, thì chính người Hòa Bình tức Tổ Tiên chúng ta, đã du nhập vào Trung Hoa những truyền thống Văn Hoá VIỆT mà ông tóm tắt vào 25 điểm bao gồm:

_ Văn hóa biển và sông nước
_ Kỹ thuật đóng tàu dài
_ Đặc điểm nhà làng để cho dân tụ tập sinh hoạt
_ Tục đua thuyền
_ Huyền thoại con rồng
_ Văn minh trống đồng
_ Thuật dùng nỏ bắn bằng tên
_ Tục xâm mình
_ Đốt rừng làm rẫy
_ Hội về mùa xuân và mùa thu cho trai gái vui chơi để tự do lựa vợ kén chồng
_ Văn minh trồng lúa nước
_ Tục thờ cúng ông bà
_ Thuật trồng cây tre và sử dụng dụng cụ bằng tre
_ Kỹ thuật đúc sắt
_ Kỹ thuật làm sơn mài
…..vvv…..(53)

Chúng ta có thể nhận thấy là hầu hết các điểm được lược kê ở trên là những yếu tố của nền Văn Minh NÔNG NGHIỆP, và điều này lại càng chứng tỏ rằng người Hoa Hán vì có gốc DU MỤC nên phải học những điều trên với Tổ Tiên chúng ta.

Nhà Khảo Cổ danh tiếng W. G. Solheim còn nới rộng giới hạn của Cổ Sử Viễn Đông từ 10.000 năm lên đến khoảng 40.000, 50.000 năm cách ngày nay khi mà những cư dân đầu tiên của nền Văn Hóa Hòa Bình bắt đầu cuộc hành trình tiến lên phía Bắc để định cư ở vùng đất mà ngày nay gọi là nước Tàu.

Trong khi đó, nhiều ngưòi trong giới Tây học còn đọc những cuốn sách Sử cũ rích từ thời Pháp thuộc, ngay cả từ thời nhà Hán thì đâu thấy được điều gì “hay ho” về Văn Hóa và Lịch Sử VIỆT. Vậy nên, điều trước tiên họ cần phải làm là Cập Nhật vốn Kiến Thức của mình với các khám phá Khoa Học mới nhất trong các lãnh vực nêu trên.

Đó có lẽ là nguyên nhân khiến họ thốt lên những câu nói có tính cách “dè bỉu” chứa đựng những thuật ngữ như các “Chức Sắc Làng Xã”….Ở đây, có nhiều cơ may là thực sự họ không hiểu được sự Khác Biệt giữa Văn Hóa và Chính Trị hay giữa Văn Hóa và Khoa Học. Văn Hóa đích thực (viết hoa) chỉ những giá trị “Vượt Thời Không” thuộc bình diện mà Nho gọi là “Thiên Viên” (=Trời tròn) được biểu hiệu trong huyền sử Việt bằng “bánh dầy” (Tròn). Còn Chính Trị hay Khoa Học là những lãnh vực có giá trị hạn cục vào không gian và thời gian mà Nho gọi là “Địa Phương” (= Đất vuông) được biểu hiệu trong huyền sử Việt bằng “bánh chưng” (Vuông).

Chúng ta thường thấy người dân thị thành có chút “ăn học” thường có thái độ “dè bỉu” tương tự đối với thôn dân mà họ cho là “quê mùa dốt nát”. Nhưng điều này chỉ có thể áp dụng liên quan đến lãnh vực KIẾN THỨC về Chính Trị hay Khoa Học chẳng hạn, bao gồm những giá trị giới hạn vào một không gian và một thời gian.

Còn VĂN HOÁ lại là chuyện khác ! Như theo ý kiến của nhà xã hội học danh tiếng về vấn đề Việt Nam Paul Mus thì “càng đi sâu vào miền bưng biền của nước Việt lại càng gặp nhiều Triết Nhân”. Hoặc như theo một trong những Triết Gia lớn nhất của Tây Phương cận đại là F. Nietzsche “Dòng giống tốt nhất tại Đức ở trong huyết quản Nông Dân”. Hay theo Học Giả Columella “Đời sống Thôn Dã có họ máu hàng dọc với Minh Triết”.Hoặc nhiều câu tương tự như “ Chớ lầm là Dân ngu vì họ là những Triết Nhân”. Ngay Kinh Điển Nho Giáo chỉ là công trình Công Thức hóa của Khổng Tử dựa trên Nội Dung của một “rừng” Ca Dao, Tục Ngữ….được lưu truyền trong các Làng Xã Bách Việt. Và những người tự nhận thuộc giới “Tây học” đôi khi cũng phải “Xổ Nho” vì những giá trị Minh Triết ẩn tàng trong các câu chữ Nho !

Vậy nên đừng lấy làm lạ là những khái niệm về Tản Quyền, Tự Trị Địa Phương, Dân Chủ, Bình Sản, Bình Quyền Nam Nữ, Bảo Vệ người dân Thiểu Số……của nền Triết Lý Chính Trị VIỆT còn gọi là VIỆT NHO đã được “thai nghén” và “cưu mang” hàng ngàn năm trong môi trường Làng Xã Việt, vì đó là những Nguyên Lý có giá trị “Vượt Thời Không” nên ngày nay được các quốc gia Tân Tiến NHẤT trên Thế Giới áp dụng vào đời sống Chính Trị, Xã Hội…..của nước họ.


Tóm lại, muốn nắm vững nội dung của Văn Hóa Viễn Đông, có lẽ cần phải thay đổi lối nhìn cũng như phương pháp Nghiên Cứu. Nhất là tránh giới hạn Lịch Sử Viễn Đông vào lịch sử 2.000 năm kể từ thời Tần Hán với hình ảnh một nước Tàu to lớn bên cạnh những lân bang nhỏ bé trong đó có Việt Nam. Mà cần phải nghiên cứu Lịch Sử Viễn Đông ngay từ đầu khi nước Tàu còn có tên là Cổ Việt bao gồm những thời kỳ sau đây.

A) Giai Đoạn Huyền Sử

_ Đợt đầu là cuộc chiến giữa Si Vưu đại diện cho Việt tộc và Hoàng Đế đại diện cho Hoa tộc

_ Đợt hai ôn hòa hơn là Đại Vũ tiến xuống mạn Nam sông Hoàng Hà lập ra nhà Hạ giữa đất đai cũng như văn hóa Việt

B) Giai Đoạn Lịch Sử

_ Đợt ba là cuộc chiến giữa nhà Thương và dân Di Việt cư ngụ phần đất còn rộng lớn bao gồm Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, Chiết Giang…..vvv…..

_ Đợt bốn là thời Chiến Quốc với trận đụng độ giữa nước Tần đại diện Hoa tộc và các nước Sở, Ngô, Việt cùng một chủng tộc Việt, kéo theo sau đó giai đoạn “Hán Sở Tranh Hùng”

_ Đợt năm là cuộc cưỡng chiếm Nam Chiếu, Dạ Lang nước Điền bởi nhà Hán

_ Đợt sáu là cả Lạc Việt bao gồm Quảng Đông và Quảng Tây trước gọi là Lưỡng Việt, sau đổi thành Lưỡng Quảng…….(54)
Công việc nêu trên cần được thực hiện trong toàn bộ Lịch Sử Viễn Đông không những đối với lịch sử Tổng Quát mà còn đối với lịch sử Văn Hóa và Triết Học nữa trong thế SINH THÀNH của nó thì mới mong TRÁNH bớt những THÀNH KIẾN, NGỘ NHẬN đã có từ quá lâu đời liên quan tới Nho Giáo và Văn Hóa Viễn Đông.


Lê Việt Thường


CHÚ THÍCH

Vì mới viết xong một bài về Nho Giáo nên luôn tiện chúng tôi đề cập đến một chuyện nhỏ thôi (do đó mới để trong phần Chú Thích này). Gần đây, tình cờ chúng tôi nghe một “tin đồn” là có ai đó thắc mắc về kiến thức chữ Nho của Cố Triết Gia Kim Định.

Ai có dịp đọc tiểu sử của Cố Triết Gia thì biết là Ngài đã có đi du học Pháp 10 năm để nghiên cứu về Nho Giáo và văn hóa Việt tại “Institut des Hautes Études Chinoises”. Vậy nên, chưa cần bàn đến trường hợp Ngài đã có cơ hội học chữ Nho ở thời niên thiếu hay không, chúng ta biết rằng một người bình thường (nhất là còn trẻ) nếu chuyên cần, thì cần khoảng vài năm học tập là có thể nắm vững một Sinh Ngữ. Nếu cho rằng chữ Nho có lẽ hơi khó học hơn một sinh ngữ thông thường một chút, thì thiết nghĩ 10 năm là quá đủ để giải quyết vấn đề này. Chưa kể là sau đó, Ngài đã tiếp tục nghiên cứu Nho Giáo và văn hóa Việt suốt cuộc đời còn lại và đã hoàn tất một công trình văn hóa và triết học đồ sộ về An Vi và Việt Nho.

Vậy nên, ai đó nếu có khả năng thì hãy tranh luận đàng hoàng dựa trên “giấy trắng mực đen” là 32 tác phẩm của Cố Triết Gia đã xuất bản. Chớ giở loại “đòn Hạ Cấp” vừa nêu trên, vì thật không xứng với một người tự nhận mình là “Trí Thức” !!!

(38) Kim Định, “Hưng Việt, Idem, tr. 37
(39) Đông Lan, Idem
(40) Kim Định, “Định Hướng Văn Học”, Ra Khơi, SG, VN, 1969, tr.148
(41) Kim Định, “Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc”, Idem, tr.74
(42) Nguyễn Thị Sông Hương, “Yếu Tính Phá Sản Trong Tổ Quốc Ăn Năn Đai
Nam,CA, USA, tr.151
(43) Idem, tr.159-160
(44) Hoàng Xuân Hào, “Nhân Quyền Trong Luật Hồng Đức: Niềm Tự Hào
Dân Tộc”, Thế Kỷ 21, số 113 tháng 9/1998, tr.28-33
(45) Kim Định, “Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc”, Idem
(46) Kim Định, “Sứ Điệp Trống Đồng”, Idem, tr.185-186
(47) Kim Định, “Tinh Hoa Ngũ Điển”, Idem
(48) Idem
(49) Idem
(50) Idem
(51) Kim Định, “Định Hướng Văn Học”, Idem, tr. 174-177
(52) Kim Định, “Tinh Hoa Ngũ Điển”, Idem
(53) Cung Đình Thanh, Idem, tr.182-183
(54) Kim Định, “Tinh Hoa Ngũ Điển”, Idem

[Tác Giả] [ Lãnh Vực]

Tìm Kiếm