Lê Việt Thường

NHỮNG NGỘ NHẬN  LÂU ĐỜI VỀ NHO GIÁO (Phần Một) 

 

NHẬP ĐỀ

Vì cuộc đời ngắn ngủi và thế hệ chúng ta sinh ra khi Tây Phương đang ở tột đỉnh của Văn Minh cũng như quanh ta sách vở phần lớn đang “đồng ca” về sự Hùng Cường của họ, khiến chúng ta có cảm tưởng rằng tình trạng các nước Tây Phương nếu không luôn luôn thì ít nhất trong phần lớn lịch sử của họ, chiếm được địa vị trổi vượt khi so sánh với các nền Văn Minh khác. Điều trên dễ dẫn đến kết luận rằng đó là nhờ tính Ưu Thắng của nền Văn Hóa Tây Phương. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn Lịch Sử Văn Minh của Nhân Loại với các Học Giả hàng đầu trên Thế Giới thì có lẽ ta sẽ có một hình ảnh khác, rất khác nữa! Thật vậy, Tây Phương chỉ thực sự hùng cường mới mấy trăm năm gần đây thôi, và suốt chiều dài Lịch Sử Nhân Loại, “ngọn đuốc” Văn Minh có khuynh hướng “chuyển tay” từ dân tộc này qua dân tộc khác. Và hình như không có dân tộc nào chiếm được ‘độc quyền’ trong lãnh vực này cả!  

 Tình trạng có lẽ cũng tương tự bên miền Viễn Đông. Phần lớn trong chúng ta thường có cảm tưởng về một nước Tàu to lớn hiện hữu lâu đời bên cạnh những nước nhỏ trong đó có Việt Nam. Mà không ngờ rằng hình ảnh về một nước Tàu ‘vĩ đại’ chỉ thực sự có từ thời Tần Hán, tức cách đây khoảng hơn hai ngàn năm một chút và như một học giả Trung Hoa danh tiếng, Trương Quang Trực khẳng định,  “điểm gốc của văn minh Trung Hoa” chỉ bao gồm vài ba bộ lạc “ở ba tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và Hà Nam, lưu vực sông Hoài” (1) mà thôi! Trong khi đó, đại tộc Bách Việt đã có một thời chiếm cứ toàn thể lãnh thổ nước Tàu ngày nay.

Có lẽ một trong những nguyên nhân chính yếu của điều Ngộ Nhận nêu trên là tự thân việc bàn về nguồn gốc của bất cứ dân tộc nào đã là một chuyện ‘nhiêu khê’; mà bàn về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam thiết tưởng lại còn ‘nhiêu khê’ hơn nữa, do hoàn cảnh đặc thù của chúng ta. L‎‎ý do là vì đối tượng nghiên cứu, học hỏi của khoa Cổ Sử  nằm ở một thời rất xa trong quá khứ, nên quả là chuyện ‘nhiêu khê’ khi phải tìm kiếm dữ kiện, bằng chứng. Vậy nên, trong một thời gian dài, khoa Cổ Sử thường dựa trên những giả thuyết rất là ‘bấp bênh’.

 Vào thập niên 1960, sau nhiều năm nghiên cứu về Nguồn Gốc nước nhà, Cố Triết Gia Kim Định mới đưa ra lý thuyết VIỆT NHO với hai đề quyết lớn sau đây:

– Một là người Bách Việt  làm Chủ nước Tàu trước người Tàu
–  Hai là người Bách Việt đã góp công  vào việc hình thành Nho Giáo sơ khởi,
khiến cho  dư luận ‘xôn xao’ một thời !

  May mà gần đây nhờ những tiến bộ Khoa Học với kỹ thuật ‘định tuổi’ bằng Carbon 14 trong ngành Khảo Cổ, hay kỹ thuật ‘Gene DNA’ trong Di Truyền học hoặc phương pháp nghiên cứu Mới trong Ngôn Ngữ học…vvv…khiến cho công việc đặt Giả Thuyết đỡ ‘bấp bênh’ hơn xưa. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều điều khó khăn cần phải được khắc phục. Mà một trong những phương thức được áp dụng ngày nay để giải quyết các khó khăn là sự cộng tác Liên Ngành nhằm giúp đương sự nhìn vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau, dễ đưa đến những sáng kiến mới mẻ cũng như những bổ túc cần thiết giữa các ngành về phương diện L‎ý Chứng.

Thật vậy, nhờ vốn kiến thức Uyên Bác  của Cố Triết Gia trong nhiều lãnh vực khác nhau có thể áp dụng vào vấn đề Nguồn Gốc nước nhà cộng với một Trực Giác bén nhạy và óc Nhất Quán của một Triết Gia mà chủ thuyết VIỆT NHO đã được khám phá ra.

I) BÁCH VIỆT LÀ CHỦ ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC TÀU

Về phương diện Cổ Sử, trước khi dùng Sử Truyền để trình bày Nguồn Gốc của phần đất của Viễn Đông mà ngày nay có tên là nước Tàu, đồng thời  kiểm chứng sự khả tín của các dữ kiện trong Sử Truyền với các khám phá Khoa Học mới mẻ nhất, chúng tôi xin được trích dẫn dưới đây ‎ ‎ý kiến của một Học Giả VN, Cố Ls Cung Đình Thanh về Giá Trị của Sử Truyền: “Một điều lạ là những sử liệu xưa kia coi là giá trị nhất, khả tín  nhất thì lại có vẻ trái ngược sự thực mới được khoa học phơi bày nhất, trong khi những truyền thuyết mà học giả thời thuộc Pháp hay xa hơn nữa, thời chịu văn hóa Trung Hoa vẫn cho là mê tín, hoang đường xem ra lại gần sự thực hơn”(2).

Và sau đây là phần tóm lược khái quát  về nội dung của Sử Truyền liên quan đến Nguồn Gốc của Viễn Đông:

 “Câu chuyện xảy ra vào thời mở đầu Tân Thạch, tương đương với Sung Tích kỳ (Holocene) vào lối hơn 10.000 trước đây. Sau khi băng giá tan rã, khí hậu trở nên ấm áp, loài người lục đục dời bỏ những hang động trong dãy Thiên Sơn (Tây Bắc Tibet và Tây Tân Cương) để thiên di xuống các vùng bình nguyên.

Trong đoàn người tiến về phía Đông, có hai chi gọi là Bắc Tam Hệ và Nam Tam Hệ.

Bắc Tam Hệ là ba phái đi theo Thiên Sơn Bắc lộ gồm có:

  –  Phái Mãn tộc chiếm lĩnh vùng cực bắc Trung Hoa ngày nay

–  Phái Mông Cổ chiếm lĩnh chính Bắc Trung Hoa
–  Phái Đột Quyết (Turcs) chiếm lĩnh Tây Bắc Trung Hoa và Đông Nam Tây Bá Lợi Á

 Nam Tam Hệ gồm có ba tộc là Miêu, Hoa, Tạng:

– Tạng tộc (Tibetans) thì đi lần theo Thiên Sơn Nam Lộ tới định cư ở vùng Hy Mã Lạp Sơn, rồi sau lan ra vùng Thanh Hải, Tây Khương.
Về hai tộc Viêm Hoa thì thoạt kỳ thủy

  – Viêm Việt theo dòng sông Dương Tử vào khai thác vùng Trường Giang Thất Tỉnh tức là bảy tỉnh thuộc Dương Tử Giang là Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, rồi lần lần một mặt theo bình nguyên Hoa Bắc lên khai thác vùng Hoàng Hà Lục Tỉnh là Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc. Còn phía Nam thì lan tới lưu vực thứ ba gọi là Việt Giang Ngũ Tỉnh gồm Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến.

 – Cả năm tỉnh này từ lâu đều có người Viêm Việt cư ngụ. Theo Chu Cốc Thành trong quyển ‘Trung Quốc Thông Sử’ và một số Sử Gia khác thì Viêm Việt đã có mặt ở khắp nước Trung Hoa cổ đại,  trước khi các dòng tộc khác tràn vào, nên Viêm Việt kể là CHỦ Đầu Tiên.

Khi Viêm Việt đã định cư rồi Hoa Tộc tuy theo Thiên Sơn Nam Lộ như Viêm Việt nhưng còn sống đời săn hái vùng Tân Cương, Thanh Hải, hồi đó còn là Phục Địa vì cát chưa lấn được những đất phì nhiêu để biến thành sa mạc như ta thấy ngày nay, về sau họ theo khửu sông Hoàng Hà tiến vào Bắc Trung Hoa chiếm lại đất của Viêm Việt ở vùng này, và bị Si Vưu  lãnh tụ Viêm Việt chống cự. Lãnh tụ Hoa Tộc là Hiên Viên tập hợp lại các bộ lạc Hoa Tộc để cùng với Viêm Việt ba lần đại chiến trong đó có trận Trác Lộc. Từ khi Si Vưu bị tử trận thì Hoa Tộc bá chiếm  6 tỉnh lưu vực Hoàng Hà để lập quốc. Hiên Viên nhờ vậy được công kênh lên làm tổng tù trưởng và xưng hiệu là Hoàng Đế.” (3)

Các cuộc Thiên Di vừa nêu trên có lẽ liên quan đến  hiện tượng Biển Tiến, “biển lùi” và các cơn Đại Hồng Thủy.

“Khoa Học ngày nay cho biết là có 20 thời kỳ Băng Hà và Giáng Băng trong 2 triệu năm qua, tương đương với 20 thời kỳ nước lên xuống. Riêng ở hậu kỳ Pleistocene nghĩa là vào thời gian có người Khôn Ngoan tức từ 125.000  đến 10.000 năm cách ngày nay, có 5  lần nước biển lên xuống ở Đông Nam Á vào khoảng  100.000, 80.000, 60.000, 40.000 và 18.000 năm cách ngày nay. Riêng đợt Biến Tiến cuối cùng, sau thời kỳ Băng Hà Wiirm tan, khởi đầu vào khoảng 18.000 năm trước  ngày nay. Lúc đó nước biển thấp hơn bây giờ là 130 m. Mỗi năm biển tiến trung bình 10 mm, đến khoảng gần 8.000 năm trước, mức nước biển tương đương với mức nước biển ngày nay. Tuy nhiên có 3 lần nước biến tiến đột ngột và xảy ra vào khoảng 14.000, 11.590 và 8.000 năm cách ngày nay ”(4)

 Các sự kiện, bìến cố mà Sử Truyền đề cập ở trên có lẽ nằm trong khoảng thời gian của ba cơn Đại Hồng Thủy gần nhất, ngoài ra nếu căn cứ trên NIÊN ĐẠI của các trận Hồng Thủy, thì các sự kiện, biến cố mà Sử Truyền đề cập có lẽ đã xảy ra với cơn Đại Hồng Thủy thứ NHÌ ở đợt Biển Tiến cuối cùng của hậu kỳ Pleistocene.

 Theo Bs Stephen Oppenheimer, những cơn động đất do những chấn động địa chấn thời kỳ hậu Băng Hà gây ra là những trận động đất dữ dội nhất từng được biết đến, kéo theo những con sóng lớn dữ dội tràn vào Thái Bình Dương nhận chìm tất cả các bờ biển và vùng nội địa bằng phẳng theo một đường thẳng.(5) Những người sống sót phải tìm đường ra đi và một phương thức có thể áp dụng là nương  theo các con sông lớn , giống như lộ trình phát tán ngôn ngữ mà nhà ngôn ngữ học Johanna Nichols chủ trương, tức từ miền duyên hải lên miền núi. Do đó, S. Oppenheimer mới đưa ra giả thuyết về “Quê Hương miền Duyên Hải và nơì Lánh Nạn miền Núi Cao” cho cư dân Tiền Sử của Đông Á và Đông Nam Á.

 Trở lại Sử Truyền, sau khi cơn Đại Hồng Thủy thứ NHÌ chấm dứt vào lối hơn 10.000 năm trước đây, hai Chi của dân Da Vàng là Bắc Tam Hệ gồm ba phái Mãn Tộc, Mông Cổ, Đột quyết, và Nam Tam Hệ gồm Miêu, Hoa, Tạng, thiên di về miền đồng bằng và duyên hải. Chuyện này chỉ xảy ra nếu đúng như chủ trương của S. Oppenheimer là TRƯỚC ĐÓ, những người sống sót của cơn Đại Hồng Thủy thứ NHÌ lần theo các con sông lớn để lên “Tỵ Nạn” ở vùng núi.  Do đó, các dữ kiện và lý thuyết KHOA HỌC mới mẻ có vẻ rất ĂN KHỚP với chủ trương “Thiên Sơn” của SỬ TRUYỀN Viễn Đông.

 Phần trình bày trên đây cho thấy cả Sử Truyền lẫn Khoa Học tân tiến đều xác nhận thuyết VIỆT NHO với đề quyết lớn đầu tiên là đại tộc Bách Việt trong đó có  Lạc Việt làm CHỦ nước Tàu trước Hoa Tộc.

 Ngoài ra, có một thời các Học Giả tranh cãi để xem đồ Gốm Ngưỡng Thiều và Long Sơn cái nào ‘đẻ’ ra cái nào vì đó là một vấn đề lớn: nếu bảo là Ngưỡng Thiều (ở phía Tây) là khởi điểm thì TÀU đặt nền móng Văn Minh; còn bảo là Long Sơn (phía Đông) thì là do LẠC VIỆT. Vậy mà Ts W. G. Solheim II lại còn đi xa hơn nữa khi quả quyết rằng cả hai nơi Ngưỡng Thiều và Long Sơn đều do Văn Hóa Hòa Bình phát xuất.(6) Thêm một bằng chứng của giới Học Giả Quốc Tế củng cố cho chủ thuyết Việt Nho.

 Chủ trương của Ts W. G. Solheim II gặp sự chống đối chính yếu trong ngành Ngôn Ngữ học. Lý do có lẽ là tại đa số các nhà Ngôn Ngữ học Lịch Sử  vì căn cứ nhiều trên Chữ Viết và VĂN BẢN nên thường ‘rập khuôn’  theo mô thức phát tán BẮC-NAM, đi ngược lại với chủ trương NAM-BẮC của những nhà Khảo Cổ như W.G. Solheim, W. Meacham, Charles Higham cũng như của các khám phá gần đây của khoa Di Truyền học với địa bàn hoạt động hàng chục ngàn năm về trước trong lãnh vực Cổ Sử học tại miền Viễn Đông.

Trong khi đó, lịch sử Chữ Viết mới bắt đầu khoảng 6.000 năm trước đây; do đó địa bàn hoạt động của đa số các nhà ngôn ngữ Lịch Sử thường giới hạn ở 6 hoặc 7.000 năm trước đây. Và đó là thời Tiền Sử gần của miền Viễn Đông vì sau đó là các nhà Hạ Thương Chu. Sự phát tán các ngôn ngữ Hoa Tộc bắt đầu cách đây khoảng 3.000 năm vào thời nhà Chu, trở nên  mạnh mẽ hơn dưới các đời Tần, Hán, cùng với sự bành trướng ảnh hưởng của người Hoa Hán về phương Nam đã tóm thâu không biết bao nhiêu sáng kiến của dân Bách Việt mang về làm của riêng.

Lấy một thí dụ về cây Lúa Nước là một trong những phát minh nền tảng của nền Văn Minh Nông Nghiệp tại Đông Nam Á. Quý Vị chắc còn nhớ là trước kia khi học Sử Sách, chúng ta đã được dạy là nhờ Thái Thú Nhâm Diên của Tàu vào khoảng 2.000 năm trước đây, đã có công sang nước ta giảng dạy nên dân ta mới biết cày cấy lấy gạo mà ăn.

 Nhưng vấn đề nguồn gốc Lúa Nước đã bắt đầu được đặt lại với Ts Solheim II khi nhóm ông tìm thấy tại vùng Non Nok Tha, phía Bắc Thái Lan Hạt Lúa có niên đại cổ hơn giống lúa ở Trung Hoa hay Ấn Độ cả ngàn năm.

 Ngay cả nhà Khảo Cổ Peter Bellwood, tuy bất đồng ý kiến với Ts Solheim II ở những điểm khác, cũng cổ võ cho thuyết quê hương lúa nước phải ở vùng khí hậu nhiệt đới từ Đông Dương xuống Mã Lai, Miến Điện mới là thích hợp (7).

 Một trong những dữ kiện mới nhất là nhà Khảo Cổ gốc Thái Surin Pookajorn đã tìm thấy những hạt lúa ở hang Sakai có niên đại C14 đến 9260-7620 năm trước đây.(8)

Bs  Stephen  Oppenheimer  đã kết luận về vấn đề Lúa Nước như sau: “Nay chúng ta có một hình ảnh mới, lạ lùng  là : thay vì cái mô thức cho Trung Hoa là nơi phát sinh kỹ thuật trồng lúa  nước, ta thấy chính giống người  nói tiếng Nam Á ở Đông Dương thường bị coi là giống Man Di lại dạy cho người Trung Hoa kỹ thuật thuần hóa Lúa Nước”.(9)

 Lúa Nước, một trong những thành tố nền tảng của nền Văn Minh Nông Nghiệp tại Đông Nam Á, là một trường hợp Điển Hình về sự Thoán Đoạt công trình Khám Phá của dân Bách Việt  bởi người Hoa Hán. Cùng số phận với Lúa Nước, còn nhiều khám phá khác như Tằm Tang, Đồ Đồng, Đồ Gốm……. và ngay cả Văn Tự ít nhất ở đợt ‘tại Thiên thành Tượng’.

Tóm lại, vì hình ảnh một nước Tàu lâu đời và to lớn “đứng” bên cạnh những nước nhỏ trong đó có Việt Nam, thực sự chỉ mới có từ thời Tần Hán tức cách đây khoảng 2.000 năm mà thôi, trong khi đó như vừa được trình bày ở trên, dân Viêm Việt đã có mặt trên toàn thể địa vực tương đương với nước Tàu ngày nay ngay từ đầu, và đó chính là lý do và nguồn gốc của sự Ngộ Nhận về Chủ Quyền trên vùng lãnh thổ nêu trên.

[Trong các bài viết trước đây, chúng tôi có đề cập đến sự kiện là theo các khám phá mới nhất của các ngành Di Truyền, Khảo Cổ học ……ngày nay, thì con người Hiện Đại (Homo Sapiens Sapiens) từ Phi Châu đến định cư đầu tiên tại vùng Đông Nam Á cách đây khoảng 60.000 năm theo ngã Nam Á. Nhưng phải chờ đến khi miền Bắc bớt lạnh giá tức cách đây khoảng 40.000 năm, ( có lẽ sau khi xảy ra hiện tượng ‘đột biến di truyền’ biến da Đen thành da Vàng) thì đoàn người này từ Đông Nam Á mới thiên di lên phía Bắc đến định cư tại vùng đất Cổ Việt tức nước Tàu ngày nay.

Còn nguồn gốc người Hoa Hán là do các đoàn người cũng từ Phi Châu sang, nhưng qua ngã Âu Châu và Trung Á, đến lâu sau LAI giống với dân bản thổ Viêm Việt đã hiện diện từ trước, vào thời kỳ cách đây khoảng từ 15.000 đến 20.000 năm. Lúc ban đầu, họ chỉ bao gồm một vài bộ lạc nhỏ cư ngụ ở phía Tây Bắc trên bờ sông Hoàng Hà  Và sau đó xảy ra những diễn biến mà chúng tôi vừa trình bày ở phần trên của bài này].

II) BÁCH VIỆT HÌNH THÀNH NHO GIÁO SƠ KHỞI

A) DẪN NHẬP

Tình trạng cũng tương tự đối với vấn đề Nguồn Gốc  của Nho Giáo. Thật vậy, “vì mọi người chỉ quen biết nước Tàu qua hình ảnh một nước Tàu với ngũ thiên niên sử, với giải đất mênh mông chạy dài từ tỉnh Cam Túc Mãn Châu đến Bắc Việt, mà không để ý đến sự khác biệt trong thời gian không gian”(10)

Thật vậy, với sự hiện diện của cư dân Viêm Việt ngay từ  đầu tức ở thời Tiền Sử xa xưa, thì có thể nói VIỆT NHO thời đó đã bàng bạc trên khắp nước Tàu trước khi người Tàu xâm nhập. Và sau này tức ở thời Tiền Sử gần hơn, khi người Tàu xâm nhập rồi thì họ cũng chỉ chiếm cứ những khoảng không gian rất ‘khiêm tốn’.

Việt Nho ở thời kỳ đầu tiên của Cổ Việt mà lãnh thổ tương đương với nước Tàu ngày nay, còn được Cố Triết Gia Kim Định gọi ở nơi khác là HOÀNG NHO, mà nội dung được chứa đựng trong bốn loại sách gọi là : Tam Phần, Ngũ Điển, Bát Sách, Cửu Khâu, mà tương truyền là nhà Chu (1122-225 trước T.L.) đã  ‘để mất’, khiến người sau quên dần dòng văn hóa Hoàng Nho này. Do đó, người Tàu chỉ còn tính lịch sử từ Hoàng Đế 2696 trước T.L. trở lên Thần Nông là 2737 trước T.L. , Phục Hy 2852 trước T.L.

Sau Tam Hoàng đến đợt Tổ thứ hai là Nghiêu Thuấn. Sách Trung Dung chương 30 viết: ‘Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn hiến chương Văn Vũ’  ( Trọng Ni- tên Khổng Tử- thuật lại đạo của ông Tổ mình là Nghiêu ,Thuấn, còn hiến chương thì theo vua Văn, vua Vũ.)

Thế mà, trong sách Mạnh Tử ( Ly Lâu Hạ ) khi đề cập đến nguồn gốc của Vua Thuấn, Văn Vương lại đề quyết chính là người  Man Di (Vua Thuấn gốc Đông Di, còn Văn Vương gốc Tây Di) .Vì thế, ta có thể gọi thời này là DI NHO, tức là Nho của dòng tộc Man Di. Xin lưu ý từ ‘Man Di’ là chỉ tên của chủng tộc Man và Di , còn gọi chung là Tứ Di (và vào thời đó, chưa có tính ‘bôi bác’ ‘khinh miệt’ cho là ‘mọi rợ’  như thái độ của người Tàu sau này đối với dân Bách Việt).(11)

Đợt Ba là VIỆT NHO vì Việt cũng là Bách Việt , là tên phổ biến từ thời Chiến Quốc để chỉ các dòng tộc cũ như Tứ Di hay Man Di. (Nhưng riêng về từ  ‘Việt’, theo những khám phá mới nhất của Khoa Học ngày nay, thì có những bằng chứng Khảo Cổ về sự hiện hữu của Từ này lên tới ít nhất cho đến đời nhà Thương).  Đó là một liên đoàn các dân bản thổ đã cư ngụ từ phía Nam sông Hoàng Hà trải dài tới phía Đông bờ Thái Bình Dương, (và như đã đề cập ở trên) họ cư ngụ khắp vùng lãnh thổ tương đương với nước Tàu ngày nay trước khi Tàu lập quốc và xuất hiện một dân tộc gọi là Tàu. Đoàn cư dân bản địa này gồm nhiều dòng tộc như Viêm Chủng, Tam Miêu, Cửu Lê, rồi còn là Cửu Di, Tứ Di….và sau này được gọi chung bằng tên Bách Việt gồm nhiều chi như :

Bộc Việt : miền Kinh Sở.

Liêu Việt : miền Hồ Quảng

U Việt : miền Chiết Giang

Mân Việt : miền Phúc Kiến

Nam Việt : miền Lưỡng Quảng

Lạc Việt : miền Bắc Việt Nam hiện nay.

Chữ VIỆT của đoàn người Bách Việt này được viết với bộ Mễ, chỉ lúa Mễ của nền văn hoá Nông Nghiệp. Mễ là loại lúa nước , khác loại lúa khô, lúa tắc của Du Mục Hoa Hán

Tóm lại, Hoàng Nho, Di Nho cũng chính là VIỆT NHO, vì khởi thủy chỉ có đại chủng tộc Bách Việt cư ngụ toàn cõi mênh mông từ miền Nam Hoàng Hà đến tận bờ Thái Bình Dương, với nền văn hoá chung là Nho Nguyên Thủy. Việt Nho do đó còn là Nguyên Nho.(12)

B) HOÀNG NHO CHÍNH LÀ VIỆT NHO

Về đề quyết thứ nhất ‘Hoàng Nho cũng chính là Việt Nho’, chúng ta hãy trở lại với bộ ba gọi là ‘Tam Hoàng” của người Tàu, mà người đọc nếu tinh ý một chút,  có thể nhận thấy tính cách Du Mục, ‘Trọng NAM’ của ‘bộ ba’ ‘Tam Hoàng’ này gồm toàn nhân vật ‘đực rựa’ theo thứ tự  của họ là ‘Hoàng Đế-Phục Hy-Thần Nông’ do đó có tính cách ‘Duy Dương’ nên trái với tinh thần triết lý Âm-Dương hai chiều  của Kinh Dịch. Vậy nên, cũng đi ngược lại với tính cách Nông Nghiệp, ‘Trọng NỮ’ của ‘bộ ba’ ‘Tam Hoàng’ của Viêm Việt bao gồm ‘Phục Hy-Nữ Oa-Thần Nông’ được xếp theo tinh thần ‘Lưỡng Long Chầu Nguyệt’ với nguyên tắc ‘Chúng do Quả vi Chủ’ của Dịch Lý, tức DƯƠNG [=nhiều (‘Chúng’ vì có hai Vị đại diện (Phục Hy và Thần Nông) phải ‘Tôn’ ÂM [ít (‘Quả’) vì chỉ có Nữ Oa] làm CHỦ.

Lý chứng thứ hai về tính Kế Thừa của Việt Nho đối với Hoàng Nho khi so với ‘Nho Tàu’ liên quan đến cách thức đặt Tên các giai đoạn Văn Minh.

Giai đoạn Việt Nho đầu tiên còn gọi là Hoàng Nho thường được chia làm 3 thời kỳ: Tam Hoàng, Ngũ Đế, Tam Đại. Ở thời kỳ Tam Hoàng, để đặt Tên, các dân căn cứ vào Tài Đức mà cụ thể là các Sáng Chế như sự dùng Lửa (Toại Nhân), làm Nhà (Hữu Sào), sáng tạo Kinh Dịch (Phục Hy), làm Ruộng (Thần Nông)…..vvv…..

Các Danh Hiệu huyền sử  nước ta đều đặt theo lối Tam Hoàng nêu trên tức gọi theo các Phát Minh chứ không gọi theo Dòng Tộc như người Tàu. Thí dụ :

_ phát minh Lửa (Toại Nhân) được ghi vào tên Xích Quỷ, Viêm Việt

_ làm Nhà (Hữu Sào) thì thành Hồng Bàng (=Nhà chim)

_ làm Ruộng (Thần Nông) được ghi vào chữ VIỆT với bộ ‘Mễ’…..vvv…..

_ cặp Phục Hy-Nữ Oa mà ý nghĩa được hình tượng bằng ‘hai đuôi Giao nhau’ trở thành các danh hiệu Nước của Việt tộc: Văn Lang, Giao Chỉ (cả hai chữ đều có hai nét “âm-dương giao thoa”)

TOẠI NHÂN: phát minh ra phép dùng Lửa đã chấm dứt thời bắt sống ăn tươi như thú vật, đặng bước vào thời nấu nướng, chiên, xào. Vì liên hệ với cụ Toại Nhân mà chúng ta có tên Xích Quỷ. ‘Quỷ’ là ‘làm Chủ’, còn ‘Xích’ là ‘đỏ’, hiểu là ‘đỏ lửa’, tức làm Chủ được Lửa, hay là áp dụng Lửa vào cuộc sống. Cũng vì thế phương Nam thuộc Xích đế (Tây Bạch đế, Đông Thanh đế, Bắc  Huyền đế, ở giữ là Hoàng đế). Chỉ vì liên hệ này mà Việt tộc có tên Viêm tộc.

HỮU SÀO: là ‘có Tổ’ có ý nói tới ‘nhà Sàn’, vì nó giống với ‘Tổ’, Tổ làm trên cây ở giữa Trời cùng Đất. Nhà Sàn cũng vậy, có nóc chỉ Trời, có sàn chỉ Người, có nền chỉ Đất. Vì thế nhà Sàn ám chỉ ‘Trời-Người-Đất’. Sau này, Nho công thức hóa thành Tam Tài là ‘Thiên-Địa-Nhân’, ta quen gọi là Đạo BA.

THẦN NÔNG: có tên Viêm đế và một chuỗi những chim “Lửa” như chim Tất Phương và chim Chương Dương đều là Thần Lửa phương Nam, cũng như có những Tổ làm Thần Chúc Dong coi về Lửa, tức kỷ niệm thời Tổ Tiên ta còn thờ Mặt Trời nên mới có những tên như Viêm đế, Viêm bang, Viêm chủng mà nhà Phật dịch là Nhật chủng cũng như nước ta nhận hoa Nhật quỳ làm Quốc hoa…..vvv…..(13)

[Vì đang nói đến thời kỳ Tổ Tiên ta còn thờ Mặt Trời như phần đông các dân tộc sinh sống thời đó, chúng tôi xin được mở một dấu ngoặc để nói thêm một chút về diễn tiến sau đó. Từ thờ Mặt Trời chuyển qua giai đoạn Thờ Trời. Mà Đạo Thờ Trời cùng với Lễ Gia Tiên và cơ cấu Ngũ Hành là 3 cột cái của ‘căn nhà’’ Việt Nho.

Thật vậy, Đạo Thờ Trời là của Bách Việt về sau Tàu mượn và dành cho vua, dân không được thờ, đang khi bên ta đến đầu năm 1945, có nơi đến 80% gia đình trong nhà có bàn thờ Ông Thiên.(14)

Và luôn tiện đang nói về Đạo Thờ Trời của Bách Việt, chúng tôi mới chợt nhớ tới trường hơp có người lo cho ‘Ông Trời’ VIỆT làm việc không xuể trước vô số nguyện vọng của dân chúng. Nhưng đó là một điều Ngộ Nhận có lẽ bắt nguồn từ sự kiện người này không nắm vững bản chất của “Ông Trời” Việt Nam cách riêng và Đông Phương cách chung.

Ở đợt Tâm Thức cao nhất thì bản chất của Thượng Đế bên Đông Phương được hiểu là VÔ NGÔI VỊ nên ‘Ông Trời’ VIỆT đâu cần phải giải quyết từng vấn đề của từng cá nhân mà sợ ‘Ông’ làm không xuể ? Lý do là ‘Ông’ đã ‘ấn định’ tất cả Luật Tắc từ thời ‘Big Bang’ rồi, như luật ‘Âm Dương’ của Dịch Lý chẳng hạn. Và cả Vũ Trụ, Càn Khôn kể cả Con Ngưới cứ tuân theo Luật Tắc đó để mà Sống, mà Tiến Hoá. ‘Ông’ đâu cần mất thì giờ can thiệp nữa như có người lo!

Chính vị Thượng Đế có NGÔI VỊ của phần lớn Tín Hữu bên Tây Phương vì tính cách Can Thiệp nằm sẵn ngay trong bản chất Ngôi Vị mới lo làm không xuể trước các đòi hỏi bất tận của Tín Hữu bên trời Tây]

Xin trở lại vấn đề.

PHỤC HY-NỮ OA: mà Cố Triết Gia Kim Định đề nghị ‘thử máu’, xem là máu Tàu hay máu Việt ? Cố Triềt Gia viết: “Đó là phương pháp rất khoa học vì đây không phải máu chủng tộc mà máu Văn Hóa. Đến lúc thử xong thì toàn lại máu TR (Tiên-Rồng). Phục Hy cũng có tên là Thanh Tinh, rồng xanh, đúng là máu R, còn bà Nữ Oa thì thấy là máu T (Tiên=Chim), vì khi bà chết thì hóa ra chim Tinh Vệ tha đá lấp bể. Tương truyền Nữ Oa lập ra phép Hôn Phối, thực ra là Linh Phối giữa Trời với Đất, Âm với Dương…..”(15)

Mà triết lý Âm-Dương là nền tảng của Kinh Dịch mà tương truyền do Phục Hy sáng tác ra với các Quẻ được tượng hình bằng 6 thể Rồng để chỉ 6 trạng thái Tâm Thức của con người trong cuộc tiến hóa. Điều thú vị ở đây là với Phục Hy chỉ có Quẻ, các đời sau mới thêm Lời vào. Rồi cũng tương truyền Khổng Tử thêm phụ trương gọi là Thập Dực nghĩa là “mười cánh”. Thế là nói lên Chủ Quyền của VIỆT là Tiên Rồng rồi đó (vì chim đi với Tiên) trên Kinh Dịch là sách nền tảng của Nho Giáo. Nếu Rồng như đã nói ở trên, là 6 thể Rồng của quẻ Kiền mở đầu Kinh Dịch, vậy thì kết phải là mười  cánh Chim (biểu tượng Tiên), là Thập Dực vậy (16).

Còn về phía người Tàu, Tam Đại rồi tiếp theo Ngũ Bá, là một sự bắt chước lối đặt Tên kiểu Tam Hoàng và Ngũ Đế nhưng đã SA ĐỌA:

Họ không còn dựa trên Tài Đức hay Sáng Chế như Việt Nho hay Hoàng Nho đã làm, mà như với Tam Đại, người  Tàu thiên về Cá Nhân nên gọi tên bằng Triều Đại : Hạ-Thương-Chu, Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công…

Sự Sa Đọa nêu trên còn được ghi đó đây: thí dụ Lễ Ký II.307 viết: “Nghiêu Thuấn trọng Đức, nhà Hạ trọng Tước, nhà Ân trọng Phú”: đó là những nấc đi Xuống của “Nho Tàu” , từ Đức qua Tước đến Phú.(17)

Lý chứng thứ Ba về tính Kế Thừa của Việt Nho là cách thức gọi Tên theo lối VIỆT: Nữ Oa, Thần Nông….mà không là Oa Nữ, Nông Thần theo lối Hán.

C) DI NHO CHÍNH LÀ VIỆT NHO

Cũng như ở giai đoạn DI NHO, gọi Đế Nghiêu. Đế Thuấn…..mà không là Nghiêu Đế, Thuấn Đế….Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, theo Mạnh Tử, Vua Thuấn là người Đông Di (=’Thuấn, Đông Di chi nhân’), còn Văn Vương là người Tây Di (=“Văn Vương, Tây Di chi nhân”), tức cả hai Vị đều là Tứ Di tức là gốc VIỆT cả ! Đó là dựa trên bằng chứng Xác Thực mà nhân chứng không ai khác hơn là Mạnh Tử. Còn đối các Vị khác tuy chưa có bằng chứng hiển nhiên như trên, nhưng có thể cũng nằm trong trường hợp tương tự như Vua Thuấn và Văn Vương vậy !

Ngoài ra, sở dĩ Khổng Tử đề cao Nghiêu Thuấn vì hai ông mang đầy yếu tố VIỆT trong mình. Ông Nghiêu nêu cao đức Thiện Nhượng tức là đức tính căn bản xã hội cộng đồng nguyên thủy của Việt tộc lấy sự cộng tác tương trợ làm cốt cán như thấy trong bầu khí Trống Đồng là thuận hòa từ nhượng cộng tác (xa với lối tranh đấu để sinh tồn)…..Ông Thuấn cũng Thiện Nhượng như vậy, lại còn thêm một đức tính trổi vượt của Việt tộc là đức Hiếu Thảo.

Hoặc nếu nhìn hơi khác một chút, thì cùng lắm cho Nghiêu là Tàu (Nho) còn Thuấn là Việt thì Khổng Tử kể là nối Việt vào Nho khi ghép hai ông lại một. Đặt Việt trước Nho là Khổng Tử đề cao Thuấn hơn Nghiêu, vì Thuấn hội nhiều nét Việt hơn, như Tâm Tình là chữ Hiếu, Nghệ Thuật là Ca Vũ (ông Thuấn làm ra nhạc Cửu Thiều) lại còn kiêm bộ Nạp Ngôn đi sát với dân.  Ông Nghiêu chỉ có việc Khoa Học là Thiên Văn Lịch Pháp mà không ấm áp tình người như ông Thuấn, và như vậy Thuấn có thể coi như biểu thị cho bước đầu VIỆT Lý được NHO Công Thức Hóa.(18)

Đàng nào thì trừ Đại Vũ, các Vị nêu trên đều chủ trương TRUYỀN HIỀN rất gần với Tinh Thần Dân Chủ của Làng Xã VIỆT. Do đó thêm một lý chứng nữa cho thấy Di Nho cũng chính là VIỆT NHO.

D) GIAI ĐOẠN “TAM ĐẠI”

Và sau đó là giai đoạn TAM ĐẠI: Hạ-Thương-Chu.

1) Nhà HẠ kéo dài 439 năm (-2205 : -1766 trước T.L.)

Tiếng ‘Hạ’ không phải tên một chủng tộc, mà để chỉ một mảnh đất nhỏ ở mạn Nam sông Hoàng Hà. Đối với người mạn Bắc thì Nam kể như Hạ. Có thể người Chàm Châu Đốc đã ở đấy vì họ cũng có tên ‘Hạ’ và có tục cưới Rể y như ông Vũ nhà Hạ ở quê vợ là Đồ Sơn tức Hội Khê. Cha ông tên là Cổn được trao cho việc ‘trị thủy’ nhưng thất bại, đến lượt ông Vũ thì thành công.

Chữ ‘Trị Thủy’  hiểu theo ẩn nghĩa là ‘Cai Trị Nước’. Ông Vũ ‘trị thủy’ được là nhờ có con ‘Qui’ nổi lên ở sông Lạc đội quyển sách có 9 khoản. Theo cái nhìn của Huyền Sử thì đó là cách Cai Trị của Lạc Việt gọi là Cửu Lạc, sau Nho Giáo gọi là Hồng Phạm Cửu Trù với Lạc Thư, tất cả  đều phát xuất  từ Việt Tỉnh Cương tức là 9 điều xếp theo  9 ô của chữ TỈNH của VIỆT Tộc.(19)

Thật vậy, nhà Hạ còn ở giai đoạn Huyền Sử và thiên Vũ Cống trong Kinh Thư là bản đồ duy nhất còn sót lại trong Kinh Điển về thời này, có thể dùng làm tài liệu để rọi ít nhiều ánh sáng vào cương vực Việt Nho mà trung tâm lại ở phía Nam.

Nếu nói rằng địa vực vận hành của Sử Tàu là 3 châu Kinh, Duyện, Dự nằm trên bờ sông Hoàng Hà, thế mà ở thiên Vũ Cống thì trung tâm (nội phương) lại nằm ở Châu Kinh (tức Kinh Việt) trên bờ sông Dương Tử. Như vậy rõ ràng đã có một sự di chuyển  trung tâm từ Dương Tử lên Hoàng Hà.

Mặt khác, nói Đại Vũ  lập ra nhà Hạ có nghĩa là làm Vua phương Nam và lập được hai công lớn: một là Đúc Đỉnh , hai là Trị Nước. Trị Nước theo đồng văn có nghĩa là thực hiện nổi nền triết lý Việt Nho vào việc Chính Trị, còn Đúc Đỉnh là đúc hai nền văn hóa Việt Hoa vào một khối kêu là Hoa Hạ.

Tóm lại, Đại Vũ là vị vua đầu tiên mở biên cương liên bang xuống miền Nam, nên huyền sử kêu là lập ra Hoa Hạ, tức các nước phía Nam, thế nên Sử Tàu kể nhà Hạ là nhà Vua đầu tiên của họ. Còn phía Viêm Việt cũng gọi Hạ Vũ là ông Vua có vợ Việt, tức linh phối văn hóa Việt…..Đại Vũ đã khéo léo đặt cơ chế của xã hội LÝ của Hoa tộc trên cơ chế xã hội TÌNH của Viêm Việt. Đem ngoại phương đặt vào nội phương, tức là lấy Việt Nho làm phần cốt cán.

Ngoài ra, ‘người Hán tộc có thành kiến Bắc-Nam. Song trải qua nạn Ngũ Hồ, nhà Đông Tấn và các Nam triều thống trị phương Nam hưng thịnh, người Bắc bị Nam hóa nên quan niệm Bắc –Nam dần dần tiêu tán’. Đó là câu nói vô tình chứng minh nguồn gốc Việt Nam của Nho Giáo, vì khi hai luồng văn hóa giao thoa thì Nam đã chuyển hóa Bắc, rất nhiều lần như vậy tự xa xưa lúc Việt còn gọi là Lạc, Miêu, Man…..

Sự chuyển hóa đã theo MỘT CHIỀU và nhiều lần nên về sau xóa mất ý thức về sự việc , cho nên xảy ra hai hậu quả :

_ một là làm cho người Việt quên hẳn CÔNG ĐẦU của Tổ Tiên mình đối với Văn Hóa

_ hai là không đề phòng với yếu tố Hoa nữa, nên chúng xuất hiện  kéo Nho Giáo thiên qua phía Hoa tộc. Thí dụ về sau Đại Vũ KHÔNG Truyền Hiền mà là Truyền Tử thì đã SAI đường Viêm Việt. Sử cũng còn vớt lại một câu rằng Vũ có ý truyền hiền nhưng hiền lại là con Vũ, nên nói là truyền hiền hay truyền tử đều đúng.

Nói chung thì ông Vũ đã cố gắng thực hiện Việt Nho…..Cho nên ta có thể kết luận Đại Vũ là một  tiêu biểu cho sự Đúc Kết hai nền văn hóa Việt Hoa,(20) mà sau này còn một Cao ĐỈNH thứ Ba nữa là Khổng Tử. Tiếp theo nhà Hạ là:

2) Nhà THƯƠNG kéo dài 612 năm (-1766: -1154)

Về Văn Hóa thì phát xuất từ Hoài DI tức theo văn hóa Di-Việt. Bà Giản Địch đẻ Tổ nhà Thương theo lối dã hợp của Di, cũng theo mẫu hệ: gọi tên theo Việt như vua Đế Ất (thay vì Ất Đế theo lối Hoa), khi đánh nhà Chu thì nhờ quân các nước Di….., mà Di với Việt có liên hệ chặt chẽ cả về tiếng nói cùng một gốc Nam Á (Austro-Asiatic)….(21)

Chúng ta biết là theo truyền thuyết của người Hoa thì nước Tàu  xuất hiện với Hoàng Đế……tiếp theo sau là Nghiêu Thuấn, rồi nhà Hạ, nhưng các việc nêu trên còn nằm trong giai đoạn Huyền Sử. Còn trong giai đoạn Lịch Sử, về phương diện Cổ Sử và Khảo Cổ, nước Tàu chỉ thực sự bắt đầu với nhà Thương, lúc đầu là một bộ lạc với đất đai nhỏ hẹp [(400 x 300) km vuông] như trăm, ngàn ‘tiểu bang’ khác (‘vạn quốc’) của Di Việt, chỉ nổi về Binh Bị, còn về Văn Hoá thì thua xa Di Việt, nên có lẽ vì vậy sách ‘Xuân Thu Tả Truyện’ có câu ‘Hoa Hạ diệc tân Di Địch’ nghĩa là dân Trung Hoa cũng chính là những dân Di Địch mới. Đó là câu sách thoáng qua, nhưng lại phản ảnh một lưu truyền xa xưa mà ta có thể xác định vào thời Thương Ân  lúc nhà Thương xâm chiếm văn hóa Di Việt và biến cố này xảy ra ở vùng Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc miền Dương Tử giang, An Huy, Giang Tô miền Bắc sông Hoài…..vvv…..mà ấn tích là di chỉ Long Sơn rất nổi tiếng, vào những thế kỷ 15-12 trước T.L. ……Chính nhờ cuộc chiếm Long Sơn bởi nhà Thương mà ‘nước Tàu’  mới nhô lên bật ra khỏi tình trạng Bộ Lạc.

Long Sơn là một di chỉ danh tiếng do ông Anderson  khai quật được năm 1923  với cái Lịch ( nồi có 3 chân rỗng) rất thời danh  cũng như Đồ Sứ Đen. Long Sơn của Di Việt đã có Làng Xã, có thờ Tổ Tiên cũng như vòng xoáy ốc Tả Nhậm (ngược chiều kim đồng hồ) cũng Rìu có vai và Đồ Gốm có hoa văn …..y như văn hóa Đông Sơn của Lạc Việt vậy ! Ông Bỉnh Thế Hà đã kết thúc tác phẩm ‘The Craddle of the East’ bằng câu tuyên bố rằng nước Tàu làm nên do những người KHÔNG phải là Tàu. Vậy thì là ai ? ” (22) nếu không phải là dân DI VIỆT !

Và những điều vừa nêu trên và nhiều điều khác nữa về văn hóa Long Sơn đã được nhà Thương vay mượn từ Di Việt để đóng góp vào nền Văn Minh Tàu.

Lấy thí dụ về ảnh hưởng của Long Sơn trên nhà Thương qua cái LỊCH có thể coi như mối khởi đầu của nền văn hóa Lạc Thư, vì tự Lịch (3 chân) thuộc văn hóa Long Sơn chuyển qua cái ĐỈNH đời Thương rồi Chu hoặc những cái TƯỚC đủ loại mà tựu trung loại 3 chân 2 tai nổi bật nhất. Mà điểm kết tinh của các diễn tiến nêu trên là Hà Đồ Lạc Thư vì tất cả từ cái Lịch của Long Sơn thuộc Di Việt qua cái Đỉnh, cái Tước của nhà Thương rồi Chu đến Hà Đồ Lạc Thư đều chứa đựng những con số rường cột là 2,3,5 (23) với số 2 chỉ Âm Dương, số 3 chỉ Tam Tài, số 5 chỉ Ngũ Hành của Dịch Lý.

Vậy nên, ảnh hưởng của Việt Nho trên văn hóa nhà Thương một mặt đã được xác nhận ở phần trên bằng những chứng tích Khảo Cổ, mặt khác còn được phản ảnh qua trung gian của Nghệ Thuật. Một trong những điểm nổi bật nhất của nhà Thương là các Đồ Đồng đúc khéo đến độ hoàn bị (đỉnh, chén, bình, đồ đựng khi tế)…Mà trong các đồ đồng, diễn đề nổi nhất là Văn Thao Thiết, hầu như không có di vật nào là không có, đến nỗi  gọi đồ đồng là Thao Thiết.

Diễn trình của nghệ thuật Thao Thiết trên đại cương có thể biểu hiệu cho bước tiến của Việt Nho trên đường chuyển hóa văn minh Tàu.

Bước đầu,Tàu nhận Hổ làm vật tổ, Hổ Phù, có lẽ do nguồn gốc Du Mục của người Hoa.

Bước hai, Hổ Phù biến thể ghé sang nghệ thuật của VIỆT thành ra Thao Thiết đầu bò. Đầu bò là Nông Nghiệp.

Bước ba, Thao Thiết ‘đầu bò’ biến ra ‘nửa Chim nửa Rồng’ (tức gần ra Tiên Rồng).

Bước bốn, Rồng đã trùm lên Thao Thiết, tức làm Chủ, đuổi Hổ đi hẳn.

Còn Chim thì tách ra một thứ hoa văn riêng biệt gọi là Quì Văn, một thứ Tiên Rồng cộng lại.

Tóm lại, nói Thao Thiết là biểu hiệu cho sự kiện Việt Nho chuyển hóa văn minh Tàu là vì khi xét đến các diễn tiến trong Phong Tục, Thể Chế, Kinh Văn….ta sẽ thấy có nội dung rất trung thực trong xã hội mà những Hoa Văn vừa nói coi được là Biểu Hiệu.(24)

Sau nhà Thương là:

 3) Nhà CHU  kéo dài 897 năm(1122-225 trước T.L.) phát xuất từ Tây Di, họ Cơ, thuộc bộ tộc Khương. Đến thời nhà Chu các bộ tộc còn lại từ ‘vạn quốc’  là 160 ‘nước’.

Nhà Chu là một trường hợp khá phức tạp với nhiều Mâu Thuẫn. Một mặt, VƯƠNG NHO là một sự kết hợp xảy ra ở đời Chu đựợc Khổng Tử nhắc tới trong câu : “Chu giám ư nhị đại, úc úc hỗ văn tai” (LN.III.14)    (= nhà Chu noi gương hai nhà trước là Hạ và Thương mà lập nên nền văn hóa xán lạn). Vậy hai nhà ấy đã đóng góp những gì ?

Như đã nói ở trên, vua Đại Vũ nhà Hạ đã lập hai công lớn: một là Đúc Đỉnh , hai là Trị Nước. Trị Nước là thực hiện nổi nền triết lý Việt Nho vào việc Chính Trị, còn Đúc Đỉnh là đúc hai nền văn hóa Việt Hoa vào một khối kêu là Hoa Hạ.

Còn nhà Thương thì vay mượn chính yếu từ Long Sơn mà theo Ts W. G. Solheim II, cả Long Sơn lẫn Ngưỡng Thiều đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Hòa Bình. Do đó ngày nay, nhiều nhà Khảo Cổ trong đó có ông Diselev người Nga đã nhìn nhận những nét “đại đồng tiểu dị” giữa Nghệ Thuật nhà Thương và Đông Sơn (Việt Nam).

Để đóng góp vào văn minh Tàu, nhà Thương đã vay mượn của Di Việt nhiều thứ trong đó có:

_ Tục cúng tế Tổ Tiên và tế Xã

_ Cái Lịch (nồi ba bề) với hệ thống số 3 được đề cao, và chuyển qua cái Đỉnh, cái Tước về sau, nhất là kiểu 3 chân 2 tai với hệ thống số 5  đặc biệt cặp số 3-2

_ Hội mùa Xuân (tôn giáo phong nhiêu và tế tự)

_ Tằm Tang

Cũng như:

_ Coi bói mu rùa và nhà chữ đinh

_ Nhà cất theo hướng từ trường nên đoán là đã tìm ra kim chỉ nam

…..vvv…..(25)

Đó là những yếu tố Căn Bản làm thành văn hóa mà Cố Triết Gia Kim Định gọi là VIỆT NHO.

Ở trên chúng tôi có viết là sự đóng góp của nhà Chu có nhiều Mâu Thuẫn, tức vừa tích cực vừa tiêu cực.

Với nhà Chu bắt đầu có ảnh hưởng DU MỤC đến từ phía Tây Bắc tức từ miền Lưỡng Hà như Perse, Assyria….Về khía cạnh Tích Cực liên quan đến phần Hình Thức, nhà Chu có công làm cho sáng tỏ ra tức MINH NHIÊN hóa nội dung vẫn còn ‘lờ mờ’ trước đó, có tính cách chính yếu là NÔNG NGHIỆP của hai nhà Hạ và Thương.

Còn về mặt Tiêu Cực liên quan đến khía cạnh Nội Dung, thì bắt đầu tiến trình SA ĐỌA vì nhà Chu du nhập vào Viễn Đông những yếu tố DU MỤC từ miền Lưỡng Hà như :

_ Luật Hình

_ Hoạn Quan

_ Quân đội chuyên nghiệp

_ Quan niệm về Thiên Mệnh và về nước Tàu như trung tâm của thiên hạ. Trước đó chưa có hai quan niệm này vì nước nhà Thương còn nhỏ…

_ Sự chuyển từ tư sản Làng Xã qua tư sản Phong Kiến…..vvv….(26).

Sau thời Tây Chu là thời Đông Chu với hai giai đoạn : Xuân Thu và Chiến Quốc.

E) XUÂN THU (-772 : -481)

Khổng Tử sinh ra và lập thuyết ở giai đoạn này và cho đến thời Xuân Thu, Ngài là một trong ba Đỉnh cao của Nho Giáo.

_ Đợt nhất là Thần Nông, Nghiêu Thuấn lập ĐỨC

_ Đợt nhì là Đại Vũ lập CÔNG

_ Đợt ba là Khổng Tử lập NGÔN

Nhờ ba Đỉnh cao đó mà nước Tàu thâu nhận nền văn hóa cổ xưa của Viêm Việt để dần dần tách ra mà vươn lên.

Người ta thường ghép hai chữ ‘Khổng Giáo’ hay ‘Khổng Mạnh’ để thay cho đạo Nho. Ghép như thế dễ gây lầm lẫn về nguồn gốc của Nho Giáo. Ngay nghĩ Khổng Tử là người sáng lập ra Nho Giáo đã là điều sai lầm rồi. Vì theo Gs Creel, không một yếu tố căn bản nào nơi Khổng Tử mà lại không tìm thấy nơi những người trước. Muốn nói thật chính xác, thì mấy Hằng Số của Nho Giáo đều phát xuất từ Viêm Việt.(27)

Ai cũng biết là Đạo NHO phát xuất từ Kinh Dịch. Kinh Dịch thành bởi Âm Dương, Tam Tài, Ngũ Hành. Nói kiểu Cơ Cấu là thành bởi ba số 2,3,5 (số 2: âm dương, số 3: tam tài, số 5: ngũ hành). Vậy muốn biết gốc đạo Nho thì hãy tìm gốc ba bộ số 2,3,5. Hễ thấy chúng phát xuất từ đâu, thì Nho cũng từ đấy. Kinh Dịch đã nói điều đó trong câu: ‘Tham thiên (3) lưỡng địa (2) nhi ỷ số’ (thuyết quái 1)  (28)

Vậy mà theo những cuộc thám quật mới nhất thì những con số này cũng như cái Lịch đều phát xuất từ phía Đông Nam, tức là Hà Nam, Sơn Đông rồi tỏa lên phía Tây Bắc: Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc. Vậy mà Đông Nam chính là miền cư ngụ lâu dài của người Lạc Việt, nên luận được rằng âm dương, tam tài, ngũ hành cũng như cửu trù, hồng phạm khởi từ Viêm Việt.(29)

Riêng tại Việt Nam :

Số 2 phát xuất từ nét Song Trùng là hai gạch song song gặp thấy khắc vào những viên đá cuội tìm được ở Bắc Sơn (tỉnh Thái Nguyên)…..rất phổ cập đến độ được coi như dấu chỉ nền văn hóa Đông Nam Á xưa với tên gọi là dấu Bắc Sơn (la marque Bacsonienne qui consiste en deux traits parallèles).

Số 3 phát xuất ở bộ ba cái Chạc (Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

Số 5 hay cặp 2-3 cũng ở Đông Sơn trong một mộ cổ tìm thấy 5 hòn sỏi thì 3 hòn mài nhẵn, 2 hòn để thô. Lại thấy hình xếp 3 người trên, 2 người dưới trong các cái Qua. Rồi trong huyền thoại “Sách Ước” với hai trang Hỏa-Mộc: hỏa số 2, mộc số 3…..vvv…..(30)

Ngoài ra, Khổng Tử hướng hẳn về văn hóa phương Nam của Viêm Việt. Ngài nói : ‘Thuật nhi bất tác’ tức là Ngài công nhận không sáng tạo ra cái gì mới cả, nhưng chỉ thuật lại cái Đạo cổ xưa, mà đạo cổ xưa là gì nếu không phải VIỆT NHO, một Đạo đã xuất phát từ phương Nam. Khi Tử Lộ hỏi về đức Cường thì Khổng Tử phân biệt ra hai thứ cường: một của phương Bắc ưng xông pha ra trận địa coi thường cái chết, một của phương Nam dùng điều Nhu Thuận mà giáo hóa, không báo thù kẻ ‘vô đạo’ (= ‘khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo’), người Quân Tử phải ở lại, phải y cứ trên Tinh Thần phương Nam. (‘nam phương chi cường giả quân tử cư chi’).

Tâm trạng của Khổng Tử ở đây thật giống những nhân tài Việt tộc tuy hoàn cảnh phải làm việc trên Bắc, nhưng lòng những canh cánh hướng về phương Nam: chính trong cái Vô Thức Công Thông đó mà Khổng Tử đề cao hai thiên Châu Nam, Thiệu Nam (trong Kinh Thi) hết cỡ, đến nỗi với Ngài, kẻ nào không đọc hai thiên đó thì như người quay mặt vào tường chẳng thấy được chi.(31)

Và như đã đề cập ở trên, Khổng Tử đã học với Thuấn là người Đông Di [= “Thuấn, Đông Di chi nhân” (Mạnh Tử)]. Mà Di chính là Lạc Việt. Người Tàu quen gọi ta là Man Di nên có Di Việt, Hoàng Di (cũng như Hoàng Việt).

Hỏi nếu vậy thì Khổng Tử có CÔNG gì ?

Xin trở lại với câu ‘Thuật nhi bất tác’. Khi Khổng Tử nói Ngài chỉ thuật lại chớ không sáng tác là Ngài nói lên một Sự Thực rất lớn lao: tức Ngài không phải là tác giả. Tác giả là toàn thể giới Kẻ Sĩ đi trước Ngài, là toàn thể các Tiên Hiền Bách Việt hữu danh cũng như vô danh. Tuy nhiên, cuối cùng Tác Giả đích thực chính là DÂN GIAN: Viêm Tộc, Bách Việt, Lạc Việt…và là Vô Thức Cộng Thông (Collective Unconscious) của Việt Tộc.

Nói vậy không phải hạ giá Thiên Tài của Khổng Tử …..Vì nếu không phải là Thiên Tài thì không thể tô tạo những hình thái bất hủ như thế được: những câu Châm Ngôn với hình thức như kiểu ‘Bia Ký’, ‘Thánh Phán’ đi thẳng vào lòng người nhờ đầy nội dung Minh Triết có khả năng soi sáng và làm hướng đạo dẫn dắt những dân tộc lớn qua biết bao thế hệ ! Dân gian chỉ cung cấp có CHẤT, còn việc làm của Tác Giả là cuối cùng tìm ra dạng thức nhất định gọi là VĂN. Biết chọn trong đống tư liệu bộn bề những điều giá trị Trường Cửu và xếp đặt theo một ý nghĩa gọi là Văn sao cho ‘văn chất bân bân’ thì ngoài Thiên Tài ra không ai làm nổi. Phải là Thiên Tài kiêm Thánh Triết thì mới có thể ‘Thuật Nhi’ tức viết thành ‘Kinh Điển’. Thiếu những tư cách ấy thì chất liệu có dồi dào, dữ kiện có phong phú đến mấy cũng không tự nhiên thành Kinh Điển hay Cổ Điển được. Tuy nhiên tài cao đến đâu cũng không lấn át được Chất tức phần đóng góp âm thầm lâu dài và công cộng của Toàn Dân, cho nên những thời mà Trí Thức quá xa lìa với Dân Gian thì không làm nên chuyện gì, thí dụ không có văn học đời Tần hay Sơ Hán vì họ xa dân”.(32)

Tóm lại, công việc nêu trên của Khổng Tử có tên là VĂN hay Hình Thức đối với CHẤT hay Nội Dung của toàn thể dân gian Bách Việt với mục tiêu đạt được tình trạng ‘Văn Chất bân bân’ mà dung lượng Lý Tưởng theo Dịch Lý là ‘2 Văn 3 Chất’. Nói cách khác, qua trung gian của Vương Nho, Khổng Tử đã CÔNG THỨC Hóa nội dung Văn Hóa của Bách Việt.

Theo Cố Triết Gia Kim Định, Khổng Tử “đã có công lớn lắm ở chỗ đưa Lý Trí vào để làm ra Minh Nhiên những huấn điều của Việt Đạo hãy còn nằm trong Tiềm Thức, Thiên Năng. Thiên Tài của Khổng Tử là đưa Lý Trí vào vừa ĐỦ nên không phá mất Thiên Năng. Ngài giữ được tỉ lệ 2-3, 2 Lý Trí 3 Thiên Năng. Triết Tây Âu đưa vào đến 4 Lý Trí làm thui chột Thiên Năng (còn có 1)….”

Và cũng theo Cố Triết Gia, ‘về mặt Quân Bình 3-2 thì khắp Đông Tây Kim Cổ, không tìm thấy một Thiên Tài nào sánh ngang được với Khổng Tử ‘.(33)

Có lẽ vì vậy mà tại Hội Nghị Triết Học Thế Giới đầu tiên được tổ chức tại Đại Học Hawaii vào năm 1949, Khổng Tử đã được bầu làm Nhạc Trưởng cho cuộc Hòa Tấu Đông Tây mai hậu về phương diện Văn Hóa và Triết Học. Lý do đã được Hội Nghị đưa ra là nhờ Khổng Tử có chân trên cả hai “tàu”: “tàu” Huyền Niệm và “tàu” Xã Hội.

Ở phần trên, chúng tôi đã chứng minh Hoàng Nho, Di Nho chính là Việt Nho. Còn với Vương Nho, Khổng Tử đã dùng Lý Trí vừa đủ để Công Thức hóa trên nền tảng Việt Đạo. Vậy nên cuối cùng, Hoàng Nho, Di Nho, Vương Nho cũng chính là VIỆT NHO.

Mà muốn nắm vững nội dung của Việt Đạo, có lẽ phải trở về nghiên cứu cơ cấu và sinh hoạt của Làng Xã Việt, cũng như ý nghĩa của lễ Gia Tiên, nhất là sự khác biệt giữa tục thờ cúng Ông Bà ở đâu cũng có ở thời xa xưa và lễ Gia Tiên của riêng Việt tộc.

Tục thờ cúng Ông Bà vì chỉ dừng lại với ông bà, tổ tiên của mình, nên đưa đến hiện tượng là thời xưa phe cầm quyền tức giới quý tộc Đông cũng như Tây, thường chiếm độc quyền Cúng Tế, lấy cớ tổ tiên của họ mới có máu họ với thần linh. Và đó là đầu mối của Giai Cấp và Nô Lệ.

Việt Tộc, trái lại ngoài bốn bài vị dành cho Cao, Tằng, Tổ, Nỉ xếp theo khung ngũ hành nghĩa là đặt ở bốn phương, còn trung tâm thì dành cho Văn Tổ là Tổ trên hết các tổ, Tổ của Văn Hóa, của Nhân Loại. Vì Văn Tổ là Tổ chung của mọi người nên “hễ ai là Người thì đương nhiên có đủ quyền đứng ra Tế Gia Tiên. Vì nhờ quan niệm rất rộng đó nên ai cũng như ai, đều có quyền làm Người, bất cứ gia đình nào cũng có quyền lập bàn thờ Tổ Tiên. Lễ Gia Tiên từ đấy hết còn là đặc ân dành riêng cho quý tộc như xưa, mà mở rộng cho khắp mọi tầng lớp với các quyền lợi đi kèm theo như quyền được đặt tên Tự, và do đó quyền được hưởng công điền, quyền được đi học, đi thi làm quan”.(34) Và đó là đầu mối của Tự Do và Bình Sản hay quyền được Ăn được Nói trong Văn Hóa VIỆT.

Và như đã nói ở trên, Khổng Tử đã Công Thức hóa Việt Đạo thành Vương Nho, do đó Cứu Cánh của Nho Giáo cách chung,của Việt Nho cách riêng là bảo vệ nền Tự Trị xã thôn, với chế độ Bình Sản (‘Ăn’) và Tự Do ( ‘Nói’) cho con người.  Vì Nho cũng chính là NHU vừa có nghĩa là Nhu Yếu (đáp ứng những nhu yếu thâm sâu của con người) vừa có nghĩa là Đạo của dân nhu thuận hiền hậu.

Sau thời Xuân Thu là thời

F) CHIẾN QUỐC (-481:-249)

Việt Nho đã hiện hữu từ thời Xuân Thu trở về trước. Còn từ thời Xuân Thu trở về sau là một loại Nho khác.

Cuộc chiến đấu cho lý tưởng Tự Do và Bình Sản nêu trên, ngay trước thời Khổng Tử đã được đỡ đầu do những nhà Hiền Triết ẩn dưới những tên như Thần Nông, Phục Hy, Nữ Oa, Nghiêu, Thuấn Đại Vũ….. tất cả là những tên quen thuộc của giai đoạn Viêm Việt, giai đoạn đã thành lập được văn minh Nông Nghiệp, mà sau này mang tên là Vương Đạo.

Nhưng cùng với thời gian và sự thấu nhập của các làn sóng xâm lăng từ Tây Bắc, nền Văn Hóa này đã bị lung lay. Và từ cuối thời Xuân Thu, mấy nước lớn như Tề, Tống, Tấn, Sở , Ngô, Việt, Tần có tranh bá đồ vương, không phải để sống lại tinh thần Vương Đạo, mà cốt để thôn tính các nước nhỏ cho tới khi toàn thắng để đặt nền Thống Trị trên toàn lãnh thổ. Tự hậu người ta có gọi Nho Giáo thì cũng chỉ còn là mượn danh hiệu, vì chính ra đó chỉ là Pháp Gia, Hình Gia chứ có còn đâu là Nho Gia!(35)

Tuy nhiên, Vương Đạo không vì vậy mà biến mất, mà chỉ rút lui về cố thủ nơi chốn Làng Quê đã được thấm nhuần tinh thấn Nhân Chủ của Việt Nho từ thuở xa xưa mà chiến tuyến trồi sụt theo dòng thời gian qua những hình thức và giai đoạn tranh đấu khác nhau như giữa Nông Nghiệp và Du Mục, Việt Tộc và Hoa Tộc, Vương Đạo và Bá Đạo, và nay giữa Vương Triều và Thôn Dã…..vvv…..Thỉnh thoảng có vài Vị có học thức và có dịp ra làm Quan  là những Kẻ Sĩ phải đương đầu với phe Vương Triều đồng thời nói lên nguyện vọng thâm sâu của người Thôn Dân tại chốn triều đình.

Ngoài ra, việc nghiên cứu lại lịch sử Nho Giáo có thể giúp chúng ta nhận thấy có hai thời kỳ khác hẳn nhau, mà khúc rẽ lớn nhất là việc Tân Thủy Hoàng đốt sách chôn Nho. Thật ra, sự kiện lịch sử nêu trên đã được báo trước, lối giữa thế kỷ thứ IV trước công nguyên, lúc mà nước Tấn (Xuân Thu) bị chia làm ba nước Triệu Ngụy, Hàn.  Sở dĩ lấy việc phân chia nước Tấn làm tiêu điểm vì trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Tàu, nước Tấn kể là lớn nhất trong các nước của nhà Chu. Nước này nằm trong tỉnh Sơn Tây trước kia là đất của vua Nghiêu mang tên là Đường, cũng như còn gọi thế trong quốc phong…..Vì thế việc tan rã của nước Tấn cũng chính là bước khởi đầu sự băng hoại của Vương Nho để chuyển sang Đế Nho với Tần Hán (36)

G) NHÀ TẦN(-255 : -206)

Kéo dài 49 năm, nhưng chiếm toàn cõi nước Tàu nhất là Sở, Việt, Ngô và xưng là Tần Thủy Hoàng Đế thì mới từ năm 221. Tuy cai trị vắn nhưng đã để lại một hình ảnh nước Tàu  to lớn, thống nhất, nên từ ấy về sau các nhà viết Sử bám vào hình ảnh này mà quên đi những quãng đầu lúc nước Tàu còn nhỏ xíu. Từ Tần Thủy Hoàng nước Tàu mới có như nay nhưng phải mượn tên Tần để gọi nước. Người Tàu đọc Tần là Tsin thành ra Chine, China. Tần là một trong Tứ Di, nhưng vì tiếp cận với Du Mục quá lâu đời nên đi theo hướng Du Mục, Chuyên Chế không hơp với Nho Nguyên Thủy là Vương Đạo theo tinh thần Dân Chủ. Vì thế chỉ cai trị nước Tàu quãng 49 năm.(37)

 Lê Việt Thường

(Hết Phần Một)

 CHÚ THÍCH

(1)   K.C. Chang, “The Archaeology of Ancient China”, New Haven, Conn. 1968

Cung Đình Thanh, “Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam”,  nxb Tư Tưởng,Sydney, 2003, tr.62

(2)   Cung Đình Thanh, Idem, tr.301

(3)   Kim Định, “Việt Lý Tố Nguyên”, An Tiêm, 2001, tr. 51-54

(4)   Cung Đình Thanh, Idem, tr. 42-46

(5)   S. Oppenheimer, “Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia”, Phoenix, London UK. 1998

(6)   Kim Định, “Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam”, Dân Chúa, N.Orleans, 1982, tr.96

(7)   P.Bellwood, “Prehistory of the Indo-Malaysian Archipelago”, Academic Press, 1986

(8)   S. Oppenheimer, Idem

(9)   Idem, tr.71

(10)  Kim Định, “Tinh Hoa Ngũ Điển”, Nguồn Sáng, SG, VN 1973

(11) Đông Lan, “ Sự Khác Biệt giữa Hán Nho và Việt Nho”https://minhtrietviet.net/su-khac-biet-giua-han-nho-va-viet-nho/

(12) Idem

(13) Kim Định, “Hưng Việt”, An Việt Houston, 1987, tr.26

(14) Kim Định, “Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam”,Idem tr.4
(15) Kim Định,“Hưng Việt”, Idem, tr 25-26.
(16) Kim Định, “Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc”, H.T. Kelton, USA, 1984
(17) Kim Định,“Tinh Hoa Ngũ Điển”, Idem
(18) Kim Định, “Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc”, Idem
(19) Kim Định, “Hựng Việt”, Idem, tr.35
(20) Kim Dịnh, “Tinh Hoa Ngũ Điển”, Idem
(21) Kim Định, “Hưng Việt, Idem, tr. 36
(22) Kim Định, “Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc”, Idem
(23) Kim Định,“Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam”,Idem tr.99
(24) Kim Định, “Sứ Điệp Trống Đồng”, An Việt San José, 1999, tr.198-199
(25) Kim Dịnh, “Tinh Hoa Ngũ Điển”, Idem
(26) Idem
(27) Idem
(28) Kim Định, “Gốc Rễ Triết Việt”, An Việt Houston, tr.75
(29) Kim Định,“Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam”,Idem tr.99-100
(30) Kim Định, “Gốc Rễ Triết Việt”, Idem, tr.75
(31) Kim Định,“Việt Lý Tố Nguyên”,Idem
(32) Idem
(33) Kim Định, “Gốc Rễ Triết Việt”, Idem, tr.76-77
(34) Kim Định, “Hồn Nước và Lễ Gia Tiên”, Nam Cung, 1979, USA, tr. 43
(35) Kim Định, “Tinh Hoa Ngũ Điển”, Idem
(36) Idem
(37) Kim Định, “Hưng Việt, Idem, tr. 36-37

[Tác Giả] [ Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm