PHẦN THỨ BA
MARIUYTX
QUYỂN I
Chương VI
MỘT ÍT LỊCH SỬ
…..
Vào thời ấy, cũng sát vào thời kỳ này rồi, thời xẩy ra câu chuyện kể trong bộ sách này, chưa có như bây giờ một viên cảnh sát của thành phố ở một góc đường (chưa phải lúc nên bàn hơn thiệt về sự tốt đẹp này). Những trẻ con lang thang đầy cả Paris. Thống kê bấy giờ cho một con số trung bình là 260 trẻ không nhà cửa, nhặt được mỗi năm trong các cuộc đi tuần của cảnh sát trong các khu đất hoang, trong những ngôi nhà đang xây dựng và dưới gầm cầu. Một trong những cái tổ ấy đã trở thành nối tiếng, đã sản sinh ra “những con chim én cầu Accolơ”. Chuyện đó là một triệu chứng xã hội tai hại nhất. Tội ác của người lớn bắt đầu từ cuộc sống lang thang của trẻ nhỏ.
Tuy vậy phải loại trừ Paris. Trong một chừng mực tương đối và mặc dầu thực tế cũ chúng tôi vừa nhắc lại, việc loại trừ ấy rất xác đáng. Trong khi ở bất cứ một thành phố lớn nào khác, một đứa trẻ lang thang sẽ là một người lớn hư hỏng, trong khi ở hầu hết khắp nơi, một đứa trẻ không ai chăm sóc như là đã dành sẵn và giao phó cho những tật xấu thói hư của xã hội nhấn chìm như có định mệnh, làm tiêu tan cả tính lương thiện và lương tri, thì trái lại thằng nhóc của Paris – ta hãy nhấn mạnh vào điểm này – dù xù xì và sứt mẻ rất nhiều ngoài da, bên trong vẫn còn nguyên bản chất. Một điều cao đẹp đáng nhìn, hiện rõ tính thanh niên sáng ngời trong các cuộc cách mạng quần chúng, đó là cái tính ngay thật không mua chuộc được, xuất phát từ ý niệm tiềm tàng trong bầu không khí của Paris, như muối tiềm tàng trong nước bể. Hít thở Paris là giữ gìn tâm hồn trong sạch.
Điểm chúng tôi nói trên đây không tránh cho chúng tôi khỏi se lòng mỗi khi gặp một trẻ nhỏ mà xung quanh người như thấy bay lơ lửng những sợi chỉ gia đình đã bị dứt đứt. Trong nền văn minh hiện đại – hãy còn xa mới hoàn chỉnh này – những gia đình đổ vỡ, tiêu tan trong bóng tối không phải là hiếm có, bất thường, những gia đình không còn biết con cái mình đã ra sao, những gia đình đã bỏ vãi ruột rà của mình trên đường phố. Do đó mà có những số phận con người mờ mịt. Cái đó đã được mệnh danh – cái thực tế đáng buồn ấy đã đi vào ngôn ngữ – là “bị vứt ra mặt đường Paris”.
Nhân đây cũng phải nói là những chuyện đem con bỏ chợ ấy, chế độ quân chũ cũ không ngăn cấm. Một ít cái cảnh “xã hội Ai Cập” hay “bôbêm” ấy, trong những cái tầng lớp dưới của xã hội cũng là điều kiện tiện lợi cho tầng lớp trên và “được việc” cho nhà quyền thế. Thù ghét việc cho con em nhân dân đi học vẫn là một giáo điều kinh viện. “Hay chữ lỏng” thì ích lợi gì? Đó là khẩu hiệu. Mà đứa trẻ lang thang là kết quả tất nhiên của đứa trẻ ngu dốt.
Vả lại triều đình một đôi khi cần trẻ con, lúc ấy họ cho đi hớt trẻ của Paris.
Dưới triều vua Lui XIV – để khỏi phải đi ngược thời gian xa hơn – nhà vua muốn lập một đội hải thuyền. Việc ấy chính đáng, ý kiến tốt. Nhưng hãy xét xem biện pháp thế nào? Không thể có hải thuyền, nếu bên cạnh thuyền buồm mà gió muốn đưa đi đâu thì đưa và để khi cần kéo những thuyền buồn này không có những con thuyền muốn đi đâu cũng được, hoặc bằng mái chèo, hoặc bằng hơi nước. Những thuyền có người chèo (Nguyên văn galères – thường thường họ bắt người tù khổ sai chèo. Do nguồn gốc lịch sử ấy mà chữ galères trong tiếng Pháp không những chỉ những chiếc hải thuyền lớn có người chèo mà còn chỉ tội hình khổ sai chung thân nữa; Galérien: người tội phạm bị bắt chèo thuyền) trong hải quân lúc bấy giờ, cũng như bây giờ những tàu thủy chạy bằng hơi nước. Vậy thì phải có những galerơ, những thuyền galerơ chỉ có thể đi lại khi có những người galêriêng. Vậy thì phải có những galêriêng. Thủ tướng Conbe ra lệnh cho các quan đầu tỉnh và các tòa án địa phương kết án khổ sai càng nhiều người càng hay. Và các vị thẩm phán đã hết sức tích cực trong việc này. Một người không ngả mũ khi một đám rước thánh đi qua, thế là có thái độ “tín đồ cải cách” phải đi tù khổ sai. Gặp một đứa trẻ ngoài đường phố, miễn nó 15 tuổi rồi và không có chỗ ngủ, thế là cho đi khổ sai. Triều đại lớn! Thế kỷ lớn! (Lịch sử Pháp còn gọi vua Lui XIV là Lui Đại đế và thế kỷ 17 là thế kỷ lớn)
Dưới triều vua Lui XV, không còn bóng trẻ con ở Paris, cảnh sát hốt chúng đi, không biết để làm chuyện bí mật gì. Người ta thì thầm một cách kinh hãi, những ước đoán quái gở về cái nước tắm đỏ của nhà vua. Bácbiê kể những chuyện đó một cách tự nhiên. Có trường hợp bọn cảnh sát không tìm đủ trẻ em vô thừa nhận, bắt cả trẻ em có bố. Bố chúng thất vọng, xông vào đánh cảnh sát. Trong trường hợp ấy tòa án can thiệp và bắt treo cổ. Treo cổ ai? Bọn bắt người à? Không, những người bố nọ.
Hết: Chương VI, Xem Tiếp: Chương VII
|