PHẦN THỨ BA
MARIUYTX
QUYỂN I
Chương XIII
CHÚ BÉ GAVƠRỐT
…..
Tám hay chín năm sau những sự việc kể trong phần thứ hai của câu chuyện này, người ta thường thấy trên đại lộ Tăngpơlơ và ở trong vùng Satôđô, một em trai nhỏ khoảng mười một, mười hai tuổi, có thể coi là ứng đáp đúng các lý tưởng chú “nhóc” phác họa trên kia, nếu với cái cười của tuổi em trên môi, trái tim em không hoàn toàn âm u và trống rỗng. Em bé đó cũng mặc một cái quần dài, nhưng lại không phải của cha em, một cái áo cánh ngắn, nhưng lại không phải của mẹ em: những người từ thiện nào đó đã cho em quần áo ấy. Thế mà em cũng có cha và có mẹ. Nhưng cha em không nghĩ đến em và mẹ em không yêu em. Em bé ấy là một trong những em nhỏ đáng thương hơn cả, có cha, có mẹ mà lại mồ côi.
Em bé ấy không ở đâu khoan khoái bằng ở ngoài đường. Những viên đá lát đường không rắn bằng trái tim mẹ em. Với một cái đá, bố mẹ em đã vứt em vào cuộc đời và thế là em đã bay đi.
Đó là một chú bé vui nhộn xanh xao, nhanh nhẹn, tinh khôn, ưa chế giễu, có vẻ mặt hoạt bát mà ốm yếu. Chú đi, chú lại, chú hát, chú cười, chú mò rãnh, ăn cắp vặt một tí, nhưng vui vẻ như con mèo hay con chim sẻ; chú cười khi người ta gọi chú là “nhãi ranh” nhưng tức giận khi người ta gọi chú là “mất dạy”. Chú không có nhà ở, không có bánh ăn, không có lửa sưởi, không có ai yêu, nhưng chú vui sướng vì tự do.
Khi những em nhỏ đáng thương ấy trở thành người thì hầu hết bị cái cối xay của xã hội bắt gặp và nghiền nát nhừ, nhưng khi các em còn nhỏ, thì các em thoát khỏi được vì các em bé bỏng, chỉ một cái lỗ hổng nhỏ cũng đủ cứu được các em.
Nhưng dù bị cha hay mẹ mang con bỏ chợ như vậy, đôi khi cứ cách hai hay ba tháng, em lại nói: “Chà! Mình phải viếng thăm bà bô một chút chứ!”, thế là em rời đại lộ, bỏ rạp xiếc, ô Xanh Máctanh, đi xuống bờ sông, qua cầu, ra ngoại ô, đến khu Xanpêtơrie, rồi đến đâu? Đến cái số nhà 50-52 mà bạn đọc đã biết, đến cái nhà nát Gorbô.
Cái nhà nát số 50-52 thường vắng vẻ bỏ không và luôn luôn mang cái biển: “Có phòng cho thuê”, hồi ấy, thật là hãn hữu, lại có mấy người ở; và những người này, như lệ thường ở Paris – hoàn toàn không quen thuộc nhau, không có quan hệ gì với nhau. Tất cả bọn họ đều thuộc cái giai cấp nghèo khổ, bắt đầu với anh tiểu tư sản túng thiếu nhất và nối tiếp qua từ tầng đáy cùng cực của xã hội, đến hai nhận vật đón nhận tất cả những cái rác rưởi vật chất của văn minh, người phu dọn cống và kẻ bới rác.
Người trương nhà hồi gvg ở đã chết rồi và người thay thế cũng giống hệt. Tôi không biết nhà triết học nào đã nói: “Không bao giờ thiếu các mụ già”.
Mụ già này tên là Buyêcgông, lý lịch của mụ không có gì đáng chú ý, ngoài cái “triều nhà vẹt” ba đời của mụ, ba con vẹt đã lần lượt trị vì tâm hồn mụ.
Những kẻ nghèo khốn nhất trong đám những người ở thuê này là một gia đình bốn mạng: một người bố, một người mẹ và hai cô con gái đã khá lớn, cả bốn đều ở trong một cái buồng tiều tụy, một trong những gian phòng mà chúng tôi đã nói đến.
Cái gia đình ấy thoạt nhìn không có gì đặc biệt ngoài sự túng thiếu cùng cực. Người bố khi thuê buồng này bảo tên là Giôngđơret. Ít bữa sau buổi dọn nhà mà chẳng dọn gì đến cả ấy – theo cách nói đáng ghi nhớ của mụ trương nhà này, cũng kiêm gác cổng và quét cầu thang chung như mụ trương nhà trước – lão Giôngđơret ấy đã nói với mụ:
– Bà này! Nếu có ai đến hỏi một người Ba Lan, một người Ý hoặc một người Tây Ban Nha ở đây, thì là tôi đấy nhé.
Gia đình này là gia đình chú bé khốn khó và vui vẻ ấy. Chú trở về đây và lại thấy cái nghèo khổ, cái tiều tụy thảm hại và đáng buồn hơn nữa, không có một nụ cười: bếp lò lạnh tanh, lòng người cũng lạnh tanh. Khi chú bước vào buồng thì người ta hỏi: “Mày ở đâu về?” Chú trả lời: “Ở ngoài đường”. Khi chú đi thì nhà lại hỏi: “Mày đi đâu?” Chú trả lời: “Đi ra đường”. Mẹ chú lại bảo: “Mày đến đây làm gì?”
Chú bé sống không chút tình thương yêu cũng như đám cỏ nhợt mọc trong hầm tối. Chú không thấy thế là đau khổ mà cũng chẳng trách ai. Chú cũng không thấy thế là đau khổ mà cũng chẳng trách ai. Chú cũng chẳng biết đúng một người, một người mẹ thì như thế nào.
Ấy thế mà mẹ lại rất yêu hai đứa chị của chú.
Chúng tôi quên không nói rằng ở đại lộ Tăngpơlơ, người ta gọi chú là chú bé Gavơrốt. Cái tên ấy ở đâu ra? Chắc cũng như cái tên Giôngđơret của bố chú.
Có những gia đình cùng khổ thường thay tên đổi họ như vậy để không ai biết được tung tích.
Cái buồng của Giôngđơret ở cuối hành lang. Cái buồng bên là buồng của một chàng thanh niên rất nghèo tên là ông Mariuyt.
Ta hãy giới thiệu ông Mariuyt.
Hết: Chương XIII, Xem Tiếp: QUYỂN II – NHÀ ĐẠI TƯ SẢN – Chương I & II
|