IMG.672

PHẦN THỨ BA

MARIUYTX
QUYỂN II

NHÀ ĐẠI TƯ SẢN

Chương VII & VIII

NGUYÊN TẮC: CHỈ TIẾP KHÁCH BUỔI TỐI

…..

Đó là chân dung của Luc Expri Gilơnormăng, lão vẫn còn nguyên tóc, mới ngả màu xám, chưa trắng bạch và lúc nào cũng uốn theo kiểu tai chó. Nói chung vẫn có vẻ đáng kính với tất cả những điều đó.
Lão mang tính chất của thế kỷ 18, phù phiếm mà vĩ đại.
 
Những năm đầu thời kỳ quân chủ phục hưng, lão Gilơnormăng còn trẻ – năm 1814, lão mới có bảy mươi tư tuổi – lão ở khu ngoại thành Xanh Giécmanh, phố Secvăngđôni, gần Xanh Suynpit. Lão mới về khu Mare khi lão thôi không giao thiệp nữa, lúc ấy lão đã ngoại tám mươi tuổi.
Rút lui khỏi xã hội rồi, lão cũng rút lui vào những thói quen bất di bất dịch của lão. Cái điều mà lão cố giữ nhất, là không bao giờ mở cửa ban ngày, không tiếp ai ban ngày; dù việc gì, dù ai, cũng đến chiều tối mới mở cửa. Lão ăn cơm lúc năm giờ chiều, sau đó thì mở cửa tiếp khách: đó là tục lệ của thời đại lão, lão nhất định không thay đổi. Lão bảo: “Ban ngày bẩn thỉu lắm! Không đáng mở cửa. Khi sao trên trời lấp lánh thì tâm hồn người quân tử mới ngời sáng”.
Lão nhất định không mở cửa tiếp ai ban ngày dù người ấy là đức vua. Một kiểu cách của thời đại lão.
 
***
VIII HAI MÀ KHÔNG NÊN CẶP
 
Hai người con gái của lão Gilơnormăng, chúng ta đã nói đến. Chị hơn em mười tuổi. Từ thuở nhỏ, hai chị em đã chẳng giống nhau chút nào, từ mặt mũi đến tính tình, họ không có vẻ gì là chị em cả.
 
Người em là một tâm hồn đáng yêu, quay về phía ánh sáng, say hoa lá, thơ, nhạc, nhẹ nhàng, bay bổng, đầy nhiệt tình, từ thuở nhỏ đã đính ước trong lý tưởng với hình ảnh lờ mờ của một chàng trai dũng cảm.
 
Người chị cũng có cái ước vọng của mình: một ông chồng trong mơ chủ thầu hay lái súng giàu sụ, ngu đần cũng được, quý hồ là một đống tiền hoặc một ông tỉnh trưởng. Những buổi chiêu đãi ở dinh tỉnh trưởng, những cuộc dạ hội của chính quyền, một nhân viên tiếp tân với cái dây chuyền đeo cổ, những bài diễn thuyết ở thị sảnh, cái danh hiệu: bà lớn tỉnh trưởng, tất cả những ước mơ ấy quay lộn trong trí tưởng tượng của cô chị. Mỗi cô theo đuổi giấc mộng riêng của mình như vậy, ngay từ hồi còn là những cô gái nhỏ. Mỗi cô một đôi cánh mộng: cô em bay bổng với đôi cánh thiên thần, cô chị lặc lè với đôi cánh ngỗng.
 
Những ước vọng của người ta có bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn ở dưới cõi trần này. Ở thời đại chúng ta, có cái thiên đường nào ở dưới hạ giới đâu. Cô em đã gặp được người chồng mơ ước, nhưng cô em lại chết. Cô chị thì đến bây giờ vẫn chưa chồng.
 
Cô chị bây giờ là điển hình của những cô gái già mô phạm, một mụ đàn bà trinh chánh tiết hạnh cổ lỗ với cái mũi dài nhọn hoắt và một bộ óc tối tăm, thô thiển bậc nhất. Có một điều đặc biệt, ngoài những người ruột thịt trong gia đình, chưa hề ai biết tên thật của cô chị. Người ta vẫn gọi cô là cô Gilơnormăng – chị.
 
Cô Gilơnormăng – chị có thể thi với các cô tiểu thư Anh về khoản e lệ. Cô là sự đoan trang khắc khổ đến đen tối. Cô nhớ mãi một điều làm cô ghê tởm nhất trong đời: có hôm một người đàn ông đã trông thấy cái nịt bít tất của cô.
 
Càng già cô càng quá quắt. Cái yếm ngực của cô không bao giờ đủ dây, không bao giờ đủ cao. Nào cặp, nào ghim. Bất cứ chỗ nào cũng có, cả những chỗ mà không ai nghĩ đến dòm ngó. Cắt rất nhiều lính canh cho một pháo đài không bị đe dọa, âu cũng là thói quen của những cô tiết hạnh.
 
Thế mà có một điều lạ lùng khó hiểu, thuộc những bí ẩn của ngây thơ; cô lại ưa để cho một sĩ quan kỵ binh ôm hôn, đó là người gọi cô là bà cô, tên là Têôđuyn.
 
Mặc dù có viên sĩ quan kỵ binh được ưu đãi kia, cái nhãn hiệu “tiết hạnh” mà chúng tôi đã dán cho cô vẫn rất thích hợp. Cô Gilơnormăng thuộc loại những tâm hồn tranh tối, tranh sáng. Cái tiết hạnh đó nửa là đức tốt, nửa là thói xấu.
Với cái tiết hạnh ấy, cô lại thêm rất sùng đạo. Cô ở trong hội Đức mẹ đồng trinh, trong một vài ngày lễ cô mang một cái khăn choàng trắng, lẩm nhẩm những bài kinh đặc biệt. Cô tôn trọng “thánh huyết”, tôn sùng “thánh tâm”, chiêm ngưỡng hàng giờ trước một bàn thờ kiểu Dòng Tên cổ lỗ, trong một nhà nguyện mà tín đồ bình thường không vào được và để cho tâm hồn bay bổng giữa những đám mây bằng cẩm thạch và những tia hào quang khắc trên gỗ thếp vàng.
 
Cô có một bạn cùng đi xem lễ, gái già đồng trinh như cô, tên là tiểu thư Vôboa. Cô Vôboa đần độn, bên cạnh cô thì cô Gilơnormăng sung sướng thấy mình như một con phượng hoàng. Ngoài những lời cầu kinh agenes dei (con chiên của Chúa) và ave Maria (kinh mừng Maria), cô Vôboa chỉ thạo làm các thứ mứt. Cô Vôboa là một con người hoàn toàn trong loại người như cô, cô là sự ngu độn toàn vẹn, không mảy may có dấu vết của sự thông minh.
 
Cũng nên nói rằng đối với cô Gilơnormăng thì càng già cô lại càng tiến. Những con người tiêu cực thường như thế. Cô ấy chưa bao giờ độc ác cả, thế cũng coi như là tương đối có hảo tâm; những góc cạnh mòn dần với năm tháng và tuổi tác đã làm cho con người dịu đi. Cô ấy buồn, buồn âm thầm, mà chính cô không hiểu vì sao. Cả con người của cô tỏa ra cái dáng ngơ ngác của một cuộc sống sắp tàn, mà chưa bao giờ bắt đầu.
Cô Gilơnormăng – chị quản lý gia đình của bố. Lão Gilơnormăng có cô con gái cũng như Đức cha Biêngvơnuy có cô em gái. Cái cảnh gia đình một ông lão già với một cô gái già như vậy cũng không phải là hiếm; hai cái già yếu nương tựa lẫn nhau, thật là cảm động.
Trong nhà, giữa ông lão và cô gái ấy còn có một đứa trẻ, một đứa con trai lúc nào cũng im lặng run sợ trước mặt lão Gilơnormăng. Lúc nào nói chuyện với đứa bé lão cũng lớn tiếng, nghiêm nghị, hoặc giơ cao cái gậy – “Đến đây! Ông nhỏ!” – “Lại đây thằng nhãi, thằng oắt…” – “Nói đi, thằng khỉ” – “Đứng đây, đồ khốn!”… nhưng mà lão rất yêu đứa bé.
Đứa bé ấy là cháu ngoại lão. Chúng ta sẽ gặp lại đứa bé ấy.
 
Hết: Chương VI & VII, Xem Tiếp: QUYỂN III – ÔNG VÀ CHÁU – Chương I & II

 

Tìm Kiếm