IMG.672

PHẦN THỨ BA

MARIUYTX
QUYỂN III

ÔNG VÀ CHÁU

Chương I & II

MỘT PHÒNG KHÁCH NGÀY TRƯỚC

….

Khi lão Gilơnormăng còn ở phố Xecvăngđôni, lão thường lui tới mấy phòng khách rất đứng đắn và rất quí phái. Tuy là tư sản, lão Gilơnormăng cũng được tiếp đón. Vốn đã là người lịch thiệp, thông minh, lại đươc dư luận gán cho nhiều điều thông minh, lão hóa ra thông minh bội phần, cho nên lão được người ta tiếp rước niềm nở, mong đợi khao khát.
 
Chỉ nơi nào lão có thể thống trị được lão mới đến. Có những người muốn có ảnh hưởng, muốn được mọi người chú ý đến mình với bất cứ giá nào. Nếu không là người tiên tri thì là thằng hề. Lão Gilơnormăng không thuộc loại người này. Lão vẫn ngự trị trong các phòng khách bảo hoàng mà lão lui tới, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn lòng tự trọng của lão. Ở đâu lời nói của lão cũng có uy tín. Lão đã đối đáp với ông Đơ Bônan và cả ông Bănggi Puyvalê.
 
Vào khoảng 1817, thường lệ không mấy khi sai, mỗi tuần hai buổi chiều lão lại chơi nhà bà nam tước T. ở phố Phêru, gần nhà lão. Bà này là một người đứng đắn và đáng kính, chồng bà hồi sinh thời, dưới thời vua Lui XVI làm đại sứ nước Pháp ở Bá Linh. Nam tước Đơ T. thuở bình sinh say mê những chuyện viễn ảo thôi miên, đã chết trong khi bỏ nước Pháp ra ngoài, không còn chút gia sản nào ngoài mười cuốn sách chép tay, gáy da đỏ, in chữ vàng, những hồi ký rất lạ lùng về Mexme và cái thùng của ông ta.
 
Bà Đơ T. vì giữ phẩm giá của mình, nên đã không xuất bản những hồi ký đó và đã sống với một lợi tức công trái nhỏ còn rớt lại không biết vì sao. Bà T. xa lánh triều đình, nơi bà cho là phức tạp, bà sống trong một khung cảnh ẩn dật cao quí và thanh bạch. Vài người bạn mỗi tuần hai buổi đến họp trong phòng khách của bà quả phụ ấy; phòng khách này là một phòng khách bảo hoàng thuần túy. Người ta uống trà, rồi tùy theo thời thượng thích ưu sầu hay sôi nổi, người ta hoặc thở than hay thốt lên những lời kinh tởm về thời đại, về hiến chương, về phái Bônapac, về cái băng xanh ban phí cho bọn tư sản giày vò, về xu hướng khuynh tả của vua Lui XVIII và người ta thì thầm với nhau về những hy vọng mà Đức ông, sau này là vua Saclơ X, nhen nhúm.
 
Ở đây, người ta hoan nghênh một cách huyên náo và vui mừng những bài hát thô tục, trong đó Napoleon được gọi tên là Nicôta. Cả những bà công tước tế nhị nhất và xinh đẹp nhất đời cũng say sưa hát những khúc hát đây, tặng cho phái liên hiệp:
 
Hãy nhét vào trong quần
Mẩu sơ mi thòng lõng
Để người đừng kêu ầm:
Đó là lá cờ trắng
Mà bọn “yêu nước” giương.
 
Người ta thú vị với những trò chơi chữ lộn mà họ cho là ghê gớm, những cách chơi chữ ngây thơ mà họ coi là rất thâm độc, họ soạn những đọa thơ tứ tuyệt, cả những cặp thơ đôi, thí dụ cặp thơ đôi về nội các Đêxon, một nội các ôn hòa có các ông Đơca và Đơxe tham gia:
Để củng cố ngai vàng lung lay gớm ghê
Phải thay cả xoong, thay cả ca, thay cả xe
 
Hoặc người ta xếp đặt cả một danh sách các đại biểu của Viện nguyên lão “một viện tả khuynh kinh khủng” và người ta ghép những tên để làm sao có những câu thế này chẳng hạn: “Đamat, Xabơrăng, Guviông Xanh Xia”. Họ làm thế một cách vui nhộn.
 
Trong cái môi trường ấy, người ta nhại giễu cách mạng. Họ có mưu mô như muốn mài cho nhọn những căm phẫn sẵn có trong nhân dân theo chiều ngược lại. Họ hát cái điệu hát: “Mọi việc rồi sẽ tốt”:
Ờ, mọi việc, mọi việc rồi sẽ tốt!
Bọn Buyônapactit sẽ bị treo cổ trên cột.
 
Những bài hát cũng như máy chém. Hôm nay nó chặt cái đầu này, ngày mai nó chặt cái đầu kia, thản nhiên như thường, chỉ như một đổi thay chi tiết.
 
Trong vụ án Phuyanđexơ, thời kỳ ấy, năm 1816, người ta bênh vực Baxtiđơ và Giôdiông, bởi vì Phuyanđexơ là buyônapactit. Và người ta gọi những người theo xu hướng tự do là bọn anh em bằng hữu; lúc bấy giờ, đó là cách chửi thậm tệ nhất.
 
Cũng như một số gác chuông nhà thờ, phòng khách của bà Nam tước T. có hai con gà trống. Một là lão Gilơnormăng, một là hầu tước Đơ Lamôtơ Valoa, người mà người ta thường giới thiệu thì thầm vào tai với một thái độ tôn trọng riêng: “Bạn biết không? Đấy là ngài Lamôtơ trong vụ án chuỗi hạt đấy”. Trong đảng phái thường có những thứ “ân xá” lạ lùng như vậy.
 
Chúng tôi nói thêm: trong giới tư sản những nhà danh giá nếu giao thiệp quá dễ dãi sẽ thấy danh giá nhà mình kém sút đi, cho nên phải chú ý tiếp ai, không tiếp ai. Đứng cạnh những người rét lạnh thì nhiệt độ của mình sẽ giảm, gần gũi những kẻ bị coi thường thì danh giá của mình cũng kém sút đi. Giới thượng lưu thế phiệt ngày trước đứng trên luật lệ đó cũng như tất cả những luật lệ khác. Marinhi, em mụ Pôngpađua (Nữ hầu tước Pôngpađua, nhân tình của Lui XV, xài phí công quỹ bị nhân dân khinh ghét) là khách của hoàng thân Đơ Xubidơ. Dù là? Không, bởi vì là. Đuy Bary, cha đỡ đầu của con mẹ Vôbécniê (Tức nữ bá tước Đuy Bary, bị nhân dân khinh ghét, chết trên đoạn đầu đài năm 1793) được tiếp đón niềm nở, ở phòng khách thống chế Đờ Risơliơ. Thế giới đó là thiên đình, Meccuya và hoàng thân Ghêmênê vào ra ở đây như ở nhà mình. Kẻ trộm cũng được tiếp nhận miễn nó là thần linh.
 
Bá tước Đơ Lamôtơ, năm 1825, là một ông già bảy mươi lăm tuổi. Không gì đáng chú ý ở ông ta ngoài cái dáng lặng lẽ và long trọng, cái khuôn mặt xương xẩu và lạnh lùng, cử chỉ rất lịch sự nhã nhặn, cái áo cài cúc đến tận cà vạt và đôi chân dài luôn luôn vắt chữ ngũ và cái quần dài rộng quá mức mầu đất sém. Mặt mày ông ta cùng màu với quần.
 
Cái ông Lamôtơ đó được coi trọng trong phòng khách do cái “tiếng tăm” của ông ta và cũng lạ đấy nhưng mà đúng như vậy, do cái tên Đơ Valoa.
 
Về phần Gilơnormăng thì lão được kính trọng là xứng đáng. Lão có uy tín vì lão có uy tín. Tuy sốc nổi, lão vẫn có một phong thái hiên ngang tự trọng, có nhân cách, có phần tự hào của giới tư sản và cái đó cũng không làm thương tổn sự vui tính của lão. Cái tuổi già của lão lại tăng thêm vẻ bệ vệ cao quí ấy. Đã là cả một thế kỷ thì phải có cái gì khác chứ. Năm tháng chồng chất đã khiến cho mớ tóc trên đầu trở nên đáng sùng kính.
 
Lão lại thường có những lời nói rõ là những tia lửa của chất người ngày xưa. Thí dụ: khi vua Phổ, sau khi khôi phục ngai vàng cho vua Lui XVIII, đến yết kiến Lui XVIII với danh hiệu là bá tước Ruypanh, thì người đích tôn của Lui XIV tiếp ngài với tí ngạo mạn tinh vi, coi ngài là hầu tước Brăngđơbua. Lão Gilơnormăng rất tán thưởng thái độ của Lui XVIII.
– Tất cả những vua nào không phải là vua nước Pháp chỉ là vua địa phương thôi – lão nói.
Một hôm khác người ta đàm luận về tờ báo: Tin nước Pháp.
– Chủ bút tờ báo đó bị xử trí ra sao?
– Phải treo bút.
– Chữ bút ấy thừa (Treo bút: suspendu, nói về báo chí, treo, tức treo cổ – pendu nói về tội xử người phạm tội nặng) – Lão Gilơnormăng nhận xét như thế.
 
Những lời như vậy xây dựng nên cả địa vị.
Trong buổi lễ nhà thờ mừng ngày kỷ niệm họ Buốcbông được phục hồi, thấy ông Đơ Tanlêrăng đi qua, lão nói: “kìa quan thượng ác” (Nguyên văn: son excellence (không viết hoa) le Mal vừa có nghĩa “tuyệt vời xấu”, “tuyệt vời ác” vừa có nghĩa là cụ lớn xấu (hay ác). Son Excellence viết tắt là S.E. dùng để xưng hô các quan thượng thư, các đại thần cũng như nói tướng công hay cụ lớn. Chúng tôi đành dịch tạm cùng hai nghĩa như vậy).
 
Lão Gilơnormăng thường đến phòng khách cùng đi với cô con gái lão, người cao như con sếu, trên bốn mươi tuổi mà trông già như năm mươi và một đứa bé trai nhỏ, trạc bảy tuổi, trắng trẻo, hồng hào, tươi tắn, đôi mắt ngây thơ tin cậy. Mỗi khi đứa bé tới mọi người đều nhao nhao khen ngợi:
– Cháu bé xinh quá nhỉ! Tiếc quá! Tội nghiệp.
Đứa bé ấy là đứa bé đã nói qua trên kia. Người ta gọi nó là “thằng bé tội nghiệp”, vì bố đứa bé là một “tên giặc cướp sông Loa”.
“Tên giặc cướp sông Loa” ấy là con rể lão Gilơnormăng, độc giả đã biết cái người mà lão Gilơnormăng vẫn gọi là “một sự biêu riếu cho gia đình nhà ta”.
 
***
II MỘT CÁI BÓNG MA ĐỎ HỒI ẤY
 
Hồi ấy nếu ai qua cái thị trấn Vécnông nhỏ bé và đi dạo chơi trên chiếc cầu đồ sộ – mà có lẽ chẳng bao lâu nữa người ta sẽ thay thế bằng một cái cầu dây sắt ghê tởm – đứng trên cầu nhìn xuống, sẽ thấy một người đàn ông cả ngày đi đi lại lại trong một khoảnh đất bốn phía bọc tường trên tả ngạn sông Xen; dọc theo bờ sông là cả một dãy những khoảnh đất như vậy đầy hoa tươi, nếu to hơn nhiều thì gọi là vườn hoa, nhỏ hơn chút ít thì bảo là chùm hoa. Tất cả những khoảnh đất ấy một đầu thì sát mặt sông, một đầu thì giáp một gian nhà ở. Người đàn ông trạc năm mươi tuổi, đội một chiếc cát két da, mặc một cái quần và một cái áo dạ thô màu xám, có dính một mảnh băng trước kia màu đỏ, chân đi guốc, da sạm nắng, mặt gần như đen, tóc hầu bạc, một cái sẹo rộng từ trán kéo xuống tận má, lưng khom khom còng như một người già trước tuổi, tay cầm một cái mai hay một cái kéo xén cây. Năm 1817 người đó ở cái khoảnh đất hẹp nhất và cái nhà tiều tụy nhất trong khu này. Người ấy ở một mình, cô đơn, thầm lặng và nghèo khổ, chỉ có một mụ giúp việc, không già không trẻ, không xấu, không đẹp, không ra vẻ nông dân, không ra dáng thị thành – Cái vườn con của người đàn ông ấy nổi tiếng trong thị trấn về hoa đẹp. Chăm bón vun trồng hoa là công việc duy nhất của ông ta.
Cần cù, kiên nhẫn, chăm chú cả ngày vun tưới, ông ta đã tạo nên những giống hoa tuy líp, hoa thược dược mà tạo hóa hình như chưa nghĩ ra. Ông ta rất tài giỏi, ông đã đi trước nhà bác học Xulănggiơ Bôđanh, nghĩ ra cách vun những mô đất mùn để trồng những giống cây quý và hiếm của châu Mỹ và Trung Quốc. Từ sáng tinh mơ, ông ta đã ở ngoài vườn châm, tưới, cắt xén, đi lại giữa những bóng hoa, vẻ trìu mến, hiền dịu và buồn buồn, có khi mơ mộng, yên lặng hàng giờ lắng nghe tiếng chim hót trên một cành cây, hay nghe tiếng một em nhỏ líu lo trong một căn nhà, hay đăm đăm nhìn trên đầu ngọn cỏ một hạt sương long lanh dưới ánh mặt trời như một nụ hoa tai. Ông ta ăn uống thanh đạm, dùng sữa nhiều hơn uống rượu. Ông ta nhường nhịn cả những đứa bé, người ở của ông có khi gắt với ông. Tính ông rụt rè đến nỗi như e ngại tất cả mọi người; ông ít khi phố, chẳng gặp ai ngoài những người nghèo thường đến gõ kính cửa nhà ông và cha xứ, viện trưởng Mabơp, một ông lão hiền lành. Nhưng nếu có ai ở trong thị trấn hay ở xa đến muốn xem những giống hoa hồng và hoa tuy líp của ông và gõ cửa nhà ông thì ông tiếp đón với nụ cười. Chính ông ấy là “tên giặc cướp sông Loa”.
Người nào hay đọc những tập ký ức quân sự hồi đó, những tiểu sử quân nhân, tạp chí Mônitơ hay những tập kỷ yếu quân đội chắc phải chú ý đến một cái tên thường trở đi trở lại: tên Giorgiơ Pôngmecxi. Hồi còn thanh niên anh Giorgiơ Pôngmecxi ở trong trung đoàn Xanhtônggiơ thuộc binh đoàn sông Ranh bởi vì các trung đoàn thời quân chủ vẫn giữ nguyên tên tỉnh của mình, cả cho đến khi nền quân quyền sụp đổ và chỉ được phiên chế lại từ năm 1794, Pôngmecxi đã chiến đấu ở Xpia, ở Oócmơ, ở Nơxtat, ở Tuyêkem, ở Anđây; ở Mayăngxơ trong hậu đội Husa, ông ta là một trong số hai trăm người đương đầu với cả một đạo quân của Hoàng thân Đơ Hét, đằng sau chiến lũy Angđécnắc và chỉ rút lui theo đại quân khi đại bác địch đã phá tan chiến lũy; ông đã chiến đấu trong đội quân của tướng Cơlêbe ở Mácsiên và ở trận Mông Palitxen, trận này ông bị đạn gãy cánh tay. Rồi ông được chuyển qua biên giới Ý và ở đây ông vào số ba mươi lính thủ pháo đã giữ đèo Tăngđơ với Giube. Sau trận ấy, Giube được thăng thiếu tướng và Pôngmecxi, thiếu úy. Pôngmecxi ở bên cạnh Behiê giữa mưa đạn, trong cái ngày Lôđi lịch sử mà Bônapac đã nói: Behiê vừa là pháo binh, kỵ binh và lính thủ pháo. Ông nhìn thấy vị tướng cũ của mình, Giube, ngã xuống ở Nôvi, trong khi ông ta vung gươm thét: tiến lên! Vì chiến dịch cần đến, đại đội của ông cùng với ông xuống một chiếc thuyền tải nhổ neo từ thành Giên để đi đến một hải cảng nhỏ nào đó không nhớ, ông lọt vào một ổ gồm bảy tám chiếc thuyền buồm Anh. Viên thuyền trưởng người Giên định vứt đại bác xuống biển, giấu quân trong khoang thuyền rồi nương bóng đêm mà chuồn, giả dạng thuyền buôn. Pôngmecxi cho kéo cờ tam tài lên cột buồm và hiên ngang đi dưới đại bác của các chiến thuyền Anh quốc. Cách đó hai mươi dặm, càng táo bạo hơn, Pôngmecxi dùng chiếc thuyền tải của mình tấn công và bắt sống một chiếc thuyền vận tải lớn của Anh trên đường chở quân đến đảo Xixin. Thuyền chở người ngựa nhiều đến tràn be. Năm 1805, ông ở trong sư đoàn Male, cái sư đoàn đã đánh lấy thành Gôngxbua của đại công tước Phecđinăng. Ở Oêttenghen, đạn vãi như mưa trong khi ông đưa tay ôm lấy đại tá Môpơti chỉ huy trung đoàn kỵ binh số 9 bị tử thương. Ông đã tỏ ra xuất sắc ở Austéclit trong cuộc hành quân tiến hành dưới lưới lửa quân thù. Khi kỵ binh cận vệ của Sa hoàng nghiền nát một tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh số 4, Pôngmecxi ở trong số những người phục thù đã đánh cho bọn cận vệ đó thất điên bát đảo. Hoàng đế ân thưởng Bắc đẩu bội tinh cho ông. Pôngmecxi đã lần lượt chứng kiến tướng Uyêcmơxe bị bắt ở Măngtu, Mêlatx ở Alêchxăngđri, Mack ở Ulm. Ông ở trong binh đoàn thứ tám của đại quân đoàn mà tướng Morchiê chỉ huy, quân đoàn này đã đánh chiếm Hăng bua. Sau đó ông sang sư đoàn 55 bộ binh trước kia là trung đoàn Flăngđrơ. Ở Ailao, ông chiến đấu trong nghĩa địa mà viên đại úy anh hùng Lui Hugo, chú của tác giả sách này, đã đơn độc với đại đội tám mươi ba đội viên của mình, chống trả cuộc tấn công của toàn bộ đạo quân địch trong hai tiếng đồng hồ. Pôngmecxi ở trong số ba người sống sót trong nghĩa địa ấy. Ông dự trận Fritlan. Rồi thì Môtxcu, rồi sông Bêrêđina, rồi Luytden, Bôđren, Đrexđơ, Oasao, Laixich và đèo Gienhauxen. Rồi đến Môngmiray, Satô Chieri, Craông, bờ sông Mác, bờ sông Enơ và các cứ điểm Laông ghê gớm. Là đại úy, trong trận Acnêlơ Đức, ông chém chết mười tên lính Cô-dắc và cứu không phải các vị tướng chỉ huy mà viên hạ sĩ của mình. Trong dịp ấy, ông ta hầu như bị băm vằm và người ta lấy được hăm bảy mảnh xương vỡ chỉ riêng trong cánh tay trái. Tám hôm trước khi Paris đầu hàng, ông thuyên chuyển với một người bạn và trở thành kỵ binh. Ông ta có cái mà trong chế độ cũ, người ta gọi “có đủ hai tay nghề”, nghĩa là nếu lính thì sử dụng gươm cũng tốt, súng cũng hay, nếu là sĩ quan thì cầm tiểu đoàn kỵ binh cũng sành, tiểu đoàn bộ binh cũng thạo. Khả năng ấy được sự huấn luyện quân sự làm cho hoàn chỉnh, đã làm nảy nở một số binh chủng đặc biệt, như binh chủng đầu rồng, nó vừa là kỵ binh vừa là bộ binh. Ông hộ giá Napoleon ra đảo Enbơ. Ở Oateclô ông chỉ huy một tiểu đoàn kỵ binh trong lữ đoàn Luynơbua. Ông đem lá cờ đến ném dưới chân Hoàng đế, người ông đầy máu. Khi giật lá cờ, ông bị một nhát kiếm chém ngang mặt. Hoàng đế thích chí phán truyền: Anh là đại tá, anh là Nam tước, anh được ban Bội tinh hạng tư đó! Pôngmecxi trả lời: Thần xin thay mặt quả phụ của thần cảm tạ Hoàng đế. Một giờ sau ông rơi xuống vực Ôhanh. Người Giorgiơ Pôngmecxi ấy là ai. Cũng là “tên giặc cướp sông Loa”.
Chúng ta từng nghe ít nhiều về chuyện Pôngmecxi chúng ta nhớ lại sau trận Oateclô, ông được người ta kéo ra khỏi khu vực Ôhanh, rồi ông lại liên lạc được với đại quân, rồi từ trạm quân y này sang trạm quân y khác, ông trở về doanh trại bờ sông Loa.
Khi họ Buôcbông được khôi phục, ông bị thải hồi, theo chế độ nửa lương, rồi sau phải quản thúc ở Vecnông. Vua Lui XVIII coi những việc quyết định trong thời kỳ Bách nhật là không có giá trị, nên không thừa nhận chức đại tá, tước nam cũng như huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng tư của Pôngmecxi. Nhưng ông ta thì không bao giờ quên ký tên: Đại tá nam tước Pôngmecxi – Ông chỉ có một chiếc áo xanh cũ, nhưng mỗi khi ra đường, không bao giờ ông quên cài vào cái phù hiệu Bắc đẩu bội tinh hạng tư. Ông biện lý đã cảnh cáo ông rằng công tố viên có thể truy tố ông về tội mang bội tinh đó một cách trái phép. Khi có người trung gian không chính thức báo cho ông biết chuyện ấy, ông trả lời với nụ cười chua chát: “Không biết tôi không nghe hiểu tiếng Pháp, hay là ông không biết nói tiếng Pháp nữa, nhưng sự thật thì tôi không hiểu ông muốn nói gì!” Rồi tám hôm liền ông ra phố với cái phù hiệu ấy, mà chẳng ai dám hỏi gì ông cả. Hai ba lần ông thượng thư bộ binh và viên tướng chỉ huy đạo quân trong tỉnh viết thư cho ông với địa chỉ: “Gửi thiếu tá Pôngmecxi”. Ông gửi trả lại những bức thư đó, không thèm mở xem. Sống lâu dài với Napoleon, Pôngmecxi đã – xin lỗi bạn đọc – lây cái hơi hám của vua mình, vì trong thời gian đó Napoleon cũng gửi trả lại những bức thư Huychxơn Lô gửi cho tướng Bônapac.
Ngày xưa ở La Mã, một số tù binh Cátaginoa cũng nhất định không chào Flaminiuyt. Những người lính đó đã có chút ít tâm hồn Anniban.
Một buổi sáng ông ta gặp viên biện lý ngoài phố Vecnông, ông tiến đến trước mặt y và hỏi: ngài biện lý, tôi có quyền mang vết thương trên mặt không?
Tất cả nguồn lợi của ông chỉ là cái bán bổng thiếu tá ít ỏi. Ông đã tìm thuê căn nhà nhỏ nhất ở Vecnông và sống một mình, sống như thế nào, ta đã biết. Dưới thời kỳ đế chế, giữa hai chiến dịch, ông ta đã kết hôn với cô Gilơnormăng-em. Ông lão tư sản trong lòng căm phẫn lắm, nhưng cũng đành ưng thuận, chỉ biết thở dài tự an ủi: “Bao nhiêu gia đình quí tộc cũng đã phải chịu như vậy mà!” Năm 1815, bà Pôngmecxi, một người vợ đáng phục về mọi mặt, cao quí hiếm có và rất xứng đáng với chồng, bà đó qua đời để lại một đứa con trai nhỏ. Đứa có nhỏ đó tất nhiên phải là nguồn hạnh phúc của đại tá Pôngmecxi trong cảnh cô đơn, nhưng ông cụ ngoại nhất định bắt đứa cháu và dọa tước hết quyền thừa kế của nó. Người cha đành phải nhượng bộ vì quyền lợi của con; mất con, ông yêu hoa vậy.
Ông đã thoát ly cuộc đời, không hoạt động, không tham gia âm mưu chính trị nào. Ông chỉ nghĩ đến những việc vô hại ông đang làm và những việc lớn ông đã làm. Ngày này đến ngày khác ông chờ đợi một bông hoa cẩm chướng hoặc là hồi tưởng trận Austéclit.
Lão Gilơnormăng không hề đi lại với con rể. Đối với lão, đại tá Pôngmecxi là một tên giặc cướp; đối với đại tá, lão là một anh già vô nghĩa lý. Không bao giờ lão Gilơnormăng nhắc đến đại tá Pôngmecxi nếu không phải là để chế giễu cái nam tước của ông. Lão đã giao ước với Pôngmecxi là không bao giờ ông ta được gặp mặt con, nói chuyện với con, nếu không thì đứa bé sẽ phải trao trả lại cha nó và bị tước quyền thừa kế. Đối với gia đình lão Gilơnormăng, Pôngmecxi chẳng khác gì một thằng hủi. Họ muốn nuôi dạy bé hoàn toàn theo ý họ. Đại tá Pôngmecxi có lẽ đã tính lầm khi nhận những điều kiện ấy, những ông ta nhẫn nhục chỉ vì cho rằng làm như vậy là phải và chỉ có ông là người hy sinh. Gia tài lão Gilơnormăng cũng chẳng là mấy, nhưng gia tài của cô Gilơnormăng chị thì rất lớn. Người dì không có chồng ấy có phần thừa kế rất lớn của bên ngoại, đứa cháu của người em bà tự nhiên là người thừa ế của bà.
Đứa bé tên là Mariuyt biết là mình có bố, nhưng chỉ biết thế thôi. Không hề có ai nói chuyện với nó về bố nó. Nhưng ở những nơi ông nó thường dẫn nó đến, những chuyện xì xào, to nhỏ, úp mở dần dần cũng làm cho đứa bé hiểu lờ mờ và chịu sự thẩm lậu và xâm nhập của cái môi trường sống ấy của nó, dần dần nó cũng thấy xấu hổ và đau xót khi nghĩ đến bố nó.
Đứa bé ngày càng lớn; trong thời gian ấy, đại tá Pôngmecxi cứ hai ba tháng lại lên Paris, như một tội nhân lẩn trốn và đứng chờ ở cửa nhà thờ Xanh Xuynpit đón bà dì Gilơnormăng dẫn cháu đi lễ. Đứng khuất sau một cái cột, sợ bà dì quay lại trông thấy, ông nín thở, nhìn con. Người chiến sĩ mang thương tật trên mặt ấy sợ mụ gái già.
Vì những chuyến đi ấy mà ông ta quen biết cha xứ Vecnông tức là lão viện trưởng Mabơp.
 
Ông linh mục đáng kính ấy là anh em của vị quản lý tài sản của nhà thờ Xanh Xuynpit. Ông này đã nhiều lần bắt gặp người đàn ông đứng nhìn đứa trẻ, ông đã để ý đến vết gươm chém trên má và giọt nước mắt trong mi. Con người có vẻ đàn ông đàng hoàng ấy mà lại khóc như một mụ đàn bà, đã làm cho ông linh mục chú ý đặc biệt. Hình ảnh con người ấy in sâu trong trí ông. Một hôm Vecnông ra thăm em, ông ta gặp đại tá Pôngmecxi và nhận ra người đứng ở nhà thờ Xanh Xuynpit. Ông ta nói chuyện với em và cả hai người mượn một cớ nào đó đến thăm đại tá. Thăm một lần rồi lân la nhiều bận khác; đại tá Pôngmecxi lúc đầu còn giữ ý, sau cởi mở lòng mình và hai anh em ông linh mục đã hiểu hết chuyện đại tá Pôngmecxi và biết đại tá hy sinh hạnh phúc của mình để bảo đảm tương lai của con như thế nào.
 
Cha xứ vì vậy mến phục ông và ông đại tá cũng quí mến vị cha xứ. Một linh mục già và một quân nhân già, khi họ đều chân thành và hiền hậu, thì họ hiểu nhau và hòa cảm với nhau không ai bằng. Vả lại ấy cũng chỉ như là một người thôi: một người hy sinh cho Tổ quốc hạ giới, một người cho Tổ quốc thiên đình, cũng chẳng khác gì nhau.
 
Một năm hai lần, ngày 1 tháng giêng và ngày Xanh Giorgiơ, Mariuyt viết chiếu lệ những bức thư cho bố, những bức thư do cô Gilơnormăng đọc cho viết, như những bức thư mẫu trong tập thư từ. Lão Gilơnormăng chỉ cho phép viết thế thôi: trái lại người cha viết trả lời cho con những bức thư thật âu yếm mà lão Gilơnormăng vò bỏ vào túi, không đọc.
 
Hết: QUYỂN III – ÔNG VÀ CHÁU – Chương I & II, Xem Tiếp: Chương III & IV
Tìm Kiếm