PHẦN THỨ BA
MARIUYTX
QUYỂN IV
NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C
Chương V & VI
CHÂN TRỜI MỞ RỘNG
…..
Những sự va chạm của các đầu óc trẻ với nhau có cái tuyệt là không thể tiên đoán được cái tia lửa và ước phỏng cái ánh chớp. Cái gì sẽ bùng ra lát nữa. Không thể biết được. Cái bật cười xuất phát từ sự cảm động. Giữa khi đùa cợt cái nghiêm túc lại có thể hiện ra. Những động lực thúc đẩy bật ra từ một lời, một tiếng ngẫu nhiên. Tài hùng biện của mỗi người ngự trị. Một lời châm biếm có thể đưa đến những sự bất ngờ. Đó là những cuộc thảo luận có những bước ngoặt đột ngột và viễn cảnh thay đổi thình lình. Ngẫu nhiên là người dàn cảnh trong những cuộc tranh luận này.
Trong những cuộc đấu khẩu ồn ào giữa Grăngte, Bahôren, Pơruve, Bôtxuyê, Côngbơpherơ và Cuốcphêrắc, bỗng nhiên một tư tưởng nghiêm chỉnh xuất hiện rất lạ lùng.
Không biết vì sao một lời nói đột ngột tự nhiên được thốt ra, nổi bật lên, làm cho mọi người chú ý. Chẳng ai biết được, như chúng tôi đã nói. Đang lúc ồn ào, Bôtxuyê kết thúc một câu nói với Côngbơphe bằng cái ngày lịch sử.
– 18 tháng sáu 1815: Oateclô.
Mariuyt đang ngồi cạnh một cốc nước, cằm tỳ vào bàn tay, hủy tay chống trên mặt bàn. Nghe tiếng Oateclô anh bỗng bỏ tay ngẩng đầu lên và nhìn chăm chú bọn người đang tranh luận.
– Chúa ơi! Cuốcphêrắc kêu (lúc này Trời ôi đã quá mốt).
– Con số 18 ấy thật kỳ dị buộc tôi phải chú ý. Con số định mệnh của Bônapac. Đặt chữ Lui trước số 18 và chữ Bơruyme sau số 18 thì chúng ta đã tóm tắt cả số phận của con người ấy với cái đặc điểm đầy ý nghĩa này là số 18 đặt sau thúc bách số 18 đặt trước (Bônapac đảo chính để cầm quyền ngày 18 tháng sáu mù năm 1799 và sau này bị Lui XVIII thay thế năm 1815).
Ănggiônrátx, từ đầu vẫn yên lặng bỗng nói với Cuốcphêrắc:
– Anh muốn bảo rằng đền tội theo sát ngay tội ác phải không?
Mariuyt đã rất xúc động vì bất ngờ thấy gợi đến Oateclô, khi đến cái danh từ tội ác thì anh không giữ được bình tĩnh nữa.
Anh đứng dậy, từ từ đi về phía cái bản đồ nước Pháp treo trên tường, trên bản đồ ở góc dưới trong một ô riêng có vẽ một hòn đảo. Mariuyt để ngón tay trên cái ô riêng ấy và nói:
– Đảo Corxơ. Một hòn đảo nhỏ đã làm cho nước Pháp thành một nước rất lớn.
Lời nói của Mariuyt như một luồng gió lạnh vút qua. Mọi người ngừng hẳn lại. Người ta cảm thấy một việc nghiêm trọng sắp xảy ra.
Bahôren cãi nhau với Bôtxuyê, định ưỡn người cho ra vẻ như anh thường làm, cũng bỏ ý định ấy và ngồi yên để lắng nghe.
Ănggiônrátx, không nhìn ai, con mắt xanh của chàng như đăm đăm nhìn không gian, trả lời Mariuyt:
– Nước Pháp không cần có hòn đảo Corxơ nào mới lớn. Nước Pháp lớn vì là nước Pháp Quia nominor leo.
Mariuyt không chịu chùn bước. Anh quay về phía Ănggiônrátx và như rung động từ đáy lòng, anh cất cao tiếng nói:
– Tôi không hề có ý muốn làm giảm giá trị nước Pháp nhưng ghép tên Napoleon với nước Pháp đâu có phải là làm xấu nước Pháp. Cũng phải nói rõ ý kiến của tôi. Tôi mới đến, xa lạ với các anh, nhưng tôi phải thú thật là các anh làm tôi ngạc nhiên. Chúng ta bàn chuyện gì? Chúng ta là người thế nào? Các anh là người thế nào. Ta phải nói rõ quan niệm của chúng ta về Hoàng đế. Các anh gọi Buyônapáctơ, đọc chữ u chẳng khác gì bọn bảo hoàng. Cũng cần phải nói là ông tôi còn tệ hơn nữa: ông lão vẫn gọi: Buyônapáctê. Tôi vẫn tưởng các anh là những người thanh niên. Lòng hăng hái của các anh ở đâu? Và các anh hăng hái về cái gì chứ? Nếu không khâm phục Hoàng đế thì khâm phục ai? Còn đòi gì hơn nữa? Nếu một vĩ nhân như thế còn không vừa lòng các anh thì các anh còn muốn vĩ nhân nào khác nữa? Hoàng đế có tất cả, Hoàng đế hoàn toàn. Trong óc Người chứa đựng toàn bộ khả năng của con người. Người làm những bộ luật như Giuytxtiniêng, đọc chỉ dụ như Xêda, những lời nói của Người như chớp của Patscan lẫn sấm sét của Taxitơ, Người làm lịch sử và viết sử, thông cáo của Người là những bản anh hùng ca, Người phối hợp con số của Niutơn với mỹ từ của Mahômét. Người để lại phương Đông những lời nói hùng vĩ như Kim tự tháp, ở Tinxit Người dạy cho bọn đế vương thế nào là đường bệ, ở Hàn lâm viện khoa học Người đối đáp với Lapơlátxơ, ở Hội đồng quốc gia Người tranh cãi với Méclanh, Người làm cho hình học của người này và pháp lý của kẻ khác có một linh hồn. Người là pháp lý với các luật gia, là tinh đẩu với các nhà thiên văn học, như Cơrômuen, khi có hai cây nến sáng thì thổi bớt một cây, Người cần kiệm mặc cả một cái núm màn cửa. Người thấy cả, biết cả, nhưng vẫn có một nụ cười hồn nhiên, chất phác bên nôi đứa con nhỏ. Đùng một cái, cả châu Âu hãi hùng lắng tai nghe từng đạo quân rầm rộ xông lên, từng bãi đại bác chuyển động, những chiếc cầu phao mọc dài ra trên các mặt sông, những đoàn kỵ binh như mây cuộn phi trong dông bão, tiếng hò la, tiếng kèn trống vang dội các ngai vàng rung chuyển, bờ cõi các quốc gia di động trên bản đồ, người ta nghe tiếng một lưỡi gươm thần rút ra khỏi vỏ, người ta thấy Hoàng đế đứng hiên ngang giữa chân trời, bàn tay sáng rực, đôi mắt chói lòa, trong sấm chớp. Người giương hai cánh rộng là Đại quân và Đội cận vệ bách chiến và lúc ấy Người là vị thần chiến tranh.
Tất cả mọi người im lặng, Ănggiônrátx cúi mặt. Nín lặng thì bao giờ cũng có vẻ như là đồng tình hoặc là bị dồn vào chân tường. Mariuyt hầu như không kịp thở, nói tiếp hăng hái hơn:
– Các bạn ơi! Chúng ta phải công bằng. Là đế quốc của một vị đế vương như thế, thật là một số phận vinh quang cho một dân tộc, nhất là dân tộc ấy lại là dân tộc Pháp, dân tộc đã đem thiên tư của mình thêm vào thiên tư của con người ấy! Xuất hiện là trị vì, tiến lên là chiến thắng, mỗi trạm hành quân là một thủ đô, đem lính thủ pháo của mình đặt lên các ngai vàng, ra sắc dụ chấm dứt những triều đại, thay đổi bộ mặt của Âu châu theo bước chân xung kích, khi cảnh cáo thì tưởng như tay nắm chuôi gươm của Chúa Trời, trong một người mà là cả Anniban, Xêda và Saclơmanhơ, là thần dân của một vĩ nhân mỗi buổi bình minh đem lại một tin chiến thắng vang dội, lấy tiếng súng thần công điện Anhvalit làm chuông báo thức, ném vào trong ánh sáng chói lòa những tên muôn đời rực rỡ: Marănggô, Accôn, Austéclit, Iêna, Vagơram, luôn luôn tung những chùm sao chiến thắng trên vòm trời nghìn thuở, làm cho đế quốc Pháp huy hoàng như đế quốc La Mã, là một đại cường quốc với một đại hùng quân, tung những đội binh hùng dũng đi khắp trái đất như những con chim phượng hoàng từ đỉnh núi tung bay khắp nơi, chiến thắng, làm bá chủ, chớp nhoáng đánh gục thiên hạ, làm một dân tộc vàng son rực rỡ vì vinh quang, đi xuyên lịch sử với tiếng kèn vang rộn của một đội nhac thiên binh, chinh phục thế giới hai lần, bằng sức mạnh chinh phục và ánh sáng quang vinh thật là hùng vĩ. Còn cái gì vĩ đại hơn?
– Có! Tự do – Côngbơpherơ trả lời.
Đến lượt Mariuyt cúi mặt. Cái tiếng giản dị, lạnh lùng ấy xuyên qua luồng cảm hứng hùng tráng của Mariuyt như một lưỡi thép và anh thấy như cả cái hứng khởi của anh tan biến đi. Khi anh ngẩng mặt lên thì Côngbơpherơ không còn đấy nữa. Côngbơpherơ hình như khoái chí đã phá ngang chương tụng của Mariuyt nên bỏ đi, cả những người khác cũng đi theo anh, trừ Ănggiônrátx. Gian buồng trống rỗng. Còn một mình Ănggiônrátx với Mariuyt; anh nhìn Mariuyt một cách nghiêm nghị. Mariuyt hình như đã tập trung lại được ý nghĩ, có vẻ chưa chịu thua; còn một chút sôi nổi trong lòng, Mariuyt định biến thành những tam đoạn luận để trả thù vào Ănggiônrátx, nhưng ngoài cầu thang bỗng có tiếng người vừa hát vừa đi ra phố. Đó là Côngbơpherơ. Anh hát:
Nếu Xêda cho ta
Vinh quang và chinh chiến
Mà bắt ta phải xa
Mẹ ta,
Thì ta sẽ bảo Xêda:
Trả ngài ngai vàng và xe trận,
Mẹ ta ta yêu hơn, tình tình tang!
Mẹ ta ta yêu hơn.
Giọng hát vừa âu yếm vừa dữ dội của Côngbơpherơ làm cho bài hát có một vẻ hùng dũng lạ lùng. Mariuyt suy nghĩ, mắt nhìn lên trần nhà và tự nhiên nhắc lại: Mẹ ta?…
Bỗng nhiên anh thấy Ănggiônrátx nhẹ nhàng đặt tay trên vai anh:
– Công dân Mariuyt, mẹ ta là nước cộng hòa.
***
VI GIA TÀI CHẲNG CÓ GÌ
(Nguyên văn: Res angusta)
Sau buổi chiều ấy, Mariuyt thấy tâm hồn lay chuyển và một mối buồn u ám. Cái cảm giác của anh có lẽ cũng như của mặt đất khi người ta lấy lưỡi sắt rạch ra để vùi một hạt thóc giống; mặt đất như chỉ cảm thấy vết thương; cái xao xuyến khi hạt giống nảy mầm và niềm vui khi cây lúa nở bông sau này mới đến.
Mariuyt không vui. Anh vừa tìm được một tín ngưỡng chả lẽ lại bỏ ngay đi. Anh muốn cả quyết là không. Anh tự bảo, không nên hoài nghi, nhưng anh vẫn thấy bắt đầu hoài nghi, ở giữa hai tín ngưỡng: một tín ngưỡng chưa thoát, một tín ngưỡng chưa thành, thật là day dứt khó chịu; cái bóng hoàng hôn ấy chỉ những tâm hồn như con dơi thích thú. Con mắt của Mariuyt quen nhìn thẳng, cần có ánh sáng thực sự. Cái hoài nghi mập mờ làm cho anh đau khổ. Mặc dù anh muốn đứng yên chỗ cũ, giữ nguyên tin tưởng cũ, anh thấy bắt buộc phải tiếp tục, phải tiến, phải nhận xét, suy nghĩ phải đi xa hơn. Sẽ đi đến đâu? Anh lo lắng là sau khi đã tiến được bao nhiêu bước đến gần cha anh, bây giờ anh lại phải đi những bước ra xa. Anh càng nghĩ, càng thấy bứt rứt. Chung quanh anh như toàn đèo dốc. Anh không đồng ý với ông anh, cũng không đồng ý với các bạn anh; đối với ông thì anh là tàn bạo, nhưng đối với bạn, họ coi ông là lạc hậu, anh thấy cô đơn cả về hai phía: phía đối với người tuổi già và phía đối với người tuổi trẻ. Anh không đến tiệm cà phê Muydanh nữa.
Trong lúc tâm hồn hoang mang như vậy, anh không nghĩ đến những vấn đề thực tế của cuộc sống nữa. Nhưng thực tế không để cho ai quên mình được, nó trở lại bất ngờ và anh chạm trán với nó.
Một buổi sáng người chủ khách sạn vào phòng Mariuyt:
– Ông Cuốcphêrắc đã nhận bảo đảm cho ông.
– Phải.
– Nhưng tôi cần tiền.
– Ông bảo ông Cuốcphêrắc đến cho tôi gặp.
Cuốcphêrắc đến, người chủ khách sạn đi ra. Mariuyt bây giờ mới nói với Cuốcphêrắc điều mà anh trước kia chưa muốn nói: là anh chẳng khác gì người một thân một mình, không có bà con họ hàng gì.
– Thế rồi anh sẽ ra thế nào?
– Tôi chẳng biết.
– Anh sẽ làm gì?
– Cũng chẳng biết nữa.
– Anh có tiền không?
– Có mười lăm phơrăng.
– Có muốn vay tiền tôi không?
– Không bao giờ.
– Anh có bộ áo nào không?
– Đây.
– Anh có đồ vàng bạc không?
– Một cái đồng hồ.
– Bạc?
– Vàng, đây.
– Tôi biết một người buôn áo quần sẽ mua cái áo ngoài và một cái quần của anh.
– Tốt lắm.
– Anh sẽ chỉ còn một cái quần, một ghi lê, một cái mũ và một cái áo ngoài.
– Còn đôi giầy ống nữa.
– Ồ! Anh không đi đất à? Sang trọng nhỉ!
– Thế cũng đủ.
– Có người thợ đồng hồ sẽ mua chiếc đồng hồ quả quít của anh.
– Tốt.
– Không, chưa tốt đâu, sau đó sẽ làm gì?
– Làm gì cũng được, quý hồ là việc lương thiện.
– Anh biết tiếng Anh không?
– Không.
– Tiếng Đức?
– Không.
– Thôi được!
– Tại sao?
– Tôi có một người bạn, chủ hiệu sách, muốn làm một thứ bách khoa từ điển, nếu biết tiếng Đức, tiếng Anh, anh có thể dịch cho hắn những mục tiếng Đức hay tiếng Anh. Cũng chẳng được mấy, nhưng đủ sống.
– Tôi sẽ học tiếng Anh và tiếng Đức.
– Còn trong khi chờ đợi?
– Chờ đợi thì tôi gặm dần bộ quần áo và chiếc đồng hồ.
Người buôn quần áo đến, mua bộ quần áo hai mươi phơrăng. Mang cái đồng hồ đến người chữa đồng hồ, hắn mua bốn mươi nhăm phơrăng.
Mariuyt khi trở về khách sạn, bảo Cuốcphêrắc:
– Cũng khá đấy, với mười lăm phơrăng của tôi nữa thế là tám mươi phơrăng.
– Thế còn món nợ khách sạn? – Cuốcphêrắc nhắc.
– Chết, mình quên bẵng đi mất.
– Khốn! Anh ăn hết năm phơrăng thì học xong tiếng Anh, năm phơrăng thì học xong tiếng Đức. Như thế hoặc là anh có tài ngốn một ngoại ngữ nhanh quá hoặc một đồng trăm xu chậm quá.
Bà Gilơnormăng vốn là một con người khá tốt trong những hoàn cảnh đau buồn. Bà đã lần mò tìm ra chỗ ở của Mariuyt. Một buổi sáng, Mariuyt ở lớp về thấy bức thư của bà dì và món tiền sáu chục đồng pistôn, nghĩa là sáu trăm phơrăng tiền vàng trong một cái hộp gắn xi.
Mariuyt gửi trả lại bà dì số tiền ấy kèm một bức thư kính cẩn, báo với dì anh là anh đã có kế sinh sống và kiếm đủ chi dùng. Lúc ấy anh còn đúng ba phơrăng.
Bà dì không nói gì với ông lão Gilơnormăng, sợ ông lão càng thêm bực dọc. Ông lão đã chẳng bảo rằng đừng có ai nhắc đến cái thằng khát máu ấy hay sao?
Mariuyt không muốn mang nợ, rời bỏ khách sạn Poóc Xanh Giắc.
Hết: Chương V & VI, Xem Tiếp: QUYỂN V – NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY Chương I & II
|