IMG.672

PHẦN THỨ BA

MARIUYTX
QUYỂN VIII

   ANH NHÀ NGHÈO BẤT HẢO

Chương IX & X

GIÔNGĐƠRET HẦU NHƯ MUỐN KHÓC

…..

Gian phòng tối quá, người ở ngoài mới bước vào tưởng như đi vào một cái hầm. Hai người lạ bước vào rụt rè, không nhận rõ những hình người xung quanh, trái lại những người trong phòng quen sống trong bóng hoàng hôn ấy nhìn rõ từng nét mặt họ. Ông Lơ Blăng, vẫn đôi mắt hiền từ và buồn rầu, lại gần Giôngđơret và nói với hắn:
–         Ở trong bọc này có ít quần áo mới, bít tất và chăn len.
Giôngđơret cúi rạp xuống tận đất:
–         Ngài ân nhân phúc đức, cho chúng tôi hậu quá!
Rồi, trong khi hai người khách đang để ý xem xét cái gian phòng tiều tụy ấy, hắn ghé vào tai cô gái lớn nói nhỏ và nhanh:
– Hừ! Tao đã bảo mà: lại quần áo, chứ tiền gì! Chúng nó cùng một giuộc cả. À, cái bức thư đưa cho lão già ngớ ngẩn ấy, tao ký tên gì nhỉ?
Cô con gái trả lời:
–         Phabăngtu.
–         Nghệ sĩ sân khấu, được rồi.
May cho Giôngđơret, đúng lúc ấy ông Lơ Blăng quay lại nói với hắn, vừa nói vừa ngập ngừng cố nhớ ra tên hắn:
–         Tình cảnh ông thật đáng ái ngại, ông…
Giôngđơret vội vàng nói tiếp:
–         Phabăngtu.
–         Ông Phabăngtu, phải rồi, đúng, tôi nhớ ra rồi.
–         Nghệ sĩ sân khấu, thưa ngài, chúng tôi đã từng được hoan nghênh.
Giôngđơret tưởng đến lúc phải đoạt lấy cảm tình của nhà từ thiện. Hắn nói với một giọng vừa khoa trương như anh làm xiếc ở phiên chợ vừa cầu khẩn như người ăn mày kêu đường:
– Học trò của nghệ sĩ Tanma (nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của nước Pháp đầu thế kỷ thứ 19) – Bẩm ngài, tôi là đồ đệ của Tanma. Đã có thời oanh liệt, bây giờ thì là lúc tàn tạ. Ngài xem, ngài ân nhân của chúng tôi, đói không bánh, rét không lửa. Khốn nạn, các cháu lạnh thế này mà không có một thanh củi. Chiếc ghế độc nhất thì bục tung, kính thì vỡ, mà trời ghét quá – Mẹ các cháu ốm liệt giường.
– Tội nghiệp bà nhà!
Giôngđơret nói thêm:
–         Cháu bé bị thương.
Đứa bé thấy có người lạ, không khóc nữa và đang mải ngắm “cô tiểu thư”. Giôngđơret vừa cấu vào tay đứa bé bị thương vừa nói sẽ:
–         Khóc lên, kêu lên!
Hắn làm tất cả những việc đó như một nhà ảo thuật. Đứa bé khóc to lên.
Cô thiếu nữ đáng yêu của Mariuyt, nàng “Uyếcxuyn” của lòng chàng, bước nhanh lại gần đứa bé và nói:
–         Tội bé quá, bé yêu.
Giôngđơret nói tiếp:
– Thưa tiểu thư, nắm tay cháu đẫm máu đây này, cháu bị thương vì một cái máy, cháu làm việc ở đó để kiếm sáu xu mỗi ngày. Có lẽ đến phải cưa cánh tay.
Ông lão hoảng hốt kêu lên:
–         Thật ư?
Đứa bé tưởng thật khóc rống lên.
Người cha nói:
–         Thưa ngài ân nhân, có lẽ phải cưa thật.
Đã một lúc rồi Giôngđơret nhìn nhà từ thiện với một vẻ khác thường. Lần này vừa nói hắn vừa chăm chú nhìn ông ta như cố ý nhớ lại một chuyện cũ. Rồi thừa dịp hai người lạ đang hỏi han đứa nhỏ về bàn tay bị thương, hắn lần lại gần giường vợ nằm, người vợ với vẻ mặt mệt mỏi, ngớ ngẩn. Hắn nói nhanh và khẽ:
–         Mẹ nó này, nhìn kỹ lão ấy thử xem.
Rồi hắn quay lại nói với ông Lơ Blăng, vẫn cái điệu kêu van từ nãy:
– Ngài ân nhân! Xin ngài trông xem, tất cả áo xống của tôi chỉ có chiếc sơ mi của vợ, chiếc sơ mi rách giữa ngày đông tháng giá này. Tôi không ra phố được vì không có áo, nếu có quần áo thì tôi đến ngay nữ nghệ sĩ Mác (nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng đầu thế kỷ XIX),cô biết tôi và quý tôi lắm, hình như cô ấy vẫn ở phố Tuađôđam hay sao ấy? Thưa ngài, chúng tôi cùng biểu diễn với nhau ở địa phương. Cùng hưởng vinh quang. Nếu nhà tôi đến thì Xêlimen tất cứu giúp tôi, thưa ngài! Enmia sẽ bố thí cho Bêliđe (nhân vật trong một số hài kịch nổi tiếng của Môlie). Nhưng không, không có gì cả. Một đồng xu nhỏ trong nhà cũng không có. Vợ ốm, không có đồng xu nào! Con bị thương nặng, không có đồng xu nào. Nhà tôi thường nghẹt thở. Đến cái tuổi phải thế, lại còn thêm bệnh thần kinh xen vào. Phải có thuốc thang cho nhà tôi, cho cả con cháu nữa. Nhưng mà y sĩ, dược sĩ thì lấy tiền đâu trả? Không có một đồng một chữ trong nhà! Chỉ cần một trinh thôi cũng đủ cho tôi quỳ xuống mà nhận rồi. Nghệ thuật đã đến bước đường cùng như thế này. Thưa tiểu thư xinh đẹp, thưa ngài ân nhân đại lượng, ngài và cô có biết đâu, ngài và cô đạo đức và nhân từ, làm nức hương thơm ở cái nhà thờ mà con tôi hằng ngày đi cầu nguyện và được nhìn thấy quý dung nhan, ngài và cô làm sao biết được? Thưa ngài, tôi nuôi dạy con tôi theo lẽ đạo. Tôi không muốn cho chúng theo nghề xướng ca. Chao ôi! Nếu mà chúng giở chứng, cái bọn con ranh ấy, thì tôi đâu có đùa! Con cái tôi phải biết thế nào là danh dự, là luân lý, là đạo đức. Ngài thử hỏi các cháu mà xem. Chúng nó phải đi ngay về thẳng. Chúng nó có cha mà. Không như cái ngữ khốn nạn lúc vô gia đình, về sau là vợ khắp thiên hạ. Bắt đầu là cô Không-con-ai-cả, rồi trở thành bà Vợ-mọi-người. Ối dào! Dòng họ Phabăngtu không có những thứ như thế. Nhất thiết tôi phải nuôi dạy nó trong đức hạnh và chúng phải lương thiện, phải dễ thương, phải tin Chúa. Mẹ kiếp! Thưa ngài, ngài có biết ngày mai đây sẽ xảy ra chuyện gì không? Ngày mai mồng 4 tháng hai, ngày ác nghiệt, ngày hẹn cuối cùng của chủ nhà, nếu chiều nay không có tiền trả, thì tôi và con cháu lớn, vợ tôi đang ốm, con tôi đang bị thương, tất cả vợ chồng con cái sẽ bị đuổi ra đường, nằm vỉa hè, mặc mưa, mặc tuyết. Thưa ngài, như thế đấy, tôi còn nợ bốn hạn tức một năm tiền nhà, nghĩa là sáu mươi phơrăng.
Giôngđơret nói dối. Bốn kỳ hạn thì chỉ có bốn mươi phơrăng, hơn nữa hắn có nợ đâu đến bốn kỳ hạn? Mới sáu tháng trước Mariuyt trả giúp cho hắn hai kỳ rồi.
Ông Lơ Blăng móc túi ra năm phơrăng đặt trên bàn.
Giôngđơret có đủ thì giờ lẩm bẩm vào tai con gái lớn:
– Thằng đểu, năm phơrăng, nó cho năm phơrăng thì làm được cái gì? Không đủ trả cái ghế, miếng kính. Ta đã bỏ ra bao nhiêu rồi!
Lúc ấy ông Lơ Blăng đã cởi chiếc áo khoác đen mặc ngoài chiếc áo dài xanh và vắt lên tay ghế.
– Ông Phabăngtu ơi! Tôi chỉ còn năm phơrăng đó trong người, tôi đưa cháu về nhà, tối tôi lại đến; có phải tối nay ông phải trả tiền nhà không?
Mặt Giôngđơret bỗng sáng bừng lên một cách lạ lùng. Hắn vội vàng trả lời:
–         Bẩm ngài, tám giờ tối tôi phải mang tiền trả chủ nhà.
–         Sáu giờ tôi sẽ đến đây và mang cho ông sáu mươi phơrăng.
–         Ôi! Ngài ân nhân quý hóa, – Giôngđơret cuống quýt kêu như thế rồi bảo sẽ vợ:
–         Mẹ nó nhìn kỹ lão già nhé.
Ông Lơ Blăng dắt tay con gái quay mặt ra phía cửa, chào:
–         Chào các bạn, chiều nay nhé.
Giôngđơret hỏi:
–         Sáu giờ ạ?
–         Sáu giờ đúng.
Cô gái lớn lúc ấy nhìn thấy chiếc áo khoác ngoài để trên tay ghế, cô nói:
–         Thưa ông! Ông bỏ quên cái áo ạ.
Giôngđơret lừ mắt lườm con và nhún vai.
 
Ông Lơ Blăng quay lại, mỉm cười nói:
–         Tôi không bỏ quên đâu, tôi để lại đấy.
– Thưa ngài ân nhân, ngài ân nhân cao cả của tôi, tôi không cầm được nước mắt! Thưa ngài cho phép tôi tiễn chân ngài ra xe.
Ông Lơ Blăng bảo:
–         Ông xuống đường thì mặc cái áo này vào. Trời lạnh lắm.
Chẳng phải đợi mời lần thứ hai, Giôngđơret khoác ngay chiếc áo. Cả ba người cùng ra, Giôngđơret đi trước hai người khách.
 
***
 
GIÁ THUÊ XE NHÀ NƯỚC: HAI PHƠRĂNG MỘT GIỜ
 
       Mariuyt không bỏ qua một tí nào câu chuyện chàng chứng kiến, thế mà thực ra chàng chẳng nhìn thấy gì. Mắt chàng không chút nào rời người thiếu nữ, trái tim chàng như bao bọc lấy nàng từ lúc nàng bước chân vào gian phòng tồi tàn kia. Suốt thời gian nàng ở đấy, Mariuyt tâm hồn như ngất ngây say sưa, không còn để ý đến sự vật gì xung quanh nữa. Chàng đang chiêm ngưỡng trước mắt không phải một thiếu nữ mà là một ánh hào quang khoác áo xa tanh và đội mũ nhung. Sao thiên lang rọi vào trong phòng ấy cũng không làm cho chàng choáng ngợp hơn.
 
Khi thiếu nữ mở cái bọc, giở những quần áo, chăn ra, ân cần hỏi người đàn bà ốm, âu yếm thăm đứa nhỏ bị thương, chàng theo dõi tất cả những cử chỉ của nàng, cố nghe tiếng nói của nàng. Chàng đã quen đôi mắt, cái trán, cái vẻ đẹp của nàng, thân hình, dáng điệu nàng, nhưng chưa thuộc giọng nói của nàng. Ở vườn Luychxămbua, có lúc chàng như thoáng nghe được nàng nói một vài tiếng nhưng chàng không chắc có phải tiếng nàng như thế không. Chàng có thể chịu giảm thọ mười năm để được nghe tiếng nàng nói, để giữ được trong tâm hồn chàng một chút cái âm nhạc du dương ấy. Nhưng giọng kể lể thảm hại, tiếng nói oang oang của Giôngđơret át cả tiếng nàng. Mariuyt giận vô cùng trong chính lúc say sưa ấy. Mắt chàng ôm ấp lấy nàng. Chàng không thể tưởng tượng được chính con người thần tiên ấy lại đang ở giữa con vật ghê tởm, trong cái ổ kinh khủng này. Thật như một con chim hoàng yến giữa một đàn cóc.
 
Khi nàng bước ra, chàng chỉ có một ý nghĩ là theo nàng, theo từng bước cho đến khi biết được chỗ nàng ở, không thể lại mất hút nàng một lần nữa sau cuộc tái ngộ kỳ diệu này. Mariuyt từ trên tủ nhảy xuống, cầm mũ, tay đã nắm quả đấm cửa, sắp sửa bước ra rồi chàng chợt nghĩ ra và đứng dừng lại. Hành lang dài, cầu thang đốc, gã Giôngđơret còn kể lể, ông Lơ Blăng có lẽ chưa lên xe, nếu trong hành lang, trên cầu thang hay ở ngưỡng cửa, ông ngoảnh lại và bắt gặp Mariuyt trong cái nhà này, ông sẽ ngạc nhiên như thế nào? Hay là đợi một lát? Nhưng lỡ xe lại đi mất. Mariuyt phân vân. Cuối cùng chàng mở cửa đi ra.
 
Trong hành lang không còn ai, chàng chạy ra cầu thang. Cầu thang không còn ai, chàng xuống vội cầu thang và ra phố thì vừa kịp trông thấy một cái xe ngựa rẽ ra phố Pơti Păngkiê và đi về Paris.
 
Mariuyt chạy vội về phía ấy. Đến góc phố chàng lại thấy chiếc xe chạy nhanh xuống phố Múpphơta. Xe chạy đã quá xa, không sao theo kịp. Chạy theo ư? Không được. Người trong xe có thể trông thấy kẻ đuổi theo, người bố sẽ nhận ra chàng, sự may mắn hãn hữu và kỳ diệu: vừa lúc ấy, Mariuyt thấy một chiếc xe ngựa cho thuê của nhà nước đi qua phố, không có khách. Chỉ còn một cách là lên xe ấy để đuổi theo xe kia. Thật là bảo đảm, không sợ bị lộ.
 
Mariuyt ra hiệu bảo người đánh xe dừng lại và nói:
–         Đi giờ.
Mariuyt không có ca vát, áo dài chàng mặc làm việc hàng ngày mất cả khuy, sơ mi rách trước ngực.
Người lái xe dừng lại, nháy mắt ra hiệu, giơ bàn tay về phía Mariuyt, ngón tay cái cọ cọ ngón tay trỏ.
 
Mariuyt hỏi:
–         Cái gì?
–         Trả tiền trước.
Mariuyt nhớ ra chàng chỉ có mười sáu xu. Chàng hỏi:
–         Bao nhiêu?
–         Bốn mươi xu.
–         Về tôi sẽ trả.
 
Người lái xe không trả lời, huýt sáo miệng điệu La Palit và quất ngựa đi. Mariuyt ngơ ngẩn nhìn chiếc xe ngựa chạy ra. Chỉ vì thiếu hai mươi xu mà mất vui sướng! Mất hạnh phúc! Mất tình yêu! Lại trở về đêm tối. Mắt đã trông thấy nay lại như mù. Chàng giận dỗi nghĩ tới năm phơrăng đã cho cái con khốn nạn buổi sáng, chàng đâm ra tiếc, tiếc quá. Nếu có năm phơrăng ấy thì thật là trời cứu chàng; chàng sẽ sống lại, thoát khỏi đêm tối âm u, thoát khỏi cô đơn, buồn bã, góa bụa. Chàng sẽ nối lại cái sợi chỉ đen của đời chàng với sợi kim tuyến tươi đẹp vừa phất phơ trước mắt chàng, nhưng lại vừa dứt một lần nữa. Mariuyt trở lại căn nhà của chàng, tuyệt vọng.
 
Mariuyt có thể nghĩ ông Lơ Blăng đã hẹn buổi chiều sẽ lại và chàng có thể chuẩn bị sẵn sàng để đuổi theo ông khôn khéo hơn, những đang mải ngắm say sưa người yêu, chàng chỉ nghe mơ hồ lời nói của ông Lơ Blăng.
 
Khi sắp sửa bước lên cầu thang, Mariuyt thấy ở bên kia đường, dọc theo bức tường vắng phố Barie đê Gôbơlanh, Giôngđơret trùm chiếc áo khóa của nhà “từ thiện”, đang nói chuyện với một người ra dáng bất hảo, một hạng người ăn sương, vẻ mặt khả nghi, lời nói mập mờ, ý đồ đen tối, bọn người thường ngủ ngày nghĩa là ban đêm thì làm việc.
Một người cảnh binh chắc phải để ý đến hai nhân vật lạ đứng dưới gió tuyết thì thầm như vậy, nhưng Mariuyt thì không để ý đến.
 
Tuy nhiên, dù đang băn khoăn buồn bực, chàng cũng nhận thấy cái người ăn sương đang nói chuyện với Giôngđơret phảng phất giống như một tên là Păngsô biệt hiệu là Pơranhtaniê, cũng là Bigrơnay mà Cuốcphêrắc đã chỉ mặt cho chàng một lần và giới thiệu là một tên ăn sương nguy hiểm trong khu phố này. Ta đã đọc đến tên nhân vật ấy trong quyển trên. Cái tên Hăngsô tức là Pơranhtaniê, tức là Bigrơnay đã xuất hiện trong nhiều vụ án đại hình và sau đó trở thành một tên vô lại có tên tuổi. Hồi bấy giờ nó chỉ là một tên vô lại cừ khôi. Ngày nay nó trở nên một sư tổ trong đám trộm cướp. Cuối triều đại trước hắn được tôn làm trưởng phái. Cứ đến tối, ở nhà lao La Forxơ trong hố sư tử, khi các nhóm họp nhau bàn định rầm rì thì luôn nhắc đến tên hắn. Ở nhà lao đó, người ta còn thấy, đứng dưới con đường tuần tra chỗ có cái ống thoát nước nhà tiêu, cái cống mà năm 1843, giữa ban ngày, ba mươi tù nhân đã trốn thoát – trên những tấm đá hố xí, khắc trên tường, ven theo đường tuần tra, tên của hắn, Păngsô, chính tự tay hắn khắc trong một vụ âm mưu vượt ngục. Hồi 1832 cảnh sát đã theo dõi hắn, nhưng hắn chưa thực sự tỏ tài.
Hết: Chương IX & X, Xem Tiếp: Chương XI & XII
Tìm Kiếm