PHẦN THỨ BỐN
TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ
ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
QUYỂN IV
NGƯỜI GIÚP MÀ CÓ THỂ LÀ TRỜI GIÚP
Chương I & II
LỞ Ở NGOÀI, LÀNH Ở TRONG
….
.
Cuộc đời hai người cứ thế ngày một buồn thêm.
Chỉ còn một việc trước kia làm cho họ thấy sung sướng mà nay chỉ đủ làm cho họ khuây khỏa là đem bánh đến cho những kẻ đói và đem quần áo đến cho những người rét. Những lần đi thăm như thế, Côdét thường đi theo Giăng VanGiăng, hai bố con tìm lại được đôi chút sự cởi mở tình cảm ngày xưa; và thỉnh thoảng, nếu ngày hành thiện có kết quả, trong ngày có nhiều hoạn nạn được cứu giúp, nhiều trẻ con được sưởi ấm, được tươi tỉnh lại, thì tối về, Côdét có vui lên đôi chút. Chính vào dạo ấy hai người đến thăm cái ổ Giôngđơret.
Sau hôm đến thăm ấy, sáng sớm Giăng VanGiăng bước vào nhà, vẻ mặt bình tĩnh như thường lệ, nhưng tay trái có một vết thương to, đã đỏ bừng, trông rất độc, vết thương có vẻ như một vết bỏng, hỏi ông thì ông đáp vớ vẩn. Vết thương ấy làm cho ông sốt phải ở nhà hơn tháng trời, ông không muốn gọi thầy thuốc nào cả. Khi Côdét giục, ông bảo: mời thầy chữa chó.
Ngày hai buổi Côdét băng bó cho ông. Nàng có vẻ một nàng tiên và nàng sung sướng chân thành vì thấy mình giúp ích được cho bố. Nhìn nàng, Giăng VanGiăng cảm thấy như tất cả nỗi vui xưa đều trở lại, mọi sự lo sợ băn khoăn đều tan biến cả; ông ngắm Côdét và nói: chao ôi, vết thương mới hay làm sao! Cái đau mới dễ chịu làm sao!
Côdét thấy bố ốm cũng bỏ nhà trên, trở lại với thích thú được xuống ở túp nhà nhỏ và sân sau. Suốt ngày nàng ở bên cạnh bố và đọc ông nghe các thứ sách ông thích. Phần nhiều là sách du ký. Giăng VanGiăng như sống lại dần dần; hạnh phúc của ông hồi phục với những tia sáng vô cùng rực rỡ, vườn Luychxămbua, anh chàng vô danh hay lân la bên cạnh hai bố con ông, vẻ lạnh lùng của Côdét, tất cả những đám mây mù ấy lâu nay làm vẩn đục tâm hồn ông như biến dần đi hết. Đến nỗi ông tự bảo nó chỉ là những điều ông tưởng tượng ra cả và ông quả là anh già điên rồ.
Ông sung sướng đến nỗi cuộc gặp gỡ với gia đình Tênacđiê trong cái ổ Giôngđơret bất ngờ và kinh tởm như thế mà ông coi như là chuyện thoảng qua. Ông đã thoát thân được, bọn ấy cũng không theo nổi dấu vết của ông, thế là đủ, còn gì nữa thì mặc kệ, có can gì đến ông! Ông chỉ nghĩ đến bọn khốn nạn ấy để thương hại nó thôi. Bây giờ thì bọn chúng nó đã nằm trong lao rồi, không còn khả năng hại người nữa, nhưng kể cũng tội, gia đình chúng khốn đốn quá đi mất!
Còn cái cảnh ghê rợn nhìn thấy ở cửa ô Men thì Côdét không nhắc lại nữa.
Ở nhà tu, bà xơ Métinđơ có dạy cho Côdét học âm nhạc. Côdét có giọng hát như giọng sáo. Thỉnh thoảng buổi tối, trong gian nhà nghèo nàn của ông bố đang ốm, nàng cất giọng hát nhiều bài hát buồn buồn làm cho ông vui thích. Mùa xuân đến. Cảnh vườn vào tiết xuân rất đẹp khiến ông phải bảo Côdét:
– Con chả bao giờ dạo vườn nhỉ, bố muốn con đi dạo chơi trong vườn đấy.
Và, để vâng lời bố, nàng trở lại dạo chơi trong vườn nhà, nhưng thường là chỉ đi một mình, còn Giăng VanGiăng thì có lẽ vì sợ ở ngoài hàng rào người ta trông thấy, nên không bao giờ bước chân đến đấy.
Vết thương của Giăng VanGiăng làm cho Côdét tạm thời xao nhãng niềm riêng của mình.
Thấy vết thương khỏi dần, bố đỡ đau và lộ vẻ sung sướng, trong lòng nàng nhóm lên niềm vui êm nhẹ và hồn nhiên đến nỗi nàng không nhận ra. Rồi thì tháng ba đến, ngày dài ra, mùa đông đang qua. Đông qua không khỏi cuốn theo một ít buồn rầu của lòng người. Tháng tư lại đến, tháng tư bình minh của mùa hạ, tươi mát như mọi buổi bình minh, vui tươi như mọi tuổi trẻ thơ và thỉnh thoảng cũng nước mắt đầm đìa như đứa bé sơ sinh. Tháng ấy là tháng mà ánh sáng mỹ miều của thiên nhiên như từ trời mây, cây cỏ chan hòa vào lòng người.
Côdét còn trẻ quá, nàng vui như tiết xuân vui, lòng nàng không sao dửng dưng được trước cảnh tạo vật tưng bừng. Bao nhiêu đen tối trong trí nàng đã lặng lẽ bay đi lúc nào nàng không biết nữa.
Mùa xuân những tấm lòng ủ dột sáng ra cũng như giữa trưa, các hầm nhà sáng tỏ. Côdét đã không còn buồn nhiều nữa. Buổi sáng, vào quãng mười giờ, sau bữa cơm, những khi nàng tìm được cách kéo bố ra ngoài vườn, nâng cánh tay đau cho bố đi dạo sưởi ấm trước thềm độ mươi lăm phút, nàng không để ý là mình cười luôn miệng và đang sung sướng.
Giăng VanGiăng lòng say sưa, thấy nàng trở lại hồng hào và tươi tắn:
– Chao ôi! Vết thương mới quí làm sao! Ông lẩm bẩm.
Và ông lấy làm cám ơn bọn Tênacđiê.
Lúc vết thương lành hẳn, ông lại theo thói quen dạo chơi một mình vào buổi hoàng hôn như cũ.
Đi chơi một mình những nơi hoang vắng ở Paris mà tin rằng không xảy ra chuyện gì là lầm to
***
II BÀ PƠLUYTÁC CHẲNG LÚNG TÚNG CHÚT NÀO KHI GIẢI THÍCH MỘT HIỆN TƯỢNG
Một buổi tối, Gavrốt chưa có gì bỏ bụng cả; cậu bé sực nhớ ra rằng tối hôm trước mình cũng chẳng ăn gì; bây giờ thấy trong người khá mệt. Nó quyết định phải thử tìm ra cái gì để lót dạ. Hắn đi qua khu Xanpêtơrie, lượn mấy vòng ở chỗ vắng người. Chính ở đây là nơi dễ gặp may nhất. Chỗ không người mới là chỗ có cái ăn. Lần lần hắn đến một khu vực hẻo lánh mà hắn cho là làng Austéclit.
Một lần đi lang thang trước đây, hắn có để ý đến một ngôi vườn cổ thấp thoáng có bóng một ông cụ già và một bà lão, trong vườn có một cụ già và một bà lão, trong vườn có một cây táo kha khá. Bên cạnh cây táo là một thứ hòm đựng trái cây, then khóa hớ hênh, có thể phỗng lấy một quả. Một quả táo là đủ chén một bữa tối, một quả táo là sống rồi. Quả táo hại cụ Ađam nhưng cứu Gavrốt. Ngôi vườn men theo con đường nhỏ vắng vẻ không lát đá, bờ bụi um tùm. Từ đường vào vườn có một hàng giậu.
Gavrốt đi về phía vườn; hắn nhận ra lối hẻm, nhận ra cây táo, xem xét tình hình hòm trái cây, quan sát hàng giậu. Một hàng giậu thì phóc qua như bỡn thôi! Trời tối dần. Cả đến một bóng mèo cũng không thấp thoáng trên lối hẻm. Cơ hội thật tốt. Gavrốt nhóm chân trèo, bỗng dừng lại. Có tiếng người trong vườn, Gavrốt nhìn qua kẽ rào.
Phía chân rào bên trong, cách vài bước, đúng ngay vào chỗ hắn định chui vào, có một phiến đá bỏ nằm dưới đất như một chiếc ghế dài, trên ghế là ông già chủ vườn, bà lão đứng trước mặt. Bà lão giọng càu nhàu. Gavrốt chẳng mấy lịch sự, cứ lắng nghe.
Bà lão nói:
– Ông Mabớp!
– Cái gì lại Mabớp (Đồng âm với boeuf – con bò, và lẽ ra phải là monboeuf – đọc là mông bớp)! Cái tên nỡm nhỉ, Gavrốt nghĩ thầm.
Ông già nghe gọi vẫn ngồi im, không nhúc nhích. Bà lão lặp lại:
– Ông Mabớp!
Ông già đành phải trả lời, mắt cứ nhìn xuống đất:
– Cái gì đó bà Pơluytác?
Bà Pơluytáclại lên tiếng lần nữa làm cho ông già phải bắt chuyện.
– Chủ nhà họ không bằng lòng.
– Tại sao?
– Ta nợ họ đến ba quí rồi.
– Ba tháng nữa ta sẽ nợ họ bốn quí.
– Người ta bảo sẽ mời ông ra ngủ ngoài trời.
– Vâng, tôi sẽ ra.
– Bà hàng hoa quả cũng đòi tiền. Bà ấy không chịu để ta vác củi không của bà ấy nữa. Mùa lạnh này ông lấy gì mà sưởi? Nhà ta sẽ không có củi.
– Có mặt trời.
– Bác hàng thịt cũng không bằng lòng bán chịu nữa.
– Thế cũng tốt, vừa đúng lúc đấy. Tôi ăn thịt thấy hơi đầy bụng. Khó tiêu lắm.
– Thế thì chúng ta còn ăn gì?
– Bánh mì.
– Bác hàng bánh đòi phải trả bớt một ít và bảo không tiền thì không bánh.
– Cũng được.
– Ông sẽ ăn thứ gì?
– Chúng ta có táo trên cây kia.
– Nhưng không tiền không của như thế này thì làm sao mà sống được hử ông.
– Tôi không có.
Bà lão bỏ đi, ông già ngồi lại một mình. Cụ đâm ra suy nghĩ. Gavrốt cũng suy nghĩ phần mình. Trời vừa tối.
Kết quả đầu tiên của sự suy nghĩ ở Gavrốt là đáng lẽ leo qua hàng giậu thì hắn lại ngồi xổm dưới chân giậu. Ở đấy cành cây xòe ra, có chỗ trống.
– Ồ, lại một chái nhà! Hắn nghĩ bụng và chui vào đấy. Chỗ hắn ngồi gần như sấp lưng với chiếc ghế ông cụ Mabớp. hắn nghe rõ hơi thở ông già.
Hắn cố ngủ để trừ bữa. Ngủ gà ngủ vịt, vừa ngủ hắn vừa theo dõi tình hình.
Hoàng hôn phủ một màn trắng mờ lên mặt đất, con đường nhỏ nổi rõ thành một dải nhợt nhạt giữa hai dãy bụi cây tối tăm.
Bỗng nhiên, trên dải đường trắng nhạt ấy hai bóng đen hiện ra. Một bóng đi trước, bóng kia theo sau, cách một quãng.
– Hai sinh vật, Gavrốt nói thầm.
Bóng thứ nhất có vẻ là một anh tư sản già, dáng người lom khom, ra vẻ nghĩ ngợi, ăn vận tầm thường, bước đi chầm chậm vì tuổi tác và có dáng như dạo chơi thơ thẩn dưới trời sao.
Bóng thứ hai, người thẳng, chắc, mảnh dẻ, cứ theo từng bước bóng thứ nhất; trông dáng đi cố ý chậm chạp, người ta đoán thấy được sự mềm dẻo và nhanh nhẹn. Bóng này mặc dù có gì dữ tợn và đáng sợ, lại có đủ dáng điệu của một anh chàng công tử ăn diện; cái mũ hình dáng đẹp, áo ngoài màu đen, may khéo, chắc là bằng loại dạ tốt, lại thắt đáy lưng ong nữa. Cái đầu giương thẳng vừa đẹp vừa khỏe và dưới mũ, một khuôn mặt thanh niên hiện ra trong hoàng hôn. Trên miệng ngậm một bông hoa hồng. Bóng thứ hai này, Gavrốt biết rõ: đó là Môngpácnát.
Còn bóng kia, hắn chẳng biết là ai, chỉ biết là một ông già.
Lập tức Gavrốt để ý theo dõi.
Một trong hai người này nhất định có rắp tâm gì đối với người kia. Ở cái hốc đã may mắn thành nơi ẩn nấp, Gavrốt rất dễ theo dõi mọi việc sắp xảy ra.
Giờ này, chốn này, mà Môngpácnát đi kiếm ăn thì đáng sợ thật. Gavrốt thấy thương hại ông già quá.
Làm thế nào? Can thiệp à? Trẻ dại mà đi cứu già yếu sao? Chỉ còn trò cười cho Môngpácnát thôi. Gavrốt không dại gì mà không biết rằng một ông già, một trẻ con, thì chẳng bõ cái thằng cướp mười tám tuổi đó nó nuốt tươi ngay.
Gavrốt đang còn đắn đo thì cuộc tấn công đã xảy ra bất thình lình, ghê tởm. Thật chẳng khác gì hổ vồ lừa, nhện bắt muỗi. Xuất kỳ bất ý Môngpácnát vứt bông hoa hồng, nhảy xổ vào ông cụ già, tóm cổ áo, ôm choàng ông cụ, ghì xuống. Gavrốt cố heets sức mới khỏi thét lên. Một lát sau thì một người bị đè xuống dưới vừa giẫy giụa vừa rên rỉ, còn người kia thì cưỡi lên trên, dùng đầu gối ấn mạnh lên ngực. Có điều sự việc không xảy ra hoàn toàn như Gavrốt tưởng. Người ngã lăn dưới đất là Môngpácnát, người đè lên trên là ông già.
Cảnh tượng này xảy ra cách Gavrốt có mấy bước. Ông già bị tấn công bất ngờ đã quật lại và quật kịch liệt đến nỗi, trong nháy mắt, giữa người tấn công và người bị tấn công vai trò đã đảo ngược hẳn.
Gavrốt nghĩ bụng:
– Ông già mới cừ chứ!
Và hắn không thể không vỗ tay. Nhưng vỗ tay mà chẳng có tác dụng vì hai địch thủ đang mải vật nhau, hổn ha hổn hển, không nghe thấy gì.
Bỗng mọi vật đều im lặng. Môngpácnát thôi không còn vũng vẫy nữa. Gavrốt tự bảo: Hắn chết rồi ư?
Ông già từ nãy đến giờ không nói một lời, cũng không kêu một tiếng nào. Ông đứng dậy và Gavrốt nghe ông ta bảo Môngpácnát:
– Đứng dậy đi.
Môngpácnát đứng lên, ông già vẫn nắm lấy nó. Môngpácnát có vẻ một con chó sói bị con cừu ngoạm giữ: vừa khuất phục vừa giận dữ.
Gavrốt nhìn và nghe, cố dùng hai lỗ tai để tăng sức cặp mắt. Hắn lấy làm thú vị vô cùng.
Hắn thoảng nghe được cuộc đối thoại giữa hai người. Trong bóng tối, cuộc đối thoại mới cỏ vẻ bi hùng làm sao! Ông già hỏi, Môngpácnát trả lời.
– Mày bao nhiêu tuổi?
– Mười chín.
– Mày khỏe mạnh, sao mày không làm việc?
– Tôi không.
– Hiện tại mày làm nghề gì?
– Nghề ngồi rỗi.
– Trả lời cho đứng đắn. Có thể giúp mày được gì không? Mày muốn làm gì?
– Ăn trộm.
Một phút im lặng. Ông già có vẻ suy nghĩ lung lắm. Ông đứng im nhưng tay vẫn không buông Môngpácnát.
Chốc chốc, tên ăn cướp trẻ tuổi, vạm vỡ và nhanh nhẹn lại có những cái vùng vẫy của con thú bị sa vào bẫy. Nó đẩy mạnh một cái hoặc móc chéo chân ông già một cái, vặn mạnh cái tay nhìn như điên như dại, cố sức tìm cách thoát thân. Ông già có vẻ như không trông thấy gì, cứ một tay tóm cả hai cánh tay của địch thủ với vẻ thản nhiên cực độ của một sức mạnh tuyệt đối.
Ông già suy nghĩ một chốc rồi nhìn thẳng vào Môngpácnát, cất giọng nhẹ nhàng, thuyết phục bằng những lời thật trịnh trọng. Gavrốt nghe rõ không sót một tiếng:
– Cháu ạ! Mày bước vào cuộc sống cần cù bằng con đường lười nhác. Chà! Mày tuyên bố mày là kẻ ngồi rỗi ư? Chuẩn bị mà làm việc đi. Mày có thấy một cái đáng sợ là cái máy cán không? Phải coi chừng, nó là một thứ hung dữ và ác ngần; nó mà túm được cái chéo áo của mày là cả người mày bị cuốn vào. Cái máy cán ấy là sự lười nhác. Hãy còn đủ thì giờ, đứng lại và chạy tránh đi! Nếu không, thì là hết, không bao lâu nữa mày sẽ bị cuốn vào máy. Mà đã bị cuốn vào máy thì thôi không còn hy vọng gì nữa. Đi làm việc đi, đồ nhác! Đừng có ăn không nữa. Tìm nghề mà sinh nhai, làm mọi công việc, thực hiện một bổn phận, mày không muốn à? Làm như mọi người, mày cho là chán phải không? Thế thì mày sẽ thành một con người khác. Làm việc quy luật; kẻ nào tránh lao động vì cho là buồn chán, thì sẽ phải lao động như một hình phạt. Mày không muốn làm thợ, thì mày sẽ thành nô lệ. Lao động chỉ buông tay này của mày ra để mà tóm lại tay kia thôi, mày không muốn làm bạn nó, thì mày sẽ làm tôi mọi nó. À, mày không muốn cái mệt mỏi bình thường của người lương thiện, thì mày sẽ phải đổ cái thứ mồ hôi của kẻ đọa đày! Chỗ nào mà người ta ca hát thì mày sẽ rên xiết. Lúc ấy, đứng ở xa và dưới thấp, thấy người khác làm việc, mày sẽ có cảm tưởng là họ đang nghỉ ngơi. Anh thợ cày, anh thợ giặt, anh thủy thủ, anh thợ rèn, mày sẽ thấy họ hiện ra trong ánh sáng chẳng khác gì những người được hưởng phúc trên cõi thiên đường! Chao ôi! Cái đe cái búa chứa đựng bao nhiêu là ánh sáng! Cầm cái cày, buộc bó lúa mới vui làm sao! Chiếc thuyền tung tăng trước gió, vui thú làm sao! Trong khi ấy vì mày là thằng lười biếng, mày sẽ phải cuốc, phải kéo, phải lăn, phải bước tới. Mày sẽ phải kéo mạnh cái dây trên cổ mày, mày sẽ là con ngựa tải trong cỗ xe địa ngục!
Ồ! Mục đích của mày là chẳng làm gì cả? Thế thì mày sẽ không có giờ phút nào được yên thân đâu. Mày sẽ không còn giở nổi một cái gì mà không hãi hùng. Tay chân mày mỗi phút qua sẽ kêu răng rắc. Cái gì người ta coi nhẹ như lông, thì với mày sẽ nặng như núi. Việc dễ nhất cũng thành khó khăn, cuộc đời sẽ thành quỉ quái chung quanh mày. Đi đứng, hô hấp, bao nhiêu là công việc đáng sợ. Lá phổi trong ngực mày, mày cũng sẽ thấy nặng như một khối trăm cân.
Đi chỗ này mà không đi chỗ kia cũng thành một vấn đề giải quyết. Bất kỳ ai trong nhà muốn ra ngoài thì chỉ cần đẩy cửa là xong, là ra ngoài ngay. Còn mày, muốn đi ra thì mày phải đục tường. Muốn ra phố, thì mọi người làm gì? Người ta xuống thang gác: Còn mày, mày phải xé tấm khăn trải giường, chắp dần từng mảnh thành dây, mày phải leo qua cửa sổ, đu người ở đầu dây, lửng lơ giữa lưng chừng trời. Lúc ấy lại đang đem , mữa bão, dông tố, sấm sét. Và nếu sợi dây quá ngắn thì mày chỉ còn một cách đến được đất là thả rơi người xuống. Rơi bừa xuống vực sâu, từ độ cao bao nhiêu? Rơi xuống cái gì? Chắc chắn là rơi xuống cái gì ở phía dưới, rơi xuống chỗ không biết, thế thôi. Hay là mày sẽ liều chết cháy mà luồn theo ống khói, hoặc mày sẽ liều chết trôi mà bò theo ống dẫn nước nhà kia.
Tao không thèm nói cho mày nghe bao nhiêu chuyện khác, chuyện phải che khuất các lỗ trống, chuyện những phiến đá phải lấy ra và lắp lại hàng hai ba chục lần một ngày, chuyện phải thu giấu những mảnh vôi tưởng vào trong ổ rơm. Có một ổ khóa trước mặt, anh tư sản đã có trong túi cái chìa khóa của anh thợ khóa đánh sẵn. Còn mày, nếu mày muốn mở khóa, mày bắt buộc phải làm cả một công trình đáng sợ. Mày phải lấy đồng xu, xẻ thành hai lớp; dùng thứ gì để xẻ, thì mày phải phát minh lấy, vì đó là việc riêng của mày. Mày phải nạo sâu bên trong hai lớp ấy, mà phải cẩn thận kẻo thủng đến bên ngoài, mày phải cắt xung quanh thành những đường gai ốc, làm sao cho hai lớp ấy khớp vào nhau sít sao như nắp hộp với thân hộp. Hai lớp khớp với nhau như thế, thì không ai còn đoán biết ra cái gì được. Tụi giám thị luôn luôn rình mò bên mày, nhưng dưới mắt bọn chúng thì đó chỉ là một đồng xu. Riêng đối với mày thì đó là một cái hộp. Để cái gì trong hộp ấy? Một miếng thép nhỏ. Một cái lò xo đồng hồ mà mày đã cắt răng thành cái lưỡi cưa. Cái cưa dài bằng chiếc đanh ghim và cất giấu trong một đồng xu ấy, mày phải dùng nó để cắt cái lưỡi gà ổ khóa, cái then cửa, cái quai ống khóa, cái chấn song cửa sổ buồng mày, hay cái vòng sắt ở chân mày.
Cái công trình ấy, cái việc phi thường ấy làm xong, tất cả những phép mầu nhiệm của nghệ thuật, của trí óc tài tình, của bàn tay khéo léo, của đức tính kiên nhẫn ấy thực hiện xong, nếu người ta biết được, chính mày là tác giả, thì phần thưởng cho mày sẽ là gì? Là xà lim. Tương lai của mày là thế đấy!
Lười nhác, ăn chơi, hai thứ ấy có khác gì vực thẳm! Mày định không làm gì cả ư? Thật là một quyết định rùng rợn, mày biết không? Ở nể mà ăn bám vào máu thịt của xã hội, sống vô dụng nghĩa là sống hại cho nhân quần, lối sống như thế đưa thẳng người ta đến khốn khổ. Tai hại thay cho những kẻ muốn ăn bám! Nhất định chúng sẽ thành rận rệp khốn kiếp. À! Mày không thích lao động, trong trí mày chỉ nghĩ ăn cho ngon, uống cho sướng, ngủ nghê cho khỏe xác. Thế thì mày sẽ uống nước lã, mày sẽ ăn bánh mì đen, mày sẽ ngủ trên ván gỗ, chân mày sẽ bị xiềng lại và ban đêm mày sẽ cảm thấy cái xiềng sắt làm lạnh tê da thịt mày! Mày sẽ bẩy thứ dây sắt ấy để trốn đi. Tốt lắm, mày sẽ phải ăn cỏ như loài thú rừng. Rồi mày sẽ bị bắt lại. Từ đấy mày sẽ phải sống hàng năm trong hầm sâu, người xích vào tường, uống nước cũng phải sờ soạng mới tìm ra vòi nước, ăn thì ăn thứ bánh mì đen như đít nồi, gớm ghiếc, cho chó chó cũng chê, hoặc là thứ đậu mà sâu bọ ăn thừa. Mày sẽ như con gián trong hầm.
Thôi! Mày còn trẻ dại lắm, cháu ạ, miệng mày còn hơi sữa, mày chắc còn mẹ, ta bảo nhé, mày hãy thương hại lấy mày, mày nghe ta. Mày muốn chưng quần áo dạ đen mịn mướt, mày muốn diện giày vécni bóng nhoáng, mày muốn uốn tóc, chải đầu nước hoa, làm dáng làm đỏm để đẹp lòng các cô. Thế thì người ta sẽ cạo trọc đầu máy, thí cho mày cái áo tù màu đỏ, cái đôi guốc gỗ. Và nếu mày liếc nhìn đàn bà thì mày sẽ được một gậy vào lưng, hai mươi tuổi mày vào đấy nhưng đến năm mươi mày mới thoát ra! Lúc mày vào mày trai trẻ, hồng hào, tươi tỉnh, mắt đén lánh, răng có đầy đủ, trắng tinh, làn tóc trai xinh đẹp, đến khi bước ra, mày sẽ già khụ, nhăn nhep, răng long, đầu bạc, chả ra người ngợm gì.
Thôi đi, cháu! Mày đi lầm đường rồi, tính lười nhác đã khuyên mày làm bậy rồi, cái nghề gay go nặng nhọc nhất là cái nghề ăn trộm đấy. Mày hãy tin ta, đừng đâm đầu vào cái công việc nhọc nhằn là làm một tay biếng nhác nữa. Làm một tên du thủ du thực chẳng dễ chút nào. Làm người lương thiện ít khó khăn hơn. Mày đi đi và suy nghĩ về những điều ta vừa nói. Mà này, mày muốn cái gì của ta? Túi tiền ư? Đây này.
Ông già buông Môngpácnát ra, đặt túi tiền vào tay nó. Nó nhấc nhấc xem nặng nhẹ rồi với thói quen cẩn thận như khi đánh cắp, nó dúi nhẹ nhàng vào túi áo sau.
Nói xong và cho tiền xong, ông già quay lưng, lững thững đi dạo như trước:
Môngpácnát lẩm bẩm:
– Cái lão ngốc.
Ông già ấy là ai? Độc giả chắc đã đoán biết.
Môngpácnát ngây người nhìn theo ông già đang khuất dần trong bóng hoàng hôn. Ngây người một lát thế mà có hại.
Ông già đi xa ra còn Gavrốt thì mò lại gần.
Liếc nhìn trong vườn, nó trông rõ là ông cụ Mabớp có lẽ đã thiếp đi, nhưng hãy còn ngồi nguyên trên ghế đá. Hắn luồn ra khỏi bụi cây, bò dần đến sau lưng Môngpácnát đang đứng im. Nó đến sát mà Môngpácnát không hay biết gì cả. Nó khẽ thò tay vào túi chiếc áo ngoài bằng da đen mịn, móc lấy túi tiền và bò thoát đi trong bóng tối như con rắn. Môngpácnát không có lý do gì để đề phòng, lại đang trầm ngâm vì là lần đầu tiên trong đời phải suy nghĩ, nên chẳng biết gì cả. Khi trở về đến chỗ nấp, nơi có ông cụ Mabớp đang ngồi, Gavrốt liền vứt túi tiền qua hàng rào rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy.
Túi tiền rơi trúng chân ông cụ Mabớp; đau quá, cụ thức dậy. Cụ cúi xuống nhặt lên. Cụ không hiểu ra làm sao cả, mở túi ra. Túi có hai ngăn: một ngăn có ít tiền lẻ, ngăn kia có sáu đồng Napoleon (đồng vàng ngang 20 phơrăng).
Ông cụ ngơ ngác mang túi tiền đến chỗ bà ở.
Bà Pơluytác nói:
– Của này chắc là trên trời rơi xuống.
Hết: QUYỂN IV -NGƯỜI GIÚP MÀ CÓ THỂ LÀ TRỜI GIÚP-Chương I & II, Xem Tiếp: QUYỂN V -ĐOẠN CUỐI VÀ ĐOẠN ĐẦU KHÁC NHAU-Chương I & II
|