IMG.672

PHẦN THỨ BỐN

TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ

ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI

QUYỂN VI

CHÚ BÉ GAVRỐT

Chương II

CHÚ GAVRỐT TÍ HON LỢI DỤNG
NAPOLEON VĨ ĐẠI

……….

Mùa xuân ở Paris thường có một thứ gió may cắt da thịt, nó không làm cho người ta giá lạnh, nó làm cho người ta thành băng. Có gió ấy, những ngày tươi đẹp bỗng nhiên biến thành ảm đạm: nó tựa như một luồng khí lạnh lọt qua khe cửa đóng dối vào gian phòng ấm áp. Tuồng như cái cửa mùa đông còn để hở cho nên gió lạnh thổi về từ phía ấy.
Mùa xuân năm 1832, vào độ vụ dịch lớn đầu thế kỷ ở châu Âu, gió ấy gay gắt, lạnh lùng hơn bao giờ hết. Rõ ràng là có một cái cửa nào lạnh hơn cửa mùa đông nữa đã bỏ ngỏ. Đó là cửa nghĩa địa. Trong gió may đó, người ta nghe thấy hơi thổi của ôn thần thổ tả.
Đứng về khí tượng mà nói thì các thứ gió lạnh ấy có một đặc điểm là không loại trừ điện thế cao trong không khí. Vào thời kỳ đó có nhiều trận giông tố đã xảy đến với chớp giật và sấm sét.
Một buổi tối, gió may thổi gắt gao đến nỗi người ta tưởng tháng giêng đã trở lại và bọn tư sản đều lấy áo choàng ra mặc. Chú bé Gavrốt vẫn run cầm cập trong bộ đồ rách nát và vẫn vui tươi, chú đứng ngây ngất trước cửa hàng một người thợ cạo. Chú mang một cái khăn quàng phụ nữ bằng len nhặt ở đâu không biết mà chú đem dùng làm khăn quàng cổ. Chú có vẻ say sưa ngắm một cái tượng cô dâu mặc áo cưới bằng sáp, áo hở ngự, tóc cài hoa cam. Cái tượng quay vòng đằng sau cửa kính, giữa hai ngọn đèn dầu và cười duyên với khách qua đường. Dáng thì thế, nhưng thật thì Gavrốt đang quan sát cửa hàng để xem có cách gì “xoáy” một bánh xà phòng trong quầy để đem bán một xu cho người thợ hớt tóc ngoại ô. Đã nhiều lần chú ăn sáng một cái bánh như thế. Chú có biệt tài về ngón “xoáy” ấy, mà chú gọi bóng là “sửa râu cho bác thợ cạo”.
Vừa ngắn tượng cô dâu mới và liếc bánh xà phòng chú vừa lẩm bẩm trong miệng: – Ngày thứ ba. Không phải ngày thứ ba – Có ngày thứ ba không ấy? – Có lẽ là thứ ba, – Ừ phải. Thứ ba.
Không ai biết chương độc thoại ấy nói về việc gì!
Hôm ấy đúng là ngày thứ sáu. Phải chăng chú bé nói về cái ngày cuối cùng mà chú được ăn tối, cách đây ba hôm.
Trong hiệu có lò sưởi ấm áp, bác phó đương cạo mặt cho một khách hàng. Thỉnh thoảng bác liếc nhìn ra tên kẻ thù tức là chú bé rét xo và trâng tráo. Chú bé hai tay thọc túi nhưng trí thì chắc đã ra ngoài vỏ não từ bao giờ.
Trong lúc Gavrốt ngắm nhìn tượng cô dâu, tủ kính và những bánh xà phòng Anh, chợt có hai đứa bé đến, một đứa lớn một nhỏ nhưng đều bé hơn Gavrốt, một thằng độ bảy tuổi, một thằng năm. Chúng nó ăn mặc cũng khá. Chúng rụt rè văn quả nắm rồi đi vào hiệu. Miệng chúng lẩm nhẩm cái gì như là một tiếng rên hơn là một lời cầu khẩn. Chúng xin cái gì không biết, có lẽ chúng xin ăn. Hai đứa cùng nói một lúc. Chúng nó nói cái gì không nghe rõ vì thằng bé vừa nói vừa khóc, thằng lớn vừa nói răng vừa va vào nhau cồm cộp. Người phó cạo ấy quay lại vẻ mặt giận dữ. Không rời bỏ con dao nơi tay, ông lấy tay trái xô thằng lớn, lấy đầu gối đẩy thằng nhỏ ra tận ngoài đường, rồi đóng sầm cửa lại mà bảo:
– Đồ quỷ, tự nhiên đem gió lạnh vào nhà người ta.
Hai đứa bé vừa đi vừa khóc. Có đám mây bay tới hạt mưa bắt đầu rơi lác đác.
Gavrốt chạy theo chúng, gọi:
– Hai thằng kia, chúng mày làm sao thế?
Thằng lớn đáp:
– Chúng tôi không có chỗ ngủ.
– Có thế thôi à? Tưởng là gì cơ! Có thế mà cũng khóc được. Hai đứa mày còn khờ quá.
Chú lấy giọng kẻ cả, vừa cao đạo vừa ỡm ờ, xúc động, dịu dàng và che chở, chú bảo:
– Oắt con, thôi đi về với tao.
Thằng lớn nói:
– Thưa ông, vâng.
Thế là hai thằng bé đi theo Gavrốt như đi theo một vị tổng giám mục. Chúng không khóc nữa.
Gavrốt dắt chúng đi ngược phố Xanh Ăngtoan, về hướng nhà lao Bátxi.
Gavrốt vừa đi vừa quay nhìn hiệu tên thợ cạo một cách tức tối. Chú lầm bầm:
– Con ngợm ấy thực chẳng có chút nhân tình nào.
Gặp chúng đi thành hàng một, có Gavrốt dẫn đầu, một cô gái điếm cười phá lên. Cái cười ấy thật là bất kính với đoàn của chú, cho nên Gavrốt đối phó:
– Chào cô “Xe đò” ạ.
Một lát sau, nhớ lại tên thợ cạo, chú nói thêm:
– Gọi là ngợm thì cũng chưa đúng. Nó là một con rắn. Thằng thợ cạo kia, ta sẽ gọi tên thợ khóa đến gắn cho mày một cái nhạc ở đằng đuôi (có một giống rắn hổ mang có dây vảy ở đàng đuôi có thể bật lên tiếng kêu, người ta bảo vảy ấy là nhạc).
Tên thợ cạo đã làm cho Gavrốt trở nên hiếu chiến.
Khi bước qua rãnh nước, Gavrốt gặp một bà gác cổng có râu đang xách chổi đi, có vẻ như đi gặp Faust ở Quỷ tụ sơn.
– Bà ơi, bà cưỡi ngựa đi đấy à (Theo dị đoan châu Âu người ta bảo rằng ngày hội quỷ sứ các mu phù thủy cưỡi chổi làm ngựa đi dự hội. Faust là một nhân vật huyền thoại Đức, tương truyền đã bán linh hồn cho quỉ sứ. Nhà văn Đức: Gớt, đã đưa nhân vật Faust vào một vở kịch lớn cùng tên)? – Gavrốt hỏi.
Vừa lúc ấy nó làm té bùn lên đôi giày bóng của một ông khách qua đường. Ông cáu lên, quát:
– Thằng quái này!
– Ông tố ai đấy?
– Mày chứ còn ai nữa!
– Hết giờ rồi, văn phòng đã đóng cửa, tôi không nhận đơn đâu.
Đi một quãng nữa, chúng gặp một con bé hành khất độ mười ba mười bốn tuổi đang rét cóng dưới một cái cổng, váy cũn cỡn, để lòi hai đầu gối. Con bé đã quá lớn, mặc váy để đầu gối ra ngoài không tiện nữa. Tuổi lớn lên dễ gặp những chuyện oái oăm như thế đấy! Chính lúc thấy lõa lồ là xấu hổ thì cũng là lúc chiếc váy trở nên quá ngắn. Gavrốt nói:
– Thương hại con bé, ngữ ấy cũng không có quần áo đâu. Thôi hãy cứ lấy cái này mà dùng.
Chú bé nói thế rồi cởi ngay tấm khăn len ấm quàng quanh cổ, chú vứt lên đôi vai gầy gò tím ngắt của con bé ăn mày.
Chiếc khăn len trên vai con bé trở lại nguyên hình thành một chiếc khăn quàng phụ nữ.
Con bé lặng lẽ nhận chiếc khăn quàng và ngơ ngác nhìn Gavrốt. Khi đã quá chừng túng quẫn, người nghèo khổ sống trong hãi hùng thì bị bạc đãi vẫn không biết rên, được giúp đỡ cũng quên cảm tạ.
Cho khăn quàng rồi, Gavrốt xuýt xoa vì rét, rét hơn thánh Máctanh (Thánh Máctanh đi đường thấy có người rét, cắt nửa vạt áo choàng của mình cho), vì tuy thế mà thánh Máctanh còn giữ nửa chiếc áo choàng.
Vừa khi Gavrốt xuýt xoa thì mưa xuống tầm tã. Trời xấu hại người lành. Gavrốt kêu:
– Ô hay! Thế này là nghĩa làm sao? Lại mưa. Chúa phúc đức ơi! Nếu cứ như thế này thì tôi phải hủy việc mua mưa dài hạn.
Chú lại đi. Chú liếc nhìn con bé hành hất đương thu mình trong chiếc khăn quàng và nói:
– Cũng cóc cần. Con bé này được tấm áo ấm đấy.
Rồi chú ngửa mặt nhìn trời, thét:
– Thua nhé.
Hai đứa bé nối gót chú.
Chúng đi qua một tấm lưới sắt. Tấm lưới sắt ấy chăng trước một cửa hiệu bánh mì, bởi vì người ta cất bánh cũng như cất vàng, đằng sau rào sắt. Gavrốt ngoái lại:
– Ơ này, nhóc con, bay đã ăn tối chưa?
– Thưa ông – Thằng lớn thưa – Từ sáng đến giờ chúng cháu chưa có hột nào vào bụng.
Rất uy nghi, Gavrốt nói:
– Thế ra chúng mày không có cha mẹ gì cả à?
– Xin ông tha lỗi. Chúng cháu có ba, có mẹ đấy ạ, nhưng không biết ở đâu rồi.
Gavrốt vốn là một nhà tư tưởng nên chú nói:
– Nhiều khi không biết cha mẹ ở đâu lại hơn!
– Chúng cháu đi như thế này đã hai tiếng đồng hồ rồi. Chúng cháu cũng cố tìm cái ăn bên các mốc trụ nhưng không có.
– Tao biết! Chó nó ăn tuốt, chả còn gì.
Ngừng một lát chú nói tiếp:
– Ra thế! Các ông nhóc lạc mất tác gia của mình, các ông nhóc không biết họ đi đằng nào. Như vậy rất không tốt các ông nhóc ạ! Ai lại để lạc mất người lớn như vậy? Mất thế thì lấy cóc khô gì mà liếm?
Tuy nói vậy Gavrốt cũng không hỏi hai đứa bé thêm nữa. Lang thang không nhà thì cũng là chuyện thường thôi.
Thằng lớn đã hoàn toàn trở lại với tính vô tư lự của tuổi trẻ thơ. Nó bảo:
– Cũng lạ thật! Thế mà mẹ bảo chủ nhật lễ lá này mẹ dắt đi xin lá thánh.
– Nước mẹ gì! Gavrốt kêu.
– Mẹ là một bà, ở với ả Mitxơ.
– Phớt!
Gavrốt nói thế rồi dừng lại. Từ nãy chú sờ hết túi này tới túi khác, hết các ngóc ngách trong bộ quần áo tã của chú.
Cuối cùng chú ngẩng đầu lên, chỉ muốn tỏ là mình vừa ý, nhưng thật ra mặt chú lại hân hoan rạng rỡ như một kẻ chiến thắng.
– Hai cậu chớ lo nữa. Cái này đủ để ba ta xơi tối.
Vừa nói chú vừa móc túi lấy ra một đồng xu.
Hai thằng bé chưa kịp kinh ngạc thì Gavrốt đã đẩy chúng vào hàng bánh, đặt đồng xu lên bàn và gọi:
– Bồi, một xu bánh.
Người bán hàng vốn là chủ tiệm, lấy một cái bánh và một con dao.
Gavrốt dặn:
– Bồi, cắt làm ba.
Chú nói thêm một cách oai vệ.
– Bọn này ba người.
Sau khi nhìn kỹ ba đứa trẻ, người chủ hiệu lấy một cái bánh đen. Thấy thế, Gavrốt thọc sâu một ngón tay vào lỗ mũi, hùng dũng hít một hơi dài, như vua Phrêđêric vĩ đại hút thuốc lá – rồi chú ném vào mặt anh chủ hiệu câu hỏi căm phẫn này:
– Têlatênao?
Có bạn đọc đoán rằng đó là tiếng Nga hay tiếng Ba lan, hay là tiếng kêu của các bộ tộc man rợ dùng để gọi nhau từ bên này sông qua bên kia sông trong cảnh vắng. Tôi xin nói với các bạn rằng đây chỉ là một câu các bạn dùng thường ngày, rút lại thành một tiếng, câu ấy là: Thế là thế nào? Người hàng bánh hiểu rõ, đáp:
– Hừ! Đây là bánh chứ còn là thế nào? Bánh hạng nhì rất tốt.
Gavrốt thản nhiên và khinh khỉnh:
– Anh muốn nói bánh đen à? Không đâu, bồi, đây ưng bánh trắng, bánh thượng hảo hạng. Đây thết anh em kia mà.
Người hàng bánh không thể mỉm cười. Khi ông cắt bánh trắng, ông nhìn ba đứa trẻ một cách đáng thương hại. Cái nhìn ấy chạm lòng tự ái của Gavrốt:
– Này, cái anh hàng bánh này! Can gì anh nhìn chúng tôi từ đầu đến chân như đo vậy?
Thật ra, chồng ba đứa lên nhau, chúng cũng không cao quá hai thước.
Bánh cắt xong, người hàng bánh cất đồng xu, còn Gavrốt thì bảo hai đứa trẻ:
– Chén thôi.
Hai đứa bé ngẩn ngơ nhìn chú. Chú bật cười.
– Ừ nhỉ! Các chú còn non quá, đã hiểu gì đâu.
Rồi chú nói lại:
– Ăn đi.
Vừa nói chú vừa đưa cho mỗi đứa một miếng bánh. Chú nghĩ rằng thằng anh xứng đáng nói chuyện với chú hơn, phải khuyến khích nó và làm cho nó ăn uống mạnh dạn. Chú đưa miếng bánh to nhất cho nó và bảo:
– Tọng vào nòng súng đi.
Trong ba phần bánh, có một phần bé nhất, chú lấy phần ấy.
Mấy đứa bé khổ sở đói meo, kể cả Gavrốt. Chúng ăn ngốn ngấu và đứng dàn ra chật cửa hàng. Người chủ tiệm đã lấy tiền rồi nên nhìn các chú một cách bực bội.
Gavrốt hiểu ý bảo:
– Chúng ta trở về đường phố thôi.
Chúng lại đi về hướng nhà ngục Bátxi.
Chốc chốc, khi qua các cửa hiệu đèn sáng, thằng bé nhất dừng lại, giở cái đồng hồ chì buộc lủng lẳng trên cổ ra xem giờ. Gavrốt bảo:
– Quả thật thằng này chưa biết gì cả.
Rồi nghĩ ngợi, chú lầm bầm:
– Chà, nếu mà ta có con, thì ta phải giữ gìn kỹ hơn kia.
Khi ba đứa ăn hết bánh thì cũng vừa hết chỗ rẽ sang con đường Ban-lê buồn bã, ở cuối đường có nhà lao La Forxơ với cái cửa thấp, rất dễ ghét. Lúc ấy có tiếng ai reo:
– Ô, kìa, Gavrốt, mày đấy ư?
Gavrốt cũng bảo:
– Ô kia, Môngpácnát hóa ra cậu ư?
Kẻ gọi Gavrốt là một người lớn, chính là Môngpácnát chứ khoogn ai khác, nhưng Môngpácnát cải trang, mắt đeo kính xanh, cải trang mà Gavrốt vẫn nhìn ra.
– Chó ngao ơi! Áo choàng của cậu màu thuốc cao, cậu lại đeo ính xanh, trông có vẻ là một ông lang quá! Già này bảo thật, cậu trông ra phết lắm!
– Suỵt! Khẽ chứ!
Thế rồi Môngpácnát kéo Gavrốt ra khỏi chỗ ánh đèn các cửa hiệu. Hai đứa bé như máy, tay cầm tay, bước theo.
Khi chúng đã núp dưới vòm cuốn của một cái cổng tối om, không bị mưa mà cũng không ai nom thấy, Môngpácnát mới hỏi:
– Gavrốt mày có biết tớ đi đâu không?
– Đi lên máy chém.
– Láo, tớ đi tìm Babe.
– Thế ư? Ra ả tên là Babe.
Môngpácnát hạ giọng:
– Không phải ả mà là gã.
– À ra thằng Babe.
– Phải, thằng Babe.
– Tao nhớ nó bị còng rồi cơ mà!
– Phải, nhưng nó đã cởi còng.
Môngpácnát thuật vắn tắt cho Gavrốt biết rằng ngay buổi sớm hôm ấy, trong khi dời tù qua nhà lao khác, lúc đi qua “Hành lang Dự thẩm” đáng lẽ sang phải thì Babe bẻ ngoặt sang trái mà chuồn.
Gavrốt khâm phục tài năng của Babe. Chú bảo:
– Thánh như một anh nhổ răng!
Môngpácnát kể thêm một vài chi tiết nữa rồi kết thúc:
– Ô! Tao đã nói hết đâu, còn nhiều chuyện lắm.
Gavrốt vừa nghe vừa cầm lấy cây gậy của Môngpácnát. Tự nhiên chú kéo đầu gậy lên và thấy hiện ra một lưỡi dao găm. Chú vội vàng đẩy lưỡi dao và nói:
– Ồ! Cậu lại mang theo cả tên sen đầm trá hình làm tư sản này.
Môngpácnát nheo mắt làm hiệu. Gavrốt tiếp:
– Chà chà! Cậu lại tính choảng nhau với bọn cớm kia à?
Môngpácnát trả lời như không để ý:
– Cũng chẳng biết đâu đấy. Lúc nào cũng sẵn có một đinh ghim trong người thì vẫn hơn.
Gavrốt căn vặn:
– Đêm nay cậu định làm vụ gì đấy?
Môngpácnát lại lấy giọng trầm hùng nói ấm ứ:
– Khối!
Bỗng hắn đột ngột quay sang chuyện khác:
– Mày này!
– Cái gì?
– Cái chuyện hôm trước. Mày tính tao gặp một lão tư sản. Lão tặng tao một túi bạc và một bài giảng đạo đức. Tao bỏ túi. Một phút sau tao sờ túi thì chẳng còn gì.
– Ngoài cái bài giảng đạo đức, phải không?
Môngpácnát hỏi lại Gavrốt:
– Còn mày, mày đi đâu bây giờ?
Gavrốt chỉ hai đứa bé.
– Tớ đưa hai đứa này đi ngủ.
– Đi ngủ? Ngủ ở đâu?
– Nhà tớ.
– Nhà mày ở đâu?
– Ở nhà tớ.
– Mày có nhà cửa ư?
– Phải, tớ có nhà cửa.
– Thế nhà mày ở đâu?
– Ở trong bụng con voi ấy.
Môngpácnát vốn tính không hay ngạc nhiên cũng phải buột miệng kêu một tiếng kinh ngạc:
– Trong bụng con voi?
– Phải, ở trong bụng con voi. Đasao?
Đây lại là một tiếng ai cũng nói mà không ai viết. Đasao tức là: thì đã làm sao?
Câu chất vấn sâu sắc của Gavrốt làm cho Môngpácnát trở lại bình tĩnh và biết điều. Nó có vẻ cảm tình hơn đối với khoản nhà cửa của Gavrốt.
– Ừ nhỉ! Con voi… Này, ở trong ấy có tốt không?
– Tốt lắm. Thật đấy, y như lời mình nói. Không có gió lùa như ở dưới các gầm cầu.
– Mày làm cách nào?
– Tớ vào đấy.
– Vậy ra có một lỗ trống à?
– Hẳn chứ! Nhưng đừng nói đấy nhé! Ở khoảng giữa hai chân trước ấy. Bọn cớm chưa biết đâu.
– Mày trèo ư? Ừ bây giờ tao hiểu rồi đấy.
– Xoay tay một cái, a lê hấp! Thế là xong, không còn bóng dáng mình đâu nữa.
Lặng yên một lát, Gavrốt nói thêm:
– Với hai thằng nhỏ này thì tao sẽ có một chiếc thang.
Môngpácnát phì cười.
– Hai thằng nhãi con này, mày nhặt ở đâu ra đấy?
Gavrốt trả lời đơn giản:
– Hai thằng bé lão thợ cạo đầu kia biếu tớ.
Môngpácnát lại có vẻ nghĩ ngợi. Hắn lẩm bẩm:
– Mày nhận ra tao dễ dàng quá.
Nó lấy trong túi áo ra hai cái ống lông chim có quấn bông đem đút mỗi ống vào một lỗ mũi. Mũi nó hóa ra khác hẳn.
– Ừ! Mặt cậu khác đi đấy, – Gavrốt bảo – đỡ xấu hơn. Cậu cứ nên để mãi như thế.
Thật ra Môngpácnát vốn xinh trai, nhưng Gavrốt vẫn có tính hay chế giễu. Môngpácnát nói:
– Mày đừng đùa, cứ nói thật xem mày thấy tao bây giờ thế nào?
Giọng nói của Môngpácnát cũng khác. Quả là Môngpácnát đã biến thành một con người khác trong nháy mắt. Gavrốt reo:
– Nào! Làm hề cho chúng tớ xem chơi.
Hai thằng bé trước nay vẫn không để ý tới câu chuyện vì chúng cũng mải thọc tay vào lỗ mũi, khi nghe nói đến hề mới nhích lại gần, hân hoan và kính phục nhìn Môngpácnát.
Nhưng Môngpácnát còn mải lo việc khác. Hắn đặt tay lên vai Gavrốt và nhấn từng tiếng:
– Nghe tao bảo đây, nhỏ. Nếu tao có đem theo con đốm, cây đao và con đầm mà ở giữa chợ mày đãi tao mười xu thì tao làm ngay, nhưng hôm nay đâu phải ngày thứ ba béo.
Câu nói kỳ quặc ấy có hiệu lực khác thường đối với Gavrốt. Chú vội vã quay đầu lại, đưa cặp mắt sáng nhìn quanh một lượt và trông thấy một tên cảnh sát quay lưng lại phía bọn chú. Chú buột miệng kêu:- A! Được rồi! Và kịp thời giữ mồm lại. Chú lắc bàn tay Môngpácnát.
– Chào cậu thôi! Mình đưa hai tay thằng bé này về voi. Giả thử có đêm nào cậu cần đến tớ thì cứ lại mà tìm. Tớ ở ngay từng một, không có người gác cổng. Cậu hỏi ông Gavrốt khắc có.
– Được.
Hai bên chia tay nhau, Môngpácnát đi phía Gơre, Gavrốt đi phía ngục Batxti. Gavrốt kéo thằng anh, thằng anh lôi thằng em, nhưng thằng này vẫn ngoái cổ nhìn theo anh “hề”.
Câu nói tối nghĩa của Môngpácnát đã bảo cho Gavrốt biết là có lính cảnh sát. Bí quyết của nó ở chỗ có nhiều âm đ lặp đi lặp lại. Những âm đ ấy không đứng riêng mà ghép nên câu kéo một cách có nghệ thuật. Việc lặp âm đ ấy có nghĩa là: Phải coi chừng đấy! Không thể ăn nói tự do đâu.
Ngoài ra, trong câu của Môngpácnát có một hình tượng văn học lý thú mà Gavrốt không cảm thụ. Đó là những danh từ trong kho tàng tiếng lóng của nhà ngục Tăngplơ; con đốm, cây đaovà con đầm có nghĩa là con chó, con dao và con vợ của tao, những tiếng cánh hề rất ưa dùng ở thời Môlie viết kịch và Canlô vẽ.
Hai mươi năm trước, ở góc đông nam nhà lao Batxti có một công trình lạ, nằm ở gần trạm bơm nước của kênh đào trong hào nhà ngục. Người Paris ngày nay không còn nhớ tới nữa, nhưng kể ra thì đáng nhớ, bởi vì nó là một sáng kiến của nhà “hàn lâm tổng tư lệnh đạo quân viễn chinh Ai Cập” (Napoleon khi đem quân đi đánh Ai Cập đã thành lập Viện khảo cổ Ai Cập).Chúng tôi gọi là một công trình mặc dù đây mới là một ma-két. Chính cái ma-két ấy, cái mô hình vĩ đại ấy, cái di hài hùng tráng của một sáng kiến của Napoleon mà mấy luồng gió tiếp nhau đã cuốn đi, đã ném mỗi lần một xa thêm, chính cái ma-két ấy đã đi vào lịch sử, đã mang một cái gì như là một tính chất vĩnh cửu khác hẳn với hình dáng nhất thời của nó. Đó là một cái tượng voi cao mười ba thước, sườn gỗ đắp hồ, trên lưng có bành tháp tựa như một ngôi nhà. Ngày xưa một người thợ sơn nào đó đã sơn màu xanh cho con voi, ngày này mưa gió và thời gian đã sơn lại màu đen. Trong khoảng trống trải vắng lặng ấy, đêm đêm, trên nền trời sao hiện lên hình thù con voi kỳ lạ và ghê gớm với vầng trán rộng, cái vòi và đôi ngà, cái bành tháp, cái mông to lớn, bốn cái chân như bốn cây cột trụ. Người ta không biết nó mang ý nghĩa gì. Nó là một thứ biểu tượng của lực lượng quần chúng. Lầm lì, huyền bí mênh mông. Một thứ bóng ma dũng mãnh, đứng lừng lững bên cạnh cái ám ảnh vô hình của nhà ngục Batxti.
Ít có người ngoại quốc đến viếng di tích ấy. Khách qua đường không ai ngẩng nhìn nó. Nó đương đổ nát. Mỗi mùa, từng mảng hò hai bên sườn lở đi, thành những vết thương ghê tởm. Các “quan chức” – gọi theo ngôn ngữ trân trọng – các quan chức đã quên nó từ năm 1814. Nó đứng trơ trwo ở chỗ ấy, buồn bã, ốm đau, mục nát, chung quanh có một vành bao lơn hư hỏng làm chỗ phóng uế cho bọn đánh xe say sưa. Bụng nó nứt nẻ ngang dọc, đuôi để lộ một cái nẹp gỗ, dưới chân cỏ mọc lên cao. Mặt đất quảng trường xung quanh cứ mỗi ngày một nhô thêm lên, theo một quy luật tự nhiên, nó nâng cao chậm chạp nhưng liên tục mặt nền các thành phố lớn. Vì thế nên con voi ngày nay ở vào một chỗ lõm, dưới chân có vẻ như thụt xuống. Nó thô bỉ mà ngang tầng, người ta khinh nó, người ta ngoảnh mặt đi. Anh tư sản trông nó xấu xí, nhà tư tưởng thấy nó gợi sầu. Nó vừa như một đống rác rưởi người ta sắp quét đi, vừa như một chiếc ngai vàng người ta sắp xô xuống.
Như đã nói, ban đêm hình trạng nó đổi khác. Đêm là sở hữu của các thứ bóng. Khi hoàng hôn xuống thì con voi cũ kỹ cũng thay hình đổi dạng: Nó hóa ra tĩnh mịch uy nghĩ lạ thường tỏng cảnh đêm thanh hùng vĩ. Là dĩ vãng, nó thuộc đêm tối; và đêm tối hợp với tính chất vĩ đại của nó.
Cái di tích thô kệch, bè bè, nặng nề, nghiêm lạnh, hình thù xấu xí nhưng rõ ràng là uy nghi bề thế, đượm một vẻ trang nghiêm huy hoàng và hoang dã đã biến mất rồi, nhường chỗ cho cái lò khổng lồ có tra ống khói kia ngự trị bình yên. Cái lò này đã thay thế cái thành lũy tăm tối có chín tháp canh, giống như chính quyền tư sản thay thế chính quyền phong kiến. Ở thời mà một cái nồi chứa năng lực thì dễ hiều một cái hỏa lò phải biểu trưng của thời đại. Cái thời đại đó sẽ qua nó dang qua. Người ta bắt đầu hiểu là có thể có năng lượng trong một nồi sup-de, nhưng chỉ có thể có năng lực trong bộ óc; nói cách khác, không phải đầu máy lôi kéo thế giới đi tới mà chính tư tưởng. Móc đầu máy vào tư tưởng tốt, nhưng không được nhầm con ngựa với người cưỡi ngựa.
Trở lại với quảng trường La Batxti, ta thấy rằng dẫu sao chỉ với chất thạc cao, người kiến trúc sư xây đắp con voi đã làm nên một cái gì vĩ đại cong người kiến trúc sư xây dựng ống khói hỏa lò đã làm được một cái gì nhỏ nhoi với đồng đen.
Cái “ống khói hỏa lò” mà người ta đã phong cho cái danh hiệu rất kêu là Cột đồng tháng bảy, cái công trình làm hỏng để kỷ niệm một cuộc cách đẻ non đó, đến năm 1832, còn được bọc trong một giàn giáo đồ sộ bằng gỗ, – mà chúng tôi thấy rất uổng phí, – và quây trong một vòng phên ván, làm cho con voi bị cô lập hẳn.
Chú bé Gavrốt dẫn hai đứa trẻ đến một góc quảng trường, nơi ấy chỉ có một ngọn đèn treo mập mờ.
Bạn đọc hãy cho phép chúng tôi dừng ở đây và nhắc lại là chúng tôi chỉ nói sự thật đơn giản: hai mươi năm trước, tòa trừng trị đã xử, về tội du đãng và phá hoại di tích công cộng, một chú bé bị bắt quả tang ngủ trong bụng con voi ở La Batxti.
Ghi nhận việc ấy rồi, chúng tôi tiếp tục.
Đi gần đến chỗ con voi, Gavrốt đoán biết cái cực lớn có thể có ảnh hưởng thế nào đối với cái cực bé.
– Nhóc đừng có sợ nhé, chú nói.
Rồi chú len qua một khoảng bao lơn mục gẫy, sau đó kéo hai đứa bé đi qua. Hai đứa bé hơi sợ nên lặng lẽ đi theo Gavrốt. Chúng tin cậy ở vị thần áo rách đã cho chúng nó ăn và còn hứa cho chúng nó ngủ.
Bên cạnh bao lơn có một chiếc thang để nằm. Chiếc thang ấy anh em thợ ở công trường bên cạnh vẫn dùng ban ngày. Gavrốt nhấc bổng chiếc thang lên một cách mạnh mẽ lạ thường và dựng nó vào một chân trước của con voi. Ở đầu trên chiếc thang thấy có một lỗ đen ngòm trong bụng con vật.
Gavrốt chỉ chiếc thang và cái lỗ trống cho khách và nói:
– Leo lên rồi vào đi.
Hai đứa bé nhìn nhau kinh hãi. Gavrốt kêu:
– Nhóc sợ ư? Đây các chú xem.
Gavrốt không dùng thang, chú ôm cái chân nhám xì của con voi và chỉ trong nháy mắt đã leo lên đến chỗ trống. Chú chui vào như con rắn chui qua một kẽ hở. Chú lọt vào trong mình con voi và một lát sau thì hai đứa bé trông thấy cái đầu chú hiện ra lờ mờ trắng trắng ở miệng lỗ tối om. Chú gọi:
– Nào, trèo lên đi. Rồi các chú sẽ biết, sướng như gì ấy! Này, thằng lớn trèo lên nào. Tao đưa tay cho mà níu.
Hai đứa bé đẩy nhau. Chúng vừa sợ Gavrốt, vừa tin tưởng. Vả mưa to quá. Thằng lớn liều. Thằng nhỏ thấy anh leo lên thang, chỉ còn mình nó ở dưới chân con vật khổng lồ, đã toan khóc nhưng không dám.
Thằng anh leo lên từng nấc một, loạng choạng. Gavrốt reo hò khuyến khích nó như một thầy dạy võ khuyến khích học trò, hoặc như một bác tải là thúc giục la đi tới.
– Đừng sợ.
– Được đấy.
– Cứ lên nữa đi.
– Đặt chân chỗ này.
– Tay víu vào.
– Cố lên nào.
Khi thằng bé đến vừa tầm, Gavrốt đột nhiên nắm chặt cánh tay nó mà lôi ngược lên.
– Thế là xong.
Thằng bé đã qua chỗ hổng. Gavrốt bảo:
– Bây giờ thì đợi ta một lát. Ồ, thưa ông! Mời ông vui lòng ngồi chơi.
Gavrốt chui lỗ nẻ mà ra nhanh nhẹn như một con khỉ, chú ôm chân voi tụt xuống đất. Chân vừa chấm đất thì chú ôm xốc thằng bé em lên, đặt nó đứng ở giữa thang. Rồi chú leo theo sau và gọi thằng lớn:
– Tao đẩy ở dưới, ở trên mày lôi đấy nhé.
Thằng bé bị đỡ lên, bị đẩy lên, bị lôi lê, bị kéo lên, rồi bị ấn vào, bị nhét vào cái lỗ trống, chẳng kịp hiểu đầu đuôi ra làm sao. Gavrốt vào tiếp theo nó và lấy chân hất thang rơi xuống cỏ, xong rồi vỗ tay reo:
– Thế là ta về đến rồi. Đại tướng La Fêyet muôn năm!
Qua cơn khoái chá ồn ào ấy thì Gavrốt bảo hai đứa bé:
– Hai chú ạ! Đây là nhà của ta.
Quả thật đó là nhà của Gavrốt.
Ôi! Công dụng bất ngờ của những thứ vô dụng! Tình nhân đạo chứa chan trong một sự nghiệp hùng vĩ! Ôi! Từ tâm của những kẻ khổng lồ! Cái công trình vĩ đại chứa đựng tư tưởng của hoàng đế nay thành ra một cái hộp chứa một thằng bé lang thang. Con vật khổng lồ đã đón nhận và che chở đứa bé. Các anh tư sản diện bảnh lúc nào đi qua trước tượng con voi ở quảng trường Batxti cũng giương cặp mắt ốc nhồi lên nhìn nó một cách khinh bỉ và nói: cái ấy dùng để làm gì?
– Cái ấy dùng để cứu một đứa bé không cha không mẹ, không cái ăn cái mặc, không nhà cửa, che đỡ cho nó khỏi bị những cơn lạnh, những cơn gió, cơn mưa, những cơn mưa đá, những trận heo may giày vò, làm cho nó khỏi lên cơn sốt vì phải ngủ trên bùn lầy, khỏi chết vì phải ngủ dưới mưa tuyết. Cái ấy dùng để thu nuôi một đứa bé vô tội mà xã hội xua đuổi. Cái ấy là một cái hang rộng mở để đón con người đi đến đâu cũng chỉ thấy cửa đóng then cài. Con voi già nưa thảm hại ấy bị ghẻ lở, bị vứt xó, mình đầy mốc meo, nốt ruồi và mụn nhọt, khập khiễng, đổ nát như một vật bỏ đi; nó là một thứ khổng lồ đi hành khất, ngày ngày đứng giữa ngã tư cầu xin khách qua đường bố thí cho một cái nhìn thiện cảm, mà không sao được; ấy thế mà hình như con voi già nua thảm hại ấy, thứ khổng lồ đi xin ấy lại rủ lòng thương cái thằng ăn mày kia, cái thằng tí hon tội nghiệp không đi giầy, đầu không mái che mưa nắng, ăn những của người ta vứt đi, mặc toàn tã rách, buốt ngón tay chỉ biết thổi lên để đỡ cóng phút giây.
Con voi ở quãng trường Batxti có công dụng như thế đấy. Cái sáng kiến của Napoleon, người chê, nhưng trời dùng. Trước, nó chỉ mới lừng lẫy tiếng tăm, bây giờ nó có thiên uy rực rỡ. Muốn hoàn thành dự định, Hoàng đế còn phải cần đá hoa cương, đồng đen sắt, vàng, cẩm thạch. Đối với Chúa, mớ xà, ván và hồ ấy đã đủ rồi. Con voi kia là cái một tưởng biểu lộ thiên tài của Hoàng đế. Cái tượng voi vĩ đại được vũ trang, vòi cất cao và làm cho vô số nguồn nước vây quanh phun lên một cách vui vẽ, đầy sinh lực, cái tượng voi đó, trong ý Hoàng đế, là hiện thân của quần chúng nhân dân. Chúa còn vĩ đại hơn: Chúa đem làm chỗ trú cho một đứa trẻ phiêu giạt.
Cái lỗ hổng Gavrốt chui qua là một kẽ nứt đứng ngoài rất khó nom thấy, bởi vì khuất dưới bụng voi và hẹp lắm. Chỉ có mèo và trẻ con chui qua được.
Gavrốt nói:
– Trước hết, chúng mình phải dặn người gác cổng có ai hỏi thì bảo là chúng mình đi vắng.
Nói thế rồi chú đi trong tối chắc chắn như một ông chủ nhà quen thuộc mọi xó, chú lấy ra một mảnh vãn đậy lỗ hổng lại.
Lần nữa, chú lại đi vào bóng tối. Hai thằng bé nghe tiếng xèo xèo của que diêm nhúng vào chai đựng lân tinh. Thuở ấy, diêm hóa học chưa ra đời, cái bật lửa kiểu Phuymát là kiểu tiến bộ nhất.
Lửa sáng lóe lên thình lình làm cho hai thằng bé nheo mắt. Gavrốt vừa thắp xong một mẩu dây nhúng nhựa. Cái dây nhựa tỏa khói nhiều mà ít sáng soi lờ mờ bụng con voi.
Hai vị khách của Gavrốt nhìn quanh mình và có cảm tưởng giống như cảm tưởng của Giônát khi ở trong bụng cá voi. Cả một bộ xương khổng lồ hiện lên bao bọc lấy chúng. Trên cùng có một cây đòn dong dài, màu nâu, ở hai bên cách từng quãng tua tủa ra những đòn khác khom khom. Đó là cái xương sống với các xương sườn xung quanh. Từ xương sống ấy thạch cao thõng xuống như nhũ đá, lòng thòng giống những khúc ruột; giữa các sườn, nhện chăng thành các hoành cách mô dính đầy bụi bặm. Trong các ngóc ngách, có những vệt đen to thảng thốt và vội vàng đi lại rất nhanh, trông như những vật sống.
Vôi gạch vụn từ trên lưng voi rơi xuống đã lấp bằng cái vùng trũng ở bụng voi, cho nên có thể đi lại như trên sàn gỗ.
Thằng em dịch sát vào người thằng anh, thầm thì:
– Tối lắm.
Tiếng ấy khiến Gavrốt phải thét lên. Chú nghĩ rằng hai đứa sợ hãi quá, cần phải lay mạnh chúng.
– Chúng mày lôi thôi cái gì đấy? Đùa đấy à? Hay là làm bộ ỏe ọe? Chúng mày đòi cung điện Tuylơri ư? Chúng mày là súc vật à? Có phải thế thì bảo tao. Tao nói cho chúng mày biết, tao không phải là hạng người ngu ngốc đâu nhé! Hừ! Hay chúng mày là những cậu ấm, con nhà quan?
Trong cơn hoảng hốt mà bị quát tháo cục cằn đôi tí là rất tốt. Cái ấy làm cho người ta đỡ sợ. Hai đứa bé nhích lại gần Gavrốt. Thấy chúng tin cậy mình như thế, Gavrốt động lòng như một ông bố, và đổi giọng nghiêm ra giọng dịu ngọt. Chú nói chuyện với thằng nhỏ, bắt đầu câu chuyện bằng một tiếng mắng yêu:
– Này chó con! Ở ngoài kia mới tối. Ở ngoài ấy mưa, ở trong này không mưa. Ở ngòai rét, ở đây không lọt vào một tí gió nào. Ở ngòai có khối người, ở đây không có ai cả. Ở ngoài trăng cũng không có, ở đây có ngọn nến của tao.
Hai đứa bé bớt sợ, bắt đầu đưa mắt nhìn quanh căn buồng. Nhưng Gavrốt không để cho chúng rỗi rãi thì giờ ngắm nghía. Chú giục:
– Nhanh lên thôi.
Rồi chú đẩy chúng vào phía trong, ở chỗ mà chúng tôi muốn gọi là phía trong cùng của phòng ngủ.
Giường Gavrốt đặt ở chỗ ấy.
Giường Gavrốt đầy đủ, nghĩa là có nệm, có chăn lại có màn che.
Nệm là một cái đệm rơm, chăn là một tấm áo khoác bằng len thô màu xám rất ấm, khá rộng và hầu như còn mới nguyên.
Còn cái chái thì như thế này:
Ba cái cọc khá dài cắm chặt xuống nền vôi gạch vụn ở lườn voi, hai đằng trước, một đằng sau, phía trên buộc túm lại với nhau, làm thành hình tháp. Một tấm lưới đồng thau được đặt nằm khéo léo trên mấy cây cọc, buộc bằng dây thép, trùm cả ba cây. Phía chân, một dày đá đè lên tấm lưới thau, chận nó xuống sát để cho không một vật gì có thể lọt vào được. Tấm lưới ấy nguyên là một tấm lưới chăng chuồng chim của các đoàn xiếc thú vật. Cái giường của Gavrốt ở trong tấm lưới ấy như ở trong lồng. Trông toàn bộ tựa như một cái lều của người Etxkimô (thổ dân vùng cực bắc). Lưới thau ấy là màn che cái chái của Gavrốt.
Gavrốt nhắc mấy viên đá chặn tấm màn lưới phía đằng trước rồi giở hai cánh màn gấp lên nhau mà bảo:
– Hai chú đi bốn chân nào.
Chú cẩn thận đưa hai vị khách vào lồng rồi chú bò vào sau, xong chú đậy kín màn lại và dằn đá xuống.
Ba đứa nằm dài trên chiếu.
Tuy ba đứa đều bé bỏng, vẫn không có đứa nào có thể đứng lên trong cái chái ấy. Gavrốt còn giữ ngọn đèn dây:
– Bây giờ thì giấc đi! Tao sắp tắt nến.
Thằng lớn chỉ tấm lưới thau hỏi:
– Thưa ông cái này là cái gì vậy?
– Cái ấy là đề phòng ông tí, Gavrốt nghiêm trang bảo: Giấc đi!
Tuy giục ngủ, chú vẫn thấy cần phải nói thêm đôi câu để huấn luyện cho hai chú bé quá nhỏ tuổi. Chú nói tiếp:
– Những thứ này là của vườn bách thảo. Dùng cho thú dữ. Có cả một kho kia. Chỉ việc trèo một bức tường, leo qua một cửa sổ, rúc dưới gầm một cửa lớn. Thế là tha hồ. Vừa nói chú vừa kéo chăn đắp cho thằng nhỏ. Thằng bé kêu lên khe khẽ:
– Ôi! Sướng quá! Ấm quá!
Gavrốt nhìn tấm chăn đắc ý:
– Cũng là của vườn bách thảo ấy. Tao vớ của lũ khỉ.
Rồi chỉ cho thằng anh xem chiếc đệm rơm rất dày và bện thật khéo, chú nói thêm:
– Cái này là của con hươu cao cổ.
Nghỉ một chút chú lại nói:
– Bọn thú vật có đủ các thứ ấy. Tao lấy đi, chúng chả giận đâu. Tao bảo chúng: lấy cho con voi đây.
Chú lại nghỉ một lát nữa rồi nói:
– Mình trèo tường vượt vách và mình bất chấp chính phủ. Như thế đấy chúng bay ạ.
Hai đứa bé nhìn Gavrốt với một vẻ khâm phục có lẫn cả kinh ngạc sợ hãi. Tuy cũng lang thang, cũng trơ trọi như chúng, bé bỏng như chúng, nhưng đây là một con người vừa khốn khổ, vừa hùng dũng, một con người siêu thường, trên nét mặt có những cái nhăn nhó của ông kép xiếc già lẫn nụ cười ngây thơ dễ mến nhất.
– Thưa ông, thằng lớn rụt rè thưa, thế ông không sợ các ông cảnh sát sao?
Gavrốt chỉ đáp gọn:
– Nhóc! Người ta không gọi các ông cảnh sát, người ta gọi bọn cớm.
Thằng bé mở mắt thao láo nhưng không nói gì hết. Vì nó nằm ngoài còn thằng lớn nằm giữa, nên Gavrốt kéo chăn ném xuống chiếu cho nó như một bà mẹ rồi nhét một mớ giẻ cho cộm chiếu để làm thành một cái gối cho nó gối. Xong chú quay sang thằng anh:
– Thế nào? Ở đây tốt chứ?
– Không còn phải nói.
Thằng anh vừa nói thế vừa liếc nhìn Gavrốt với vẻ mặt của một thiên thần được cứu nạn. Hai đứa bé ướt át thấy người ấm dần lại.
– Này! Sao lúc nãy chúng bay lại khóc?
Gavrốt trỏ thằng bé mà bảo thằng lớn.
– Thằng con nít này thì không nói làm gì. Còn lớn như mày mà vẫn khóc thì khỉ thật! Làm như con bê ấy!
– Vì lúc ấy chúng em không biết đi về đâu để có nhà ở.
– Nhóc ạ! Gavrốt nói, người ta không nói nhà. Người ta nói: xó.
– Vả lại chúng em sợ phải ở một mình qua đêm.
– Không ai nói đêm: người ta nói mò mò.
– Cám ơn ông.
– Nghe tao bảo này. Từ nay không được gặp việc gì cũng rên khóc. Tao sẽ chăm nom chúng mày. Chúng mày rồi sẽ thấy: chúng mình chơi đùa thích lắm. Mùa hè chúng ta đi Gơlaxie với thằng Nave bạn tao. Chúng mình tắm ở bến sông. Chúng mình cứ trần truồng mà chạy trên các đoàn thuyền đỗ trước cầu Austéclit làm cho mấy mụ thợ giặt phát cáu. Cá mụ ấy la lối, mắng, chửi, tức sôi gan lên! Giá chúng mày biết họ buồn cười đến mức nào. Chúng mình rồi sẽ đi xem người xương. Hắn vẫn sống ở quảng trường Săng Êlidê. Gầy hơn ai hết. Rồi tao đưa chúng mày đi xem kịch, xem chính nghệ sĩ Lơmét đóng. Tao có vé vì tao quen với nhiều diễn viên. Có lần tao đã đóng trò trong một vở kịch. Bọn tao làm một lũ trẻ con như thế này, chạy dưới một tấm vải căng giả làm biển. Tao sẽ xin cho hai đứa mày vào đóng trò ở trong rạp ấy. Rồi chúng ta sẽ đi xem người rừng. Những người rừng đó không phải là thật đâu. Chúng nó mặc may ô hồng có nếp nhăn, ở khuỷu tay có vết mạng bằng chỉ trắng. Rồi thì chúng ta đi xem Nhạc kịch viện. Đi với bọn vỗ tay mướn. Ở Nhạc kịch viện bọn vỗ tay đều là những tay chiến cả. Tao không đi với bọn vỗ tay các hàng phố. Ở Nhạc kịch viện, mày phải biết, có đứa phải trả hai mươi xu để được vào ngồi vỗ tay, đã đành đó là những thằng ngốc. Người ta gọi chúng là bọn giẻ lau bát. Chúng mình cũng sẽ đi xem chém người bằng máy chém. Tao sẽ chỉ cho chúng mày xem lão đao phủ. Lão ở phố Mare. Tên là ông Xăngxông. Trước nhà lão có một cái hộp thư. Ôi chao! Anh em ta sẽ vui chơi như ngày hội!
Một giọt sáp nhỏ trên tay Gavrốt làm cho chú sực nhớ thực tế trước mắt.
– Chết chửa! Bấc hao quá. Phải coi chừng. Mỗi tháng mình không thể tiêu quá một xu về khoản ánh sáng. Nằm xuống là phải ngủ. Chsung mình không có thì giờ đâu để đọc truyện của ông Đờ Cốc. Với lại chong đèn thì ánh sáng có thể lọt qua khe hở ở cửa ra vào, tụi cớm dễ nhìn thấy.
Chỉ một mình thằng anh là dám chuyện vãn đối đáp với Gavrốt. Nó rụt rè góp một ý kiến:
– Với lại, tàn lửa có thể rơi xuống chiếu rơm, phải đề phòng không thì cháy nhà.
– Người ta không nói cháy nhà, người ta nói om xó.
Cơn dông càng thêm dữ dội. Giữa hai hồi sấm sét rề vang, người ta nghe rõ tiếng mưa rào đập chan chát vào lưng con quái. Gavrốt nói:
– Cứ mưa, tha hồ mưa đi! Không gì vui bằng nghe tiếng nước trong bình chảy dọc theo cột nhà. Mùa đông ngu lắm: mất công mất của mà chẳng ướt được ai. Cái lão già xách nước thấy mất công toi bèn tức tối làm ầm lên.
Gavrốt là một triết gia thế kỷ XIX nên thừa nhận hết hậu quả của sấm sét. Nó vừa nhắc đến sét thì một làn chớp dài lòe lên lóa cả mắt, do khe nứt mà vào tận bụng voi, tiếp theo ngay một tiếng sét dữ dội. Hai thằng bé kêu một tiếng và vùng dậy mạnh quá làm cho tấm màn suýt bật ra. Gavrốt quay cái mặt gan góc lại phía chúng và thừa dịp tiếng sét nổ mà cười lên khanh khách.
– Yên, lũ trẻ bay, yên. Đừng có giẫy khỏe quá mà đổ nhà. Sấm chính tông ấy, sấm thế mới là sấm chứ! Không phải là sấm chớp nhì nhằng. Hoan hô Chúa! Không kém sấm ở rạp Ăngbiguy là mấy!
Nói xong Gavrốto chữa lại màn, nhẹ tay đẩy hai đứa bé nằm xuống, rồi ấn lên đầu gối chúng để cho chúng duỗi thẳng chân ra.
– Trời đã thắp đèn lên thì ta có thể tắt đèn ta được. Ngủ đi, hai ông mãnh ạ. Nằm mà không ngủ là không tốt. Sáng ra lỗ mũi lỗ mồm của chúng mày sẽ nặng mùi, nói như bọn trưởng giả thì mồm chúng bay sẽ thối. Quấn chăn cho kín đi. Tao sắp tắt đèn đây. Xong chưa?
Thằng lớn đáp khe khẽ:
– Xong rồi. Chỗ tôi tốt lắm. Rất em, như có độn lông chim ở dưới đầu.
– Ai lại gọi đầu. Phải nói sỏ.
Hai đứa bé ôm rịt lấy nhau. Gavrốt thu vén nốt cho chúng, kéo chăn lên tận tai chúng rồi đọc câu phù chú này lần thứ ba.
– Giấc thôi.
Rồi chú thổi nến.
Nến vừa tắt thì tấm lưới thau rung rung, một cách kỳ dị. Vô số cái gì cọ sát trên lướs, làm nên những tiếng đồng tiếng sắt lanh tanh, y như có răng có vuốt mài lên dây thau. Cùng với sự rung động ấy có những tiếng rỉ rích.
Thằng bé lên năm nghe thấy những tiếng động ấy trên đầu, suýt chết khiếp. Nó hích khuỷu tay vào sườn anh, nhưng anh nó theo lệnh Gavrốt đã “giấc” rồi.
Không dằn lòng được vì khiếp đảm quá, thằng nhỏ đành liều, gọi Gavrốt, nhưng rất sẽ, vừa gọi vừa nín hơi:
– Ông ơi!
– Gì? Gavrốt vừa chợp mắt, tỉnh dậy hỏi.
– Cái gì đó ạ?
– À! Đó là ông tí ở cống.
Gavrốt lại đặt đầu xuống chiếu.
Quả như chú nói, chuột cống nhung nhúc trong sườn voi. Đích chúng là những hcaams đen động đậy chúng ta đã nói ở trước. Nếu còn sáng thì chúng còn nể, chỉ thấp thoáng ở xa. Nhưng cái động này là xứ sở của chúng. Khi động chìm trở lại vào bóng tối, chúng ngửi thấy mùi “thịt tươi” trong lều Gavrốt thì đổ xô đến, leo lên tận đỉnh mà gặm mà nhấm các mắt lưới để tìm cách chọc thủng.
Thằng bé vẫn không ngủ được. Nó lại gọi:
– Ông ơi!
– Gì?
– Thế ông tí là gì?
– Ông tí là chuột.
Cách giải thích làm thằng bé bớt sợ một phần. Nó đã từng trông thấy chuột bạch và nó không sợ chuột bạch. Tuy vậy nó hãy còn lên tiếng hỏi:
– Thưa ông?
– Gì đó?
– Sao ông không nuôi một con mèo?
– Trước tao có một con, tao mang lại đây, nhưng chúng ăn thịt mất.
Câu giải thích này thủ tiêu hiệu quả của câu thứ nhất. Thằng bé lại run sợ. Cuộc đối thoại giữa nó và Gavrốt diễn ra lần thứ tư.
– Thưa ông?
– Gì nữa?
– Ai bị ăn thịt?
– Con mèo.
– Ai ăn thịt con mèo?
– Ông tí!
– Chuột ấy à?
– Phải, chuột.
– Thằng bé chết khiếp về việc chuột ăn thịt mèo. Nó hỏi thêm:
– Thưa ông, nhưng con chuột ấy nó có ăn thịt được chúng mình không?
– Nó ăn đến đầu đấy chứ lị.
Nỗi kinh khủng của đứa bé lên đến tột độ. Nhưng Gavrốt nói:
– Bé chả sợ. Lũ nó không vào đây được đâu. Vả lại đã có tao. Nào, nắm lấy bàn tay tao rồi im đi mà ngủ thử nào!
Gavrốt với tay qua mình thằng anh để cầm tay thằng em. Thằng bé ôm siết bàn tay ấy vào người và thấy yên lòng. Cho biết lòng can đảm và sức mạnh có thể truyền cho người khác một cách mầu nhiệm.
Bây giờ quang cảnh chung quanh trở lại yên lặng bởi vì chuột nghe tiếng nói xì xào sợ đã lánh xa. Mấy phút sau chúng trở lại và làm nhặng lên, nhưng vô ích, ba đứa trẻ đã ngủ say, không nghe thấy gì nữa.
Đêm càng về khuya. Bóng tối phủ lên quảng trường Bátxti mênh mông. Gió đông thổi từng hồi lẫn với mưa. Các đoàn tuần tra lục lạo từng ngõ, từng lối, từng mảnh vườn hoang, từng xó tối hòng bắt những tên du đãng ăn gió nằm sương; chúng lẳng lặng đi qua trước tượng voi. Con quái vật đứng lặng yên, mắt mở nhìn vào bóng tối có vẻ như mơ màng đắc ý vì cái hành vi nhân đạo của mình: nó che chở cho ba đứa trẻ tội nghiệp đang ngủ để chúng khỏi lụy vì trời, vì người.
Muốn hiểu sự việc sắp xảy ra, phải nhớ rằng thuở ấy bớt canh quảng trường Batxti đóng ở phía bên kia quảng trường cho nên dẫu có việc gì xảy ra bên cạnh con voi, tên lính gác cũng không nghe thấy.
Gần sáng, có một người từ phố Xanh Ăngtoan chạy ra, vượt qua quảng trường, đi vòng mảnh đất quanh Cột đồng Tháng Bảy (Cột đồng kỷ niệm ngày nhân dân Paris đánh chiếm nhà ngục Batxti 14/7/1789, công cụ chuyên chế của vua), len qua bao lơn và đứng dưới bụng voi. Nếu có ánh sáng chiếu lên mình người ấy, người ta thấy ướt sũng, chắc người ta sẽ đoán được ra là hắn ở ngoài mưa suốt đêm. Khi đến dưới bụng con voi, hắn kêu lên một tiếng kỳ dị, thứ tiếng kêu ấy không thuộc ngôn ngữ nước nào cả, chỉ có con vẹt là lặp lại được. Người mới đến lặp lại hai lần tiếng kêu ấy. Nếu muốn lấy chữ mà viết ra tiếng ấy để có một ý niệm xa xôi thì phải viết:
Kirikikiu!
Khi người lạ mặt gọi lần thứ hai thì có một giọng nói trong trẻo và non nớt từ trong bụng voi đáp lại:
– Có đấy.
Liền sau đó, tấm ván chắn lối ra bị đẩy đi và một thằng bé chui ra, theo chân voi tụt xuống đứng bên người mới đến. Thằng bé ấy là Gavrốt. Người mới đến là Môngpácnát.
Còn tiếng kêu Kirikikiu có lẽ nó có nghĩa là: Tôi hỏi thăm ông Gavrốt.
Khi nghe tiếng gọi, Gavrốt đã vùng dậy, hé tấm lưới nò ra ngoài rồi đậy lại cẩn thận, xong chú mở cái vỉ nhảy xuống.
Môngpácnát và Gavrốt yên lặng nhận mặt nhau trong đêm tối. Môngpácnát chỉ nói:
– Chúng tao cần mày, mày lại đằng này giúp bọn tao một tay.
Gavrốt chẳng đòi giải thích gì thêm nữa.
– Được, tớ đi đây.
Hai đứa nhắm đi đến phố Xanh Ăngtoan. Chúng len lỏi nhanh nhẹn giữa những ddoanf xe dài chở hoa quả bắt đầu đi về chợ.
Các bác hàng rau ngồi xổm trên xe đương ngủ gật giữa mấy đống rau quả, áo tơi kéo lên tới mang tai vì mưa tạt nghiêng. Họ không buồn để ý đến hai ông khách qua đường lạ lùng ấy.
Hết: Chương II, Xem Tiếp: Chương III

 

Tìm Kiếm