PHẦN THỨ BỐN
TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ
ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
QUYỂN VI
CHÚ BÉ GAVRỐT
Chương III
DIỄN BIẾN CỦA CUỘC VƯỢT NGỤC
…..
Cũng đêm ấy, ở nhà ngục La Forxơ đã xảy ra việc sau đây.
Mặc dù Tênacđiê bị giam cách biệt, Bơruygiông, Gơlơme, Babe và hắn ta cũng đã bàn nhau cùng vượt ngục. Ngay sau đó, Babe một mình trốn trước, như Môngpácnát đã kể với Gavrốt trên kia.
Thằng Môngpácnát ở ngoài, sẽ giúp đỡ chúng một tay.
Bơruygiông bị giam một tháng trong buồng phạt, đủ thì giờ cho hắn làm hai việc, thứ nhất, bện xong một cái dây, thứ hai nghĩ xong một kế hoạch. Cái buồng tàn khốc để giam người tù bị kỷ luật, ngày xưa gọi là ngục tối và gồm có bốn bức vách đá, một cái trần đá, một cái nền lát đá phiến, một tấm giường ván, một lỗ thông hơi có chắn lưới sắt và một cánh cửa bọc sắt. Nhưng ngục tối, người ta cho là quá gớm ghiếc. Ngày nay chỗ giam phạt ấy gồm có một cánh cửa sắt, một lỗ thông hơi chắn song sắt, một tấm giường ván và một cái nền lát đá phiến, một cái trần đá và bốn bức vách đá có tên là buồng phạt. Giữa trưa thì trong buồng phạt ấy – một tí ánh sáng. Mối hại của thứ buồng phạt ấy – các bạn thấy đó, đâu có phải là ngục tối! – Là bắt con người có sức lao động phải ngồi bó gối nghĩ ngợi.
Bởi vậy, Bơruygiông đã nghĩ ngợi và khi hết hạn ở buồng phạt ra thì hắn mang theo ra một cái dây. Vì cho hắn lầ tù nguy hiểm, không thể để ở trại ngoài, người ta tống hắn vào Trại Mới. Cái thứ nhất, hắn tìm thấy ở đó là Gơlơme, cái thứ nhì là một cái đanh, tìm thấy Gơlơme là tìm thấy tội ác, tìm thấy cái đanh là tìm thấy tự do.
Đã đến lúc phải biết rõ Bơruygiông, Bơruygiông dáng người như yếu đuối, hắn có thâm ý làm ra vẻ ưu tư, nhu nhược. Thật ra hắn là một tên khỏe mạnh, lễ phép, khôn noan, gian giảo. Cái nhìn của hắn như vuốt ve người ta, nụ cười của hắn thâm hiểm. Nụ cười ấy do bản chất hắn, còn con mắt âu yếm kia là do hắn có chí luyện nên. Nhưng tìm tòi đầu tiên của Bơruygiông về nghệ thuật hướng về cái mái nhà. Nhờ hắn, kỹ thuật của những người thợ giở mái, lột máng nước đạt những bước tiến lớn hơn với phương pháp bóc dạ dày bò.
Cơ hội rất thuận lợi để vượt ngục là chính lúc bấy giờ, thợ lợp đang tháo chữa một số đá lợp mái. Sân Xanh Bécna không cách biệt hẳn với sân Sáclơmanhơ và sân Xanhlui. Ở các tầng cao có nhiều giàn giáo và thang, nghĩa là có cầu và tam cấp dẫn về phía giải phóng.
Trên đời không có nhà nào nứt nẻ, đổ nát hơn Trại Mới. Đó là nơi sơ hở nhất trong nhà ngục. Tường bị tác dụng của chất diêm tiêu bám vào đã lở ra từng phiến đá có khi rơi xuống mình tù nhân đang nằm trên giường, vì vậy người ta phải ghép ván dưới các vòm cuốn trong phòng ngủ để chèn đỡ. Người ta phạm sai lầm lớn khi giam vào cái nhà cũ nát ấy những tên can cứu đáng sợ nhất, những “ca nghiêm trọng” như ngôn ngữ lao tù nói.
Ở Trại Mới có bốn phòng ngủ ở bốn tầng gác và một buồng cao mệnh danh là Mỹ phòng. Một ống khói rộng, có lẽ là ông khói nhà bếp của bọn công tước La Forxơ ngày xưa, đi từ nền nhà, xuyên qua bốn tầng gác, lên tận mái và nhô lên khỏi mái. Nó có vẻ như một cây trụ thép chắn giữ mỗi phòng ngủ.
Gơlơme và Bơruygiông ở chung một phòng ngủ. Cẩn thận người ta xếp chúng ở tầng gác dưới nhất. Tình cờ đầu giường chúng kê sát vào ống khói.
Chính Tênacđiê ở ngay trên đầu chúng, trên buồng cao.
Khách qua đường dừng ở phố Quyntuya Xanh Catơrin trước cổng xe của Nhà Tắm, sau khi qua khỏi trại lính cứu hỏa, nhìn thấy một cái sân đầy cây hoa, cây cảnh trồng trong thùng. Ở cuối sân là một cái nhà tròn nho nhỏ quét vôi trắng, có hai chái và những cửa nhà chắn gió sơn xanh trông khá vui mắt. Cảnh này thật xứng với ước mơ hoang dã của Giăng Giắc (nhà văn, nhà triết học Pháp, ca ngợi cảnh sống thôn dã). Mười năm về trước, cái nhà trong đó tựa lưng vào một bức tường lớn, màu đen, trần trụi, xấu xí, nhô cao lên trên mái nhà. Đó là bức tường bao bọc con đường tuần tra của nhà lao La Forxơ.
Bức tường sau cái nhà tròn đó là Mintơn nhìn thấy đằng sau Béccanh (Milton: nhà thơ Anh đã viết trường ca Thiên đường đã mất, diễn tả sự sa đọa của con người; Berquin: nhà thơ Pháp).
Dù bức tường rất cao, vẫn còn một mái nhà cao hơn đen sì, ở sau bức tường. Đó là mái nhà của Trại Mới. Ở mái nhà có bốn lỗ thông hơi có tra chấn song sắt. Đó là những cửa sổ của Mỹ Phòng. Một ống khói đâm qua mái nhà, cái ông khói xuyên các buồng gnur nói trên.
Mỹ Phòng là buồng áp mái, hình dáng như một cái nhà chợ, có ba lớp chấn song sắt bọc ngoài, cửa thì bọc tôn đóng chi chít đanh rất lớn. Cứ đằng bắc mà vào thì bên trái có bốn lỗ thông hơi, bên phải đối diện với bốn lỗ thông hơi có bốn cái chuồng hình vuông khá rộng, cách nhau một cái hành lang hẹp; các chuồng ấy, dưới thì xây tường đến ngang ngực, trên thì cắm song sắt lên tận mái.
Tênacđiê bị giam kín trong một cái chuồng như thế từ đêm mồng ba tháng hai. Không ai khám phá được hắn dùng cách nào và có ai ám trợ hắn mà hắn đã sắm được một chai rượu và cất giấu chai rượu ấy trong chuồng giam. Thứ rượu chó pha thuốc mê ấy người ta nói do Đêruy sáng chế. Đảng trộm Phục Rượu Mê dùng rượu ấy làm cho nó nổi tiếng.
Trong nhiều nhà ngục, thường có những nhân viên phản phúc, nửa là người canh ngục, nửa là kẻ trộm, chúng làm tay sai cho cảnh sát vì tiền và cũng vì tiền mà giúp đỡ cho bọn tù vượt ngục, giống như những đứa ở ăn xén tiền chợ của chủ.
Cũng cái đêm Gavrốt đón hai đứa bé bơ vơ về chỗ trọ, Bơruygiông và Gơlơme lặng lẽ thức dậy và dùng cái đanh của Bơruygiông xoi khoét ống khói kế giường. Chúng biết rằng ở ngoài, Babe vừa vượt ngục lúc sáng đương chờ đón chúng, cùng với Môngpácnát.
Vôi gạch khoét ra rơi xuống giường Bơruygiông thành thử không ai nghe tiếng. Ở ngoài, mưa to gió lớn xe lẫn sấm sét làm các bản lề cửa rít lên, khiến nhà ngục vang dội những tiếng ồn ào ghê gớm rất tiện cho công việc của chúng. Một vài tên tù thức dậy lại vờ ngủ, để mặc tình Gơlơme và Bơruygiông. Bơruygiông khéo tay, Gơlơme khỏe. Tên cai ngục chủ ở buồng có cửa sổ chắn song mở vào phòng ngủ vẫn không nghe một tiếng động nào cả, thế mà ống khói đã bị khoét, hai thằng cướp đã leo ngược lên, bẻ miếng vỉ sắt trên ống khói và leo ra mái nhà. Gió mưa càng dữ, mái nhà trơn như mỡ. Bơruygiông bảo:
– Chúng mình vượt ngục đêm nay thật là tuyệt (Bọn này nói toàn tiếng lóng, người dịch dịch theo chú thích của tác giả, và dịch ra gôn ngữ thông sụng, chứ không thể tìm đủ tiếng lóng tương đương của bọn trộm cướp trong ngôn ngữ Việt)!
Giữa chúng và bức tường bọc ngoài là một cái vực rộng nửa trượng. Dưới đáy vực, súng của tên lính gác lấp lánh trong đêm tối. Chúng lấy cái dây Bơruygiông bện trong ngục tối đem buộc một đầu vào mấy thanh chắn sắt miệng ống khói vừa bị bẻ cong, ném đầu dây kia qua bức tường. Rồi chúng tiếp nhau nhảy đu người qua khỏi vực, bám lấy đầu tường, vượt qua tường, theo dây tụt xuống một mái nhà nhỏ, thu dây lại, nhảy xuống Sâu Tắm, vượt qua sân, khẽ đẩy tấm ván nhỏ chắn buồng người gác cổng kéo cái dây thòng lòng bên cạnh đấy, thế là cổng lớn mở ra cả hai đứa ra ngoài đường phố.
Từ lúc chúng đứng lên giường giữa đêm tối với cái danh trong tay và một kế hoạch vượt ngục trong não cho đến bây giờ, không quá bốn mươi lăm phút.
Lát sau, chúng gặp thằng Babe và thằng Môngpácnát lảng vảng quanh đấy.
Lúc kéo dây về, dây bị đứt, chỉ còn một đoạn lơ lửng buộc vào ống khói. Còn chúng thì chẳng bị thương tích gì ngoài việc da tay hầu như tuột hết.
Cũng đêm ấy, Tênacđiê được báo trước – không biết bằng cách nào – nằm thức để đợi.
Khoảng một giờ sáng, đêm ở ngoài tối như mực, hắn nhìn qua lỗ tông hơi trước chuồng hắn, thấy hai bóng đen lướt qua trên mái nhà, trong mưa rào gió dữ. Một bóng đen dừng lại trước lỗ thông hơi một thoáng, vừa đủ để hắn nhận thấy. Đó là Bơruygiông và hiểu hết. Đối với hắn, như thế là đủ lắm rồi.
Tênácđiê bị coi là một tên sát nhân và bị giam cứu vì dùng khí giới bắt người khảo của. Vì thế, đêm ngày hắn bị canh giữ. Một người lính gác, súng nạp đạn cứ đi qua đi lại trước chuồng nó. Hai giờ một lần người ta thay lính gác. Trong buồng cao ấy có một chiếc đèn treo sát tường. Tên tù phải mang một đôi xiềng chân nặng hai mươi lăm cân. Ngày nào cũng vậy, cứ đến bốn giờ chiều thì tên cai ngục đi với hai con chó dữ vào buồng nó, – lúc bấy giờ người ta còn làm thế – đặt cạnh giường một cái bát đen một cân, một hũ nước lã với một âu canh suông và khám xiền xích, gõ mấy cái song sắt xem có gì khác hay không. Đêm, nó lại dắt chó đến hai lần nữa.
Tênácđiê được phép giữ một cái chốt sắt dùng để găm bánh mì lên tường, theo hắn nói thì là “để cho chuột khỏi ăn”. Vì Tênácđiê luôn luôn có người coi giữ cho nên cái chốt sắt cho nó người ta thứys cũng chẳng sao. Sau này người ta mới nhớ ra rằng có một tên gác ngục đã bảo: “Có lẽ nên cho nó một cái chốt gỗ thì hơn”.
Hôm ấy lúc hai giờ sáng, một anh tân binh thay phiên gác cho người lính già vừa canh ở đây. Mấy phút sau tên cai ngục theo thường lệ dắt con chó đi khám xét chỉ để ý là người gác quê mùa và non dại quá chứ không thấy gì khác. Bốn giờ sáng, khi người ta đến đổi phiên canh thì thấy anh lính gác nằm sõng xoài dưới đất như khúc gỗ, ngủ mê mệt. Tênácđiê không còn ở đấy. Trên trần nhà có một lỗ hổng, và ngay trên đó, ở mái, có một lỗ nữa. Một tấm ván giươn bị tháo đi và có lẽ tên tù đã mang theo, vì mãi sau vẫn không tìm thấy. Trong buồng còn một chai rượu đã uống dở, thứ rượu mê ấy Tênácđiê đa dùng để mời anh lính gác. Cái lưỡi lê của anh lính cũng mất.
Lúc bấy giờ, người ta tưởng Tênácđiê đã thoát ra ngoài rồi. Sự thật thì đành là hắn ta không còn ở trong Trại Mới nữa, nhưng vẫn ở trong một cânhr huống vô cùng nguy hiểm. Hắn đã thoát hẳn đâu!
Lên đến Trại Mới, Tênácđiê bắt gặp đoạn dây đứt buộc lơ lửng ở miệng ống khói. Nhưng dây ngắn quá Tênácđiê không thể dùng để vượt qua khoảng cách giữa mái nhà này và bức tường bọc, như Bơruygiông và Gơlơme trước đấy. Từ phố Balê rẽ qua phố vua Xixin thì ai cũng thấy ngay ở bên phải một khoảng lõm tồi tàn. Ở đấy trước kia là một toà nhà, bây giờ chỉ còn trơ bức tường hậu cao vòi vọi tiếp giáp các ngôi nhà còn nguyên vẹn ở hai bên.
Cái di tích này còn nhận ra được nhờ hai cái cửa sổ vuông to còn sót lại, cái ở giữa, gần chái bên phải hơn được chắn lại bởi một đòn ngang han mục. Qua các cửa ấy ngày trước, người ta nhìn thấy một bức tường cao to ảm đạm, vốn là một mảnh của vành thành bọc con đường tuần tra của nhà lao La Forxơ.
Khoảng trống ở đường phố do ngôi nhà bị phá huỷ để lại đã được che lấp một nửa bởi một hàng rào song gỗ mục nát dựa vào năm trụ đá. Trong rào, tựa vào bức tường cũ, có một cái nhà gỗ nhỏ. Hàng rào song có một cửa ra vào mấy năm trước đây chỉ gài chốt.
Khoảng ba giờ sáng, Tênácđiê tới đỉnh bức tường thành ấy.
Tênácđiê đến đấy bằng cách nào? Điều này chưa bao giờ người ta hiểu và giải thích được. Chớp giật hình như vừa làm rầy nó vừa giúp đỡ nó. Nó có dùng thang gỗ và giàn giáo của thợ lợp để chuyển từ mái này sang mái khác, từ rào này sag rào khác, từ phòng này qua phòng khác ở các trại sân Xanh Lui, từ đó qua bức tường thành quanh đường tuần tra để đến cái nhà nát phố vua Xixin không? Thế nhưng đi theo hành trình này thì có những đoạn đứt quãng có lẽ không khắc phục được. Hay là nó đã dùng tấm ván giường của nó bắc một cái cầu từ mái Mỹ Phòng qua bức tường khu tuần tra? Rồi nó bò lết trên ngọn tường quanh nhà lao để đến cái nhà nát? Tuy nhiên bức tường đó nhô răng cưa và cao thấp không chừng: ngang trại Cứu hoả nó thấp xuống, đến Nhà tắm nó cao lên; lại có những nhà cửa cắt ngang tường; chỗ khách sạn Lamoanhông, tường không cao như chỗ phố Pave và chỗ nào cũng đều có những mảng tụt, những góc đứng. Ngoài ra lính gác rất dễ thấy cái dáng đen sì của tên vượt ngục. Cả hai cách đều không thể dùng để trốn thoát. Hay là Tênácđiê đã sáng tạo ra một cách vượt ngục thứ ba, bởi vì đầu óc hắn đã rực sáng nhờ khao khát tự do một cách ác liệt, sự khao khát đó như có phép thần biến vực thẳm thành hào cạn, song sắt thành nan tre, một tên bại liệt thành lực sĩ, một đứa bò lết thành chim trời, ngu đần thành bản năng, bản năng thành trí tuệ và trí tuệ thành thiên tài? Ai biết được!
Không ai biết hết những kỳ diệu trong việc vượt ngục. Kẻ vượt ngục như có thần linh mách bảo, chúng tôi nói lại điều đó. Có cái gì như là sao sáng và chớp loè trong ánh lửa bí ẩn soi rọi các cuọc đào vong. Cái cố gắng để vươn ra tự do cũng lạ lùng như cái vỗ cánh để lao vào khoảng không cao cả. Người ta hỏi về một tên kẻ cướp vượt ngục: nó làm thế nào để leo lên cái mái nhà kia nhỉ? Cũng như người ta hỏi về Cornây: ông ta tìm ở đâu ra tiếng Chết kia chứ? (Trong vở bi kịch Horace nổi tiếng của Cornelille, lão chiến sĩ Horace khi nghe báo tin con mình bỏ chạy, thật ra là trá bại, trong cuộc chiến đấu, rất lấy làm khổ tâm. Khi người báo tin hỏi: “Một chọi ba, cụ bảo nó làm thế nào?” Ông trả lời: “Chết”).
Tênácđiê đã đến trên đầu bức tường cổ, mồ hôi nhễ nhại, áo quần đẫm nước mưa và rách bươm ra từng mảnh, da tay xây xát, khuỷu tay chảy máu, da đầu gối toạc ra. Hắn nằm dài trên đầu đường, kiệt sức. Từ chỗ hắn nằm xuống tới nền đường bằng một tầng gác ba xuống.
Cái thừng của hắn quá ngắn.
Xanh xao, kiệt quệ, hắn nằm chờ, trong lòng trước kia hy vọng bao nhiêu thì nay tuyệt vọng bấy nhiêu. Đêm còn tối, không ai trông thấy hắn, nhưng hắn tự nhủ chỉ lát nữa trời sẽ sáng. Hắn run sợ trước về cái giây phút nghe đồng hồ nhà thờ Xanh Pôn gần đấy đổ bốn tiếng. Giờ ấy sẽ là giờ người ta đổi phiên gác, giờ ấy người ta tìm thấy anh lính ngủ say dưới mái nhà bị chịc thủng. Qua ánh sáng lờ mờ các ngọn đèn phố, Tênácđiê nhìn xuống nền đường một cách hãi hùng, cái nền đá sâu thưm thẳm ươn ướt và đen sì, cái nền hắn vừa ước ao vừa khiếp sợ, cái nền đó vừa là chỗ chết vừa là cảnh tự do. Tênácđiê tự hỏi, không biết ba thằng bạn đồng loã kia có trốn thoát không, chúng có đợi hắn không, có tìm cách giúp hắn không. Hắn nghe ngóng. Từ lúc đến đây, không có ai đi qua, trừ một đội lính tuần tra. Những người bán rau ở Môngtơrơi, ở Sarôn, ở Vanhxen, ở Bécxy đi chợ đều đi theo đường Xanh Ăngtoan.
Chuông đồng hồ đổ bốn tiếng, Tênácđiê rùng mình. Chỉ mấy phút sau, trong nhà ngục có tiếng xôn xao náo động. Đây là cảnh huyên náo thông thường khi khám phá một vụ vượt ngục: tiếng những cánh cửa mở ra khép lại, tiếng rít của bản kề ở các cánh cổng chấn song, tiếng xôn xao của đoàn lính cai tù, tiếng gọi nhau ầm ĩ giữa bọn cai ngục, tiếng báng súng đập xuống nền, bấy nhiêu thứ tiếng bay đến tai Tênácđiê. Ánh đèn chập chờn lên xuống ở các cửa sổ chăng lưới, mọt ngọn đuốc chạy dọc trong phòng cao Trại Mới, lính chữa lửa ở đồn cạnh đấy được gọi sang giúp, những chiếc mũ ướt mưa của họ lấp lánh dưới ánh đuốc, đi đi lại lại trên mái nhà. Cùng lúc ấy phía ngục Bátxti, một thứ ánh sáng mập mờ rạng lên một cách kinh khủng ở chân trời.
Tênácđiê đang ở trên ngọn một bức tường dày ba tấc. Nó nằm dưới mưa, bên phải có một vực thẳm, bên trái có một vực thẳm, không cựa được, vừa chóng mặt vì sợ ngã, vừa hồi hộp vì sợ bị bắt. Như một quả lắc trong cái chuông tâm trí hắn chao qua đảo lại giữa hai tư tưởng: ngã thì chết, nằm yên thì trở vào tù.
Trong cảnh hoang mang, thình lình Tênácđiê trông thấy một bóng người lướt sát tường các nhà phố đến đứng ở quảng lõm dưới chỗ hắn lơ lửng nằm. Kế đó một người thứ hai, cũng men đi cẩn thận như người trước, rồi một người thứ ba và một người thứ tư. Khi đã tụm lại, một người đẩy then mở cửa ở rào xong và cả bốn lách vào trong khoảng đất có cái nhà nát. Họ đứng ngay ở chính chỗ Tênácđiê nằm.
Những người kia đã chọn chỗ lõm đó hiển nhiên là vì không muốn cho khách qua đường trông thấy họ đang bàn việc và cũng muốn tránh mắt tên lính gác cửa nhà lao La Forxơ ở cách mấy bước. Phải nói rằng mưa đã giữ chịt tên lính trong chòi canh của nó. Tênácđiê không trông thấy mặt họ, đã lắng nghe tiếng họ với sự chăm chú của con người tuyệt vọng.
Nghe họ dùng tiếng lóng, Tênácđiê thoáng thấy có một chút hy vọng. Người thứ nhất nói khẽ, nhưng rất rõ ràng:
– Buồm đi thôi. Còn lục đục làm gì ixigô?
Người thứ hai đáp:
– Mưa như trút máng thế này! Với lại tuần kiểm sắp kéo qua, còn thằng gác thì cứ trồng nến ở đấy. Khéo không nó hốt chúng mình ixicay.
Hai tiếng ixigô và ixicay đều có nghĩa là ở đây. Tiếng thứ nhất là tiếng lóng ngoại ô, tiếng thứ hai là tiếng lóng ở nhà ngục Tăngpơlơ. Đó là những tia sáng đối với Tênácđiê. Nghe ixigô, hắn biết là Bơruygiông, tên du dáng ở các cửa ô, nghe ixicay hắn biết là Babe vì tên này kiêm nghề buôn vặt ở nhà lao Tăngpơlơ.
Tiếng lóng của thế kỷ vĩ đại bấy giờ là chỉ còn thấy dùng ở nhà ngục Tăngpơlơ và cũng chỉ có Babe là người duy nhất sử dụng được thuần tuý. Nếu Babe không nói tiếng ixicay thì Tênácđiê đã không nhận ra hắn, vì hắn đã hoàn toàn đổi giọng.
Tên thứ ba chen vào:
– Không chuyện gì phải vội. Hãy đợi một tí nữa. Chắc đâu hắn không cần đến chúng ta.
Nghe câu văn phổ thông này, Tênácđiê nhận ra Môngpácnát, Môngpácnát cho là hiểu được mọi thứ tiếng lóng mà không nói tiếng lóng mới là lịch sự.
Tên thứ tư không nói, nheng đôi vi rộng của nó vẫn báo cho biết nó là ai. Tênácđiê không phân vân nhận ngay ra đó là Gơlơme.
Bơruygiông nói khẽ, nhưng sôi nổi:
– Mày phun cái gì đó? Tao thì tao nói rằng thằng bán cơm đó không trốn ra được. Nó không biết cách mà! Xé sơmi, xé chăn giường để làm dây, khoét cửa, làm giấy tờ giả, chìa khoá giả, chặt xiềng, buộc treo dây ở ngoài, lẩn trốn, trá hình, phải khôn ranh lắm mới làm được! Lão già ấy không thể làm được, lão không biết cách.
Babe tiếp lời, vẫn bằng thứ tiếng lóng cổ điển mà Pulaiê và Cáctút dùng. Thứ tiếng lóng này đối với cái tiếng lóng mạnh dạn, mới mẻ, màu mè và liều lĩnh mà Bơruygiông dùng cũng giống như ngôn ngữ Raxin đối với ngôn ngữ Ăngđrê Sêniê (Bacube: tác giả bi kịch cổ điển nổi tiếng của Pháp thế kỷ XVII; André Chenier: nhà thơ lớn của Pháp thế kỷ XVIII):
– Tên chủ quán của mày có dễ đã bị tóm tại trận. Phải là sói già mới được, còn hắn chỉ là chó mới mở mắt. Chắc là hắn đã bị một tên cớm, không chừng là một con cừu đóng vai huynh đệ lừa phỉnh. Này Môngpácnát mày thử nghe tiếng rào rào trong ổ quí đó xem! Mày cũng đã thấy những đèn đuốc kia chứ? Hắn đã bị tóm lại rồi, chắc chắn! Phải kéo cày hai mươi thu nữa rồi. Tao không gờm, tao không phải là cáy, điều đó ai cũng biết, nhưng không còn làm gì được nữa đâu, nếu cứ cố thì bọn chúng sẽ cho chúng ta nhảy nhót đó. Thôi đừng giận dữ, đi với chúng tớ đi, tợp ít hớp cho vui.
– Ai lại bỏ rơi bạn bè trong hoạn nạn, Môngpácnát càu nhàu.
– Tao thề với mày là nó bị tròng lại rồi. Giờ này thì thằng chủ quán đó chẳng còn đáng một chinh! Ta biết làm sao! Dông thôi. Tao thấy như là đã bị một tên cớm nào thộp ngực rồi!
Môngpácnát chỉ còn chống cãi yếu ớt. Thật ra, theo tục bọn kẻ cướp không bao giờ bỏ nhau trong cơn nguy biến, bốn đứa chúng đã lò dò suốt đêm quanh nhà ngục La Forxơ. Mặc dù việc ấy nguy hiểm, chúng vẫn không ngại vì hy vọng Tênácđiê sẽ xuất hiện trên một bức tường nào. Nhưng đêm đã trong sáng, đường sá vắng tanh, không một bóng người vì mưa rào, trời bắt đầu lạnh, quần áo ướt sũng, giầy thấm nước, rồi tiếng xôn xao đáng sợ trong nhà lao, những đội tuần tra đi lại, thời gian chờ đợi quá lâu, hy vọng tiêu dần, sợ hãi hiện đến, tất cả những thứ ấy thúc giục bọn chúng rút lui. Đến cả thằng Môngpácnát, thằng ấy đối với Tênácđiê một phần nào cũng như là con rể, cả thằng Môngpácnát cũng nhượng bộ. Chỉ ít nữa là chúng đi mất. Nằm trên tường, Tênácđiê thấy trong lòng hồi hộp như những hành khách đắm tàu còn sống sót trên bè ở giữa biển, đang nhìn thấy chiếc tàu cứu nạn hiện ra rồi lại biến đi nơi chân trời.
Nó không dám gọi, gọi nhỡ người ta nghe thấy thì hỏng cả. Trí nó bỗng nhiên nảy ra một ý kiến, một ý kiến cuối cùng, một tia chớp: nó móc túi, lấy mẩu dây của thằng Bơruygiông, mẩu dây nó đã tháo trên ống khói và ném xuống.
Mẩu dây rơi dưới chân lũ cướp.
Babe nói:
– Một cái dây.
– Dây của tao đây, Bơruygiông bảo.
– Đích lão chủ quán rồi, Môngpácnát nói.
Chúng ngẩng nhìn lên. Tênácđiê thò đầu ra một tí.
Môngpácnát bảo:
– Mau lên! Bơruygiông, mày có khúc dây đó không?
– Có đây.
– Nối hai đoạn dây với nhau rồi ném lên cho nó. Nó sẽ buộc dây vào tường tụt xuống. Có đủ dây để leo xuốn đây.
Tênácđiê đánh liều lên tiếng:
– Tao cóng rồi.
– Chúng tớ sẽ sưởi cho.
– Tao không cựa được.
– Mày cứ thế mà tụt xuống, chúng tớ sẽ hứng đón mày.
– Hai bàn tay tao tê giá rồi.
– Thì hãy cứ buộc dây vào ngọn tường thôi mà.
– Chịu thôi!
– Thế thì phải có thằng nào trong bọn ta leo lên với nó mới xong – Môngpácnát nói.
– Những ba tầng gác. Bơruygiông buột miệng.
Từ nhà gỗ, có một ống khói bằng thạch cao đâm lên và dựa theo bức tường cũ, lên thẳng gần tới chỗ Tênácđiê nằm. Cái ống khói ấy rạn lở cả hẹp lắm.
Môngpácnát nói:
– Có thể theo ống khói ấy mà lên.
– Theo ống ấy? Babe kêu. Một tướng thì không thể. Phải là một tốt mới được. (Người lớn; Bé con)
Bơruygiông phụ hoạ:
– Phải có một chú ranh.
– Tìm đâu ra chú tép! Gơlơme bảo.
– Hãy gượm, Môngpácnát nói. Tớ có rồi.
Hắn nhẹ tay hé mở cửa rào, nhìn xem cho chắc là không có ai đi qua rồi mới cẩn thận lách mình bước ra, khép cửa lại và nhắm hướng ngục Bátxti mà chạy.
Bảy tám phút trôi qua, đối với Tênácđiê là bảy tám nghìn thế kỷ. Babe, Bơruygiông, Gơlơme không hé răng nói nửa lời. Cánh cửa lại hé mở, Môngpácnát trở về, mồm thở hồng hộc, Gavrốt theo sau. Trời vẫn mưa trên đường vắng ngắt.
Chú bé Gavrốt bước vào, mắt thản nhiên nhìn mấy bộ mặt kẻ cướp. Nước mưa từ trên đầu chú chảy giọt xuống. Gơlơme hỏi Gavrốt:
– Oắt! Mày là một thằng người đấy chứ?
Gavrốt nhún vai đáp:
– Oắt như tớ là người, người như các chú là oắt.
– Ranh lém lắm! Babe khen.
Bơruygiông thêm:
– Ranh mà ranh Paris thì không phải ranh rơm ranh rạ đâu nhé!
– Các ông tướng cần gì? Gavrốt hỏi.
– Leo ống này. Môngpácnát đáp.
Mấy thằng kia nói tiếp nhau:
– Với cái dây.
– Và buộc dây.
– Vào đầu tường.
– Chỗ chấn song cửa.
Gavrốt hỏi:
– Rồi sao nữa?
– Chỉ vậy thôi. Gơlơme đáp.
Chú bé ngắm cái dây, cái ống khói, bức tường, các cửa sổ rồi làm một tiếng phì môi khinh thường, khí tả, có ý như nói:
– Chỉ thế thôi ư?
Môngpácnát bảo:
– Trên đó có một mạng người. Chờ mày cứu sống.
Bơruygiông hỏi:
– Mày có bằng lòng làm không?
Gavrốt hình như cho câu hỏi đó quá lạ lùng. Hắn chỉ đáp: ngốc! Rồi hắn tháo giầy.
Gơlơme bốc Gavrốt một tay lên mái nhà; ván mục oằn xuống răng rắc dưới thân hình chú bé: nó đưa cho Gavrốt sợi dây Bơruygiông đã nối lại trong lúc Môngpácnát đi vắng. Chú bé tiến lại ống khói và chui vào dễ dàng nhờ một cái kẽ khá rộng ở sát mái nhà. Lúc nó sắp leo lên thì Tênácđiê thấy mình gần như đã được cứu thoát cũng chồm người ra xem. Ánh sáng ban mai vừa thoạt đầu hiện ra soi vào cái trán nhễ nhại mồ hôi của Tênácđiê, hai gò má tím ngắt, cái mũi mỏng và nhọn có vẻ man rợ, bộ râu hoa râm lởm chởm. Gavrốt nhận ra Tênácđiê, nói:
– Ơ kia! Cha mình đây mà…! Cũng được thôi!
Rồi nó ngậm cái thừng, quả quyết trèo lên.
Leo tới đỉnh nhà nát, nó dạng chân cưỡi qua ngọn tường như cưỡi ngựa rồi buộc chặt thừng vào cái bậu cửa cũ.
Một lát sau Tênácđiê đã xuống đường phố.
Vừa xuống tới đất, không có gì nguy hiểm nữa thì nó cũng thấy hết mệt, không lạnh, không run. Những cảnh nguy biến vừa qua tan đi như mây khói, cái trí khôn kỳ quái, hiểm độc của nó bừng tỉnh và nhởn nhơ đứng lên, sẵn sàng tiến tới phía trước. Cái câu đầu tiên của nó là thế này:
– Giờ thì chúng mình thịt ai đây?
Có lẽ không cần giải thích cái tiếng đã sáng nghĩa ấy, sáng một cách ghê rợn, cái tiếng bao hàm ý giết chết và ý cướp tuốt, thịt nghĩa là xé nuốt, Bơruygiông bảo:
– Cho khéo! Đứng nép cả vào đây đi. Nói ba điều bốn chuyện rồi chia tay ngay mới được. Này, ở phố Pơluymê có một vụ xem chừng hay ra phết: phố vắng, nhà trơ trọi, chấn song cửa vào vườn mục nát và trong nhà chỉ có đàn bà thôi.
– Ồ! Thế sao lại không? Tênácđiê hỏi.
Babe đáp:
– Cái đĩ của mày, con Êpônin, đã đi thăm dò.
– Nó đã đưa một chiếc bánh quy về cho con mụ Manhông, Gơlơme bảo. Ở đây chẳng nước mẹ gì đâu!
– Cái đĩ chẳng đần độn đâu, Tênácđiê nói. Tuy vậy cũng phải đến xem sao.
– Đúng, đúng đấy, Bơruygiông nói. Phải xem lại thế nào.
Trong lúc chúng nói chuyện, chẳng đứa nào để ý đến chú bé Gavrốt ngồi trên trụ đá. Chú đợi một chốc, có lẽ đợi cho bố quay lại, nhưng đợi không được, chú xỏ giầy vào chân và nói:
– Xong rồi chứ? Các ông tướng không cần tớ nữa phải không? Các tướng thoát nạn rồi. Ta đi đây. Ta phải về đánh thức hai thằng bé nhà ta dậy.
Thế rồi nó đi.
Năm người lần lượt bước ra ngoài giậu.
Khi Gavrốt đã khuất ở khúc rẽ qua con đường Khiêu vũ, Babe bấm Tênácđiê, hỏi:
– Lúc nãy mày có nhìn thằng oắt không?
– Thằng oắt nào?
– Thằng oắt đã leo lên ngọn tường đem dây lên cho mày ấy mà.
– Không nhìn kỹ lắm.
– Ồ! Tao cũng không biết cho chắc, nhưng hình như con mày đó.
– Vậy à? Tênácđiê nói – mày thấy thế ư?
Rồi hắn đi thẳng.
Hết: Chương III, Xem Tiếp: QUYỂN VII Chương I
|