IMG.672

PHẦN THỨ BỐN

TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ

ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI

QUYỂN VII

TIẾNG LÓNG

Chương IV

HAI NHIỆM VỤ: CẢNH GIÁC VÀ HY VỌNG

…..

Cứ như vậy thì mọi đe dọa đối với xã hội đã tiêu tan hết rồi cahnwg? Hẳn là không. Không có “loạn cùng dân”. Xã hội có thể yên lòng về phía đó, máu không bốc lrrn đầu nữa. Nhưng nó phải lo về cách hô hấp. Chứng sung huyết não khoogn sợ nữa, nhưng hãy còn bệnh phế lao, bệnh phế lao xã hội có tên là nghèo đói.
Người ta chết bất thần như bị sét đánh, người ta cũng chết vì bị suy mòn.
Hãy nhắc đi nhắc lại điều đó không biết chán. Hay nghĩ trước hết đến ddams đông bất hạnh và khổ đau, hãy đỡ đần họ, quát thoáng cho họ, soi sáng họ, thương yêu họ, mở rộng huy hoàng chân trời cho họ, giáo dục rộng rãi cho họ bằng mọi hình thức. Hãy nêu gương cần cù, chớ bao giờ làm gương biếng nhác, tăng cường ý thức công ích công lợi nơi họ để họ cảm thấy gánh cá nhân bớt nặng, hạn chế nghèo khó mà không hạn chế sản phẩm, tạo ra những môi trường hoạt động nhân dân công cộng, có trăm bàn tay của người khổng lồ Briarê để đưa ra cho kẻ xấu số, người yếu hèn níu lấy. Phải dùng quyền lực công cộng để mở công xưởng đủ cho các cánh tay, dựng trường học đủ cho các khả năng, lập phòng thí nghiệm đủ cho các thiên tư, tăng lương, giảm lao lực, cân bằng chi và thu nghĩa là làm sao cho hưởng thụ và lao công, nhu cầu và thỏa mãn cân xứng. Tóm lại phải làm cho bộ máy xã hội tuôn ra nhiều ánh sáng và phúc lợi hơn để cho những người đau khổ và tối tăm hưởng. Những người thiện tâm không nên quên đây là nhiệm vụ bác ái thứ nhất, những người ích kỷ cũng phải biết đây là hành động chính trị cần yếu nhất.
Cũng phải nói tất cả những cái ấy chỉ là bước đầu. Vấn đề thực sự là ở chỗ này. Lao động đã là pháp chế thì cũng phải là quyền lợi.
Chúng tôi không nói thêm nữa, đây không phải chỗ.
Nếu thiên nhiên có tên là Tạo hóa thì xã hội phải có tên là Lo xa.
Sự lớn mạnh về trí tuệ và đạo đức cũng cần như sự cải thiện đời sống vật chất. Hiểu biết là một nguồn cứu trợ; suy nghĩ thiết yếu bậc nhất; chân lý là lương thực, cũng như lúa mì. Lý trí mà đói khoa học và minh mẫn thì lý trí gầy đi. Phải thương những trí tuệ không ăn cũng như thương những dạ dày không có ăn. Nếu có một cái gì xót xa hơn một cơ thể hấp hối vì thiếu bánh mì, thì đó là một tâm hồn chết vì đói ánh sáng.
Toàn bộ tiến hóa nhằm về phía giải pháp. Một ngày kia người ta sẽ kinh ngạc. Nhân loại đi lên thì các tầng lớp nằm sâu ở dưới sẽ tự nhiên thoát ra khỏi vòng quẫn bách. Đói khổ sẽ bị xóa bỏ bằng sự nâng cao trình độ, đơn giản như vậy đấy.
Nghi ngờ cái giải pháp phúc đức ấy là có lỗi.
Đành rằng cái quá khứ vào lúc này đang còn rất mạnh. Nó hồi sức. Sự hồi xuân của một xác chết như thế này quả là rất kỳ lạ. Đấy, nó đi… nó đến kia. Nó như đang chiến thắng; xác chết đó là một tướng đi chinh phục. Nó đến với quân đoàn của nó; những mê tín, với thanh gươm của nó; sự chuyên chế, với lá cờ của nó, cái ngu dốt. Ít lâu nay nó đã thắng đến mươi trận. Nó tiến lên, nó hăm dọa, nó cười, nó đã ở ngay cửa chúng ta. Tuy nhiên về phần chúng ta, chớ nên thất vọng. Chúng ta hãy bán đi cánh đồng Anniban (tướng tài của thành quốc Cáctagiơ, Bắc Phi thời xưa. Ông dẫn đạo quân viễn chinh đến Ý, chiến thắng liên tiếp người La Mã, nhưng đến trước thành Rôma thì đóng quân lại ăn chơi, về sau bị đánh bại) đóng quân.
Chúng ta có lòng tin tưởng thì chúng ta sợ gì chứ?
Tư tưởng không thụt lùi cũng như dòng sông không chảy ngược.
Còn những ai không muốn xã hội tiến về tương lai thì hãy nghĩ cho kỹ. Họ từ chối tiến hóa cũng không chặn đứng tương lai, mà chính là họ tự hủy hoại. Họ tự chuố lấy một bệnh hoạn thảm đạm, họ tự tiêm nọc độc quá khứ. Chỉ có một cách từ chối Ngày – Mai, đó là chết đi.
Thế nhưng chúng ta không thích cái chết nào cả; chết của thể xác thì phải là muộn nhất, chết của tâm hồn thì chúng ta không muốn xảy đến bao giờ.
Đúng, sấm ký sẽ lên tiếng, con quái Xphanhxơ sẽ nói, vấn đề sẽ được giải quyết. Đúng, thế kỷ 18 đã phác tạc Nhân dân, thì thế kỷ 19 sẽ hoàn tất. Nghi ngờ điều đó là ngu ngốc! Cảnh nẩy nở tương lai, cảnh nẩy nở mai đây của hạnh phúc chung là một hiện tượng thần thánh tất yếu.
Những thúc đẩy toàn diện lớn lao chi phối hành động của con người và trong thời gian nhất định sẽ đưa nó đến trạng thái hợp lý, nghĩa là sự quân bình, cũng nghĩa là công lý. Một sức mạnh gồm cả đất lẫn trời sẽ là kết lực của nhân loại và điều khiển nhân loại. Sức mạnh đó là mẹ đẻ của huyền diệu; Đối với sức mạnh ấy, những kết thúc thần kỳ cũng dễ thực hiện như những biến thiên kỳ lạ. Nhờ có khoa học do người và sự cố do trời, nó không thấy sợ mâu thuẫn khi đặt các vấn đề mà người tầm thường thấy nan giải. Đối chiếu ý kiến để làm bật ra một lý giải thì nó cũng làm thạo khéo như đối chiếu sự kiện để rút ra một bài học. Và người ta có thể chờ đợi tất cả ở cái hiệu năng huyền bí của tiến hóa, nó sẽ đối cứu đông và tây một ngày nào đó ở đáy một hầm mộ và khiến cho các giáo sĩ hồi giáo đàm thoại với Bônapác trong kim tự tháp lớn.
Trong khi chờ đợi thì khồn dừng nghỉ, không do dự, không đồn trú lại lúc nào trong cuộc hành quân tiến lên của trí tuệ. Triết học xã hội về căn bản là khoa học của hòa bình. Nó có mục đích và phải đưa đến kết quả làm tan những thịnh nộ bằng cách nghiên cứu các sự đối lập. Nó xem xét, nó thăm dò, nó phân tích, và rồi nó tái kết cấu. Nó tiến hành công việc bằng phương pháp giản lược, khử trừ sự hằn thù ở mọi nơi.
Bão tố xô vào loài người đã nhiều phen hủy hoại xã hội. Lịch sử đầy rẫy những cuộc đắm chìm của quốc gia, của dân tộc. Phong tục, luật pháp, tôn giáo, tất cả đều bị cuốn đi một ngày nào đó bởi cơn bão tố bí ẩn. Các nền văn minh Ấn Độ, Canđê, Batư, Atxyri, Ai Cập đều lần lượt tan biến. Tại sao vậy? Chúng ta không biết. Nguyên nhân của các họa ấy là gì? Chúng ta không biết. Có thể cứu sống xã hội ấy không? Chúng có lỗi gì trong việc sụp đổ đó? Chúng nó ngoan cố đeo giữ một tật xấu tai hại khiến mình tự hủy diệt mình hay không? Trong cái chết của một dân tộc, chủng tộc đó nhiều hay ít? Đó là những câu hỏi không lời đáp. Bóng tối bao trùm lên các nền văn minh sụp đổ đó. Chúng đã chìm xuống, tất nhiên là đã bị thủng lậu, để nước vào. Không có gì để nói thêm nữa. Và chúng tôi hầu như thảng thốt khi nhìn xuống cái đáy biển gọi là quá khứ đó, sau những đợt sóng khổng lồ là các thế kỷ, những con tàu to lớn Babilon, Ninivơ, Tácxơ, Tebơ, Rômơ chìm đắm trước luồng gió tuồn từ trong đêm den thẳm ra.
Nhưng bóng tối ở đó là ánh sáng cho ở đây. Mờ mịt về bệnh tật của các nền văn minh cổ đại, chúng ta biết bệnh tật của nền văn minh ta. Chúng ta có thể rọi ánh sáng lên khắp người nó, chúng ta chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của nó, nhưng cũng bóc trần những cái xấu của nó. Chỗ nào đó đau thì chúng ta thăm dò, và khi đã biết rõ dau thế nào, tìm hiểu được căn nguyên bệnh tật, tất tìm được phương thuốc điều trị. Nền văn minh của chúng ta, sự nghiệp của hai mươi thế kỷ, vừa là con quái vật vừa là cái kỳ quan của thời gian dài đó. Nó đáng được cứu vãn. Nó sẽ được cứu vãn. Đỡ nhẹ cho nó là quí lắm; soi sáng cho nó cũng đã đáng kể rồi. Tất cả những công trình xã hội học hiện đại đều tập trung vào mục đích đó. Nhà tư tưởng ngày nay có một nhiệm vụ lớn là thăm bệnh nền văn minh.
Chúng tôi nhắc lại, sự thăm bệnh đó cổ vũ ta, và chúng tôi nhấn mạnh sự cổ vũ đó để chấm dứt mấy trang này, coi mấy trang này là một dịp tạm nghỉ nghiêm nghị giữa tấn kịch đau lòng. Dưới tính bất tử của xã hội, người ta cảm thấy tính bất tử của nhân loại. Dù đây đó có những vết lở loét, những phễu núi lửa và có những vạt hắc lào, những lỗ phun hơi, dù có một núi lửa đến kỳ phun lửa, quả đất vẫn không chết. Những bệnh hoạn dân chúng không làm chết con người.
Tuy nhiên ai theo dõi lâm sàng xã hội, thỉnh thoảng cũng lắc đầu. Những người khỏe nhất, những người tình cảm nhất, những người lý trí vững vàng nhất, cũng có những phút động dao.
Tương lai có đến không? Hình như người ta có thể đặt câu hỏi đó ra khi thấy bóng tối dày kinh khủng. Cuộc đối diện đen tối giữa lũ ích kỷ và những kẻ khốn cùng. Ở phía bọn ích kỷ thì những thành kiến, những ngu dốt trong một nền giáo dục trưởng giả, sự thèm khát càng tăng do say sưa thỏa mãn, sự choáng váng làm điếc tai vì cảnh phồn vinh phát đạt, nỗi sợ khổ đau lên đến trạng thái ghét cả người đau khổ ở một số, sự tự mãn gắt gao, cái “tôi” bơm phồng len đến bịt kín tâm hồn; ở phía kẻ khốn cùng thì sự háo hức, lòng ghen tị, sự hằn thù đối với kẻ hưởng thụ, những chấn động sâu xa ở con thú người nhằm về nhu cầu, những tấm lòng mờ mịt mù sương, sự buồn thảm, cái cần dùng, cái định mệnh, cái dốt nát đục ngầu và ngây ngô.
Có nên tiếp tục ngước mắt lên trời hay không? Cái điểm sáng nhìn thấy ở trê cao có thuộc loại sẽ tắt không? Lý tưởng thật kinh khiếp khi nhìn nó xa lắ trong bóng sâu, nhỏ bé, trơ trọi, khó trông thấy, ánh sáng đấy, nhưng bọc giữa những đe dọa tối sầm, quái dị vây quanh nó. Tuy vậy lý tưởng chẳng chút lâm nguy, cũng như một ngôi sao giữa những cụm mây há hốc.
Hết: Chương IV, Xem Tiếp: QUYỂN VIII Chương I

 

Tìm Kiếm