Chương IV
A
..
Muốn hình dung được rõ ràng trận Oateclô chỉ cần dùng trí tưởng tượng vẽ ra trên mặt đất một chữ A hoa. Vế trái là con đường đi Niven, vế phải là con đường đi Giơnáp, vạch ngang là lối trũng từ Ohanh đến Bơren Lalơ. Còn đỉnh Mông Xanh Giăng, Oenlinhtơn đóng ở đó; chân vế trái là Hugômông, chỗ Rây và Giêrôn Bônapac đóng; chân vế phải là Ben Laliăng, Napoleon đóng. Phía trên chỗ vạch ngang gặp vế phải một chút là Hexanh. Giữa vạch ngang đúng là điểm quyết định cuối cùng trận đánh. Ở đấy bây giờ có đặt một con sư tử, chắc là vô tình nhưng đã tượng trưng cho linh hồn anh dũng vô song của đoàn quân cận vệ.
Hình tam giác nằm giữa hai vế và vạch ngang là dãy đồi Mông Xanh Giăng. Giành giật dãy đồi này là diễn biến của cả trận đánh. Hai đạo quân dàn ra hai bên đường Giơnáp và Niven: quân của Đéclông đối diện với quân của Pictơn, quân của Rây đối diện với quân của Hin.
Đằng sau đỉnh của chữ A, sau dãy đồi Mông Xanh Giăng là cánh rừng Xoanhơ. Còn bản thân cánh đồng thì cứ xin hình dung đó là một vùng đất rộng lượn sóng nhấp nhô, đợt sau cao hơn đợt trước và lên dần cho đến Mông Xanh Giăng, rồi hòa vào khu rừng sau đó.
Hai đội quân đối địch khi đã dàn trên một chiến trường thì giống như hai võ sĩ vật nhau. Bên này tìm cách làm ngã bên kia. Vì thế, gặp cái gì họ cũng bám; bụi cây, góc tường đều là chỗ tựa; một cái nhà tồi tàn có thể giúp cho một trung đoàn dựa vào và trụ lại; một vệt đất thấp, một lằn đất cao, một con đường tắt ngang đúng lúc, một khu rừng, một dòng khe, đều có thể kìm chân người võ sĩ khổng lồ mà người ta gọi là một đạo quân và không cho nó lùi nữa. Trong trận đánh, ai ra khỏi chiến trường kẻ ấy thua. Cho nên, trách nhiệm của người chỉ huy là nhất thiết phải xem xét từng khóm cây bụi cỏ và đi sâu nắm vững mọi chi tiết địa hình.
Hai nhà cầm quân đã chăm chú nghiên cứu cánh đồng Mông Xanh Giăng, nay gọi là cánh đồng Oateclô. Từ năm trước, Oenlinhtơn, với cái khiếu viễn cảm của mình, đã tìm hiểu địa hình cả vùng, dự phòng một trận đánh to có thể xảy ra ở đấy. Tóm lại, về đất này và về chuẩn bị cho trận sốn mái này, ngày 18 tháng 6, Oenlinhtơn đứng ở thế thuận lợi, còn Napoleon ở thế bất lợi. Quân Anh đóng phía cao, quân Pháp ở phía thấp.
Ở đây mà phác qua dáng dấp Napoleon, tay cầm ống nhòm, ngồi trên mình ngựa ở ngọn đồi Rốtxôm, sáng sớm ngày 18 tháng 6 năm 1815 ấy, kể ra cũng thừa. Bởi vì chưa cần phải chỉ ra, mọi người đã thấy rồi. Nét mặt bình tĩnh ấy dưới chiếc mũ con con của trường võ bị Bơriên, bộ quân phục màu lá cây có ve trắng che khuất tấm huân chương, chiếc áo khoác màu xám phủ mất tua vai, góc chiếc băng đỏ dưới áo ghi lê, cái quần bằng da, con ngựa trắng với tấm phủ lưng bằng nhung đỏ thẫm, thêu hình chim ưng và những chữ N cài mũ miện ở các góc, đôi ủng kỵ mã, bít tất lụa, đôi cựa bạc, thanh gươm ở Marănggô. Đó, toàn bộ hình dung của vị Xêda cuối cùng đứng sừng sững trong trí óc mọi người, mà có kẻ thì hoan hô, có kẻ thì lên án một cách nghiêm khắc.
Một thời gian khá lâu, con người ấy hiện lên hoàn toàn rực rỡ. Có lẽ vì chung quanh phần đông những bậc anh hùng thường có những thần thoại che khuất chân lý trong một thời gian. Nhưng ngày nay thì lịch sử cũng như chân lý đã tỏ tường cả rồi.
Lịch sử là thứ ánh sáng nghiêm khắc. Nó là ánh sáng và chính vì nó là ánh sáng, nên mới có cái lạ lùng và thiêng liêng, là nó đặt bóng tối vào chỗ mọi người chỉ nhìn thấy tia sáng; nó chia cũng một con người ấy ra làm hai kẻ khác nhau, để cho kẻ này công kích và đánh giá kẻ kia và để cho mọi thứ tối tăm của tay độc tài chồng nhau với mọi thứ rực rỡ của vị tướng lĩnh. Chính từ đó mới có được cái mức đo đúng hơn trong sự đánh giá cuối cùng của các dân tộc. Việc giày xéo Babilôn làm phẩm giá Alecđăng; việc chuyên chế đối với La Mã làm giảm giá Xêda và Giêruxalem bị chà đạp làm giảm giá Tituyl. Sự hung bạo đi theo bạo chúa. Khốn thay cho kẻ để lại sau mình bóng đêm mang hình dung của chính bản thân mình.
Hết: Chương IV, Xem Tiếp: Chương V
|
…