IMG.634

Chương IX

ĐIỀU BẤT NGỜ

Đoàn quân ấy gồm ba nghìn năm trăm người dàn thành một hàng trận dài một phần tư dặm. Người hộ pháp, ngựa khổng lồ. Tất cả là hai mươi sáu đại đội kỵ binh. Họ có sư đoàn của tướng Lephe Đenuét làm hậu thuẫn, lại thêm một trăm linh sáu cấm vệ quân ưu tú, một nghìn một trăm chín mươi bảy khinh kỵ binh và tám trăm tám mươi kỵ binh xử trường thương trong đội quân cận vệ. Họ đội mũ không có lông và mặc giáp sắt, súng ngắn gài bên yên, gươm dài treo lủng lẳng. Buổi sáng hồi chín giờ khi họ tiến ra mặt trận, đội ngũ hùng dũng, cờ mở trống giong, nhạc binh cử bài Bảo vệ đế quốc, một đội trọng pháo bên sườn, một đội ở trung tâm, toàn quân trầm trồ khen ngợi. Đoàn quân xếp rải ra hai hàng, giữa hai con đường Giơnáp và Phơrítsơmông ở trong trận tuyến thứ hai dũng mãnh mà Napoleon đã bố trí một cách rất khoa học, bên trái có đoàn giáp binh của Kenlécman, bên phải có đoàn giáp binh của Milô, như hai cái cánh sắt.
Sĩ quan cần vụ Bécna mang lệnh của Napoleon đến cho họ. Tướng Nê vung gươm xông lên trước. Cả đoàn quân rầm rộ tiến theo.
Một cảnh tượng hùng vĩ diễn ra.
Tất cả đoàn kỵ binh, gươm vung cao, cờ bay phấp phới, kèn trống vang vang. Nghìn người như một phi ngựa từ trên đồi Benlailiăng, chính xác và mãnh liệt lao xuống cái thung lũng khủng khiếp đã chôn vùi bao nhiêu chiến binh, khuất hẳn sau làn khói đạn rồi lại xuất hiện phía bên kia thung lũng, đội ngũ vẫn khép chặt thành một khối chắc nịch, ngựa phi dưới làn mưa đạn, leo lên sườn đồi Mông Xanh Giăng lầy lội ghê gớm. Đoàn kỵ binh xông lên oai nghiêm, dữ dội, không nao núng; tiếng vó ngựa ầm ầm giữa những đợt súng trường và đại bác. Hai sư đoàn như hai mũi dùi tiến lên, sư đoàn Vachiê bên phải, sư đoàn Đơlo bên trái, trông xa tưởng hai con rắn thép khổng lồ trườn lên đỉnh đồi và băng qua chiến trường như một điều kỳ diệu.
Sau đợt xung phong kinh khủng của đội kỵ binh đánh chiếm lũy bờ sông Matxcơva trước kia, thật chưa từng thấy một cuộc tấn công nào ghê gớm như thế này. Vắng mặt Muyra nhưng còn có Nê (Muarat và Nev là hai trong số những tướng ưu việt nhất của Napoleon. Cả hai đều nổi tiếng trong việc chỉ huy kỵ binh. Muarat là em rể Napoleon, được ông cho làm vua ở Naple, lúc này đang bị nghĩa quân Ý đánh). Đoàn quân tiến thành một con quái vật, tất cả chỉ có một linh hồn. Những đội quân dâng lên như sóng trào, cuồn cuộn như con bạch tuộc uốn mình sau làn khói mù mịt rách toang ở đôi chỗ. Mũ, gươm quay đao, mông ngựa chồm chồm trong tiếng hò hét, tiếng đại bác, tiếng kèn, gây nên một cảnh náo động dữ dội và có kỷ luật ghê rợn. Trên tất cả cái khối chuyển động ấy nổi bật những mảnh giáp sắt, như vẩy trên mình con rắn khổng lồ.
Cảnh tượng thật hùng vĩ như ở thời cổ đại xa xôi, trong những truyền thuyết hoang đường, những đoàn quân khổng lồ mặt người mình ngựa xông lên núi Ôlanhpơ, những đoàn quân kinh khủng, vĩ đại, bất tử, nửa thần linh nửa dã thú.
Một sự ngẫu nhiên: hai mươi sáu đại đội bộ binh chờ đón hai mươi sáu đại đội kỵ binh. Bên kia đỉnh đồi, nấp sau những cỗ pháo ngụy trang, bộ binh Anh bố trí thành mười ba đội hình vuông, mỗi đội hình vuông gồm hai đại đội, dàn thành hai hàng trận, bảy ô hàng thứ nhất, sáu ô hàng thứ hai, súng kề vai, nòng chĩa thẳng về phía trước mặt, chờ đón quân thù sắp đến, bình tĩnh, im lặng. Họ không trông thấy đoàn giáp binh, đoàn giáp binh cũng không trông thấy họ. Họ nghe đoàn kỵ binh phi ngựa tới như sóng triều dâng, tiếng vó ngựa dồn dập, nhịp nhàng càng ngày càng rõ, ba nghìn con ngựa đang phi nước đại, tiếng áo giáp, tiếng gươm loảng xoảng và một hơi thở lớn thật là ghê gớm. Một phút im lặng kinh hãi, rồi đột nhiên trên đỉnh đồi xuất hiện một hàng cánh tay vung gươm, mũ sắt nhấp nhô, kèn đồng sáng loáng, cờ phấp phới, ba nghìn cái đầu, ba nghìn bộ ria mép xám cùng kêu lên: Hoàng đế vạn tuế! Tất cả đoàn kỵ binh xông lên, mặt đồi rung chuyển như một cơn động đất. Rồi bỗng nhiên ở phía tả quân Anh, ở phía hữu quân ta, những hàng kỵ binh đầu chồn lại và thét lên một tiếng rùng rợn.
Họ đã xông lên đến ngọn đồi, máu sôi sục muốn tiêu diệt ngay quân thù, xéo bẹp những hàng bộ binh và pháo binh của giặc, bỗng nhiên một cái vực thẳm hiện ra giữa họ và quân Anh: chính là con đường trũng Ohanh.
Giây phút kinh khủng. Vực thẳm bất ngờ hiện ra trước mặt, ngay dưới chân ngựa, sâu hai sải, miệng toang hoác. Đoàn kỵ binh xô nhau xuống vực, hàng thứ hai xô hàng thứ nhất, hàng thứ ba xô hàng thứ hai, ngựa chồm lên ngã ngửa, giơ bốn vó rồi cứ thế tuột xuống vực đè lên những người kỵ binh; không sao giữ lại được; đoàn kỵ binh xông lên như vũ bão, tưởng đè bẹp quân Anh, lại xéo lên quân Pháp. Phải lấp đầy cái vực ác nghiệt ấy thì cái vực mới để cho quân Pháp vượt qua, người ngựa cứ xô nhau xuống đè bẹp lẫn nhau, nghiến nát lẫn nhau thành một khối thịt kinh khủng. Khi vực đã lấp đầy, những hàng kỵ binh sau xéo lên người, ngựa mà tiến. Gần một phần ba lữ đoàn Đuyboa bị vùi dưới vực. Thua trận bắt đầu từ đấy.
Người địa phương truyền lại, chắc là phần nào ngoa ngoắt, hai nghìn ngựa, một nghìn năm trăm kỵ binh bị chôn dưới con đường trũng Ohanh này. Con số đó có lẽ gồm cả những xác chết ngày hôm sau người ta vứt xuống đấy.
Cũng nên nhắc lại rằng chính lữ đoàn Đuyboa, thất bại nặng nề ở đây, một giờ trước tai nạn, đã tấn công quân địch và giật lá cờ của tiểu đoàn Luynơbua.
Napoleon trước khi ra lệnh xung phong cho đoàn kỵ binh Milô đã thăm dò địa hình, nhưng không nhìn thấy trên mặt đồi một dấu vết gì của con đường trũng Ohanh. Cái nhà thờ trắng nhỏ ở góc đường Niven cũng đã khiến ông nghi ngờ, ông đã hỏi người dẫn đường Lacôt chỗ ấy có chướng ngại gì không. Người dẫn đường trả lời không có gì. Cái lắc đầu của một người nông dân đã làm sụp cả cơ đồ của Napoleon, nói như vậy cũng không ngoa lắm.
Nhiều vận nạn khác còn đến tiếp.
Có thể nào Napoleon thắng được trận này không? Chúng tôi nói: Không. Vì sao? Tại Oenlinhtơn? Tại Bơluyse? Không. Do Chúa mà ra cả.
Bônapac mà thắng trận ở Oateclô thì điều đó không hợp với qui luật của thế kỷ mười chín nữa. Rất nhiều sự kiện mới đang chuẩn bị xuất hiện, nhưng Napoleon không có chỗ đứng trong đó nữa. Từ lâu đã có dấu hiệu việc chẳng chiều người. Đã đến lúc con người to rộng ấy phải sụp đổ.
Con người ấy đè nặng quá đáng lên vận mệnh nhân loại làm lệch mọi thế cân bằng. Riêng một mình ông mà chấp cả vũ trụ. Tất cả sinh lực tràn trào của loài người tập trung vào một đầu óc, cả thế giới như dâng lên trí tuệ một con người, nếu tình hình đó mà kéo dài thì văn minh có cơ tiêu diệt mất. Đã đến lúc luật công lý không gì suy suyển nổi ở trên cao phải chú ý. Bởi vì chắc hẳn bao nhiêu nguyên tắc, bao nhiêu lực lượng điều khiển mọi sự vận động bình thường trong lĩnh vực tinh thần cũng như trong lĩnh vực vật chất, đã lên tiếng phàn nàn. Máu thành sông, xương thành núi, tiếng khóc mất con, mất chồng, còn có những lời kêu ca nào đáng sợ hơn! Khi mặt đất rên xiết dưới một ách quá nặng nề, thì từ bóng đêm cũng có những lời rên rỉ huyền bí vang đến cao xanh lồng lộng.
Napoleon đã bị tố giác trước đất trời và sự sụp đổ của ông đã được quyết định.
Bởi vì ông làm rầy Chúa.
Cho nên Oateclô nào phải là một trận đánh, đó là cảnh tượng đất trời ngả về phía khác.
Hết: Chương IX, Xem Tiếp: Chương X

..

Tìm Kiếm