Chương XVIII
QUÂN QUYỀN THẦN THÁNH LẠI ĐƯỢC ĐỀ CAO
…..
Độc tài chấm dứt. Cả một hệ chế châu Âu sụp đổ.
Đế chế tan tành, thiên hạ rơi vào một thời kỳ tăm tối như hồi đế quốc La Mã suy tàn. Cuộc đời lại đầy hang sâu vực thẳm như thời các bộ lạc dã man. Có điều, cái dã man của năm 1815, mà phải gọi bằng tên cúng cơm của nó là phản cách mạng, vì ít hơi sức, nên mau thở dốc và chẳng làm gì được nữa. Phải nói thật là đế chế chết đi có nhiều người thương tiếc và toàn là những người anh dũng. Nó đã đi từ một lưỡi gươm đến ngai vàng và nếu như thế là vinh quang thì đế chế đích là vinh quang đấy. Nó đã gieo rắc trên đời tất cả ánh sáng mà một chế độ bạo tàn có thể ban phát ra. Đành rằng là thứ ánh sáng âm u, có thể nói thêm, là sáng nhưng mà tối. So với ban ngày rực rỡ, nó là đêm tối, nhưng cái đêm tối ấy mất đi thì cũng như đêm trăng bỗng dưng có nguyệt thực.
LouisXVIII trở lại Paris. Bao nhiêu nhiệt tình phấn khởi ngày 20 tháng 3 bị những cuộc nhảy múa trên vỉa hè xóa sạch. Trong ngôn ngữ, anh Coócxơ bị đem ra đối lập với chàng Bêacne(Napoleon là người đảo Coócxơ; tổ tiên của Lui XVIII là người Bêacne). Ngọn cờ trên vòm mái điện Tuylơri bây giờ màu trắng. Những kẻ trốn ra nước ngoài hồi Cách mạng nay trở về trị vì. Cái bàn gỗ bách của Hacoen đặt trước chiếc ghế trổ hoa huệ của Lui XIV. Câu chuyện Buvin, Phôngtơsoa (Những trận chiến thắng lớn thời quân chủ, trước chiến công Austelít của Bônapac nhiều) thuở nào mà cứ nói như mới xảy ra hôm qua, còn Austelít thì đã thành cũ rích. Ngôi vua và nhà thờ bắt tay nhau một cách oai vệ. Một trong những hình thức tổ chức xã hội được công nhận ở thế kỷ mười chín được thiết lập ở Pháp và nhiều nước khác trên lục địa. Cả châu Âu dùng phù hiệu màu trắng. Tơrétxtaiông đâm nổi tiếng. Khẩu hiệu “Đệ nhất thiên hạ” (Nguyên văn Latinh) lại xuất hiện trên bức chạm đá khắc hình mặt trời tỏa sáng, đặt trước cửa doanh trại ở bờ Oócxê. Chỗ trước kia quân cận vệ đóng thì bây giờ là một đồn cảnh sát. Đài chiến thắng Caruxen, có lẽ mang nhiều chiến công quá mà sinh ra lạc lõng giữa bao nhiêu thứ mới mẻ. Hình như nó cũng hơi xấu hổ với cái vũ công Marănggô và Accôn, nên đã xoay xở với cái tượng của quận công Ănggulêm. Nghĩa địa Mađolen là cái hố chung ghê gớm hồi 93, bây giờ đều xây đá hoa, đá vân cả vì đây vốn có hài cốt của Lui XVI và Mari Ăngtoanét. Ở Vanhxen, một cái tháp được xây lên trên mồ quận công Ăngganh, nhắc lại rằng quận công bị giết ngay trong tháng Napoleon làm lễ đăng quang. Giáo hoàng Pi VII đã cử hành lễ đăng quang gần với ngày công tước Ăngganh chết, thì bây giờ lặng lẽ cầu phúc về sự sụp đổ cũng như trước kia ông đã ban phúc cho bước đi lên. Ở Sônbơrơn có một em nhỏ bốn tuổi, mong manh như một cái bóng, ai gọi em là vua La Mã thì cũng như là phiến loạn. Ấy, cuộc đời cứ như thế, tất cả các vị vua chúa các nơi đều trở lại ngôi cũ, còn người làm bá chủ châu Âu thì nay đã ở trong tù. Chế độ cũ bây giờ trở thành chế độ mới, trên khắp mặt đất chỗ tối đã thành sáng và chỗ sáng đã thành tối. Tất cả đều chỉ vì, một buổi chiều mùa hè nọ, một chú chăn cừu đã nói ở trong rừng với một người Phổ: đi lối này chứ đừng đi lối kia!
Cái năm 1815 ấy quả như một đầu xuân ảm đạm. Những thực tế dơ bẩn, độc địa của một chế độ già nua bỗng khoác lên mình một chiếc áo mới. Lừa dối khoác áo cách mạng 1879. Quân quyền thiêng liêng đeo một cái mặt nạ là bản hiến chương. Những cái bịa đặt cũng vỗ ngực ta đây là hợp hiến. Bao nhiêu thành kiến, mê tín, mưu toan đều tâm tâm niệm niệm cái khoản 14 và phủ lên mình lớp sơn của chủ nghĩa tự do. Thật chẳng khác gì khác loài rắn thay da.
Napoleon đã làm cho con người lớn lên nhưng đồng thời cũng bé nhỏ lại. Lý tưởng, ở vào cái thời vật chất huy hoàng làm chúa tể ấy, được tặng cái tên lạ lùng là hệ ý thức. Con người anh hùng đó đã dại dột chế nhạo tương lai. Nhưng nhân dân khắp nơi, dù có phải làm bia đỡ đạn, cũng cứ say mê con người cầm súng ấy và thâm tâm hằng mong đợi. Ông ấy đang ở đâu? Đang làm gì? Một người qua đường nói với một thương binh đã từng tham gia các trận Marănggô và Oateclô: “Napoleon chết rồi”. Người lính ấy liền cãi lại: “Người mà chết à! Anh biết Người rồi chứ!” Trong trí tưởng tượng của quần chúng, con người bị quật đổ ấy đã trở thành bất tử. Sau Oateclô cảnh trời châu Âu như tối sầm lại. Napoleon biến đi, để lại rất lâu một khoảng trống mênh mông.
Bọn vua chúa nhảy vào chỗ trống ấy. Các chế độ già cỗi của bọn châu Âu lợi dụng cơ hội vực nhau đứng dậy. Một liên minh thần thánh được hình thành. “liên minh hẩu” thì đúng hơn. Cánh đồng Oateclô tai ác đã báo trước điều đó bằng cái tên một quả đồi của mình (Đồi Ben La Liăng, tên Pháp có nghĩa là “Liên minh hẩu”).
Châu Âu cổ đang hồi phục. Đứng trước tình hìnhđó, một nước Pháp mới được phác ra trên những nét lớn. Tương lai mà trước kia Napoleon hay chế giễu, bắt đầu xuất hiện trên trán đeo một ngôi sao, sao Tự do. Các thế hệ trẻ đều nhiệt liệt hướng về ngôi sao ấy. Điều lạ là họ vừa mê tương lai, là Tự do, lại vừa tiếc cái quá khứ, là Napoleon. Cuộc bại trận ai ngờ đã làm kẻ thua trận lớn lên. Bônapac ngã xuống lại có vẻ cao hơn Napoleon đang đứng. Do đó những chiến thắng sinh lo ngay ngáy. Nước Anh cắt Hơtxơn Lô coi giữ, nước Pháp cho Môngsơnuy rình mò. Con người khoanh hai chúa. Alêcdăng coi ông ta là mối lo mất ngủ của mình. Thật ra tất cả sự hãi hùng kia sở dĩ có là do ông đã chất chứa trong mình một khối lượng cách mạng quá lớn. Điều đó cũng cắt nghĩa cái chủ nghĩa tự do Bônapac, vừa cắt nghĩa mà cũng vừa tha thứ. Cái bóng ma ấy vì thế cứ làm cho cả thế giới cũ run sợ. Còn cái mỏm đá Xanh Hêlen thấp thoáng ở chân trời thì vua chúa đều như nhấp nhỏm ngồi không yên trên các ngai vàng.
Napoleon mòn mỏi dần ở Lôngut thì sáu vạn người ngã xuống ở chiến trường Oateclô cũng yên lặng mà trở thành tro bụi. Chút ít yên tĩnh của họ đã lan tỏa vào cuộc đời. Hội nghị Viên tiếp thu cái yên tĩnh ấy làm thành cái hiệp định năm 1815. Cả châu Âu gọi đó là Phục hưng.
Đấy Oateclô là như thế đấy.
Nhưng cái đó có nghĩa lý gì đối với vô biên vô tận? Đứng trước mênh mông một con bọ nhảy từ lá cỏ này sang lá cỏ kia, có khác gì con chim phượng hoàng bay từ tháp chuông này qua tháp chuông nọ cho đến các tháp cao của nhà thờ Đức Bà. Cho nên tất cả cá thứ bão tố, mây mù, chiến tranh, hòa bình, bóng tối kia cũng chẳng làm mờ nổi một phút ánh mắt của vô biên!
Hết: Chương XVIII, Xem Tiếp: QUYỂN II -CHIẾC TÀU ÔRIÔNG –Chương I
|