QUYỂN II -CHIẾC TÀU ÔRIÔNG
Chương I
SỐ 24.601 TRỞ THÀNH SỐ 9.430
…..
Giăng VanGiăng đã lại bị bắt.
Bạn đọc sẽ lấy làm hài lòng khi thấy chúng tôi lướt qua các chi tiết đau thương. Chúng tôi chỉ xin chép ra đây hai mẩu thời sự đăng trên các báo ngày ấy, mấy tháng sau khi xảy ra những việc lạ lùng ở Môngtơrơi Xuya Me.
Những bài báo ấy hơi sơ lược. Chúng ta nhớ rằng thời ấy chưa có Tư pháp nhật báo.
Chúng tôi lấy bài thứ nhất ở tờ Lá cờ trắng, số ra ngày 25 tháng 7 năm 1823.
“Ở một quận thuộc tỉnh Pa-đơ-Cale vừa xảy ra một việc lạ thường. Một người không phải nguyên quán ở đấy tên là ông Mađơlen, mấy năm nay nhờ những phương pháp mới đã chấn hưng một nền công nghiệp vốn có sẵn ở địa phương, là nghề làm đồ huyền và đồ thủy tinh đen. Nhờ thế hắn đã làm giàu và phải nói cũng làm giàu cho cả quận. Để tưởng lệ công lao, người ta đã cử hắn làm thị trưởng. Gần đây sở cảnh sát phát hiện cái ông Mađơlen ấy chính là một tên tù khổ sai trốn quản thúc, tên là Giăng VanGiăng hiện đã bị tống lao lại. Hình như trước khi bị bắt, hắn đã kịp đến ngân hàng Laphit rút ra số tiền hơn năm mươi vạn gửi tại đó; nói cho đúng thì số tiền ấy hắn kiếm được rất chính đáng trong kinh doanh, người ta bảo thế. Không ai biết khi bị bắt giam lại vào ngục Tulông, Giăng VanGiăng đã giấu số tiền ấy ở đâu”.
Bài báo thứ hai, nhiều chi tiết hơn một chút, trích ở tờ Paris nhật báo, cũng ngày ấy:
“Một tên tội phạm đã được phóng thích tên là Giăng VanGiăng vừa mới phải ra trước tòa đại hình hạt Va trong những trường hợp khá ly kỳ. Tên đại bợm này đã lừa bịp được cả con mắt tinh tế của sở cảnh sát; hắn đổi tên và tìm cách xoay được chân thị trưởng ở một thành phố nhỏ miền Bắc. Hắn lại đặt được một cơ sở kinh doanh khá lớn ở thành phố ấy. Nhưng cuối cùng, nhờ sự mẫn cán không mệt mỏi của công tố viên, hắn đã bị lột mặt nạ và bị bắt. Hắn có một con vợ không cưới xin, nguyên là một gái giang hồ; lúc chồng bị bắt thì con vợ sợ quá mà chết! Tên khốn kiếp ấy, khỏe như vâm, đã tìm cách trốn thoát nhà giam nhưng chỉ ba, bốn hôm sau, cảnh sát lại bắt được hắn, ở ngay Paris, giữa lúc nó sắp sửa đáp một chiếc xe nhỏ chạy con đường từ thủ đô đến làng Môngphecmây (tỉnh Xen-ê-Oađơ). Người ta đồn rằng hắn lợi dụng ba, bốn ngày được tự do ấy để rút một số tiền to gửi ở một nhà ngân hàng lớn tại thủ đô. Số tiền ấy ước có đến sáu, bảy mươi vạn phơrăng. Theo bản cáo trạng thì hắn đã chôn số tiền ấy ở một nơi chỉ mình hắn biết, vì thế, chưa lọt vào tay cảnh sát. Dù sao, tên Giăng VanGiăng cũng vừa bị truy tố trước tòa đại hình hạt Va; hắn bị khép vào tội cướp đường có vũ khí, xảy ra khoảng tám năm về trước; nạn nhân là một đứa trẻ lương thiện trong đám thiếu niên đã được “Lão trượng Phécnê” (Mệnh danh của nhà văn và nhà triết học tiến bộ Pháp Vônte thế kỷ XVIII, Phécnê một thị trấn ở sát Thụy Sĩ, nơi Vônte cư trú 20 năm lúc về già) diễn tả trong bài thơ bất hủ:
Các em từ đất Xavoa
Hàng năm trở lại, đi qua vùng này
Các em đưa nhẹ bàn tay
Chùi lau ống khói bám đầy muội đen.
Tên tướng cướp ấy đành cam không chối cãi. Viện công tố đã khôn khéo và hùng hồn chứng tỏ rằng Giăng VanGiăng ăn cướp có tùng đảng và hắn có chân trong một ổ trộm cướp ở miền Nam. Do đó, tòa tuyên bố Giăng VanGiăng là tội phạm và khép án tử hình. Tên tội phạm ấy không xin chống án lên tòa phá án. Hoàng thượng đã lấy lượng khoan hồng như trời bể mà ban đặc ân cho được đổi thành án khổ sai chung thân. Lập tức Giăng VanGiăng bị giải ra nhà lao Tulông”.
Người ta không quên rằng khi ở Môngtơrơi Xuya Me, Giăng VanGiăng đã tỏ ra mộ đạo. Cho nên một vài tờ báo, trong đó có tờ Lập hiến trình bày việc chuyển giảm tội hình này như một thắng lợi của phái công giáo.
Vào nhà lao, Giăng VanGiăng đổi số hiệu. Bây giờ tên hắn là 9.430.
Cũng nên nói ngay điều này để khỏi phải trở lại: Mất ông Mađơlen, thị trấn Môngtơrơi Xuya Me cũng mất cảnh phồn vinh. Tất cả những điều ông ta dự đoán trong đêm thao thức và lên cơn sốt đã xảy đến. Mất ông, thị trấn đã mất cái linh hồn. Ông sụp đổ thì ở thị trấn cũng xảy ra việc chia của ích kỷ, việc xâu xé thầm lặng những phồn vinh sau khi các cuộc đời lớn sụp đổ. Đó là điều tất nhiên trong cộng đồng nhân loại, tuy lịch sử chỉ nói đến có một lần vì nó diễn ra sau khi Alêcxăng chết (Alexandre, vua xứ Maxêđoan, sống vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Là nhà quân sự thiên tài, ông đã chinh phục một đế quốc rộng lớn bao gồm Hy Lạp, Tây Á, Ba Tư, một phần Ấn Độ. Các tướng lĩnh của ông đánh nhau dữ dội để giành đất đai ngay sau khi ông chết). Tướng lĩnh xưng vương sau khi hoàng đế băng hà, đốc công cũng tự tôn làm nhà sản xuất sau khi ông chủ qua đời. Sự cạnh tranh đố kỵ diễn ra. Các xưởng thợ rộng lớn đóng cửa các tòa nhà đổ nát. Thợ thuyền phân tán, người bỏ xứ, kẻ bỏ nghề. Từ đấy chỉ có sản xuất nhỏ, không còn nền công nghiệp qui mô ngày trước. Người ta sảm xuất vụ lợi chứ không vì lợi ích công cộng. Không có trung tâm, đâu đâu cũng chỉ có cạnh tranh, cạnh tranh khốc liệt. Ngày xưa ông Mađơlen ở trên tất và điều khiển tất. Ông đổ xuống, mỗi người đều cố kéo mối lợi về mình. Óc đấu đá chiếm chỗ của óc tổ chức, lòng hám lợi thay lòng nhân ái. Ngày xưa ông chủ sáng lập ân cần sốt sắng với tất cả mọi người, ngày nay mọi người thù hằn nhau. Những chỉ buộc của ông Mađơlen ngày xưa bây giờ rối mù và đứt tung. Người ta làm gian dối trong sản xuất, làm mất phẩm chất của sản phẩm, do đó không được khách hàng tín nhiệm nữa. Người mua ít đi, đơn đặt hàng giảm sút. Tiền công bớt. Các xưởng hết việc. Rồi phá sản. Không còn phúc lợi gì cho kẻ khó nữa. Tất cả đã tan như mây khói.
Nhà nước cũng nhận thấy có ai bị đè chết ở đâu đây. Không đầy bốn năm sau khi tòa đại hình thẩm định ông Mađơlen và tên tù khổ sai Giăng VanGiăng chỉ là một và tống người ấy vào nhà lao, thì ở quận Môngtơrơi Xuya Me, phí tổn như thuế cũng tăng lên gấp đôi. Ông Đơ Vilen đã nhận xét điều đó trên diễn đàn nghị viên vào hồi tháng 2 năm 1827.
Hết: QUYỂN II -CHIẾC TÀU ÔRIÔNG -Chương I, Xem Tiếp: Chương II
|