QUYỂN IV-CĂN NHÀ NÁT GORBÔ
Chương III
HAI BẤT HẠNH HỢP THÀNH HẠNH PHÚC
….
Hôm sau, tảng sáng, Giăng VanGiăng vẫn còn ngồi bên giường Côdét. Ông ngồi lặng yên, chờ con bé dậy.
Một cái gì mới lạ nảy nở trong tâm hồn Giăng VanGiăng.
Ông chưa từng biết yêu bao giờ. Hai mươi lăm năm nay, một thân ông trơ trọi trên đời. Ông chưa hề làm cha, làm người yêu, làm chồng, làm bạn. Trong tù thì xấu tính xấu nết, lầm lì, trai giới, dốt nát, dữ tợn. Tấm lòng người tù già ấy còn lắm điều trinh khiết. Người chị và mấy đứa cháu chỉ còn là những hình ảnh phai mờ, xa xôi, hầu như không còn gì nữa. Ông đã hết sức thăm dò tìm kiếm mà không thấy, nên rồi cũng quên mất. Con người vẫn thế. Những kỷ niệm êm đềm thời niên thiếu, nếu có đi nữa, cũng đã chìm trong vực thẳm.
Lúc thấy Côdét, lúc bắt nó mang về, lúc giải thoát được cho nó, ông thấy lòng mình bồi hồi xúc động.
Những tình cảm thiết tha, trìu mến thức dậy trong lòng, trút cả vào con bé. Ông lại gần giường nó ngủ, run run sung sướng. Ông thấy lòng quặn đau như lòng người mẹ, mà không biết nó là cái gì. Trái tim lúc bắt đầu yêu có những xúc động lớn lao, lạ lùng; thật là huyền bí, êm đềm.
Thương thay, tấm lòng già còn thơ dại.
Nhưng vì ông đã năm mươi lăm tuổi mà Côdét mới lên tám nên tất cả yêu đương mà trái tim ông suốt đời có thể chứa đựng được đã hòa tan thành một nguồn ánh sáng êm đềm không sao tả được.
Đây là lần thứ hai trong đời Giăng VanGiăng được thấy màu trắng hiển hiện. Trước kia, ông giám mục đã làm thức tỉnh đạo đức, rạng rỡ như buổi bình minh, bây giờ Côdét thức tỉnh tình yêu trong lòng ông, như buổi bình minh thứ hai.
Những ngày đầu trôi qua trong cảnh xán lạn đó.
Về phần Côdét cũng vậy, Côdét cũng biến đổi, nhưng tội nghiệp, nào nó có biết đâu. Nó xa mẹ từ ngày còn bé tí, nay không còn nhớ gì nữa. Côdét cũng như mọi trẻ khác, giống như cành nho con, gặp gì cũng quấn lấy, nó tìm để mà yêu. Nhưng nào có được. Ai ai cũng ruồng rẫy nó, từ vợ chồng Tênácđiê, đến hai đứa con, cả trẻ khác nữa. Nó mới yêu con chó thì con chó lăn ra chết. Chẳng ai thèm chơi với nó, cái gì cũng muốn xa nó. Như đã nói ở trên, mà nói ra thì thật là bi thảm, con bé mới tám tuổi đầu mà lòng đã nguội lạnh. Có phải lỗi ở nó đâu, đâu có phải con bé không biết yêu, song, có ai đâu để mà yêu chứ. Thành ra ngay từ hôm đầu, nó thương yêu ông già thắm thiết. Nó có một cảm giác lạ lùng chưa từng thấy bao giờ; lòng nó như bừng nở.
Mắt nó nom ông già không thấy già nua, nghèo khổ. Nó thấy Giăng VanGiăng đẹp tựa như nó thấy căn nhà này xinh vậy.
Đó là những ảo ảnh mà bình minh, ngày thơ ấu, tuổi thanh xuân, hạnh phúc đem lại. Cảnh vật mới mẻ, cuộc sống mới mẻ cũng có phần tác động nữa. Không có gì đẹp bằng những màu sắc long lanh của hạnh phúc trong một gian nhà tiều tụy. Trong quá khứ, chúng ta đều có một cái ổ xanh tươi.
Thiên nhiên, cái khoảng cách dài năm mươi năm đã đào một cái hố sâu giữa Giăng VanGiăng và Côdét. Cái hố ngăn cách ông đã được số mệnh lấp bằng. Số mệnh đã đột ngột gắn liền với một sức mạnh không gì ngăn cản nổi, hai cuộc đời bật rễ, khác nhau về lứa tuổi mà giống nhau về tóc tang. Cuộc đời này bổ sung cho cuộc đời kia. Bản năng dẫn Côdét đi tìm một người cha, bản năng dẫn Giăng VanGiăng đi tìm một người con. Gặp nhau là đã tìm thấy nhau rồi. Khi hai cái bàn tay của họ chạm vào nhau thì tức khắc đã gắn liền với nhau, cùng trong một phút giây huyền bí. Khi hai tâm hồn ấy trông thấy nhau thì đã nhận ra nhau, người nọ nhận ra ở người kia con người mà họ đang cần; và họ đã ôm chặt lấy nhau.
Dùng danh từ với cái nghĩa dễ hiểu nhất và tuyệt vời nhất, ta có thể nói rằng, cách biệt với tất cả cuộc đời như giữa những bức tường của nhà mồ, Giăng VanGiăng là người đàn ông góa bụa, Côdét là đứa trẻ mồ côi. Trong hoàn cảnh ấy Giăng VanGiăng đã trở thành một cách thiêng liêng, người cha của Côdét.
Thực ra cái cảm giác huyền bí mà Côdét thấy trong rừng sâu, khi bàn tay Giăng VanGiăng nắm tay em trong bóng tối, không phải là một ảo tưởng mà là một điều có thực. Giăng VanGiăng đến với em bé ấy tức là Chúa đã đến với em.
Giăng VanGiăng đã khéo chọn được nơi này mà ẩn náu. Hình như được hoàn toàn yên thân.
Căn buồng mà ông cùng với Côdét ở, có cửa sổ trông ra phố. Cả nhà chỉ có độc một cái cửa sổ này, nên không sợ có kẻ nào nhòm nom vào được, cả hai bên hay từ trước mặt cũng thế.
Tầng dưới ngôi nhà số 50-52 là một cái kho đổ nát, dùng làm nơi chứa xe của bọn hàng rau, nhà dưới không có lối nào lên tầng trên được. Sàn gác không đục cửa, không có cầu thang, thành thử tầng trên tầng dưới cách biệt hẳn nhau như có một cái màng ngăn vậy. Tầng trên có nhiều buồng và mấy gian gác xép, bà già giúp việc Giăng VanGiăng ở một gian, còn thì bỏ không cả.
Bà già này gọi là người thuê nhà chính cho đẹp, chứ thật ra chỉ có nhiệm vụ gác cổng. Bà ấy đã cho Giăng VanGiăng thuê lại cái buồng, đúng hôm lễ Giáng sinh. Ông tự xưng là một nhà tư sản bị khánh kiệt trong vụ quốc trái Tây Ban Nha, nên ông đến đây ở với đứa cháu gái. Ông trả tiền nhà trước sáu tháng và nhờ bà già sắm cho ít đồ đạc bày biện trong buồng như ta vừa thấy. Bà ấy đã chu đáo đốt lò và sửa soạn mọi thứ, tối hôm ấy ông đưa đứa nhỏ về.
Mấy tuần lễ qua. Hai con người ấy sống sung sướng trong căn nhà khốn khổ. Vừa bảnh mắt đã thấy Côdét cười, nói bi bô, ca hát. Trẻ đứa nào sáng dậy chả hát như chim hót. Đôi khi Giăng VanGiăng cầm cái bàn tay nhỏ tím bầm, nứt nẻ, và nâng lên môi hôn. Đứa trẻ xưa nay chỉ biết có roi vọt không hiểu gì cả và bẽn lẽn chạy ra.
Cũng có lúc em nghiêm nghị ngắm nhìn cái áo dài đen của em. Côdét không mặc áo rách nữa mà bận đồ tang. Em đã ra khỏi cảnh nghèo khổ và bước vào cảnh đời.
Giăng VanGiăng bắt đầu dạy chữ cho Côdét. Thỉnh thoảng khi dạy Côdét đánh vần, ông nhớ lại ông đã tập đọc ở nhà lao với ý định là để làm điều xấu, nay hóa ra để dạy một đứa trẻ học và người tù khổ sai mỉm cười cái nụ cười trầm tư của thiên thần.
Ông cảm thấy có sự xếp đặt trước của bề trên, một ý muốn không phải của người đời và ông đắm đuối trong mơ mộng. Những ý tốt lành cũng sâu thẳm như những mưu đồ xấu xa.
Bấy giờ hầu như tất cả cuộc đời của Giăng VanGiăng chỉ là để dạy Côdét học và cho Côdét chơi. Ông lại còn đem chuyện mẹ nó kể cho nó nghe và bảo nó cầu kinh.
Nó gọi Giăng VanGiăng là cha; nó không biết ông còn có tên gì khác.
Ông ngồi ngắm nó hết mặc áo rồi lại cởi áo cho búp bê, nghe nó nói rúc ra rúc rích hàng giờ không chán. Từ nay, ông thấy cuộc đời đầy ý nghĩa, người đời ai cũng tử tế, công bằng; trong thâm tâm ông không oán trách gì ai cả. Bây giờ, con bé ấy nó yêu mến ông, thì chẳng tội gì mà không sống rõ lâu nữa. Côdét như một luồng ánh sáng êm dịu rọi vào tương lai ông. Người ta tốt đến đâu cũng không tránh khỏi những ý ích kỷ. Đôi khi ông có ý mừng khi thấy Côdét sau này sẽ chẳng nhan sắc gì.
Sau đây chỉ là một ý kiến riêng. Để nói hết, thì chúng tôi nghĩ rằng từ khi Giăng VanGiăng đem lòng thương yêu Côdét như thế, thì mối tình ấy là khoản viện trợ giúp cho ông tiếp tục sống một đời sống nhân hậu. Ông vừa được thấy lòng độc ác của người đời, cái xã hội khốn nạn, dưới những khía cạnh mới; những khía cạnh này chưa đầy đủ và chỉ biểu hiện một mặt của sự thật: số phận người đàn bà trong hình ảnh Phăngtin, quyền lực của nhà nước trong nhân vật Giave. Ông lại phải vào tù, lần này vào tù vì một điều thiện. Cuộc đời lại tràn ngập những nỗi đắng cay. Ông lại chán nản, ngã lòng. Đôi khi, hình ảnh ông giám mục cũng bị che lấp, tuy sau này lại hiện lên rực rỡ, vinh quang; nhưng dù sao hình ảnh thiêng liêng ấy cũng mờ yếu dần. Biết đâu Giăng VanGiăng chẳng sắp nản lòng và sa ngã lượt nữa? Nhưng ông yêu, nên lòng thêm mạnh mẽ. Lúc bấy giờ than ôi, ông cũng đương bước cao bước thấp chẳng kém gì Côdét. Ông che chở cho Côdét, Côdét làm cho lòng ông thêm vững vàng. Ông dắt Côdét đi trên đường đời và nhờ Côdét, ông mạnh bước vào con đường đạo đức. Côdét nương tựa vào ông, còn ông, ông tựa vào Côdét mà sống. Số phận con người điều hòa như vậy, thật là bí ẩn huyền diệu vô cùng.
Hết: Chương III, Xem Tiếp: Chương IV
|