QUYỂN VI
Chương I
NHÀ TU PƠTI PICHPUÝT
I
NGÕ PICHPUÝT, SỐ 62
….
Cái cổng lớn số nhà 62, trong ngõ Pichpuýt, cách đây nửa thế kỷ, cũng giống như mọi cổng lớn khác. Thường ngày, cổng vẫn hé mở, khiến ai cũng phải nhòm vào; nhìn vào cũng không có gì thảm đạm lắm: một cái sân có tường bao quanh, phủ đầy lá nho xanh, một khuôn mặt bác gác cổng đang đi thơ thẩn. Phía trong cùng, những chòm cây to vươn lên khỏi bờ tường. Những khi vườn hé chút ánh nắng hay khuôn mặt bác gác tươi cười vì có chút hơi men thì khách qua đường, ai cũng cảm thấy lòng vui phơi phới. Thế mà ngôi nhà số 62 là một nơi vô cùng u uất, mà chúng ta đã được nhìn qua.
Ngoài cửa thì vui tươi, trong nhà thì chỉ nghe thấy tiếng cầu kinh và tiếng khóc.
Nào mấy ai đã qua được bác gác mà vào nhà; muốn qua được bác, phải biết một câu thần chú như kiểu “úm ba la mở cửa ta vào”; khi qua được bác, ta thử rẽ vào căn phòng nhỏ ở phía tay phải; một cái thang gác chật hẹp giữa hai bức tường, chỉ vừa đủ một người đi; màu vôi vàng sẫm thật dễ sợ; cầu thang đánh bóng, màu nâu. Nếu ta có gan mạo hiểm leo lên, ta sẽ qua chỗ quặt đầu tiên, chỗ quặt thứ hai, rồi ta đến một cái hành lang; vẫn cái màu vàng đùng đục, vẫn cái chân tường màu sô-cô-la theo dõi ta. Hai cái cửa sổ xinh đẹp chiếu sáng xuống cầu thang và chiếu vào hành lang. Đến một chỗ quặt thì hành lang tối sầm lại. Nếu ta cứ bước thêm vài bước nữa, ta sẽ thấy một cái cửa bí mật, bí mật chính bởi vì nó không đóng lại. Đẩy cửa vào thì là một căn buồng chừng ba mét vuông, lát đá hoa; lau chùi sạch sẽ, lạnh lẽo, tường trải thứ giấy hoa xanh mười lăm xu một cuộn. Bên trái, choán hết chiều ngang cái buồng, một cái cửa kính ô nhỏ để lọt vào một thứ ánh sáng nhàn nhạt. Mắt nhìn không thấy một bóng người; tai nghe không thấy một bước chân đi, không một tiếng thì thào. Tường trần trụi không bọc gì, buồng không có đồ đạc, đến một cái ghế cũng không.
Nhìn mãi mới thấy ở bức tường trước mặt một cái lỗ hình vuông, độ ba tấc vuông, chăng một hàng chấn song sắt màu đen, đan chéo nhau, sần sùi, chắc chắn. Các song sắt ngang dọc làm thành những hình vuông có thể nói những mắt lưới vuông đường huyền năm sáu phân. Những bông hoa vẽ màu xanh trên tường cứ thản nhiên và đều đặn kéo đến gần những ô sắt, không tỏ vẻ gì khiếp sợ và rối loạn. Ta có thể tưởng tượng một con người gầy đét dù lọt ra, hay lọt vào qua lại ô vuông ấy, thì những cái gióng sắt kia sẽ cản lại. Nó không để thân thể lọt qua, nhưng để cho mắt lọt, nghĩa là tinh thần. Hình như người ta đã nghĩ đến điều đó vì ta thấy họ đã đóng thêm một tấm thiếc vào tường ở phía sau một ít, tấm thiếc đục hàng ngàng lỗ nhỏ li ti, nhỏ hơn lỗ môi hớt bọt.
Ở phía dưới tấm thiếc có đục thủng một khe nhỏ như miệng hòm thư. Bên phải cái khe, treo thòng lọng một mẩu dây để kéo chuông.
Cầm dây giật, tức thì một tiếng nói ngay sát đấy làm ta phải rùng mình.
– Ai đấy.
Tiếng ấy là tiếng đàn bà, một tiếng nói nhẹ nhàng, vì nhẹ nhàng quá nên nghe ra thảm đạm.
Nơi này, cũng phải biết một câu thần chú thì cửa mới mở. Nếu không, tiếng nói sẽ lại câm lặng, bức tường im lìm, tưởng như phía bên kia tường chỉ có bóng tối khủng khiếp nơi mộ địa.
Nếu ta biết câu bí mật, tiếng nói kia sẽ tiếp:
– Rẽ sang tay phải.
Nhìn sang bức tường phía tay phải, đối diện với cửa sổ, ta thấy một cái cửa lắp kính, sơn màu xám, bên trên là một khung kính. Nhấc cái chốt bước qua cửa, ta có cảm tưởng hệt như khi ta bước chân vào cái buồng con ở rạp hát khi chấn song chưa hạ xuống và đèn chưa thắp lên. Buồng này quả giống như một buồng con trong rạp hát, chỉ có ánh sáng phía cửa kính tỏa xuống mờ mờ, hẹp, kê hai cái ghế cũ và một cái đệm rơm đã xơ xác, đứng như một cái buồng rạp hát, phía trước có một cái bàn nhỏ bằng gỗ đen. Phòng đó tứ bề có chấn song, nhưng không phải thứ chấn song bằng gỗ thếp vàng trong rạp Ôpêra ở Paris, mà lại là một thứ chấn song sắt khủng khiếp chằng chịt, đóng vào tường bằng những chốt to tướng trông như những nắm tay.
Mấy phút qua, khi mắt đã quen với thứ bóng tối mờ mờ như ở dưới hầm ấy, ta thử đi qua lớp chấn song; nhưng được vài bước, lại có một hàng cửa ván đen ngòm chắn ngang trước mặt. Cửa thì đầy những then ngang của hàng chấn song và lúc nào cũng đóng im ỉm.
Một lát sau, một tiếng nói từ sau cửa vọng ra gọi khách và hỏi:
– Tôi đây, người cần gì ở tôi?
Tiếng nói ấy là tiếng nói của một người thân mến, nhiều khi là tiếng nói của người yêu. Không thấy bóng người. Đến một hơi thở cũng không nghe thấy. Hình như hồn ma nào từ dưới mồ vọng lên chuyện trò với khách.
Có khi, trong những trường hợp hiếm hoi, một cánh cửa mở ra trước mặt khách, hồn ma ấy hiển hiện lên. Sau lưới sắt, bên trong cửa sổ, có một cái đầu, nhưng chỉ nhìn thấy miệng và cằm, còn thì là một cái khăn voan đen kín mít. Thấp thoáng một cái yếm đen, một hình người phủ mảnh vải liệm đen. Cái đầu ấy nói chuyện với khách, nhưng không nhìn khách và chẳng bao giờ hé một nụ cười.
Ánh sáng từ phía cửa sổ soi vào, khiến khách thấy cái đầu ấy trắng xóa, còn khách chỉ là một cái bóng đen ngòm. Ánh sáng ấy có một ý nghĩa tượng trưng.
Qua lỗ hổng, mắt khách chăm chăm nhìn vào khoảng tối âm u, tĩnh mịch. Tứ bề xung quanh cái hình người mặc đồ tang, chỉ là một thứ không khí mơ hồ thăm thẳm. Mắt khách chăm chú tìm tòi xem trong khoảng mơ hồ ấy có nhận được vật gì, ngoài bóng ma không. Một lát sau mới nhận ra là chẳng trông thấy gì hết. Chỉ thấy đêm tối, khoảng không trống rỗng, bóng đen mù mịt, một thứ sương mù quyện với hơi sương lạnh lẽo ngoài bãi tha ma; và yên lặng ghê người, không thấy gì hết, không có cả đến hơi thở dài não nuột; toàn là bóng tối, không thấy cả đến bóng ma vơ vẩn.
Nơi ấy là nhà tu kín.
Nhà tu ảm đạm, khắc khổ này thuộc dòng thánh Becna, gọi là nhà tu “Chầu mình Thánh hàng ngày”. Cái “buồng xem hát” vừa rồi, là phòng tiếp khách; tiếng nói đầu tiên với khách là tiếng nói của một nữ tu giữ cửa, lúc nào cũng ngồi lặng thinh, ở phía tường bên kia, gần cái cửa vuông nhỏ có hàng chấn song sắt và tấm thiếc đục nhiều lỗ bảo vệ đến hai lần.
Cái phòng khách bịt lưới sắt tối om, vì chỉ có một cửa sổ để lọt ánh sáng từ ngoài vào, còn phía nhà tu thì không có. Con mắt trần tục không được nhìn vào nơi thiêng liêng kia.
Tuy đây là bóng tối, nhưng bên kia vẫn có ánh sáng. Trong cõi chết này vẫn có một cuộc sống. Nhà tu này là nhà tu kín cổng cao tường nhất, nhưng ta cứ thử vào và đưa bạn đọc vào để xem đời sống bên trong ra sao và thuật lại có chừng mực những điều xưa nay chưa ai từng thấy, do đó cũng chưa kể bao giờ.
Hết: QUYỂN VI – Chương I, Xem Tiếp: Chương II
|
.