QUYỂN VII
Chương V
SỰ CẦU NGUYỆN
…..
Họ cầu nguyện.
Cầu nguyện ai?
Chúa Trời.
Cầu nguyện Chúa Trời. Cầu ấy có ý nghĩa gì?
Có cái vô biên ở ngoài chúng ta không? Cái vô biên ấy có phải là nhất thể không, có tự nó tồn tại không. Có vĩnh cửu không? Có phải nhất định nó có thể chất bởi vì nó là vô biên và nếu nó thiếu thể chát thì nó bị giới hạn ở đấy? Có phải nhất định nó có trí tuệ bởi vì nó là vô biên và nếu nó thiếu trí tuệ thì nó bị giới hạn ở đấy? Cái vô biên ấy có gọi trong đầu óc ta ý niệm bản chất, trong khi ta chỉ cho ta có ý niệm hiện tồn thôi không? Nói cách khác, có phải nó là cái tuyệt đối mà ta là cái tương đối của cái tuyệt đối ấy?
Trong khi có cái vô biên ở ngoài chúng ta, có một cái vô biên ở trong chúng ta không? Hai cái vô biên ấy (ôi, cái số nhiều kinh khủng) có chồng khít lên nhau không? Cái vô biên thứ hai có phải nằm liền sát dưới cái vô biên thứ nhất không? Nó có phải là tấm gương, phản ảnh, tiếng vang, vực thẳm đồng tâm của một cái vực thẳm khác không? Cái vô biên thứ hai là trí tuệ như cái vô biên thứ nhất không? Nó có tư duy không? Nó có yêu không? Nó có ý chí không? Nếu cả hai cái vô biên đều có trí tuệ, mỗi cái đều có một cái nguyên tố tự quyết và có một cái “tôi” trong cái vô biên ở trên cũng như một cái “tôi” trong cái vô biên tầng dưới: cái “tôi” tầng dưới là linh hồn, cái “tôi” tầng trên là Chúa. Thông qua tư duy, làm cho cái vô biên tầng dưới tiếp xúc với cái vô biên tầng trên, thế là cầu nguyện.
Ta đừng tước đi của trí tuệ con người một cái gì cả… Hủy bỏ đi là không tốt! Phải cải tạo và cải biến. Có những năng khiếu của con người hướng về Cõi vô tri: tư duy, mơ mộng, cầu nguyện. Cõi vô tri là đại dương. Lương tri con người là cái gì? Là địa bàn trong Cõi vô tri. Tư duy, mơ mộng, cầu nguyện, đó là những tia huyền bí. Hãy tôn trọng những tia ấy. Những tia huy hoàngấy của linh hồn đi tới đâu? Tới bóng tối, nghĩa là tới ánh sáng.
Cái vĩ đại của chế độ dân chủ là không phủ định, không phủ nhận cái gì của nhân loại. Bên cạnh quyền Người, ít ra có quyền của Linh hồn.
Chà đạp những tín ngưỡng cuồng điên và tôn sùng vô biên, đó là luật đời. Chúng ta không tự giới hạn chúng ta ở việc quỳ gối trước cái gốc cây “Tạo hóa” và chiêm ngưỡng những cành lá mênh mông, đầy tinh tú của nó. Chúng ta có một bổn phận: rèn cặp linh hồn con người bảo vệ cái huyền bí chống cái “phép màu”, tôn thờ cái điều ta không thể hiểu và gạt bỏ cái vô lý, chỉ thừa nhận là không thể lý giải được cái gì cần thiết, làm cho tín ngưỡng trở nên lành mạnh, dọn sạch hết mê tín dị đoan chồng chất lên tôn giáo. Tóm lại bắt sâu cho cây của Chúa.
Hết: Chương V, Xem Tiếp: Chương VI
|