…..

…..

Victor Hugo

Những Người Khốn Khổ (2)

Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU 
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch

PHẦN THỨ NHẤT

PHĂNG TIN (Fantine)
QUYỂN I
MỘT CHÍNH NHÂN QUÂN TỬ

Chương X

ÔNG GIÁM MỤC ĐỨNG TRƯỚC
MỘT ÁNH SÁNG KHÁC LẠ

…..

Sau bức thư nói trên kia được ít lâu, ông giám mục làm một việc, theo dư luận thành phố, còn liều lĩnh hơn việc đi qua vùng núi non của bọn lục lâm nữa.
Ở vùng nông thôn kế cận thành Đinhơ, có một ông già sống đơn độc. Người ấy, xin nói ngay cái tiếng ghê gớm, nguyên là một tay có chân trong viện Quốc ước (Nguyên văn: Conventionnel, nghĩa là một dân biểu trong viện Quốc ước. Viện này đã thiết lập chế độ cộng hòa, phế và xử tử Lui thứ XVI, thi hành chuyên chính để bảo vệ cách mạng, bảo vệ nước Pháp). Tên ông ta là G.
Xã hội nhỏ bé thành Đinhơ nói đến G. một cách ghê tởm. Một tay cách mạng, các ngài tưởng tượng được chăng? Ngữ ấy sống ở cái thời người ta mày tớ với nhau và gọi nhau là công dân kia, công dân nọ. Có thể nói hắn là một con quái. Chính tay hắn không bỏ phiếu giết vua, nhưng cũng gần như thế. Hắn là một con người ghê gớm. Tại sao, lúc các vị hoàng thân chính thống về nước, người ta lại không lôi nó ra tòa án đặc biệt mà xử? Đã đành là không xử tử, vì có chính sách khoan hồng, nhưng ai cấm giáng cho nó một cái án chung thân phát vãng! Cũng phải làm một cái gì để răn người chứ!… Vả lại, hắn là một tên vô thần chủ nghĩa, cũng như cả bè lũ chúng – Bầy ngỗng bàn tán về con kên kên.
Nhưng G. có phải là con kên kên không? Đúng là một con kên kên, nếu như người ta nhìn đến cảnh cô độc cục cằn của hắn. Hắn không biểu quyết xử tử vua nên không bị đày biệt xứ. Hắn được ở lại nước Pháp.
Hắn ở cách thành phố độ bốn mươi lăm phút, xa làng mạc, xa đường cái, trong một nếp thung lũng hẻo lánh, hoang vu. Người ta bảo là ở đấy có một mảnh đồng, giống như một cái ổ, một thứ xào huyệt. Không có láng giềng, cũng chẳng bao giờ có khách tạt qua. Từ khi hắn đến ở đó thì con đường mòn qua lại cũng bị cỏ che lấp. Người ta ghê rợn nói đến chỗ ấy cũng như nói đến cái nhà của một tên đao phủ.
Nhưng ông giám mục nghĩ đến hắn và thỉnh thoảng nhìn về phía lùm cây ở chân trời là chỗ thung lũng hắn ở, ông nói “ở nơi kia có một linh hồn hiu quạnh”.
Và trong thâm tâm ông nghĩ: “Ta cần phải đi thăm hắn”.
Phải nhận thấy rằng cái ý ấy lúc đầu có vẻ rất tự nhiên, nhưng lâu dần càng suy nghĩ ông càng thấy kỳ quặc, phi lý, có phần ghê tởm nữa. Bởi vì, nói cho đúng, ông không thoát khỏi cảm tưởng chung của mọi người. Đối với người cách mệnh ấy ông muốn xa lánh, nghĩa là ông gần như thù hằn hắn ta, nhưng điều này tự ông không thấy rõ lắm.
Ghẻ của con chiên có làm cho người mục đồng xa lánh nó không? Nhưng con chiên này nó thế nào ấy!
Ông giám mục băn khoăn lắm. Một đôi khi, ông dời bước đi về phía ấy, rồi thình lình ông quay gót.
Thế rồi một hôm, người ta xì xào là chú bé mục đồng giúp việc cho tên sát nhân già kia ra phố mời thầy thuốc, là hắn bị bệnh bại liệt sắp chết, có lẽ không qua được đêm nay.
Một đôi người thêm: may mắn làm sao!
Ông giám mục lấy gậy, khoác áo dạ ngoài vì chiếc áo thâm của ông quá sờn cũ và gió đêm sắp thổi lạnh, rồi ông ra đi.
Trời đã ngã về chiều, mặt trời sắp lặn, ông giám mục mới đến nơi bị loại bỏ. Khi nhận ra là đã đến gần miệng ổ, ông không thể giữ cho trống ngực khỏi đánh. Ông bước qua một cái hào, đi hết một hàng giậu, nâng một dàn nho lên vào một khu vườn hoang tàn, mạnh dạn bước mấy bước và ở cuối vườn, sau một bụi cây rậm, cái hang ổ hiện ra đột ngột.
Đó là một túp lều thấp, nghèo nàn, bé nhỏ mà sạch sẽ, mặt trước có một giàn nho.
Trước cửa, trong chiếc ghế xe cũ kỹ, loại ghế nông dân, một ông già tóc bạc đang ngồi mỉm cười với mặt trời.
Bên cạnh ông già có một chú mục đồng. Nó đưa cho ông một bát sữa.
Trong lúc ông giám mục lặng lẽ nhìn, ông già nói với chú bé:
– Cám ơn chú, ta không cần gì nữa hết.
Ông không cười với mặt trời nữa, quay sang mỉm cười với chú bé.
Ông giám mục bước tới. Nghe tiếng động, ông già quay lại và mặt ông tỏ vẻ ngạc nhiên, với cái lượng ngạc nhiên còn lại sau một cuộc đời dằng dặc. Ông nói:
– Từ khi tôi về đây đến nay, lần này là lần đầu tiên có người đến nhà tôi. Thưa ông, ông là ai?
Ông giám mục đáp:
– Tôi là Biêngvơnuy Mirien.
– Biêngvơnuy Mirien! Tôi đã nghe nói đến tên ấy. Ông có phải là người mà dân chúng gọi là Đức Cha Biêngvơnuy đó chăng?
– Chính tôi.
Ông già cười nụ:
– Thế thì ông là giám mục của tôi?
– Hình như thế.
– Mời ông vào.
Người cách mạng đưa tay, nhưng ông giám mục không bắt. Ông chỉ nói:
– Tôi lấy làm sung sướng nhận thấy rằng người ta đã dối tôi. Ông không ốm đau gì thì phải.
– Tôi sắp khỏi rồi.
Ông già nghĩ một tí rồi nói tiếp:
– Ba tiếng đồng hồ nữa thì tôi chết.
Ông lại nói:
– Tôi cũng hơi biết nghề làm thuốc ít nhiều. Tôi biết người thế nào là sắp chết. Hôm qua tôi chỉ thấy lạnh ở hai bàn chân; sáng nay lạnh lên đến gối; bây giờ tôi cảm thấy nó lên đến thắt lưng rồi; khi nó lên đến tim thì tôi ngừng sống. Mặt trời đẹp quá phải không ông? Tôi bảo đẩy tôi ra đây để nhìn vạn vật một lần cuối. Ông cứ nói chuyện đi, nghe chuyện không làm cho tôi mệt đâu. Ông đến xem một con người sắp chết là tốt đấy. Lúc chết mà có một người làm chứng cho mình thì cũng hay! Ai cũng có những tật riêng. Tôi, thì tôi muốn gắng đến sáng hãy đi, nhưng xem ra chỉ còn được sống ba tiếng nữa là cùng. Tôi sẽ nhắm mắt vào lúc đêm tối. Nhưng cần quái gì! Chết là một chuyện đơn giản, cần gì phải có ánh bình minh mới chết được! Đành thế. Tôi sẽ nhắm mắt dưới ánh sao.
Ông già quay về phía chú mục đồng:
– Con đi ngủ đi con. Con đã thức đêm hôm qua, hôm nay con phải mệt.
Chú bé bước vào trong lều.
Ông già nhìn theo nó, nói một mình:
– Khi nó ngủ thì tôi chết. Cũng là giấc ngủ cả, có thể ở bên cạnh nhau lắm chứ!
Ông giám mục không cảm động như ở mọi trường hợp khác. Ông cảm thấy không có Chúa trong cái lối chết này. Vả lại cũng cần phải nói hết, nói cả những mâu thuẫn vụn vặt trong những tâm hồn vĩ đại! Ông giám mục hơi phật ý vì không được gọi là Đức Cha, tuy cũng có khi ông đem tiếng Ông lớn ra cười cợt. Ông toan gọi người cách mạng già là: công dân. Ông thoáng có ý muốn sỗ sàng cộc lốc, như nhiều thầy thuốc và cố đạo, tuy ông không quen cái lối ấy. Chung qui, con người ấy, tay cách mạng ấy, dân biểu ấy, đã một thời lẫy lừng quyền thế; cho nên, có lẽ đầu tiên trong đời, ông giám mục muốn có thái độ nghiêm khắc.
Người cách mạng thì đối với ông chân tình và khiêm nhượng; trong thái độ của ông, người ta cảm thấy vẻ khiêm tốn của một người biết mình sắp trở thành cát bụi.
Ông giám mục thường tránh tọc mạch vì ông cho tọc mạch cũng gần như xúc phạm người ta. Nhưng ông không thể không chú ý quan sát người cách mạng. Ông chú ý nhưng không phải vì có cảm tình cho nên đối với một người nào khác mà ông chú ý như thế tất lương tâm ông sẽ cắn rứt. Nhưng một tên cách mạng theo ông thì còn luật lệ nào che chở cho, cả đến luật nhân ái nữa.
Ông G. bình tĩnh, nửa thân trên vươn thẳng, giọng nói sang sảng. Ông thuộc về cái hạng ông già tám mươi cứng cáp làm các nhà sinh lý học kinh ngạc. Cách mạng đã có nhiều người như thế, những người cũng to lớn như thời đại. Nhìn ông, người ta cảm thấy đó là một con người đã qua trăm rèn nghìn luyện. Cử chỉ dáng điệu của ông là của con người khỏe mạnh, tuy ông sắp chết trong giây lát. Tia mắt trong sáng, giọng nói chắc nịch, cái nhún vai hùng mạnh của ông làm cho thần Chết thất vọng, làm cho quỉ sứ bắt vong phải quay trở về vì ngỡ mình lầm cửa. Ông G. chết hình như là vì ông vui lòng muốn chết thôi. Trong cách hấp hối của ông, có sự chủ động. Chỉ có chân ông là cứng đờ: U minh nắm ông ở đôi chân ấy. Hai bàn chân chết lạnh nhưng đầu vẫn sống một cách mãnh liệt, chói ngời ánh sáng. Trong giờ phút nghiêm trọng ấy, ông G. giống như ông vua trong chuyện cổ tích đông phương nọ, phần trên người là xương thịt, phần dưới là đá hoa.
Ông giám mục ngồi lên phiến đá bên cạnh. Đoạn khai đề khá đột ngột (Nguyên văn Latinh: ex abrupto), ông khen mà giọng như là khiển trách:
– Tôi mừng cho ông. Dẫu sao, ông đã không bỏ phiếu xử tử hoàng thượng.
Nhà cách mạng có vẻ như không để ý đến những gì chua chát ẩn đằng sau hai tiếng “dẫu sao”. Ông không cười nụ nữa. Ông trả lời:
– Ông chớ nên quá khen tôi. Tôi đã bỏ phiếu kết liễu bạo chúa.
Giọng nghiêm lạnh đối với giọng nghiêm khắc.
– Ý ông định nói gì? – Ông giám mục hỏi.
– Tôi muốn nói rằng con người có một bạo chúa: đó là sự ngu dốt. Tôi đã bỏ phiếu kết liễu tên bạo chúa đó. Tên bạo chúa đó đã đẻ ra chế độ quân chủ; quân chủ là uy thế xây dựng trên sai trái, trí thức là uy thế xây dựng trên cái đúng, cái chân. Chỉ có trí thức mới xứng đáng điều khiển con người.
– Và lương tâm – ông giám mục thêm.
– Cũng là một. Lương tâm là cái lượng tri thức bẩm sinh ở mỗi chúng ta.
Ông giám mục nghe luận điệu quá mới mẻ này thì hơi ngạc nhiên.
Nhà cách mạng nói tiếp:
– Còn việc giết Lui thứ XVI thì tôi bỏ phiếu chống. Tôi nghĩ rằng tôi không có quyền giết người. Nhưng tôi có nhiệm vụ tiêu diệt cái xấu. Tôi bỏ phiếu thủ tiêu bạo chúa, nghĩa là thủ tiêu chế độ mãi dâm đối với đàn bà, thủ tiêu chế độ nô lệ đối với đàn ông, thủ tiêu đêm tối đối với con trẻ. Biểu quyết cho chính thể cộng hòa, tôi đã biểu quyết cái đó. Tôi biểu quyết cho bác ái, cho đồng tâm, cho bình minh! Tôi góp sức đánh đổ các thành kiến và sai lầm. Thành kiến và sai lầm đổ xuống thì hào quang hiện lên. Chúng tôi đây là những người lật đổ thế giới cũ là một hũ chứa đau khổ, cái hũ ấy đổ úp lên nhân loại thì thành một bình chứa niềm vui trong lành.
– Trong lẫn đục.
– Ông nên gọi là niềm vui bị vẩn đục và ngày nay sau cái năm 1814 (Năm phục hưng quân quyền ở Pháp sau thời kỳ Cách mạng và thời kỳ đế chế) mà người ta gọi là sự hồi phục tai ngược của dĩ vãng, niềm vui tan biến. Than ôi! Công trình dang dở! Thật vậy, chúng tôi đả phá chế độ cũ trong việc làm nhưng chúng tôi không tiêu diệt được nó hoàn toàn trong tư tưởng. Tiêu diệt các tệ hại chưa đủ, phải thay đổi cả phong tục. Cái cối xay gió không còn, nhưng gió vẫn tồn tại.
– Các ông đã hủy phá tất cả. Hủy phá có thể có ích, nhưng tôi không tin sự phá hủy trong giận dữ.
– Thưa ông giám mục, công lý có lúc phải phẫn nộ và sự phẫn nộ của công lý là yếu tố của tiến hóa. Người ta muốn nói gì thì nói, mặc, cách mạng Pháp vẫn là bước tiến vĩ đại nhất của nhân loại từ khi Chúa Giêsu ra đời. Dang dở, đúng, nhưng mà tuyệt vời. Nó đã phát hiện tất cả những bài toán xã hội. Nó đã làm cho trí não con người dịu đi: nó vỗ về, trấn tĩnh, soi sáng; nó giội lên mặt đất từng dòng suối văn minh. Nó là một điều hay. Cách mạng Pháp là lễ tức vị của nhân loại.
Ông giám mục không thể không lẩm bẩm:
– Thật vậy ư? Còn năm 93! (Năm viện Quốc ước thi hành chuyên chính cao độ để bảo vệ chế độ cộng hòa mới xây dựng và lãnh thổ nước Pháp bị uy hiếp. Bọn phản đối lấy cớ là có nhiều máu đổ để công kích cách mạng và tranh thủ bọn không lập trường)
Nhà cách mạng ngồi thẳng người lên với một vẻ nghiêm trang hầu như ảm đạm. Ông lấy hết hơi sức của một người sắp chết, thét lên:
– Ồ! Tôi biết mà! Năm 93! Phải đấy, tôi đợi ông nói lên cái tiếng ấy. Một đám mây mù vầy vẩn đằng đẵng một nghìn năm trăm năm. Thế rồi sau mười lăm thế kỷ nó bị đánh tan. Ông, ông muốn lên án tiếng sét đánh tan mây mù.
Ông giám mục cảm thấy mình có một chỗ yếu nào đó đã bị đánh trúng. Cố để không nao núng, ông đáp:
– Quan tòa nhân danh công lý mà nói, cố đạo vì nhân ái mà nói; nhân ái không gì khác là hình thái công lý tối cao. Sấm sét không nên đánh lầm.
Ông nhìn đăm đăm vào mặt nhà cách mạng, hỏi tiếp:
– Thế Lui XVII? (Con Lui XVI, cháu nội Lui XV là một ông vua bị dân chúng ghét nhất. Lui XVII bị giam trong ngục và chết năm 1793, lúc lên 10 tuổi.)
– Lui XVII? Xem nào! Ông thương khóc ai? Thương khóc em bé vô tội à? Thế thì được. Tôi cũng thương khóc với ông. Hay là ông thương khóc hoàng tử Lui? Hãy để cho tôi xem lại. Đối với tôi, đứa bé em thằng Cactut (một tên tướng cướp lừng danh), một thằng bé vô tội bị buộc qua nách treo lên ở pháp trường cho đến chết, chỉ vì cái tội là em Cactut, đứa bé ấy cũng đáng thương xót như đứa cháu vua Lui XV là một thằng bé vô tội bị hành hạ trong ngục Tăngpơlơ, vì cái tội ác duy nhất là cháu nội Lui XV.
– Thưa ông, tôi không thích người ta so sánh như thế.
– Cactut? Lui XV? Ông kêu thiệt thòi cho Cactut hay Lui đấy?
Yên lặng trong giây lát. Ông giám mục gần như hối tiếc là mình đã trót đến đây, tuy nhiên ông lờ mờ cảm thấy mình nao núng, nao núng một cách khác thường.
Nhà cách mạng lại nói:
– Ồ! Ông cố đạo không ưa nghe nói trắng sự thật. Nhưng Chúa Giêsu ngày trước lại ưa. Chúa cầm một cái roi đập bụi cho điện thờ. Cây roi chớp hào quang của Chúa nói sự thật lên không vị nể. Khi Chúa kêu: Để trẻ đến với ta (Nguyên văn Latinh: Sinite parvulos). Chúa không phân biệt những đứa trẻ con. Chúa không ngần ngại ghép con của Barabat với con của Hêrốt (Barabas: một tên sát nhân, cũng bị giam với Giêsu; Herode: vua Giuyđê, đã kết án Giêsu). Thưa ông, sự trong trắng tự nó đã là một chiếc mũ bình thiên, sự trong trắng không cần đến cái tước điện hạ. Sự trong trắng rách rưới cũng tuyệt vời cao quí như sự trong trắng khoác long bào.
Ông giám mục nói khẽ:
– Đúng thế!
– Tôi nhấn thêm nữa. Ông nhắc đến Lui XVII. Chúng ta hãy thống nhất với nhau. Chúng ta có khóc tất cả những người vô tội, những kẻ tử nạn, tất cả những trẻ em, bất kỳ là thường dân hay quí tộc không? Khóc thế thì tôi tham dự. Nhưng như thế thì phải đi ngược dòng lịch sử tận trước năm 93, trước Lui XVII để bắt đầu thương xót. Tôi khóc con vua chúa với ông nếu như ông chịu khóc con dân nghèo với tôi.
– Tôi khóc tất cả những đứa bé ấy.
Ông G. la lớn:
– Đồng đều như nhau! Mà nếu cán cân cần phải nghiêng về một bên nào, tôi mong rằng nó sẽ nghiêng về bên dân chúng. Dân chúng đã chịu khổ lâu hơn.
Lại yên lặng. Rồi người cách mạng cất tiếng trước. Ông chống khủy tay, nhỏm người lên, beo một chút thịt bên má như người ta thường làm một cách vô tình khi người ta hỏi cung hay là kết án. Cặp mắt tập trung tàn lực, ông chất vấn ông giám mục. Cuộc chất vấn thật là nẩy lửa:
– Thật thế, thưa ông, dân chúng đau khổ đã lâu đời lắm rồi. Nhưng thôi, đó không phải là vấn đề. Tôi muốn hỏi ông, ông đến đây chất vấn tôi và nói chuyện Lui XVII để làm gì? Tôi không quen biết ông. Từ khi đến xứ này tôi luôn ở trong khu vườn nhỏ này, chỉ một mình, không bước chân ra ngoài, chẳng trông thấy ai ngoài chú bé giúp việc cho tôi đó. Tên tuổi ông, tôi có phong phanh nghe đến thật và tôi công nhận rằng những tiếng đồn về ông không đến nỗi xấu. Nhưng cái ấy cũng vị tất có nghĩa lý gì. Những người khôn khéo có bao nhiêu cách lấy lòng anh dân đen ngay thật! Nói đến đây mới nhớ rằng tôi không nghe tiếng xe của ông đến, có lẽ ông để xe ở ngoài khu rừng, ở chỗ rẽ chăng? Tôi nhắc lại là tôi không biết ông. Ông nói ông là giám mục, nhưng cái ấy cũng không làm cho tôi biết gì hơn về nhân phẩm của ông. Tóm lại, tôi nhắc lại câu hỏi của tôi: Ông là ai? Ông là một vị giám mục, tức là một bậc vương tước trong giáo hội, một khách lầu son gác tía, có gia huy, có lợi tức, có bổng lộc rất hậu. Tước giám mục thành Đinhơ lĩnh mười lăm nghìn phơrăng lương chính, mười nghìn phơrăng lộc, tổng cộng hai vạn rưỡi. Ông có bồi bếp phục dịch, có quân hầu áo nâu, trên bàn ăn toàn là cao lương mỹ vị, thứ sáu thì xơi chim cuốc, cái hạng mũ áo nghênh ngang, đi xe ngày hội, có kẻ hầu ngựa nhân danh Chúa Kirixitô đi chân đất! Ông là một vị trọng chức trong giáo hội. Bổng lộc, dinh thự, ngựa xe, kẻ hầu người hạ, mỹ vị cao lương, tất cả những thứ khoái lạc của cuộc sống, ông đều có như những vị trọng chức khác và ông cũng hưởng thụ như họ. Tốt lắm, nhưng các cái ấy nói nhiều hoặc chưa nói đủ. Nó không giúp tôi thấy sáng cái giá trị chính, cái giá trị thực chất của ông, là người có lẽ có tham vọng đến đây để dạy không cho tôi. Tôi đương nói chuyện với người nào đây? Ông là ai vậy?
Ông giám mục cúi đầu, đáp:
– Một con giun đất. (Nguyên văn Latinh: Vermis sum)
Nhà cách mạng lầm bầm:
– Hừ, giun đất đi xe tứ mã!
Bây giờ đến lượt nhà cách mạng kiêu hãnh, mà ông giám mục thì nhún nhường.
Ông giám mục dịu dàng nói luôn:
– Cũng được. Nhưng xin ông giải thích cho tôi điều này: Xe của tôi đỗ đằng sau lùm cây vài bước, bàn ăn của tôi có cao lương mỹ vị, có chim cuốc ngày thứ sáu, bổng lộc của tôi đến hai mươi lăm nghìn phơrăng, tôi có dinh thự, có kẻ hầu người hạ, tại sao những thứ ấy lại chứng minh rằng lòng thương người không phải là một đức tốt, lượng bao dung không phải là một nghĩa vụ và năm 93 không phải là đã quá tàn nhẫn?
Nhà cách mạng đưa tay qua trán như để xua đi một đám mây mù:
– Trước khi trả lời ông, tôi tha thiết xin ông thứ lỗi cho tôi. Tôi vừa có lỗi. Ông vào nhà tôi, ông là khách. Tôi có bổn phận phải đối xử lịch sự với ông. Ông không thừa nhận ý kiến tôi, lẽ ra tôi chỉ cần bác bỏ các luận điểm của ông mà thôi. Sự giàu sang, hưởng thụ của ông là những ưu thế cho tôi trong cuộc tranh luận nhưng không dùng đến cái ưu thế ấy mới là lịch sự. Tôi hứa sẽ không dùng đến nữa.
– Xin cám ơn ông.
Ông G. lại nói:
– Bây giờ thì chúng ta hãy trở lại cái việc ông yêu cầu tôi giải thích. Chúng ta đã dừng lại ở chỗ nào nhỉ? Ông đã nói thế nào? Rằng năm 93 quá tàn nhẫn phải không?
– Tàn nhẫn, đúng. Việc Mara (Marat: một trong những lãnh tụ trứ danh của cách mạng Pháp. Chí công vô tư, không nhân nhượng đối với kẻ thù của cách mạng. Marat rất được dân chúng tin yêu) vỗ tay hoan nghênh cái máy chém, ông nghĩ thế nào?
– Ông nghĩ thế nào đối với việc Bôtxuyê (Bossuet: giám mục ở triều đình Lui XIV, xuất thân đại quí tộc, đã có nhiều bài giảng và điếu văn văn hoa và đầy hình ảnh, làm cho văn học sư Pháp kể ông vào hàng nhà văn; Nguyên văn Latinh: To Deum) hát bài Tụng chúa cho bọn lính đầu rồng chém chết tín đồ đạo Cải cách?
Câu trả lời thật là độc địa, nó xỉa ngay vào đích như một mũi kiếm thép. Ông giám mục rùng mình. Ông không biết đánh trả thế nào, nhưng ông thấy phật ý vì cái cách nói về Bôtxuyê. Những người sáng suốt nhất vẫn có những thần tượng của họ và khi luận lý của người khác xúc phạm đến những người họ sùng bái thì họ cảm thấy như đau.
Nhà cách mạng bắt đầu thở dốc. Đàm suyễn của người hấp hối chen lấn vào những hơi thở cuối cùng làm cho lời nói bị đứt quãng. Nhưng nhìn vào cặp mắt người ta thấy tinh thần của ông hoàn toàn minh mẫn. Ông nói tiếp:
– Tôi còn muốn nói một đôi câu đây đó nữa. Nói chung cách mạng là một sự tự khẳng định vĩ đại của nhân loại; than ôi! 93 là một đòn trả miếng. Ông thấy 93 tàn nhẫn, nhưng còn tất cả thời kỳ quân chủ thì thế nào, thưa ông? Cariê là một tên tướng cướp, còn Môngtroven thì ông gọi là gì? (Trong câu này và mấy câu sau, tên đầu chỉ một nhân vật thời cách mạng, tên sau chỉ một nhân vật thời quân chủ, đều có tên trong lịch sử) Phukiê Tanhvinh là một thằng khốn, nhưng đối với Lamoanhông Bavin, ông nghĩ thế nào? Mayda xấu xa, nhưng còn Xô Tavan? Lão Đuysên hung tợn, thế thì ông định dùng tiếng gì để gọi lão Lơtenliê? Giuốcđăng – chặt – đầu – người là một con quái vật, tuy thế hắn còn ít quái hơn là hầu tước Luvoa. Ông ơi, tôi thương hại Mari Ăngtoanét đại công tước và hoàng hậu, nhưng tôi cũng thương người đàn bà khốn nạn theo đạo Cải cách dưới triều vua Lui XIV kia. Năm 1685 người đàn bà có con đương bú ấy bị lột trần đến rốn, trói vào một cây trụ, con chị bị giữ lại cách xa ở trước mặt chị; vú chị ứ đầy sữa, tim chị ứ đầy đau thương. Đứa hài nhi xanh xao đói khát càng thấy vú càng kêu la giẫy chết. Tên đao phủ bảo với người đàn bà, người mẹ, người vú sữa ấy: “Bỏ đạo của mày đi!” Như thế là nó bắt chị hoặc bỏ con chết, hoặc bỏ tín ngưỡng. Dùng cái khổ hình của Tăngtan (Theo thần thoại Hy lạp, thì Tăngtan vì xúc phạm thần linh, bị thần linh phạt mãi mãi đứng bên một dòng sông, dưới cái cây đầy quả. Đói khát quá, đưa tay hái quả thì cành cây nhích lên cao, cúi xuống uống nước thì dòng sông cạn) đối với một người mẹ như thế, theo ý ông, là thế nào? Thưa ông, ông nên nhớ rằng cách mạng Pháp có những l‎ý lẽ của nó. Đời sau sẽ tha thứ cho cơn phẫn nộ của nó. Kết quả đem lại là một thế giới tốt đẹp hơn. Nó sát phạt ghê gớm nhưng kết quả là nhân loại được vỗ về an ủi. Tôi nói vắn tắt thôi. Tôi xin dừng, bởi vì chân lý ở về phía tôi rõ rệt quá. Vả lại tôi thấy người tôi sắp chết rồi.
Ông không nhìn ông giám mục nữa; ông kết thúc ý kiến bằng mấy lời bình tĩnh sau đây:
– Những vùng vẫy thô bạo của tiến hóa là những cuộc cách mạng. Qua rồi, người ta nhìn thấy điều này: là nhân loại bị giày vò nhưng nhân loại đã tiến lên.
Nhà cách mạng không ngờ rằng mình vừa lần lượt hạ hết các đồn lũy trong tư tưởng ông giám mục. Tuy thế, Đức Cha Biêngvơnuy cũng còn một vị trí cố thủ cuối cùng và từ vị trí ấy ông phóng ra một câu cũng nghiệt ngã như lúc ban đầu:
– Tiến hóa phải tin ở Chúa. Không thể làm điều lành mà không tín Chúa. Một người hướng đạo của nhân loại mà theo chủ nghĩa vô thần là một người hướng đạo hỏng.
Vị dân biểu già không trả lời. Ông run run. Ông nhìn lên trời và một giọt lệ tụ dần trong khóe mắt. Khi giọt lệ đã đầy mắt, nó chảy xuống cái má trắng nhợt; ông nói khe khẽ, nói một mình, gần như bập bẹ, mắt đăm đăm vào cõi sâu thẳm xa xôi:
– Lý tưởng ơi! Chỉ có mày là có thật!
Ông giám mục thấy trong người rung động một cách khó nói.
Sau giây lát im lặng, ông già chỉ một ngón tay lên trời, nói:
– Có vô biên. Vô biên ở đấy. Nếu vô biên không có bản ngã , thì bản ngã đã là giới hạn của vô biên. Nhưng vô biên tồn tại. Như thế là nó có bản ngã. Bản ngã của vô biên là Chúa.
Ông già hấp hối nói mấy câu rất to tiếng, giọng rung lên vì ngây ngất say mê, y như thấy một người nào hiển hiện. Ông nói xong thì nhắm mắt lại. Ông đã gắng quá nên kiệt sức. Rõ ràng là trong giây phút ấy, ông đã sống hết cả mấy giờ còn lại của số mệnh ông. Những lời ông vừa nói kéo ông lại gần với Đấng ở thế giới bên kia. Giờ phút tối hậu đã đến.
Ông giám mục biết thế. Thời giờ rất là khẩn trương mà ông, ông đến với tư cách là một cố đạo. Từ chỗ cực kỳ lãnh đạm lúc ban đầu, ông đã dần dần hóa ra cực kỳ xúc động. Ông nhìn cặp mắt nhắm, ông nắm bàn tay già, nhăn nheo lạnh buốt, ông nghiêng đầu xuống mặt người hấp hối:
– Giờ phút này là giờ phút của Chúa. Ông có thấy rằng chúng ta gặp nhau mà không được việc gì thì rất đáng tiếc hay không?
Nhà cách mạng mở mắt. Mặt ông vừa nghiêm trang vừa có vẻ sầm tối. Ông nói chậm rãi, chậm rãi vì phẩm cách tâm hồn hơn là vì kiệt sức:
– Thưa ông giám mục, tôi đã trọn đời suy nghĩ, học hành, chiêm niệm. Khi tôi sáu mươi thì Tổ quốc gọi tôi và ra lệnh cho tôi tham gia việc nước. Tôi đã tuân lệnh. Đời có tệ hại, tôi đánh đổ tệ hại; có cường quyền, tôi tiêu diệt cường quyền; có công lý và chính nghĩa, tôi tuyên dương và truyền giảng công lý và chính nghĩa. Lãnh thổ tổ quốc bị xâm lấn, tôi chiến đấu bảo vệ lãnh thổ; nước Pháp bị uy hiếp, tôi đem ngực tôi hiến cho nước Pháp. Trước kia tôi không giàu, bây giờ tôi nghèo. Tôi đã là một trong những người cầm đầu nhà nước; kho tàng công khố lúc ấy đầy ứ tiền, đến nỗi phải mang gỗ chống đỡ các bức tường chỉ chực vỡ tung vì trọng lượng vàng bạc; nhưng tôi vẫn ăn cơm ở phố Cây Khô mỗi bữa hăm hai xu. Tôi cứu người bị áp bực, tôi vỗ về người đau khổ. Tôi đã xé khăn phủ bàn thờ Chúa, đúng thế, nhưng là để băng bó những vết thương của tổ quốc. Tôi luôn ủng hộ nhân loại tiến lên ánh sáng và một đôi khi tôi đã chống những bước tiến chà đạp lên nhân tính. Cũng có khi tôi bênh vực cho chính kẻ thù của tôi, là các ông đấy. Ở Phơlăngđrơ, nơi vua chúa Mêrôvanhgiêng dựng lầu nghỉ mát, có một tu viện; tôi đã bảo toàn cho tu viện ấy năm 1793. Tôi đem hết sức tôi để làm nhiệm vụ và làm việc phải. Sau đó tôi bị đuổi đi, bị truy, bị lùng, bị khủng bố, bị bôi nhọ, bị chế giễu, bị phỉ nhổ, bị nguyền rủa, bị khai trừ ra ngoài vòng pháp luật. Đã bao năm rồi tôi cảm thấy có khối người tưởng là có quyền khinh bỉ tôi, mặc dù đầu óc tôi bạc phơ. Quần chúng tối tăm nhìn mặt tôi như nhìn mặt một tội nhân dưới địa ngục. Tôi không thù hằn ai, tôi cam nhận cảnh cô độc người ta đã tạo ra cho tôi vì thù ghét. Ngày nay tôi đã tám mươi sáu tuổi; tôi sắp chết. Thế thì ông đến đây để yêu cầu tôi cái gì?
– Được ban phúc cho ông – ông giám mục nói.
Rồi ông quì xuống.
Khi ông ngẩng đầu lên thì vẻ mặt nhà cách mạng trông rất oai nghiêm. Ông đã qua đời.
Về nhà, ông giám mục đăm chiêu suy nghĩ. Suốt đêm ông cầu nguyện, sáng hôm sau một đôi người tò mò đánh bạo hỏi chuyện ông về nhà cách mạng G., ông giám mục không nói, chỉ đưa tay chỉ lên trời. Từ độ ấy ông càng yêu thương săn sóc người dân cùng và những kẻ đau khổ.
Ai nói xa nói gần đến “tên vô lại G.” cũng làm cho ông băn khoăn một cách kỳ dị. Không ai có thể nói được sự gặp gỡ giữa bộ óc ấy và bộ óc ông, giữa trái tim lớn ấy và trái tim ông có giúp phần nào cho ông đi đến cái đạo đức hoàn hảo ngày hôm nay không.
Việc đi thăm tất nhiên là một đầu đề cho các cuộc họp ngồi lê đôi mách ở địa phương. Họ bảo với nhau:
– Một con người như thế chết, có đáng cho một giám mục đến bên giường để an ủi không? Quân ấy tất nhiên còn biết cảm hóa theo Chúa là cái gì mà mong! Cả cái lũ cách mạng ấy là đồ tà đạo. Thế thì còn kể đến làm gì? Ông đến để xem cái gì ở đấy? Phải công nhận rằng ông giám mục quả thật là tò mò, ông muốn biết cái cách quỷ sứ bắt linh hồn như thế nào.
Một hôm, một bà quả phụ quí tộc, thuộc cái loại hỗn xược mà tưởng là mình hóm hỉnh, nói với ông câu mỉa mai này:
– Bẩm Đức Cha, người ta muốn biết bao giờ thì Đức Cha đội mũ chụp đỏ.
– Ồ! Ồ! Đó là một màu sắc to lớn – ông giám mục đáp – Cũng may mà những kẻ khinh bỉ cái màu đỏ trên mũ chụp lại sùng thượng cái màu đỏ trên mũ có vành. (Mũ chụp đỏ là mũ của những người làm cách mạng 1789 đội. Mũ đỏ có vành là mũ của các giáo chủ, chức vị ở trên chức giám mục)
Hết: Chương X, Xem Tiếp: Chương XI
Tìm Kiếm