…..

Victor Hugo

Những Người Khốn Khổ (2)

Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU 
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch

PHẦN THỨ NHẤT

PHĂNG TIN (Fantine)
QUYỂN II
SA NGÃ

Chương I

SAU MỘT NGÀY ĐƯỜNG

…..

Vào thượng tuần tháng mười năm 1815, một giờ trước lúc mặt trời lặn, có một người khách đi bộ vào thành phố Đinhơ nhỏ bé. Dăm ba người hàng phố khi ấy còn đứng ngoài cửa sổ, hoặc ở ngưỡng cửa, đưa mắt nhìn người bộ hành, vẻ nghi ngại. Khó mà thấy một người đi đường tồi tàn hơn thế! Hắn ta khoảng trên bốn mươi lăm tuổi, người tầm thước, to ngang và vạm vỡ trông đương sung sức. Chiếc mũ cát-két có lưỡi trai bằng da sụp xuống trán che khuất một phần khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Chiếc sơ-mi vải thô màu vàng, cổ cài mỏ neo bạc, để lòi ra một cái ngực đầy lông. Chiếc cà-vạt vặn lại như mẩu thừng. Cái quần bằng vải to màu xanh đã cũ nát, một bên gối bạc phếch và một bên bị thủng. Cái áo khoác cũ màu xám, rách mướp một bên khủyu tay và một miếng da xanh khâu bằng dây gai. Trên lưng một chiếc ba lô quân đội còn mới nguyên đầy ắp và buộc kỹ lưỡng. Tay cầm chiếc gậy gộc có đốt, chân không tất đi một đôi giày đinh. Đầu húi trọc, râu để dài.
Con người đã tồi tàn như thế lại cuốc bộ ngoài nắng mồ hôi mồ kê ướt đẫm, bụi bặm đầy mình, nên càng thêm vẻ ghê tởm.
Đầu thì húi trọc, nhưng tóc lổm chổm vì mới mọc mà hình như gần đây không được húi.
Chẳng ai biết rõ hắn ta. Cố nhiên hắn chỉ là một kẻ qua đường. Nhưng hắn ở đâu tới? Từ miền Nam. Có lẽ là từ miền bể. Vì hắn vào thành phố Đinhơ cũng bằng con đường mà bảy tháng trước đây Hoàng đế Napoleon đã đi qua khi từ Can đến Paris. Chắc hắn đã cuốc bộ suốt ngày nên coi vẻ mệt mỏi lắm. Mấy người đàn bà ở phố cũ phía Nam đã thấy hắn nghỉ lại dưới rặng cây ở đường Gátxăngđi và vục nước máy ở đầu đường mà uống. Hẳn là hắn khát lắm, vì lũ trẻ con đi theo thấy hắn dừng lại cách đấy hai trăm bước, ở máy nước sân chợ và uống nữa.
Đến góc phố Poasơve hắn rẽ sang trái và tiến về phía thị sảnh. Hắn vào và mười lăm phút sau lại ra. Một người lính sen đầm ngồi trên tấm ghế để cạnh cửa ra vào, chiếc ghế mà hôm mùng bốn tháng ba tướng Đôruô đã trèo lên và đọc cho quần chúng nhân dân thành Đinhơ đang kinh hoàng tờ tuyên ngôn của Napoleon làm ở vịnh Gioăng. Hắn bỏ mũ khúm núm cúi chào. Người lính không chào lại, chăm chú nhìn hắn, trông theo hắn một lúc rồi bỏ đi vào trong công quán.
Ngày ấy ở Đinhơ có một hàng cơm lịch sự là hiệu Croa đờ Cônba. Chủ quán, Giacanh Laba cũng là một tay được vị nể trong thành phố vì y có họ với một anh Laba khác, anh này là chủ hàng cơm Troa Đôphanh ở Grơnốp và đã từng phục vụ trong đội quân hướng đạo. Dạo hoàng đế đổ bộ lên đất liền, trong xứ người ta đồn nhiều điều về hàng cơm Troa Đôphanh này lắm. Có người kể rằng tướng Béctrăng, (Bertrand: tướng phụ tá của Napoleon, rất trung thành, đã theo Napoleon trong bước suy vong cho đến lúc cuối cùng và đã mang di cốt của vua mình về nước Pháp) cải trang làm phu xe bò, vào tháng giêng năm ấy, thường hay đi lại trong vùng và phân phát nhiều huân chương cho lính tráng và từng vốc bạc cho bọn thị dân. Sự thật là khi Napoleon vào Grơnốp, ngài đã từ chối không đến ngự ở thị sảnh. Ngài cám ơn ông thị trưởng và nói: “Tôi đến nhà một người tốt mà tôi quen biết”, rồi đi đến quán cơm Troa Đôphanh. Cái vinh dự của anh Laba ở hàng cơm Troa Đôphanh chiếu xa ngoài hai mươi dặm đến tận cái anh Laba ở quán cơm Croa đờ Cônba. Hàng phố người ta thường chỉ trỏ: “Ấy, ông này là em họ của ông Laba ở Grơnốp đó”.
Anh chàng đi về phía hàng cơm ấy là nơi chứa trọ tốt nhất miền. Hắn bước thẳng vào bếp ngay cạnh đường. Tất cả các hỏa lò đang đỏ rừng rực; trong lò sưởi củi cháy ngùn ngụt. Chủ quán vừa là đầu bếp, hết thổi lửa lại xem các xoong chảo, đang tíu tít sửa soạn bữa cơm ngon cho bọn phu xe tải hàng đang cười nói ầm ĩ ở buồng bên. Ai đã từng đi nhiều đều biết rằng chẳng có khách hàng nào háu ăn ngon bằng đám phu xe tải. Một chiếc xiên dài có con cu li béo, hai bên kèm một dây gà gô và gà rừng, đang quay trên lò lửa. Trong nồi hai con chép lớn hồ Lôze và một con cá quả hồ Alôzơ đang âm ỉ.
Nghe cửa mở và có khách mới vào, chủ quán mắt không rời bếp, hỏi:
– Ông cần gì?
– Ông cho ăn cơm và ngủ lại.
– Vâng, dễ thôi – Bấy giờ chủ quán mới quay ra, nhìn người khách từ đầu đến chân một lượt rồi thêm:
– Chỉ cần trả tiền.
Khách thò tay vào túi áo khoác lấy ra một chiếc ví da to:
– Tiền đây.
– Thế thì xin có.
Khách bỏ ví da vào túi, bỏ chiếc ba lô ra, đặt xuống đất gần bên cửa rồi xách gậy đến ngồi trên chiếc ghế đẩu gần lò sưởi. Thành phố Đinhơ ở miền núi, đêm tháng mười thường lạnh.
Trong khi ấy, chủ quán vừa đi đi lại lại vừa ngắm kỹ khách.
– Đã sắp có cơm chưa? – Khách hỏi.
– Lát nữa.
Trong khi khách ngồi sưởi, quay lưng lại thì viên chủ quán Laba móc túi lấy cây bút chì, xé một tờ báo cũ trên chiếc bàn con cạnh cửa sổ, viết một vài dòng gì đó vào chỗ mép trắng rồi gấp lại đưa cho một chú bé, chừng vừa là phụ bếp vừa là người đánh xe. Chú quán ghé vào tai thằng bé nói thầm một câu, thằng bé liền cắm đầu chạy về phía thị sảnh.
Khách không hay biết gì cả, lại hỏi:
– Đã gần có cơm chưa?
– Một lát nữa.
Thằng bé cầm mảnh giấy trở về. Chủ quán đang nóng chờ câu trả lời, vội vàng mở ra xem. Hắn ra vẻ chăm chú đọc, rồi lắc đầu suy nghĩ một lúc. Rồi hắn bước lại gần người khách đang trầm ngâm, ra dáng lo lắng, âu sầu:
– Này ông, tôi không tiếp ông được.
Khách giật mình nhổm lên:
– Sao vậy? Anh sợ tôi không có tiền trả à? Hay là tôi đưa trước cho anh nhé? Tôi đã nói tôi có tiền mà.
– Không phải thế.
– Thế thì tại làm sao?
– Ông có tiền…
– Phải.
– Nhưng tôi thì tôi không có phòng.
Khách ôn tồn bảo:
– Cho tôi xuống chuồng ngựa vậy.
– Không được.
– Sao thế?
– Chuồng ngựa đầy ngựa rồi.
– Thôi thì một xó trên gác xép cũng được. Một ổ rơm là đủ mà. Ăn xong rồi ta sẽ hay.
– Tôi không thể dọn cơm cho ông ăn được.
Câu trả lời khoan thai, nhưng cứng cỏi, làm cho khách biết có gì nghiêm trọng đây. Khách đứng dậy:
– Thế à! Nhưng tôi đói lả rồi đây này. Cuốc bộ những mười hai dặm từ sáng sớm đến giờ. Tôi có quịt đâu, tôi cần ăn mà.
– Trong nhà chả còn thức gì cả?
Khách phì cười, quay sang phía lò sưởi và chỗ bếp:
– Không còn gì! Thế những cái kia?
– Đấy là của người ta đặt trước.
– Ai đặt?
– Các ông phu xe tải hàng đây.
– Họ có bao nhiêu người?
– Mười hai.
– Đến hai mươi ăn cũng đủ nữa là.
– Nhưng họ đã giữ hết và trả tiền trước cả rồi.
Khách lại ngồi xuống, ôn tồn:
– Đây là hàng cơm, tôi đói, tôi cứ ở lại.
Chủ quán bèn ghé vào tai khách, nói bằng một giọng làm cho khách phải giật mình:
– Đi ngay đi.
Lúc ấy khách đang cúi xuống, lấy đầu gậy bịt sắt vun mấy cục than hồng trong lò lửa, bỗng quay ngoắt lại. Khách vừa mở miệng định trả lời thì chủ quán nhìn chằm chằm vào mặt, vẫn thấp giọng nói tiếp:
– Này, đừng nhiều lời nữa. Anh có muốn tôi nói tên anh ra không? Anh là Giăng VanGiăng. Anh còn muốn tôi lôi lý lịch anh ra ư? Lúc anh thoạt vào, tôi đã hơi ngờ ngờ, tôi sai người ra hỏi ngoài thị sảnh, thì người ta đã trả lời rồi đấy. Anh có đọc được không?
Chủ quán vừa nói vừa đưa cho khách xem mảnh giấy mở sẵn vừa mới từ hàng cơm đưa ra thị sảnh và từ thị sảnh trở về hàng cơm. Khách đưa mắt nhìn qua. Chủ quán đứng lặng một lát rồi bảo:
– Tôi đây vẫn quen đối xử nhã nhặn với mọi người. Mời anh đi cho.
Khách cúi đầu, nhặt chiếc ba lô để dưới đất rồi bước ra.
Hắn cứ dọc theo đường phố lớn đi thẳng một mạch về phía trước, chẳng biết mình định đi đâu, men sát theo các tường nhà, như người bị sỉ nhục và buồn rầu. Ở cửa hàng cơm, anh chủ quán, có bọn khách trọ và người qua đường vây quanh, đang đứng trông theo và chỉ trỏ, nói năng huyên thuyên. Người kia không hề ngoái cổ. Giá hắn ngoái cổ trông lại thì cứ vẻ mặt nghi ngờ và kinh hãi của cả đám người ấy, có lẽ hắn đoán biết rồi đây chả mấy chốc cả thành phố sẽ nhốn nháo lên vì hắn.
Hắn không nhìn thấy gì về cảnh ấy cả. Người đang đau khổ có quay nhìn lại sau lưng bao giờ! Họ biết thừa vận đen vẫn theo đuổi họ.
Hắn cắm đầu đi như thế trong hồi lâu, lang thang hết phố này sang phố khác, chẳng biết đâu là đâu, quên cả mệt nhọc, như một người đang cơn buồn bực. Bỗng nhiên hắn thấy bụng đói cồn cào. Trời lại sắp tối. Hắn đưa mắt nhìn quanh xem may chăng có nơi nào trọ được.
Hàng quán lịch sự thì đã cấm cửa hắn rồi; hắn định tìm một quán rượu nào thật tồi tàn, thật xơ xác.
Vừa lúc ấy, một ánh lửa lóe lên ở đầu phố; một cành thông treo lủng lẳng trên cái cần sắt (đó là dấu hiệu một quán trọ) in rõ trên nền trời hoàng hôn màu trăng trắng. Hắn nhắm hướng đó đi tới.
Thì ra là một quán rượu, quán rượu phố Sapphô.
Hắn dừng lại một lúc, đưa mắt nhìn vào bên trong qua cửa kính. Căn phòng thấp của ngôi hàng đang có chiếc đèn con trên bàn và lửa cháy rần rật trong lò sưởi chiếu sáng. Vài ba người đang uống rượu. Chủ quán ngồi sưởi. Một chiếc nồi sắt treo trên lò lửa sôi sùng sục.
Quán rượu này đồng thời là quán cơm. Vào ra có hai cửa, một cửa trông ra đường cái, một cửa thông ra cái sân con đầy ắp phân tro.
Hắn không dám vào cửa trước. Hắn lẻn vào trong sân, tần ngần một lúc rồi khe khẽ nâng then lên, đẩy cánh cửa. Chủ quán hỏi:
– Ai đấy?
– Một người muốn ăn cơm và nghỉ trọ.
– Được. Ở đây có chỗ ăn và chỗ ngủ.
Hắn bước vào. Bọn khách đang đánh chén quay cả lại. Hắn đứng giữa, một bên có ánh đèn chiếu sáng, một bên có ánh lửa. Trong khi hắn loay hoay bỏ chiếc ba lô trên vai xuống thì mọi người đều nhìn hắn chăm chú.
Chủ quán bảo:
– Lò sưởi đây, bữa tối trong nồi kia. Anh bạn lại mà sưởi cho ấm.
Hắn đến ngồi sát bên lò sưởi, duỗi thẳng đôi chân đi bộ đau dừ ra trước đống lửa. Trong nồi mùi thức ăn bay ra thơm phức. Trên khuôn mặt khuất sau chiếc mũ lưỡi trai đội thụp xuống, phảng phất một vẻ gì khoan khoái lẫn trong cái dáng đau thương của con người từng quen khổ nhục.
Thực ra, nhìn một bên, nét mặt hắn rắn rỏi, cương quyết và rầu rầu. Kể ra cũng phức tạp: thoạt trông thì hình như khúm núm, nhìn kỹ lại như nghiêm nghị. Hai con mắt sáng quắt dưới bộ lông mày, trông chẳng khác gì ánh lửa dưới bụi rậm.
Trong bọn khách đang ngồi ở quán có một anh hàng cá, trước khi đến quán này đã qua nhà hàng Laba để gửi ngựa. Tình cờ xui khiến y gặp người lạ mặt khả nghi này lúc ban sáng đang thất thểu ở quãng đường từ Bradat đến… (tôi quên mất tên chỗ này, hình như là Etcublông thì phải). Chả là khi gặp y, người bộ hành đã có vẻ mệt nhọc lắm rồi, có xin y cho ngồi nhờ sau yên ngựa: y chẳng nói chẳng rằng cứ ra roi thúc ngựa. Nửa giờ trước đây, y lại có mặt trong đám đông, vây quanh Giacanh Laba và chính miệng y đã thuật lại việc gặp gỡ bực mình ban sáng cho mọi người ở cửa hàng Croa đờ Cônba nghe. Y ngồi yên tại chỗ, ra hiệu ngầm cho chủ quán. Chủ quán ghé lại gần, hai người thì thầm với nhau một vài lời. Người khách lạ đang thừ người ra nghĩ ngợi.
Chủ quán trở lại chỗ lò sưởi, đột ngột đặt bàn tay lên vai hắn, bảo:
– Mày đi ngay ra khỏi nhà này.
Hắn quay lại nhẹ nhàng đáp:
– À! Hóa ra anh cũng biết ư?
– Phải.
– Bên nhà hàng kia không tiếp tôi.
– Và nhà hàng này thì đuổi mày đi.
– Ông bảo tôi đi đâu bây giờ?
– Đi chỗ khác.
Người lạ mặt cúi nhặt chiếc gậy và xách ba lô đi. Mấy đứa trẻ con đi theo hắn từ nhà hàng Croa đờ Cônba vẫn đứng chờ ở ngoài, thấy hắn bước ra thì nhặt đá ném theo. Hắn nổi giận quay trở lại, giơ chiếc gậy ra dọa, lũ trẻ mới chịu chạy tản ra như một bầy chim.
Hắn đi qua nhà lao. Cổng nhà lao có treo một sợi xích buộc vào một cái chuông. Hắn nắm dây giật. Một cửa con mở ra. Hắn bỏ mũ kính cẩn:
– Ông gác ơi! Ông làm ơn mở cửa cho tôi và cho tôi trọ đỡ đêm nay.
Có tiếng trả lời:
– Nhà pha không phải là quán trọ. Anh cứ làm cho người ta bắt giam anh đi. Tôi sẽ mở cửa cho.
Cửa con đóng lại.
Hắn rẽ sang một phố nhỏ có nhiều khu vườn. Có nơi bên ngoài chỉ có hàng rào cây trông cũng vui mắt. Giữa quãng vườn tược, rào giậu ấy, hắn nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ một tầng, gác có ánh sáng chiếu lọt qua cửa sổ. Hắn lại dòm qua cửa kính như lúc đứng trước quán rượu ban nãy. Bên trong là một căn phòng rộng quét vôi trắng, một chiếc giường có trải nệm bọc vải hoa, một chiếc nôi trẻ con ở góc nhà, mấy cái ghế gỗ và khẩu súng săn hai nòng treo trên tường. Giữa phòng, bàn ăn đã bày sẵn. Ánh sáng cây đèn đồng tỏa lên tấm khăn bàn vải thô màu trắng, chiếu lên cái bình thiếc lấp loáng như bạc đựng đầy rượu và liễn xúp màu nâu khói lên nghi ngút. Bên bàn, một người đàn ông trạc độ bốn mươi, nét mặt tươi vui, đang đùa với đứa con nhỏ nhún nhảy trên đùi mình. Bên cạnh người vợ trẻ măng vạch áo cho một đứa trẻ khác bú. Anh chồng cười, đứa con cười, chị vợ mỉm cười.
Người lạ mặt mơ màng ngắm cảnh gia đình đầm ấm ấy một lúc lâu. Hắn đang nghĩ ngợi gì vậy? Riêng chỉ có hắn biết được mà thôi. Có lẽ hắn cho rằng gia đình vui vẻ này hẳn là hiếu khách và ở một nơi tràn đầy hạnh phúc như thế hẳn sẽ tìm được một chút tình thương chăng.
Hắn gõ khẽ vào cửa kính.
Không ai nghe tiếng.
Hắn gõ lần nữa.
Có tiếng người vợ bảo chồng:
– Này mình, hình như có ai gọi cửa.
Chồng đáp:
– Đâu có.
Hắn lại gõ lần thứ ba.
Người chồng đứng dậy, cầm đèn ra mở cửa.
Chủ nhà người cao lớn, nửa ra vẻ nông dân, nửa ra vẻ thợ thủ công. Anh khoác một chiếc tạp dề rộng bằng da, bên trái che lên đến ngang vai. Phần trên tạp dề bỏ đồ đạc cộm lên như một cái túi, có chiếc nịt da ở lưng giữ lại: một cái búa, một chiếc khăn tay đỏ, một bao thuốc súng và đủ thứ linh tinh nằm trong đó. Anh nghiêng đầu ra phía sau, chiếc sơ mi cổ rộng trễ xuống để lộ ra cái cổ trần, lực lưỡng và trắng nõn. Anh có đôi lông mày rậm, bộ râu quai nón đen nhánh, cặp mắt lồi, cái cằm nhọn, vẩu và trên tất cả cái dáng thoải mái của con người đang ở nhà mình, một dáng điệu rất khó tả.
– Thưa ông, xin lỗi ông. Ông có thể cho tôi một đĩa xúp nhỏ và một xó trong nhà xe ở ngoài vườn kia để ngủ qua đêm nay không? Tôi xin gửi tiền hầu ông. Thưa ông, có được không? Tôi xin trả tiền ông.
Chủ nhà hỏi:
– Anh là ai.
– Tôi ở Puy Moaxông đến đây. Tôi đi bộ suốt từ sáng đến giờ, kéo bộ hàng mười hai dặm đường. Thưa ông, có được không? Tôi xin trả tiền mà.
– Người lương thiện xin trọ mà lại trả tiền khá thì việc gì mà từ chối? – người nông dân đáp – Nhưng sao anh lại không vào nhà hàng?
– Nhà hàng không còn chỗ.
– Không còn chỗ? Có lý nào. Hôm nay có phiên chợ chính hay phiên chợ xép gì đâu. Thế anh đã vào Laba chưa?
– Đã.
– Thế sao?
Người lạ mặt lúng túng:
– Không biết tại sao, họ không chịu tiếp tôi.
– Anh đã lại nhà hàng anh gì ở phố Sapphô chưa?
Người lạ mặt lại càng thêm lúng túng. Hắn ngập ngừng:
– Ở đấy họ cũng không tiếp.
Chủ nhà sinh nghi, nhìn người lạ mặt từ đầu đến chân, rồi bất thần kêu lên, giọng như ríu:
– Dễ thường anh là cái người mà…
Anh đưa mắt nhìn người lạ mặt lần nữa, rồi lùi lại ba bước, đặt cây đèn xuống bàn, với tay lấy khẩu súng trên tường.
Nghe tiếng chồng kêu: “Dễ thường anh là cái người mà…” chị vợ vội đứng dậy, ôm lấy hai con chạy đến nấp sau lưng chồng, không kịp kéo áo che ngực, cặp mắt hốt hoảng, nhìn về phía người lạ mặt, miệng lẩm bẩm:
– Quân cướp đạo.
Bấy nhiêu việc hình dung ra thì dài song chỉ xảy ra trong chốc lát. Chủ nhà dò xét người lạ mặt một lúc như người ta quan sát một con rắn lục, rồi trỏ ra phía cửa bảo:
– Cút đi.
– Van ông, xin một cốc nước.
– Có họa một phát súng!
Nói xong, anh đóng sập cửa lại. Người lạ mặt nghe rõ anh ta kéo cả hai cái then lớn cài cửa. Một lát sau, cửa sổ cũng đóng nốt và có tiếng gióng sắt chặn cửa vang ra ngoài.
Trời mỗi lúc một thêm tối. Gió núi thổi về lạnh buốt. Trong ánh sáng lờ mờ của ngày tàn, người lạ mặt thấy trong một khu vườn ở gần đường có cái gì giống một cái lều đắp bằng đất cỏ. Hắn quả quyết trèo qua hàng rào gỗ đi vào trong vườn. Đến gần thì thấy lều chỉ có một lỗ nhỏ ra vào ở sát đất, trông giống túp lều của phu lục lộ thường dựng dọc đường cái. Thôi đích là cái lều của phu lục lộ, có lẽ hắn nghĩ thế. Bấy giờ hắn vừa đói lại vừa rét; đói thì hắn đành ôm bụng chịu vậy, nhưng rét thì ít nhất cũng tạm ẩn vào đây được, vì lều của phu lục lộ thì ban đêm thường bỏ không. Hắn bèn nằm sấp xuống chui vào. Trong lều ấm lắm, lại có cả ổ rơm khá êm. Hắn nằm duỗi dài trên ổ, mệt quá không cựa quậy nổi. Một chốc sau thấy cái ba lô ở sau lưng vướng víu khó chịu, hắn nghĩ nếu đem kê làm gối thì hay quá nên với tay cởi dây đeo. Bỗng có tiếng gầm gừ dữ tợn vang lên. Hắn nhìn ra thì thấy đầu một con chó kếch xù hiện ra trong bóng tối ngay chỗ lỗ ra vào.
Thì ra đó là cái ổ chó.
Hắn vốn lực lưỡng và là một tay không vừa. Hắn vớ lấy cây gậy, giơ ba lô lên làm cái khiên, rồi cố lách ra khỏi chuồng, mặc cho quần áo bị tươm nát thêm. Hắn cũng luồn ra khỏi vườn, nhưng vừa lùi vừa hoa gậy theo thế võ mà bọn nhà nghề mệnh danh là thế che hoa để dọa con chó.
Khi chật vật lắm mới vượt được hàng rào gỗ ra ngoài đến đường cái, hắn lại càng thấy mình trơ vơ không nhà, không cửa, không nơi nương tựa, thậm chí chui vào cái ổ chó khốn nạn nằm lên rơm của chó, mà cũng bị chó đuổi ra. Hắn ngồi phịch xuống một hòn đá. Hình như lúc ấy có người đi qua nghe thấy hắn than thở:
– Thân ta thật không bằng một con chó!
Một lát sau hắn lại đứng dậy bước đi. Hắn đi ra khỏi thành phố, hy vọng tìm được gốc cây hay đống rạ ngoài đồng trú tạm.
Hắn cắm đầu đi một lúc lâu. Khi đã thấy xa nơi nhà cửa có người ở rồi, hắn mới ngước mắt nhìn quanh một lượt. Thì ra hắn đang ở giữa cánh đồng. Trước mắt là một quả đồi thấp gặt xong, còn trơ gốc rạ trông như cái đầu húi trọc.
Chân trời tối mịt. Đêm đã đến. Lại thêm những đám mây rất thấp, trông như tựa trên đỉnh đồi và đang lan ra, tỏa dần khắp trời. Trăng sắp mọc, ngang trời cũng còn mơ hồ chút ánh sáng thừa của hoàng hôn, nên từ các vòm mây, ánh sáng heo hắt ấy lại tỏa xuống cánh đồng.
Mặt đất thành ra trông rõ hơn nền trời và cái đó gây ra một cảnh tượng ghê rợn. Quả đồi trơ trọi mảnh mai in hình mờ nhạt lên chân trời tối sầm trước mặt. Dưới ruộng, trên đồi không còn cái gì khác ngoài một thân cây hình dáng kỳ dị đang quằn quại run rẩy ở ngay gần người rảo bước.
Cố nhiên hắn không phải là một con người thông minh, tế nhị, quen cảm xúc trước những vẻ bí ẩn cuả tạo vật, nhưng trong cảnh trời, cảnh đồi, cảnh đồng ruộng, cả hình dáng gốc cây ấy lúc bấy giờ đều như có cái gì tiêu điều vô hạn, khiến hắn phải lặng người đi, mơ màng một lúc rôi bỗng quay gót trở lại. Lắm khi thiên nhiên cũng có vẻ thù ghét con người là thế. Hắn qauy lùi về đường cũ. Bấy giờ cổng thành đã đóng. Đinhơ trước kia, hồi chiến tranh tôn giáo đến nhiều lần đương đầu với nhiều cuộc bao vây, nên đến năm 1815 hãy còn giữ những tường lũy cũ, với các lô cốt vuông đã bị phá từ dạo ấy. Hắn trèo qua chỗ tường đổ trở vào trong phố.
Lúc ấy vào khoảng tám giờ tối. Đường sá không thuộc nên hắn lại vẫn lang thang như trước. Đi mãi đến dinh tỉnh trưởng rồi đến chủng viện. Khi qua quảng trường nhà thờ lớn, hắn hằn học giơ quả đấm lên nhà thờ.
Ở góc quảng trường có một nhà in. Đây là nơi in đầu tiên các bản tuyên cáo của hoàng đế và của quân ngự lâm gửi cho quân đội. Các bản tuyên cáo này từ đảo Enbơ mang về do đích thân Napoleon đọc cho người ta chép.
Cuối cùng thấy trong người rã rời, lại hết phương mong mỏi, hắn đến nằm lăn trên chiếc ghế đá trước cửa nhà in.
Một bà già từ trong nhà thờ đi ra, thấy hắn nằm trong bóng tối, cất tiếng hỏi:
– Ông bạn kia làm gì ở đây?
Hắn nổi xung gắt:
– Phúc đức chưa! Bà không thấy à? Nằm ngủ chứ còn làm gì nữa!
Bà già là hầu tước phu nhân R, vốn là người phúc đức thật. Bà tiếp:
– Nằm trên ghế đá này à?
– Mười chín năm nằm đệm gỗ, nay nằm nệm đá cũng được chứ sao?
– Trước anh đi lính à?
– Phải, đi lính.
– Sao lại không vào quán trọ?
– Tôi không có tiền.
– Rủi quá – bà R. nói – tôi chỉ còn bốn xu trong ví!
– Không hề gì, cứ cho tôi.
Hắn cầm tiền. Bà R, lại bảo:
– Bấy nhiêu cũng không đủ trả tiền trọ đâu. Nhưng anh đã hỏi thử chỗ nào chưa? Chứ nằm cả đêm trên ghế này thế nào được! Chắc anh đang đói và rét. Người ta cũng có thể làm phúc cho anh ngủ nhờ chứ?
– Tôi đã gõ hết cửa mọi nhà rồi.
– Thế sao?
– Đâu họ cũng đuổi.
Bà già phúc đức, chạm tay người lạ mặt, chỉ cho hắn ngôi nhà thấp nhỏ ở bên kia quảng trường, cạnh dinh giám mục:
– Anh bảo anh gõ cửa khắp các nhà rồi phải không?
– Phải.
– Vậy anh đã gõ cửa nhà kia chưa?
– Chưa.
– Đến gõ đấy xem.
Hết: QUYỂN II – Sa Ngã – Chương I, Xem Tiếp: Chương II

Tìm Kiếm